Hôm nay,  

Đám Ma Người Ngoại Đạo

28/12/200800:00:00(Xem: 396222)

Đám Ma Người Ngoại Đạo

Tác giả: Hoàng Trần
Bài số 2492-16208569-vb8281208

Tác giả tên đầy đủ là Trần Minh Hoàng, qua Mỹ đã 15 năm, hiện là nhân viên bưu điện tại Minnesota.  Bài viết về nước Mỹ lần này của Hoàng rất đặc biệt, kể về một đám tang khác thường: Người chết trở thành diễn giả nói chuyện sống chết với những người đưa đám.

***
Tiếng điện thoại reo làm Minh giật mình, giấc ngủ chưa làm anh lại sức sau một đêm làm việc. Anh uể oải:
- Minh đang nghe.
- Con là Thiên. Ba con mất rồi chú ơi.
Minh tỉnh hẳn:
- Con nói cái gì" Nói lại chú nghe.
- Ba Phi mất rồi.
Minh sững người một lúc lâu, chuyện không thể ngờ được. Bạn anh còn khỏe lắm, đâu có đau bịnh gì, tại sao lại như vậy được. Minh nói với Thiên:
- Chú thím sẽ ghé lại nhà con liền. Để chú báo tin cho bác Cả. Con lo chăm sóc mẹ nghe con.
Phi là bạn nối khố của Minh từ những ngày còn học đại học ở quê nhà. Hắn có một sức khỏe ít ai bì kịp. Những bữa ăn thiếu thốn ở bếp tập thể không làm giảm đi chút nào cái sức lực của Phi, nhìn hắn nhanh nhẹn chạy nhảy trong sân bóng rổ khiến ngưới ta nghĩ tới một con báo đang săn mồi. Những buổi hai đứa học chung với nhau Minh mới thấy nể cái sức dẻo dai của Phi. Hắn đứng suốt buổi trên bảng để giải hết bài toán này sang bài toán khác mà không biết mệt trong khi Minh thấy đuối sức mặc dù đã nghỉ giải lao mấy lần rồi. Cái sức khỏe đó tuy không còn nguyên vẹn sau nhiều năm vật lộn với đời sống, nhưng đối với Phi, bác sĩ là những người lạ chỉ được nghe nói tới chớ chưa hề được gặp mặt bao giờ. Cái tin của thằng con Phi vừa thông báo quả là khó tin quá. Minh nhấc điện thoại, bấm số:
- Anh Cả này, Phi mất rồi!
Giọng sửng sốt từ đầu dây bên kia:
- Phi nào"
- Còn Phi nào nữa! Tôi cũng chỉ nghe thằng Thiên báo tin thôi, chưa rõ hư thực ra sao. Anh chị đến ngay nhà nó nghen, hẹn gặp ở đó.

Bộ ba này quen biết với nhau chẳng có gì ngạc nhiên. Kẻ trước người sau, kẻ máy bay người ghe máy, bọn họ cùng lưu lạc đến một tiểu bang ít người Việt và dễ dàng gặp lại nhau bằng những mối quan hệ dích dắc đã có từ quê nhà. Vân vợ của Minh và Thương vợ của Cả là bạn học cũ; Minh và Phi là bạn học cũ; rồi Hương, vợ Phi là hàng xóm của Minh ở Việt Nam. Nhưng bộ ba này thân nhau thì ngay chính họ cũng ngạc nhiên! Mỗi người dường như có một tính cách và cách nhìn sự việc khác nhau lắm.
Phi có cái đầu óc nhạy bén của một nhà khoa học, cách làm việc của một nhà nghiên cứu. Nghe chuyện gì anh cũng không phủ nhận hoặc xác nhận ngay mà tìm hiểu, hỏi han đến nơi đến chốn rồi kết luận theo những suy nghĩ của mình, đôi khi thật bất ngờ. Thời đi học, anh say mê môn Toán đến độ có lần tâm sự với Minh:
- Tao sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình có để được học toán vài năm ở Princeton University.
- Mày có gì để đổi" Minh hỏi:
Phi cười trừ và tiếp tục mơ mộng trong một giờ giải lao giữa buổi học. Trôi giạt sang xứ người, ông cựu thầy giáo toán kiên trì học trở lại và trở thành kỹ sư của một công ty điện tử.
Anh Cả là người trăn trở nhiều về đời sống tâm linh. Hai vợ chồng có lẽ đã tìm thấy một điều gì đó trong thiền học, anh thường xuyên theo học và thực tập các khóa thiền. Gần đây hai vợ chồng lại ăn chay trường.
Minh theo học cùng ngành toán với Phi chỉ vì sau khi xong trung học anh thấy cái môn học này thu hút anh hơn cả. Học xong anh chỉ còn lại cái khả năng suy luận logic sau bao năm không xài đến kiến thức. Rồi những lận đận của cuộc đời đã khiến cho những suy luận này nặng phần thực tế, đôi khi có chút hoài nghi về những điều quá trừu tượng đối với anh.
Họ gặp nhau thường xuyên, bất đồng ý kiến thường xuyên, nhưng ý ai người đó giữ, giữa họ vẫn có cái tình thân anh em với nhau. Mới tuần rồi, tại buổi tiệc sinh nhật Minh, anh và Phi đang hào hứng thưởng thức dĩa tiết canh thì Cả cũng nâng ly trà lên:
- Chúc mừng cậu đạt cái tuổi tri thiên mệnh.
Minh nâng chai bia đáp lại:
- Anh mừng cho tui thì anh cũng phải vui với tui một chai và thưởng thức cái món tiết canh tuyệt vời này mới được. Giữ gìn chay tịnh rồi đến cuối đời mới phát hiện cái thiên đường của mình nó không có thì tiếc lắm. Ai lại nãy giờ toàn nước trà với đậu phộng không vậy, coi sao được"
Phi lý giải ngay:
- Thịt hay đậu thì cuối cùng cũng biến thành Protein cả thôi. Ảnh cũng đến đích bằng con đường của mình, sao cậu cố chấp quá vậy"
Minh cãi:
- Thì cũng có con đường dễ đi, con đường khó đi chớ bộ. Đi máy bay khỏe hơn đi ghe, đúng không"
Anh Cả giải thích:
- Duyên phận cả thôi các vị ạ.
Mãi suy nghĩ vẩn vơ, hai vợ chồng Minh đã đến nhà Phi. Vợ chồng anh Cả cũng vừa tới. Cái tin quá bất ngờ làm cả bốn người đều hoang mang. Tất cả vội vã đi vào sân nhà Phi.
**
Con của Phi là Thiên ra mở cửa cho mọi người vào. Thằng bé nay đã lớn, nó đang học năm cuối trung học, trông chững chạc và bình tĩnh. Nó chào và mời các bác, cô chú vào phòng khách. Hương đang ngồi nói chuyện với vợ chồng thằng Thái em của nàng. Mắt mũi Hương đỏ gay, giọng nói sũng nước mắt nàng kể lại:
- Sáng Hương đi làm về thấy anh Phi vẫn chưa thức dậy để chuẩn bị đi làm như mọi hôm thì cứ nghĩ ảnh ngủ quên. Đến khi Hương kêu hoài không thấy ảnh ư hử và động tĩnh thì sinh nghi, tới lay ảnh mới hay ảnh đã chết tự lúc nào. Hương vội kêu xe cứu thương chở anh vào bệnh viện nhưng bác sĩ khám xác cho biết ảnh bị sụt huyết áp chết vào khoảng từ 2 tới 3 giờ sáng. Có lẽ thằng Thiên ngủ say không biết gì, sáng sớm nó đón xe đi học sớm cũng chẳng hay! Bác sĩ pháp y phải mổ khám xác để xem cái chết của anh có gì khả nghi không, rồi cảnh sát điều tra hỏi han hai mẹ con đủ cả từ sáng đến 3 giờ chiều mới cho chở ảnh đến nhà quàng.
Mọi người yên lặng, Phi ra đi đột ngột quá, ai cũng sững sờ. Mỗi người một câu an ủi Hương và Thiên. Minh nhớ lại hai mươi lăm năm trước anh cũng nhận được cái tin ba của Phi mất do huyết áp tăng cao đột ngột. Nay Phi lại ra đi do huyết áp tụt, thật là chuyện ngược đời đã xảy đến cho hai cha con họ. Minh nhớ đến một câu chuyện đọc được trong truyện Tàu ngày còn bé mà anh quên mất tên nhân vật - Có một vị tướng gặp một chuyện tức cười, cười đến độ thắt ruột mà chết, người con đau buồn quá khóc cha đến nỗi đứt hơi rồi cũng chết luôn! Chuyện nghe như một chuyện tiếu lâm vậy mà cũng xảy ra với bạn mình. Không biết nghe chuyện này anh Cả có thuyết cho mình nghe một bài giảng về cái nghiệp chướng gì đó nữa hay không, Minh thầm nghĩ.
Anh Cả đề nghị với Hương:
- Chị đã liên lạc với các thầy để nhờ đến tụng kinh siêu độ và làm tang lễ cho anh Phi chưa" Nếu chưa thì để tôi gọi phone nhờ họ cho, tôi có quen biết với mấy cô thầy trong bang tụng niệm.
Minh can:
- Không biết ý chị Hương thế nào chứ mấy tháng trước bọn mình đi đám ma của bác Sâm, tôi nhớ có nghe Phi nói là khi hắn chết không muốn có ban tụng niệm tới đọc kinh. Nghe kinh hắn thấy buồn lắm! Rồi người nhà vừa đau khổ vừa mệt mà phải quỳ lên quỳ xuống thật tội nghiệp.
Hương nhớ lại ngày ấy, chỉ mới ba tháng trước. Vợ chồng nàng và vợ chồng Minh có đến nhà quàng thăm viếng Bác Sâm là người hàng xóm với nàng và Minh từ hồi còn ở Việt nam bị mất vì bịnh già. Phi nhìn ban tụng niệm đang đọc kinh ê a, còn gia đình các con của Bác Sâm thì đang sì sụp quì lạy mà nói như thế. Anh còn nói với nàng:
- Tại sao phải làm người đưa tiễn buồn thảm khóc than" Anh nghĩ là khi anh chết, không có mời thầy làm lễ mà sẽ chiếu một DVD do anh tự biên tự diễn. Anh sẽ nói những lời đùa vui, chọc cười mọi người. Phải có một không khí như đưa tiễn anh đi di cư tới một thế giới khác sinh sống vậy.
Hương thấy ý chồng cũng hay hay, nàng nói giỡn theo:
- Vậy thì anh phải chuẩn bị làm cái DVD ngay là vừa. Bây giờ lên màn ảnh tướng tá còn đẹp trai, chứ để già rồi nói năng thều thào không ai hiểu. Với lại lỡ chết bất đắc kỳ tử em còn biết đường mà lo chứ!
Vậy mà không ngờ những lời nói đùa lại thành sự thật. Nàng biết là Phi cũng đã xúc tiến tự làm cái DVD đặc biệt này rồi. Có phải là một điềm gỡ chăng" Hương xác nhận lời Minh:
- Anh Minh nói đúng đó. Anh Phi rất sợ nghe cái tiếng gõ mõ tụng kinh trong đám ma. Hồi Ba ảnh chết bên quê nhà, có mời thầy cúng về làm lễ. Con cháu phải cúng bái quỳ lạy suốt ngày ai cũng lả ra, vừa buồn vừa mệt. Ảnh cứ nhắc đi nhắc lại cái chuyện này và nói nếu ảnh chết nên tổ chức tang lễ sao cho ít mệt nhọc và buồn bã cho mọi người.
Thương bàn:
- Nhưng như vậy thì đâu có được. Ảnh chết xuống phải có thầy đọc kinh siêu độ và đưa đường để ảnh về nơi cực lạc chớ.
Hương sống với chồng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng cái tính duy lý, khoa học của Phi. Nhưng khi gặp chuyện bất hạnh, đau khổ thì lý trí nàng có phần bị dao động, và hoang mang. Hương thẫn thờ nói:
- Hương không biết tính sao nữa. Không mời thầy về làm lễ thì mình không an tâm. Thêm nữa người ta sẽ nói mình này nọ, vô thần vô thánh không giống ai. Mà mời thầy về thì trái ý với anh Phi...
Thằng Thiên chen vào:
- Con thấy mình cứ đi tìm xem cái DVD Ba làm xong chưa và Ba nói gì trong đó thì mình cứ theo ý Ba mà làm.
Hương và Thiên vào phòng làm việc của Phi lục lọi, một lát sau đưa ra một cái DVD mà Phi đặt tên "Chào quý vị tôi đi đây!". Mọi người chiếu coi thử và sau đó đồng ý để Hương tổ chức tang lễ theo ý Phi. Mỗi người một tay chia nhau công việc để phụ giúp thêm cho ngày thăm viếng ở nhà quàng và ngày đưa Phi đi thiêu.
Hương cho mọi người biết thêm, cách đây một năm, Phi có đọc một bài báo nói về chuyện dùng tro của hài cốt làm thành viên kim cương để lại cho người thân. Anh tâm đắc chuyện này lắm và nói với Hương:
- Mai này, nếu em đi trước, anh sẽ làm một viên kim cương để lắp nó vào chiếc nhẫn cưới của mình và luôn luôn nhớ tới em. Nhưng nếu anh đi trước, anh không yêu cầu em phải làm một việc tương tự. Có lẽ em cần một người bạn đường để đi tiếp phần đời còn lại hơn là một kỷ vật của quá khứ, nó chỉ là một vật cản đường mà thôi. Miễn em vui được là tốt rồi. Nói thì nói vậy nhưng tùy em.
Hương tiếp:


- Nhờ anh Minh lo dùm Hương việc này nhé! Hương nhớ là anh Phi tìm thông tin trong trang web "dust to diamonds" gì đó. Anh liên hệ với chỗ làm kim cương để lấy tro cốt anh Phi làm cho Hương một viên để gắn vào nhẫn cưới.
Mọi người chia tay. Trên đường về, Minh nói với Vân:
- Anh mà chết đi, em phải làm viên kim cương gắn vào sợi dây chuyền đeo cổ. Có như vậy anh mới kiểm tra được những nhịp đập lỗi nhịp của trái tim em. Mình đã hứa với nhau "trăm năm hạnh phúc". Chưa hết trăm năm em đừng hòng quay lưng với anh.
- Bày đặt nói văn hoa kiểm tra nhịp tim. Chết rồi mà còn dê ông tướng ơi. Thôi để em đi trước, khỏi phải lo suốt đời bị ma ám!
- Nhưng cũng phải từ từ, đợi đến khi lọm khọm rồi hẵn đi. Bây giờ em vẫn còn hấp dẫn mấy lão ma sồn sồn đang hồi xuân lắm. Anh không có cách nào kiểm soát mấy con ma đâu. Em đi sớm quá anh không yên tâm.
Ở một hướng khác của xa lộ, Cả cũng ưu tư:
- Anh ra đi rồi, em đem tro cốt của anh rải tung khắp nơi để linh hồn anh không còn nơi vương vấn, mới siêu thoát được.
Thương bùi ngùi:
- Anh cũng làm như vậy với em. Duyên đã tận thì cố mà cầm giữ làm gì.
*
Nơi cửa vào nhà quàng, Hương và thằng Thiên đang đứng tiếp khách đến viếng, trên ngực áo trái mỗi người đeo một cái huy hiệu nhỏ có in hình của Phi đang tươi cười. Không có khăn sô, áo tang. Mỗi người khách đến viếng được gắn một cái huy hiệu tương tự để làm kỷ niệm.
Quan tài người chết được đặt giữa phòng. Bên cạnh là cái TV khổ lớn. Những vòng hoa rực rỡ để đầy hai bên quan tài và TV. Ghế ngồi của khách được kê theo hình bán nguyệt đối diện với áo quan và màn hình TV. Phía sau các hàng ghế này là hai cái bàn lớn kê hai bên, trên đó bày sẵn nước giải khát và các khay thức ăn nguội dành cho một buổi tiệc nhẹ thân mật.
Đợi khách ngồi vào chỗ xong, thằng Thiên bước đến cạnh quan tài, nó buồn buồn nhìn khắp cử tọa, giọng run run:
- Tang lễ được tiến hành theo ý của Ba con.
Nó quay sang nhìn vào quan tài, nói nhỏ:
- Khách tới đủ rồi, Ba bắt đầu đi Ba.
Thiên cầm cái remote control bấm vào một cái nút. Hình ảnh Phi hiện rõ dần trên màn hình TV. Hắn mỉm cười, cất giọng:
- Cám ơn các vị đã đến đưa tiễn tôi. Cuộc tiễn đưa nào cũng buồn cả nên tôi cố làm cho nó bớt ảm đạm được chút nào hay chút đó. Tôi không tổ chức lễ tang cho mình. Cái lễ này nó buồn và cũng như các thứ lễ nghi khác, ít nhiều mang tính hình thức sẽ làm cho mọi người mệt mỏi và buồn thêm, nhất là vợ con tôi. Diêm vương đã gọi tôi về thế giới của ngài, các quan chức của ngài hẳn đã lo hộ chiếu và các thủ tục xong cả rồi, có trễ một chút cũng không sao, tôi có đủ thì giờ để đợi. Cho nên tôi không muốn các bạn làm thủ tục tiễn chân tôi rườm rà làm gì cho mệt. Chúng ta dành thời giờ đó cho một bữa tiệc nhẹ đưa tiễn sẽ thân mật và ấm cúng hơn. Có nước uống và ít thức ăn sau dãy ghế ngồi của các bạn, xin tự nhiên. Hương, coi tiếp khách cho anh nghe. Thiên, con ra giúp Má đi con.
Màn hình chuyển sang cảnh gia đình Phi đang tổ chức party với bạn bè một năm trước đó, phần âm thanh được lồng bằng bài hát "Cát bụi" của nhạc sĩ Trịnh công Sơn do chính Phi hát và đệm guitar. Bài hát chấm dứt. Hình ảnh Phi lại hiện lên màng hình, hắn nheo mắt:
- Quí vị vừa ăn uống vừa nói chuyện tự nhiên nghen. Để tui nói chuyện với Má sắp nhỏ một chút rồi quay lại với quí vị ngay. Hương nè, nhất định bữa nay em không được khóc đó nghe, mấy chục năm rồi mà anh vẫn lúng túng khi nghe em khóc. Em cười như cái lần mình mới gặp nó sẽ làm anh lâng lâng như hồi đó và ra đi nhẹ nhàng hơn nhiều. Sau ngày hôm nay em nên nghỉ phép về quê một chuyến, hay đi du lịch đâu đó với bạn bè cho khuây khỏa. Ở nhà buồn rồi khóc không ích gì. Thấy vẫn còn buồn thì nên đổi nhà khác, hy vọng khung cảnh mới sẽ làm em dễ chịu hơn. Anh muốn nhắc chuyện này giữa chốn công cộng với hy vọng bạn bè biết cái ý của anh để có cách giúp đỡ em sau này, phần dặn riêng cho em và con anh thu lại trong cái DVD còn lại, để chung bên cạnh cái DVD này, anh có dặn dò Thiên nhiều chuyện nữa. Không cần gấp đâu, khi nào bình tỉnh thì hai mẹ con mở ra coi cũng được. Thiên, sau bữa chia tay này con đại diện Ba bắt tay từ giã bạn bè hộ Ba. Bây giờ con là người đàn ông trong nhà, phải cố lên, ba đặt hết kỳ vọng vào con.
Trên màng ảnh, Phi đang cầm một cái đùi gà chiên, Minh nhận ra cái hộp giấy KFC bên cạnh, hắn cắn một miếng, vừa nhai ngồm ngoàm vừa nheo mắt:
- Bịn rịn thê tử một chút, thông cảm nghen quí vị. Nhắc tất cả quí vị chuyện này - Sau khi tôi dứt lời, quí vị có phát biểu cũng xin đừng khen tôi tưới hột sen nghe không, có sao nói vậy cho nó thân mật, đừng làm như tôi chết rồi vậy.
Nghe tới đây Minh cũng phải bật cười. Không ngờ cái buổi họp mặt này nó sống động hơn hôm anh coi cái DVD lần đầu ở nhà Phi. Không khí quả thật có buồn nhưng không đến nỗi ảm đạm quá. Minh thầm nghĩ, sao cái anh chàng này không làm đạo diễn điện ảnh, kể cũng tiếc thiệt!
Cái DVD tiếp tục chiếu hình ảnh Phi đang bông đùa với người này, nhắc lại một kỷ niệm với người khác. Kể một câu chuyện tiếu lâm... Biết sắp tới đoạn hắn nói chuyện với mình, Minh chú ý hơn:
- Minh này, nãy giờ nghe tao bốc phét chắc mày ngứa miệng muốn cãi lắm phải không, ít gì trong đầu mày cũng đang nghĩ rằng "cái thằng cha này lúc sống chẳng lẩm cẩm tí nào mà chết rồi lại nói năng lẩm cẩm, làm gì có cái thế giới của người chết mà đòi đi xa, rồi nhắn nhủ tùm lum". Có phải như vậy không anh bạn" Không đâu, tao đang nói năng hết sức logic đó. Mày có còn nhớ một vài bài toán cần chứng minh là "nếu một phương trình có nghiệm thì nghiệm đó là duy nhất"" Cách chứng minh có phải là ta giả sử nghiệm tồn tại, chứng minh nó duy nhất trước, rồi quay sang chứng minh nó tồn tại sau. Cũng như vậy, tao nhắn nhủ với tất cả rằng tao không mất đi mà vẫn tồn tại, chí ít cũng trong đầu óc bạn bè, đúng không" Hơn nữa, mày chắc còn nhớ cái định luật bảo toàn năng lượng chớ" "Vật chất không tự sinh ra và mất đi mà chỉ chuyển từ một dạng năng lượng này sang một dạng năng lượng khác mà thôi". Như vậy có thể có cái thế giới cho tao chớ, phải không"
Phi ngưng nói, bưng lon bia uống một ngụm lớn rồi tiếp:
- Này có phải mày lại nghĩ là tại sao lại không có một giao lưu nào giữa hai thế giới" Có thể là chưa có ai nghĩ ra được một ngôn ngữ chung để giao tiếp mà thôi. Đợi đó, biết đâu tao sẽ thành công trong đề tài nghiên cứu này, hay là đề tài chuyển đổi các dạng năng lượng với nhau để có thể gặp lại mày cho mày tin. Nhưng trước khi tao thành công, đừng tự động đi gặp tao, tao không hoan nghênh mày chút nào đâu. Tao sẽ đá đít mày đó, không chừng sẽ còn chửi là đồ ngu nữa nếu lúc đó tao đang cáu.
Minh chợt nhớ lại cái thời hai đứa học chung với nhau, anh có cảm giác Phi đang cố giảng cho anh một bài toán khó mà anh vẫn lờ mờ. Anh thấy lại cái thế giới say mê nghiên cứu của một người bạn thuở thiếu thời mà lâu nay bị vùi lấp mất trong cái mớ bòng bong của đời sống. Anh nói thầm với Phi:
- Ước rằng mày đang ở một thế giới không có quá nhiều chuyện phải lo để có thể bắt đầu thực hiện những say mê của mình. Phi ơi!
Phi lại nói tiếp:
- Minh này, tao cũng thấy tiếc là không còn có được những buổi thảo luận với mày và anh Cả. Những dị biệt không là gì cả, miễn là mình vững tin vào con đường của mình là được. Tao tôn trọng niềm tin của anh Cả cũng như thú vị với những suy nghĩ của mày. Hãy tiếp tục sống hết mình với suy nghĩ của mình đi nhé.
Minh lại thừ người ra thầm nghĩ:
- Bây giờ thì tao hiểu rồi, Phi ơi. Chắc chắn là sau ngày hôm nay sẽ có nhiều định đề cần phải xét lại như Lobasepski đã xét lại định đề thứ năm của hình học Euclid.
Trên màn hình, Phi nhấp một ngụm bia, tay xoay xoay cái lon và tiếp tục:
- Anh Cả nè! Tôi có giải thích thế nào đi nữa chắc anh cũng không an lòng về cái đám tang không đúng thủ tục này phải không. Xin anh chị đừng lo vì dù cho có làm đúng mọi thủ tục đi nữa tôi cũng không thể nào đến được chốn cực lạc, bồng lai. Cả đời tôi, tôi sống ngược với các nguyên tắc đạo hạnh căn bản của các vị bồ tát thì lý nào khi ra đi chỉ nhờ vào một vài thủ tục của thân nhân mà tôi lại lọt dễ dàng vào cổng thiên đường! Này nhé, cái nguyên tắc căn bản đầu tiên theo tôi biết là diệt dục, mà cả đời tôi đã xây dựng ngày càng nhiều những ước mơ, những mục đích. Đạt được điều này tôi tiếp tục xây dựng điều khác. Nếu bỏ hết những tham sân si đó thì chắc là tôi đang sống vất vưởng ở đâu đó, người không ra người ngợm không ra ngợm hay là đã  giã từ cái chốn trần gian ô trọc này từ lâu lắm rồi.
Phi tiếp:
- Mấy anh em mình đã có nhiều thảo luận về lĩnh vực này nhiều rồi, anh có niềm tin, tôi có sự hoài nghi, Minh phủ nhận. Mà giờ này thì những suy nghĩ cũng chẳng có ý nghĩa gì, tôi đang có cơ hội để kiểm chứng những điều đã được nghe nói thường xuyên trong cuộc sống. Xin anh cầu nguyện cho thằng bạn lắm chuyện của mình, Cả nhé.
Phi lại nhìn khắp lượt từ trái sang phải, giọng tiếc rẻ:
- Tiếc là tôi không hầu chuyện được với tất cả các bạn, nhưng tôi tin là mọi người sẽ thông cảm.
Màn hình chuyển sang slide show những hình ảnh của Phi từ những năm Phi còn là một cậu bé cho tới thời gian gần đây với những đoạn home video. Cuối cùng, anh lại xuất hiện trên màn hình:
- Các bạn chắc có nhiểu điều muốn nói với tôi, xin mời. Ngày mai có rảnh thì đến đưa tôi chặng cuối nhé.
Bạn bè lần lượt lên kể cho nhau nghe những kỷ niệm của mình với Phi, vui có, buồn có. Lúc này cái không khí có vẻ sôi động hơn là khi mọi người nghe Phi trên TV. Thỉnh thoảng cũng có những tiếng cười. Cuối buổi mọi người chia tay, hẹn nhau ngày mai sẽ đưa anh đến lò thiêu.
*
Buổi sáng đưa Phi đi thật là một buổi sáng ảm đạm, Minh nối đuôi theo đoàn xe, anh mong con đường dài ra mãi và không bao giờ đến cái điểm chia tay. Nhưng rồi cũng đến lúc quan tài bạn được chuyển vào lò thiêu. Cái máy CD được thằng Thiên nhấn nút:
- Thôi, cũng đến lúc chia tay, xin chào tất cả các bạn.
Tiếng Hương òa lên khóc lớn, tiếng cái máy CD rớt xuống nền nhà, tiếng thằng Thiên nấc lên:
- Ba ơi!
Nhiều tiếng sụt sịt. Minh cảm thấy môi mình mằn mặn, miệng đắng ngắt.
HOÀNG TRẦN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,608,053
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Nhạc sĩ Cung Tiến