Hôm nay,  

Bánh Chưng Bánh Dầy Trên Đất Mỹ

30/01/200900:00:00(Xem: 134660)

Bánh Chưng Bánh Dầy Trên Đất Mỹ

Tác giả: Sapy Nguyễn Văn Hưởng
Bài số 2520-16208597 vb613009

Sapy Nguyễn Văn Hưởng, cư dân San Diego, là tác giả đã hai lần nhận giải Viết Về Nước Mỹ: Giải bán kết  2001 với bài viết "Hoa Ve Chai" và giải chung kết 2003, với bài "Giọt Nước Mắt," một bút ký về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu. Bài viết mới của ông là lá thư kể chuyện tết Kỷ Sửu.

***
San Diego,
Mùng 2 Tết Kỷ Sửu 2009.
Mai Lan thương mến,
Trong lá thư chúc Tết, cháu có hỏi bác, người mình ở bên Mỹ ăn Tết ra sao" Một câu hỏi ngắn gọn, đơn giản nhưng nghĩ mãi bác vẫn không biết trả lời sao! Vì nước Mỹ quá mênh mông, có biết bao sắc thái. Sang đến đây, người mình sống mỗi nơi mỗi hoàn cảnh khác nhau. Cho đến giờ, bác chỉ mới nhận ra một điều là người Việt Nam chẳng có mấy ai quên được ngày Tết. Vì vậy bác chỉ có thể kể cho con nghe vài mẩu chuyện Tết tại ngay nơi bác ở và Tết của riêng gia tộc bác thôi.
Thành phố San Diego nơi bác sinh sống đã ngoài ba mươi năm. Tết Kỷ Sửu này, cũng như mọi năm, việc tổ chức Tết chung cho cả cộng đồng vẫn do nhóm thanh niên sinh viên trẻ gốc Việt Nam tự nguyện đứng ra gánh vác. Ngắm nhìn sự dấn thân của giới trẻ, bác thấy vui cho tương lai con cháu mình. Tổ chức hội Xuân ở Mỹ cũng không khác chi việc nông gia cày cấy. Bởi yếu tố quan trọng nhất vẫn là mưa thuận gió hòa. Đúng ngày hội Xuân chẳng may ông trời cứ thản nhiên liên tục nhỏ lệ sụt sùi, thì bao công lao, tâm huyết lo lắng từ mấy tháng trước coi như đổ sông đổ biển. May thay, ba ngày vui Xuân từ chiều 28 Tết, kéo dài cho đến hết buổi chiều cuối năm nay, chỉ lất phất vài giọt mưa bụi đến hù dọa, rồi bị cả đoàn trời xanh, mây trắng, nắng ấm tràn đến tống khứ đi. Đến với hội Xuân, người tha hương cảm thấy như mình được dịp quay về nguồn cội. Và đây cũng là nơi giới thiệu cùng dân chúng địa phương đôi nét văn hóa cùng phong cách đón Tết của người mình.
Bác vẫn hơi tiếc một điều là mãi cho đến giờ, một số ít người Việt vẫn quen miệng gọi là "Tết Tàu", bác tạm dịch ra từ chữ Chinese New Year, thay vì Tết Âm Lịch (Luna New Year). Nếu đúng là "Tết Tàu" thì thật vô lý và vô nghĩa khi người mình phải ăn mừng Tết riêng của người Hoa! Theo cái nhìn hạn hẹp của bác, chữ "Tết" ngắn gọn, đã lan đi thật xa. Kể từ sau Tết Mậu Thân 1968, nhiều người trên thế giới đã hiểu rõ ý nghĩa của nó. Cái Tết tang tóc ấy đã qua đi gần tròn nửa thế kỷ. Mà nơi gánh chịu nhiều đau đớn, thảm thương nhất chính là xứ Huế, nơi con sinh ra và lớn lên. Nó đã biến những ngày đầu Xuân trở thành ngày giỗ của hàng vạn con người đã bị sát hại một cách oan uổng. Bác xin lỗi cháu vì đã khơi lại chuyện buồn. Để chuộc lỗi, bác sẽ kể cho cháu nghe đôi dòng về cái Tết trong gia tộc bác.
Thân bằng quyến thuộc của bác hiện sinh sống ở đất nước này đã lên đến trên 50 người. Nhưng ngày đầu năm nay, chỉ quy tụ được gần hai phần ba con số ấy thôi. Bác hy vọng sang năm sẽ đông hơn, vì số người sinh sống ở các tiểu bang xa không về được đã bằng lòng chọn ngày mồng một Tết, ngày quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam, làm ngày hội ngộ chung cho cả họ tộc.
Để chuẩn bị đón Tết Kỷ Sửu, từ cả tháng trước, bác đã điện thoại báo cho các em các cháu biết, rồi còn khuyên họ nên mặc quốc phục trong ngày Tết. Mọi người lớn đều đồng tình, phần các cháu nhỏ cũng hân hoan nôn nao mong cho mau đến Tết, để được nhận lì xì, được mặc quần áo đẹp và hy vọng chiếm thêm phần thưởng trong cuộc thi quốc phục, thi chúc Tết hay và mang nhiều ý nghĩa. Nhờ thế mà không khí mừng Xuân như ập đến ngập lòng, hiển hiện lên từng gương mặt khi các tà áo dài tha thướt của cả nam lẫn nữ xúng xính bước vào nhà. Riêng chú em lo việc "cờ bạc" Tết, cũng bật mí đọc cho bác nghe vài câu vè hợp thời, hợp cảnh, hợp tình mà chú ấy sưu tập được, để làm vui nhộn thêm cho trò chơi lô tô, luôn được đông đảo mọi người nhập cuộc:

Giáo sĩ thầy tu
Đảng bắt bỏ tù
Chẳng thèm kêu án
Nhiều người bỏ mạng
Trong ngục tối tăm
Con số mười lăm

Dân sống không nổi
Bỏ nước ra đi
Lịch sử còn ghi
Triệu người vượt biển
Khao khát Tự Do
Con hai mươi đó

Đầu năm Tết đến
Gởi lời thân mến
Kính chúc bà con
Tài lộc vuông tròn
Cầu chi được nấy
Chuyện dù khó mấy
Giải quyết cũng ra
Con hai mươi ba

Ai ở miền Tây,
Vĩnh Long, Sa Đéc
Xứ nhiều bánh Tét
Phải nhớ Long Xuyên
Con gái có duyên
Nha Mân là bảnh
Con gà Cao Lãnh
Mới thật là ngon.
Rất giỏi chịu đòn
Xạ thôi hết sẩy,
Con ba mươi bảy…

Đến lúc trời vừa sụp tối, cả nhà vui hẳn lên khi đông đủ bốn thế hệ: ông bà, cha mẹ, cháu, chắt đã tề chỉnh ngồi trước bàn thờ gia tiên. Để giúp cho con cháu sinh ra và lớn lên nơi đây hiểu rõ ý nghĩa của buổi lễ. Hiếu, một đứa cháu của bác, đã bước vào đời, từng trở về Việt Nam sống cả nửa năm trời để tìm hiểu cội nguồn mình, tự nguyện đứng ra giải thích cặn kẽ mọi điều bằng tiếng Anh, hầu giúp cho các em cháu mình hiểu rõ hơn về ngày Tết.
Trước khi buổi lễ bắt đầu, Hiếu bước ra đứng trước mặt mọi người, hướng mắt về bàn thờ tổ tiên cất cao giọng tiếng hỏi:
- Các em và các cháu có biết đây là cái gì không"
Mấy đứa trẻ nhao nhao đồng loạt hô lớn:
- Cái lò sưởi.
Hiếu mỉm cười hỏi tiếp:
- Cái lò sưởi hôm nay có gì đặc biệt"
Mỗi đứa trẻ diễn đạt mỗi khác. Đứa chú ý đến ba tấm ảnh đặt trang trọng trên ấy, đứa khen mấy chậu cúc đỏ nở đẹp, nhánh mai vàng rực rỡ... đứa thích mâm hoa quả với đủ loại cây trái tươi ngon, có đứa thích ngửi mùi nến tỏa lan làm cho căn phòng thêm ấm cúng... Những lời trẻ con ngây ngô làm cho tiếng người lớn cười thêm rôm rả. Chờ cho đến khi không còn lời nào diễn tả và tiếng cười lắng xuống, Hiếu chậm rãi cắt nghĩa:


- Để có đủ chỗ cho mọi người quây quần dự lễ, bàn thờ tổ tiên đã được đặt tạm trên cái bệ lò sưởi này. Ba tấm ảnh ở bên trên gồm có, ảnh bố mẹ của ông bà đang ngồi đây. Còn tấm ảnh màu là ảnh bà bác, người lớn tuổi nhất trong gia tộc ta qua đời cách nay ngoài ba năm. Một Lát nữa đây cả nhà sẽ cùng làm lễ "Rước Ông Bà". Lễ này mang ý nghĩa, chúng ta đón ông bà tổ tiên cùng những người đã khuất trong gia tộc về đây cùng ăn Tết với chúng ta. Bây giờ các em và các cháu phải giữ im lặng, nhìn cho thật kỹ và học đúng theo cách cúng vái tổ tiên của ông bà. Sau khi ông bà lễ xong, bác Hai sẽ lần lượt mời từng gia đình một lên tế lễ.
Lễ "Rước Ông Bà" vừa xong, trong lúc khói hương còn nghi ngút, Hiếu hỏi tiếp:
- Bây giờ các em và các cháu có muốn nghe một câu chuyện cổ tích của Việt Nam có dính dáng đến ngày Tết không"
Mấy đứa trẻ nhao nhao tán thưởng. Bằng một giọng nói tự tin, hấp dẫn và rõ ràng của một luật sư trẻ, Hiếu vào truyện:
- Ngày xưa, vào đời vua Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh dẹp giặc Ân xong, nhà vua nghĩ ngay đến việc truyền ngôi lại cho con. Ngài triệu các hoàng tử đến rồi phán: "Đứa nào tìm được thức ăn ngon, và có ý nghĩa, ta sẽ truyền ngôi vua cho". Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ hiếm có trên đời để dâng lên cho vua cha, với hy vọng là mình sẽ được lên làm vua.
Hiếu ngừng nói, quét mắt nhìn các em các cháu đang trố mắt lắng nghe rồi kể tiếp:
- Riêng vị hoàng tử  thứ 18 tên gọi Tiết Liêu, ông này tính tình hiền hậu, hiếu thảo với cha mẹ. Ông ta lo lắng dữ lắm, bởi mẹ mất sớm, nên không có người chỉ vẽ, giúp đỡ. Rồi một hôm, Tiết Liêu nằm mơ thấy có vị thần hiện ra mách bảo: "Này con, trong trời đất không có gì quý bằng gạo. Con hãy lấy gạo nếp làm thành bánh hình tròn để tượng trưng cho trời và bánh hình vuông để tượng trưng cho đất. Còn nhân trong ruột, tượng trưng cho việc cha mẹ sinh thành". Tiết Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ và làm đúng theo lời thần dặn. Ông chọn loại gạo nếp thật tốt nấu lên làm thành bánh hình vuông và gọi là bánh Chưng.
Nói đến đây, Hiếu đến bên bàn thờ cầm cái bách Chưng lên rồi nói:
- Đây chính là cái bánh Chưng được làm theo cách của Tiết Liêu ngày xưa.
Từ nơi hàng ghế trẻ con, vài tiếng xì xào vang lên. Đứa khoe mình đã ăn thứ bánh này rồi, còn đứa chưa từng ăn vội giơ tay hỏi:
- Lát nữa mình có được ăn bánh Chưng không cô"
Hiếu mỉm cười:
- Đương nhiên là mình sẽ được ăn rồi.
Hiếu giải thích cặn kẽ hơn:
- Gói bánh Chưng xong, Tiết Liêu bỏ phần gạo nếp còn lại vào trong một cái cối đá, ông giã cho nhiễn ra, rồi làm thêm một loại bánh hình tròn và đặt tên cho nó là bánh Dầy.
Hiếu lại cầm một tấm bánh nữa lên, đưa cho trẻ con xem rồi dẫn giải:
- Các em và các cháu đều thấy, cả hai loại bánh này bên ngoài được bọc bằng lá chuối, rồi đến lớp nếp, trong ruột có thêm nhân... Đây chính là biểu tượng cho lòng yêu thương đùm bọc con cái của cha mẹ.
Các đôi mắt thơ ngây tiếp tục dõi theo từng lời Hiếu kể:
- Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn tới, đủ các món ngon vật lạ hiếm có trên đời.
Hiếu lại cao giọng hỏi:
- Mấy em và mấy cháu nghĩ các vị hoàng tử ấy mang đến những thứ gì"
Có đứa cho là những con tôm hùm khổng lồ còn bơi lội trong hồ, đứa nói là loài cua Canada với đôi càng thật lớn... Mấy lời đối đáp ngây thơ khiến mọi người cười vang. Chờ cho đến khi dứt tiếng cười, Hiếu kể tiếp:
- Thấy Tiết Liêu chỉ dâng lên hai loại bánh quá đơn sơ. Vua Hùng Vương ngạc nhiên hỏi, Tiết Liêu tình thật đem chuyện thần báo mộng ra thưa. Vua cha liền nếm thử bánh Chưng, bánh Dầy. Hai thứ bánh này ăn chẳng những ăn ngon mà còn có nhiều ý nghĩa. Nhà vua liền truyền ngôi lại cho Tiết Liêu. Và cũng kể từ đó cho mãi đến tận bây giờ, cứ đến Tết, mọi gia đình Việt Nam đều làm bánh Chưng, bánh Dầy để dâng cúng trời đất, tổ tiên.
Kể chuyện xong, Hiểu lại hỏi:
- Vậy nếu là hoàng tử, thì các em, các cháu sẽ dâng gì lên cho vua cha món gì"
Trẻ con lại tranh nhau phát biểu. Đứa dâng Chả Giò, đứa dâng Gỏi Cuốn, Bún Bò Huế, Hủ Tíu Mỹ Tho... Hầu như tất cả các món Việt Nam chúng ưa thích đều được tuôn ra. Lời phát âm tuy không chuẩn lắm nhưng cũng làm cho bác cảm nhận được hương vị các món ăn Việt Nam đã thấm sâu vào lòng lẫn tâm hồn các con cháu mình sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nhưng bác thích nhất cái ý muốn tiến dâng món Phở. Trong bữa ăn tối, bác mon men lại bên đứa cháu có ý ấy hỏi nhỏ:
- Con sẽ dâng cho vua Phở gì"
Cháu ngây thơ đáp:
- Thưa ông, Tái, Nạm, Gầu, Gân, Sách và cả Bò Vò Viên nữa, nhà vua đều thích như con hết.
Bác cười thầm rồi ngẫm nghĩ, nếu được thêm ý mình vào, bác sẽ lấy kinh nghiệm của chính bản, rồi khuyên cháu nên dâng món Phở Gà, chỉ dâng món Phở này thôi, vì vua đã luống tuổi, các mầm bệnh như cao máu, tiểu đường, huyết áp cao, viêm gan... đều sắp hoành hành. Nhà vua không thể ăn nhiều thịt bò được vì có quá nhiều cholesterol.
Mai Lan con,
Đó là mấy mẩu chuyện vụn vặt mà bác muốn chia sẻ với con về cái Tết. Một lần nữa, bác chúc con được nhiều ơn lành, vui khỏe trong năm con Trâu. Con nhớ, lời chúc này chỉ ứng nghiệm trong năm nay thôi. Ngày này năm sau chúng ta sẽ lại gởi gấm cho nhau những điều tốt lành khác. Nếu cứ làm vậy mãi, Tết sẽ không bao giờ biến mất trên quê hương, cũng như ở mọi nơi có người Việt Nam sinh sống trên quả đất này.
NGUYỄN VĂN HƯỞNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,718,033
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến