Hôm nay,  

Lời Tạ Ơn

26/11/200800:00:00(Xem: 207929)

Lời Tạ Ơn

Nguyễn Khánh Vũ
Bài số 2467-16208544-v4261108

Tác giả tự giới thiệu: Tôi tên Nguyễn Khánh Vũ, kỹ sư điện toán cho một công ty bên Arizona. Đã tham gia với bài "Nước Mỹ và tôi" vào năm đầu tiên,  và mới nhất là các bài "Không Cho Phép Mình Quên"; "Homeless tại Mỹ." Bài mới của ông được cho Lễ Tạ Ơn 2008.
***
Lời tạ ơn tưởng chừng như rất đơn giản, rất bình thường, nhưng tôi tin rằng rất nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã "quên" nói hay không có dịp để tỏ bày. Và đến khi ta nhận ra phải nói hay muốn nói thì đôi khi không còn kịp, để rồi phải hối tiếc. Xin cho phép tôi được chia xẻ một vài lời cảm tạ nhân mùa lễ Tạ Ơn năm nay.
Là một người tin vào quyền năng của Đấng  Tạo hóa, tôi xin được cám ơn Chúa của tôi. Với tôi đây không là một niềm tin mông lung, mà là một sự xác tín về sự quan phòng của Ngài. Ngài đã giữ gìn Ba tôi trong suốt những năm tháng bị cộng sản đày đọa, đã cho Ba tôi sống sót qua những cơn đau ngặt nghèo trong lao tù.  Ngài đã che chở, ban nghị lực cho Mẹ tôi để Mẹ tôi có đủ sức mạnh và lòng can đảm lo toan cho gia đình trong suốt giai đoạn đen tối sau ngày mất nước. Xin tạ ơn Ngài đã vực dậy Ông Bà tôi sau ngày chú tôi, một sĩ quan VNCH, tử trận. Tôi đã chứng kiến Bà tôi như gần điên loạn, Ông tôi đã suy sụp như thế nào. Quyền năng và tình thương của Ngài đã được tỏ bày trên gia đình tôi. Còn riêng tôi, tôi không bao giờ dám lạm dụng tình thương không có giới hạn đó. Tôi chưa bao giờ cầu xin Ngài bất kỳ điều gì mà tôi không nỗ lực hết sức cho những dự tính của mình. Tôi không bao giờ dám là một đứa bé cầu xin có điểm 10 trong các kỳ thi, khi tôi bê trễ, biếng nhác trong học hành. Tôi chỉ xin Ngài cho tôi có đủ sức khỏe, sự khôn ngoan và lòng kiên định, đi đến cùng những hoạch định của mình. Tôi xin tạ ơn Ngài đã ban cho tôi một gia đình nhỏ hạnh phúc, hai nhóc tì hết sức đáng yêu.
Xin cám ơn đất nước Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón những người tị nạn chúng tôi. Đất nước này đã cho chúng tôi cơ hội làm lại cuộc đời, lại được sống như những con người. Nhiều người gọi đất nước này là mảnh đất tạm dung, nhưng tôi coi nó là my homeland dù tôi luôn có Việt nam, my motherland, để nhớ về, để quyết tâm làm mọi chuyện trong sức mình, cùng chung tay với rất nhiều người, cho một ngày về quang phục quê hương, mau sớm đến. Nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam ngày nay mà tôi có thể ban ngày đi làm lo cho gia đình một cách đầy đủ, đêm về cắp sách đến trường hay tham gia các khóa đào tạo trên mạng điện toán, được sống lại tuổi học trò" Tôi cảm thấy quá may mắn và hạnh phúc. Tôi sẽ có tội với gia đình, với quê hương,  nếu tôi cho phép mình bỏ qua cơ hội mà đất nước này ban tặng. Xin cám ơn đất nước vĩ đại này đã dạy cho tôi, và cho tôi sử dụng, những bài học về nhân quyền và dân quyền, những bài học mà tôi mong một ngày không xa sẽ được áp dụng trên quê hương tôi.
Xin cám ơn quê hương Việt Nam, nơi tôi vẫn còn những người thân yêu, nơi tôi đã trải qua cả một tuổi học trò với biết bao kỷ niệm bên Thầy Cô, bạn bè. Việt Nam lẽ ra phải là nơi mà tôi đã không bao giờ rời bỏ, để ra đi. Việt Nam lẽ ra phải là nơi mà những ước mơ cống hiến, những hoài bão của tuổi thanh xuân của tôi phải được xây dựng. Nhưng buồn thay, Việt nam đã là nơi mà chị em tôi bị phân loại số 13 trong các kỳ tranh đua vào đại học, Và Việt nam, cũng là nơi mà chị tôi với điểm số thủ khoa khi thi vào trường đại học Sư Phạm Saigon, bị gạt ra, vì là người theo đạo Thiên Chúa. Và tôi với  "tội" con một sĩ quan VNCH, bị loại ra khỏi danh sách du học, dù thi đậu với số điểm cao thứ nhì trong một kỳ thi vào trường đại học Bách Khoa Saigon. Việt Nam là nơi mà cả một thế hệ thanh niên chúng tôi bị lừa gạt, bị bịt mắt. "Việt nam đất nước tôi, ai gây tội tình"". "Nhà Việt Nam yêu dấu ơi, bao giờ thanh bình"". Lời bài hát này vẫn xé lòng tôi mỗi khi nghe.
Xin cám ơn một người mà tôi vô cùng ngưỡng mộ, cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, dù tôi chỉ được biết về Ông qua sách báo, qua các tài liệu, hay qua các chuyện kể của Ba tôi. "Dù gặp trường hợp khó khăn, gay cấn, hoặc nguy hiểm, tôi nhất quyết bảo tồn uy tín của Quốc gia, của Dân tộc, kể cả uy tín của Vị Nguyên Thủ Quốc Gia.". "Thể thống của Việt Nam, dù là một tiểu quốc, chẳng phải là nhỏ". Đây là hai câu nói đánh động tôi nhiều nhất. Ông đã chỉ cho tôi thấy cái chí, cái dũng của người Việt Nam. Các khái niệm về Tổ quốc, về Dân tộc, tưởng chừng khó hiểu và xa vời, đã trở nên gần gũi và sống động qua cuộc đời và nhất là cái chết của Ông. Ông đã giảng nghĩa cho tôi câu "Người quân tử xem cái chết nhẹ như  lông hồng" là như thế nào. Cái chết của Ông cũng đã cho tôi thấy sự vô ơn đến tột cùng mà con người có thể làm để trả ơn ân nhân của mình. Thật là một sự oái ăm của lịch sử. Một con người, mà phần "người" đã tỏa sáng như một thánh nhân, lại bị giết đi còn tệ hơn cách người ta giết một con vật. Còn một người, mà phần "con" còn tồi tệ hơn con vật, thì lại được ca tụng như một thánh nhân. Có phải chăng đó là cái giá mà dân tộc mình đang phải trả cho việc đặt sai sự tạ ơn"
Tôi cũng xin được cám ơn một vị tổng thống khác, tổng thống Ronald Reagan, một người mà tôi vô cùng khâm phục về tư cách của một thủ lãnh. Hình ảnh Ông đứng thách thức tổng bí thư của Liên Xô hãy cùng Ông xô đổ bức tường Berlin là hình ảnh của một thủ lãnh đích thực, không khiếp nhược trước kẻ thù và luôn đấu tranh cho lẽ phải, "This wall will fall. Beliefs become reality.Yes, across Europe, this wall will fall. For it cannot withstand faith; it cannot withstand truth. The wall cannot withstand freedom.". Xin cám ơn Ông đã cứu những người tù cải tạo ra khỏi các trại giam mà Việt cộng đã thiết lập trên toàn cõi Việt nam sau cái ngày gọi là "giải phóng". Cùng thoát ra khỏi các nhà tù đó là biết bao gia đình, biết bao con người mà ngày nay trên mảnh đất quê hương Ông, họ đã và đang gầy dựng lại cuộc sống mới, và rồi các thế hệ tiếp theo sẽ có ngày đem theo những hạt giống tự do, dân chủ, tình người về gieo trồng lại trên cánh đồng Việt Nam, một cánh đồng mà nơi đó con người vẫn đang bị gông cùm về tư tưởng, nơi mà dân chủ chỉ là khái niệm truyền thuyết, và sự đồi bại về đạo đức đã xuống tới mức tận cùng.


Khi viếng phần mộ Ông, trang trọng đặt trong một thư viện tuyệt đẹp, tôi ngậm ngùi tiếc thương cho cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, một người mà tài năng theo thiển ý tôi còn cao hơn một bậc, khi đã điều hành thành công một nửa nước, nghèo nàn trong chiến tranh, với biết bao khó khăn, thù trong, giặc ngoài. Khi nằm xuống, trên phần mộ chỉ thấy một chữ Huynh. Một dân tộc với hơn 4000 năm văn hiến há lại thua kém một dân tộc chỉ có một lịch sử lập quốc vỏn vẹn hơn 200 năm, khi đối xử với ân nhân của mình"
Thay mặt mấy chị em, xin cám ơn Ba Má tôi vì  những hy sinh cả một đời Ba Má dành cho các con, từ ngày còn bé cho đến bây giờ đã khôn lớn, có gia đình riêng.  Hồi trước, cũng vì tụi con mà Ba đã phải bỏ qua biết bao cơ hội thăng tiến trong cuộc sống và binh nghiệp. Dù trong quân đội, nhưng ngày nào Ba cũng đưa đón mấy chị em con đến trường trên chiếc xe 67. Uyển nhỏ nhất thì ngồi trên bình xăng, con ngồi sau lưng Ba, còn chị con ngồi sau cùng. Con còn nhớ những hôm trời đổ mưa, mấy cha con mình cùng che chung chiếc áo mưa nhà binh của Ba, thật là vui. Có lần đến trường, Ba thấy chị con bị ướt hết, Ba lo lắng "Sao con bị ướt hết vậy, gió tốc áo mưa hả". Con nhớ giữ áo cho chặt nha", Ba cứ xuýt xoa hoài. Nhưng sau này mới biết chị con tự ý chui ra khỏi áo mưa khi xe gần đến trường. "Ngồi ở trong áo mưa của Ba đến trường tụi bạn cứ chọc là con lạc đà có 3 bướu hoài hà", chị con hậm hực. 
Giờ đây mỗi lần chở mấy nhóc tì vào những ngày mưa, tôi vẫn thường cười một mình khi nhớ đến chuyện này. Và  đêm đêm khi giật mình thức giấc, chạy qua xem các con có ngủ yên không, có đạp mền ra không khi trời trở lạnh về sáng, tôi càng nhớ và thương Ba tôi nhiều hơn. Ngày gia đình mới sang, khó khăn trăm bề, và dù mang trong mình căn bệnh cao huyết áp, Ba vẫn phải đi làm từ 2, 3 giờ sáng. Cả nhà chỉ có 2 cái xe cũ thì Ba đã nhường để tụi con có phương tiện đến trường, đến chỗ làm. Sáng sáng, trời lạnh lẽo Ba qua bên kia đường đứng chờ người ta cho đi nhờ xe. Nhiều hôm trời lạnh quá, Má nói Ba gần đến giờ hãy xuống nhưng Ba lại nói "Mình đi nhờ người ta, đứng chờ lâu một chút cũng được. Nếu lỡ người ta ghé qua sớm hơn mà không thấy mình, người ta phiền lòng không cho đi chung xe nữa thì khó khăn lắm".  Đi làm sớm như vậy mà đêm nào con của con bị bệnh, Ba đều bế nó trên tay gần như cả đêm khi cơn suyễn hành hạ nó. Ba từ chối khi con đề nghị để con thức trông chừng bé, "Con đi ngủ đi, mai còn phải lái xe đi làm. Ba già rồi ngủ ít một chút cũng không sao".
Tôi làm sao quên được những muỗng cơm nguội mà Má tôi đã nhịn để chia cho mấy chị em tôi mỗi sáng trước khi đến trường trong khi Má tôi chỉ uống một ly nước lạnh. Là một cô giáo, với đồng lương chết đói sau ngày "giải phóng",  và với bản chất hiền lành, thật thà của một nhà giáo, Má tôi đã cực khổ trăm bề để có thể lo cho gia đình, lo cho Ba tôi trong tù. Tôi không giờ quên được hình ảnh Má tôi ngày ngày, bất kể nắng mưa, lội bộ đến nhà người quen để tập may, chỉ ít ngày sau khi gia đình vừa chân ướt, chân ráo đến Hoa Kỳ. Má đã cho tôi cái nghị lực xóa bỏ mọi thứ để làm lại từ đầu cuộc sống ở nơi xứ xa. Lời văn bóng bẩy của văn sĩ nào, lời thơ trau chuốt của thi sĩ nào mà tôi có thể mượn để nói cho đủ lòng cám ơn của tôi đây"
Xin cám ơn bác Nghiệp, một vị ân nhân của gia đình tôi. Dù chỉ là một người bạn sơ giao của Ba tôi hồi còn ở Việt Nam nhưng khi biết tin gia đình tôi sẽ rời Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư mà không có người bảo trợ, Bác đã sốt sắng đề nghị và lo chu đáo mọi chuyện. Bác sắp xếp lại các phòng trong nhà và đón chúng tôi vào như những người thân yêu nhất. Xin cám ơn các anh, các chị, con của Bác. Các anh chị  đã trở thành những người anh, người chị, những người bạn của chị em tôi.
Xin cám ơn bác Lộc về những giúp đỡ chân tình và vô cùng qúy báo của bác đã giành cho gia đình, nhất là vào lúc mà chúng tôi nói thì sợ không ai hiểu và sợ không hiểu khi nghe người khác nói. Bác đã "can đảm" làm người hướng dẫn lái xe cho tôi khi mà tôi còn chưa phân biệt được đâu là chân thắng, đâu là chân gas.
Và cũng trong bài viết này, xin cho tôi được cám ơn một vị ân nhân của tôi. Anh tên Hào. Thành thật xin lỗi anh vì tôi không biết tên đầy đủ của anh. Ngày tôi còn làm cho công ty Newport Electronics ở thành phố Santa Ana, anh là manager của một department trong công ty. Anh đă là một người Thầy và là một người bạn của tôi. Anh chân tình hướng dẫn tôi rất nhiều điều trong cuộc sống cũng như trong công việc. Ngày tôi nhận được đề nghị tốt hơn từ một công ty khác, trong khi tôi và gia đình còn băn khoăn cho sự thay đổi này, thì anh là người đã khuyên tôi nên ra đi. "Thế giới ngoài kia cao rộng, em còn trẻ, sao lại không bay nhảy", anh nói với tôi như vậy. Không biết tôi "bay nhảy" có như ý anh mong muốn không, nhưng tôi đã "nhảy" rất nhiều công ty để tự lên lương cho mình. Xin chân thành gửi lời cám ơn từ đáy lòng tôi đến với anh, nếu có cơ duyên anh đọc bài viết này, vì không may tôi đã làm mất số phone để có thể giữ  liên lạc với anh. Xin chúc anh cùng gia quyến một mùa lễ Tạ ơn tràn đầy ơn trên.
Tôi xin cám ơn gia đình nhỏ của tôi, bà xã tôi cùng hai con, bé Khánh, bé Trúc. Những mệt mỏi, những lo lắng nơi sở làm thường khó theo chân tôi vào trong nhà. Chỉ một câu "Hi Dad" hay "Thưa Ba mới về" từ các con là tôi quên hết mọi chuyện trong công ty. Chỉ một nụ hôn lên trán các con khi chúng còn ngủ say mỗi sáng, chỉ một lời "good luck for everything, honey" hay một cái "hug" nhẹ nhàng của bà xã, là tôi có đủ tinh thần cho một ngày mới. Khi con người còn chưa thể nói câu xin lỗi vì những chuyện mình làm, hay chưa thể nói lời tạ ơn hay có thái vô ơn đối với ân nhân của mình, thì làm sao có thể nói đến chuyện xây dựng một gia đình tốt đẹp, xa hơn là một cộng đồng, một xã hội, một đất nước và rộng hơn là một thế giới nhân bản. Cuối cùng, xin cám ơn mọi người đã dành thời gian đọc những chia xẻ của tôi nếu như nó được Việt báo chấp nhận đăng.

Viết nhân lễ Tạ Ơn năm 2008,
Nguyễn Khánh Vũ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,205,136
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã góp bài từ 2015, kể chuyện về người bố Hát Ô và nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới, tựa đề được đặt lại theo nội dung.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây là bài mới ghi chép sơ lược ngày 30 tháng Tư năm xưa.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ. Bài mới của ông, tuy không phải chuyện nước Mỹ nhưng là chuyện trong lòng người Việt tị nạn cộng sản tại Mỹ thường nghĩ tới, được viết về việc Saigon bị đổi tên với lời ghi trân trọng: Để kỷ niệm 30 năm ngày Quốc Hận 30 tháng Tư trên đất Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Maui là hòn đảo du lịch nổi tiếng của Hawaii. Du ký vui được cùng viết bởi “Ba Bà Ca Li”, ba tác giả thân quen với bạn đọc Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một tuần báo tại Dallas, đã góp bài từ nhiều năm, từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ. Ông cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng người đọc trên dưới một triệu.
Tác giả là một chuyên gia phát triển quốc tế của USAID, sinh trưởng ở Bếntre, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang định cư ở Orange County. Ông tham gia VVNM năm 2015, được chấm giải Danh Dự năm 2016 và giải á khôi “Vinh Danh Tác Phẩm” năm 2017. Bài mới của ông viết về bà Mẹ hơn 100 tuổi và tâm trạng tế nhị, phức tạp của người con khi cầu nguyện cho Mẹ thân yêu.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến