Hôm nay,  

Đai-ét (Diet)

27/08/200800:00:00(Xem: 159206)
Người viết: Phúc Thiện Nhựt
Bài số 2391-16208467-vb4270808

Tác giả tên thật là Phùng An, cư dân Westminster, Nam California. Tự sơ lược tiểu sử: trước 1975, Công chức. Từ 1975 đến 1979, bán chợ trời. Năm 1980, vượt biên đến Mỹ. Nghề nghiệp ở Mỹ: Electronic Technician. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông  là  “Cơm Chỉ” đã phổ biến và in trong tuyển tập  “Viết Về Nước Mỹ 2008”. Sau đây là bài mới nhất. Mong ông tiếp tục viết.

***

Tôi không nhớ chính xác phương pháp "Đai-ét" (ăn kiêng) xâm nhập vào cộng đồng người Việt từ lúc nào. Giai đoạn đầu khi từ giã trại tị nạn đến đinh cư tại Hoa kỳ, những người Việt-nam bất đắc dĩ giã từ quê mẹ sau 30 tháng 4 năm 1975 chẳng ai "ốm tong, ốm teo" và cũng chưa ai có dấu hiệu "phát tướng" như ngày nay nên không biết "Đai-ét" là gì. Sau thời gian định cư tại vùng đất dồi dào thực phẩm, sung túc tiện nghi, sự phát triển cơ thể, gọi nôm na là "mập" ngày càng trông thấy đến độ báo động, nhứt là "phái đẹp". Cá nhân tôi cũng bắt đầu thấy "lên cân" nhưng không làm cho tôi bận tâm lo lắng, vì "Phát tướng, Phát tài" đó là câu ông bà ta thường nói.

Là một người tị nạn độc thân, tôi được một gia đình người Mỹ chính gốc bảo lãnh ăn, ở chung trong nhà. Những bữa ăn tối hàng ngày tôi thấy bà bảo trợ và hai cô gái (con ông, bà bảo trợ) có những món ăn riêng và nước uống riêng, tôi hơi thắc mắc nhưng không muốn hỏi vì thấy ông bảo trợ và hai người con trai cùng dùng chung những món ăn như tôi nên không có ý nghĩ bị kỳ thị trong vấn đề ăn uống. Trong tủ lạnh tôi thấy vài loại nước uống có chữ "Diet" tôi cũng không tò mò tìm hiểu vì khái niệm "Đai-ét" lúc bấy giờ chưa ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.

Mãi hơn 10 năm sau, khi tôi đã có "bầu đoàn thê, tử", phương pháp "Đai-ét" mới thật sự "xen lẫn" vào "nội bộ" gia đình tôi, đúng lúc tại miền nam Cali, nói chung; vùng Little Saigon, nói riêng, đã nghe rầm rộ khắp nơi phong trào "Đai-ét". Thêm vào đó, hàng ngày trên các phương tiện truyền thông, báo chí các phòng mạch sửa sắc đẹp, các viện thẩm mỹ đều nói đến bí quyết này, thể thức nọ dành cho lãnh vực "làm đẹp" quý bà, quý cô, trong đó có phương pháp "Đai-ét". Các bác sĩ Đông, Tây y cũng bào chế nhiều loại y dược đặc biệt không ngoài mục đích ngăn chặn 5 "Hung Thần" tàn ác mà "Phái Đẹp" ai cũng lo sợ và xa lánh : "GIÀ - NHĂN - NÁM - MỤN - MẬP."

Trong 5 "Hung Thần" lúc nào cũng rình rập "Phái Đẹp", "Hung Thần" thứ 5, quý "Mệnh Phụ, Phu Nhân" vừa điều trị ở các viện thẩm mỹ vừa tự điều trị tại gia bằng phương pháp "Đai-ét".  "Bà xã" tôi cũng nằm trong hệ phái "Mệnh Phụ, Phu Nhân" nên không thoát khỏi sự tàn phá của 5 "Hung Thần" nói trên.

Từ ngày về với tôi "bà xã" mỗi ngày mỗi "lên cân" đều đặn, nhứt là sau khi cho "góp mặt vào đời" 3 "hình ảnh nhỏ của tôi". Vòng số 1 và số 3 cũng đã nẩy nở nhưng còn miễn cưỡng chấp nhận được, riêng vòng số 2 hầu như "hết thuốc chữa". Thấy "bà xã"  lo lắng, bạn bè bày "Đai-ét" cách nào cũng áp dụng nhưng nhịp độ tăng trưởng của "3 vòng" vẫn đều đặn. Có những đêm thanh vắng, khi trở giấc tôi nghe tiếng thở dài của "bà xã" thấy thương làm sao.

Những ngày nghỉ lễ hoặc dịp cuối tuần, "bà xã" trang điểm chuẩn bị đi đâu, không còn hỏi "Anh thấy "bụng" em có "mập" không"" như thường lệ. Đứng trước kiếng, "bà xã" sờ sờ, nắn nắn, bóp bóp vòng số 2, hỏi "Anh thấy em có "mập" bằng bà "Nă ng-xi"(Nancy) không"", (bà Nancy là "xăng gồ môm" (Single mom) ở kế bên nhà, người nam Mỹ, lớp tuổi "sồn sồn" như "bà xã" tôi nhưng nghe đâu cân nặng 150 lbs.) Hàng ngày bà đưa, rước con đi học ngang qua nhà, đứng nhìn ở góc cạnh nào cũng khó phân biệt đâu là phía trước, đâu là phía sau.)

Mỗi lần "bà xã" tôi gặp bạn bè trong "Xốp-pin Mall" hay các siêu thị Việt nam, ai ai cũng đều nói :"Dạo này trông "bà" "mập" quá rồi nhe, hoặc "Trời!  "bà" ăn gì mà "mập" quá vậy"" Những câu hỏi thân tình của bạn bè càng làm "bà xã" tôi lo lắng, quyết định phải "Đai-ét".

Kể từ hôm ấy, cuộc cách mạng ẩm thực bắt đầu áp dụng trong gia đình tôi.  "Bà xã" muốn mọi thành viên trong gia đình cùng hưởng ứng nên đặt tên cuộc cách mạng ẩm thực này là "Người Người Đai-Ét"." Bà xã" "Đai-ét" vì sợ "mập", mấy cha con tôi bắt buộc phải "ăn theo" thực đơn "Đai-ét" cũng vì sợ..."bà xã", hay..."má mì" mập.

Là một người nội trợ đảm đang, "bà xã" tôi cẩn thận làm một bản "Thực đơn Đai-ét" treo trước cửa tủ lạnh nơi vừa tầm mắt mọi thành viên trong gia đình. Đọc bản thực đơn tôi không thấy có thịt, cá, tôm, cua chỉ toàn là rau, trái cây, đậu hũ, tương, chao. những ngày cuối tuần có thêm trứng, tôm khô và vài món ăn mua thêm ở tiệm cơm chay. Nước uống toàn là loại "Diet", ngoại trừ vài bình sữa, loại "lô phát" (low fat) cho mấy "nhóc tì".

Một chiều cuối tuần, sau khi đưa "bà xã" đi các siêu thị Việt nam, "bà xã" đòi chở đi chợ Đại hàn khu Garden Grove, tôi thấy "bà xã" lựa mua những loại rau, cũ lạ hoắc và một nồi "inoxidable" (kim loại không rỉ) lớn hơn những cỡ nồi bình thường có ở nhà. Tôi nghĩ bụng, hay là "bà xã" "dĩ độc, trị độc", lâu nay ăn kiêng vẫn lên cân bây giờ ăn "thả giàn" tới đâu thì tới. Thấy "bà xã" mua nhiều loại rau, củ và nồi lớn tôi mừng thầm sẽ được thưởng thức món ngon, vật bổ, bù lại thời gian ăn theo "Thực đơn Đai-ét" của "bà xã", phải kiêng cữ đủ thứ như một tín đồ trường trai, đang tu tại gia.

Sau khi đi chợ Đại hàn về tôi thấy "bà xã'' nấu món gì trong nồi lớn phải cân, đo, cắt, đếm những loại rau, cũ kỹ quá. Trước khi mở lửa, "bà xã" cẩn thận lấy đồng hồ báo thức trong phòng ngủ để bên cạnh lò nấu để canh giờ, chắc đây là món ăn đại bổ của thời vua, chúa ngày xưa truyền lại cho thần dân.

Hai "nhóc lớn" vẫn chụm đầu chơi game, " nhóc út" đeo theo tôi ngồi tại "xô-pha" (sofa). Hơn sáu giờ chiều, "má mì" vẫn chưa có bữa ăn tối cho gia đình, chốc chốc "nhóc út" lại chạy lên, chạy xuống bên cạnh "má mì". Ngồi trên phòng khách tôi nghe "nhóc út" hỏi "má mì" :

"Má mì"nấu chè hay nấu "corn" (bắp) hở "má mì""

"Má mì"nấu canh.

"Má mì"nấu canh sao nồi "bích" (big) quá vậy"

"Má mì"nấu nồi canh "big" để dành "đê-đì" (dady) và "má mì" ăn, uống vài ngày tụi con chưa cần phải ăn.
 - "..."..."

Trên màn ảnh TV, trận football đang hồi gây cấn. Loáng thoáng nghe mẩu đối thoại giữa hai má con, tâm trí không còn tập trung trên màn ảnh TV, tôi bắt đầu nghĩ ngợi lung tung. Tại sao "má mì" nấu nồi canh lớn để dành cho "đê đì" và "má mì" ăn, uống nhiều ngày. Mấy "nhóc tì" không được ăn" Nồi canh gì đây" Hay là nồi canh đặc biệt để "tăng cường" cho sự suy thoái "vấn đề đó" của tôi và "bà xã" vì thực đơn "Đai-ét" chăng"

Tôi nhớ lại lời "bà già" nói trước ngày tôi đi vượt biên: "Con sanh năm "con heo", tuổi Hợi. Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn. Sau này dù con ở đâu, làm nghề gì con cũng sướng.” Những lời má tôi nói đem lại cho tôi niềm tự tin, sung sướng và yêu đời. Không ngờ từ ngày qua Mỹ, tuổi Hợi của tôi được (bị") đổi thành tuổi Sửu, tuổi Sửu là con trâu, phải đi cày. Một tuần lễ sáu ngày, nếu không mang cái "ách" vào vai, cũng phải quàng cái "nài" vào cổ. Không biết bao giờ cuộc đời "con heo" của tôi bắt đầu sung sướng, ngày ngày nằm đợi mà ăn"

Ở lớp tuổi chưa đến "lục tuần" mà hậu quả của "Thực đơn Đai-ét" cộng với 6 ngày đi "bấm thẻ" hàng tuần làm cho sinh lực tôi "mất thăng bằng" trầm trọng. Từ tâm trạng này nảy sinh ý nghĩ khác, hay là "bà xã" thấy "chuyện ấy" tôi có "vấn đề" nên mua gà ác về tiềm thuốc bắc cho tôi ăn" Ý nghĩ "đen tối" này làm tôi nhớ lại một vở hài kịch trong DVD của một trung tâm văn nghệ ở Little Saigon, diễn tả người vợ trẻ, đẹp, "hơ hớ xuân tình", người chồng già "khú đế" râu, tóc bạc phơ, nhìn "ông ta" biết ngay không còn "xí-quách", hoặc nếu còn, cũng chỉ "nhỏ giọt" nên bà vợ mua gà ác về tiềm thuốc bắc cho ông chồng ăn đến độ ông chồng phải than thở khi ăn đến con thứ 10, mặt ông ta trông giống như mặt con gà ác! Tôi thầm mong tình trạng "sinh lực mất thăng bằng" trầm trọng của tôi không phải ăn đến con gà ác thứ 10 kẻo phải mang hình ảnh con gà ác đi làm hàng ngày, không biết phải giải thích sao với "Sếp" và sẽ vô cùng khốn khổ với sự trêu chọc của nhóm bạn bè đồng nghiệp lúc nào cũng thích "đùa dai".

Điều lo lắng giả tưởng này đưa tôi trở về thời quá khứ. Tôi nhớ hồi đó ở đường Vỏ di Nguy, Phú Nhuận, một quán ăn có món thịt rắn độc đáo, khi thực khách vào bàn, chọn một hay nhiều con rắn đang nuôi trong lồng, chủ nhà hàng sẽ bắt những con rắn ấy mổ lấy mật pha vào một loại rượu đặc biệt chia mỗi người uống làm rượu khai vị. Tôi không biết hiệu quả món rượu này như thế nào, tôi chỉ nghe nhiều anh em trong giới "Ka-ki" quen gọi là rượu "Ông uống, Bà khen".

Ngày nay tại quê nhà có vài "làng ăn nhậu", tuy không có món mật rắn pha rượu, tôi vẫn nghe nhiều bạn Việt kiều về quê ăn Tết (hay ăn, chơi") kể lại cũng có vài món ăn, thức uống đặc biệt, giới sành điệu gọi là món "Ông ăn, Bà sướng", "Ông uống, Bà khen". Phải chi tại khu Little Saigon này có những thực đơn ăn, uống như vậy, tôi sẽ đề nghi "bà xã" mua về cho tôi ăn thay vì mua gà ác về tiềm thuốc bắc vừa vất vả "bà xã" vừa thêm lo lắng cho tôi phải ăn đến con gà ác thứ 10 sẽ phiền toái vô cùng.

Ý nghĩ tôi còn đang suy diễn về nồi canh đặc biệt "bà xã" đang nấu, bữa cơm tối được bày ra, vẫn những món ăn như trong thực đơn đã "niêm yết", hôm nay cuối tuần, món chính là cà tô mát nhồi thịt, đây là món ăn quen thuộc của người Pháp, vỏ vẫn dùng trái cà to-mát nhưng thịt nhồi làm bằng những thức ăn " Đai-ét", tôi quan sát thấy dường như tròng đỏ trứng gà, lác đác hạt mè nâu, vài trái "ô-liu" (olive) đen, chẻ hai, trộn chung với bắp cải hành tây xắt nhuyễn, thêm chút màu mè trông cũng hấp dẫn; món phụ, rau muống luộc sồn sồn, xắc vừa, trộn với tôm khô loại con nhỏ đã rửa sạch bằng nước đun sôi ngâm với nước chanh (không phải giấm) trước khoảng 2 tiếng đồng hồ; món canh là nước luộc rau muống cho thêm nước chanh tươi và hành lá cọng lớn, xắt cỡ 2 phân rưỡi (khoảng hơn 1 inch), không cho thêm cà tô-mát như thường lệ sẽ làm mất hương vị đặc thù của món chính. Mấy "nhóc tì" không hiểu giá trị dinh dưỡng, thấy "má mì" bày các đĩa thức ăn trông đẹp khen ngon, chúng đâu có biết... ngon mắt chứ không ngon miệng.

Từ ngày mấy cha con tôi phải ăn theo "Thực đơn "Đai-ét" của "bà xã", trong các bữa ăn vắng bớng thịt, cá, tôm, cua. Tội nghiệp "nhóc út", buổi trưa ở nhà không biết "má mì" có bồi dưỡng gì thêm không, hai "nhóc lớn" nhờ những bữa ăn trưa tại truờng nên tình trạng xuống cân chưa đến nỗi trầm trọng. Riêng tôi, thỉnh thoảng cũng "xé rào", hôm nào đi làm sớm ghé qua tiệm KFC mua vài đùi hoặc cánh gà chiên, buổi trưa bày bên cạnh những món ăn "Đai-ét" mang theo, bạn bè đồng nghiệp vừa ngạc nhiên và vừa..."chọc quê" làm bữa cơm trưa ngắn ngủi trong nơi làm việc cũng vui vui.

Đến tháng thứ 3 áp dụng "Thực đơn "Đai-ét" trông "bà xã" tôi có vẻ "ôm ốm" đôi chút, nhưng da dẻ kém hồng hào. Những "dấu chân chim" bắt đầu hiện rõ ở khoé đuôi đôi mắt. Vòng số 2 hơi thon thon không phải nhờ tan mỡ, giảm cân mà tại không dám... ăn no! Đúng là "lợi bất cập hại". Nếu muốn khỏi "Hút" chỗ này, phải "Bôm" những chỗ khác; muốn giảm cân, thon gọn phải "ủi" những nơi không "bằng phẳng", "cắt" bớt những chỗ "dư thừa".

Đôi lúc rảnh rỗi ngồi bên nhau kể chuyện nắng mưa bốn mùa, chuyện trên trời, dưới đất cho nhau nghe, thấy "bà xã" vui vui, tôi kể chuyện quả bóng, nếu căng đủ hơi, nhìn tròn trịa, láng, mịn, đẹp. Khi giảm độ căng, nhìn sẽ thấy nếu không "nhăn" chỗ này, cũng "nhum nhúm" chỗ nọ, đó là định luật đàn hồi. Đem triết lý này ra, tôi muốn "dụ khị" "bà xã", hy vọng chiến dịch "Người Người Đai-ét" sớm chấm dứt để giải cứu mấy cha con tôi, nhưng vô hiệu quả.

Thỉnh thoảng trong giấc ngủ mơ màng tôi loáng thoáng nghe tiếng "dạ dày" than thở : "sao dạo này "du" (you) không đem thịt, cá, tôm, cua vào cho "mi" (me)"" làm cho tôi nhiều đêm cũng thao thức. "Dạ dày" làm sao hiểu được nỗi lòng này, vì "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Tôi không dám trả lời theo sự thật, "dạ dày" sẽ nghỉ mình là hội viên hội "Xơ Vơ".

Điều làm tôi ngạc nhiên, khi bữa cơm tối bắt đầu, tôi không nghe "bà xã" nhắc nhở đến nồi canh đang nấu.  "Nhóc út" thơ ngây hỏi: "Chừng nào "má mì" với "đê-đì" ăn nồi canh" "Má mì" trả lời : "Đó là nồi "Canh Dưỡng Sinh", ăn cơm xong "đê-đì" và "má mì" uống nước canh và ăn những loại rau, củ "Dưỡng Sinh"đặc biệt dành cho người lớn, tụi con vẫn uống sữa hoặc nước ngọt "Đai-ét" trong tủ lạnh.

Câu trả lời của "bà xã" dành cho "nhóc út" làm tôi thở phào nhẹ nhõm không còn lo mình sẽ giống như con gà ác nữa. Cám ơn Thượng Đế đã cho con thoát nạn và vừa trải qua cơn "ác mộng".

Sau khi trả lời "nhóc út", "bà xã" đứng lên xem đồng hồ bên cạnh nồi "Canh Dưỡng Sinh", tắt lửa, rót cho tôi một ly lớn, "bà xã" một ly lớn.  "Bà xã" nói: " em đọc trong tài liệu mấy bạn em cho, "Canh Dưỡng Sinh" này phải cân, đo đúng liều lượng, đủ các loại rau, củ chỉ dẫn trong tài liệu và nấu đủ giờ, quý ông uống vào sẽ trường thọ, ngừa bệnh tật, nhứt là sẽ "tăng cường sinh lực đủ thứ". Khi nói câu "tăng cường sinh lực đủ thứ" không biết bà xã có ngụ ý gì, chỉ thấy nhìn tôi tủm tỉm cười làm tôi hơi "mắc cỡ" nhưng cũng... mỉm cười vui lây để "bà xã" an lòng. Quý bà uống "Canh Dưỡng Sinh" sẽ tan mỡ, giảm cân, tăng tuổi thọ, mãi mãi trẻ, đẹp. Em nấu nồi "Canh Dưỡng Sanh" lớn, "Honey" và em uống chung vài ngày, nếu "phiêu linh" (feeling) có hiệu quả, em không muốn phải "Đai-ét" nữa. Tôi và mấy "nhóc tì" cũng chỉ cầu mong ở 7 chữ cuối cùng  "...Em không muốn phải "Đai-ét" nữa", có thế thôi.

Được thể, "bà xã" nói tiếp, mấy tháng nay, em thèm ăn tô phở, chị Mỹ-Hiền mời đi ăn mấy lần em cũng không dám ăn. Tuần nào chị Cindy cũng mời đến nhà khi thì ăn bún ốc, bún riêu, khi ăn bún bò Huế. Chị khoe bún bò Huế lần này chị nấu ngon lắm, có giò khoanh và giò móng; chị không dùng thịt bò bắp hay thịt nạm bụng như mọi khi, chị nấu bằng đuôi bò, phần nhỏ. Chị nói, tụi mình "nữ thực như miêu", ăn không cần no, chỉ cần ngon. Đuôi bò phần nhỏ, thịt xương bằng nhau, chị em mình "gặm, gặm" ngon hơn. Mấy ông "nam thực như hổ", nhậu nhẹt cần "mồi" đưa "cay", thích đuôi bò phần lớn, thịt nhiều hơn xương, ăn cần no chứ không cần ngon. Chị còn cho biết mua được bắp chuối tươi ở chợ Việt nam nào đó, xắt nhuyễn trông hấp dẫn lắm. Nghe chị Cindy diễn tả món bún bò Huế em "thèm rỏ giải" nhưng đành chịu thôi. Thỉnh thoảng "nhỏ" Lệ Thu cũng bảo "ông xã" đem lại cho gỏi cuốn, bì cuốn. "Con nhỏ" khéo tay, cuốn gọn, đẹp, trông thấy ngon, hấp dẫn, nhiều bì, tôm thịt hơn bán ở tiệm, em sợ không nhận "nó" buồn nhưng em cũng không dám ăn, bỏ hết bì, tôm, thịt chỉ ăn rau và bánh tráng thôi.

Ngày nay câu "Cái nết đánh chết cái đẹp" dường như không còn ứng dụng như ngày xưa, một số quý bà, quý cô vẫn xem cái đẹp trên hết nên nhan nhản khắp nơi đều có thẩm mỹ viện. Nơi nào muốn lấy ra bớt, đi "Hút"; chỗ nào cần cho thêm vào, nhờ "Bôm"; muốn cao lên đi "Nâng"; thêm đậm màu, đi "Xâm"; thích đổi màu, đến "Nhuộm". Ngoài ra, các trung tâm thể dục thẩm mỹ (Fitness Center), những dụng cụ "massage", "kiểu cọ" ghế này, ghế nọ càng ngày càng nhiều và thông dụng đã giúp người phụ nữ ngày nay có điều kiện giữ gìn nét thon, gọn mảnh mai, trẻ đẹp không cần phải "Đai-ét" như đã thịnh hành thời cuối Thế kỷ 20.

. . .

Thời gian qua nhanh, thấm thoắt mấy "nhóc tì" có đứa đã bắt đầu vào Đại học. Bây giờ mỗi lần thấy "bà xã" lấy cái nồi hồi đó dùng nấu "Canh Dưỡng Sinh", hầm xương bò nấu phở hay ninh giò heo làm bún bò Huế, tôi ngoảnh mặt giấu nụ cười thầm và thương "bà xã" tôi quá chừng.

Ngồi viết lại những kỷ niệm trong ký ức, thằng lớn đi rước "má nó" ở thẩm mỹ viện về, ngoảnh nhìn, thấy"bà xã" tôi đẹp quá, mặc dù đã hơn 7 năm không còn "Đai-ét". Cám ơn nền Y khoa tân tiến, ngành giải phẫu thẩm mỹ, tạo hình, cám ơn xã hội văn minh đã giúp đời sống nhân loại ngày càng trẻ trung, xinh đẹp tô điểm cho vườn hoa thế nhân mãi mãi tươi màu, vang tiếng cười của ngàn "hoa biết nói".

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,208,361
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”. Bài mới, tác giả viết cho mùa Giáng Sinh.
Tác giả lần đầu dự VVNM từ tháng 11 và đây là bài viết thứ hai của bà. Sinh năm 1955, qua Mỹ năm 1985, tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý, người của sông Hương núi Ngự. Hiên nay còn làm việc và đang cư ngụ tại thành phố Hayward thuộc miền Bắc Cali. Xin lưu ý: Bút hiệu Minh Thúy có thể lầm với tác giả đã dự VVNM từ 2005: Minh Thùy (dấu huyền). Mong tác giả tiếp tục viết.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng, 15 tuổi vượt biên, định cư tại Mỹ năm 1986 với tên Crystal H. Vo. Kết hôn và thành con dâu một gia đình Mỹ, cô đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ 2018, cô tự hứa mỗi tháng phải viết một bài bằng tiếng Việt. Sau đây, là bài viết mới cho tháng 12.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014, ông tên thật Trần Phương Ngôn, đã sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Bài mới của tác giả viết về mùa giáng sinh.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Bài viết mới của bà được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ hai của bà
Nhạc sĩ Cung Tiến