Hôm nay,  

Mẹ, Khổ Qua Và Đường Mòn Oregon

21/09/200800:00:00(Xem: 190709)

Tác giả: Hoàng Thy

Bài số 2410-16208487-vb7200908

Tác giả sinh năm 1990, vừa cùng bố mẹ và em trai định cư tại Mỹ năm 2007, theo diện gia đình đoàn tụ do ông ngoại  là HO. bảo lãnh,   hiên đang học lớp 12 tại Portland, Oregon. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của  cô cho thây ý chí, hiểu biết và phẩm cách tiêu biểu của lớp con cháu những cựu tù nhân chính trị khi định cư tại Mỹ. Mong Hoàng Thy sẽ tiếp tục viết.

***

Ngoài trời mưa tầm mưa tã nhưng các cây thông cao vút có đến cả trăm tuổi chung quanh khu apartment nằm trên đường Burnside vẫn đứng thẳng tắp ngạo nghễ coi thường mưa gió. Tôi lại nhớ về hình ảnh những hàng tràm bông vàng ẻo lả lắc lư rì rào trong gió ở quê nhà Việt Nam. Dù mưa như thế và đã gần 7 giờ tối mà nắng vàng vẫn còn vương vãi trên các cành cây bụi cỏ. Mỗi khi mưa mẹ hay ngâm nga:

Mưa buồn ơi thôi đừng đến

Mưa cho phố nhỏ còn buồn thêm&

Bố kêu lên:

- Thôi đi. Đây là nước Mỹ chứ có phải Việt Nam đâu mà bà cứ ca hoài cái bài sến đó cho thêm buồn.

Tuy không nói ra mọi người trong nhà tôi đều đồng ý ở cái thành phố mưa nhiều nhất nước Mỹ này mỗi khi có mưa thì ai cũng cảm thấy dễ buồn. Buồn vô cớ, buồn linh tinh, buồn mà chẳng hiểu tại sao mình buồn.

Mọi người đã về đông đủ. Bữa cơm tối bao giờ cũng nhiều chuyện.. Gọi là bữa cơm cho đúng với chữ nghĩa Việt Nam nhưng có khi chỉ ăn đồ ăn Mỹ cho nó nhanh gọn. Em trai tôi khi ăn bao giờ cũng dán mắt vào cái TV.

Mẹ than thở:

- Đây có phải Việt Nam đâu mà bắt tôi hầu cả nhà. Tôi cũng phải đi học đi làm cả ngày như mọi người chứ có được chơi không đâu. Đồ ăn để đầy tủ lạnh. Bố con mấy người muốn ăn gì thì tự làm lấy mà ăn.

Tuy luôn nói thế nhưng mẹ cũng hay xào nấu cho mọi người:

- Sao ai cũng thích mì ăn liền vậy. Ăn lắm cái thứ toàn là bột ngọt, muối, dầu mỡ, ớt, tiêu...  Ối chào, ai mà biết còn những loại gia vị gì khác mà mấy ông Tầu bỏ vào trong đó. Ăn cho lắm vào khi đổ bệnh thì không có thuốc chữa.

Thấy không ai trả lời, mẹ lập lại điệp khúc:

- Bố con nhà này rõ khổ, lười như hủi. Có mỗi việc nấu lấy mà ăn cũng không chịu làm.

Đôi khi bố cũng chống chế qua loa:

- Bà cứ nói thế, chứ mọi loại thực phẩm đều được kiểm tra kỹ càng. Không có hại cho sức khỏe của công chúng mới được bán ra tại Mỹ.

- Ối trời ơi, ông nói vậy mà nghe được sao" Tôi không nói ra, để mấy cha con ông bạ gì ăn nấy cho đẫy vào, có ngày mập thù lù đi không được, phải ngồi xe lăn, hay bị sơ gan, lại khổ cho tôi phải hầu thêm.

Sau bữa cơm câu chuyện vẫn chưa chấm dứt.

- Sao mấy bố con nhà này không chịu ăn khổ qua. Món này mắc lắm, phải đi chợ Việt Nam mới có. Ba đô một bao (pound) chứ có ít đâu. Ông bà mình đã gọi nó là khổ qua rất là chí lý. Cái khổ sẽ qua đi. Chất bổ còn ở lại. Mà bổ thật chứ không phải bổ to ra như trong mấy món phát phút (fast food) của Mỹ. Có cả một triết lý sống tuyệt vời của người Việt Nam trong trái khổ qua.

Rồi mẹ đọc mấy câu ca dao:

Trái khổ qua xanh,

Trong xanh ngoài trắng;

Trái khổ qua đắng,

Trong trắng ngoài xanh,

Ăn vào đăng đắng nhưng lành dài lâu.

- Mà này, ăn xong là chén đĩa của ai phải tự đi rửa lấy. Tôi có phải là con ăn đứa ở của mấy người đâu.

Em trai tôi đôi khi nói vài câu:

- Con đã nói với mẹ bao nhiêu lần rồi. Mỹ là xứ tự do. Không ai ép buộc người khác làm điều họ không thích. Khổ qua đắng quá con nuốt không vô. Mà mẹ phải chịu khó nói tiếng Anh cho đúng kẻo người ta cười. Mẹ nói chữ pound y như là bao. Âm p ở đầu chứ không phải âm b. Còn có âm nd ở cuối nữa. Mẹ đọc pound giống như là cái bao gạo vậy.

Mẹ đánh trống lảng đi rửa chén:

- Để cho mấy người rửa chén chỉ tổ tốn tiền nước. Mà ở đây cứ 1 đồng tiền nước thì phải trả đến 2 đồng tiền xả nước xuống cống.

Bố muốn ra vẻ hiểu biết:

- Tại vì người ta muốn bảo vệ môi trường. Nước thải ra cần phải lọc sạch trước khi đổ xuống sông cho tôm cá khỏi chết.

Mẹ không hài lòng:

- Tôm cá chết thì mặc xác chúng nó. Tiền lương tôi lãnh về không đủ trả tiền thuê apartment này mà còn bắt tôi phải lo cho tôm cá dưới sông nữa sao!

Mẹ đã 50 tuổi, sang Mỹ mới được một năm (2007-2008). Khi còn ở Việt Nam mấy bà bạn bà chị Việt kiều hay dè bỉu Giấc Mơ Mỹ của mẹ:

- Chị đừng có khùng mà đi qua Mỹ. Ở Việt Nam cho nó sướng. Sáng dậy ra đầu ngõ là có phở, hủ tiếu, bánh cuốn, bún bò...  tha hồ mà ăn. Rồi tà tà đi uống cà phê, đi bộ ngoài công viên, đi chợ gặp người quen nào cũng có thể đứng lại nói chuyện nửa tiếng, đọc hết báo nọ đến báo kia, xem phim bộ cả trăm tập ngày nọ sang ngày kia. Chiều nào cũng đủng đỉnh đi nhà thờ. Tối thì thức khuya đến 4 giờ sáng xem bóng đá. Trái lại ở Mỹ, sáng vừa lái xe đi làm vừa uống cà phê, vừa ăn hamburger, phải mang theo cơm trong hộp để ăn trưa. Chiều về cũng chỉ ăn qua loa rồi đi ngủ ngay để lấy sức, sáng sớm phải thức dậy đi cầy tiếp mới có đủ tiền trả tiền bill. Ngày nghỉ cuối tuần phải tranh thủ cắt cỏ ngoài vườn. Đi lễ ngày chủ nhật ở nhà thờ Mỹ thì như vịt nghe sấm. Mà già như chị, không biết lái xe coi như cụt chân, không biết tiếng Anh coi như câm như điếc. Không kiếm được việc làm phải ở nhà suốt ngày coi như đi tù. Mà đi tù còn sướng hơn ở chỗ không phải trả tiền ăn, tiền nhà, tiền điện tiền nước, tiền bảo hiểm sức khỏe... 

Giấc mơ Mỹ của mẹ còn bị đủ loại thông tin khác tấn công: Người Việt ở Mỹ trên 55 tuổi có tỷ lệ mang bệnh tâm thần là 21%, cao gấp đôi các sắc dân khác. Ở Việt Nam không có insurance không sao. Ở Mỹ không có insurance mà đau răng, đau bụng, đau đầu, hay đau bất kỳ cái gì thì nguy to. Ở Việt Nam, khi về già còn được ở với con cháu, được chết ở trong nhà, chung quanh có con cháu đông đủ, làm ma ở ngay nhà, được mang xác ra nhà thờ làm lễ an táng, lúc đưa đám có kèn tây kèn ta ò e í e, giầu nghèo gì đều có đông bà con chòm xóm và họ hàng đến tiễn đưa ra nghĩa trang. Hàng năm đến ngày giỗ đều có tiệc tùng linh đình. Ở Mỹ nhiều ông bà già tuy có đông con nhiều cháu nhưng vẫn phải vào nursing home ở một mình, chết một mình trong nhà thương, sau đó tới thẳng funeral home. Đám ma chỉ có lèo tèo ít người thân thích. Phần mộ chỉ có 1 tấm bia đặt sơ sài trên mặt đất, chỉ có ghi tên chứ không có gắn hình. Chẳng mấy khi có người

đến nghĩa trang thăm đâu.

Mỗi khi nghe vậy mẹ thường thắc mắc:

- Sao mấy ông mấy bà Việt kiều ai cũng nói giống nhau như vậy. Việt Nam sướng hơn ở Mỹ như thế mà tôi chả thấy có mấy ai về ở luôn. Mới về có năm ba bữa ai cũng than không khí bụi bặm quá, nước dơ quá, cầu tiêu dơ quá, đường đông xe quá, ồn quá, nhức đầu quá, tiền cứ phải tiêu mà không kiếm ra, khi đau ốm vào nhà thương lại chê nhà thương dơ quá, thiếu thốn quá, đông bệnh nhân quá... .rồi ba chân bốn cẳng mau mau về Mỹ ngay.

Mấy bà chị bà bạn của mẹ đâu có vừa:

- Tui không về Mỹ đi cầy tiếp thì mất job, lấy đâu ra tiền trả bill nọ bill kia, lấy đâu ra tiền gởi về Việt Nam cho mấy người chơi không mà cũng dư ăn dư mặc, nhà cao cửa rộng, xe nọ xe kia, quần áo theo mode nọ mode kia, xài toàn điện thoại di động đời mới nhất mà ở Mỹ còn chưa có, nay du lịch Vũng Tầu, mai du lịch Nha Trang. Người ta biết rồi, nói không chịu nghe, mai mốt qua Mỹ khổ, ráng chịu đừng có than.

Trong bụng, mẹ cũng có phần nao núng. Ba năm trước mẹ đến nhà cô Thu học Anh văn. Mẹ nhất định không trở thành người câm khi đến Mỹ. Mẹ học rất khó nhọc. Học đến đâu quên đến đó. Phát âm tiếng Anh mà như đọc tiếng Việt, thiếu

nhiều phụ âm ở đầu, ở cuối, ở giữa. Cô Thu vò đầu bứt tai:

- Bác phải cố lên chứ. Bác nói như thế làm sao Mỹ nó hiểu cho nổi.

Sau hai năm miệt mài đi học mẹ vẫn học chưa xong cuốn English Streamline 1. Nhưng mẹ vẫn cố gắng. Mẹ học ngày học đêm. Lúc nào cũng lẩm ba lẩm bẩm như người bị mộng du:

- Ai là tôi, du là mày, đây là nó, không phải, đây là chúng nó, hi mới là nó...  Oăn là một, tu là hai, thi là ba,... sip là cái thuyền, sip là con cừu... si ác mi là cô ta hỏi tôi...

Cô Thu cố sửa cho mẹ:

- Three, có âm r ở giữa, chứ không phải là thi, âm i còn phải kéo dài ra, miệng như đang cười mím chi. I ngắn có nghĩa khác, i dài có nghĩa khác. Ship, i ngắn là cái thuyền. Sheep, i dài mới là con cừu. Mà phải có âm p ở cuối. Âm sờ ở đầu phải phải xì hơi ra cho mạnh. Âm sh khác với âm s. Five có âm v ở cuối, khác với fine có nghĩa là tốt đẹp... She asks me chứ không phải si ác mi, chữ asks phải có âm sờ ở trước và ở sau âm kờ...

Mẹ nghe mà muốn vỡ đầu ra luôn. Nhưng mẹ luôn nói:

- Ở đời chẳng có cái gì dễ dàng. Có gieo thì mới có gặt, có khổ rồi mới qua được cái sướng. Cái gì cũng thế thôi. Muốn có trái ăn thì phải trồng cây. Muốn có cơm ăn thì phải đi làm cực khổ. Muốn thi đậu thì phải siêng năng học hành. Muốn có con để nương tựa vào tuổi già thì phải mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng vất vả. Bây giờ cũng phải cố gắng thì tương lai mới đỡ gian nan.

Mẹ đi học lái xe. Mẹ không thích trở thành người què. Mẹ nghe nói mấy ông bà già bên Mỹ vẫn phải tự lái xe đi đây đó.

- Người ta làm được mình làm được.

Thầy Hùng dạy lái cứ ôm đầu bứt tai:

- Bác chạy xiên chạy xẹo và chậm như rùa bò, có 20 cây số 1 giờ như thế thì chết rồi. Ở Việt Nam đường hẹp xe đông phải chạy chậm. Bên Mỹ xe chạy ngoài freeway cả trăm cây số giờ, chạy trong thành phố trung bình cũng là 60. Bác chạy chậm như thế là cảnh sát nó bắt bác ngay.

Sau hai tuần thầy cho mẹ tốt nghiệp sớm. Dù mẹ có năn nỉ cách mấy thầy cũng nhất định không chịu dạy thêm.

- Con lạy bác, bác cho con sống để con nuôi vợ con con với.

Trước ngày sang Mỹ, Mẹ còn đi học làm móng. Mẹ không thích phải ở nhà suốt ngày như đi tù. Đa số học viên là mấy cô gái trẻ xí xọn tràn trề Giấc Mơ Mỹ. Suốt buổi học mấy cô chỉ bình "loạn" về thiên đường Mỹ quốc:

- Bồ em anh ấy nói sang Mỹ tha hồ đi du lịch. Không phải làm gì cả. Anh ấy làm nhiều tiền lắm dư sức nuôi em.

- Bồ em có mấy căn nhà để trống không có người trông coi. Em sang đó chỉ cần ở nhà xem TV và trông nom nhà cửa.

- Bồ em mua sẵn cho em một cái xe lí xậc (Lexus) mới tinh. Anh ấy bảo dáng đẹp như em phải đi xe này mới sang.

- Bồ em nói đi học bên Mỹ dễ như ăn cháo. Học tà tà mà được toàn điểm A. Dân Việt mình có rất đông bác sỹ kỹ sư.

Mẹ vào lớp học chung với mấy cô này thấy kỳ kỳ làm sao ấy. Nghe mấy cô nói chuyện ầm ĩ mẹ còn nhức đầu hơn.. Có khi mẹ cũng nói chuyện với mấy cô:

- Mấy cháu có đi học tiếng Mỹ không.

Có cô trả lời tỉnh bơ:

- Cần gì phải đi học. Qua Mỹ sống là tự nhiên biết nói tiếng Mỹ cũng như mình ở Việt Nam tự nhiên biết nói tiếng Việt.

Mẹ hỏi tiếp:

- Các cháu có học lái xe không"

- Trời ơi sao bác lo xa dữ vậy. Bồ con nói đường bên Mỹ rộng lắm, cứ ngồi lên xe là biết chạy. Học trước làm chi cho nó mệt. Qua bên đó đi làm móng là có tiền nhiều, khỏi phải học nọ học kia cho nó phiền phức.

Mẹ đã có tuổi nên mắt kém trông gà hóa cuốc. Cô Hồng dạy làm móng thường la lên:

- Sao bác không vẽ lên cái móng giả mà lại bôi quẹt tùm lum lên bàn như thế. Bác đi làm móng như thế ở bên Mỹ, vẽ bẩn ra tay khách, bị nó sue còn đổ nợ ra nữa.

Mẹ không hiểu sue là gì thì cô Hồng giải thích:

- Con cũng chẳng biết sue là cái gì. Nghe mấy đứa bạn Việt kiều hay nói xu xu, xu hào gì đó nên bắt chước thôi.

Có vẻ mẹ còn khá tiếng Anh hơn cô Hồng. Mẹ nói:

- Cô giáo dạy tiếng Anh cho tôi nói rằng su (shoes) là đôi giầy.

Rồi mẹ còn đi học nấu ăn, mẹ tự nhủ:

- Mình già rồi, mắt kém, tay run không làm móng hay rửa cầu tiêu được, nếu biết nấu ăn thì đi làm bếp trong nhà hàng cũng tốt.

Lo đi Mỹ đâu phải có bấy nhiêu. Ông ngoại thường gọi phone nhắc:

- Liệu mà lo bán nhà, qua Mỹ có số vốn mới đỡ khổ. Qua mà tay trắng thì ai mà lo cho nổi.

Mẹ đăng báo bán nhà nhưng đợi hoài không có ai hỏi mua. Người ta nói nhà tôi nằm trong khu quy hoạch.

Thấy mẹ cứ lo chuẩn bị đi Mỹ vất vả quá em trai tôi thường nói đùa:

- Chưa đi Mỹ mà đã thấy mệt quá. Sang đến bên đó chắc ngủm củ tỏi luôn.

Mẹ quát lên:

- Thằng ranh này, biết gì mà nói. Tao đi Mỹ là lo cho tương lai cho chị em mày.. Chứ bằng này tuổi đầu, ở luôn Việt Nam cho nó sướng cái thân già.

Chả là ngày nào mở báo ra mẹ cũng xem mục nói về du học.

- Tụi bay thấy không, người ta tốn bao nhiêu tiền mới lo cho con đi du học Mỹ được.. Một năm trung học tốn 15 ngàn, đại học tốn 30 ngàn. Con nhà giầu có mới đi nổi. Nghèo kiết xác như tao, một năm kiếm không được 1 ngàn đô, muốn con cái được đi Mỹ học phải đem thân già làm đầu tầu đi định cư, kéo theo tụi bây thì tụi bây mới có cơ hội. Con mấy ông bà giầu có trong xóm đi phỏng vấn du học toàn bị rớt không thì nói chi đến con cái trong cái nhà nghèo xơ xác này.

Chờ đợi mười mấy năm mòn mỏi, lo lắng đủ điều. Đôi khi mẹ nghĩ vẩn vơ:

- Ông ngoại tụi bây đã 80 tuổi rồi, nay sống mai chết. Mà ông có bề gì thì tụi bây ở luôn Việt Nam.

Rồi cũng tới ngày mẹ nhận được giấy báo phỏng vấn. Giấy tờ đủ thứ hầm bà lằng mẹ không biết đâu mà lần. Mẹ đóng tiền xin tư vấn ở một văn phòng dịch vụ xuất cảnh trên đường Nguyễn Kim, Sài Gòn. Cô nhân viên phán ngay một câu:

- Bác còn thiếu giấy bảo lãnh tài chánh (Affidavit of Support).

Mẹ nghe mà tá hỏa tam tinh:

- Bố tôi bảo lãnh tôi mà.

- Đúng là bố bác bảo lãnh bác nhưng đó là bảo lãnh để đoàn tụ. Nhưng ông cụ còn phải cam đoan rằng gia đình bác phải sống tự túc được trong 3 năm mà không trở thành gánh nặng của công quỹ. Muốn thế thì ông cụ phải có lợi tức nuôi được bản thân và thêm 4 người trong gia đình bác, tức là 31 ngàn đô trong một năm.

- Thôi chết tôi rồi. Ông bố tôi phải sống nhờ trợ cấp từ ngày đi H.O. Lấy đâu ra tiền bảo trợ tài chánh.

- Nếu vậy thì bác phải nhờ một người nào đó đứng ra bảo lãnh tài chánh. Nếu gia đình này đã có 4 người thì cộng thêm 4 người của gia đình bác thì thành 8 người, người đó phải có income 44 ngàn đô trong một năm.

Ban đầu mẹ nghĩ việc này đơn giản chỉ cần gọi phone qua Mỹ là sẽ có tờ giấy này. Nhưng mấy bà bạn bà chị đều tránh né. Có bà nói thẳng:

- Bảo lãnh tài chánh cho gia đình chị qua đây, trong thời gian chưa có công ăn việc làm, chưa có bảo hiểm sức khỏe, lỡ có ai đau ốm phải thì tui có bán nhà đi cũng không đủ tiền trả cho nhà thương giùm mấy người.

Mẹ lo quá, đi hành hương Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị để xin ơn. Rồi mẹ gặp một bạn cũ là cô Thanh từ Mỹ về chơi. Cô thuyết pháp cho mẹ nghe:

- Ở đời sắc sắc không không, không là sắc đó, sắc là không đây. Cái mà hôm nay mình có thì ngày mai mình không có. Cái nhà hôm nay là của mình thì ngày mai là nhà của người khác. Hôm nay đứa con là con mình, ngày mai về nhà người

khác thành con của người khác. Cái gì cũng có luật nhân quả. Gieo nhân nào, gặt quả đó. Nghĩ nó là chuyện nhỏ thì nó nhỏ. Cho rằng nó lớn thì nó lớn. Ông bà mình dạy: Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người. Có ai mất gì đâu khi làm giấy bảo trợ tài chánh. Đó chỉ là hình thức thôi. Tôi sẽ ký giấy đó cho chị với một điều kiện là sau khi qua Mỹ chị cố gắng đi làm, đừng bao giờ xin trợ cấp, như thế là mang nợ với người khác, với xã hội.

Tưởng rằng cô Thanh nói chơi cho vui nhưng không ngờ sau đó mẹ nhận được giấy bảo trợ của cô. Thế là mọi việc được đầu xuôi đuôi lọt. Mẹ lo đi mua vé máy bay. Cô bán vé trên đường Nguyễn Huệ góp ý:

- Bác nên đi ngay trong tháng 6 để có giá hạ. Qua tháng 7 giá vé máy bay tăng 20% vì vào mùa du lịch hè.

Mẹ thắc mắc:

- Tôi đâu có đi Los Angeles mà sao cô bán vé tới đó"

- Bác là người đi định cư thì trước hết phải tới phi trường Los làm thẻ xanh. Sau đó sẽ chuyển máy bay khác về Portland. Thủ tục nhanh lắm, chừng 45 phút là xong. Cháu trừ hao cho bác tới 90 phút để lên chuyến bay kế tiếp.

Ban sáng ngày lên đường trời âm u mưa tầm tã thế mà ngoài phi trường Tân Sơn Nhất người ta vẫn chen chúc rất đông đưa tiễn người ra đi. Trong phòng làm thủ tục mẹ đứng kế mấy cô gái khá xinh. Mẹ bắt chuyện:

- Mấy cô cũng đi Mỹ à"

- Tụi con đâu có cái phước lớn đó bác ơi. Đi Đài Loan làm ô-shin cực lắm.

- Sao mấy cô không kiếm việc làm ở trong nước cho nó khỏe"

- Tụi con kiếm hoài mà không ra nên phải ráng đi Đài Loan làm để có tiền giúp đỡ gia đình. Mấy đứa đi làm dâu còn than hơn. Chồng tụi nó ở tuốt trên núi hoang vắng, ban ngày tụi nó phải làm ruộng như trâu, ban đêm nằm nhớ bố nhớ mẹ khóc hết nước mắt.

Có một cô khác đứng gần nghe được câu chuyện cũng nói vào:

- Cháu thấy người nào chuẩn bị đi Mỹ định cư ai cũng có vẻ hớn hở quá. Đáng lý ra là phải lo nhiều hơn. Qua bên đó mấy người lớn tuổi như bác ai cũng bị shock hết. Người nào không bị shock mới là chuyện lạ. Cháu bảo lãnh bố mẹ cháu sang ở được có vài tháng mà than buồn quá xá, cứ nhất định đòi về lại Việt Nam.

Mẹ không hài lòng. Mẹ chỉ vào hai chị em tôi:

- Nếu tôi không đi thì hai đứa nhỏ này đâu có đi được. Tôi đi vì tương lai tụi nó thôi.

- Qua Mỹ đâu phải đứa nào cũng ngoan, biết nghe lời bố mẹ, siêng năng học hành. Tụi nó mà phá, chây lười, lêu lổng chơi bời, xì ke ma túy thì còn khổ hơn. Ở Việt Nam con cái còn gần gũi với bố mẹ. Ở bên Mỹ tụi nó mà bỏ nhà ra đi thì bác khỏi biết đâu mà tìm.

- Sao cô không cho con cô về Việt Nam sống luôn cho nó ngoan"

- Ý đâu được bác! Ở bên Mỹ tụi nó có bao cơ hội đi học đi làm, hưởng thụ cuộc sống.

Khi đến Los Angeles mọi người đều choáng ngợp trước cái bao la bát ngát của phi trường. Phải đi cả nửa tiếng mới tới chỗ làm thủ tục định cư. Ngồi đợi thêm 1 giờ nữa mà vẫn chưa được gọi tên để lấy dấu vân tay. Mẹ liên tục xem đồng hồ:

- Như thế này thì chết tôi mất. Trễ máy bay đi Portland rồi. Không biết phải làm sao đây"

Có một số người được mời vào một phòng đặc biệt có chỗ ngồi đàng hoàng chứ không phải đứng lố nhố bên ngoài. Mẹ cũng muốn vào đó nhưng một ông giải thích:

- Ai không có đủ giấy tờ mới bị bắt vào đó điều tra. Bộ bà thích đi tù lắm sao"

Mẹ sợ quá không dám thắc mắc thêm.

Sau khi làm giấy tờ có hai chú đẩy xe đến giúp mẹ mang hành lý. Mẹ luôn miệng khen:

- Ở đây người ta tốt quá, thấy mình mang nặng nên tình nguyện giúp.

Phi trường Los quá rộng, đoàn người đi lên đi xuống, đi vòng bên nọ bên kia thêm 20 phút mới tới cổng đi Portland. Hai chú đẩy xe giúp bỏ hành lý xuống nhưng lại chần chừ chưa đi.

Em tôi nhắc mẹ:

- Mẹ phải cho người ta tiền tip!

Mẹ ngớ người ra một lúc:

- Thế mà tôi tưởng người ta có lòng tốt muốn giúp mình.

Bảng chỉ dẫn cho biết chuyến bay đi Portland đã khởi hành từ 1 giờ trước. Cả nhà phải đợi đến 2 giờ sáng ngày hôm sau mới có chuyến bay kế tiếp. Nhân viên của hãng hàng không Alaska kêu tên mẹ. Mẹ luôn miệng nói:

- No Alaska!

Người ta phải gọi người phiên dịch tiếng Việt đến. Cô này nói:

- Tên hãng máy bay là Alaska chứ không phải nó bay đi Alaska đâu mà bác sợ.

Họ bắt mẹ đóng thêm 300 đô vì hành lý quá tải. Mẹ kêu trời:

- Thế mà cái cô bán vé ở Việt Nam nói tôi không phải đóng thêm tiền..

- Bác ơi. Đúng như thế, nhưng đây là hãng hàng không nội địa của nước Mỹ, họ có quy định riêng về hành lý mang theo.

- Thế thì chết tôi rồi. Tôi chẳng còn bao nhiêu tiền để mướn nhà.

Bỗng dưng có một ông khác chạy đến nói với cô phiên dịch:

- Cô ơi giúp tôi với. Tôi đi Seattle thăm con đang du học mà phải ngồi đây 2 ngày 2 đêm đợi máy bay đi Seattle.

- Chú ơi muốn đi Seattle phải qua cổng bên kia. Cổng này đi Portland thôi.

Mẹ cứ nhớ mãi đêm đầu tiên đến Mỹ phải ngủ trong phi trường Los vì trễ chuyến bay. Có một cô tên Hoa đến lân la làm quen với mẹ:

- Bác ơi nhà con ở Đà Lạt, con đến Portland du học mà lo quá vì không biết nhà trường có cử người ra đón không"

Mẹ bỗng cảm thấy thương người.

- Người ta không đón thì cô cứ về nhà với tôi rồi tính sau.

Em tôi nhắc mẹ:

- Mẹ ơi, mình mới qua Mỹ phải ăn nhờ ở đậu, có nhà đâu mà mời cô ấy về chung.

So với phi trường Los thì phi trường Portland thật nhỏ. Chỉ có một chuyến bay đến vào 3 giờ sáng nên rất vắng người. Cô Hoa cứ bám lấy mẹ:

- Bác ơi con lo quá.

- Cô đừng có lo mà, cứ về với chúng tôi, sáng ra tính sau.

Trái với cảnh tưng bừng huyên náo đưa đón người thân tại Việt Nam, tại phi trường Portland chỉ có một người duy nhất ra đón gia đình tôi là cô Liễu, em của ba tôi. Cô dặn dò:

- Em đang ở apartment, cho gia đình anh chị về ở tạm vài ngày phải dấu manager, nó mà biết thì đuổi em đi luôn. Anh chị và các cháu phải nhẹ nhàng kín đáo. Em đã dặn rồi mà sao anh chị mang chi nhiều hành lý quá. Bên Mỹ này cái gì mà chẳng có. Mất công chở củi về rừng.

Mẹ lẩm bẩm trong miệng:

- Tôi đi định cư chứ có đi ăn trộm đâu mà phải nhẹ nhàng kín đáo.

Mới từ Việt Nam sang giờ giấc còn lộn tùng phèo. Mọi người cứ chập chờn không ngủ được. Bốn giờ sáng mùa hè trời đã sáng trưng. Đến 10 giờ mẹ nói với cô Hoa:

- Cháu kêu điện thoại cho nhà trường đến đón.

Cô Hoa thú thật:

- Bác ơi con không biết nói tiếng Mỹ.

- Trời đất ơi, cô đi du học Mỹ mà không biết nói tiếng Mỹ!

- Con tính qua đây học tiếng Mỹ, sau đó tính tiếp.

Cô Liễu phải gọi điện thoại giúp.

Chiều hôm đó cô Liễu dẫn bố mẹ đi vòng vòng một số apartment để hỏi thuê phòng. Bố mẹ không hiểu người ta nói gì. Cô Liễu thông dịch:

- Họ đòi anh chị phải chứng minh take-home income mỗi tháng tối thiểu 2,400 đô la thì mới cho mướn. Mới qua tiếng tăm không biết, lạ nước lạ cái, đi đâu cũng ngơ ngơ ngáo ngáo thì chừng nào mới có việc làm. Mà trước khi có được việc làm phải biết lái xe, phải mua được xe, phải đi học tiếng Anh, đủ thứ chuyện phải lo hết. Mà em dặn trước là anh chị đừng có than buồn, đừng có khóc, đừng có đòi về Việt Nam đấy nhé. Đã qua đến đây chỉ có tiến lên chứ không có quay về.

Mẹ nói chắc như đinh đóng cột:

- Tôi sẽ không bao giờ khóc, không bao giờ than buồn, không bao giờ lùi bước.

Hôm sau cô Liễu dẫn gia đình tôi ra công viên. Có một gia đình khác cũng đang dạo chơi ngoài đó.. Nghe họ loáng thoáng nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt nên mẹ lân la đến làm quen nhưng họ lảng tránh ra chỗ khác. Cô Liễu giải thích:

- Chị đừng có buồn. Đó là chuyện bình thường. Đời sống ở đây là như thế. Ai cũng phải đề phòng người lạ. Nhiều người sang đây lâu năm thành đạt và giầu có, sống ở nhà mắc tiền trong khu sang trọng, con cái toàn là bác sỹ kỹ sư nên ngại tiếp xúc với người mới sang như chị lắm. Ở Mỹ đi học đi làm chung với nhau mới quen biết nhau. Còn hàng xóm láng giềng, nhất là đi ngoài đường mà gặp người lạ thì phải hết sức đề phòng.

Mấy ngày sau cô Liễu cũng tìm được một gia đình cho nhà tôi share phòng. Mẹ nhẩm tính:

- Vốn liếng cả nhà sau khi mua vé máy bay qua bên này chỉ còn đủ thuê nhà 2 tháng. Nhưng hơi sức đâu mà lo xa. Tới đâu hay tới đó.

Tới tháng thứ 3, bố phải mượn tiền cô Liễu trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Bố cứ lo bấn lên, mẹ phải trấn an:

- Hơi đâu mà lo con bò trắng răng. Ở bên này không khí trong lành tha hồ hít thở miễn phí. Lúc ở Việt Nam ông cứ than không khí ô nhiễm làm ông hết xoang mũi rồi lại viêm họng. Sang bên này ông khỏe re. Ở Việt Nam ông có mất bao nhiêu tiền chạy chữa cũng không được như thế.

Mẹ nhất định đi học lái xe. Cô Liễu mang về cuốn Oregon Driver Manual. Mẹ đọc mà chẳng hiểu được mấy tí. Cô phải chạy qua DMV ở bang Washington xin một cuốn hướng dẫn lái xe tiếng Việt. Mẹ miệt mài học ngày học đêm trong hai tháng rồi đi thi. Cũng may ở đây người ta cho thi knowledge test bằng tiếng Việt. Mẹ thi đến lần thứ ba thì đậu được bằng lái tạm (driving permit). Có một bà thi chung với mẹ than thở:

- Tôi qua đây đã 4 năm, thi lần này là lần thứ 7 rồi mà cứ bị rớt hoài.

Mẹ thắc mắc:

- Chị có học bài không"

Bà ta la lên:

- Giờ đâu mà học. Ban ngày đi rửa chén ban đêm đi clean cầu tiêu, có ở không như mấy người đâu mà học với hành.

Đó chỉ là bằng lái tạm. Muốn có bằng lái chính thức (driver's license) phải đóng tiền học lái. Sau mấy lần thi bố cũng đậu bằng viết.. Rồi bố học lái xe nhưng phải thi đến lần thứ 4 mới đậu bằng lái. Có lần đang thi thì gặp xe cảnh sát hú còi inh ỏi chạy qua, bố chăm chú lái xe không kịp dừng lại nên bị rớt ngay tại chỗ. Sau khi có bằng lái bố lại không có tiền mua xe. Ngày nào bố cũng đi xe bus đến thư viện để tìm việc trên internet. Mỗi ngày bố đều gởi đơn xin việc đến 5 hãng khác nhau. Có vài ba nơi kêu bố đến phỏng vấn nhưng không nhận vì bố chỉ biết đọc chứ nghe và nói thì bố rất dở. Một hãng cho bố thử đánh máy nhập số liệu (data entry). Bố chỉ nhập được 5 ngàn con số trong 1 giờ trong khi họ chỉ nhận ai nhập nhanh hơn 7 ngàn số. Hàng tháng cô Liễu cứ phải cho mượn tiền trả bill mướn phòng, điện, nước, phone. Cô cằn nhằn:

- Em hết chịu nổi rồi. Em có phải là cái máy in tiền đâu.

Sang đến tháng thứ 5 bố mới tìm được việc làm. Đó là một hãng lắp rắp điện tử có rất đông người Việt. Bố vui ra mặt:

- Làm ở đây chả cần biết tiếng Mỹ, supervisor là người Việt, bà manager muốn nói gì thì ông ta nói lại. Công việc đơn giản ai cũng làm được.

Bố nói vậy chứ không hẳn là vậy. Ai cũng phải căng thẳng làm vì nhịp độ công việc rất cao. Người nào làm không kịp có khi bị đuổi ngay vì làm dây chuyền lắp rắp bị ứ đọng.. Bốn giờ sáng là bố dậy đi bộ 1 mile ra trạm xe buýt. Tuyến xe bus 15 đi Gresham 30 phút mới có một chuyến. Tới nơi phải đi bộ thêm 8 block nữa. Lúc nào bố cũng mang theo một cây dù đề phòng gặp mưa hay tuyết rơi. Nhưng khi gió to quá phải gấp dù lại vì gió sẽ thổi làm gẫy cánh dù.

Hôm bố mang cái check lương đầu tiên về cả nhà xúm lại xem. Mẹ ngỡ ngàng:

- Ủa sao mà ít tiền vậy. Ông làm 2 tuần được 80 giờ. Mỗi giờ được 8 đô thì phải lãnh được trên 600 chứ. Thế mà sao nó chỉ trả cho ông có 450 đô.

Bố giải thích:

- Thì còn phải đóng thuế tiểu bang, thuế liên bang, tiền bảo hiểm sức khỏe, răng, mắt, đủ thứ hầm bà lằng hết.

Mẹ không hài lòng:

- Ở Việt Nam suốt đời tôi có phải đóng bảo hiểm nào đâu mà có sao đâu. Tiền lương của ông không đủ trả tiền mướn phòng mà còn phải đóng thuế và linh tinh như thế thì làm sao sống nổi.

Mẹ đến văn phòng giúp tìm việc của chính phủ. Họ cấp cho mẹ vé tháng xe bus và phiếu học Anh Văn cho người mới đến (ESL) ở Mount Hood Community College. Mẹ mừng lắm:

- Ở Việt Nam cứ nghe tới đại học hay cao đẳng thì thấy nó ghê gớm lắm, thi cử chật vật có khi còn phải chạy chọt hay là đối tượng ưu tiên nọ ưu tiên kia vào học nổi. Ở bên này già trẻ lớn bé gì cũng có quyền vào college học những gì mình thích.

Mẹ vẫn học chữ nọ sọ chữ kia nhưng cô giáo Sarah luôn khen mẹ. Có lẽ cô thích cái tính siêng năng chăm chỉ của mẹ. Mẹ cảm động rơi nước mắt khi học bài về những người phụ nữ tiền phong của Oregon.

Con đường mòn Oregon (Oregon Trail) dài 3,200 cây số bắt đầu từ thành phố Independence, Missouri và kết thúc tại sông Columbia River, Oregon. Từ 1841 đến 1869 đã có 200 ngàn người đi trên con đường thiên lý này để khai phá vùng đất mới Tây Bắc. Một chuyến đi thường kéo dài 7 tháng, đầy dẫy những gian nan vì đường xá trắc trở, thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn tiện nghi, bệnh tật, bị những người thổ dân tấn công. Đa số mọi người phải đi bộ suốt con đường, chỉ có một số ít người đau yếu được cưỡi ngựa hay ngồi xe kéo trên một đoạn đường. Một số bò ngựa khỏe nhất cũng chết vì kiệt sức hay khát nước. Người ta phải nhai đi nhai lại một vài loại lương khô nhàm chán trong suốt chuyến đi. Đau ốm gì cũng chỉ có một món thuốc là rượu rum. Ban ngày phải đi giữa một đám bụi mịt mù do bước chân của người và súc vật gây nên. Ban đêm giấc ngủ luôn chập chờn vì có thể bị thổ dân tấn công bất cứ lúc nào. Phải vượt đèo cao hiểm trở và lội qua sông sâu nguy hiểm. Cứ 10 người lên đường thì có một người phải vĩnh viễn nằm xuống dọc đường đi. Dù gian nan như thế dọc đường đi người ta vẫn kết hôn, sinh con đẻ cái, tổ chức ăn mừng những ngày lễ lớn, nhất là Ngày Độc Lập.

Bà Thamar Cusick (1771-1864) khi đến nơi đã 82 tuổi, được coi là người phụ nữ lớn tuổi nhất đi trên đường Oregon.

Ngày nay hậu thế còn đọc được những dòng nhật ký của một số phụ nữ trong hành trình gian khổ này:

- Tôi cứ phải nấu nướng ngoài nắng giữa đám khói bụi nhiều đến nỗi mỗi khi tôi nhìn vào tấm gương nhỏ tôi bàng hoàng tự hỏi: Mình ra nông nỗi này sao" (Miriam Davis)

- Vào một buổi chiều chúng tôi đi qua một nghĩa trang không tên trên một thảo nguyên. Nó dấy lên trong tôi một nỗi buồn nặng trĩu trong lòng khi nghĩ về những người yên nghỉ cô đơn nơi miền hoang dã này, không có một bóng người đến đặt lên mộ một bông hoa hay nhỏ xuống một giọt nước mắt. (Jane Gould)

- Lúc nào tôi cũng nằm mơ thấy mình bị gấu và chó sói tấn công. Lòng tôi thường xuyên bị dầy xéo bởi u sầu lo lắng. Khi tôi đi qua những nấm mộ mới đắp tôi nhìn vào những tấm ván của cỗ xe kéo và hoang mang không biết chúng có sẽ được tháo ra đóng quan tài cho một người nào trong bọn chúng tôi hay không. (Lodisa Frizzel)

- Kỷ niệm nóng hổi nhất của tôi về mùa đông đầu tiên ở Oregon là một bầu trời đầy nước mắt cùng với nước mắt của mẹ tôi và của tôi. Tôi nhớ nhà, nhớ bè bạn ở Chicago đến độ muốn chết luôn. Chúng tôi chẳng quen ai ở Portland này cả.

Chúng tôi chẳng thích gì ở Portland, này cả. Chúng tôi chẳng thích gì ở Portland, ở Oregon, và tin rằng chúng tôi sẽ bao giờ thích cái gì ở đây cả. (Marilla Washburn Bailey)

Khi đi trên đường mòn Oregon, Martha Morrison Minto chỉ là một cô gái nhỏ. Cô hồi tưởng lại:

- Tôi rất bàng hoàng khi nghĩ lại chuyến đi. Dĩ nhiên khi đó tôi còn quá bé để biết được nhiều việc, nhưng tôi nghĩ rằng các bà mẹ trong cuộc hành trình phải trải qua nhiều cơ cực hơn bất kỳ ai vì trên vai họ là cả một gia đình phải gánh vác.

Nhưng đối với đa số, đó là một kết thúc có hậu. Emeline T. Fuller đã nói lên tâm trạng đó:

- Khi mà tuyết đã phủ dầy 3 hay 4 feet ở bang Wisconsin, quê nhà của tôi, thì tại Oregon này tôi vẫn có thể đi hái những bông hoa dại ngoài đồng. Thiên nhiên ở đây quá rạng ngời xinh đẹp.

Từ ngày đó mẹ hay khuyên nhủ chị em chúng tôi:

- Những người tiền phong đã phải vất vả gian nan nhiều. Ngày nay mình được thừa hưởng công lao khai phá của họ quá dễ dàng. Mình được ngồi máy bay phản lực sang trọng mười mấy giờ đồng hồ là bay đến đây. Thành phố này đã được xây dựng hàng trăm năm mới đẹp và tiện nghi như thế. Bước đầu định cư có gian nan vất vả một tí cũng chớ nên nản lòng và than vãn. Cái khổ nào rồi cũng qua đi thôi.

Học xong 2 khóa tiếng Anh tại Mount Hood Community College mẹ xin học khóa phục vụ trong nhà hàng (food service) tại Portland Community College. Sau khi đến Mỹ một năm mẹ tìm được việc trong một nhà hàng fastfood. Công việc của mẹ chỉ là lau chùi quét dọn. Mẹ vẫn chưa biết lái xe, tiếng Anh của mẹ vẫn ấm a ấm ớ. Nhưng lúc nào mẹ cũng tươi cười lạc quan. Mẹ không thích ai dùng chữ đi cầy thay cho đi làm. Mẹ giữ lời hứa với cô Thanh, không bao giờ đi xin food stamp hay bất cứ loại trợ cấp nào. Mỗi lúc đi làm về mẹ luôn đi khập khiễng từ trạmxe bus về nhà. Đôi chân mẹ bị tê buốt vì phải đứng liên tục trong suốt 8 giờ làm việc.

Mỗi khi đi qua các nghĩa trang của những người tiền phong (Pioneer Cementery) nằm rải rác trong thành phố mẹ luôn kính cẩn tưởng niệm. Có lần trên đường đến Mount Hood mẹ rơm rớm nước mắt trước phần mộ của một phụ nữ vô danh tiền phong Pioneer Woman's Grave tại Barlow Pass. Mẹ nói với chúng tôi:

- Người ta rất có lý khi tôn vinh người phụ nữ vô danh này vì bà là đại diện cho đa số thầm lặng, những người đã hy sinh và cống hiến nhiều nhất trong việc khai phá miền hoang dã Tây Bắc.

Mẹ luôn tránh nói đến những gian nan cơ cực của bước đầu định cư mà ai cũng phải trải qua. Ngược lại, mẹ hay lưu ý đến những điều tốt đẹp mà mọi đứa trẻ tại Hoa Kỳ đều được hưởng:

- Chúng con được đi học trường công, có xe buýt đưa đón tận nơi, ăn sáng ăn trưa hoàn toàn miễn phí, được học những chương trình rất chú trọng đến sự sáng tạo của mỗi cá nhân. Khi lên đại học chúng con sẽ có học bổng hay được mượn tiền đi học. Chúng con không thể giỏi tiếng Mỹ như trẻ em bản xứ nhưng cần cù bù thông minh. Chúng con hãy học hành chăm chỉ để nên người hữu dụng cho xã hội, tận dụng cơ hội mình có vì đó là cách tốt nhất để tri ân những người tiền phong đã khai phá nên đất nước Hoa Kỳ và tiền thuế của những công dân chân chính siêng năng làm việc.

Đầu năm sau bố ngỡ ngàng sung sướng chảy cả nước mắt khi nhận được check hoàn thuế của chính phủ. Bố nhẩm tính năm ngoái bố đi làm có 2 tháng, đóng thuế chỉ có vài trăm mà nay được hoàn thuế đến hơn 2 ngàn. Bố nói:

- Chỉ có ở Mỹ những người nghèo đóng thuế mới được hoàn thuế nhiều hơn số tiền đã đóng.

Sau nhiều lần ra công viên chơi, một lần kia có một bà trong gia đình người Việt mà ban đầu lảng tránh, mẹ chủ động đến làm quen trước. Có lẽ bà ta cảm thấy vẻ đàng hoàng lương thiện của mẹ và thấu hiểu những khó khăn không tránh khỏi của những người mới đến. Gia đình bà vượt biên cách đây 30 năm. Có nhiều phụ nữ trong chuyến tầu bị hải tặc thay phiên nhau hãm hiếp, phải chết đi sống lại nhiều lần. Chồng bà nằm trong số nhiều người bị hải tặc giết và vất xác xuống biển. Bà đến Mỹ bơ vơ với 2 đứa con nhỏ dưới 10 tuổi. Đứa lớn nay là một bác sỹ. Đứa nhỏ làm kỹ sư trong một hãng máy bay. Gia đình bà đã đi lên từ 2 bàn tay trắng (from rags to riches). Thời gian đầu bà đi clean trường học và chợ, nhiều ngày phải làm việc đến 17 tiếng. Cuộc sống hiện tại rất sung túc nhưng không bao giờ bà quên được cảnh chồng bị giết trên biển và thưở ban đầu gian nan khi mới đến Mỹ.

Mẹ nghiệm ra:

- Ai cũng phải trả một giá nào đó cho Giấc Mơ Mỹ của mình. Phải ăn vào những trái đắng thì mới nếm được những hương vị ngọt ngào của cuộc đời.

Mỗi buổi sáng gia đình tôi cũng giống như nhiều gia đình khác trên đất nước này, như một bầy ong vỡ tổ, mọi người phải ra đi những hướng khác nhau, bố đi làm một nơi, mẹ đi làm một chốn, chị đi học trường này, em đi học trường kia. Đất nước này xinh đẹp trù phú vì mọi người đều phải cật lực làm việc. Chiều đến chúng tôi lại quây quần lại như lũ ong mang mật ngọt về xây dựng nên tổ ấm. Chúng tôi chia sẻ những gì trải qua trong ngày ở trường và ở sở làm, có vui có buồn, có nụ cười có nước mắt. Dần dà chị em tôi đều thích ăn món khổ qua dù rằng lúc nào nó cũng rất đắng. Có lẽ chúng tôi đã thấm thía cái triết lý phải vươn lên qua gian khổ "no pain no gain" mà mẹ muốn dạy bảo chúng tôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,000,727
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến