Hôm nay,  

Cha Con Xuất Ngoại

16/10/200800:00:00(Xem: 166556)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

Người viết: Khanh Vũ

 

Bài số 2432-16208509-vb5161008

 

Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của Khanh Vũ là “Đi Đám Cưới Xa”. Tiếp theo là  “Bảo Lãnh Con”. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.

 

***

 

Bây giờ hồi tưởng lại chuyện xuất ngoại và vượt biên cũa cha con tôi ngày trước tôi thấy có sự trùng hợp khá thú vị: cả hai cha con đều ra nước ngoài năm 18 tuổi. Chúng tôi ra đi vào hai thời điểm cách nhau rất xa và trong những hoàn cảnh xã hội, đất nước cũng rất khác biệt. Năm 1985 con trai tôi 18 tuổi được cho vượt biên, cháu vượt biển thành công đến đảo và sau đó được định cư tại Mỹ. Còn tôi trước đó hơn ba mươi năm, vào năm 1953 khi 18 tuổi đươc chánh phủ quốc gia VN cho sang Pháp, để theo học một khoá chuyên môn về kỹ thuật Không quân. Hai cha con mỗi người ra đi đều từ một nguyên nhân khẩn thiết nhưng con đường du học  và hành trình tìm tự do của mỗi chúng tôi thì khác hẳn.

 

Tôi du học Pháp cuối năm 1953 do một cơ may khá bất ngờ và trong hoàn cảnh đất nước khắp từ Nam chí Bắc đang trong thời kỳ chuyển mình với nhiều thay đổi  trọng đại. Những tháng đầu năm này quân Pháp nguy ngập tại chiến trường miền Bắc do sự tấn công của quân Việt Minh được Trung Cộng và Liên Sô yểm trợ, chánh quyền quốc gia VN cần thành lập gấp rút một lực lượng quân đội gồm nhiều quân binh chủng để sẵn sàng ứng phó với tình thế, bảo vệ đất nước. Tại miền Nam thanh niên học xong trung học trở lên phần tình nguyện , phần được gọi động viên gia nhập quân ngũ rất đông đảo, đa số vào các trường quân sự nổi tiếng như trường Võ bị Đà Lạt và trường Sĩ quan Thủ Đức. Tôi tự biết đến lúc phải "xếp bút nghiên theo việc kiếm cung, CPN" để vào quân đội. Giữa lúc còn đang hoang mang chưa biết đi trường nào thì một hôm anh T, bạn học cùng lớp như đoán được tâm trạng tôi liền hỏi, giọng còn đặc dân Bắc mới di cư:

 

-           Đằng ấy có muốn đi Tây không"

 

Tôi nhìn thẳng vào mặt anh bạn đoán xem anh hỏi thiệt hay nói chơi. Bởi thời ấy thanh niên học sinh hầu như ai cũng có mộng "Tây du" nhưng chuyện có thực hiện được hay không lại là chuyện khác. Thường chỉ có con cháu các nhà rất giầu có hay quyền thế cao trong chánh quyền mới có thể đi du học Pháp, còn con nhà thường dân như tôi mà mong đi chỉ là chuyện không tưởng. Nhìn thấy vẻ mặt anh bạn nghiêm nghị, không có vẻ gì là đùa giỡn, thêm nữa nhớ ra anh có ông bố đang "làm lớn" trong một cơ quan chánh phủ, tôi tin lời anh hỏi là thành thật. Và như có người gãi trúng chỗ ngứa, tôi thoáng mừng trả lời anh mà cũng không khỏi thắc mắc.

 

- Muốn quá đi chứ nhưng làm sao đi được "

 

- Bạn đọc thông cáo này sẽ rõ.

 

Anh bạn vừa nói vừa đưa cho tôi tờ thông cáo trong đó đại để đang có cuộc thi tuyển chọn một số thanh niên tuổi từ 18 trở lên đi học chuyên môn tại một trường Không quân bên Pháp, nơi nộp đơn, ngày giờ thi, địa điểm thi .v v...Sau khi bàn bạc với nhau một lúc chúng tôi mấy đứa trong đó có cả T cùng nhau làm đơn dự thi và vội vã đi nộp, lòng hân hoan nghĩ đến viễn ảnh ngày nào đó được đặt chân đến "kinh đô ánh sáng Paris", nơi mà từ bao lâu chỉ thấy trên sách vở hay báo chí. Đến ngày thi chúng tôi có mặt đầy đủ tại nơi thi là trường tiểu học T.T.T trên đường Trần hưng Đạo, sĩ tử rất đông từ khắp các nơi nội ngoạt thành đổ về. Thi xong lại nôn nóng trông mau đến ngày có kết quả. Rồi ngày ấy cũng đến và rất may tôi có tên trên bảng thí sinh trúng tuyển. Có lẽ chưa bao giờ tôi vui mừng như hôm biết mình đậu kỳ thi tuyển này. Khi tôi về báo tin cho gia đình thì cả nhà tôi cũng vô cùng sung sướng bởi ai cũng cho chỉ nhờ vậy tôi mới có cơ hội đi Tây cho biết xứ người với người ta, chứ nếu chỉ trông cậy vào gia đình thì vô phương. Như vậy tôi cũng vào quân đội như các bạn cùng lứa tuổi cùng trình độ nhưng hơn một điều là thỏa được niềm mơ ước "viễn du" ấp ủ trong lòng từ bao lâu nay. Sau hơn mấy tháng làm đủ thứ thủ tục giấy tờ, khám sức khoẻ, đi học căn bản quân sự thì chúng tôi 50 đứa gồm những người đến từ miền Bắc và miền Trung và số tuyển trong Nam là chúng tôi, lên đường du học Pháp quốc. Tôi còn nhớ chúng tôi được lệnh tập hợp tại Cảng Nhà Rồng, Khánh Hội vào một ngày cuối năm 1953. Thân nhân đến đưa chúng tôi đi khá nhiều nhưng hoàn toàn không có cảnh từ giã bịn rịn:

 

Những chiếc khăn mầu thổn thức bay

 

Những bàn tay vẫy những bàn tay

 

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt

 

Buồn ở đâu hơn ở chốn này (Thơ Nguyễn Bính)

 

Bởi chúng tôi lúc ấy toàn là những thanh niên rất trẻ tuổi mười tám đôi mươi, vừa rời bỏ ghế nhà trường, lòng tràn ngập hân hoan với bao viễn ảnh tươi sáng và trên người đang khoác bộ quân phục cáu cạnh mới tinh. Hầu như tất cả người có mặt hôm ấy đều với gương mặt tươi vui, ai nấy đều cho rằng chuyến xuất ngoại này là điều mong mỏi bấy lâu và ngày trở về xum họp cũng chẳng bao xa. Tiếng cười nói chuyện trò, chúc tụng, dặn dò nhau râm ran chỉ chấm dứt khi chúng tôi lần lượt lên tầu Skaugum, một thương thuyền rất lớn thời bấy giờ đã đậu sẵn trước cảng.

 

 

 

Suốt hành trình hơn hai mươi ngày lênh đênh trên biển cả, tầu chúng tôi có ghé một số cảng như Singapore, Djibouti, Port Said trước khi cặp bến Marseilles phía Nam nước Pháp. Chúng tôi được đưa đến trường để theo học các nghành chuyên môn theo nhu cầu của Không quân VN. Thời gian học này tuy có vất vả nhất là vào mùa đông lạnh giá nhưng đã để lại trong mỗi chúng tôi nhiều kỷ niệm vui buồn đáng nhớ đời. Ngoàì thời biểu học, chúng tôi có những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ Tết mặc tình đi chơi đây đó khắp nơi trên đất Pháp. Trong thời gian ở trường, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được thư từ bên nhà, biết được ít nhiều tin tức thời sự. Chúng tôi biết quân Pháp bị thảm bại ở mặt trận Điện biên Phủ, tướng De Castries phải đầu hàng và cuộc chiến kết thúc vào tháng 5-1954. Khoảng hai tháng sau, Hiệp định Genève được ký kết (7-1954) chia đôi đất nước, ranh giới giữa hai bên là vĩ tuyến 17, phía Bắc cộng sản, phía Nam quốc gia, và Pháp rút quân khỏi VN. Cuộc di cư vào Nam vô tiền khoáng hậu trong lịch sử VN của hàng triệu đồng bào miền Bắc đã diễn ra trong thời điểm này. Chúng tôi rất buồn trước tin đất nước bị chia cắt, những anh khoá sinh đi từ miền Bắc thì còn buồn thảm hơn vì rất hoang mang lo lắng gia đình ở ngoài đó không biết thế nào, có vô được trong Nam hay còn kẹt ở lại miền Bắc với cộng sản" Năm sau về nước tôi được biết anh L cùng khoá về trước tôi khoảng nửa năm khi biết gia đình còn kẹt lại miền Bắc đã hoảng hốt đào ngũ tìm mọi cách trốn về Bắc và kẹt luôn ở ngoài đó. 

 

Thời gian ở trường những khi được nghỉ học đa số chúng tôi đều thích đi chơi xa cho biết xứ người, đặc biệt mỗi anh em chúng tôi đều đến Paris ít nhất một hoặc hai lần vì chúng tôi vẫn bảo nhau ai chưa biết thủ đô Paris nổi tiếng thế giới, là kể như chưa biết nước Pháp. Những bạn có thân nhân ở đâu đó trên nước Pháp thì tùy điều kiện tài chánh và thời gian được nghỉ có thể đi thăm viếng họ. Riêng tôi và một anh bạn thân cùng khoá trong một dịp nghỉ hè hai tuần lễ đã đi xe lửa đến Côte d Azur thuộc miền bờ biển phía Nam đẹp nổi tiếng với các thành phố biển, các thắng cảnh hấp dẫn khách du lịch khắp nơi. Một kỷ niệm khó quên trong thời gian ở đây là chúng tôi do mối thân quen gia đình với một "chức sắc" trên du thuyền Hương Giang của vua Bảo Đại, chúng tôi thay vì phải thuê khách sạn đã được cho ở trên du thuyền lúc đó đang neo tại bến cảng thành phố Cannes thuộc Côte d Azur. Và chúng tôi được đưa đi thăm viếng những cảnh ngoạn mục của các thành phố Cannes, Nice, Menton.. .Những ngày rong chơi mùa hè ở đây thật là thích thú, có dịp ngắm những cảnh quan tuyệt đẹp, các khu phố du lịch nổi tiếng với các khách sạn, nhà hàng , cửa hiệu buôn bán sang trọng, những bãi tắm trải dài ven biển nước xanh mênh mông dưới bầu trời trong xanh cao vút, khí hậu thì dễ chịu hiền hòa của miền bờ biển Địa trung Hải.

 

Theo chương trình của nhà trường, tùy thời hạn ấn định ngắn hay dài cho mỗi khoá học chuyên môn chúng tôi lần lượt trở về nước sớm hay muộn sau khi mãn khoá, để phục vụ trong Không quân theo bằng cấp chuyên môn tốt nghiệp.Tôi mãn khoá học về nước đầu năm 1955 và phục vụ liên tục trong quân chủng cho đến ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản Bắc Việt (30-4-1975). Bị kẹt lại trong nước, tôi phải vào tù "cải tạo" trong Nam khoảng hơn năm rồi bị đày ra miền thượng du Bắc Việt. Tại đây tôi bị lao động khổ sai qua nhiều trại ở Sơn La,Yên Bái, Hoàng liên Sơn rồi khi Trung quốc đánh thì chuyển trại về Vĩnh Quang. Đến 1982 tôi bị đưa trở lại trong Nam tù tiếp cho đến cuối 1984, tổng cộng trên 9 năm thì được tha ra. Tuy thân thể có suy kiệt nhưng tôi còn may về được với gia đình, không phải bỏ mạng trong tù để bị vùi lấp nơi đồi núi nào đó như bao nhiêu bạn cùng cảnh ngộ khác.

 

Khi về nhà được ít lâu có anh bạn thân là H được thả về trước tôi mấy năm biết tin đến thăm. Anh H và tôi trước biến cố 1975 cùng trong Không quân lại làm cùng đơn vị nên biết nhau nhiều. Khi bị đưa ra Bắc tình cờ chúng tôi ở cùng chung trại;  gặp lại nhau trong cảnh ngộ tù đày chúng tôi trở nên thân thiết rất nhanh, chia sẻ với nhau nhiều điều khổ cực và an ủi. Sau một thời gian chung trại chúng tôi bị  biên chế" chuyển đi các trại khác nhau, anh H và tôi không còn biết tin nhau kể từ đó cho đến khi tôi ra khỏi tù về nhà mới gặp nhau lại. Sau một lúc hàn huyên anh tâm sự cho biết từ khi ra tù về anh đã vượt biên mười mấy lần nhưng đều thất bại, ba đứa con vượt biên trước khi anh ra tù đều thoát được đã định cư ở Canada và đang làm giấy tờ bảo lãnh cho vợ chồng anh sang đoàn tụ. Anh còn kể lần cuối cùng đi không thoát lại còn bị bắt nằm tù Chí Hoà thêm mấy tháng mới được thả. Anh nói anh có lẽ anh không có số vượt biên, bây giờ thôi đành chờ đi theo diện đoàn tụ. Anh cho tôi hay nếu tôi muốn thử thời vận, muốn vượt biên thì đây là cơ hội tốt vì chuyến đi sắp tới do người trong gia đình anh tổ chức có thể tin cậy thành công. Về điều kiện tiền bạc cho chuyến đi thì cũng dễ, chỉ phải trả cho chủ tầu sau khi đến Mỹ. Tôi rất mừng và cám ơn nhã ý của anh H nhưng đề nghị anh cho tôi có thời gian suy nghĩ, bàn bạc lại với gia đình rồi sẽ trả lời anh dứt khoát. Anh bạn đồng ý ngay và trước khi ra về không quên nhắc tôi cứ bàn bạc kỹ đi rồi cho anh biết quyết định. Sở dĩ tôi không quyết định ngay mặc dầu trong lòng đã có ý vượt biên từ khi còn ở trong trại, là vì nghĩ đến chuyện khó khăn của đứa con trai lớn và vấn đề tiền bạc. Ngay hôm mới ra tù về nhà tôi được biết cháu trai lớn 18 tuổi, cả nhà đang lo sợ nó sẽ bị bắt lính đi nghĩa vụ quân sự mà lúc bấy giờ thanh niên đi nghiã vụ thường bị đưa ra biên giới, con cái người chế độ cũ lại càng được "ưu tiên" cho đi đến đây hơn. Trong gia đình bên ngoại có một đứa cháu đi nghĩa vụ quân sự  đã chết mất xác mấy năm trước ở chiến trường Cam Bốt. Nên cả gia đình nội ngoại đều không ai muốn con trai tôi có thể phải chịu cảnh đau thương tương tự. Nghe kể lại sự thể như vậy tôi không những rất đồng tình với gia đình mà còn có ý cương quyết dứt khoát hơn vì tôi nghĩ cha đã bị tù đầy vì VC thì con không thể đi lính cho VC. Nên khi anh H nói chuyện vượt biên tôi đã liên tưởng ngay đến con trai, phải cho nó đi ngay để tránh khỏi cảnh trớ trêu vừa nêu và nhất là tránh khỏi cảnh có thể chết oan uổng. Thứ nữa nếu nó đi thoát được ra nước ngoài thì nó còn trẻ tương lai còn dài, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp nơi đất nước tự do. Về vấn đề tiền bạc cũng là khó khăn rất lớn đối với gia đình tôi khi đó. Sau gần 10 năm tôi kẹt trong tù, vợ ở nhà phải tần tảo nuôi bốn đứa con nhỏ, đồ đạc trong nhà có gì quí giá đã phải bán hết, gia đình coi như kiệt quệ. Cũng may gia đình cho biết có đứa cháu con người anh cả vượt biên đã ở Mỹ khá lâu, có nhà cửa công việc tốt, có thể nhờ cậy. Tôi liền biên thư liên lạc, nói ý định của gia đình với người cháu này. "Chú cứ cho em đi, cháu sẽ giúp đỡ em mọi mặt", người cháu trả lời thư tôi. Thế là vợ chồng tôi lên gặp anh H, trình bày rõ hoàn cảnh khó khăn, cấp bách của cháu trai rất cần được đi sớm, việc tiền bạc thì có người cháu ruột ở Mỹ chi trả. Anh chị H rất thông cảm hoàn cảnh gia đình và tình trạng con chúng tôi, đã đồng ý giúp ngay. Thời gian ngắn sau đó, tôi chở xe đạp đưa cháu lên nhà anh H đúng theo ngày giờ anh hẹn.

 

Thời điểm đó là đầu năm 1985. Từ hôm đưa con rời khỏi nhà,và tiếp những ngày sau đó là cả quãng thời gian dài đầy lo lắng, hồi hộp, chờ đợi của cả gia đình. Có thể nói chưa bao giờ tinh thần tôi bị căng thẳng, "ăn ngủ, đứng ngồi không yên" như vậy! Chi một tiếng gõ cửa, một người lạ hỏi thăm nhà... là cũng đủ khiến tôi giật mình. Gia đình đợi tin tức của cháu hằng ngày hằng giờ, vợ chồng bao lần cầu nguyện mọi điều may mắn cho con. Trước đó chúng tôi đã nghe nói nhiều về những nguy hiểm, sống chết trên đường vượt biên, vượt biển, những trường hợp bị bắt lại, bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, chìm tầu...Mỗi khi nghĩ đến những chuyện hãi hùng đó, tôi lại thêm mất ăn mất ngủ lo sợ cho số phận con mình. Mỏi mòn chờ đợi được khoảng hai tuần thì một hôm chúng tôi được tin vui bất ngờ, một người anh họ đến báo tin con tôi đã đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai  bình yên, hiện đang ở cùng nơi với con trai anh ấy. Cháu này đã vượt biển đến đây trước đó không lâu vừa viết thư về nhà báo tin gặp con tôi với gia đình, hai đứa cùng lứa tuổi và đã biết nhau từ khi còn ở Sài gòn. Cả gia đình tôi hết sức vui mừng với tin vừa được cho biết, gánh nặng lo âu sợ hãi đè nặng trên người từ bao lâu bổng chốc tan biến hết. Nhưng dù nỗi vui mừng tràn ngập, gia đình vẫn phải tuyệt đối giữ kín tin tức con vượt biên, bởi công an khu vực biết được có thể làm khó dễ, nhất là tôi lại từ "trại cải tạo" mới về chưa được bao lâu đang còn trong thời gian bị "quản chế" giam lỏng, vẫn hàng tuần phải lên phường công an trình diện, làm báo cáo. Ít ngày sau khi được tin vui trên, gia đình nhận được thư của con tôi viết gởi về nhà, báo tin đã đến đảo Pulau Bidong an toàn. Thế là chúng tôi biết chắc chắn cháu đã vượt biên thành công, cháu đã đến được đất nước tự do, tránh được nạn Việt Cộng bắt lính và đúng như ước mong của mọi người trong gia đình. Hơn một năm ở đảo thì cháu được cho vào định cư tại Mỹ.

 

Bảy năm sau, năm 1992 gia đình chúng tôi được sang Mỹ theo diện HO. Nghĩ lại trước đây, tôi không bao giờ tưởng tượng có ngày con tôi sẽ nối bước ra nước ngoài khi được 18 tuổi như tôi đã đi. Phải chăng do số phận hay thời cuộc đưa đẩy mà cả hai cha con đều "xuất ngoại" cùng năm tuổi để sau rốt kẻ trước người sau cùng đến và đoàn tụ trên đất Hoa kỳ hằng mơ ước.

 

KHANH VU

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,706,698
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến