Hôm nay,  

Cô Bạn Da Đỏ Vicky Yellow Hair

21/01/200900:00:00(Xem: 16066)

Cô Bạn Da Đỏ Vicky Yellow Hair

Tác giả: Trương Ngọc Bảo Xuân
Bài số 2511-16208588 vb312009

Tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2001, với bài viết "32 Năm Người Mỹ và Tôi" và từ nhiều năm qua, vẫn liên tục góp nhiều bài viết giá trị cho giải thưởng. Hiện bà cư trú tại Los Angeles. Công việc: giám khảo của Bureau of Barbering & Cosmetology (Nha Khảo Thí ngành Thẩm Mỹ) tại Los Angeles, California. Bài sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Sửu.

***
Lần đầu tôi gặp Vicky Yellow Hair là giữa năm 1971 trong bữa tiệc thưởng phạt tại nhà hàng "Thịt Bò Thượng Hạng" ở ngoại ô thành phố Tucson thuộc tiểu bang Arizona. Vài năm sau, gặp lại cô tại khu nhà ở có tên là Stead, ngoại ô thành phố Reno, tiểu bang Nevada.
Sa mạc Arizona có đồng cỏ nuôi bò với những cơn gió trốt nhỏ xoáy tung bụi thì sa mạc Nevada có tuyết rơi mỗi năm.
 Stead là trại lính cũ của một phi trường hồi thế giới đại chiến thứ hai gồm nhiều căn nhà nhỏ dành cho binh sĩ, cất rải rác trên sườn đồi, về sau do tư nhân làm chủ và cho mướn.
Nhà tôi nằm giữa đồi, một căn nhà gỗ nhỏ xíu có hai phòng ngủ cũ ơi là cũ. Phòng vợ chồng tôi để được cái giường đôi, một bàn nhỏ là chật thấy mồ rồi, phòng hai đứa con kê giừơng chiếc và cái nôi, thằng lớn gần hai tuổi ngủ trên giừơng thằng nhỏ mới biết ngồi thì còn trong nôi. Bếp chung với chỗ để cái bàn ăn tí nị, hai ghế người lớn và hai ghế trẻ con, phòng khách có chiều dài, hẹp chiều ngang, để được cái ti vi 19 inchs, một bàn, một ghế salon là đầy phòng, hai ngừơi đi ngang nhau thì phải len lách.
Nhà tắm là loại bước vô đứng kéo màn che chớ không có bồn nhưng trong bếp có hai bồn rửa chén, loại xưa rộng và sâu, khi tắm con, tôi cho hai đứa ngồi trong hai cái bồn tụi nó vọc nước khoát nước với nhau khoái chí lắm, mỗi lần tắm là ba mẹ con ướt hết. Tiếc là tôi không có máy ảnh để ghi lại những hình ảnh ngộ nghĩnh dễ thương này.
Ba mẹ con không quen biết hàng xóm, ngày ngày chỉ lẩn quẩn trong nhà thôi. Đời sống vật chất tuy nghèo quá trời, ngày chồng lảnh lương mới có bữa ăn ngon, những ngày còn lại phải nhờ vào bàn tay vén khéo của tôi, vẫn còn khá hơn quá nhiều lúc còn sống bên nhà sau ngày ba tôi mất, nhưng, về mặt tinh thần thì... buồn thấy mồ!.
Reno là một trong những thành phố nổi tiếng của tiểu bang Nevada. Khi lái xe vô thành phố ta sẽ nhìn thấy cái cổng chào có hàng chữ "Biggest Little City in the world" là biệt danh của Reno cờ bạc.  Chồng tôi làm việc giữ an ninh (security) trong một Casino tên Nevada Club.
Vào những ngày nghỉ (y làm theo kiểu đổi ca, khi ban ngày khi ban đêm nên ngày nghỉ không giống nhau) chúng tôi thừơng hay đi chơi. Cho đở tốn, tôi làm bánh mì thịt nguội hoặc chiên thịt gà, gặp mùa trái cây nào thì đem trái cây nấy, nhứt là vào mùa hè nóng nực, có dưa hấu là hết xẩy. Đem lên núi, ngâm dưới suối một lát kéo lên xẻ ra ăn mát như để trong tủ lạnh. Chúng tôi tới con suối tên gì... Creek, lâu quá quên mất rồi, bày thức ăn ra, vừa ăn vừa ngắm cảnh. Suối từ trên núi chảy xuống quanh năm. Nước chảy xuống con sông Truckie dài thăm thẳm. Mùa hè tuyết tan, nước dội xuống dâng cao mạnh mẽ, có thể lội xuống tắm được, mùa đông trên núi đóng tuyết thì nước ít hơn, chảy ngoằn nghoèo và lạnh buốt, nhúng mấy ngón chân xuống là tê hết mình mẩy. Hai đứa nhỏ khoái xuống mé suối vọc nước. Chồng tôi nằm trên bãi cỏ nghỉ ngơi, tôi ngồi bên bờ vừa coi chừng con vừa thả hồn theo trời xanh mây trắng, cây lá rì rào, bóng nắng bóng cây lấp lánh, nghe tiếng suối róc rách chảy, không khí trong lành, có thể quên bao phiền muộn của đời sống hằng ngày.
Cảnh thần tiên chắc cũng đẹp ngần ấy thôi. Nevada là vùng đất sa mạc nhưng trên núi cao thì rừng thông xanh thẳm cao ngút trời. Lúc "hạ sơn" xuống vùng nhà tôi ở thì toàn là đồi trọc, nhìn quanh quất cũng chẳng có cây cối gì đặc biệt ngoài những bụi gai dại tên Tumble-Weed mà nhạc sĩ nào đó đã viết thành bản nhạc rất hay
"Tumbleweed ú u tumbleweed..."
Những bụi gai này có hình dạng tròn vo khi khô khốc bị gió mạnh thổi tróc gốc rồi sẽ theo làn gió cuốn vừa xoay tròn vừa băng ngang đường lộ ngộ lắm.
Và những bụi những cây xương rồng.
Hồi còn nhỏ ở Việt Nam chỉ một lần duy nhứt tôi được thấy một khúc xương rồng là hồi người ta đồn ban đêm có Ma Lai rút ruột bay lang thang vô nhà hút máu người, phải treo nhánh xương rồng trước cửa, khi Ma Lai bay ngang, ruột nó bị mắc vô nhánh xương rồng không vô nhà mình được, chắc chắn mình sẽ không bị nó hút máu rồi trở thành Ma Lai thế mạng cho nó đi đầu thai. Ờ hén, ở đâu có cái tên Ma Lai" hay ý nói loại ma này là ma nhập cảng, vô Việt Nam hút máu ngừơi Việt rồi sinh ra một giống Ma nhưng bị Lai, mới có tên Ma Lai"""
Chuyện mê tín dị đoan vô lý mà có nhiều người tin, lúc ấy ngoài chợ bán xương rồng đắc như tôm tươi. Qua Mỹ mới biết xương rồng có quá nhiều loại và bông của nó đủ màu sắc sảo, hình dạng đủ kiểu đẹp lạ lùng. Dưới biển san hô đủ loại đủ màu rực rỡ như thế nào thì bông xương rồng cũng gần như vậy. Nhưng ở xa mà nhìn thôi, đừng có ngu như tôi, thò tay ra bứt, bị gai đâm thì sẽ ngồi đó vừa gỡ vừa khóc tiếng Tây! gỡ bữa nay gỡ tới ngày mai cũng còn gai! Gai như gai bông hồng tuy có đau nhưng còn đỡ hơn bị gai xương rồng vì bông hồng gai lớn có thể nhìn thấy rõ ràng, bị đâm thì chỉ bị một lỗ thôi. Loại gai xương rồng khác xa, nhỏ li ti và mỏng manh dễ gãy, hằng hà sa số, bị đâm vô tay rồi thì chỉ có cách bữa nay vừa hít hà vừa khều ra một mớ, còn lại một mớ cho ngày mai, da bị sưng sưng lên rồi, đau hơn, vừa hít hà vừa ráng khựi tiếp vừa khóc thầm bằng tiếng Ấn Độ.
Mùa hè ở Reno nóng đổ lửa và không khí rất khô, nghĩa là mồ hôi vừa rịn rịn chưa kịp ra khỏi lỗ chân lông thì bốc hơi hết trơn. Ta có thể nhìn thấy làn sóng nhiệt dờn dợn hoa mắt nếu nhìn ra ngoài nắng hơi lâu.
Vào mùa đông, khí hậu hạ thấp, thấp thấp thấp, trời u ám một màu xám, xám xám xám, không khí nặng nề như cái mền trùm lên đầu người. Tuyết rơi gần như mỗi ngày. Lạnh nhăn da. Bước ra đường là lỗ mũi đỏ lên liền. Vụ lạnh lỗ mũi đỏ này làm tôi liên tưởng tới đàn nai từ vùng giá băng Bắc Cực kéo chiếc xe chở ông già Noel đi phát quà cho con nít vào dịp lễ Giáng Sinh, bị lạnh quá nên lỗ mũi con nai cũng đỏ"
Rudolph, the red-nosed reindeer
had a very shiny nose.
And if you ever saw him,
you would even say it glows.
Ba mẹ con tôi rất thích ngồi dưới đất cạnh cửa sổ trong phòng khách có lót thảm, nhìn ra ngoài trời.
Tuyết rơi lớp này chồng lên lớp kia, bông tuyết trắng xoá phủ lên
 sừơn đồi thoai thoải, phủ lên mái nhà, nóc xe. Khi có gió lất phất,  bông tuyết bay quần quần, nhìn như cảnh trong mấy món đồ chưng, có cảnh nhà cửa cây cối trong lồng kiếng, cầm lắc lắc vài cái là tuyết bay tung lên như thiệt, hay bày bán trong tiệm vào dịp lễ Giáng Sinh.
Thỉnh thoảng thấy mấy đứa nhỏ con hàng xóm chơi trợt tuyết vui gì đâu. Con nít xóm nghèo đâu có tiền mua đồ "xịn" từ tiệm, cứ việc lấy cái nắp thùng rác lớn lật ngửa ngồi lên, nghiên qua nghiên lại lấy đà vài cái cũng đủ sức trơn để tuột  từ trên dốc cao tuột xuống. Vì nhà tôi nằm lưng chừng đồi nên dĩ nhiên chúng nó phải tuột ngang nhà tôi rồi.
Khi tuyết đang rơi và đọng lại, một màu trắng phẳng lặng thì đẹp một cách man dại. Khi tuyết tan, xe cộ cán qua nhìều bận, tuyết trở thành bùn nâu, khắn lại, cứng lại. Người nào có việc phải đi bộ, bước lên tuyết dễ trợt té cái ạch, dơ hết áo quần. Trong nhà tôi giữ nhiệt độ ấm lắm vì chưa quen với khí hậu quá sức lạnh, nhứt là thằng con lớn sanh ở Việt Nam hồi tháng ba, tháng nóng, qua đây nó đâu chịu được lạnh như thằng em nó sanh tại Mỹ nên tôi ít dám đem nó ra ngoài chơi, vì vậy mà mẫu hậu và hai hoàng tử cứ cấm cung.
Một hôm, đang ngồi đút cơm cho hai đứa nhỏ, ngó ra cửa sổ thấy một người trùm tấm ponso đang co ro cà rịch cà tang tiến tới cửa nhà mình. Dòm cho kỹ, ủa" Sao thấy quen quen, cố nhìn cho rõ hơn, rõ ràng quen quá. Cô gõ cửa, tôi đặt chén cơm xuống ra mở, hai đứa chưng hửng nhìn nhau vài giây rồi thì cô ta la lên, ôm chầm lấy tôi, mừng rỡ tía lia:
-Oh Oh you you you it s you (từ đây về sau tôi cho cô nói tiếng Việt luôn nha) Ố ô, chị chị chị là chị. Chị "Biệt Nem" (Việt Nam). Sao chị ở đây" chị ở đây hồi nào" ố ô, tôi cũng ở đây, nhà tôi trên kia, ố ô, mình sống gần nhau quá mà tới giờ này mới gặp sao" ố ô...
Tôi cũng mừng không kém, la lên:
-Vicky. Vicky Yellow Hair. Ô trời ơi vui quá vui quá. Vicky ở đâu" sao biết tôi  đây"
Vicky tròn mắt ngạc nhiên lắm, hỏi một hơi không kịp thở:
-Ủa! Sao chị nhớ tên tôi" còn tôi thì ố ô xin lỗi tôi không nhớ được tên chị nhưng tôi nhớ chị từ Biệt Nem tới Ố ô mấy năm rồi" Haaa... tôi mới nói chị không nghe sao nhà tôi ở gần đây, gần đỉnh đồi, là hàng xóm của chị mà. Ố Ô!
Tôi nhớ thêm một chi tiết nhỏ, Vicky nói chuyện hay chêm thêm ố ô! Lần trước gặp nhau ngồi khít bên đã nghe nhiều lần tiếng ố ô này. Đúng là Vicky.
Tôi nắm tay cô gục gặt:
-Vicky ở đây à" Làm sao mà quên tên Vicky được vì tên của Vicky rất đặc biệt, Vicky Yellow Hair mà. Tên là Vicky họ là Yellow Hair, rất lạ mà. Tên tôi thì khó kêu khó nhớ không phải chỉ mình Vicky mà đối với gia đình bên chồng tôi, họ gặp tôi vài lần rồi mà cũng không sao kêu tên tôi cho đúng được, cứ kêu là Xu Ann không hà còn tên Vicky thì tôi nhớ rõ vì mái tóc vàng của cô đây, vẫn còn vàng mà.
Rồi tôi kéo tay cô lôi vô nhà, đóng cửa lại vì tuyết đang rơi lất phất bay vô lạnh run.
Hai thằng con tôi đang ngồi trên ghế tại bàn ăn, nhìn cô khách lom lom, rồi thằng anh nhe miệng cười, xã giao nói "Hi" với khách, thằng em chỉ tròn xoe cặp mắt mà ngó vì chưa biết nói.
Vicky đưa tay nựng nựng hai đứa (tuị nó né né cái bàn tay lạnh!) xong quay qua hỏi tôi:
-Còn chồng chị, làm ở đâu" cha tôi mất rồi, tôi theo chồng đem con về đây.
-Ủa vậy hả" xin chia buồn với cô, trời ơi hồi đó tôi tưởng cô còn con gái.
Vicky phì cười, hàm răng sáng bóng, khuôn mặt nâu hồng hào trẻ trung.
Tôi hỏi:
-Vậy cô có mấy đứa" chồng cô làm việc ở đâu" ờ mà nhà cô là cái nào"
Vicky cười:
-Ố ô, há há háááá mãi lo mừng nhau mà tôi quên tôi tới nhà chị có chuyện gì. Kéo tôi lại cửa sổ chỉ ngược lên đồi, cô nói:
-Đó đó, nhà tôi là cái "dinh" thứ nhì nhìn từ trên xúông đó, cái nhà vàng vàng đó. Tôi ở đây từ hồi dọn qua Reno lận. Chồng tôi làm ở Casino Nugget, tôi có ba đứa, ố ô! lý do tôi tới đây là muốn nhờ chị một việc, tôi muốn nhờ chị coi dùm ba đứa con tôi để tối mai chúng tôi đi dự tiệc. Được không chị" chỉ mấy tiếng đồng hồ thôi, tôi sẽ trả tiền "giữ em" cho chị. Từ trên nhà nhìn xuống tôi chỉ thấy dạng của chị bồng con ra vô từ nhà ra xe từ xe vô nhà nhưng không biết là chị Biệt Nem. Nếu biết, chúng ta đã gặp lại từ lâu rồi. Ố ô! Tôi nhớ hôm bữa tiệc gặp nhau chị mặc cái áo dài màu vàng sang trọng đính hột đủ màu hình chim Công đẹp lộng lẫy nữa đó.
Nghe cô khen làm tôi nhớ đến hai câu ca dao:
"Áo dài chớ tưởng là sang
Bởi không áo ngắn mới mang áo dài"
Tôi cừơi xoà:
-Trái đất tròn mà Vicky. Đó là một trong hai cái áo cưới của tôi đó. Được, được không sao tôi sẽ coi chừng ba đứa con cho Vicky, khỏi tiền bạc gì hết á, mà mới đó đã ba đứa rồi à" tôi thì chỉ hai đứa thôi. Lạ chưa, cùng nghề, chồng Vicky làm cho Nugget còn chồng tôi thì làm cho Nevada Club.
Tôi pha trà hai đứa ngồi xí xô xí xào một hơi vừa nói vừa ra dấu (chắc là giống như người da đỏ và da trắng thương lượng đổi chác với nhau hồi xưa) rồi Vicky mới cáo từ về.
Chiều đó cho chồng tôi hay, cơm nước xong hai đứa bồng hai thằng con lên đồi thăm gia đình Vicky. Từ cái "lâu đài" của tôi lên cái "dinh" của Vicky chúng tôi trượt lên trượt xuống vì tuyết đóng băng thành đá rồi, trơn lắm. Tuy cha mẹ bị trượt lên trượt xuống có vẻ nguy hiểm nhưng hai thằng con thì khoái chí cười toe toét.
Trong lúc hai ông chồng bắt tay làm quen xong ngồi nhâm nhi tách cà phê nóng nói chuyện casino với nhau thì Vicky kéo tôi vô phòng mấy đứa con. Ba đứa, thằng lớn nhứt, nhìn là biết ngay dân da đỏ chánh cống, da nâu sẫm, mái tóc đen mướt, cỡ sáu bảy tuổi, đang giương cái ná lên tính bắn em nó, bị mẹ la, nhảy tưng tưng lên, hai đứa nhỏ có lẽ sanh năm một như tôi, đứa đang đứng dựa cửa sổ làm bia cho thằng anh còn đứa kia nằm oe oe tay chân quờ quạng đánh bốc trong giường thì trắng nõn.
Sau lần đó chúng tôi qua lại chuyện trò thường xuyên.

Một bữa nọ, Vicky đem cho tôi coi một cái... gì đó, giống như cái gùi của dân thượng du bên mình nhưng nhỏ hẹp hơn nhiều, làm bằng cọng tre hay cọng mây như loại ta đan rổ, với tấm hình.  Nhìn món đồ vật chưa biết rõ công dụng nhưng khi nhìn tấm hình thì biết ngay. Đó là cái gùi để na con trên lưng của người da đỏ. Tấm hình chụp một em bé gái, cỡ vài tháng, nằm gọn lỏn trong gùi, ló đầu lên với mái tóc đen mướt như đội đầu giả, gương mặt của dân da đỏ chánh cống, giống giống người Esquimo trên Alaska, cặp mắt tròn xoe đen thui như hai hột nhãn, gò má phúng phính dễ thương quá chừng. Trong lúc tôi cầm tấm hình ngắm nghiá khen thì Vicky kể:
"Nó chết rồi. Con bé con đầu lòng tên Mắt Ngọc của tôi chết hồi nó mới tám tháng, lúc tôi đang cấn thai thằng kế. Sau khi sanh thằng Tóc Đen, là thằng lớn đó, cha nó bị giết chết khi say rượu đánh nhau với bạn. Hồi còn con gái Mẹ tôi đã dặn rất nhiều lần là phải kiếm chồng da trắng, tụi da đỏ chỉ biết nhậu rồi đánh nhau mà thôi, chẳng làm nên trò trống gì, không giết ngừơi thì cũng bị người giết vì vậy chị thấy đó, chồng tôi bây giờ là da trắng (Vicky cười sáng mắt, coi bộ rất hãnh diện vì có ông chồng da trắng). Cái gùi na con này cha tôi đan cho đấy (đưa cho tôi, cô tiếp) bên xứ chị, có bao giờ chị thấy vật nào giống như vậy không"
(Ngộ thiệt!, Mắt Ngọc, Tóc Đen! Tên con cô cũng theo tục lệ người da đỏ, nếu muốn thì họ tự động lấy những gì tượng trưng tượng hình mà đặt cả tên lẫn họ cho con luôn)
Tôi đón lấy cái gùi lật qua lật lại coi:
-Chưa thấy như cái này, dân tộc thiểu số sống trên miền thượng du của xứ tôi thì có cái gùi để mang trên lưng và lớn hơn nhiều dùng để đựng vật dụng hay lên rừng bẻ măng hái trái. Người Tàu sống trong nước tôi thì làm tấm đai con sau lưng bằng vải còn ngừơi Việt thì bồng ẵm cõng vác con thôi.
(Lúc sau này tôi thấy con dâu tôi cũng có tấm vải đai con nó trứơc bụng y như con Kanguru na con trong cái túi trước bụng vậy. Nhớ đâu đó, có ai ra câu đố "Khi con của Kanguru rời khỏi vú mẹ thì còn lại cái gì"" Đáp "Thì còn cái túi không").
Kể lể một hồi, Vicky vuốt tóc tôi rồi nói:
-Tóc chị dài như thế này có chán không" hôm nào muốn thay đổi thì đi theo tôi ra phố, tôi sẽ chỉ cho một chỗ uốn tóc làm tóc rất rẻ tiền. Rồi cô dạy khôn dạy dại:
-Lâu lâu phải thay đổi sắc diện để chồng đừng chán vì mấy thằng cha làm trong casino hay gặp khách đàn bà...
Lúc ấy chồng tôi cũng hay nhậu nhẹt say sưa tôi nhớ nhà sầu khổ buồn phiền... Nghe có lý nhứt là vào một ngày giận chồng, tôi đã đi với cô, muốn cắt phức nó đi mái tóc dài chồng tôi ưa thích. Sau này mới biết, chỗ Vicky dẫn tới là một trừơng dạy nghề Thẩm Mỹ, học trò thực tập nên mới rẻ như vậy. Tôi nhớ mái tóc dài tới lưng của tôi bị hai cô cậu lôi kéo cắt quấn, vật tôi gần nửa ngày, chừng họ thả tôi ra thì mái tóc thề óng ả của tôi đã trở thành ngang vai quăn xoắn như Ma Rốc!
Chồng tôi quá giận, tôi thì mắc cở muốn chết!. Vì chưa biết có thể dùng thuốc uốn tóc kéo thẳng trở lại nên tôi cứ lấy tay mà trì mà dựt mỗi ngày cho bớt quăn.
Sang mùa hè, vợ chồng con cái Vicky khệ nệ cúôn gói. Tôi hỏi Vicky đi đâu vậy, cô nói năm nào cũng thế, gia đình cô trả nhà, dọn về vùng của bộ tộc da đỏ, dựng lên cái lều Tipi (còn gọi là Tepee), sống ngoài trời suốt mùa hè, không phải tốn tiền nhà cửa điện nứơc thức ăn gì ráo. Vicky nói muốn con cô biết thế nào là cách sống của dân da đỏ hồi xưa, hít thở không khí tự do, không lo nghĩ. Cô nói đó là ý nguyện của bà ngoại mà cô muốn truyền lại cho mấy đứa con, dù chúng là dân lai cũng vậy. Chồng cô theo mấy ông da đỏ đi săn thịt rừng, mẹ con cô xuống suối câu cá. Nghe cô tả cảnh sống màn trời chiếu đất cũng hay hay.
Khi mùa đông tới thời gia đình dọn trở lại cái nhà, chủ vẫn để không, chờ đợi gia đình cô.
(Ước gì tôi đã theo Vicky tới lều Tipi ấy mà sống vài ngày để tìm hiểu thêm về người da đỏ. Tiếc quá tiếc!)
Bẳng đi ít lâu, một hôm chồng cô xuống nhà chơi, nói y bị thất nghiệp rồi, muốn rủ chồng tôi vô vụ làm ăn. Hơi mừng trong bụng vì từ hồi qua Mỹ tôi ở nhà giữ con miết, tiền bạc phải vén khéo lắm, muốn gởi về cho Má với mấy em mà không thể, nếu có việc làm ăn không chừng tôi được phụ giúp một tay có đồng ra đồng vào, liền hỏi tới, làm ăn chuyện gì" Khi nghe anh ta nói thì hởi ôi!
Ông cố nội rủ chồng tôi lên núi đốn cũi về bán.
Trời Phật ơi"
Khi có chồng Mỹ, tôi dự định qua Mỹ sẽ đi học một nghề, làm việc có tiền gởi về giúp mấy em, tìm cách đem cả nhà qua Mỹ chớ đâu có múôn lấy chồng rồi làm vợ anh tiều phu" Nghĩ tới chuyện chồng tôi trở thành Lý Chân Tâm Anh Hùng Cỡi Cũi mà tôi mắc cừơi. (Đó là một cúôn phim hồi còn nhỏ tôi đã coi do hãng phim Mỹ Vân phát hành, tài tử đóng vai Lý Chân Tâm in là nghệ sĩ Bãy Xê, cha của nghệ sĩ Kim Cúc và Kim Lan là hai ngừơi đóng vai Thị Kính Thị Mầu trong phim Quan Âm Thị Kính)
Tôi khuyên chồng, đừng có khùng, nếu không thích làm việc Security nữa thì vừa đi làm vừa học hàm thụ nghề nào đó chớ đừng có nghe theo lời của anh chàng lấy trời làm nhà lấy sông làm nước mà hãy nghĩ tới tương lai của hai đứa nhỏ, "con vua thì được làm vua con sãi ở chùa thì quét lá đa". Nghe tôi nói y dựt mình!. 
Một ngày nọ, có hai ngừơi thanh niên tới gõ cửa. Họ trình ra thẻ căn cứơc cùng tài liệu về một trừơng dạy nghề nào đó. Mừng quính, đúng lúc quá, thì ra họ là những ngừơi đi tìm học viên cho một Trừơng Đại Học Hàm Thụ dạy đủ thứ. Sau khi nghe họ giải thích xong, tôi xúi chồng tôi ghi danh học đi. Y ghi danh học nghề làm quản lý nhà hàng và casino. Là cựu quân nhân nên chính phủ sẽ trả tiền học nhưng liền tức khắc phải đóng hai trăm đô để giữ chỗ. Lúc ấy hai trăm đô lớn lắm, tiền mướn nhà chỉ hơn trăm một tháng thôi. Chồng tôi nói làm sao có sẵn hai trăm mà đóng. Nghe vậy, tôi vô phòng, lôi ra chiếc giày.
Hồi mới cưới nhau, vợ chồng tôi vẫn sống chung trong nhà với Má và mấy em, tiền chồng tôi đưa phụ mỗi tháng, Má tôi để dành không dám xài, chừng chúng tôi đi Mỹ, Má nhét vô tay tôi, biểu con để dành phòng thân. Tôi đã gỡ lớp da lót chiếc giày cao gót, nhét năm trăm đô la xếp nhỏ bọc ni lông kỹ càng vô đó.
Gần hai năm đi chợ bồng con lúc nào cũng ráng khập khểnh trên đôi giày cao gót!. Bây giờ có chuyện thấy là đáng được moi ra xài.
Tôi đóng cho họ hai trăm đô, hy vọng sau này sẽ trở thành vợ ông quản lý nhà hàng, có thể tôi sẽ là phó quản lý nhà hàng. Ngon chưa"
Hàng tuần chồng tôi nhận được bài vở, học xong phải làm bài kiểm  gởi trở lại trường cho họ chấm điểm. Mỗi bài phải đủ điểm mới được tiếp tục học cho hết khoá. Hồi đó chưa có máy computer, thư đi thư về mất công lắm.
Khi có chứng chỉ trong tay, chồng tôi xin được việc làm quản lý một casino nhỏ, đời sống khá hơn trứơc, dọn nhà qua khu khác khang trang hơn. Chồng tôi thừơng cừơi cười, cám ơn tôi đã cản không cho anh nghe lời thiên hạ, lên rừng đốn cũi.
Từ quản lý nhà hàng nhảy qua quản lý hãng may cũng trần ai.
Tôi vẫn thầm cám ơn mấy trăm của Má và sức phấn đấu của chồng, gia đình ngày càng đi lên.
Còn gia đình Vicky, mùa đông năm ấy, chồng cô bỏ nhà đi đâu mất tiêu.
Một mẹ ba đứa con, cô phải sống bằng tiền xã hội và cái lều Tipi.
Về sau, khi tôi vào làm việc cho một hãng may khăn trải giừơng và màn cửa, tôi rủ cô vào làm. Tình bạn lại khắng khít.
Khi chúng tôi dọn qua tiểu bang khác, qua vài tiểu bang, rất ít khi liên lạc nhau nhưng, mỗi năm, dù ở đâu đi nữa, vài ngày trứơc ngày sinh nhật của tôi, cũng đều nhận được tấm thiệp với hàng chữ viết cong cong quẹo quẹo rung rung bằng tiếng Việt:
"Chúp mùm sinh nhặt bum búmm,"
và cô ký tên, "bánh cống"  
Những chữ cong quẹo ấy đã làm tôi ứa nước mắt và mừng vì bạn tôi vẫn còn đâu đó, nhớ đến tôi.
Hồi trứơc tôi đã dạy cô nói bươm bướm vì có lần ngồi nói chuyện  đời với nhau, nhìn con bứơm màu tím xanh chập chờn bay bay đậu đậu, nhớ nhà tôi khóc, Vicky đã ôm vai tôi, vỗ vỗ như dỗ em. Và từ đó cô biết nói bum búmm, còn tên bánh cống là do tôi hăm cô, nếu không bớt ăn thì cô sẽ trở thành cái bánh cống, giống như cái bánh cup cake của Mỹ đó, (là bánh bông lang đổ vô khuôn nhỏ như khuôn làm bánh cống của mình) và sẽ đi phục phịch xàng xê như mấy bà da đỏ già! Cô cừơi hà hà hà, nói, tôi cứ ăn, thành bánh cống cup cake hay là nguyên cái bánh sinh nhựt hai ba từng cao cũng chẳng sao!
Từ đó tôi gọi cô là bánh cống, cô gọi tôi là bum búmm.
Trong một tấm thiệp cô gởi, kèm theo tấm hình. Cô không còn trẻ nữa, mập ra rất nhiều, mái tóc úa vàng lưa thưa trộn bạc. Cô cho biết thằng Tóc Đen của cô đã chết vì đánh nhau sau khi nhậu say, "cái chết y như cha nó, cái thằng da đỏ vô dụng!" (lời của cô) hai đứa con nhỏ hồi tôi ở gần cô thì có gia đình, mà khi có khi không, li dị vài lần, vẫn sống ở Nevada bằng cái check của "uncle Sam", là check welfare. "Thằng" chồng da trắng quí giá của cô, trở về lều Tepee sau vài năm lưu lạc, tặng cho cô thêm hai đứa con rồi một hôm cũng vì rượu, lái chiếc mô tô nhào xuống hố bị chiếc xe đè lên chết liền. Bây giờ còn nuôi đứa bé nhứt, cô làm việc bán thời gian trong phòng ăn của trường học. Cụôc sống của cô không có gì thay đổi, tiền lương và tiền welfare cũng đủ, mỗi mùa hè vẫn trở về bộ tộc da đỏ, dựng lều Tepee để sống ngoài trời, hít thở không khí tự do như xưa.
Giữa hai người bạn, Vicky đang sống cô đơn với bé út thiếu cha, mấy đứa kia, đứa mất đứa tản lạc; về phần tôi, người bạn đời kề bên, hãnh diện là một công chức của tiểu bang California, tôi tự cho mình có quyền hãnh diện với sự thành công nhỏ nhoi ấy và, các con tôi tuy không được lên ngôi vua cũng chẳng làm con của người rừng đốn cũi  trên núi mà là những công dân có ích cho xã hội.
Nhiều lần, tôi cứ suy nghĩ đến chữ "tự do" của Vicky Yellow Hair.
Vicky quan niệm tự do là tự do sống giữa trời xanh mây trắng, không lệ thuộc vào ba cái tiện nghi lẻ tẻ, không lo lắng về tiền bạc nhà cửa nghề nghiệp, con cái đứa nào học được thì học không thích thì cứ ra ngoài kiếm sống, làm không đủ thì còn bộ xã hội tài trợ, lo gì" chồng nàng cũng theo lề thói ấy mà thành hư thân, từ một ngừơi da trắng "có giá" đối với mẹ của Vicky, trở thành một người ù lì, không có óc tiến bộ cho nên ngày càng đi xuống. Vicky nghĩ như thế vì cô sanh ra trên đất nước này, cô chưa từng sống trong chiến tranh, chưa từng đau đớn mất mát vì chiến tranh, con cái chẳng cần phải trầy da tróc vẩy vẫn sống phây phây nên chắc cô không hiểu nghĩa "tự do" của tôi.
Hồi xưa, có lần cô hỏi tôi:
"Tại sao dân Biệt Nem dám xuống ghe xuồng nhỏ tí xíu mà vượt cái đại dương, chết sống tới đây làm gì" Cũng phải đi làm còn khổ hơn cả tôi với chị nữa""
Tôi đã hỏi ngược lại cô:
"Vicky, có ai đang sống yên lành hạnh phúc và sum họp gia đình trên quê hương mà phải dắt díu nhau liều chết xông vào chốn hiểm nguy" Chúng tôi bất kể sinh mạng tới đây vì không thể sống dưới chế độ kềm kẹp bất nhân thất đức, vơ vét dân chúng tới mức không còn gì hết, số mệnh lửng lơ trong tay họ, sống thấp thỏm lo âu đói khát từng ngày" Thà là ra biển còn có cơ may tới được đất nước mà giá trị con người được tôn trọng như con người và con cháu được sanh ra lớn lên trong nước tự do. Nếu chết dọc đường thì là một sự giải thoát mau chóng thôi. Sự tự do theo ý của tôi không phải chỉ là tự do về vật chất mà còn cả tinh thần nữa, Vicky à."
Sau này, theo từng thời kỳ và từng bước tiến, tôi đã gởi rất nhiều hình ảnh của những Tiểu Sài Gòn và nhiều hình ảnh thành công khác của dân tị nạn Việt Nam trên thế giới cho Vicky xem để cô hiểu về chữ tự do theo ý của tôi. Cả một dân tộc hào hùng can đảm từ mấy chiếc ghe xuồng tí xíu ấy bước lên xứ sở này, mang danh "Phốp", lấy từ những chữ F.O.B (fresh off the boat) ấy, đã tạo nên một thế hệ Việt Nam có con cháu được tự do phát triển tài năng, Sĩ Nông Công Thương đều có mặt ngừơi Việt Nam.
Khi đặt chân lên nước Mỹ, chúng ta chỉ dùng cái check welfare ấy một thời gian tạm thời, là bực thang đầu tiên giúp ta tiến lên mà thôi.
Nhóm dân tị nạn chúng ta được tự do sống và đóng góp chớ không phải sống tự do làm gánh nặng hay dựa vào chính phủ.
Sự tự do của cô da đỏ Vicky Yellowhair là cái nhìn thiển cận còn tự do của ta là nhìn tới những thế hệ sau.
Cho tới bây giờ, chắc người bạn mấy chục năm của tôi cũng chưa  hiểu rõ, rằng đối với tôi, không phải được nằm ngoài lều, dưới trời xanh mây trắng, ngắm ánh trăng thanh mà gọi là "tự do".
Trương Ngọc Bảo Xuân

TRƯƠNG NGỌC BẢO XUÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,793,256
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến