Hôm nay,  

Người Trở Lại Mỹ

28/01/200900:00:00(Xem: 196670)

Người Trở Lại Mỹ

Tác giả: Khanh Vũ
Bài số 2518-16208595 vb412809

Tác giả là một cựu sĩ quan VNCH, cựu tù nhân chính trị, định cư tại Mỹ theo diện H.O. đã góp một số bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài viết mới của ông kể về một bạn học cũ bên kia giới tuyến thời nam bắc chiến tranh, sau 1975  từ Bắc vào Nam, giầu có thành công và nay cả gia đình đang định cư tại Hoa Ky, vui vẻ đi thăm chợ tết khu Litlle Saigon.

***
Tết năm đó tôi về Việt Nam thăm gia đình đứa con gái lớn ở Sàigòn. Mấy ngày vui với con cháu và thăm viếng chúc Tết bà con tạm đủ, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm thăm lại bạn bè cũ, nhất là các bạn đồng khoá, đồng môn ngày xưa.
Sẵn có số điện thoại của anh bạn N đồng khoá là người thường trao đổi điện thư lúc tôi ở Mỹ, tôi gọi báo cho anh biết tôi vừa về VN được ít lâu muốn đến thăm gia đình anh nhân dịp ngày xuân và sau đó nhờ anh mời các bạn đồng khoá ngày trước để cùng gặp mặt hàn huyên ở một nhà hàng hay nơi nào đó tùy anh lựa chọn. Anh N sốt sắng thoả mãn nhanh chóng yêu cầu của tôi. Thế là vài hôm sau, một buổi chiều đẹp trời không khí xuân còn phảng phất, chúng tôi có cuộc họp mặt tại nhà hàng Đ.K, anh em đến khoảng 15 người, gặp nhau tay bắt mặt mừng chào hỏi cười nói rôm rả, không khí rất vui vẻ cởi mở. Hầu hết anh em hiện diện tuy có thay đổi ít nhiều vì tuổi đời, vì hoàn cảnh sau một thời gian dài xa cách nhau nhưng đều còn nhớ mặt, gọi đúng tên nhau, riêng có một anh tôi chỉ nhớ mang máng, không sao đoán được là ai và tên gì, tôi vội bước đến vui vẻ định xin lỗi hỏi tên thì anh đã cười cười vừa đưa tay bắt vừa lên tiếng tự giới thiệu là Lân bạn học cùng khoá X. ở Pháp trước đây với tôi.
Tôi còn đang ngỡ ngàng thì anh N, dân lâu đời ở Sài gòn, giao thiệp rộng, tánh tình lại vui vẻ cởi mở, quen biết tất cả bạn cùng khoá còn sinh sống ở đây, bước lại gần hai chúng tôi và giới thiệu thêm là Lân vào Nam ít lâu sau 30-4-1975 tìm đến bọn mình và từ lâu đã nhập nhóm bạn cùng khoá thỉnh thoảng gặp nhau uống cà phê tán chuyện gẫu, nhắc chuyện xưa cho vui.
Nghe vậy tôi vừa nhìn vào mắt Lân vừa siết tay thân mật cho hay thế là chúng ta có thêm bạn cũ tha hồ mà vui vẻ. Rồi Lân với tôi trao đổi dăm ba câu thăm hỏi xã giao; do phản ứng dè dặt với " người đã có cả thời gian dài sống với cộng sản" mà mình trước kia trong hàng ngũ đối nghịch nay thì lại là người mới ở Mỹ về, khiến tôi không dám nói hay hỏi han điều gì thân mật hơn bởi chưa rõ con người thật sự của anh lúc này ra sao.
Tất cả chúng tôi ngồi vào quanh bàn tiệc, đồ ăn thức uống bầy ra khá nhiều nhưng anh em chú tâm nhiều đến nói chuyện hơn là ăn. Câu chuyện râm ran về mọi thứ từ thăm hỏi cá nhân đến gia đình, nhắc lại kỷ niệm thời còn đi học chung trường, có lúc nhắc đến một chuyện vui tếu cả nhóm lại phá lên cười, không khí thật vui nhộn mặc dù người nào người nấy đều đã suýt soát thất thập. Tôi để ý thấy Lân lộ vẻ tươi vui nhưng không góp chuyện, chỉ ai hỏi thì mới nói mà có nói cũng rất vắn tắt. Tôi ngồi cách anh khá xa và cạnh N, thỉnh thoảng được N cho biết thêm đôi điều về anh.
Buổi tiệc hội ngộ rất vui của những người bạn học cũ gặp lại nhau sau thời gian dài xa nhau từ đôi ba chục năm đến gần cả nửa thế kỷ, rồi cũng đến lúc tàn, chúng tôi chia tay nhau và hẹn gặp lại vào một dịp khác.
Tôi ra về mà lòng cứ mãi băn khoăn nghĩ đến Lân, anh bạn tình cờ vừa gặp lại sau gần năm mươi năm. Lân nhỏ nhắn thấp người, giọng nói nhỏ nhẹ hiền hoà. Anh học ở Pháp cùng khoá với tôi nhưng khác ngành và về nước trước tôi vào cuối năm 1954 sau ngày hiệp định Paris chia đôi đất nước được ký kết trước đó mấy tháng. Khi tôi về nước sau anh độ nửa năm thì được anh em cho biết Lân đã trốn về Bắc khi biết gia đình còn ở lại cả ngoài đó. Thế là thay vì trình diện cơ quan tham mưu để nhận lệnh bổ nhiệm đi đơn vị làm việc, anh đã đào ngũ ra Bắc lúc đó đã là vùng thuộc quyền kiểm soát của cộng sản Bắc Việt, đối nghịch với miền Nam.
Anh chàng này đã làm gì kể từ khi về miền Bắc cộng sản cho tới lúc trở lại miền Nam"" Khi mới về anh có gặp rắc rối với VC vốn đa nghi" Cảm tưởng của anh ra sao khi trở lại Sàigòn sau "ngày giải phóng" Bao nhiêu thắc mắc cứ lởn vởn trong đầu, tôi định bụng sẽ hỏi thẳng anh khi có cơ hội gặp lại. Cơ hội đó chưa đến thỉ một buổi sáng nọ anh N rủ tôi đi uống cà phê. Trong lúc nhắc đến vài ba anh bạn thân thiết, tôi ngỏ ý muốn biết thêm về Lân vì về anh này tôi còn mù mờ lắm. Có được như thế khi gặp Lân lại tôi mới dễ dàng ứng xử và có thể thoải mái cho cả đôi bên. Anh N cho biết vắn tắt là Lân và gia đình vào Sài gòn chỉ ít lâu sau ngày VC chiếm trọn miền Nam. Hiện đang ở khu cư xá gần phi trường TSN, gia đình có cơ sở kinh doanh, nhà có xe hơi tài xế, anh có ba người con đều trưởng thành và tất cả đã được cho du học ở các nước tư bản, hai đứa bên Mỹ và một đứa ở Úc. Nhưng những thắc mắc chính của tôi vẫn chưa được giải toả như ý thì vài tuần sau tôi trở về Mỹ, không có dịp gặp lại Lân trò chuyện thêm lần nào nữa. Những điều anh N kể cho tôi nghe vắn tắt về con người và gia cảnh của Lân là tất cả những gì tôi biết về anh chàng này.
Bẵng đi khoảng một năm sau anh N gởi điện thư  báo cho tôi biết Lân sắp sang  Mỹ dự lễ tốt nghiệp cao học của đứa con gái học ở Boston, Massasuchetts luôn thể làm đám cưới cho cô gái này lấy một anh chàng Mỹ gốc Việt ở đây. N cũng cho biết thêm là theo như Lân đã cho anh hay thì sau khi mọi chuyện xong xuôi ở Boston vợ chồng Lân dự trù sẽ sang Cali thăm bà con luôn tiện thăm các bạn cũ ở đây, Lân có hỏi thăm xin số điện thoại của mấy bạn để tiện liên lạc. Tôi đã trả lời ngay là sẵn sàng gặp Lân và cho số điện thoại của mình.
Lúc mới xem email của N tôi hơi ngạc nhiên sao "hắn" có thể đi dễ dàng như thế, nhưng sau nghĩ lại Lân nay đã là "tư bản đỏ" việc du lịch ngoại quốc, nhất là khi có lý do chính đáng, hẳn chẳng có gì khó khăn lắm. Sự thắc mắc của tôi trước đây vẫn không thay đổi, tôi cho đây cơ hội gặp nhau lại ở Mỹ có thể là dịp rất thuận tiện cho tôi hỏi trực tiếp để biết thêm về Lân. Tôi đặc biệt muốn biết ngày đầu tiên trở lại miền Nam cảm tưởng và thái độ của anh thế nào để từ đó suy ra phần nào con người của anh, xem anh đã bị "cộng sản hóa" bao nhiêu phần trăm.
Tôi còn nhớ trước đây những ngày đầu sau 30-4-75 hầu như ai từ Bắc vào ai cũng "hồ hởi phấn khới" trong tư thế của kẻ chiến thắng, nghênh ngang tự đắc lớn tiếng khoe cái gì cũng có, cái gì cũng nhất mỗi khi có ai hỏi về một cái gì đó ở miền Bắc. Chỉ riêng thân nhân vào thăm gia đình thì trong chỗ riêng tư đều cho biết họ rất ngỡ ngàng khi thấy miền Nam hoàn toàn khác hẳn những gì họ được tuyên truyền. Miền Nam tự do và sung túc quá, không có cảnh bị đế quốc Mỹ bóc lột đến không có cái chén ăn cơm như vẫn được nhồi sọ. Bởi thế đã có chuyện cười ra nước mắt: có người vào chơi trong Nam đem theo mấy cái chén sành làm thủ công rất thô sơ xấu xí định biếu gia đình ở đây có chén ăn cơm, đến khi thấy chén đũa kiểu đẹp đẽ của người nhà vội vàng dấu biến các chén sành đem từ miền bắc xã hội chủ nghĩa vào! Và qua báo chí ở nước ngoài có những người vào Nam thay vì vui vẻ "hồ hởi phấn khởi" đã bật khóc khi nhận ra sự thật, nhận ra rằng không có "cảnh phồn vinh giả tạo" như vẫn hằng được tuyên truyền trước kia và đặc biệt nền nếp đạo đức truyền thống vẫn còn thể hiện rõ nét trong các sinh hoạt của xã hội miền Nam.
Nhà văn đối kháng DTH khi trả lời phỏng vấn của đài VOA về cảm tưởng ngày đầu đặt chân lên miền Nam, bà cho biết thay vì vui sướng như bao nhiêu đảng viên khác bà đã cảm thấy đau khổ và bật khóc khi hiểu ra chế độ của kẻ chiến thắng chỉ là một chế độ man rợ. Còn anh bạn Lân của tôi ngày đặt chân trở lại miền Nam thì đã có cảm nghĩ ra sao" Hành động đưa cả gia đình vào Nam không lâu sau 30-4-75 và sau đó đã tìm mọi cách cho hết các con ra nước ngoài có nói lên phần nào tâm tư của anh chăng"


Lân du lịch đến Mỹ như anh bạn N đã cho biết. Đúng như dự định, sau khi dự lễ tốt nghiệp và lo xong hôn lễ cho cô con gái thì mấy hôm sau vợ chồng anh bay sang Cali thăm gia đình và ở chơi nhà một người em họ tại Newport Beach. Từ đây anh đã gọi điện thoại cho chúng tôi, ngỏ ý muốn được gặp gỡ lại các bạn cũ, anh cho biết địa chỉ đang ở cũng như số điện thoại nhà. Chúng tôi mời vợ chồng anh sáng hôm sau đi ăn điểm tâm rồi đi chơi quanh khu Little Saigon cho biết thủ đô tị nạn của người Việt ở Mỹ. Anh bạn G của tôi tình nguyện đến đón và đưa vợ chồng Lân đến địa điểm ăn sáng là tiệm phở N.H trên đường Bolsa.
Cuộc hội ngộ trên xứ người, trong khung cảnh xung quanh đông đúc người VN giữa bốn người chúng tôi thật là vui vẻ. Trong lúc vừa ăn vừa hàn huyên chuyện mới chuyện cũ, tôi lần hồi hỏi anh những điều thắc mắc, anh vui vẻ trả lời ngay. Anh cho biết khi anh bỏ ngũ ở trong Nam đi về Bắc với gia đình thì lúc đầu có bị hạch hỏi, điều tra nhưng sau thấy thời gian hơn năm anh vào Nam rồi đi học chuyên môn kỹ thuật ở Pháp và chưa có ngày nào thật sự phục vụ trong quân đội Sài gòn nên anh được cho đi học chữ lại. Anh tốt nghiệp đại học và di làm thầy giáo, rồi lập gia đình với một cô gái cán bộ nguyên là người quen biết lâu đời của gia đình anh. Một thời gian sau anh được cho đi tu nghiệp tại Liên Sô và một vài nước ở Đông Âu. Anh cho hay có thời gian được cử đi công tác giảng dậy ở những nước này và chính nhờ vậy anh hiểu rõ hơn về cuộc sống trong các nước cộng sản. Sau ngày VN thông thương, gia đình anh đã nhanh chóng di chuyển vào Nam, hòa nhập vào cuộc sống miền Nam mà anh rất ưa thích. Gia đình anh đã làm việc và phát đạt nhanh chóng trong môi trường mới, anh chị đã giúp được các con du học nước ngoài như anh hằng mong ước. Và điều làm anh rất hài lòng là khi vào lại miền Nam anh đã đi tìm và may mắn gặp lại hầu hết các bạn đi học Pháp cùng khóa ngày xưa.
Chúng tôi khá hài lòng với những gì Lân vừa cho biết. Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi đưa hai vợ chồng Lân ra khu PLT xem phố xá và một số cửa hàng buôn bán, anh chị có vẻ rất thích thú với các cảnh quan sinh hoạt xung quanh mang nhiều sắc thái VN mà trước đây chỉ nghe nói chứ chưa có cơ hội mục kích tận mắt như hôm nay. Anh chị đặc biệt chú ý và trầm trồ trước khu thương xá có nhiều cửa hàng buôn bán nữ trang khang trang, sang trọng. Chúng tôi cũng đưa anh chị Lân vào xem vài chợ VN như chợ A. Đ, ABC, T.P. trước khi đưa anh chị về nhà.
Mấy hôm sau là những ngày anh chị lần lượt được mấy bạn trong đó có chúng tôi mời đến nhà dùng cơm thân mật với gia đình; đây là dịp để anh chị biết được chút ít về đời sống, sinh hoạt của một số bạn bè cũ cũng là những người đồng hương tị nạn trên xứ người ra sao.
Những ngày kế tiếp anh chị cho biết có chương trình đi chơi với gia đình người nhà, dự trù sẽ đi thăm một số nơi nổi tiếng như thành phố Los Angeles, Universal Studio, Las Vegas... Trước khi trở lại Boston, anh chị gọi điện thoại từ giã không quên gởi lời cám ơn chúng tôi và tỏ vẻ rất hài lòng về những buổi gặp gỡ bạn bè và đi thăm viếng các nơi vừa qua cũng như hi vọng sẽ có dịp trở lại Mỹ. Anh cũng cho hay ngay năm sau có thể vợ chồng anh sẽ sang Úc thăm đứa con trai học ở đây.
Sau khi anh đi chúng tôi trở lại với sinh hoạt thường lệ, quên chuyện vợ chồng Lân đến Cali cũng như không biết vợ chồng Lân về lại VN khi nào.
Độ ba năm sau, một hôm tôi được email của N cho hay vợ chồng Lân sắp qua Mỹ dự sinh nhật của đứa cháu ngoại, thủ tục phỏng vấn đã xong, vé máy bay trong tay, chỉ còn chờ ngày lên đường. Tôi tự nhủ thế cũng hợp tình hợp lý thôi vì đây là đứa cháu ngoại đầu tiên, anh chị không thể không đi nhất là đang có đầy đủ điều kiện sức khỏe lẫn tài chánh. Nhưng những điều N cho biết thêm về Lân như ý thích cuộc sống ở Mỹ, đã đổi nhà và chuyển tiền bạc ra nước ngoài khiến tôi suy nghĩ.
Có thể vợ chồng Lân muốn sang định cư ở Mỹ, việc này tôi cho cũng không khó vì hai đứa con của anh ở đây khi có đủ điều kiện là có quyền bảo lãnh cha mẹ sang đoàn tụ. Và nếu sự việc diễn ra như vậy thì cũng không có gì lạ, anh cũng mới chỉ có di cư hai lần, một lần từ bắc vào Nam và lần này xuất ngoại từ VN sang Mỹ. Trong quá khứ đã có biết bao trường hợp dân ta di cư nhiều lần như khi xảy ra vụ chia cắt đất nước 1954, đã có biết bao người chen chúc lên tầu há mồm vào Nam, rồi khi Việt cộng chiếm trọn miền Nam thì đa số những người này lại hối hả bỏ hết của cải tài sản nhanh chân di cư lần nữa sang các nước khác, nhiều nhất là sang Mỹ. Chỉ có điều khác nếu lần này gia đình Lân sang Mỹ như dự định thì cả hai lần di cư của Lân đều diễn ra trong những hoàn cảnh rất thuận lợi, an toàn chứ không đầy rủi ro nguy hiểm như những người chạy trốn cộng sản trước đây.
Điều khá đặc biệt về sự ra đi của anh bạn Lân là anh và gia đình anh có thể nói là những ngưởi được chế độ ưu đãi mọi mặt, thuộc hạng giầu có trong xã hội mà sao vẫn không ở lại với quê hương lại bỏ xứ ra đi. Gia đình anh khác hẳn những người dân đã sống lâu đời ở miền Nam; họ quen nếp sống dưới chế độ tự do phóng khoáng, nay biết Việt cộng sắp vào hay khi đã sống một thời gian với VC biết rõ bản chất gian manh ác độc của VC thì họ phải tìm mọi cách để di cư dù có nguy hiểm đến thế nào cũng cam chịu, miễn ra được nước ngoài. Đối với Lân lý do muốn ra đi chắc hẳn là vì anh đã có thời gian dài sống dưới chế độ cộng sản, hiểu rõ "thiên đường xã hội chủ nghiã" ra sao, ở cả Liên Xô và Đông Âu chứ không chỉ riêng ở VN. Thật ra trường hợp của Lân nếu có "di cư" qua đây cũng chẳng phải là hiếm hoi, đặc biệt là những năm sau nầy.
Trước đây cả chục năm đã thấy con cái của các viên chức nhà nước cộng sản sang du học tại các trường ở ngoại quốc, sau đó khi số tư bản đỏ ngày càng nhiều thì đến phong trào tranh nhau cho con đi học tại các nước tư bản, nhiều nhất là tại Mỹ, Úc, Pháp... Gần đây ở VN, tư bản đỏ hay nhà nào khá giả lại muốn "có hạng" thì phải có con học ở Mỹ mới hãnh diện. Hiện giờ tại các đại học Mỹ có khá nhiều sinh viên từ VN sang. Đây có phải là đường lối mới của Mỹ hay không nhưng xem chừng Mỹ nhận du học sinh VN vào Mỹ học ngày càng nhiều. Đặc biệt theo tin báo chí loan tải từ thống kê du học sinh trên thế giới năm 2008, số lượng sinh viên VN vào Mỹ đã tăng khá nhiều so với năm trước, lọt vào hạng thứ 13 các nước trên thế giới có đông du học sinh nhất đến Mỹ. Và từ trước đến nay số du học sinh sau khi tốt nghiệp chẳng có mấy người trở về VN, thường hầu hết họ đều kiếm mọi lý do dể ở lại, từ xin việc làm đến lập gia đình với người có quốc tịch Mỹ. Trong thời gian du học gia đình họ tìm mọi cách chuyển tiền sang cho con tiêu dùng, mua sắm hoặc để dự trữ. Đến khi có điều kiện họ có thể mua nhà cửa hay bảo lãnh cho gia đình cha mẹ sang đoàn tụ.
Thế rồi giáp Tết năm ngoái, giữa lúc tôi đang mải mê xem các hoa lan đủ loại trưng bày tại một gian hàng trước khu Phước Lộc Thọ thì một bàn tay vỗ nhẹ vào vai. Tôi vội quay lại thì hoá ra là Lân với nụ cười tươi, bà vợ đứng bên cũng nét mặt cũng tươi không kém, cạnh bên là chú em của Lân mà tôi có lần đã gặp trước đây. Chúng tôi bắt tay chào hỏi nhau rất vui vẻ, riêng tôi thấy khá thích thú trước sự gặp gỡ bất ngờ này. Không đợi tôi hỏi Lân cho hay đã sang đoàn tụ với gia đình đứa con gái, được chú em mời sang đây chơi và dẫn đi xem chợ Tết bên này ra sao. Chúng tôi thân mật trao đổỉ hàn huyên thêm một lúc, thăm hỏi bạn bè bên này bên kia rồi chào chia tay và hẹn sẽ gặp lại.
Nhìn vợ chồng Lân và người em tiếp tục đi xem các gian hàng chợ Tết, tôi bỗng chợt nhớ lại lời Lân nói khi giã từ chúng tôi trong lần đầu đến thăm nước Mỹ trước đây mấy năm, là anh hi vọng sẽ trở lại Mỹ. Nay thì anh đã đạt được niềm mơ ước này, anh đã trở lại Mỹ, trở lại với thế giới tự do, hoàn tất cuộc hành trình dài mà anh đã ấp ủ từ lâu. Con đường anh đi tuy  có lúc quanh co nhưng cuối cùng đã đưa anh đến đích mong đợi, không những cho bản thân mà còn cho cả gia đình anh có được tương lai tốt đẹp mãi mãi.
Khanh Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,732,175
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến