Hôm nay,  

Đời Em Là Cơn Bão

04/10/200800:00:00(Xem: 210734)
Tác giả là cư dân Austin, Texas; Công việc: y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố, đã góp nhiều bài viết sống động và nhận giải vinh danh tác giả Viết về nước Mỹ 2006. Bài viết mới nhất của cô, là chuyện hai mẹ con một đồng hương người Việt, cư dân Galvaston, nạn nhân của chuyến di tản chạy trốn cơn bão Ike vừa tàn phá vùng biển này và đánh vào Houston.

***

Con bé Misa nằm thẳng đơ trên chiếc giường với chiếc ra trắng đắp ngang tới cổ, cánh tay xương xẩu lòi ra ngoài với cây kim gắn liền vào làn da mỏng manh và cái cườm tay nhỏ xíu bị buộc một sợi giây vải cột chặt trên thành giường. Tôi đứng lặng người nhìn thân hình gầy guộc của con bé với hơi thở chậm rãi như giòng máu chảy từ từ, thong thả qua những ống nhựa dài của chiếc máy lọc thận (dialysis machine). Sở dĩ cườm tay của con bé bị cột lại vì trong khi lọc máu con bé vùng vẫy, nhất quyết giật hết mấy ống giây lọc máu ra. Tôi đến thăm con bé để chỉ nhìn thấy đôi mắt to với một cái nhìn xa vắng, mông lung. Tôi muốn hỏi han con bé vài lời nhưng khi nhìn đôi mắt hững hờ, xa lạ của con bé tôi lại đổi ý, chỉ sợ nói điều gì không khéo lại làm con bé "nổi cơn" lên dẫy dụa làm hư đi chuyện lọc thận trong ngày.

Chị Nguyệt mẹ của con bé đang ngồi trên chiếc ghế bên cạnh giường, thấy tôi vào thì đứng dậy gật đầu chào nhưng vẫn giữ sự im lặng tuyệt đối vì chị cũng biết bất cứ một sự khuấy động nào lúc này cũng có thể làm cho đứa con của chị nổi khùng lên rồi sanh sự. Ông David, người y tá đảm trách về vụ lọc thận cũng vậy, ông ta chăm chú nhìn vào những sợi giây chẳng chịt gắn vào cái máy to lớn gấp mười lần người bệnh nhân trẻ, rồi quan sát đến cái máy đo nhịp tim thoi thóp, nhịp thở gần như không giao động của con bé. Tất cả mọi người dường như đồng ý với nhau về sự im lặng cần thiết trong thời gian này. Khi tôi đưa tay ra dấu thì chị Nguyệt rón rén đi ra khỏi phòng theo tôi ra ngoài phòng đợi. Sau khi chào hỏi qua loa, tôi nhắn nhủ với chị Nguyệt: Đến chiều cháu lọc máu xong thì sẽ có xe bus đưa chị và cháu về lại chỗ trú cu.

Chị Nguyệt rơm rớm nước mắt không trả lời. Hai mẹ con chị Nguyệt là nạn nhân của chuyến di tản chạy trốn cơn bão Ike. Cách đây hai tuần, cơn bão bất ngờ đi qua Cuba và tàn phá thủ đô xinh đẹp lộng lẫy Havana để lại luyến tiếc trong lòng bao nhiêu du khách, một luyến tiếc như câu chuyện tình có một lần tôi xem phim của một chàng lính Mỹ khi chia lìa người yêu ở Havana trở về xứ chiều chiều đứng bên bờ hải cảng Miami nhìn về Cuba với lòng tiếc thương vô bờ. Đài khí tượng tiên đoán Ike sẽ ảnh hưởng dữ dội về những vùng phía Floria, Louisiana. Ba năm sau khi cơn bão tàn bạo Katrina, thành phố Louisiana chưa kịp hồi sinh hoàn toàn thì bây giờ lại phải lo đến việc chặng lại những bờ đê (levy) sợ nước vỡ ngập lụt thành phố như những năm trước. Dân chúng những vùng này xôn xao lo di tản qua thành phố Houston.

Sau vụ chạy bão Rita hụt của hàng triệu người từ Houston đến Austin năm 2005, chính phủ Houston trấn an dân chúng là thành phố sẽ bình yên, nhưng không ngờ chàng Ike ngạo mạn này lại nổi chướng đi xuyên qua vùng Texas, làm manh mối ngập lụt ngọn đảo Gavalston rồi sau đó tàn phá một phần nào thành phố Houston. Thiệt hại dù không khủng khiếp như hai cơn bão Katrina và Rita cách đây ba năm nhưng tổng số hư hại đã lên tới chừng hai chục tỷ mỹ kim. Thành phố Houston chìm trong sự im lặng không điện nước gần cả tuần lễ, trong khi thành phố Galvaston thì phần lớn nhà cửa bị tổn hại rất nặng nề.

Cũng như ba năm trước, tất cả những nhà thương vùng Austin đều chuẩn bị đón những bệnh nhân chuyển về từ những thành phố lân cận trong đó thành phố Galvaston được ưu tịên đón nhận vì nguyên cả thành phố bị bão tố phá huỷ qua đêm. Lấy kinh nghiệm từ những năm trước, nhà thương nơi tôi làm cùng những chi nhánh khác tức khắc thành lập một trung ương chính, nơi chúng tôi theo dõi thời sự và đồng thời chuẩn bị không những lo đón nhận bệnh nhân mà còn lo luôn đến vấn đề ăn uống và chỗ cư ngụ cho những người y tá đi theo săn sóc những người bệnh nhân trên những chiếc xe hồng thập tự hoặc bằng xe buýt.

Tôi cũng như phần lớn những nhân viên đi làm đều mang theo "hành trang" phòng hờ phải ở lại trong nhà thương nếu không đủ nhân lực lo cho những bệnh nhân tiếp tục đón nhận. Từng đoàn người lần lượt đến mang theo sự sợ hải lo âu. Phần lớn những bệnh nhân này là những người đã từng di tản từ ba năm trước khi trốn tránh cơn bão Katrina và Rita cho nên họ có kinh nghiệm và đủ thì giờ nên họ đem theo cả "gia tài" gồm rất nhiều món đồ lũng cũng, kềnh càng. Họ đến với sự phẩn nộ, uất ức vì những thiên tai dồn dập xảy ra trong đời sống cho nên họ là những người bệnh nhân nhiều thử thách nhất vì tâm trí họ đã rất bất an.

Một trong những người bệnh nhận đầu tiên mà chúng tôi đón nhận là con bé Misa đến từ Galvaston qua chiếc xe cấp cứu, chuyện trước nhất là phải sắp xếp cho con bé lọc thận ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Khi mới đến theo lời chị Nguyệt thì con bé đã không lọc thận sáu ngày rồi (thường thì phải lọc thận một tuần ba lần) cho nên lúc đó con bé dường như hôn mê không biết gì nữa vì nguyên cơ thể đã bị chất độc (toxin) lan đầy. Chúng tôi gọi ngay một chuyên viên lọc thận bên ngoài (contract) đến để chữa trị ngay cho con bé và sau đó công việc chữa trị cho con bé là một điều khó khăn cho nguyên một toán nhân viên của tôi vì con bé rất ngang nghạnh, dãy dụa chống cự không cho ai đụng tới người. Mỗi lần trước khi gắn cây kim vào để lọc máu thì phải chích thuốc an thần cho con bé và thêm vào đó phải buộc tay lại để ngăn ngừa con bé đừng giật máy móc ra. Theo lời chị Nguyệt kể thì con bé ở trong tình trạng ngang chướng như thế này từ một năm nay và chuyện đi lọc máu cho con bé là một khổ ải cho chị ấy.

Con bé Misa năm nay hai mươi tuổi, hình dạng vóc dáng nhỏ như một đứa con nít lên mười. Khuôn mặt với làn da màu nâu đen của con bé lốm đốm hai vết lác lớn trắng ngà trên hai gò má. Mái tóc quăn tít được thắt từng bính nhỏ gọn gàng. Con bé đặc biệt có đôi mắt thật là to nhưng không có chút linh động. Lúc đầu mới gặp, nhìn chị Nguyệt và con bé tôi không đoán được sự liên hệ giữa hai người vì chị Nguyệt là một người đàn bà Việt Nam với nhan sắc rất dễ coi và chị cũng có đôi mắt to nhưng đôi mắt đó lại nhuốm một nét buồn sâu kín. Theo lý lịch hồ sơ thì con bé Misa đã ở trong tình trạng nguy ngập hơn một năm nay vì cả hai cái thận đều hư hết (End stage renal disease), và cần phải đi lọc máu mỗi tuần ba lần. Tuy nhiên, trong vòng sáu tháng qua, con bé Misa từ chối đi đến những clinic để lọc máu.

Cứ năm ba ngày thì chị Nguyệt chỉ chờ lúc con bé hôn mê thì lại kêu xe cứu cấp đưa con bé đến nhà thương chữa trị. Chỉ có cách đó thì con bé mới chịu phép cho lọc máu. Ngày con bé Misa nằm mê mệt trên giừơng trong khi bão tố xoay lốc bên ngoài. Những cơn gió lốc làm quấy động không gian và làm điêu đứng hàng triệu trái tim phập phồng hổn loạn vì biết cơn gió ngông cuồng, tàn bạo đó sẽ phá hủy mạng sống trong giây phút, là ngày chị Nguyệt hoảng hốt đưa con đến một cái clinic gần nhà để lọc máu thì lúc đó không còn kịp nữa vì mức nước đã tràn dâng khắp nơi. Xe cứu thương cấp tốc đưa con bé từ Galvaston đến nhà thương nơi tôi làm việc.

Sau bữa đầu lọc máu xong thì con bé Misa bắt đầu tỉnh tảo nhưng lại rất ương nghạnh. Con bé nhất định không ăn mà chỉ đòi y tá chích thuốc đau hằng giờ. Cứ cách một ngày khi đến lúc con bé cần lọc máu là khi chị Nguyệt ngồi khóc tỉ tê ngoài hành lang vì xót xa cho con và đành bó tay không biết phải giải quyết như thế nào. Tuần trước tôi ở lại làm việc trể bèn rủ chị xuống lầu dưới uống café.

Chính lúc đó là lúc chị Nguyệt kể hết những khúc mắc của đời chị cho tôi nghe. Chị Nguyệt qua Mỹ từ năm 85 và định cư ở Louisiana. Ngày xưa chị có chồng Việt Nam nhưng ông chồng là một người đàn ông tàn nhẫn, ông ta có máu cờ bạc và hay đánh đập, hành hung vợ. Chị Nguyệt chịu không nổi rốt cuộc phải tìm đường trốn thoát đi theo một người bạn qua cư trú ở Killeen, Texas. Nơi đây chị gặp ông chồng thứ hai là ba của con bé Misa. Chị Nguyệt ngập ngừng thố lộ:

Chị nói em đừng cười vì chồng chị là người da đen nhưng anh ấy rất hiền lành, tốt bụng.

Tới lúc đó tôi mới hiểu tại sao con bé Misa có mái tóc quăn tít, làn da nâu và những bính tóc thắt rất đẹp đẽ trên đầu. Tôi nói với chị:

Chủng tộc nào cũng đáng qúi, nhất là anh ấy là người tốt thì càng đáng quí hơn.Khi nói xong tôi chợt nghĩ là cả hai tuần nay tôi không thấy ai ngòai chị Nguyệt ở bên cạnh con bé Misa. Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, chị Nguyệt giải thích:Em coi đó, tai ương như thế này mà anh ấy đâu có về được để phụ lo cho con. Terrence đang ở bên Irag

Thì ra chị Nguyệt có chồng nhà binh. Bộ tư lệnh quân đoàn ba của Hoa kỳ gồm có không kỵ và thiết kỵ đóng đô ở Fort Hood trong thành phố Killeen, một thành phố nhỏ ở vùng Texas cách Austin chừng một tiếng đồng hồ lái xe, là nơi chị gặp gỡ chồng chị. Tôi khơi thêm chuyện:

Anh đi như vậy chắc là chị lo lắm

Chị Nguyệt mộc mạc trả lời:

Thưởu trước bên nước mình chồng đi chiến trường vợ con ở nhà mòn mỏi chờ trông, chị đâu có dè qua xứ này chị cũng chịu cảnh đợi mong này. Em không biết chứ có đêm chị nằm thao thức nghe lại bài hát " ngày mai đi nhận xác chồng, say đi để thấy mình không là mình" mà chị rợn người.

Tôi hối hận vì đã vô tình khơi lên thêm sự âu lo của chị Nguyệt, nhưng chị còn tiếp tục tâm sự là mấy năm trước chị sống theo đời sống của một người vợ lính, chị đi theo chồng qua đến những nước như Đức, Đại Hàn, Hawaii, Nhật bản. Bốn năm gần đây khi anh Terrence phải đi nghĩa vụ bên Irag, và vì tình trạng sức khỏe nguy ngập của con bé Misa nên hai vợ chồng chị quyết định về Galvaston định cư chờ ngày chồng chị giải ngũ. Ở Galvaston chị sống trong một chiếc nhà tiền chế (trailor) trên một miếng đất gần bờ biển, miếng đất này là gia tài của Terrence thừa hưởng lại sau khi bà ngoại của anh đã mất.

Chị Nguyệt chậm nước mắt:
Chắc nhà cửa của chị cũng đã tiêu tan theo cơn bão rồi em ơi. Chị chỉ mong ngày Terrence về có được một đời sống ổn định với chị và Misa. Mà chắc anh ấy cũng sắp về rồi vì nghe nói tổng thổng Bush sắp sửa ra lệnh rút quân về. Phải vậy không em"Tôi nghe giọng chị Nguyệt nói đến đây thì đượm một chút hy vọng, vui mừng. Tôi nghĩ đến cái trailor và tưởng tượng đến những làn nước lũ cuốn đi căn nhà của chị. Tôi không biết phải trả lời sao cho nên cũng nói theo ý muốn của chị:

Thì em cũng nghe đại khái như vậy, mà dường như ông ứng cử viên Obama cũng có hứa hẹn là sẽ cố gắng đem quân lính của mình về.

Tôi nói để trấn an chị Nguyệt chứ trong lòng thầm nhủ cũng còn lâu lắp chị ơi. Hàng ngàn người lính trẻ vẫn còn lần lượt đem thân đi đánh giặc không chủ nghĩa. Thằng con trai lớn của người bạn tôi học xong bác sĩ bị động viên đi qua Iraq để rồi không đầy một năm sau trở về trên chiếc nạng gỗ, mất một giò mất luôn người yêu gần làm đám cưới. Chiến tranh nơi nào cũng giống nhau vì loài người nơi đâu cũng đều phải chấp nhận những mất mát, tang thương. Nguyện vọng của chị Nguyệt là được đón chồng về nguyên vẹn từ chiến trường Irag để cả chị cùng Terrence sống hạnh phúc với con. Tôi nghe chị nói mà trong lòng bức rức vì không biết là chị có hiểu rõ tình trạng sức khỏe rất mong manh của con bé Misa hay không. Misa mác chứng bệnh Lupus erythematosus (một chứng bệnh nội thương ảnh hưởng tới da làm thành hai vết quần như cánh bướm trên hai gò má). Chứng bệnh này không hiểu nguyên nhân nào tạo ra, giải thuyết duy nhất là có liên hệ đến autoimmune system (sự tự động miên nhiễm của của cơ thể) và tạo ra chất độc ảnh hưởng đến những cơ quan tế bào trong cơ thể.

Con bé Misa mắc phải chứng bệnh này từ năm mười tuổi, nguyên cuộc đời thơ ấu của con bé đầy rẫy với những đớn đau hành hạ cơ thể và những chuyến ra vào nhà thương bất định. Năm Misa mười sáu tuổi thì hai trái thận bắt đầu yếu, con bé phải đi lọc máu mỗi tuần ba lần và đồng thời những cơn đau bắt đầu kéo dài từng ngày. Từ đó cơ thể của con bé làm quen với những chất thuốc đau không hạn định. Đời sống của Misa là một đời sống không bình thường và đời sống của chị Nguyệt cũng phủ đầy với sóng gió lo âu. Chị Nguyệt qua xứ Mỹ nhưng chịu cảnh chồng đi chinh chiến ở nhà nuôi con. Đứa con với căn bệnh dai dẳng không chửa lành được (chronic disease). Với căn bệnh hiểm nghèo này mà Misa còn sống được cho tới ngày hôm nay là cả một phép nhiệm màu.

Vì con bé Misa tiếp tục từ chối không ăn cho nên khi nói chuyện với người bác sĩ, chúng tôi đồng ý là phải nhờ một ông bác sĩ về tâm lý đến giúp Misa với hy vọng tìm ra nguyên do tại sao con bé nhất định tuyệt thực. Con bé Misa gặp ông bác sĩ tâm lý một lần rồi kháng cự không chịu gặp nữa nhưng con bé lại tha thiết yêu cầu cho chích thuốc giảm đau thật nhiều. Thuốc giảm đau mà con bé yêu cầu là thuốc Dilaudid chích thẳng vào những tỉnh mạch dẫn máu (veins). Một trong những phản ứng của chất thuốc này là có thể làm cho người nhận bị nghiện nếu chích thường xuyên. Dĩ nhiên, tất cả chúng tôi đều biết là con bé Misa đã ghiền chất thuốc này vì con bé đã phải chích hoặc uống để chống lại những cơn đau trong suốt cuộc đời non nớt của con bé. Sau khi biết được sự đòi hỏi của con bé, chúng tôi " thương lượng" với Misa là nếu con bé chịu ăn uống đàng hoàng thì con bé sẽ được chích cho một mũi thuốc vào mỗi tối trước khi đi ngủ. Chỉ có cách đó Misa mới bắt đầy ăn uống, nhưng trong mấy ngày qua thì con bé lại trở lại tật cũ là không thèm ăn nữa. Nhìn tình trạng của Misa, tôi nghĩ có lẽ con bé đã qúa mệt mỏi với đời sống không có sự sống của mình cho nên muốn buông xuôi. Tôi có họp với những người bác sĩ chữa trị cho Misa và điều buồn bã nhất là biết được cơn bệnh ngặt nghèo này sẽ tàn phá cuộc đời của Misa rất nhanh chóng, sự tàn phá dã man như những cơn bão tố đã và đang đi qua những thành phố. Tuổi của Misa là tuổi mộng mơ, yêu đời và rong chơi nhưng con bé lại phải chịu một căn bệnh qúa nan giải. Nhóm bác sĩ săn sóc cho Misa cho biết có lẽ đời sống của con bé không qúa dài hơn sáu tháng, nhưng đồng thời tất cả đều đồng ý là " còn nước còn tát" vì không ai nỡ tâm buông xuôi cô bệnh nhấn yếu đuối nhỏ nhoi này.

Khi nghe tôi bảo là chiều có xe đến đưa về lại chỗ trú ở Convention Center, chị Nguyệt nói với tôi là chị có ý định về ở tạm nhà một người bạn và nhờ cô làm về xã hội lo cho phương tiện di chuyển để đưa Misa đi lọc máu theo tiểu chuẩn bệnh nhân ngọai viện (out patient). Tôi khuyên chị không nên làm vậy vì như thế chị sẽ mất đi một số quyền lợi mà chính phủ liên bang (FEMA) dành cho những người di tản. Rút kinh nghiệm từ những cơn bão cũ, FEMA lần này làm việc rất tươm tất. Khi nhận những người di tản , FEMA tổ chức cho những người khỏe mạnh ở một chỗ (Convention Center), còn những người bệnh hoạn thì ở trung tâm Delco. Chị Nguyệt đi theo con cho nên ở Delco. Những người bệnh nhân sau khi hồi phục phải trở về nơi họ tạm trú để FEMA còn lo cho một chổ tạm trú trong lúc chờ đợi tình hình của nhà cửa. Có những người tương đối mạnh khỏe thì họ được ở tạm trong hotel, có những người già thì được đưa vào biện dưỡng lão ở đở vì họ đến từ những thành phố nhỏ bị cơn bão tàn phá cho nên trong tình trạng đổ vỡ, không cư ngụ được.

Phải công nhận là người Mỹ rất nhiệt tình và họ đồng lòng với nhau khi làm công chuyện xã hội. Trong những ngày bão tố, chiếc xe van lưu động chở bác sĩ, y tá và dụng cụ đi khám bệnh cho những em bé và cho thuốc uống nếu cần. Những người tự nguyện cùng nhau dọn dẹp chỗ ăn ở, đưa từng chai nước, từng mảnh thức ăn đến cho từng người thật là cảm động. Sự giúp đỡ của FEMA sẽ còn kéo dài không biết đến bao giờ mới dứt. Bằng chứng là có những nạn nhân từ bão Katrina vẫn còn được trợ cấp từ FEMA.

Tôi căn dặn chị Nguyệt là phải đi theo đúng đường lối của FEMA chỉ định nếu không chị sẽ rất chới với không biết sẽ về đâu và con bé Misa không làm sao hưởng được quyền lợi y tế. Trong lúc tôi đang nói chuyện với chị Nguyệt thì bất chợt trên máy phóng thanh của nhà thương loan báo inh ỏi " Code Blue room 535" (Cấp cứu, phòng 535). Tôi hoảng hốt, chạy theo cô y tá đang đẩy chiếc xe nhỏ chứa những dụng cụ thuốc men dùng trong lúc khẩn cấp (Crash cart). Chỉ trong tích tắc chúng tôi vào phòng 535 nơi con bé Misa đầu gục qua một bên và thân hình nằm bất động. Chất lượng đường trong máu của Misa xuống qúa thấp trong lúc đang lọc máu và làm con bé bất tỉnh. Tôi giật sợi giây vải cột cườm tay của Misa ra để gắn một cây kim khác chuyền ngay uống đường (Dextrose 50) vào thẳng mạch máu. Chỉ trong vòng vài phút Misa tỉnh lại mở đôi mắt to nhìn tất cả mọi người với hai dòng lệ chảy dài trên hai gò má. Chị Nguyệt đứng ở trong góc phòng bấy giờ nhào tới ôm con khóc ròng. Mọi người chung quanh tôi cũng không ai ngăn được dòng nước mắt khi thấy tình cảnh thảm thương của hai mẹ con chị Nguyệt.

Vì tình trạng sức khoẻ của Misa thay đổi trong phút chốc cho nên chúng tôi sửa soạn đưa con bé xuống Intensive of Care Unit (ICU) để con bé được quan sát kỹ hơn. Khi sửa lại ống chuyền oxygen trên sống mũi của Misa, con bé bất ngờ đưa tay nắm lấy tay tôi thì thào "peace". Tôi ngậm ngùi vuốt nhẹ đôi gò má gầy gò của Misa và thầm thì cầu nguyện cho cơn bão trong cuộc đời của con bé ngưng tàn phá để Misa đựợc êm đềm tìm đến cõi bình yên.

Nguyễn Thị Huế Xưa

Ý kiến bạn đọc
25/12/202208:40:09
Khách
chloroquine tablets price <a href="https://hydroxychloroquinex.com/">https://hydroxychloroquinex.com/</a>
11/12/202215:52:01
Khách
<a href="http://candipharm.com/
">http://candipharm.com/</a>
30/12/202115:12:37
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis without a doctor prescription</a> cialis pills
12/12/202121:03:50
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">buy cialis usa</a> cheap cialis
09/12/202111:50:41
Khách
cheap cialis <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis alternative</a>
01/12/202121:35:22
Khách
cialis coupon <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis pills</a>
24/11/202118:20:20
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cialis without a doctor prescription</a> cialis 20mg
07/11/202108:15:23
Khách
buy cialis usa <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">generic cialis</a>
04/11/202100:59:52
Khách
cialis generic <a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">best prices for cialis 20mg</a>
31/10/202117:56:11
Khách
cialis generic https://cialiswithdapoxetine.com/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến