Hôm nay,  

Buồn Vui Nơi Xứ Người

08/02/200900:00:00(Xem: 161339)

Buồn Vui Nơi Xứ Người

Tác giả: Trần Lệ Khanh
Bài số 2527-16208604 vb820809

Tác giả là cư dân Toronto nhưng bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô kể chuyện những năm đầu định cư tại Mỹ, của một gia đình đoàn tụ theo diện bảo lãnh. Mong Trần Lệ Khanh sẽ tiếp tục viết.

***
"Chạy lẹ lên, xe buýt kia kìa." Chỉ cần câu nói vắn tắt thôi. Cả nhóm người co giò chạy nước rút như các vận động viên trong cuộc thi marathon giật giải Olympic để bắt kịp cái xe buýt đang trờ tới.
Giờ tan sở, đám người ùa nhau ra khỏi khu hảng xưởng. Chắng ai muốn bị lỡ chuyến xe vì mọi người đều ớn ngại nỗi ngóng chờ xe buýt trong mùa đông buốt giá. Nơi tôi định cư là vùng phía bắc của nước Mỹ, mùa đông kéo dài vài tháng với lớp tuyết chồng chất cao như gò, lạnh lắm. Trãi qua mùa đông đầu tiên, tôi đã thấm sợ khí hậu khắc nghiệt ở nơi này.
 Tôi lạch bạch chạy như một con vịt ở phía cuối đàn. Mấy người bạn đồng nghiệp đã bước lên xe, nhờ họ dềnh dàng moi móc trong túi tấm vé tháng trình cho ông tài xế, tôi mới đủ bắt kịp chuyến xe buýt.
 "Nhanh nhanh lên, đi gì chậm quá vậy." Tiếng chị Ba cằn nhằn tôi.
Chị đã nhanh chân bước lọt vào phía trong của xe buýt mà vẫn ngóai đầu lại để trông chừng xem tôi đã lên xe chưa.
Thấy chị có vẻ quạu cọ, tôi cười giả lả "Ừa, bị em mắc rửa tay nên ra trễ."
Tôi quen dần với sự gắt gỏng của chị Ba. Hơi đâu cãi lại chị ấy. Tôi biết chị Ba không vui với cuộc sống hiện tại. Nhưng có buồn thì cũng có giải quyết được gì đâu" Ở bên nhà, chị em tôi mỗi người có một cái xe gắn máy, đâu đến nỗi vất vả chờ xe, đâu có cảnh chạy rượt theo xe buýt như thế này. Chưa kể là những công việc ở hảng xưởng đã khiến chúng tôi mệt phờ người, hết còn thấy Bắc Mỹ là thiên đường hứa hẹn nữa.
Thoạt đầu khi mới đến thành phố ít người Việt này, chúng tôi ở chung với người bảo lảnh (là anh Hai tôi). Tuy nhiên, sự đông người trong căn nhà gây ra nhiều điều không hay khiến chúng tôi phải mướn apartment để ra riêng.
Đó là một căn chung cư gồm hai phòng ngủ, ba má tôi ở một phòng, căn phòng lớn còn lại  dành cho hai chị em tôi. Má tôi cứ than thở hoài "Biết thế này thì không đi nước ngoài đâu". Phải thôi, ở Việt Nam gia đình tôi có cuộc sống tương đối đầy đủ. Thỉnh thoảng có vài thùng hàng từ nước ngoài gửi về, cuộc sống của chúng tôi được xếp vào loại khá giả so với nhiều người khác trong xã hội VN. Chúng tôi đâu phải chen chúc trong căn hộ nhỏ hẹp như cái hộp quẹt trong khu building bình dân với đủ sắc dân Tàu, Mễ, Ấn, Miên.... Nhớ lại hồi ở Việt Nam, mỗi khi nhìn toà cao ốc mười mấy tầng lầu ở đường Nguyễn Huệ, trung tâm thành phố Sài gòn, tôi thường mong ước được đứng trên tầng lầu cao để nhìn quang cảnh thành phố. Mình sẽ thấy cái xe nhỏ xíu, con người nhỏ xíu, mọi vật sẽ thu lại từ trên cao nhìn xuống, hẳn sẽ thú vị vô cùng.
Vậy mà cái cao ốc ở Sài gòn nhằm nhò gì so với chiều cao cái building mà tôi đang ở. Căn chung cư này có đến 35 tầng lầu lận, cao hơn căn cao ốc ở Sài gòn nhiều. Rõ ràng tôi đang ở nhà cao, cửa rộng cho dù đó không phải là nhà của mình. Từ căn hộ tôi ở, thuộc tầng thứ 29, tôi được ngắm nhìn quang cảnh phía dưới. Quả là mọi vật bé nhỏ như tôi đã nghĩ. Ước mơ của tôi đã thành đạt, nhưng hỏi tôi có vui với nó không, thì tôi trả lời không. Bởi lẽ căn hộ chung cư ghi dấu những ngày tháng mà chúng tôi có nhiều nỗi buồn hơn là điều vui. Ở thì ở, vì giá mướn rẻ so với các building khác, nhưng lòng tôi không vui với chỗ ở mới chút nào cả.
Trước hết phải kể đến ba má tôi. Ba tôi ngán ngẫm kiểu sống tù túng của building. Ông chỉ còn nước thở dài ngao ngán. Má tôi thì thét toáng lên vào buổi tối khuya ở tuần lễ đầu tiên trú ngụ. Khuya ấy má tôi mất ngủ, má ra khu bếp định xắp dọn lại đống đồ mới dọn đến. Mới bật đèn lên, má tôi thất kinh hồn vía với đàn gián đang bò lổm nhổm, đen kín mặt bàn bếp. Từng đàn, từng đàn, chúng như đang biểu dương lực lượng hù dọa má tôi vậy. Thấy có ánh đèn sáng, lũ gián chạy tán loạn, càng làm má hoảng hốt hơn nữa, bà không ngăn được tiếng kêu gọi chúng tôi thức dậy, phụ giúp bà giết gián. Giết thì giết, chứ có bao giờ hết. Lũ gián chiếm ngụ cả khu building, cứ thấy có bóng tối là chúng tràn ra hoành hành. Sau buổi khuya ấy, cái bóng đèn ở khu bếp chiếu sáng suốt ngày đêm, ngăn chận phần nào sự hiện diện của đàn gián trong nhà tôi. Tất nhiên, tôi không dám nói với má về bóng dáng của vài chú chuột nhắt lẩn quẩn nơi phòng khách. Nhưng thế nào má cũng biết. Chỉ mong là lúc ấy má đừng kinh hãi la om sòm, e rằng ba sẽ buồn, sẽ xót xa cho vợ con trong cảnh sống chật vật nơi xứ người.
Mới có vài tháng ở trong căn chung cư, má tôi đã chép miệng than "Kiểu này chắc quay trở về Việt Nam sống quá." Tôi không dám nói gì hết. Chao ôi! Sao má  không nhớ lại thời kỳ má mang khoe những tấm hình từ nước ngoài gửi về cho bà con chòm xóm xem. Trong hình, anh Hai tôi trong bộ đồ veston  trang trọng, mắt đeo kính mát, gương mặt rạng rỡ với nụ cười, anh đứng cạnh cái xe hơi láng cóong. Trông anh oai vệ và sang cả sao đâu. Má nói "Sống ở cái xứ bơ sữa dư thừa có khác, thằng Hai mập mạp, nước da sáng rỡ chứ không còn đen nhẽm như hồi ở nhà." Dĩ nhiên, hàng xóm khen không hết lời. Ba má tôi rất hảnh diện về những tấm hình màu của anh Hai tôi. Nhưng tôi không ngắm anh Hai nhiều bằng tôi nghía cái xe hơi xịn trong tấm hình. Khỏi nói, tôi dõng dạc tuyên bố với đám bạn "Tao mà ra nước ngoài, tao mua xe liền cho xem. Xe hơi xứ đó như xe đạp bên mình, ai cũng có hết. Đâu có gì là khó khăn. Nè, xem, tao đã lái xe Dream 2  thì sẽ lái xế xịn mấy hồi. Tụi bây chờ tao gửi hình về xem cái xế hộp của tao nghen."
Nhưng sau vài tháng đầu định cư, tôi nhận ra câu phát biểu của mình coi bộ còn xa vời lắm mới thực hiện được. Tiền mướn nhà chiếm tỉ lệ khá cao so với mức thu nhập của người công nhân. Biết bao giờ mới đủ dành dụm cho một cái xe trong khi tôi nằm nhà dài dài chưa tìm ra việc làm. Mọi chi phí trông mong vào chị Ba, chị là người may mắn sớm kiếm ra việc làm trước nhất. 
Càng nặng gánh gia đình bao nhiêu, chị Ba càng có những lời oán trách về người bảo lãnh bấy nhiêu. Tôi không muốn kể về những buồn phiền lúc chúng tôi ở trong nhà anh Hai. Có lần tôi vô ý nhắc đến anh Hai, Chị Ba gắt lên: "Đừng nhắc đến ảnh nữa" Đủ biết là chị giận anh Hai đến chừng nào. Nếu còn ở chung với gia đình anh Hai, chúng tôi đâu phải sống chung với lũ gián chuột trong căn chung cư. Bữa hổm tôi lỡ lời khen "Nhà anh Hai đẹp, rộng rãi với vườn tược chung quanh." Chị Ba nói liền "Nhà rộng chứ lòng không rộng." chị còn hấm hứ "Xứ lạnh, tình cũng lạnh luôn."
Tôi hết biết nói sao về sự căng thẳng của chị Ba và anh Hai. Ở chung với chị Ba, hẳn nhiên tôi  nghiêng về phe của chị, xị mặt với anh Hai. Thỉnh thoảng kẹt lắm, tôi mới phôn gọi anh ấy đến đưa rước ba má tôi đi bác sĩ. Lúc chở ba má tôi về, anh Hai dúi cho tôi nắm tiền và nói "Cất đi, từ từ xài." Tôi phân vân khó xử, cầm tiền của anh Hai có nghĩa là tôi đang phản bội chị Ba. Mà không cầm tiền thì coi như khi dễ anh Hai. Tôi phải tính sao đây" Tôi chưa kịp nói gì, anh Hai đã vọt xe chạy biến. Từ đó tôi không còn hùa theo với chị Ba trách móc anh Hai nữa. Tôi giả bộ không nghe chị ấy nói gì, bởi tôi biết chị quá hụt hẫng về đời sống mới. Gánh nặng của bốn người trong một gia đình đổ trên vai chị, hỏi sao chị không cay đắng trong câu nói. 
Ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất trong cuộc sống của chúng tôi. Không có nhiều vốn liếng tiếng Anh, Chúng tôi kiếm việc ở các hảng xưởng, chị Ba được thu nhận vào hảng may trước tôi vài tháng. Chị  ấy giỏi giang lắm. Ở Việt Nam, chị Ba chỉ biết may quần áo vớ vẩn, lọc cọc cái may may đạp chân  có sợi dây chằng vòng theo khung bánh xe ở gầm bàn máy. Thế mà khi qua xứ Canada, chị có thể thích ứng mau chóng với cái máy may công nghiệp chạy nhanh vù vù như tốc độ xe ở highway. Chỉ sau vài tuần huấn luyện, chị Ba đã có thể nhận làm khoán sản phẩm. Điều đó có nghĩa là làm nhanh thì mới có tiền. Tất nhiên, chị cũng phải tập tranh giành với đồng nghiệp lấy hàng may, "Nếu không làm dữ, có nước ăn cháo đó Tư ơi!" Đấy là lời chị kể lại với tôi mỗi khi còn hai chị em với nhau trong phòng. Chị không dám thuật lại cho ba má tôi nghe về những bắt nạt hà hiếp nơi chỗ làm. 
Không tìm được việc, tôi nằm nhà luyện phim mất mấy tháng. Chị Ba giới thiệu tôi vào hãng may chị đang làm khi có đợt đặt mua quần áo rầm rộ. Nếu hãng không cần người một cách cấp bách, chắc tôi đã bị đuổi việc ngay tuần đầu tiên bởi vì tôi không biết may! Lúc bà cai supervisor hướng dẫn tôi tập xử dụng máy may. Cái máy chạy nhanh quá, mũi kim đột xuống rào rào không ngừng nghỉ, tôi hoa cả mắt, không biết lúc nào giử kềm miếng vải, lúc nào buông tay ra, tôi luống cuống suýt đưa ngón tay vào máy. May sao bà Cai ngừng máy kịp thời, chỉ cần chậm một giây thôi, gửi tôi đi bệnh viện là cái chắc. Bà cai hoảng vía với cái tai nạn hụt này của tôi nhưng vì quá thiếu người, tôi vẫn được mướn. Thế là tôi được điều sang khu vực cắt chỉ và đóng gói, là công đoạn cuối cùng của sản xuất. Bởi đó, trong lúc người ta rửa tay chuẩn bị ra về, tôi vẫn còn phải làm cho xong việc. Tôi đành phải đứng phía cuối đoàn người xếp hàng dài thoòng trước cái đồng hồ bấm thẻ. Hỏi sao tôi có thể rời chỗ làm sớm như chị Ba được. 


Gần như giờ tan sở nào cũng vậy, tôi lúp xúp chạy rượt theo xe buýt. Thét rồi, ông tài xế xe buýt quen mặt chúng tôi.  Và hình như ông cũng đoán được câu cằn nhằn của chị tôi qua cái cau mày của chị ấy, ông dùng dình dừng xe đợi tôi bước lên. Tôi nhõen miệng cười với ông ấy thay cho lời cám ơn.
Nói đến rượt theo xe buýt thì tôi phải nói đến dáng đi, người ta thường nói người có tướng đi nhanh thì có số vất vả, nhưng chưa hẳn vậy đâu nha. Chị Ba bước nhanh lắm. Chân chị sãi dài, bước lẹ. Hồi ở Việt Nam chị có như vậy đâu, chị mang giày cao gót, bước đi thong thả yểu điệu thục nữ thấy mồ. Từ khi định cư và làm việc trong hảng xưởng, chị mang giầy thấp để thích hợp với công việc và cả chuyện chạy đua với xe buýt, "Rượt theo xe buýt vài tháng là bước đi sẽ nhanh" chị Ba nói. Chả vậy mà tôi thấy người Việt nào ở đây lâu, đi nhanh hơn người mới qua, có phải vậy không hả" Bằng cớ là chị Ba tôi mới có mấy tháng đi làm đã thuần thuộc phong cách đi đứng của người ở Bắc Mỹ. Mới chuông reo tan giờ làm việc, đã thấy chị phóng thật nhanh ra tới bến xe, mặc cho tôi bị rơi lại phía sau. Chỉ chậm một bước, cái xe buýt chạy mất, tôi phải đi chuyến xe kế tiếp. Tức chết được. Chưa đâu, hậu quả là tôi bị một cơn cảm lạnh, nằm mọp ở nhà mất hai ngày không đi làm, tấm ngân phiếu lương lảnh ra nhẹ hều. Ôi, buồn hiu hắt.
Bước lên xe, tôi đi dần về phía cuối xe buýt tìm chỗ ngồi. Nhờ nhanh chân, tôi còn bắt được cái ghế trống, cách chỗ ngồi của chị Ba không xa lắm. Đôi chân tôi được dịp nghỉ mệt sau một ngày làm việc. Ôi chao, đặt đít ngồi trên ghế, nó khỏe sao đâu. Chút nữa về tới nhà, có cơm do má tôi nấu sẳn, ăn xong tôi lăn ra giường, ngã lưng trên tấm nệm. Nghĩ tới đó, tôi thấy hình như thiên đường có thật trên đất, chẳng cần phải đợi đến ngày già lão, gặp Chúa gặp Phật!
Tôi nhìn qua phía chị Ba, hai mắt chị nhắm lại, vẻ mệt nhọc hiện trên nét mặt. Bơ phờ, nhợt nhạt. Mái tóc chị rủ xuống che khuất cái trán cao của chị. Thường người có trán cao hay được xem là thông minh, nhưng bù lại thì cô đơn, cô độc. Không biết có phải vậy không, chứ cũng vì xuất cảnh, chị Ba không lập gia đình mặc dầu chị đã từng có nhiều anh chàng đưa đón khi ở bên nhà. Bao giờ mùa xuân có lại cho chị tôi nếu chị cứ cắm đầu làm overtime miết.
Tôi bắt gặp trên lớp tóc dí ép của chị Ba, phần chân tóc phơi ra chỗ trắng bạc, tỏ rõ nét tàn héo của một người lập cư ở tuổi muộn màng. Còn đâu mái tóc chải bồng bềnh cầu kỳ của những năm tháng ở bên nhà. Nơi đây, mới buổi sáng sớm tờ mờ chị đã phải tốc chăn, chỗi dây, mặc mấy lớp quần áo cho đủ ấm, xếp vào túi  hộp thức ăn mà má tôi sắp sẳn trong tủ lạnh, xỏ vội đôi giày  ra khỏi nhà, bắt đầu cho một ngày làm việc. Thời giờ đâu để  ngắm vuốt trước gương nữa hở.
Có làm chung với chị Ba, tôi mới thấy sự vất vả mà chị ấy chịu đựng. Những núi quần áo thành phẩm được hoàn tất. Trách sao chị ấy càng ngày càng dễ cáu gắt.
Thấy chị Ba nhắm mắt dưỡng thần, tôi xoay sang bắt chuyện vu vơ với chị bạn đồng nghiệp. Bởi bằng cách đó tôi mới chống trả được cơn thèm ngủ. Kinh nghiệm ngủ trên xe buýt đã cho hai chị em tôi một trận tởn thần. Cũng cái tật nhắm mắt để đó, ai dè, ngủ một giấc ngon lành. Đến lúc tỉnh dậy, mới hay là chúng tôi đã tới trạm xe bus cuối cùng. Ông tài xế không lên tiếng gọi, không biết chúng tôi sẽ ra sao. Chị em tôi lỏn lẻn xuống xe. Tôi lủi thủi chạy theo sau chị Ba trong cảnh tối nhá nhem.
Không biết đi lòng vòng thế nào mà chị em tôi đến một khu vắng queo. Chúng tôi hoảng sợ. Lạ chỗ, lạ đường. "Chết cha rồi! tụi mình đi lạc rồi chị Ba ơi." Tôi lơ láo nhìn xung quanh. Đường xá vắng tanh. Ngọn đèn đường im lìm trên khu phố lạ. Tiếng tăm không rành, làm sao hỏi thăm đường về" Cái túi xách mà tôi thường đựng hộp cơm mang đi làm đã hết thức ăn, nước uống. Nó không còn nặng nề như lúc ban sáng nữa nhưng sao cái quai túi xuệch xọac trên vai tựa như tôi đang gánh nặng hàng trăm kí-lô. Cổ thì khát, bụng thì đói. Trời thì tối hù. Không biết chỗ mình đứng là chỗ nào, làm sao phôn cho anh Hai đến rước! Tôi quýnh quáng ráng lục túi xem còn cái gì khả dĩ cứu giúp được chị em tôi. Tay tôi chạm vào nắm tiền anh Hai dúi cho bữa lâu. Tôi chợt nhớ tới lời anh Hai dặn dò tôi vào buổi đầu tiên tôi đi phố một mình" Đi lạc, cách dễ nhất để về nhà là chìa cái địa chỉ ra cho ông Taxi." Thế là tôi nhói bụng khi móc tiền ra trả cho ông tài xế Taxi lúc xuống xe. Nhớ nha, nhớ không được ngủ quên nữa nha, tôi nhủ thầm. Bước ra khỏi xe taxi, tôi đã thấy ba tôi đang ngóng chờ chúng tôi trước cửa building, đôi mắt người đầy vẻ lo âu. Má tôi rơm rớm nước mắt khi nghe tôi tươm tướp kể chuyện ngủ quên trên xe. Có một điều tôi không dám khai ra, là nhờ có tiền anh Hai cho, tôi mới trả nổi cú taxi.
Chuyến xe buýt thả người xuống và đón thêm khách lên. Càng lúc càng đông người lên xe, những người da trắng cao lớn, dềnh dàng trong tấm áo khóac dầy. Khoảng không gian trên xe bị gom tóm lại. Tôi dè dặt trao đổi nhỏ với chị bạn. Không biết tại sao ở nơi công cộng đông người bản xứ, tôi trở nên lặng lẽ"  Tôi tự ti mặc cảm mình là người da vàng hay tôi đang tập theo nếp sống Tây phương" Bởi vì tôi thấy hình như người Tây phương không ồn ào nói cười nơi chốn công cộng. Tôi khám phá ra điều đó khi bắt gặp cái nhìn của một bà Mỹ sồn sồn ném về phía tôi lúc tôi lớn tiếng cười nói. Không biết bà ấy khó chịu hay bà ấy ngạc nhiên" Nhưng dù gì tôi hiểu rằng, nói một ngôn ngữ lạ nơi chốn đông người không phải là điều tốt cho lắm.
*
Sự di chuyển bằng xe buýt của chúng tôi chấm dứt sau ba năm tôi đi làm. Với số tiền dành dụm, dứt khoát tôi phải thực hiện giấc mơ của mình là có một cái xe. Nhưng tôi không dám đứng cạnh chiếc xe để chụp hình như tôi đã từng hứa với đám bạn bè bên quê nhà. Bởi lẽ cái xe của tôi rất cũ. Với cái xe đã hơn mười tuổi cũ, lớp sơn bóng đã không còn, vài mảng rỉ sét đã hiện ra rõ ở quanh vùng bánh xe, chụp hình với cái xe này có mà mắc cỡ, tôi thầm nghĩ. Đợi bao giờ khá giả tôi sẽ đổi cái xe mới hơn, tự an ủi thế đi.
Chỉ cần có một cái xe, tôi không còn  cảnh chạy theo xe buýt, không còn phải chờ xe dưới cái lạnh cắt da, vui mừng siết bao. Vậy mà tôi vẫn bị một trận cảm lạnh trong tuần lễ đầu tiên mới mua xe. Bữa đó anh Hai hứa sẽ giúp tôi dợt lại tay lái khi mới lấy xe. Trong lúc chờ đợi anh ấy tới, tôi chui vào xe ngồi. Tôi ngắm nghía cái xe với nhiều thích thú, tay tôi rờ vuốt những công tắc, nút bấm trong xe mà ngỡ như là đang trong mơ. Mình sẽ ra sao khi cái xe lướt như bay trên đường phố" Có giống như hồi mình lượn xe "Dream 2" bên nhà không hả" Tôi hình dung ra đám bạn trầm trồ nếu chúng biết tôi đã có xe hơi. Mãi vui sướng, tôi quên khuấy đi mất ngoài trời đang ở nhiệt độ  Zero, nước còn bị đông đá, huống chi là con người làm sao tránh khỏi  bị cảm.  Tôi bị nhiễm lạnh dễ dàng, phải nghỉ mất mấy ngày  không đi làm được. Cái tấm chi phiếu lảnh lương nhẹ tênh. Chỉ còn chắc lưỡi tiếc. Thì đã được bữa no mắt với thành quả của mình, phải không"
Giã từ cảnh chạy theo xe buýt, tôi đã bước lên một nấc thang của đời sống định cư. Cuộc sống sẽ dần dần ổn định khi có công việc, sự hoà nhập cuộc sống sẽ không khó, tôi nghĩ thế. Và tôi tin rằng, có tôi đi làm phụ giúp cho chị Ba, chị ấy sẽ dần dần lấy lại nét tươi vui như thuở nào. Khi gánh nặng kinh tế không còn nữa, chị sẽ thấy đất Bắc Mỹ có tình nồng ấm, mặt chị sẽ không còn cau có. Chị sẽ rạng rỡ nụ cười và kiều diễm biết bao. Với sự thông minh và chịu khó của chị, chẳng mấy chốc chị sẽ có người ngỏ lời cầu hôn. Chị tôi sẽ được hạnh phúc.  Trong trí tưởng của tôi đang là bức tranh vẽ về tương lai của chị Ba với đầy niềm tin và hy vọng. Rồi đây chị em tôi sẽ dần dần ổn định cuộc sống định cư trên xứ người. 
Tuy nhiên, hình như càng về già, người ta càng nhớ về quê cha đất tổ hay sao đó. Những lúc sau rày ba má tôi thường hay nhắc lại thuở thiếu thời và nặng lòng nhung nhớ quê nhà. "Nếu không vì các con chắc ba má trở về Việt Nam ở luôn quá, sao càng ngày càng nhớ làng xóm cũ." Ba tôi nói vậy. Biết nói thế nào về sự hi sinh của cha mẹ đối với con cái, tôi ậm ừ, giả bộ không nghe, nhưng trong bụng tính chuyện kiếm bản đồ, lái xe đưa cả nhà đi hội chợ Tết ở thành phố bên cạnh cho ông bà già đỡ nhớ quê.
Như giò hoa lan mang sang xứ lạnh phải được nuôi trồng bên trong, ba má tôi sống quanh quẩn trong nhà suốt ngày. Mỗi cuối tuần, tôi chở ba má tôi đến những chốn hội đoàn để ông bà khuây khỏa nỗi niềm xa xứ.  Ba má tôi về VN ăn Tết thêm vài lần như những con bồ câu đã quen thuộc lối bay về tổ cũ. Nhưng tuổi già không cho phép ông bà lên máy bay nữa. Mỗi lần Tết đến, má tôi lại sụt sùi nước mắt nhớ về quê nhà. Nước mắt của má dớm quanh tròng lúc má cúi xuống gỡ lớp lá chuối quanh khoanh bánh tét, nét mặt thẫn thờ của ba khi nhìn cành mai giả chưng trên bàn thờ. Lòng tôi như thắt lại. Có lẽ vùng đất này không là Đất Hứa cho những người có nhiều luyến lưu với quá khứ như ba má tôi, nhưng dù sao nó vẫn là niềm mơ ước của biết bao người bên kia bờ đại dương.
Ôi, nỗi buồn và niềm vui nơi xứ người.
Trần Lệ Khanh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,240,415
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến