Hôm nay,  

Cửa Sổ Cửa Chính

31/12/200800:00:00(Xem: 416356)

CỬA  SỔ  CỬA  CHÍNH

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2495-16208572-vb4311208 

Nguyễn Trần Diệu Hương là tác giả viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên, đã hai lần nhận giải. Cô hiện sống và làm việc tại Santa Clara và vẫn tiếp tục viết.  Sau đây là bài viết cuối năm của cô.

***
Tưởng là quen biết thì mọi chuyện thương lượng, hợp đồng sẽ trở nên dễ dàng hơn, nhưng thực tế ngược hẳn lại. Càng quen biết nhau, nhiều người lại càng đâm ra coi thường những hợp đồng thương mại dù bằng giấy trắng, mực đen hay bằng lời hứa với sự thỏa thuận giữa hai bên. Trường hợp đó đã xảy ra với Cô Tân, cô giáo cũ năm đầu Trung học của Huyên.
Ngày Thầy con sinh tiền, những chuyện sửa chữa, tân trang nhà cửa đâu có bao giờ Cô phải nhúng tay đến, mọi chuyện đã có người đàn ông trong gia đình quán xuyến.Thầy mất đi, ngoài nỗi trống vắng vì một nửa của mình đã về cõi vĩnh hằng, đôi khi Cô Tân còn thấy mệt mỏi vì Cô phải  thương lượng, theo dõi công việc của những người thợ sửa chữa nhà cửa, một lãnh vực khá xa lạ với đa số đàn bà con gái.
Thoạt đầu, để dễ dàng hơn, Cô tìm lại điện thoại của những người thợ chuyên nghiệp về construction vẫn sửa chữa những căn nhà của Thầy Cô, những căn nhà có số tuổi  gần ngang ngửa với số tuổi những senior citizen  được hưởng discount từ một số cửa hàng vào một ngày cố định nào đó trong tuần.
Cũng là "người xưa" nhưng số tiền công phải trả cao hơn "số tiền xưa" nhiều, điều đó thì còn chấp nhận được vì giá cả thị trường đã thay đổi, người đi làm được tăng lương mỗi năm thì người làm nghề tự do cũng phải được điều chỉnh tiền công  một cách hợp lý. Nhưng chất lượng công việc thì tỷ lệ nghịch với số tiền gia tăng nhiều khi gần gấp đôi. Rút kinh nghiệm từ một lần bực mình với kết qủa công việc dưới mức yêu cầu và số tiền phải trả cao hơn gần gấp đôi dữ kiện, cô Tân quay qua bạn bè để tìm những "reference" đáng tin cậy. Cô nhận được một danh sách gần đầy kín một trang giấy từ những công ty xây dựng chuyên nghiệp bề thế đến những người tháo vát làm nghề handy man với cái xe truck đầy đủ đồ nghề như một kho vật liệu xây dựng lưu  động. Cô quyết định chọn một ông handy man người cùng đi lễ ở một nhà thờ Việt Nam mỗi Chủ nhật.     
Tưởng là cùng đồng hương, lại thường đi lễ cùng lúc cùng nơi ở một giáo xứ Việt Nam, vậy mà "business là business" không có bóng dáng của những lần gật đầu chào nhau, đôi khi lại bắt tay chúc lành cho nhau ở mỗi cuối lễ ở nhà thờ khi vị linh mục vừa chấm dứt bài giảng của mình. Giống như một câu nói được truyền miệng từ rất lâu của dân gian Việt Nam "Quen mặt đắt hàng". Cô Tân phải trả một số tiền còn cao hơn cả số tiền phải trả cho những Công Ty xây dựng chuyên nghiệp mà chất lượng công việc thì khác xa với số tiền như khoảng cách như anh cả và em út.
Huyên được Cô kể những kinh nghiệm không vui đó ở một lần cuối tuần gọi điện thoại thăm Cô giáo cũ năm đầu Trung học ở Việt Nam. Nhớ lại kinh nghiệm đi thuê người sửa chữa nhà cửa của một anh bạn thân, và thấy Cô đã mỏi mệt sau những hợp đồng sửa chữa nhà cửa với những người quen, Huyên đề nghị Cô đến Home Depot thuê những người Mễ Tây Cơ vẫn đứng ở bãi đậu xe chờ việc làm. Cả Cô lẫn trò đều là đàn bà con gái, dù tháo vát đến đâu cũng chưa bao giờ trực tiếp làm hay điều động một công trình sửa chữa nhà cửa nào nên Huyên phải làm "research online" trên internet để lấy những lời khuyên và những "reference" của những chuyên gia sửa chữa nhà cửa từ mức độ quốc gia đến mức độ thành phố. Một phần mười của thế kỷ 21 đã gần hết, tưởng chừng nhanh hơn thời gian một cơn bão rớt lướt qua Thành phố vào mùa Đông, nên chỉ cần mười lăm phút online, Huyên đã có danh sách "do  s and don  ts in home construction"" (những điều nên và không nên làm trong việc sửa chữa nhà cửa) Huyên cẩn thận in ra hai copies, một cho Cô Tân và một cho mình. Chuyện đó không khó nhưng đến lúc tìm đúng người để thuê thì "nhiêu khê" hơn nhiều.
Cô Tân và Huyên trải qua gần hai giờ đồng hồ ở một tiệm Home Depot để quan sát, và  "phỏng vấn: những người Mễ đứng thành từng nhóm chờ xin việc ở bãi đậu xe. Trước đó, cả Cô và Huyên đều phải ăn mặc như  "Joe the plumber", nghiã là quần Jeans loại rộng thùng thình bạc phếch, áo sweat-shirt cũng rộng không kém quần, một loại áo quần mà Huyên chỉ mặc khi cần phải tự làm mình chìm vào dòng sống của blue collar workers. Cô và trò đã đùa với nhau:
- Cứ tưởng tượng như mình là vua và quan ngày xưa giả dạng thường dân ra khỏi kinh thành đi thăm dân cho biết sự tình .
Hai thầy trò ngồi trong xe đậu khuất sau một tàn cây và một hàng rào thưa bằng một loại giây leo được cắt bằng phẳng trên đầu, chăm chú quan sát đội quân hầu hết là người Mễ đứng chờ việc ở bãi đậu xe của tiệm Home Depot, người trẻ nhất chắc chưa đến hai mươi, người già nhất chắc cũng chỉ ở độ tuổi bốn mươi.
Có những người đứng đó cả ngày trời không ai buồn đến hỏi, có những người may mắn hơn, được một ngày "blooming business", hết người này thuê từ một công việc đơn giản như khiêng vác một món đồ vừa nặng vừa quá khổ hay được người thuê chở lên xe đến một địa điểm khác làm những việc chỉ cần sức như phụ thợ hồ đến những việc phức tạp hơn cần một chút khéo tay và một chút trình độ để đọc và hiểu những bản hướng dẫn bằng tiếng Tây Ban Nha.
Huyên vẫn nhớ anh bạn thân có cả một khu apartment lớn và một vài căn nhà cho thuê. Vốn là một kỹ sư chuyên làm việc với những sơ đồ kỹ thuật rất chi tiết, Anh lại khéo tay và kỹ tính, nên sau một lớp học căn bản về construction ở Home Depot, Anh tự sửa chữa tất cả những hư hỏng về nhà cửa, những việc cần sức nặng thì Anh thuê những người Mễ Tây Cơ vẫn đứng chờ việc ở các chi nhánh của Home Depot. Chỉ sau một vài tháng Anh đã biết khá rõ trong đội ngũ những người Mễ vẫn đứng ở bãi đậu xe của  hãng bán vật liệu xây dựng quen thuộc Anh vẫn ghé đến, ai là người chịu khó làm việc, ai là người chỉ "chịu ăn mà ít chịu làm".
Từ đó, Anh có cả một  nhóm ba người Mễ anh vẫn thường xuyên thuê cuối tuần khi Anh có những công trình sửa chữa nhà cửa cần có sức lao động. Mỗi lần thấy cái xe "truck làm ăn"  màu xám nhạt quen thuộc của Anh ở cổng vào khu đậu xe của Home Depot, mắt ba người Mễ quen thuộc đó sáng lên, vì họ biết ít nhất hôm nay họ sẽ được ăn uống đầy đủ và buổi tối có một ít tiền đem về. Có lần chỉ đến cửa hàng Home Depot để mua vật liệu xây dựng cần thiết, không cần phải thuê người phụ việc, thấy ánh mắt hy vọng, vui mừng của ba "nhân viên Mễ Tây Cơ" đã tiu nghỉu, buồn thiu qua kinh chiếu hậu khi xe Anh từ từ chạy ra khỏi bãi đậu xe mà không ngừng lại chỗ họ đứng.
Từ đó về sau, Anh chỉ ghé cửa hàng quen thuộc đó khi có nhu cầu thuê người lao động. Nếu chỉ cần mua đồ cần dùng, Anh chịu khó lái xe đến một cửa hàng xa hơn vì không muốn làm họ hy vọng rồi lại thất vọng trông tội nghiệp như những đứa trẻ đang đói bụng, hăm hở chờ Mẹ mang thức ăn về từ chợ nhưng rồi lại không được gì hết!
Một vài lần đi theo Anh, quan sát Anh phỏng vấn và thuê một vài người Mễ ở bãi đậu xe của Home Depot, Huyên đã học được một số nguyên tắc để phỏng vấn và thuê được đúng người làm việc chăm chỉ, đúng yêu cầu đặt ra.


Những nhận xét đó giúp Huyên rất nhiều khi cùng cô Tân đi tìm đúng người có kinh nghiệm hoặc khả năng sửa chữa nhà cửa. Cả Cô và Trò đều chuẩn bị "homework" đầy đủ - kể cả những câu tiếng Tây Ban Nha đơn giản Huyên vẫn nhớ từ một lớp "Spanish for Beginners" từ hơn cả chục năm qua ở ghế trường Đại học-  trước khi ra bãi đậu xe của cửa tiệm Home Depot ở địa phương để thuê người sửa chữa nhà cửa cho cô Tân.
Thuê người Mễ làm việc thì không sợ có cảnh "quen mặt đắt hàng", không có cảnh bị phàn nàn "người đồng hương cả mà không chịu thông cảm cho nhau ", nhưng lại có trở ngại khác là nhìn vào mắt họ, không đoán được họ nghĩ gì một cách tương đối chính xác như khi nhìn vào mắt người cùng chủng tộc, nên Huyên đã đùa với cô:
- Cô ơi nhìn vào mắt người Mễ. Mình lại là người Việt thì không cách chi thấy được "màu nắng hay là màu mắt em", cũng không thấy câu "con mắt là cửa sổ tâm hồn   đúng nữa phải không thưa cô"
Tính khôi hài từ những năm hai mươi đứng trên bục giảng vẫn còn lại với cô Tân sau bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu vật đổi sao dời, nên cô trả lời với tiếng cười trong trẻo như thời còn đứng trên bục giảng:
- Lo gì nhỏ ơi, không nhìn được bằng cửa sổ thì mình nhìn bằng cửa chính!
Và để nhìn được bằng "cửa chính" hai thầy trò đã phải trải qua hơn ba tiếng đồng hồ quan sát đội quân trên dưới ba chục người Mễ đứng chờ việc ở bãi đậu xe của Home Depot. Hầu hết họ đều khá "đậm người" theo lối nói của người Bắc, "phì nhiêu" theo lời ví von của người Trung, "tốt tướng" theo cách diễn tả của người Nam, hay "chubby" như chữ dùng của người Mỹ.

Cuối cùng, Cô và Huyên chọn được bốn người cho "final interview", dựa trên "cửa chính", nghiã là bằng thái độ, cử chỉ và tư cách của họ. Hai Thầy trò mời hai người đầu tiên đến một xe bán Hot Dog ở trước cửa tiệm Home Depot, mua cho họ mỗi người một bánh Hot Dog và hỏi họ về kinh nghiệm cùng khả năng làm việc của họ. Thôi thì đủ thứ ngôn ngữ được xử dụng, từ "broken English" của mấy ông Mễ đến "broken Spanish" của Cô và Huyên, đến cả "non verbal language" nghiã là nói bằng tay. Ấy vậy mà đôi bên đều hiểu nhau, rất "thế giới đại đồng", rất vui vẻ, vì hai thầy trò tìm được đúng người có khả năng sửa nhà cho cô Tân với tiền công tương đối hợp lý, vừa phải, và những người Mễ tìm được việc làm trong ngày, được ăn uống free cả ngày và cuối ngày lại có tiền đem về cho gia đình.
Cô Tân chọn một cái bàn kê khá biệt lập kê ở ngoài hiên tiệm Home Depot của cái xe bán Hot Dog, cũng do một người Mễ khá phúc hậu làm chủ.  Trong lúc Cô phỏng vấn một nhóm hai người Mễ thì Huyền chạy đến làm quen với ông chủ xe Hot Dog, lấy "free reference"  và nhờ ông "đọc" giùm  tâm hồn của những người đồng hương qua "cửa sổ". Là đồng hương của nhau, thì đễ đọc nhau qua ánh mắt hơn. 
Bằng "cửa chính", bằng quan sát và nhận định, Cô Tân và Huyên chọn ra được bốn người. Hai người cuối cùng được thuê bằng "reference" của ông  Mễ Tây Cơ ,chủ xe Hot Dog, đã rất tận tình "mách nước" cho hai thầy trò nhờ bán được cả chục phần bánh Hot Dog.  Bởi vì ngoài việc mời họ ăn Hot Dog, Cô Tân còn  chu đáo mua cho "hai ứng viên không được tuyển chọn" hai phần Hot Dog "take home", như là một lời cảm ơn thời gian họ đã bỏ ra cho cuộc phỏng vấn mươi phút. Bao giờ Cô cũng chu đáo như hơn ba mươi năm trước cô dẫn cả lớp 6/1 của Huyên đi chơi ở núi Châu Thới, trong lớp có một đứa bị bệnh không đi được, Cô đã nhắc nhở trưởng lớp mang quà về cho người bạn đã  "bỏ cuộc chơi" vì một cơn cảm cúm đến bất ngờ.
Huyên lái xe ra khỏi bãi đậu xe của Home Depot, cô Tân ngồi bên cạnh nhìn qua kính chiếu hậu để chắc chắn là hai người Mễ trên cái xe truck cũ kỹ không bị lạc giữa đường, Huyên nhắc cô:
- Cô review lại các tờ giấy em đã in ra từ internet đi cô, để họ có cảm giác là mình biết nhiều về công việc mình thuê họ làm và không dám làm qua loa cho xong việc. Em sẽ lái chậm và cho đèn báo hiệu trước mỗi lần rẽ ngang đường khác, chắc chắn họ không lạc đâu. Cô yên tâm, em đã dẫn đường cho nhiều người rồi, không khi nào bị lạc, trừ khi em muốn "cắt đuôi".
Huyên nghe Cô kể lại thật ra hai người kia có vẻ có trình độ và kinh nghiệm về sửa chữa nhà cửa hơn, nhưng hai người mà Cô chọn để thuê sửa nhà cho Cô có hoàn cảnh đáng tội nghiệp hơn, và trình độ họ cũng không đến nỗi tệ quá để có thể sửa chữa cái bồn rửa chén và thay cái máy xay thức ăn thừa ở dưới bồn rửa chén. Hai người mà Cô không thuê, với khả năng của họ, họ có thể tìm được một công việc khác trong ngày không quá khó khăn nhưng hai người này nếu không ai thuê họ làm hôm nay thì tối đó gia đình họ sẽ không được ăn uống đầy đủ, và cuối tháng nhiều khi không đủ tiền trả tiền thuê nhà. Dù đã chuẩn bị "homework:   rất đầy đủ, cô Tân vẫn có một chút tình người (tuy khác mầu da khác ngôn ngữ) trong việc thuê người dù là chỉ một vài ngày cho một công trình sửa chữa nhà cửa rất nhỏ.

Huyên nhớ lại ánh mắt của những em bé Mễ bưng rổ đi bán hộp quẹt và những vỏ sò vỏ ốc kỷ niệm ở bãi biển Tijuana của Mễ Tây Cơ, gần biên giới của Mỹ và Mễ.  Ngoài những em bé ngây thơ tội nghiệp, còn có những bà mẹ trẻ trải chiếc chiếu nylon nhỏ bên viả hè, bán đồ sơn mài mỹ nghệ thủ công cho du khách, bên cạnh những món hàng thô sơ, tội nghiệp là một bầy con từ một vài tháng đến ba tuổi nằm lăn lóc quanh mẹ, trông còn tội nghiệp hơn nên vẫn được du khách, trong đó có cả Huyên chọn mua hàng, mặc dù những món hàng của bà mẹ trẻ đó, chắc chưa qua tuổi hai mươi, không sắc sảo và đẹp như những món hàng cùng loại trên các sạp hàng có vẻ "bề thế" hơn nằm dọc theo những quán ăn và khách sạn. Hình đó dĩ nhiên mang Huyên về lại với những em bé Việt Nam tội nghiệp phải một nắng hai sương kiếm sống từ tuổi đáng lẽ chỉ được đi học và được cha mẹ hay phúc lợi xã hội nuôi mà buồn thay rất đông người Việt Nam "ăn nên làm ra" ở trong nước, chắc đã "quen mắt" nên không hề mảy may xúc động. Lòng từ tâm của họ vẫn kiên cố và "kin cổng cao tường" trước nỗi khổ của đồng loại.
Trước đây trong một lần du lịch sang Mễ, Huyên đã tự động bỏ trả một số tiền tương đương để lấy một món hàng xấu hơn, kém phẩm chất hơn; và cũng chưa biết mình phải làm gì với món hàng đó. Cũng như bây giờ cô Tân chọn thuê hai người Mễ tay nghề kém hơn mặc dù trả cùng một số tiền công  vì cùng một lý do, đôi mắt của họ, những cái cửa sổ tâm hồn rất u buồn, tội nghiệp và cam chịu, 
Dù là chủng tộc nào, màu mắt nào đi nữa, những người nghèo, không có cơ hội được đi học, không được may mắn sinh ra từ một gia đình no đủ, hay một xã hội phát triển có đầy đủ phúc lợi và tình người vẫn cần được giúp đỡ. Bởi vì nếu không được đối xử tử tế, những "cửa sổ tâm hồn" sẻ từ từ vẩn đục, và dẫn đến điều đáng buồn là "cửa chính" sẽ bị tàn phá.  
 Qua kính chiếu hậu, Huyên nhìn thấy hai người Mễ Tây Cơ đang lái chiếc xe truck cũ kỹ, trông tội nghiệp như chính họ, đang theo sau Huyên  nét mặt tươi hơn, cửa sổ tâm hồn lấp lánh niềm vui, niềm vui rất đơn giản giống như niềm vui của con nít được quà khi mẹ đi chợ về. Niềm vui thật nhỏ nhoi nhưng đôi lúc đem lại cả một hạnh phúc dù chỉ thoáng qua, nhưng làm cả cửa sổ lẫn cửa chính sáng lên, rạng rỡ màu nắng của mùa Xuân.

Nguyễn Trần Diệu Hương

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,995
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Đây là bài viết mới nói về sự khó khăn để hội nhập vào xã hội Mỹ của những người Việt lớn tuổi.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Bẩy 2016. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học.
Tôi là Hoàng Nga Bằng (bút danh Nga Bằng). Tôi là giáo viên Tiếng Nga, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1961. Tôi là học sinh trường Nữ Trung học Trưng Vương từ 1951 đến 1959. Bố tôi là công chức thời Pháp.
Tác giả lần đầu dự viết về nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà quê ở Cù Lao Phố, Biên Hoà, là cựu nữ sinh Ngô Quyền và là sinh viên Luật dở dang vào năm 1975. Mong Bà sẽ tiếp tục viết thêm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007. Sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống tại Virginia và là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon,
Với bài viết “Tháng Tư, Tro Tràn Bay Trắng Đầu”, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Ông sinh năm 1939. Trước 1975, là sĩ quan QLVNCH.
Tác giả từng nhận giải Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Ông hiện là cư dân Lacey, Washington State,
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với nhiều bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài viết và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet,
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến