Hôm nay,  

Một Người Mỹ Đáng Quý

07/02/200900:00:00(Xem: 277364)

Một Người Mỹ Đáng Quý

Tác giả: Cát Biển
Bài số 2526-16208603 vb720709

Tác giả hiện định cư tại Philadelphia. đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2008. Đến Mỹ năm 1975, tốt nghiệp Kỹ Sư Điện và MBA. Đã giử chức vụ Engineering Director tại BEI ở Little Rock, AS. Các công ty phục vụ: Exxon, McDonnell Douglas, Boeing, Physical Optics. Tác phẩm: Trùng Khơi Sóng Vỗ (thi tập, 2002). Bài mới nhất kể về một người bạn Mỹ từng hiện về trong giấc mơ của ông.

***
Trước khi đến Mỹ, phải thành thật nói, tôi còn rất kém cỏi về niềm vui của hiến tặng. Mà không riêng gì việc hiến tặng, tất cả những quan điểm về tôn trọng nữ giới, về bình đẳng đối với người đồng tính, về giá trị của cái đẹp và nhiều điều khác trong đời sống... cái nhìn trong tôi đều có thay đổi. Nước Mỹ nói chung và những người hàng ngày tiếp cận đã giúp tôi học hỏi được thêm về giá trị của cuộc sống.
Khi tôi mới vào nhận việc tại công ty chế tạo máy bay McDonnell Douglas (MD) ở Long Beach, công việc mới khác hẳn với việc tôi làm tại công ty Exxon Production Research (EPR) tại Houston TX trước đó. Tại EPR tôi là 1 kỹ sư designer, thiết kế các mạch điện tử và cả phần mềm điều khiển. Nhóm kỹ sư chúng tôi chế tạo các hệ thống máy thâu thập dữ kiện dò tìm dầu trong lòng đất. Sau đó, tôi được chỉ định hợp tác với Dr. Ken Avicola chú tâm vào các phát minh và ứng dụng mới của ngành fiber optics (dây dẫn quang). Vào năm 1985, kinh tế Houston bỗng xuống dốc. Tôi cố tìm xin việc làm bên Nam Cali và vui mừng được nhận vào hãng chế tạo máy bay McDonnell Douglas tại Long Beach.
Khi về nhận việc mới tại McDonnell Douglas, công việc tôi là làm system engineering chứ không còn là design engineer nữa. Tôi rất nhớ công việc tại EPR của kỹ sư thiết kế vì khi tạo ra 1 máy nào đó chạy ngon lành hoàn hảo thì hiển nhiên tác phẩm đó là đứa con của chính mình; mình thấy và sờ mó được nó. Làm system engineering thì vai trò không còn là 1 nhạc công trong ban nhạc nữa mà là 1 nhạc trưởng (conductor) điều khiển từ xa, chứ không là người nhạc sĩ bấm nốt. Khi hoàn tất, subsystems cũng do người khác làm (theo yêu cầu mình đặt ra) chứ không do chính tay mình chế tạo, nên tác phẩm trí tuệ của mình khi hoàn tất cũng trừu tượng chứ không hiển nhiên như của một kỹ sư thiết kế.
Ngày đầu tiên làm việc tôi được ông xếp Jim Shannon hướng dẫn về giờ giấc, phòng ốc, vật liệu supplies và một số chi tiết ghi tính giờ làm việc. Tôi còn đang bỡ ngỡ với cảnh mới, phòng ốc mới, thì có một người xếp của một nhóm kỹ sư kế bên ghé qua nơi chỗ tôi làm việc và tự giới thiệu: "Hi, my name is John Marcin...I guess you have just started here"" - John nở nụ cười thân mật... "Vâng, tôi tên Sơn, mới bắt đầu ngày hôm qua, ông xếp tôi là Jim Shannon"   tôi đáp. "Oh...Vậy anh cũng làm nghiên cứu về fiber optics trong nhóm Jim Shannon như nhóm chúng tôi đang làm...tôi có mấy quyển sách mới khá tốt về fiber optics...ngày mai tôi sẽ mang đến tặng anh, hi vọng nó sẽ giúp anh phần nào..."   John mở lời thân mật. "Tuyệt quá. Xin thành thật cám ơn ông trước nhé. Ông quá tốt đối với người mới như tôi!"
John có một dáng người dong dỏng cao hơn 6 feet và một thân hình hơi gầy. Với nét hiền từ đức độ và nụ cười thật tươi của ông, John có khá nhiều nếp nhăn nơi khuôn mặt. Ông luôn là một gentleman, ung dung, thanh nhã, lịch sự. Ngày hôm sau, trong sự mến mộ và biết ơn của tôi, John mang đến 2 quyển sách, có một quyển xuất bản bởi công ty Corning chuyên sản xuất dây cáp quang, gồm cả phần lý thuyết về quang học và các chỉ số danh từ kỹ thuật, rất hay và thực dụng mà tôi đang cần. Tôi thầm cám ơn John thật nhiều với tấm lòng tốt cho những ngày đầu làm việc tại MD.
John cũng làm tôi thật nhớ ông Bob Stanley ở EPR. Ông ta cũng là 1 xếp của nhóm kỹ sư kế bên, cũng ghé sang phòng làm việc tôi chào hỏi ngày đầu tiên tôi nhận việc và tặng tôi các tài liệu kỹ thuật cùng với những lời han hỏi là giúp đỡ thật tận tình suốt 5 năm trời tôi làm việc ở đó. Hai người này đã dạy cho tôi 1 đức tính thật đẹp của người Mỹ mà tôi sau đó áp dụng, là chuẩn bị 1 số tài liệu và kiến thức hay, để giúp đỡ hiến tặng những người khác đang cần có các kiến thức đó. Tôi học hỏi được niềm vui của hiến tặng đó. Một tháng sau có hai kỹ sư mới vào làm việc tên Tom Todd và Todd Williams, tôi cũng đã để dành 4 quyển sách hay nhất đem tặng cho họ ngày họ mới vào làm việc trong nhóm. Do đó mối giao tình giữa tôi với Tom và Todd thành thân thiết ngay từ buổi đầu tiên.
Một lần nọ ông Lou Feiner, một người Senior Manager mà tôi rất thân quý, kính nể và tin cậy, tỏ lời khuyến khích chân tình rằng tôi nên "tự mình trau dồi kỹ năng cho đến đích". Lúc ấy tôi đang sử dụng program Excel rất mới mẻ. Nhờ vào lời khuyên đó của Lou tôi đã đầu tư nhiều tâm trí và sử dụng Excel rất thuần thục. Rồi trong một câu chuyện John khuyến khích tôi nên ghi danh dạy các courses Excel mà ông hi vọng tôi sẽ thích thú. Quả thật, nhờ lời khuyên đó tôi đã hăng hái ghi tên dạy học và trở thành một instructor các lớp sau giờ làm việc tại công ty về các khoá dạy Excel, Powerpoint, Access database. Mỗi môn học có 3 đẳng cấp: Introductory, Intermediate, và Advanced. Với tiền dạy học không tệ ($45/giờ), các courses này đã là động lực khiến tôi không ngừng nghỉ tự trao dồi kỹ năng thật sâu cho các phần mềm đó, vì các lớp học này luôn luôn có những câu hỏi thú vị và bất ngờ. Ngoài ra, vì đi học rồi đi dạy kèm gần như suốt cuộc đời không ngừng nghỉ qua 3 trường đại học tại Mỹ và nhiều khoá huấn luyện đủ thứ trong mấy nhiêu năm làm việc, tôi học hỏi và áp dụng được một số bí quyết của các vị giáo sư giỏi mà tôi ngưỡng mộ. Các lớp tôi dạy vì vậy luôn nhộn nhịp với các câu hỏi và trả lời kích động sự suy tư giữa thầy và trò. Ngoài ra tôi còn sưu tầm các jokes vui cười của Johnny Carson và Jay Leno để giúp bầu không khí trong lớp luôn nhẹ nhàng tươi vui. Các lớp học tại Mỹ luôn luôn có phần phê điểm của học viên phê bình thầy ở ngày cuối khoá học. Điểm của tôi được xếp vào tên các instructors được hạng điểm tốt nhất. Riêng mình thì được phần thưởng đặc biệt của người dạy học, là niềm sung sướng khó tả của sứ mạng hoàn thành phần nào công việc của một người "truyền kiến thức". Đó là niềm vui khi thấy những học viên bỡ ngỡ lọng cọng ngày đầu khi mới vào lớp, trở nên những người quen tay, thành thạo khi mãn lớp học. Nhiều học viên sau khi học xong liên tục áp dụng các kỹ năng đó và gọi điện thoại hỏi tôi mỗi khi gặp điều gì trở ngại.
Khi các kỹ sư nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới, một công việc rất quan trọng là thuyết trình các projects mình đang làm cho mọi người liên hệ khi khởi đầu, khi đạt được kết quả quan trọng, và khi hoàn tất. Vì các bài thuyết trình của tôi dễ hiểu và thể hiện rõ ràng các chi tiết quan trọng làm người nghe nhận bắt ngay các điểm then chốt, tôi được sự chấp nhận của các người cộng sự. Theo ngày tháng làm việc với MD tôi trở thành người bạn thân của Lou Feiner và John Marcin. Mỗi lần gặp gỡ ông Lou để bàn về kỹ thuật, chúng tôi luôn nảy sinh ra nhiều giải đáp kỹ thuật mới làm giảm chi phí hoặc tăng hiệu quả sản xuất cho công ty. Mỗi lần bàn luận với John, tôi luôn ghi nhận nơi ông một tâm hồn rất đẹp, rất vị tha với ước mơ bao la một công bằng cho xã hội.
Một dạo nọ, tôi và John Marcin cùng đi dự một conference (hội nghị) về fiber optics tại Salt Lake City, Utah. Người tham dự là các kỹ sư ngành hàng không nhiều thuộc quốc gia. Buổi trưa ngày cuối cùng kết thúc hội nghị, với tư cách là Chairman của Fiber Optic Broadband Committee thuộc SEA (Society of Automotive Engineers), tôi có nhiệm vụ đúc kết chương trình hội nghị và tổng kết các điểm chính cần phải làm để đẩy mạnh ngành fiber optics cho các kỹ sư của các công ty hội viên. Tôi nhớ lúc đó John bỗng đề nghị tôi kể thêm 1 chuyện vui. Thế là tôi cũng hứng chí kể luôn chuyện vui về người đàn bà comedian nổi tiếng Phyllis Diller. Bà này thường trình diễn các show tại Las Vegas với các chuyện tiếu lâm "người lớn", hầu như không loại tiếu lâm "mặn" nào mà bà ngại cả. Câu chuyện như thế này:
Ngày nọ bà Phyllis đi vacation bên Úc, không may trong lúc đi chơi bà vô ý ngã xuống làm cánh tay trái bị nứt xương phải băng bột. Có điều bà ta phải về Las Vegas để trình diễn 1 show comedy vào cuối tháng đó. Bà Phyllis gọi điện thoại tới một trong những writers thân tín của bà và nói: bạn hãy nghỉ cho tôi 1 chuyện thật vui với cánh tay gẫy này, bằng không tôi không thể nào xuất hiện tại Las Vegas với cánh tay băng bột như thế này cả. (Lưu ý, các tay khôi hài nổi tiếng như Bob Hope, Johnny Carson, Jay Leno, David Letterman v.v...đều có người viết lời khôi hài cho họ trình diễn, tương tự như những người chuyên viết diễn văn cho Tổng Thống). Cuối tháng đó, bà Phyllis xuất hiện trước khán giả nhộn nhịp tại Las Vegas với cánh tay trái băng thạch cao và một đây đai treo từ cổ tay lên vai. Tay bên phải bà cầm một điếu thuốc lá gắn ống điếu thật dài, theo cung cách người đàn bà lão luyện. Bà mở đầu show hôm đó với một nụ cười duyên và nói:
"Trước khi khởi đầu chương trình thật vui và hấp dẫn của chúng ta ngày hôm nay, tôi có 1 điều quan trọng cần công bố với quần chúng...(khán giả bắt đầu mỉm cười và lắng nghe)
Chuyện là trang 154 của quyển sách The Joy Of Sex (tức quyển sách nổi tiếng về các kỹ thuật làm tình) có chỗ hình in bị sai vì lỗi typo...(khán giả bên dưới bắt đầu cười rúc rích) Nếu các bạn áp dụng theo kiểu đó, cánh tay trái của bạn sẽ có thể bị đau hoặc gẫy tay...nhưng bù lại thì sẽ sướng không thể tả...(đến đây thì mọi người cười oà ra)"

Tôi kể nguyên câu chuyện này và được mọi người trong phòng họp thưởng cho một trận cười thoả thích, sau 3 hôm hội nghị bàn luận về các đề tài kỹ thuật khá khô khan.


Ngày hôm sau trong lúc ngồi chờ máy bay tại phi trường Salt Lake, John bỗng hỏi tôi: "Nếu anh trúng số độc đắc có thật nhiều tiền, anh sẽ làm gì"" "John, có lẽ tôi sẽ dẹp hết mọi chuyện xin học thêm bằng Ph. D. ngành Điện, vì tôi còn thèm muốn học hỏi thêm thật nhiều. Thế còn ông thì sao"" "Tôi muốn ghi danh học Luật." "Ủa, sao lại là luật chứ"   tôi ngạc nhiên, vì John đã có bằng Master về Điện tại trường nổi tiếng UC Berkeley. " Vì tôi muốn làm luật sư tình nguyện cho tổ chức American Civil Liberties Union (ACLU) nhằm bảo vệ quyền bình đẳng nhân quyền, tôn giáo và công bằng xã hội."
Kỷ niệm chuyến đi đó cho tôi hiểu và quý trọng thêm về bản tánh của John. Chúng tôi cùng làm việc nghiên cứu các kỹ thuật ứng dụng mới của dây "dẫn quang" (optical fiber) nhằm điều khiển máy bay bằng tia sáng thay vì dòng điện. John luôn được mọi người quý mến vì cách ăn nói hoà nhã từ tốn. Ông có một đức tính đặc biệt là luôn luôn có mặt ở sở đúng giờ và hầu như quanh năm không bao giờ khai bệnh. Giờ làm việc khởi đầu lúc 7 giờ sáng, John luôn luôn có mặt ở sở trước 6:45AM, người ta luôn thấy John đến sớm ngồi đọc báo trước khi bắt tay vào công việc sở. Những lần đi ăn trưa chung với các bạn đồng nghiệp tại các nhà hàng vùng Long Beach, John luôn luôn tính ra con số tiền tip chính xác là 15%, không hơn không kém. Ông đúng là một mẫu người mực thước. John có một cái nhìn rất thoáng về công việc và tôn trọng sự phát triển kỹ năng. Mỗi khi tôi muốn tham dự các hội nghị, hoặc ghi danh học các khoá huấn luyện về ngành kỹ thuật chúng tôi đang nghiên cứu, ông đều chuẩn phê một cách vui vẻ. Có dạo phong trào aerobics được bùng nổ khắp nơi, John chính là một trong những người đầu tiên ghi danh tập thể dục aerobics theo các điệu nhạc vào mỗi trưa trong giờ ăn lunch.
Một hôm tình cờ câu chuyện đưa đẩy, chúng tôi bàn lan qua chiến tranh Việt Nam, một đề tài tôi rất né tránh vì ít cảm thấy thoải mái bàn với nhiều người Mỹ. John nói: "Chính phủ Hoa Kỳ thật vô trách nhiệm khi chấm dứt chiến tranh Việt Nam như thế..." "Ông có thể nói rõ hơn...vô trách nhiệm thế nào"" Tôi hỏi John. "Tôi hoàn toàn không đồng ý việc rút lui, vì chiến tranh cần phải giải quyết bằng chiến thắng. Làm như thế là không đầu không đuôi. Một quốc gia không thể nào nhảy vào một cuộc chiến, để rồi lại dùng giải pháp chính trị để rút lui. Hành xử như thế là hèn nhát và phản bội."
Khỏi phải nói, những lời nói đó của John làm cho tôi nghe thật mát dạ. Sự khác biệt giữa Lou Feiner và John Marcin, hai người mà tôi rất mực thương quý, là ở chỗ ông Lou rất vui nhộn và thực tế, còn ông John thì thầm trầm hơn. John cư xử thanh nhã, nhẹ nhàng với một tâm hồn thật rộng lượng mà tôi chưa từng gặp qua. Với Lou chúng tôi bàn mê say các ý tưởng kỹ thuật mới lạ cho công việc. Với John ông trân quý con người qua các nét đẹp về tinh thần. Mỗi lần đi ăn trưa chung với Lou hay với John, tôi đều có cảm giác thân thương gần gũi và quý trọng. John có một người con trẻ và đẹp trai. Cậu này đang làm việc bên nhóm máy bay MD-80, thỉnh thoảng ghé vào thăm ông ta. Hai người nói chuyện to nhỏ thật thân mật. John tâm sự với tôi ông có 2 cậu con trai cực kỳ thương yêu ông ta, và một bà vợ tuyệt vời hết mực thương chồng.
Nhưng dòng đời thì không bình lặng. Công ty McDonnell Douglas gặp nhiều khó khăn cạnh tranh với Boeing, càng nhiều khó khăn hơn khi các quốc gia Âu Châu hợp tác thành lập công ty Airbus chế tạo các máy bay mới bán với giá hạ (vì các quốc gia Âu Châu tài trợ để xâm nhập vào thị trường máy bay vốn do Mỹ nắm vững). Nội bộ công ty McDonnell Douglas trải qua nhiều sóng gió và thay đổi, nhằm giảm thiểu giá thành sản xuất máy bay. Hệ thống quản trị bị hoán đổi từ trên xuống dưới theo phong trào Total Quality Management khởi xướng khắp nơi. Đang từ là một ông xếp cao cấp với nhiều triển vọng tiến xa, Lou Feiner trở thành một Manager cấp thấp. Ông xếp tôi Jim Shannon thì đổi qua chương trình máy bay MD-80. John Marcin trở thành xếp của các chương trình nghiên cứu, gồm nhóm tôi và các kỹ sư khác. Tôi thiết kế và tự lắp ráp 1 hệ thống điều khiển dùng fiber optics trong phòng thí nghiệm. Các xếp lớn khác cũng ghé qua xem và quan sát tận mắt kỹ thuật điều khiển máy bay dùng tia sáng truyền qua các dây dẫn quang này, với nhiều triển vọng. John xin hẹn với ông xếp lớn, Jack McDonnell, đề nghị thăng cấp cho tôi vào cuối năm đó.
Bỗng dưng công ty lại có thêm nhiều biến cố. Công ty Airbus muốn cạnh tranh với Boeing nên có ý muốn mua công ty McDonnlell Douglas để tiến sâu vào thị trường hàng không và không gian Hoa Kỳ. Công ty Boeing bèn đi trước 1 nước, thoả thuận mua công ty McDonnell Douglas, để sát nhập cả các ngành quan trọng của hai công ty là Defense (vũ khí quốc phòng), Hàng Không (máy bay dân sự) và Không Gian (phi thuyền). Nội bộ công ty tôi lại thêm thay đổi, với đợt sáp nhập các phần ban và loại bỏ thêm một số chức vụ quản trị. Cuối năm 1998 Lou Feiner, Jim Shannon, John Marcin, Jack Hancock và một số các xếp khác chấp nhận "the golden handshake", tức là gói quyền lợi để về hưu non. Tôi rất buồn và tiếc với sự ra đi này của những người mà tôi rất thân quý...Ngày làm tiệc potluck tổ chức mừng về hưu của các người này, bạn bè đồng nghiệp ai cũng thân mật đứng lên kể chuyện tếu, các kỷ niệm vui buồn với các người sắp nghỉ hưu. Đến phiên tôi, tôi nói đùa về John là: "Bây giờ mỗi buổi sáng John đều có thể dậy thật sớm, không phải để đi làm như chúng tôi nữa, mà để vẫy tay tiễn đưa các người vẫn còn phải đi làm. Thêm nữa, nếu so sánh chuyện các con ngựa đua, khi các con ngựa đua nổi tiếng không còn ra sân đua nữa thì chúng có một trọng trách cao cả hơn là...gầy giống cho các thế hệ kế tiếp...hi vọng John và Lou sẽ hoàn thành sứ mạng cao cả này" làm mọi người cười vui. Mọi người đều biết Lou có người vợ đẹp làm ngành địa ốc rất giỏi có thâu nhập còn cao hơn Lou. Sau này Lou cho tôi biết ông ta đầu tư thị trường chứng khoán năm đó lời gấp 2 lần mức lương của ông lúc còn làm việc. Lou dọn về nhà mới ở San Diego vui chơi đánh golf hằng ngày với nhóm bạn. Tôi quá bận công việc nên ít liên lạc với John.
Năm đó tôi không được thăng chức, vì ông xếp mới từ nhóm khác đổi qua không đề nghị ai thăng chức cả. Điều này không làm tôi buồn nhưng càng làm tôi nhớ Lou và John, nhất là những buổi ăn trưa thiếu vắng hai người này. Thay vào đó một niềm vui là tôi được 4 bằng phát minh về fiber optics do US Patent and Trademark Office cấp, và được công ty tưởng thưởng số tiền mặt đáng kể.
Có một lần tôi gọi điện thoại thăm hỏi John, ông cho biết là ông thường xuyên làm các bịch sandwich rồi lái xe đem tặng cho các người homeless mỗi buổi trưa. Số lượng các phần ăn này không nhiều và chỉ tốn ông khoảng $50 mỗi tháng. Nhưng John thấy vui làm được những điều nhỏ bé như thế.
Thế rồi một biến cố thật lạ lùng xảy đến. Sau ngày Lou và John về hưu được khoảng 9 tháng, một buổi trưa tôi nhận được điện thoại của Lou gọi vào sở, hốt hoảng nói với tôi rằng John Marcin đã chết. Memorial service (tang lễ) sẽ được cử hành vào tối thứ sáu, mong mỏi bạn bè cùng đến tham dự. Tôi thật bàng hoàng giống như Lou, người đưa tin, không biết lý do gì John đã chết.
Tối thứ Sáu hôm đó người dự đám tang của John đông kinh khủng. Thật nhiều đồng nghiệp cũ của công ty McDonnell Douglas có mặt. Ai cũng không tiếc lời thương nhớ John, một con người thành thật, cao quý và đức độ. Jennifer, người vợ của John mà tôi đã gặp mặt hôm làm potluck tiệc về hưu, đến bắt tay tôi thật thân tình và khóc nức nở với tôi. Tôi hỏi lý do gì John đã chết nhưng bà không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ khóc ràn rụa với lời nói "Oh my god...I miss and love him so much..." Dự đám tang về tôi vẫn ngỡ ngàng không biết lý do gì đưa đến cái chết của John. Thật là kỳ lạ. Hai cậu con trai khóc và buồn thảm thương. Ngày hôm sau tôi lại nhận được điện thoại của Jennifer gọi vào sở, bà ta khóc nức nở nói...vì John thường đi ăn trưa với tôi, nên nói chuyện với tôi bà cũng có cảm tưởng đang nói chuyện với John...tôi hỏi thăm lý do nào đưa đến cái chết của John...bà nói: "chúng tôi vừa đi du lịch tàu thuỷ (cruise trip) thật vui, ghé qua chơi New York và Las Vegas thật tuyệt vời...rồi chỉ vì một chuyện gây gổ nho nhỏ không ra gì, ông ta bỏ đi ra garage. Tôi chờ lâu quá không thấy ông về phòng, đi ra garage tìm thì thấy John đã treo cổ tự tử"...nói đến đó bà khóc nức nở qua giây điện thoại và lập lại..."I miss him so much, I just miss him so much..." Tôi thật sững sờ và bàng hoàng nguyên ngày hôm đó...
Ba tháng liên tục sau đó trong thương nhớ, tôi cứ nằm mơ thấy John hiện về. Cũng với dáng dong dỏng cao, cặp mắt sáng ngời, và nụ cười tươi đáng mến. Tôi cố gắng ráp nối những gì mình biết để trả lời tại sao một người luôn luôn quý trọng sự sống, chăm sóc bản thân và có nếp sống rất ư mực thước như ông lại có thể dễ dàng đi tìm cái chết chỉ vì một cãi vã cỏn con với người vợ mà ông rất mực yêu quý" Cuối cùng tôi đoán, có lẽ sau bao nhiêu năm trường quá quen với nếp sống mực thước của một tư chức, ông ta bị hụt hẫng với những tháng ngày về hưu nhàm chán chăng" Để rồi rơi vào chứng trầm cảm (stress) nào đó...rồi một ngày chỉ vì một cãi vã tầm thường John cảm thấy không còn tha thiết cuộc sống nữa" Có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết đích thật những gì đã khiến John tìm đến cái chết như vậy...
Có người nói "khi ra đi chúng ta không mang theo được gì cả, ngoại trừ những gì mình đã hiến tặng khi còn sống." John đã làm gương cho tôi về sự hiến tặng, và một cái nhìn rộng rãi về ý nghĩa cuộc đời. John đã dạy tôi cái đẹp của con người nước Mỹ, và cho tôi niềm tự hào: tôi là một công dân Mỹ.
Cát Biển

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,272,895
Năm nay, Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm, ngày 13 sắp tới, sẽ là Ngày Của Mẹ tại nước Mỹ năm 2018. Mời đọc sớm bài viết mới của Song Lam. Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey.
Tác giả là một nhà giáo hồi hưu, sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota, hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và dạy Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Với nhiều bài viết đặc biệt, ông đã tham dự và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Tên thật của nhà giáo họ Đặng là Thống Nhất và người em trai của ông có thên là Độc Lập. Bài viết mới của ông bắt đầu bằng một lời cảm thán với lịch sử “Thống Nhất- Độc Lập fì đâu mà...
Tác giả là một dược sĩ, cư dân Chino Hills, California, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bà là nhà văn có 3 tác phẩm đã xuất bản. Ngoài văn chương, sở thích của bà là đàn đương cầm, đã có 2 CD độc tấu nhạc cổ điển và tân nhạc. Sau đây là một truyện ngắn mới được dành cho Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả định cư tại Canada từ 9/1982, tốt nghiệp đại học dược khoa Toronto 1985. Năm 2011, ông góp bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên, một chuyện vui sống động trên chuyến bay từ Hongkong về Bắc Mỹ. Sau đó là bài “Bà Mẹ Tây” hay “Thằng Tầu Con của Mẹ” là bài viết thứ ba của ông, không chỉ sống động mà còn xúc động trong cách viết, cách kể. Sau đây là bài mới nhất của ông, ngày viết được ghi là 30 tháng Tư 2018.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất. Hình ảnh một gia đình này nói lên được phần nào hiện trạng của một gia đình giàu có trong xã hội Ả Rập.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đy là bài viết mới của bà.
Captovan hoặc Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Năm mươi năm sau Mậu Thân, tác giả đã góp thêm hai bài viết đặc biệt: “Saigon 68 và Ông Sáu Lèo”, kể về Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, và bài “Anh Lính Chiến và Người Phóng Viên”, kể về cuộc hành quân tại Phú Lâm A. Bài viết về Mậu Thân thứ ba của ông.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Hôm nay, ngày 30 tháng Tư, mới đọc một hồi ức về ngày này. Tác giả qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Ông hiện là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Bài viết thứ tư của ông là chuyện Cần Thơ 43 năm trước.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết nhưng vẫn tiếp tục vui vẻ góp bài mới.
Nhạc sĩ Cung Tiến