Hôm nay,  

Vợ Tôi Bị Ung Thư

30/12/200800:00:00(Xem: 297676)

VỢ TÔI BỊ UNG THƯ

Tác giả: Lê Tấn Phước
Bài số 2494-16208571-vb3301208

Tác giả nguyên là luật sư hành nghề tại Việt Nam trước năm 1975, qua Mỹ năm 1980. Ông hiện là Regional Manager cho Le’s Enterprises tại Honolulu, Hawaii. Lê Tấn Phước đã từng tham gia mục Viết Về Nước Mỹ với bài "Tôi Hiến Tủy" trước đây."

***
"Chào Bác Sĩ! Bác Sĩ khỏe không"" Tôi vừa chào vừa đưa tay ra bắt khi thấy Bác Sĩ Aaberg bước vào phòng.
"Tôi thấy không khỏe," Bác Sĩ Aaberg đưa mắt nhìn nhà tôi rồi nói tiếp, "vì có tin không tốt cho bệnh nhân của tôi."
Vừa nghe vị bác sĩ nói xong, tim tôi như đập hụt một nhịp. Ngày hôm nay vợ chồng tôi đến để bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm nhà tôi có bị ung thư hay không. Tôi bồn chồn hồi hộp suốt cả buổi sáng nhưng cố làm tỉnh để nhà tôi khỏi lo sợ. Bây giờ nghe bác sĩ nói có tin không tốt cho nhà tôi, tôi như muốn nghẹn thở.
*
Số là vài tháng trước đây, vợ chồng tôi cùng với gia đình một người bạn thân đi du lịch vùng biển Địa Trung Hải bằng du thuyền. Cuộc đi chơi đang rất thú vị thì bỗng dưng nhà tôi đi tiểu bị ra máu. Tôi đoán là nhà tôi bị nhiễm trùng vì nhà tôi cũng đã từng bị nhiễm trùng đường tiểu một lần, và đã ngưng ra máu liền tức thì sau khi dùng thuốc kháng sinh. Nhưng lần nầy sau khi dùng thuốc kháng sinh vẫn còn thấy máu trong nước tiểu của nhà tôi; lúc đầu máu ra đỏ cả bồn cầu, vài ngày sau thì nhạt dần, nhạt dần, rồi hết hẳn. Chúng tôi lại đoán là có lẽ nhà tôi bị sạn thận; sạn thận đã gây chảy máu khi nó di chuyển. Chúng tôi vẫn tham gia hết cuộc du hành dù nhà tôi không còn thấy vui vẻ và thoải mái như trước; còn tôi thì không yên tâm khi không biết được chính xác nguyên nhân nào đã làm cho nhà tôi đi tiểu bị ra máu.
Sau khi về lại Hawaii, tôi đưa nhà tôi đi khám bác sĩ. Bà bác sĩ gia đình cũng đoán là nhà tôi bị nhiễm trùng nên cho nhà tôi uống thuốc kháng sinh, đồng thời bà gửi nhà tôi đến một bác sĩ chuyên môn để khám thận. Bác Sĩ Randall Aaberg là vị bác sĩ chuyên môn về khoa tiết niệu tại Moanalua Medical Center của bệnh viện Kaiser tại Hawaii. Ông đã thử nước tiểu và chụp hình thận cho nhà tôi, nhưng không thấy sạn. Cuối cùng ông rọi soi bên trong bàng quang của nhà tôi thì thấy có hai cục bướu bằng hai hạt đậu phụng nằm sát nhau bên trong thành của bàng quang. Ông đoán là hai cục bướu nầy đã vỡ ra khiến cho nước tiểu có máu. Bác Sĩ Aaberg lấy hẹn cho nhà tôi trở lại bệnh viện lần sau để cắt hai cục bướu đưa đi xét nghiệm, nhưng trước khi cắt, nhà tôi phải đi chụp hình để coi hai cục bướu có mọc ra bên ngoài bàng quang không.
Trong thời gian chờ đợi, vợ chồng tôi vẫn sinh hoạt bình thường. Nhà tôi vẫn vui vẻ yêu đời, không tỏ vẻ lo lắng gì về chuyện hai cục bướu trong bàng quang. Có lần nhà tôi còn nói nếu có bị ung thư thì nhà tôi cũng không sợ. Phải chăng nhờ tiêm nhiễm những lời giảng của Thầy Thanh Từ và Thầy Nhất Hạnh mà nhà tôi đã giác ngộ được phần nào chăng"
Sau đó đúng hẹn, tôi đưa nhà tôi đến bệnh viện để Bác Sĩ Aaberg cắt hai cục bướu trong bàng quang. Phương pháp cắt tương tự như rọi soi, nên không cần phải mổ xẻ gì cả; tuy vậy, nhà tôi vẫn phải nằm lại bệnh viện một đêm để đề phòng có biến chứng. Ông anh ruột của nhà tôi vì thương em nên đòi đến bệnh viện thăm cô em gái trước khi mổ, nhưng tôi cản, nói rằng đây chỉ là chuyện nhỏ, anh không cần phải lo lắng. Tôi áp dụng giáo lý của nhà Phật: chuyện lớn biến thành chuyện nhỏ; chuyện nhỏ coi như không có. Tôi muốn cho nhà tôi có ấn tượng mọi chuyện đều là chuyện nhỏ.
Tinh thần của nhà tôi vốn mong manh, dễ bị ảnh hưởng bởi những phiền toái của cuộc đời; do đó, tôi luôn luôn bảo vệ nhà tôi tránh khỏi những điều phiền toái nầy được chừng nào hay chừng ấy. Tôi âm thầm tự mình giải quyết tất cả những khó khăn gặp phải; đến chừng nào mọi việc đã trở lại bình thường, tôi mới nói cho nhà tôi biết. Có lẽ nhờ ít đối diện với những phiền trọc của cuộc đời nên giờ nầy nhà tôi vẫn còn giữ được sự trong sáng và hồn nhiên của thời con gái. Sở dĩ tôi cản ông anh đến thăm cũng như tôi hạn chế thông báo bệnh tình của nhà tôi đến với bà con là vì tôi không muốn làm lớn chuyện; tôi muốn sinh hoạt của nhà tôi bình thường như mọi ngày.
*
Bác Sĩ Aaberg nói rằng kết quả xét nghiệm cho thấy nhà tôi bị ung thư ở bàng quang, và đây là một loại ung thư rất hiếm; trong số những trường hợp ung thư, không tới một phần trăm số người bị ung thư loại nầy. Và vì rất hiếm nên nhân lúc có cuộc hội thảo tại bệnh viện Johns Hopkins (bệnh viện chuyên nghiên cứu và chữa trị ung thư hàng đầu ở Mỹ), hồ sơ bệnh trạng của nhà tôi đã được trình bày trong cuộc hội thảo nầy. Nhờ đó, Bác Sĩ Aaberg đã thu thập được thêm những ý kiến quý giá để chữa trị cho nhà tôi.
Tôi ngồi nghe Bác Sĩ Aaberg giải thích mà người như lơ lửng trên mây. Nghe tin nhà tôi bị ung thư tôi như bị sét đánh; tôi choáng váng đầu óc, hết còn biết làm gì nữa. Bác Sĩ Aaberg nói kết quả chụp hình cho thấy có điều may mắn là đã phát hiện sớm vì hai cục bướu ung thư chưa mọc lan ra bên ngoài bàng quang. Ông nói cần phải mổ sớm vì loại ung thư nầy rất dữ, và ông sắp xếp bốn ngày nữa thì mổ.
Trên đường lái xe về nhà, tôi vẫn nói chuyện bình thường, coi như không có chuyện gì hệ trọng xảy ra dù rằng trong lòng tôi rất xao động. Tôi không muốn lộ ra sự lo sợ khiến cho nhà tôi bị mất tinh thần.
Về đến nhà, tôi gọi điện thoại báo tin cho ông anh biết nhà tôi bị ung thư. Tôi có cảm tưởng như ông anh nhà tôi đã lặng người khi nghe tin dữ; ông chỉ hỏi với giọng yếu ớt là nhà tôi có biết hay không. Tôi trả lời là nhà tôi có biết. Bác sĩ đã giải thích rất rõ ràng mọi điều cho nhà tôi có lẽ để mong nhà tôi tích cực hợp tác với ông trong việc chữa trị căn bệnh quái ác nầy.
Sau khi ăn tối xong, nhà tôi vào nằm trong giường, và khóc. Nhà tôi đã không còn chịu đựng được nữa. Tôi chỉ biết ôm nhà tôi và khóc theo. Tôi thấy thương nhà tôi quá đỗi. Nhà tôi không than van, không trách trời trách đất; nhà tôi chỉ khóc nức từng cơn. Nghe nhà tôi nức nở mà tôi như đứt từng khúc ruột. Nếu có thể chịu bệnh thay cho nhà tôi được, thì tôi xin chịu liền. Tôi cũng không dám trách trời trách đất; tôi chỉ thấy thương nhà tôi sao mà khổ quá. Và tôi lại khóc. Hai vợ chồng tôi ôm nhau khóc, không nói một tiếng nào. Có lẽ trong nỗi đau tột cùng thì mọi tiếng nói đều vô nghĩa.
Thức dậy vào sáng hôm sau, tôi thấy tinh thần nhà tôi có vẻ tươi tỉnh hơn. Chúng tôi làm đồ ăn sáng, rồi vừa ăn vừa xem chương trình ca nhạc Việt Nam trên DVD. Nhà tôi như bị quyến rũ bởi các màn trình diễn của các ca sĩ, hầu như quên đi căn bệnh hiểm nghèo. Đúng lúc đó, ông anh nhà tôi gọi điện thoại hỏi thăm. Tôi trả lời là nhà tôi vẫn bình thường. Anh bảo đưa điện thoại cho anh nói chuyện với nhà tôi. Tôi đưa điện thoại cho nhà tôi, rồi tôi đi làm công chuyện của tôi. Đến khi trở lại, tôi thấy nhà tôi đã vào trong phòng khóc như mưa. Hỏi chuyện gì, thì nhà tôi chỉ lắc đầu, rồi tiếp tục khóc. Tôi bèn gọi ông anh, hỏi anh nói gì mà nhà tôi khóc dữ vậy. Anh nghe nhà tôi khóc cũng đâm hoảng, không nhớ đã nói những gì, chắc chỉ là những lời an ủi cô em gái mình. Nếu có cuộc thi về khả năng an ủi, thì chắc chắn sẽ không có ai qua mặt được ông anh của chúng tôi, vì nhà tôi đang vui vẻ bình thường, sau khi được ông anh an ủi, bèn khóc như chưa bao giờ được khóc. Ông anh đâu có biết là tôi đã khổ tâm đến chừng nào để tạo một nếp sinh hoạt bình thường trong gia đình, để cho nhà tôi quên đi căn bệnh dữ được lúc nào hay lúc ấy. Chỉ một lời an ủi của ông anh đã lôi kéo nhà tôi trở lại thực trạng đau buồn, đã làm cho nhà tôi nhớ là mình đang mang một căn bệnh ác. Bởi vậy mà nhà tôi khóc như mưa. Khóc vì thương chồng. Khóc vì nghĩ rằng mình sắp phải lìa xa những người thương yêu. Cứ nghĩ vậy, rồi tủi thân, rồi khóc nhiều hơn.
*
Chỉ còn vài ngày nữa là mổ cắt cục bướu, nên nhà tôi nghỉ làm để cho tinh thần được thoải mái và cũng để bồi dưỡng sức khỏe. Tôi cũng nghỉ làm để ở nhà với nhà tôi, để chở nhà tôi đi chơi vòng vòng hoặc đi ăn tiệm. Có lần đi ăn ở tiệm Tàu, nhà tôi bỗng buột miệng hỏi "Bây giờ được ăn tôm chứ gì"" Nghe hỏi mà tôi bàng hoàng. Nhà tôi vốn bị cholesterol cao, đang phải uống thuốc để hạ xuống. Một trong những món ăn cần phải kiêng cữ khi bị cholesterol cao là tôm. Có lẽ nhà tôi nghĩ rằng mình bị ung thư thì còn sợ gì cholesterol cao hay thấp, nên mới hỏi như thế. Tôi bàng hoàng vì nhà tôi đã có cách suy nghĩ tiêu cực như vậy. Và đó là điều tôi cố tránh cho nhà tôi. Tôi nói với nhà tôi là mình kiêng cữ được thì nên kiêng cữ. Tuy nói vậy, nhưng tôi chợt nghĩ, đời có bao lăm, kiêng cữ quá chi cho khổ thân; thôi, thèm thì cứ ăn, đừng có luông tuồng quá là được. Và tôi đã gọi tôm rang muối là món nhà tôi rất thích để nhà tôi chén một bữa cho đã, bù lại những ngày kiêng cữ trước đây.
Đến ngày mổ, sáng sớm tôi đưa nhà tôi đến bệnh viện Kaiser để làm thủ tục nhập viện. Chúng tôi đang ngồi chờ, thì bỗng thấy ông anh xuất hiện. Anh đến thăm mà không nói trước, có lẽ không muốn bị tôi cản như lần trước. Tôi thấy trong ánh mắt của nhà tôi long lanh một niềm vui, vui vì được ông anh thương yêu đến thăm trước khi lên bàn mổ.  Ông anh nhà tôi vốn kín đáo, ít khi tỏ lộ tình cảm yêu thương ra bên ngoài, nhất là đối với vợ con và chị em ruột thịt. Tôi biết dù ít biểu lộ ra bên ngoài, nhưng anh rất thương yêu những người thân; anh thương một cách âm thầm, thương theo cách trầm trầm của anh.
Bệnh viện làm việc rất cẩn thận. Họ kiểm tra nhiều đợt để biết chắc nhà tôi đúng là bệnh nhân trong hồ sơ và cũng để xác định rõ là sẽ mổ về việc gì. Có lẽ họ đề phòng chuyện mổ lầm. Nhìn y tá chuyền nước biển cho nhà tôi mà tôi thấy xót xa trong lòng. Tôi thấy thương nhà tôi quá chừng. Tôi bỗng thấy số phận con người sao nhỏ bé quá. Nhà tôi nằm đó, gương mặt hiền hòa, trao số mệnh của mình cho Thượng Đế. Khi y tá chuẩn bị đẩy nhà tôi vào phòng mổ, tôi cầm lấy bàn tay nhà tôi và hôn nhẹ lên trán nàng. Nhà tôi nở một nụ cười thật bình an. Từ sáng đến giờ tôi không thấy một dấu hiệu lo sợ nào của nhà tôi. Đó là điều tôi thấy an ủi vô cùng.
*
Ông anh và tôi cùng nhau ngồi chờ ngoài phòng đợi. Ông anh coi tivi, còn tôi đọc truyện kiếm hiệp của Kim Dung để khỏi sốt ruột trong lúc chờ đợi. Dù đã lựa một quyển truyện thật lôi cuốn mang theo, nhưng tôi đọc chẳng được bao nhiêu. Thỉnh thoảng chúng tôi trò chuyện với nhau dăm ba câu, và lâu lâu lại hỏi thăm y tá nhà tôi đã mổ xong chưa.


Mãi đến bốn tiếng rưỡi sau Bác Sĩ Aaberg mới ra báo cho chúng tôi biết là kết quả cuộc giải phẩu rất tốt đẹp. Ông đã cắt một phần ba bàng quang của nhà tôi nơi có bướu ung thư, và nghĩ là sẽ không còn mầm mống ung thư nữa. Chưa bao giờ tôi thấy Bác Sĩ Aaberg dễ thương như lúc nầy. Ông đáng yêu quá! Ông là vị cứu tinh của chúng tôi. Xin Thượng Đế ban phước lành cho ông!
Chúng tôi chờ thêm khoảng một tiếng nữa mới thấy nhà tôi được đưa từ phòng hồi sức sang phòng thường. Nhà tôi đã tỉnh thuốc mê, nét mặt diệu hiền như vừa mới ngủ dậy. Quên những lo lắng đã qua, không cần biết những khó khăn sắp tới, tôi thấy rất vui trong lòng vì nhà tôi đã vượt qua cuộc giải phẫu bình an.
*
Trong suốt một tuần nhà tôi nằm bệnh viện, ngày nào tôi cũng vào thăm. Mấy ngày đầu, tôi ở lại suốt giờ thăm bệnh từ mười một giờ sáng đến tám giờ tối. Đến khi thấy nhà tôi đã khỏe được chút ít, tôi chạy vô chạy ra vừa thăm nom nhà tôi vừa lo cho công việc business đang bỏ dở. Để nhà tôi nằm một mình, thì tôi không đành lòng; còn bỏ công việc business không người trông nom, tôi cũng thấy bức rức không ít. Thân nầy ví xẻ làm hai được!
Trong thời gian nầy, tinh thần tôi rất căng thẳng, nhưng tội nhất là Bambi.  Vợ chồng tôi không có con; chúng tôi nuôi Bambi, và xem như là con trai của mình. Bambi là loại chó nhỏ thuộc giống Toy Poodle, được gần chín tuổi. Bambi cực kỳ thông minh, hiểu biết tất cả mọi việc, chỉ có điều không biết nói mà thôi. Trong nhà Bambi thương nhà tôi nhất; còn tôi nó xếp vào hạng nhì. Khi nào chúng tôi đi đâu về, tôi là người mở khóa cửa vào trước, nhưng nó xem tôi như là không có, chạy tìm nhà tôi mừng quấn quít. Hai mẹ con nựng nịu nhau, hôn hít nhau một chặp, xong rồi nó mới mừng tôi. Bây giờ tôi về nhà một mình, Bambi chạy luồn qua chân tôi đi tìm mẹ. Không thấy mẹ đâu, nó dáo dác tìm. Nhìn nó đứng ngóng trông mẹ mà tôi thấy thương vô cùng. Chờ hoài không thấy nhà tôi, Bambi lửng thửng đi vô nhà. Nhìn ánh mắt của nó, nhìn dáng đi của nó, mới thấy nó buồn đến chừng nào vì không thấy mẹ. Tôi bồng Bambi lên, vỗ về nó, mà nước mắt lưng tròng. Tôi thương cho Bambi vắng mẹ, và cũng thương nhà tôi đang nằm cô đơn trong bệnh viện. Tôi chợt thấy thiếu vắng nhà tôi làm cho cha con tôi lẻ loi biết chừng nào. Nước mắt tôi chảy dài, chảy dài...
Thức ăn do bệnh viện nấu nhà tôi ăn không hạp khẩu. Tôi đút cho nhà tôi được vài muổng thì nhà tôi lắc đầu, không chịu ăn nữa. Tôi năn nỉ thế nào cũng không chịu. Thấy bỏ cũng uổng, sẵn đang đói bụng, tôi dứt sạch phần ăn của nhà tôi. Cô y tá vào thấy khay đồ ăn sạch sẽ, hỏi có phải nhà tôi đã ăn hết không, tôi bẽn lẽn trả lời chính tôi đã giúp thu dọn chiến trường. Cô ấy nói vậy cũng tốt, khỏi bỏ phí của trời. Cô y tá nầy là người Phi, suy nghĩ giống y chang người Việt mình.
Bà chị dâu thấy nhà tôi không ăn được thức ăn của bệnh viện, bèn kho cho nhà tôi một soong cá cơm là món ăn khoái khẩu của nhà tôi. Ông anh cũng không quên mang theo cơm, còn kèm thêm một khoanh chả lụa và mấy củ khoai lang tím luộc (khoai dương ngọc cũng là món hủ xực của nhà tôi). Những cử chỉ săn sóc nho nhỏ như vậy của anh chị đã làm cho vợ chồng tôi hết sức cảm động.
Có một buổi sáng tôi vừa bước vào, thì nhà tôi mếu máo nói "Em bị xỉu mà không có anh bên cạnh." Thấy nhà tôi rưng rưng nước mắt mà tôi xót xa trong lòng. Tôi nói bệnh viện không cho vào sớm, nên tôi không thể vào trước mười một giờ được. Vị bác sĩ trực thấy tôi liền báo cho tôi biết là vào khoảng chín giờ sáng, nhà tôi vào restroom đánh răng, thì bị té xỉu. Ông đã khám xét kỹ, và thấy là nhà tôi không bị đụng ở đâu cả. Ông cũng cho biết là ông đang thử máu nhà tôi, coi thử có bị thiếu máu hay không. Chính vì biến cố nầy mà bác sĩ quyết định giữ nhà tôi ở lại bệnh viện thêm một ngày nữa, thay vì được về ngày hôm sau. Tôi rất lo trong lòng, không biết nguyên nhân nào đã làm cho nhà tôi bị té xỉu. Sau đó, phòng thí nghiệm báo cho biết là nhà tôi không bị thiếu máu, nên bác sĩ đã không chuyền máu cho nhà tôi. Dù nhà tôi không bị thiếu máu, nhưng trong lòng tôi rất lo, không biết nhà tôi có bị biến chứng gì không.
Trước khi nhà tôi xuất viện, y tá hướng dẫn tôi cách săn sóc nhà tôi tại nhà, nhất là cách thay túi chứa nước tiểu. Vì bàng quang bị cắt một phần và đang khâu lại, nên bác sĩ cho nước tiểu chảy vào một cái túi nhựa đeo lủng lẳng bên ngoài. Thấy thì khó, nhưng khi y tá bắt tôi thực tập vài lần, thì tôi cũng thay được túi nước tiểu. Thương vợ, gì cũng làm được, sá gì chuyện thay túi nước tiểu.
*
Đưa nhà tôi về nhà, thấy thoải mái hơn, nhưng tôi cũng bận bịu hơn vì chỉ có một mình tôi săn sóc cho nhà tôi. Lúc bình thường, hai vợ chồng hú hí với nhau, thấy thoải mái và hạnh phúc. Nhưng lúc nầy nhà tôi nằm một chỗ, tôi thấy lẻ loi chi lạ. 
Tôi một mình lo chuyện ăn uống và canh giờ cho nhà tôi uống thuốc. Khổ cho tôi nhất là chuyện nấu ăn. Tôi giỏi nhất là nấu mì gói, ngoài ra không biết nấu món gì khác. Nhớ có lần tôi trổ tài nấu ăn, làm món vịt nướng chao. Tôi đi chợ mua vịt, mua chao, và các thứ gia vị. Theo đúng từng chữ trong sách dạy nấu ăn, tôi hì hục cắt vịt, ướp chao, rồi nướng vịt suốt mấy tiếng đồng hồ. Lúc làm xong, tôi hí hửng mời nhà tôi ăn. Nhà tôi cắn một miếng, vì lịch sự nên nuốt luôn, nhưng từ chối không ăn nữa. Bữa đó làm tôi ăn vịt nướng chao nhừ tử!  
May có bà chị dâu làm cho mấy món ăn, đem chất đầy cả tủ lạnh. Bà chị đã biết quá rõ tài nấu ăn của tôi; nếu chờ cho tôi nấu ăn, chắc nhà tôi chỉ còn da với xương.
Hai ngày sau khi từ bệnh viện về, nhà tôi đòi tắm và gội đầu. Tôi dẫn nhà tôi vào phòng tắm, chuẩn bị hết mọi thứ, rồi bước ra ngoài. Một lúc sau, nghe tiếng nhà tôi kêu, tôi vội chạy vào. Tôi thấy nhà tôi đang đứng níu chặt cánh cửa buồng tắm, mặt mày xanh mét. Tôi vội xốc nách nhà tôi, lấy thế đứng cho vững. Nhà tôi bỗng buông hai tay, khuỵu xuống; tất cả sức nặng của nhà tôi đổ dồn xuống hai tay tôi. Nhà tôi đầu ngã ra sau, mắt trợn ngược, miệng há hốc, toàn thân xụi lơ, bất động. Tôi thấy điếng cả người, nghĩ là nhà tôi đã ra đi. Tôi cố hết sức bồng nhà tôi đặt nằm trên giường. Tôi quýnh quáng, chỉ biết ôm vai lay nhà tôi, rồi vỗ nhẹ bên má nhà tôi. Nhà tôi từ từ chớp mắt, rồi môi từ từ mấp máy. Nhà tôi đã tỉnh lại, và tôi cũng đã được tỉnh lại. Nhà tôi đã hoàn hồn, và tôi cũng đã được hoàn hồn. Sự việc xảy ra chỉ trong khoảng mười lăm giây, nhưng tôi thấy như thời gian đã ngưng đọng lại. Chỉ trong mười lăm giây ngắn ngủi, tôi đã chứng kiến nhà tôi bước sang cõi chết, rồi về lại cõi sống. Và cũng chỉ trong mười lăm giây ngắn ngủi đó, tôi rơi vào trạng thái chết điếng người, rồi lại bước vào trạng thái nhẹ hẫng như mây. Mọi lo sợ, mọi hoảng hốt, mọi tuyệt vọng của tôi chỉ vài cái chớp mắt của nhà tôi đã làm cho tan biến hết. Nhà tôi nằm đó, mặt vẫn còn xanh, nhưng đã biết gật đầu trả lời những câu hỏi của tôi. Tôi mừng vô hạn. Tôi tưởng chừng như mình vừa thoát chết. Nhìn gương mặt đã bắt đầu có thần khí của nhà tôi mà tôi mừng chảy nước mắt.
Thật tình mà nói, nếu nhà tôi có ra đi lúc nầy, thì cũng đúng với mong muốn của nhà tôi. Đã từ rất lâu, những lúc tâm sự với nhau, nhà tôi thường tỏ ý mong muốn sẽ ra đi trước tôi. Nếu tôi ra đi trước, nhà tôi sợ cảnh phải ở lại một mình, sẽ đau buồn không thể nào chịu được; bởi vậy, nhà tôi lúc nào cũng muốn mình là người ra đi trước. Và tôi cũng đồng tình với ý muốn của nhà tôi. Tôi biết nhà tôi rất yêu thương tôi, và nhà tôi cũng biết là tôi rất yêu thương nàng; cho nên nhà tôi sẽ khó có thể chịu đựng được nỗi đau buồn và nỗi cô đơn khi không còn có tôi bên cạnh nữa. Tôi đồng tình làm kẻ đi sau vì tôi sẵn sàng gánh chịu nỗi đau buồn và nỗi cô đơn cho nhà tôi. Tôi thương nhà tôi, tôi không muốn nhà tôi phải chịu cảnh khổ sở như vậy. Chúng tôi yêu nhau tám năm (là mối tình đầu của cả hai chúng tôi), rồi lấy nhau ba mươi sáu năm. Chúng tôi đã cùng nhau lên thác xuống ghềnh, đã cùng nhau chia sẻ những ngọt bùi lẫn đắng cay của cuộc đời, đã cùng theo nhau đến chân trời góc bể. Mấy chục năm tình nghĩa mặn nồng như vậy, làm sao nhà tôi có thể chịu đựng được khi không còn có tôi" Đó là lý do khiến cho nhà tôi muốn mình là người ra đi trước. Từ ngày chấp nhận là kẻ đi sau, tôi ăn uống kiêng cữ hơn, tập thể dục đều  đặn hơn, uống thuốc bổ đầy đủ hơn, lái xe cẩn thận hơn... Nói chung là tôi cố giữ gìn sức khỏe cho tốt hơn chỉ với một mục đích duy nhất là mong sẽ đi sau nhà tôi một bước.
Sau lần bị xỉu vừa rồi, nhà tôi chịu ăn uống nhiều hơn cho mau lại sức, không còn kén ăn như trước. Được người quen hướng dẫn, tôi đi hốt thuốc Bắc về hầm với gà ác và xương đuôi bò, rồi lấy nước cho nhà tôi uống. Tôi thay đổi, khi thì gà ác, khi thì xương đuôi bò; sợ ăn gà ác hoài, da nhà tôi sẽ đen như da gà ác, lại phải tốn tiền tẩy trắng da như ca sĩ nổi tiếng Michael Jackson. Tôi chăm chỉ hầm gà và hầm xương cho nhà tôi. Nhà tôi khen tôi giỏi vì lần đầu tiên thấy tôi chịu khó nấu bếp. Tôi trả lời thương vợ thì làm, chứ có gì mà giỏi. Mà đúng như vậy, trước đây tôi không thích nấu ăn vì tôi dễ tính, ăn gì cũng được, cũng thấy ngon, nên không cần phải nấu nướng cầu kỳ; còn bây giờ nhà tôi bị bệnh, cần uống canh bổ cho lại sức, nên tôi đi hỏi cách nấu, rồi vào bếp nấu cho nhà tôi. Tôi vừa làm vừa gửi trọn lòng thương yêu của mình vào việc rửa thịt, lóc mỡ, nêm nếm, vớt bọt, rồi rót nước canh ra ly cho nhà tôi uống. Tôi làm mà thấy lòng tràn ngập niềm thương yêu, mà thấy thương nhà tôi vô cùng.
*
Mười hai ngày sau khi mổ, nhà tôi trở lại bệnh viện để rút ống chuyền nước tiểu và cũng để biết kết quả xét nghiệm của cuộc giải phẫu vừa rồi. Bác Sĩ Aaberg cho biết các tế bào ung thư đã được lấy sạch; do đó, nhà tôi không cần phải chữa bằng hóa trị tiếp theo. Vợ chồng tôi mừng vô hạn, không biết dùng lời lẽ gì để nói lên hết lòng biết ơn của chúng tôi đối với Bác Sĩ Aaberg.
Ra khỏi bệnh viện, tôi gọi ngay cho ông anh để báo tin mừng cho anh ấy vì tôi biết anh cũng đang nóng lòng trông chờ kết quả xét nghiệm của em gái mình. Tôi nói chiều nay vợ chồng tôi sẽ đãi anh chị ăn tối để ăn mừng. Và tôi đã gọi nhà hàng đặt hai phần tôm hùm, hai phần cua rang muối, một phần tôm rang muối, một phần mì xào hải sản, và một phần rau muống xào tỏi. Bảy phần ăn cho bốn người quả là quá thịnh soạn. Chúng tôi ăn mừng một bữa huy hoàng tráng lệ vì nhà tôi không còn mầm mống ung thư trong người nữa.
Lê Tấn Phước

Ý kiến bạn đọc
10/12/201514:17:03
Khách
Cảm ơn Vân Hòa rất nhiều. Nhà tôi vẫn khỏe. Chúng tôi đang tranh thủ đi du lịch càng nhiều càng tốt trước khi không thể đi được nữa. Xin chúc Vân Hòa và gia đình an vui. LTP
16/04/201504:05:27
Khách
Đọc câu chuyện vừa xúc đông , vừa vui xúc động vì tình yêu chồng dành cho vợ; vui vì kết quả tốt đẹp. Cầu chúc mọi điều an lành. Chúc tác giả có nhiều bài viết để đời.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,303,968
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo