Hôm nay,  

Trời Hồng Hồng, Nắng Trong Trong

16/01/200900:00:00(Xem: 205005)

TRỜI HỒNG HỒNG, NẮNG TRONG TRONG

Tác giả: Phương Toàn
Bài số 2507-16208584 vb511509

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Cựu thợ lái máy bay chuồn chuồn ở Căn Cứ KQ Phù Cát - Bình Định, cựu tù chính trị, đến Mỹ từ 1980, hiện an cư lạc nghiệp tại Garden City, Kansas. Ông đã góp  một số bài đặc biệt và nhận giải thưởng Viết Về Nước Mỹ từ mấy năm trước.
Bài viết sau đây trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Sửu, 2009: một tự truyện mới viết của Phương Toàn, kể bằng giọng vui vẻ hiếm có, từ chuyện lấy vợ, làm đám cưới chui ở quê nhà tới chuyện vượt biển rồi định cư tại Mỹ.

***
Cái vòng lấy vợ cong cong
Kẻ hòng ra khỏi người mong bước vào
(Ca dao mới)
*
-Bố không lấy vợ cho tôi, tôi không ra ruộng nữa!
Đó là lời một anh Vọi ở quê tôi xửng cồ với bố, khi ông than phiền dạo này sao thấy anh biếng nhác việc ruộng nương.
Một anh khác phiền nhiễu xóm làng hơi nhiều, mẹ anh tính cột chân anh lại bằng một người con gái:
-Mày thích ai, bảo mẹ, mẹ đi hỏi cho con ạ.
Anh ta tuyên bố:
-Một trăm câu nói, không bằng tí khói xe Honda.
Chí lớn của anh là chiếc xe Honda, ở quê tôi thời kỳ đó xe Honda còn khá hiếm. Anh dự định là có xe rồi, sẽ đem xe ra đua ngoài quốc lộ, lúc đó thiếu gì cô mê, mẹ anh khỏi nhọc công nhờ người mai mối.
Hồi năm 1960, chị tôi 16 tuổi phải đi lấy chồng vì mẹ bảo phải lấy.
Hai họ dẫn con vào nhà thờ để cha Xứ hỏi lẽ đạo. Khi về, một người bạn hỏi chị tôi:
-Sao! Hắn nhìn có được không"
Chị thản nhiên trả lời:
-Ba lão, chẳng biết là lão nào!
Ba người đó là ông rể tương lai và hai người bạn đi kèm.
Vào thập niên 70, tình duyên của tôi cũng được mai mối tương tự:
Cậu Sáu Điếc đi chợ về ngang nhà ghé vào gạ gẫm mẹ tôi:
-Bác bằng lòng là em tay trong hỏi con bé ấy ngay cho thằng Tửng, con bé hơi mập và đen nhưng hay lam hay làm lắm bác ạ.
Mẹ tôi ngần ngừ:
-Vẫn biết vậy, nhưng cháu của mợ nó xấu quá!
-Ăn thua gì cái xấu, ngày xưa vợ em còn xấu tợn, cái nết đánh chết cái đẹp mà bác.
Cậu gạ già hơn nữa:
-Nếu bác chịu, em cho bác mượn "con tâu" làm đám cưới đấy.
Ấy vậy mà mẹ tôi vẫn không chịu. Giá bèo quá, cả đời người con trai chẳng lẽ chỉ ngang giá một con trâu(")
Đến cuối thập niên 70 tôi bồ bịch cũng nhiều, nhưng khi bị vào trại cải tạo thì chỉ còn có một người con gái còn nhớ đến và đi thăm tôi. Khi được về, mẹ tôi bảo:
-Tao thấy cũng tội, thời này còn có mấy người được như vậy. Thôi cưới nó đi, kẻo lỡ làng đời con gái người ta và tội với giời.
Thế là tôi lấy vợ.
Bị "ninh tinh" tội, cho nên tôi bị quản chế không cho ra khỏi ấp.
nhưng "Nó" (ám chỉ vợ tôi) thì ở tận SG, tôi phải lên trên đó để cưới, lý do rất đơn giản là cho khỏi tội với giời và khỏi lỡ làng đời con gái.
Thời đó, chỉ có công nhân viên mới mua nổi vé xe đò. Tôi kiếm được củ khoai và chế ra rất nhiều mộc giả, thế là tôi lên được SG.
Sau khi chào hỏi cụ thân sinh, tôi nháy nàng ra sau bếp, cầu hôn bằng một câu rất cù lần:
-Em, mai mình đám cưới.
Vợ tôi cảm động gật đầu, cái gật đầu tàn đời trong ngõ hẹp.
Đám cưới cũng dự tính rình rang: Tôi đem theo hai cặp gà, bốn lít rượu đế và đôi nhẫn tí hon. Thánh lễ sẽ cử hành tại nhà thờ Phú Quí, ca đoàn loại xịn sẽ hát và rất nhiều người tham dự.
Mọi dự tính của tôi bị đảo lộn hết bởi cái anh Công An Khu Vực!
Ngày xưa anh ta mê vợ tôi, nhưng đem nghề thợ nề mà chọi với tôi quả là không cân xứng, anh quay ra đi làm cách mạng.
Vợ tôi đem giấy tờ của tôi lên trình, xin tạm trú qua đêm, anh ta mừng như bắt được vàng. Đọc tờ giấy phép đi đường, anh nhịp cẳng đắc ý:
-Bỏ mẹ mày nha thằng Nguỵ Nhí, vừa ra khỏi ấp không xin phép, lại xài giấy giả với mộc củ khoai. Ông sẽ cho mày xuống bến Ba Son, ra đi mà không hẹn ngày về.
...Ban Công an bèn lên chuyên án, cử ngay hai người tới nhà vợ tôi, mừng đôi uyên ương nên duyên cầm sắt!
Hên quá, tôi vừa mới rời nhà đi thăm người quen, thế là hai anh Công an xí hụt. Họ nhắn lại:
-Khi nào anh về, cho chúng tôi biết để tay bắt mặt mừng, người quen cả mà.
Từ ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, vợ tôi khôn ra, vừa đưa người cửa trước, nàng phóng tuốt ra cửa sau, đứng chờ tôi ở đầu hẻm. Thấy chồng, nàng báo tin:
-Công an vừa vào nhà chúc mừng đám cưới.
Tôi ngạc nhiên:
-Công an mừng đám cưới" Tốt!
Tôi kéo vợ tôi về nhà, nàng giựt tay lại:
-Ngu vừa vừa chứ, nó đến để bắt đấy chứ chúc với mừng gì.
Tôi đang ở trên thượng giới, rơi cái bịch xuống trần gian. Ừ mà khéo nó bắt mình thật.
Bọn tôi ra tới nhà thờ Phú Quý, gặp cha Xứ, xin đổi lễ lại lúc 4g sáng thay vì 8g như đã định.
Cha nói:
-Sớm quá, không mời ca đoàn kịp.
Chúa ơi, tình trạng này mà cha còn hát hò gì nữa, phải làm sớm lúc công an còn đang ngủ, phải mời Chúa dậy mà làm chui.
Cỗ cưới của tôi, tựa như chiếc xe Lunch nên việc di chuyển sang nhà bà chị ở phường khác chẳng khó gì. Bà chị tôi ở gần đường Huỳnh Văn Bánh và Nguyễn Văn Đậu nên cỗ cưới tăng thêm hương vị ngọt ngào (có bánh và đậu mà).
Thực khách khoảng vài chục.
Khi mọi người đã an toạ, tôi từ chiếc xe ôm chững chạc bước vào nói đôi lời cảm ơn cha bác đến chung vui với hai cháu, đã không quản đường sá xa xôi, công an săn bắt.
Tôi nâng ly đế với mọi người, rồi bắt tay từng người một, vừa xong tôi chụm hai bàn tay lại, vái vái:
-Xin lỗi cha bác, con xin kiếu.
Ông bác cười thông cảm, nhưng cũng nói:
-Chú rể này láo, chả coi cha bác ra gì cả.
Để mọi người ngồi ăn cưới với nhau, tôi mượn chiếc xe đạp, chở nàng vòng vòng đường phố SG, trước là để trốn công an, sau là để ngắm lại những cảnh thơ mộng ngày xưa khi hai đứa còn đang bay bướm trên chiếc xe Lam brét tuýt.
Thỉnh thoảng đang đi, tôi quay ngoắt ra phía sau coi có ai theo dõi mình không, tựa như hai đứa đang đóng phim trinh thám.
Khoai sắn bây giờ là những món ăn "cao cấp" nhưng ít ai nghiệm ra giá trị tuyệt vời của nó, khi dùng để khắc mộc giả thì trên cả tuyệt vời.
Sáng hôm sau tôi lại dùng mộc củ khoai mua vé về quê để hưởng tuần trăng mật, để lại sau lưng anh Công an khu vực và ông Thủ Trưởng trường Dược với nỗi buồn đìu hiu ở hang Pác Bó.
Vợ tôi làm ở trường Dược, cứ  ít ngày nàng lại buồn một chập: Cách mạng về thành họ lùa đàn heo vào chiếm vườn dược thảo, nơi trồng cây có vị thuốc để Sinh viên nghiên cứu. Vợ tôi buồn day dứt. Họ phát cho nàng tờ đơn tự nguyện xin giảm lương xuống một nửa. Nàng buồn vời vợi. Nàng buồn lang thang khi ông Thủ Trưởng đề nghị nàng gọi ông là anh xưng em, trong khi mấy cô Dược Sĩ dạy ở trường như cô Tuyết, cô Mai đều kêu ông bằng... Bố.
Ông tuy là người cách mạng nhưng được lắm, ít khi ngồi co giò lên ghế.
Về quê, hai đứa tôi sống êm đềm bên luỹ tre xanh của chung kênh ấp, bên mái tranh nghèo của bà già. Ngoại trừ mỗi tuần hai ngày vác xẻng lên xã "lấp hố bom", thời gian còn lại tôi thênh thang lắm. Gia đình tôi có một nhà máy xay lúa nho nhỏ, xã hội lành mạnh nên không có cảnh giành giựt khách ngoài đường, họ đóng tiền ở Ấp để mua phiếu, nhiệm vụ của chủ nhà máy là vác lúa từ ghe lên bờ, xay xong vác ngược xuống ghe. Bù lại, chủ được ưu tiên giới thiệu một lao động làm trong nhà máy.
Trong lúc bạn bè xưa còn đang lêu nghêu ở SG khó có thể kiếm được việc làm, tự dưng tôi được làm cho nhà nước.
Ông anh đề nghị:
-Nó cho một người làm, anh đứng tên, chú làm chui, để anh ra chợ trời kiếm cái gì mà buôn bán kẻo đói mất.
Tôi trở thành Chuyên viên Kỹ Thuật của Tập Đoàn Xay Xát. Khi có ai đem lúa tới, tôi bốc lên bờ, xếp vào chỗ qui định, đến lượt xay, tôi vác lên bồ lúa, đổ nó vào máy, giũ chiếc bao cho sạch rồi vất xuống đất. Khi họ xay xong, tôi lại vác ra ghe.
Việc tuy cực nhưng cũng có cái đền bù, chẳng hạn như lúc lén nhìn mấy cô bán gạo lậu ăn mặc theo kiểu tàn dư Mỹ Nguỵ. Tôi chỉ nhìn kín đáo, không để cho vợ biết, sợ nó buồn, tội nghiệp con bé phiêu bạt theo chồng.
Làm được ít tháng, tôi "quit job".
Theo biên chế mới, nhà máy này phải dời vào một địa điểm xa lắm, Cách mạng gọi là: phân phối đồng đều cung và cầu ở địa phương. Mỗi ngày lội bộ mười mấy cây số để vác gạo, rồi lại lội bộ về, đổi lại mỗi tháng ít ký gạo thì ở nhà hai vợ chồng chết đói sướng hơn.
Tôi xoay qua làm nghề khác: Trồng đậu xanh.
Một ký đậu bằng mấy ký gạo.
Mẹ tôi cho một công ruộng làm của "hồi môn", cách nhà khoảng cây số. Tôi mượn chiếc máy đuôi tôm Kohler 4 của ông anh để tát nước, rồi hai vợ chồng quyết chí làm giàu, ngày ngày ra ruộng cuốc đất trồng đậu.
Đất của tôi ở "vùng sâu, vùng xa" lại nằm ngay chỗ nước phèn, cộng thêm thiếu phân nên cây đậu lớn lên dễ thương y hệt cộng miến Tàu. Thời gian đầu, mỗi ngày tôi đều vác đi vác về chiếc máy Kohler 4 nặng chịch.
Một hôm tôi về tay không, vợ tôi hốt hoảng:
-Chúa ơi, sao anh để máy ngoài ruộng, nó trộm mất.
Tôi thở hào hển lắc đầu. Vợ tôi nháy nháy một bên mắt, dụ khị:
-Cố đi, đem nó về mỗi ngày, mệt em đền.
Tôi lại tiếp tục vác được hơn tháng nữa. Vợ tôi đền thế nào mà càng ngày tôi thấy máy càng thêm nặng, tôi quyết định để lì nó ở ngoài ruộng.
Đến ngày thu hoạch, một công đậu của tôi thu được hơn hai rổ. Tôi ra ruộng vác máy về, thơ thới hân hoan huýt sáo:
-Trời hồng hồng, nắng trong trong, thằng... nhảy thành ông...
Bác Hiệu, người hàng xóm thấy tôi yêu đời, hỏi:
-Anh hôm nay vui quá. Đậu của anh ra sao rồi ạ"
-Dạ cũng lời chút đỉnh bác ạ.
-Anh khéo nói chơi quá, ai lại chả biết công đậu của anh thâu chẳng là bao.
-Dạ nếu tính đậu thì lỗ bác ạ, nhưng lời cái máy đuôi tôm.
-Anh nói khó hiểu như thánh kinh ấy, sao trồng đậu lại lời máy đuôi tôm"
-Dạ, hôm vác máy về nặng quá, cháu để lì ngoài ruộng, cầm bằng như mất luôn máy, đến hôm nay vác về, vậy là mình lời cái máy, giá nó ngang một tạ đậu đấy bác ạ!
Chả biết bà hàng xóm nghĩ gì, bà cười rồi lập lại:
-Anh khéo nói chơi quá.
Trồng đậu có vẻ không đủ ăn, tôi cải ngành: Đi chài cá.
Cái chài cũng phải đi mượn luôn. Tôi có ông anh thương em lắm, cứ hễ cái gì ông có là tôi lại sang mượn. Mỗi ngày tôi ôm cái chài mà rểu khắp xóm làng. Vợ tôi lò tò cằm cái giỏ đi theo. Từ vũng trâu đằm đến mép sông, cứ chỗ nào có nước là tôi vãi xuống. Chúng tôi dẫm nát vườn khoai, bờ rạch của lối xóm, không biết tại vợ tôi trông dễ thương họ không chấp, hay họ biết tôi cùng đường nên không muốn "nhây với hủi".
Trong mẻ chài, những con cá thuộc dạng nhân dân lao động như con cá chốt, cá sặt, cá thác lác thì vợ tôi biết chắc rằng ăn được, còn những con mặc đồ "Đại cán" khó nhận dạng như con cà cuống, bù niễng, ốc bươu, nàng đều chúm chím miệng hỏi tôi là ăn có chết không"
Thật ra cứ con gì nhúc nhích là vợ chồng tôi bắt về ăn tất, nếu bị dị ứng nổi mề đay thì hai vợ chồng lại vần công gãi lưng cho nhau.
Thỉnh thoảng được con cá lớn cỡ cẳng chân, tôi lại nghĩ ngay đến chuyện gạ bán cho bà chị. Bán bằng gạo, đưa con cá, chị cho mấy lít gạo, nhưng khi chị kho, lại múc đem cho một nửa, hoặc nếu nấu canh, chị cho một tô có cả cái đầu.
Giờ nghĩ lại mà thương chị: Của đáng tội, dưới quê có mấy ai cần mua cá!
Một hôm, tôi nhận được giấy mời của Công an Huyện, mời hẳn hoi chứ không "bố nếu bố náo" như Ấp đội hay Xã đội. Bên trên tấm giấy có chữ Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc, nhắn tôi lên có chuyện trao đổi. Tôi lại mượn chiếc xe đạp của người anh, hôn vợ cái chụt, hẹn chiều sẽ về và trấn an rằng: Bố Công an cũng không dám đụng đến sợi lông chân của anh.
Tôi đạp xe đi và lại yêu đời huýt sáo:
-Trời hồng hồng, nắng trong trong, nàng du kích gài chông...
Bước vào Công an Huyện tự nhiên tôi thấy rét, anh Công an coi bộ hiền lắm mà sao tôi lại run.
Sau lưng anh là tấm hình của Bác trông "Nhí nhảnh dễ thương". Nhớ ngày xưa thằng bạn tôi xấu mồm nói rằng ông cụ có nụ cười hơi đểu. Ánh mắt Bác như bảo tôi rằng: Cẩn thận nha con, Công an là vua lừa đấy.
Anh Công an bắt đầu vào chuyện:
-Thế nào, có phát hiện được điều gì để báo cáo không"
Đồng tình với bác, tôi phịa chuyện trước:
-Dạ thưa anh, có người bán gạo lậu ạ.
-Tốt, thế họ tên gì, bây giờ họ đang ở đâu"
-Thưa tôi không biết tên, họ là người Bắc di cư, đã bị Công an Xã bắt làm biên bản ạ.
Anh nhướng đôi lông mày gây sự:
-Phát hiện tội phạm thì phải có tên tuổi hẳn hòi, người Bắc nào buôn gạo lậu" Chửi xéo tôi hả" Khu Cái Sắn nàycó cả mấy trăm ngàn người Bắc, biết đứa nào ra đứa nào"
Anh văng tục một mình:
-Công an bắt rồi thì báo cáo làm ... đếch gì cho tốn giấy, rõ dấm dớ...
Anh dỗ ngọt tôi:
-Cách mạng đánh người chạy đi chứ không bao giờ đánh người chạy lại. Từ trước đến giờ anh có gì dấu giếm cách mạng, khai ra..
-Dạ thưa anh, hồi còn cải tạo tôi có tha mấy anh Nghĩa vụ quân sự ạ.
-Tiếp đi.
-Thưa anh Trại đã có lệnh là hễ thấy bọn Nghiã vụ quân sự trốn, thì bắt ngay lại và sẽ được thưởng 3 ngày khỏi phải đi làm.
-Gì nữa"
-Dạ, tôi thấy hai anh Nghĩa vụ trốn trại, các anh ấy tính bơi qua sông, tôi biết nếu đi hướng đó thế nào cũng bị Bộ đội bắt lại, nên tôi chỉ họ đi lối khác ạ.
-Họ có nói gì trước khi trốn không"
-Dạ ảnh cho tôi đôi giày rách rồi bảo: Thằng Nguỵ nó khôn, theo Mỹ có giày tốt để đi êm chân, mình mang ba cái thứ quỉ Trung Quốc này vào thêm rạc cẳng!
Anh Công an đập bàn cái rầm:
-Láo toét, Nghĩa vụ mà lại trốn trại hả, ai cần đến các anh bắt Nghĩa vụ.
Anh dịu giọng:
-Có lũ phản động đang tổ chức dưới kinh anh ở, có ông Thiếu tá Tình làm Tiểu đoàn trưởng, có tên anh là Đại đội trưởng, nếu anh đưa danh sách cả tiểu đoàn, anh sẽ được tuyên dương và xả chế.
Tôi ngơ ngác, nhưng anh ta chửi tôi là chỉ làm bộ ngơ ngác.
 Tôi đã cố ngoan với anh, anh lại cho rằng tôi ngoan cố!
Anh tức giận gọi vệ binh lôi tôi xuống nhốt vào phòng giam, sau khi kéo cả ba đời tam đại nhà tôi ra rủa là một lũ ngu. Ôi:
-Tin như sét đánh ngang tai
Tôi đang chài cá chuyển ngay vào tù (ý thơ Bút Tre)
Bỗng dưng, đến chiều anh tha tôi về, nói rằng cho tôi nghĩ lại và sẽ mời tôi sau.
Tôi mừng quá, nếu không được tha, thì chả biết nói sao với vợ, vì đã lỡ huyênh hoang: Công an không dám động đến sợi lông chân.
Nam Mô Bổn Sư Bồ Tát đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn.
Thời gian như bóng câu qua cửa sổ, tôi làm đủ bá nghệ. Rồi đến một ngày, tôi có một đứa con.
Khi có con, tôi bỗng thấy mình lớn hẳn lên, rồi nghĩ đến anh Công an, nghĩ đến cái loa cột đèn hay rêu rao Thiên đường Xã hội chủ nghĩa. Những sáng có gió heo may, tôi thấy ơn ớn thiên đường như người ốm nghén!
Tôi nghêu ngao hát:
-Thiên đường ba đứa ba nơi
Thôi tôi chỉ muốn làm người trần gian
Ngày xưa vì miếng cơm manh áo của mình, mà Bác phải lang thang xuống bến Nhà Rồng tìm đường vượt biên, ngày nay vì tương lai của gia đình, vợ con, sợ gì mà tôi không dám vượt biên"
- Bác anh hùng, tôi cũng anh hùng (thơ HCM)
Sau 30-4-75 mọi người đều hồ hởi. Các cán bộ lớn ở ngoài Bắc thì hồ hởi cái mà dân SG gọi là "Vào Vơ Vét Về" chả mấy người không hiểu. Các bộ đội con thì hồ hởi nhìn con gái SG, vì đứa nào trông cũng "Đỏng đảnh mà hay hay". Dân chính gốc miền Nam thì hồ hởi rủ nhau vượt biên. Người người vượt biên, nhà nhà vượt biên. Cả quán nước mía toàn là người vượt biên, kể cả khách lẫn người tổ chức, nói chuyện vượt biên oang oang như đang bán thuốc Sơn Đông. Trưởng ban Công an ngồi uống nước mía nóng mặt quát:
-Bé cái mồm lại, ông nhốt cả lũ bây giờ.
Có bữa tối đang ngồi ở nhà ông Phó ấp bàn chuyện vượt biên, chợt chó sủa ngoài ngõ, tôi làm cái rẹt, phóng ra cửa sau lủi vào vườn mía dầy mịt. Hôm sau hỏi con ông Phó ấp có phải là Công an đến xét không, anh ta nói là ông Trưởng ấp tới thăm. Tôi hỏi ông có nghi gì về vụ vượt biên không, anh ta cười nói:


-Ông ấy đã chẳng nghi thì chớ còn hỏi là có còn chỗ không, để gửi theo thằng con.
Ối bà con ơi, vui sao quá xá là vui...
Năm 1979 lụt lớn ở Miền Tây, quê tôi trắng xoá một màu nước, ở đâu cũng coi như là biển, muốn vuợt biên chỉ cần "kiếm cái xuồng ba lá... là chèo thẳng đến Thái Lan". Nói thì nghe dễ vậy chứ ra đến biển rồi thì thấy chiếc ghe nhỏ hơn con muỗi mắt trong nghiên son, sinh mạng phó thác cho trời.
Anh tôi, ngày ra đi mời đủ hết mặt mũi công an, du kích xã ấp đến nhà mình ăn nhậu, đến nửa bữa anh ngà ngà say nói là mình ra sau nhà để... đái. Con sông sau nhà đã cột sẵn chiếc ghe, vợ con đã âm thầm xuống từ hồi nào, ghe âm thầm tách bến. Một lát sau đám công an thiếu rượu mà thấy gia chủ vắng nên kêu réo om xòm, lúc ấy mới bật ngửa là anh tôi đã "tách bến sang ngang" rồi.
Trời đất mênh mông như thế này biết ghe nó chạy đàng nào mà bắt. Bác Hồ ơi, Đảng quang vinh ơi!
*
Người ta sang Mỹ với mộng làm vương làm tướng, vợ chồng tôi sang Mỹ bắt đầu bằng nghề culi.
Chuyện đó thì xưa như trái đất rồi, ai cũng biết. Mấy ai qua đây mà chẳng bắt đầu từ con số không, nhưng mà nếu mình chọn cuộc đời như vậy nó cũng đỡ ấm ức, đàng này chả có cái dại nào giống cái dại nào.
Thoạt đầu ở bên trại Tị Nạn, Cao Uỷ hỏi là có muốn về Garden City không, ông Thi Già bạn vong niên của tôi bàn rằng, ổng sẽ về ở với anh em tại Garden Grove, thôi về đó đi để mà sớm tối có nhau, cũng có tên là Garden thì chắc chả xa nhau là mấy, cũng tựa như Mỹ Thuận thì gần Mỹ Tho. Thế là tôi hí hửng chịu nhận về Garden City.
Sau một đêm ngủ ở trại Davis, hôm sau chuẩn bị lên đường, dò danh sách thì mới biết rằng đi Garden Grove bay có một giờ, nhưng đi Garden City tổng số giờ bay là bốn tiếng.
Mỹ nó hay viết tắt, sau chữ Garden Grove nó có chữ CA, sau Garden City có chữ KS. Thế này là bỏ mẹ rồi, tình nghĩa keo sơn để sớm tối có nhau với ông bạn vàng tan thành mây khói!
Ra đón gia đình tôi là một bà Mỹ trắng cỡ ngoài 30, bà ta mặc cái quần xà loỏn, loại quần Jean xé gấu đến đầu gối, sơn dính tèm lem.
Sau những câu chào hỏi dấm dớ bằng cả tay lẫn miệng, bà đưa gia đình tôi về nơi trọ.
Sau này tôi mới biết đó là một bà Soeur, vì nhiều lần mướn nhà cho người Tỵ Nạn, nhưng rốt cuộc lỡ trục trặc giấy tờ sao đó nên không đến, bà bèn chờ cho tới lúc nào người ta đáp xuống Cali mới đặt cọc mướn nhà. Lần này không có nhà sẵn, nên bà phải phụ chủ nhà sơn phết cho có vẻ tươm tất.
Ba ngày sau, bà dụ tôi đi làm, bà nói ăn trợ cấp nó hẻo lắm. Bà hỏi tôi có muốn đi làm plumbing không" Tôi hỏi plumbing là cái gì thì bà giải thích: Công ty plumbing có thằng thợ là plumber, và tất cả tụi nó đều plumb!
Thây kệ, plumb là cái gì cũng được, miễn có lương, vẫn hơn đi lấp hố bom cho Công an.
Đứa con gái tôi bắt đầu tập nói, bà Bảo Trợ dạy nó câu: Dad does plumbing. Nó cố hết sức nhưng chỉ nói thành câu: Đát đơ bầm mình.
Ngày đầu tiên đi làm, thằng xếp Mỹ chỉ cái xe truck to tổ chảng bảo tôi dời qua chỗ khác. Tôi leo lên xe mở máy, nhưng không dám làm động tác nào hơn là đạp cái thắng. Thằng cai thấy cái xe nổ máy hoài mà không chạy, bèn tới coi. Nó thấy tôi ôm cái vô lăng quay qua quay lại như con nít chơi nhà chòi, nó hỏi bộ không biết lái xe hả, sao buổi sáng ông chủ nói tôi là phi công mà lại không biết lái xe.
Thằng này quả là vớ vẩn, bộ cứ hễ là phi công là phải biết lái xe hay sao"
Vô trường bay mà coi trong chương trình dạy, có mục nào dạy lái xe không"
Thấm thoát mà tôi đi làm đã được mấy tháng, để dành được 500 đồng. Có một bà Mỹ bán chiếc xe hai trăm. Tôi nhờ ông Huốt, một đồng hương biết mọi sự trên đời, chở đi thử xe. Đến nơi thấy một bà Mỹ già lắm, già ngang với chiếc xe Ford bà muốn bán. Chiếc xe lớn thật, như chiếc xe lô Trung Chánh chạy đường Mỹ Tho thuở trước. Bà ta thều thào nói:
-Xe không chạy được, cái bình điện bị hư. Chắc giá 200 đồng.
Tôi hỏi ông Huốt:
-Xe to quá, mà ghế nệm lại rách te tua.
-Đít Mỹ nó to, nên xe cũ nào cũng rách ráo cả vậy, về nhà tôi cho ông tấm drap, che vào là hết thấy.
Tôi hỏi làm sao mà thử xe, ông ta bàn là đi mua bình điện về thử.
Thế là hai người Việt Nam Mới, ra Auto Part mua cái bình ắc qui 20 đồng về gắn vô xe. Đề máy, nó nổ thật, cả hai hí hửng chạy về và ngầm đồng ý với nhau rằng mua được giá hời, vì xe này mà có bình ắc qui giá phải đến năm trăm.
Trong cốp xe lại có thêm sợi dây thừng có móc kéo hẳn hoi, kiểu này mà có chết máy, cũng không sợ nằm đường nằm sá ban đêm. Đúng là ở hiền gặp lành.
Trên đường về, ông Huốt khen xe có cái defrost, ông giải thích:
-Xe mà không có defrost, chạy mùa tuyết khó nhìn lắm vì kiếng sẽ bị mờ.
Tôi rất hài lòng vì giá chiếc xe. Cám ơn trời Phật cho tôi được gặp ngay người tử tế giúp đỡ, nếu không, mua trúng chiếc xe không có defrost thì đến mùa tuyết làm sao mà chạy được hở giời"
Ông Huốt còn nói:
-Theo thống kê tai nạn, xe lớn khi bị đụng thì tử vong sẽ ít hơn, đặc biệt là khi phế thải đem bán cho junk yard, cân ký được giá hơn.
Về đến nhà, chúng tôi mừng chiếc xe mới bằng một xách bia 6 lon.
Trước khi chia tay, ông Huốt đã ngà ngà báo cho tôi một tin mừng khác, là xe này chạy đỡ tốn xăng, vì nó không phải kéo cái máy lạnh và chạy bằng ... số tay.
Có xe rồi, tôi gia nhập giới thượng lưu, cuối tuần chở vợ con đi sở thú. Từ sở thú ra, vợ tôi hét lên, tôi thắng vội và nhìn lại, thấy đứa con gái mà ứa nước mắt, thương thì thôi. Nó bị cánh cửa sau bật ra văng xuống đường. Con bé lồm cồm ngồi dậy không dám khóc, mắt láo liên như sợ công an bắt tội bò bậy ra đường. Về nhà tôi kiếm cộng dây kẽm cột chặt cửa sau xe lại. Từ nay thì ông thách: Bố mày cũng không quăng được con ông xuống đường.
Kể từ đó tôi được chiếc xe như ý, vừa lớn đủ cho cả nhà tha hồ đi chợ, vừa an toàn cho con ngồi phía sau. Thỉnh thoảng hai vợ chồng lại đem thau nước ra rửa từ mui xe cho đến cả bốn bánh, những lúc này chiếc xe trông sang trọng hẳn lên, chỉ tội cứ vài tuần nó lại chết máy một lần. Mỹ nó tốt thật, cứ mỗi lần xe tôi chết máy giữa đường thì tụi nó lại xúm vào xin đẩy.
Lúc này bà xã tôi cũng đã đi làm, tan sở lúc 10g tối, tôi dặn vợ:
-Em cứ theo đường Walnut mà về, anh cũng ngược theo đường Walnut mà ra đón em, mình gặp nhau ở quãng nào cũng được, nếu chiếc xe Ford có mệnh hệ nào dọc đường, anh sẽ đi bộ mà đón em, đừng sợ.
Vợ tôi hỏi chữ Ford có nghĩa là gì mà xe nó hay chết máy làm vậy, tôi trả lời là không biết, có ông Việt Nam kia nói là chữ viết tắt của Fix Or Repair Daily, nhưng ông Huốt lại bảo nó viết tắt bởi chữ Fu..k Old Rebuild Dodge.
Vợ tôi chẳng sợ những đêm hai đứa đi bên nhau, chỉ sợ cảnh khi về đến nhà, đứa con đã lẫm chẫm mò ra đến ngoài sân, nhất là những ngày tuyết trắng cả vùng.
Sau mỗi ngày làm, thằng cai chỉ cho tôi điền thẻ giờ, với chức vụ là Bầm Mình Heo Bò (Plumbing Helper) và như lời tiên tri của đứa con gái, mỗi ngày đi làm về, bụi đất bám vào, tôi như một võ sĩ mới bị ông Lê Cung dợt cho te tua bầm dập!
Sống lâu lên lão làng, rồi tôi cũng được làm cai. IQ của tôi thuộc vào loại khá hơn một số công nhân Mễ. Dốt tiếng Mỹ nhưng Mễ nói câu nào, tôi đều hiểu rốt ráo. Nó nói: I do the hole. Tôi hiểu ngay rằng nó đang đào cái lỗ. Mễ nói: He not here. Là y như rằng nó không kiếm thấy đồ nghề.
Vì những cái khôn vặt ấy, một hôm tôi nghe máy nói: Thanh tra thành phố báo về công ty, kêu cái thằng mắc dịch "The little Asian guy" lên mà nhận bằng Master Plumber. Cuộc điện đàm chấm dứt bằng câu:
-He is Fuc .. lucky man!
Tôi trở thành Project Manager, tự nhiên tôi thấy mình cao hơn một cái đầu, đi đâu cũng vênh vênh cái mặt. Hôm vào làm ở nhà thương, ông sếp mainternant chặn tôi ở chân cầu thang rồi hỏi:
-Ông biết chắc việc mình làm không" Nếu không tôi gọi về công ty gửi một người khác, vì đây là nhà thương, nếu lầm lẫn, tai hại sẽ khôn lường.
Tôi ỡm ờ:
-Tôi nghĩ rằng tôi biết, nhưng nếu ông muốn, cứ gọi về văn phòng chính để xin đổi người.
Tôi thấy cái đầu tôi tự nhiên thấp xuống 5 inches, và tôi thấy rõ tóc nó màu đen.
Về sau, thằng chủ kể lại, hình như nó thổi bong bóng tôi, nó bảo nhà thương gọi nó thật và nó trả lời là đã gửi "The best of the best guy" tới làm.
Chán cái cảnh kỳ thị của Mỹ, tôi quyết định mở công ty riêng. Khi thằng chủ nghe tôi báo 3 tháng nữa tôi sẽ nghỉ, nó bắt đầu quậy.
Đầu tiên nó đề nghị tăng lương, kế đến là offer share và sau cùng nó đề nghị mở chi nhánh ở thành phố khác, tôi làm chủ 50% trong khi nó bỏ vốn toàn bộ, mỗi năm tôi tăng thêm 10% làm chủ, như thế chỉ sau 5 năm, tôi làm chủ 100%. Tôi thấy ngon quá, về khoe với vợ.
Vợ tôi nắm lấy tai tôi, véo một cái, lập lại câu nói ngày nào:
-Ngu vừa vừa chứ!
Nàng giải thích là tôi thuộc dạng "đái vảy không qua ngọn cỏ", phải coi tại sao nó làm như vậy. Nó muốn trục mình ra khỏi lãnh địa của công ty nó đang hoạt động. Đại ý là tao xí bùm bum cho mày một ít vốn, mày vọt cho khuất mắt tao, đồ ăn cháo đá bát. "Chúng mày Việt Nam lại âm mưu phá giá như nghề Nail, tao còn lạ gì nữa".
Khi quyết định mở công ty, tôi chẳng biết đặt tên là gì. Bà bảo trợ nói nên đặt tên mẫu tự ở gần đầu, vì khách hàng mở phonebook ra, chỉ cần đọc vài ba công ty đầu rồi chọn đại.
Tôi có đứa con gái tên là Nguỵ, trong giấy tờ là Bảo Toàn, thế là BT Plumbing Inc. ra đời, nó đứng đầu danh sách các công ty Bầm Mình địa phương.
Mỹ hỏi chữ đó có nghĩa là gì, tôi giải thích nó có nghĩa là Big Trouble, vì ngày nào mà công ty không đem về đủ lợi tức, thì: Mày chít với bà, mày sẽ bị big trouble!
Mướn Mỹ, khiến nó làm khó lắm, tôi bèn mướn Mễ. Tôi đi trước, một đoàn Mễ theo sau, tụi nó gọi tôi là Se-nho, tự nhiên tôi thành lãnh tụ, chả phải ra cộng đồng mà tranh đua với ai, chửi bới nhau mệt cả miệng.
Người ta có tiền, chủ đi xe xịn; tôi không có tiền đành lái chiếc xe Van, cũng kẻ bảng hiệu như những xe "Tác chiến" khác. Tôi chạy vòng vòng phố phường mỗi ngày, lời quảng cáo này ăn khách lắm vì có nhiều người nói:
-Công ty ông lớn tệ, tới đâu cũng thấy xe có bảng hiệu Big Trouble chạy ngang.
Công ty người ta trang bị GPS nên thợ kiếm nhà khách rất dễ, tôi không đủ tiền làm thế, bèn dùng kỹ thuật từ hồi VC còn chống Mỹ cứu nước để dạy cho thợ biết cách mà tìm địa chỉ khách hàng:
Ở ven xa lộ có cái cọc cây số, không biết có ai để ý không, cứ mỗi mile là một cọc, Mỹ gọi là Mile Marker, thường sơn xanh, trên đó ghi số thứ tự của dặm đường. Khi khách gọi và chỉ đường, họ nói:
-Ông đi xa lộ 83 từ thành phố ông về hướng bắc khoảng 30 mile, tới Mile Marker số 86, quẹo hướng East khoảng 8 miles, rồi quẹo North 6 miles, nhà tôi bên trái con đường, số 6678.
Theo cách tính nhẩm như thế, cam đoan Mỹ nó có ở tận Bắc Bộ Phủ tôi cũng kiếm tới, xá gì trong đồng trong ruộng cách năm bảy chục miles.
Ra Freeway các bạn cứ thử nghiệm mà xem, những Exit cũng đặt tên theo Mile Marker, nó nằm ở cọc số nào thì mang tên Exit đó, nếu trong khoảng 1 mile mà có tới 2 Exit thì phải đặt là A và B, chẳng hạn Exit 334A và 334B.
Thành phố tôi ở nhỏ lắm, bạn bè có đứa phàn nàn là sao không về thành phố lớn mà sống, để hưởng những tiện nghi vật chất đầy đủ, tôi ậm ừ cho qua. Ở thành phố nhỏ đôi khi cũng thú vị, hình như từ ngày sang Mỹ, tôi chưa dùng chìa khoá bao giờ, mà Mỹ chắc cũng không biết nên chưa bao giờ cạy thử cửa nhà tôi.
Thành phố có 3 tuyến xe Bus, cứ nửa tiếng chạy một chuyến, mỗi chuyến mất một giờ rồi vòng về chỗ cũ, như bài hát "Phố núi cao, phố núi đầy Mễ, đi một tiếng trở về chỗ cũ.."
Tuần rồi thành phố ăn mừng vượt chỉ tiêu nhà nước. Mỗi ngày xe Bus chạy 24 chuyến, một tháng tổng cộng là 720 chuyến. Báo cáo của công ty Quốc Doanh cho biết tổng số khách hàng tháng rồi là 328 người, bình quân cứ 2,2 chuyến xe chạy thì được 1 người khách!
Chiếc xe Bus kềnh càng lượn tới lượn lui, ông tài xế là người lữ hành cô độc, mỗi khi thấy có một người đứng ở trạm chờ xe bus là niềm vui vô bờ của ông.
Thỉnh thoảng khi tôi đi làm về, bà xã hỏi:
-Hôm nay có gì lạ không"
Tôi cũng trả lời:
-Hôm nay trên xe bus có một người khách!
Cái phúc lợi của xã hội Mỹ thì đâu đâu cũng như nhau, tôi xem báo cáo thành phố, trong mục ngân sách năm nay:
Tiền chi cho 3 chiếc xe bus là 1.2 triệu, Liên bang gánh 80% là 960 ngàn; Thành phố chịu 240 ngàn. Nếu cứ đà này mỗi tháng có 328 người đi, tổng cộng 12 tháng là 3936 người, hay mỗi người đi tốn 305 đồng, trong đó Thành phố chịu 61 đồng; Tiểu bang chịu 224 đồng.
Nếu bán nửa giá cho mỗi lượt đi là 152 đồng thì hơi mắc, thành phố quyết định chỉ bán vé 1 đồng mà thôi.
Người ta thường chửi công ty Quốc doanh ở VN làm ăn hay thua lỗ, ở Mỹ nó cũng lỗ cơ mà.
Hội đồng Thành Phố họp báo rằng tháng tới sẽ có thêm khách đi xe bus.
Họ đoán đúng, vì tôi đã thấy mấy ông già người VN bàn với nhau lúc nào rảnh, lên xe bus đi một vòng thử coi nó ra làm sao.
Dù sao đi nữa thì cái công ty xe bus này nó cũng ngoan cố không chịu đóng cửa vì mấy ông Nghị viên bảo rằng: Đạt, đạt chỉ tiêu. Thành phố chỉ trả có hơn vài trăm ngàn mà mỗi năm giúp được bốn ngàn người đi tới đi lui.
Tôi còn có đứa con gái nữa tên là con Giặc.
Bao nhiêu năm nó vô tư sống với cái tên này, bỗng một hôm nó bảo tôi:
-Ba, con đổi tên.
-Sao vậy" Con muốn đổi tên Mỹ hả"
-Tên gì cũng được, nhưng không phải Giặc.
Nó nghi ngờ là tên Giặc có something wrong, vì mỗi lần mấy bác HO sang chơi, nghe gọi tên nó, các bác lại cười.
Tôi nói:
-Con muốn ba chọn tên hay con chọn"
Nó đề nghị tôi chọn lựa.
-Ba đặt tên mới cho con là con Lủng chịu không"
Con bé nhìn tôi ngờ vực nhưng cuối cùng nói:
-OK, better than Giặc anyway.
Bà xã tôi chép miệng:
-Ông hết chuyện chơi rồi.
Cả ngày hôm đó, mỗi lần tôi gọi Lủng ơi, con bé trả lời là bà xã tôi lại mỉm cười.
Hôm sau đi làm về, con bé chờ ở cửa:
-Ba, con lấy lại tên Giặc.
Tôi hỏi tại sao vậy, nó đáp:
-Tên con là Giặc.
Lát sau nó hỏi Giặc có nghĩa là gì, tôi nói chỉ là một cái tên thôi con, như tên Jackie vợ Tổng Thống Kennedy đó. Chẳng hạn con chó mực nhà mình ba gọi là con Blacky thôi. Tôi lớn tiếng gọi:
-B..l..ack..y!
Con chó nhỏ phóng tới, vẫy đuôi và nhảy lên lòng. Bà xã tôi nguýt:
-Lại xỏ xiên nữa đó phải không"
-Tôi xỏ xiên gì bà"
-Ông vừa nhạo tôi là Bắc Kỳ còn giả vờ gì nữa"
Người ta bảo Thiên đường không chỉ có ở trên trời, nó ở ngay tâm hồn mình. Ngày xưa ông Adam ở trong Vườn Địa đàng đó là thiên đường hạ giới, nhưng mắc phải bà Eva, nên chỗ ở đó biến thành trần gian.
Sang Mỹ hơn một phần ba thế kỷ, tôi cũng có một bà Eva tân thời ở chung, có hôm tôi thấy mình ở Thiên đàng, có hôm lại thấy rằng không phải.
Có một điều là cuộc sống bây giờ thấy thoải mái lắm, muốn gì cũng được, tuy vẫn phải xin bà Eva mới có!
Người Việt mình hay nhắc đến câu: Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Năm hết Tết đến, tôi và bà Eva tân thời thường nhắc đến những gì mình có, và từ đâu mình có những thành quả ngày hôm nay.
Mừng Xuân mới, tôi kính chúc quí vị những gì may mắn nhất, hạnh phúc nhất và vợ chồng tôi xin gởi đến một vị ân nhân đã giúp chúng tôi vượt thoát khỏi VN năm 1980 những lời tri ân chân thành nhất. Đó là anh chị Nguyễn Văn Hồ, chủ tiệm phở 99 tại Buffalo New York. Xin anh chị Hồ nhận từ chúng tôi lời cám ơn chân thành.
PHƯƠNG TOÀN

Ý kiến bạn đọc
11/11/201815:57:51
Khách
Đọc bài anh viết cười chết luôn, cảnh bà bảo trợ mặc sà lỏon đi đón, rồi đặt tên con, hay cảnh lần đầu lái xe truck ôi sao mà duyên quá!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,200,017
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Bài viết mới của ông là chuyện khởi nghiệp trên đất Mỹ.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Sau đây là bài mới của bà trong mùa Lễ Tạ Ơn.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ tư của ông.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho mùa lễ Tạ Ơn.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Vui vẻ nhưng bốp chát, thẳng thừng. Sống độâng, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Bài mới viết của ông là tự truyện hiếm có: trực chiến với Pit Bull, loại chó chiến trận lợi hại nhất. Chúc tác giả mau hồi phục công lực.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên 2001 và đã liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân hiện là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả là người gốc Huế, hiện đang định cư tại Canada. Với bài viết “Đi Tìm Xác Ba”, bà đã nhận giải Hồi Ức 50 năm trận chiến Tết Mậu Thân. Bài Viết về nước Mỹ gần đây của Susan Nguyễn là “Thăm Cali, Nhớ Vườn Xưa, Nhớ Mẹ”. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài viết mới nhất kể về một tai nạn của tác giả. Kính chúc bà mau hồi phục.
Nhạc sĩ Cung Tiến