Hôm nay,  

Săn Ảnh Mùa Thu

24/08/200800:00:00(Xem: 219369)

Tác giả:  Bảo Trân

Bài số 2388-16208464-vb8240808

Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. Việc làm: Nhân Viên Bộ Xã Hội. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của cô là "Người Vẽ Tranh" kể về một trường hợp đặc biệt trong việc xin trợ cấp xã hội. Tiếp theo là hai bài viết  "Vịnh Biệt  Popo," kể về người bảo trợ và "Xa lộ 105" tại miền Nam California kể kỷ niệm sâu sắc về Bố. Sau đây là bài viết mới nhất.

***

Chuyến đi săn ảnh mùa thu của hội ảnh nghệ thuật nơi tôi đang theo học được tổ chức vào cuối tháng chín, từ thứ bẩy đến thứ ba. Chuyến đi săn ảnh này không có trong chương trình học, mà do một giảng viên của hội ảnh tổ chức. Lộ trình được sắp đặt là đi từ Orange County đến miền thung lũng đất đỏ nổi tiếng Bryce Canyon rồi đến công viên quốc gia lá vàng thơ mộng Zion National Park thuộc tiểu bang Utah, và vui nhất là trên đường về bà con còn được ghé lại Las Vegas để thử thời vận. Học viên nào muốn đi thì cứ tự động họp lại thành từng nhóm, từ bốn tới tám người, mướn xe, đặt phòng, mà thong thả đi theo.

Chao ôi chương trình nghe hấp dẫn dễ sợ, nhưng thời gian đi lâu qúa, kéo dài qua đến hai ngày đầu tuần, nhiều người trong lớp không xin được phép nghỉ, nên ngần ngại. Hơn nữa, ông trưởng ban giảng huấn có báo trước là -  "các anh chị đi thì cứ việc đi, nhưng sẽ bị tính là một ngày nghỉ đó" -  (chắc ổng sợ học viên không chăm chú thực tập theo đúng sát sách vở, vì bài thực tập của tuần tới này sẽ là chụp ảnh phóng sự), làm bà con trong lớp càng thêm nản chí, chùn chân.

Tôi và Hươu thì đã đi đến vùng thung lũng đất đỏ này từ mười mấy năm trước, rất thích thú với phong cảnh đất đá bị xoi mòn kết tụ thành những hình tượng lạ mắt (có tượng nhìn giống như hình nữ hoàng Elizabeth đang ngồi trên ngai vàng, có tượng giống như hình ông già cao bồi đội nón, có tượng khác lại giống hình con chim ó dang rộng cánh tung bay... ) nên cũng muốn đi trở lại để học săn ảnh đẹp. Hươu vừa định rủ vài người họp nhóm đi theo, nhưng khi nghe nói sẽ bị trừ giờ học nên thôi. Tháng mười này tôi và Hươu đã hoạch định một chương trình ngao du sơn thủy hơn ba tuần, vắng mặt thêm lần này là không nên, vì theo qui luật thì nghỉ quá ba buổi học sẽ không được cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Thế nên Hươu và tôi đành phải theo thầy đi săn ảnh phóng sự mùa thu ở chợ trời trường Đại Học Golden West.

Trong tất cả những bài học thực tập chụp hình thì tôi chịu cái lối học chụp hình phóng sự này hơn hết, vì cứ như lời ông thầy đã nói: "hình phóng sự không cần phải rõ nét như chụp phong cảnh hay chân dung, không cần phải đẹp, không cần chia đúng bố cục, chỉ cần những hình ảnh trung thực, ghi lại những diễn biến của sự việc, miễn là hình bắt mắt." À nếu như vậy thì hay quá, hình ảnh có sao chụp vậy thì tôi làm được, chứ cứ bắt tôi đo sáng, đổi khẩu độ, tốc độ, rồi làm nhòa hậu cảnh để hình chủ đích nổi bật thì tôi chịu thua. Kỳ này nhất định tôi phải viết một bài phóng sự và đem hình ảnh "trung thực" của tôi lên mạng mới được.

Sáng chủ nhật, tôi và Hươu Đảm Đang lóc ngóc dậy sớm sửa sọan, vì phải có mặt ở điểm hẹn lúc chín giờ. Tôi pha café bỏ vào bình thủy, làm hai khúc bánh mì kẹp chả đem lên xe, tranh thủ vừa đi vừa ăn để không bị đến trễ. Tôi nhìn bầu trời ảm đạm mà não lòng. Cơn mưa lớn từ đêm hôm qua vẫn chưa chịu dứt hẳn. Xe đã ra đến xa lộ 57 rồi mà vẫn còn lác đác những giọt mưa rơi. Nhưng cũng may là khi chúng tôi đến gần địa phận thành phố Westminster thì trời bỗng dưng nắng ráo, chứ không thôi là tôi và Hươu sẽ phải che dù đi săn ảnh dưới mưa.

Địa điểm tập họp của buổi thực tập sáng hôm nay là khoảnh đất trống ở phía trước "information booth", cái nhà màu trắng nằm cuối con đường dẫn vào trường đại học, chia đôi cái chợ trời và bãi đậu xe. Tìm địa điểm tập họp không khó, nhưng tìm được cái chỗ đậu xe mới là trần ai. Mới có chín giờ sáng, nên người mua sắm vẫn qua lại dập dìu, chưa có ai chịu dời xe ra về nên Hươu phải đậu xe tuốt luốt gần cuối bãi.

 Đậu xe xong, tôi và Hươu đi bộ ra tới nơi tập họp thì thấy chỉ có độ năm ba người cùng lớp, đang đứng, ngồi chung quanh mấy cái ghế đá gần gốc cây tán dóc. Họ đang sôi nổi tranh cãi về kết quả cuộc thi ảnh thế giới 2007 vừa rồi ở bên Áo, về những giải thưởng mà mấy nhiếp ảnh gia Việt Nam đã đoạt được, về những tấm ảnh có bố cục, hình thể lạ lùng mà không hiểu sao đã được giải thưởng. Tôi và Hươu cũng hăng hái vào nhập bọn, bàn tán, vì hai đứa tôi cũng có được nghe nhiều lời than phiền về cách thức tuyển chọn ảnh...  "lạ" năm này và đã được xem hết những tấm hình trong bộ ảnh của cuộc thi.

Nói chuyện chán rồi mấy ông bà học viên lớp ảnh đứng dậy cầm máy ảnh đi vòng quanh mấy con đường vào chợ trời chụp cảnh người tới lui tấp nập. Vì chờ đợi lâu quá nên một anh trong lớp, ở xa đâu tận vùng San Fernando Valley, mà lại là người đến sớm nhất, đã phải bực dọc thở than: -  "thiệt đúng là, không ăn đậu thì không phải Mễ, không đi trễ thì không phải Việt Nam!" -

Phải chờ đến gần mười giờ thì lớp học mới tạm gọi là đầy đủ. Chờ học viên ghi danh xong xuôi, anh Sơn, giảng viên thực tập tuần này, mới ôn lại những qui luật của bài chụp ảnh phóng sự trước khi cho xuất phát. Anh dặn đi dặn lại là "phải xin phép trước mới được chụp, vì mỗi gian hàng là một tài sản riêng tư."

 Có một anh đến từ sớm, thay vì đứng tại chỗ chờ bạn, chờ thầy, anh đã vác máy ảnh đi dạo một vòng để thăm thú tình hình, cũng lên tiếng cảnh cáo:

- Bà con đi chụp hình nhớ cẩn thận, tôi vừa xém bị ông Mễ anh rượt chạy có cờ, cho dù tôi đã xin phép chụp hình đàng hòang. Người em thì -  ok, no problema, cinco dolares. -  Chưa kịp trả giá thì người anh đã chạy xấn sổ từ trong xe van ra đuổi như đuổi tà - vayase, vayase...  -

Anh Sơn cười:

- Các anh chị cũng biết hàng hoá ở chợ trời đôi khi có xuất xứ không... rõ ràng, thành các anh chị mà chụp hình gian hàng của người ta thì họ... ngại là đúng rồi.

 Có người thắc mắc:

- Nếu vậy thì phải làm sao" Cứ phải đi xin phép hòai thì mệt quá.

Anh Sơn trả lời:

- Thì làm vậy nè, mấy anh chị đi chung với nhau thành nhóm phải không" Biểu ai đó trong nhóm của mình đứng làm cảnh, rồi cấm máy ảnh lên nhắm, nhắm xong xuôi, chừng người mẫu cười nhe răng vàng sáng chói thì nhanh nhẹn chĩa máy hình sang phía khác mà bấm...

 Cả lớp cười ầm lên với sáng kiến của ông thầy. Dặn dò kỹ càng xong anh Sơn tuyên bố tan hàng, mỗi nhóm đi về một hướng, tìm xem có hình ảnh gì đặc biệt để đưa vào máy ảnh.

Tôi cũng cầm cái máy hình Canon Power Shot S45 của mình đi theo. Từ hồi tôi làm bài thơ kể rõ cái đức "công dung ngôn hạnh" của Hươu Đảm Đang cho cái diễn đàn nho nhỏ của tôi biết thì ông chồng tôi nhất định không đeo giùm máy hình cho tôi nữa. Mà phải chi cái máy hình này nó nặng nề gì cho cam, chưa tới hai pounds. Ổng chỉ việc đeo cái bao đựng máy vào đai lưng quần, rồi bỏ cái máy hình vô, vậy mà ổng cũng làm biếng, báo hại tôi vừa phải đeo cái ví, vừa phải na nó theo.

Biết là không nhớ nổi hết từ đầu tới đuôi những sự việc diễn tiến của ngày săn ảnh theo thứ tự lớp lang, và cũng không thể ghi chép lại rõ ràng ngay trong lúc đi săn ảnh, nên tôi đã đem theo cái mp3 recorder để thu hết dữ kiện vào rồi về nhà mở ra nghe theo đó mà viết lại cái bài phóng sự "Tôi Đi Săn Ảnh Mùa Thu ở Chợ Trời". Tôi cầm cái mp3 recorder để gần miệng, đang hăng hái bắt đầu bài viết của tôi bằng câu nói: - " Hôm nay là một ngày đầu thu, trời trong xanh, có những đám mây trắng đang lãng đãng trôi trên khung cảnh nhộn nhịp của chợ trời Golden West..." - thì có một chú nhỏ học chung nhóm với tôi, vác cái máy hình có cái ống cà nông to tổ bố đang chớp lia chớp lịa khung cảnh chợ trời, nhìn sang thấy tôi không lo chụp hình mà cứ thì thầm với cái máy thâu nên la lên:

- Chị đi chụp hình phóng sự chứ đâu phải đi làm phóng sự cho đài truyền thanh, truyền hình đâu mà chị cứ lải nhải với cái máy đó hòai vậy"

Chú nhỏ la lớn quá, làm mấy người cùng nhóm cũng quay lại nhìn tôi, dò hỏi. Tôi sợ ông thầy còn đang lang thang mua sắm ở đâu đó nghe được, nên đành tắt máy thâu, giơ máy ảnh lên cũng quay qua quay lại bấm lia lịa, không cần biết là có chớp được tấm hình nào ra hồn.

Vòng qua vòng lại một hồi tự nhiên tôi thấy mình lạc mất khỏi cái nhóm nhỏ của mình. Tìm loanh quanh một lúc tôi mới thấy cả nhóm đang đứng thành vòng tròn bên cái gian hàng bán đồ chơi cho con nít. Thì ra chụp đi chụp lại hòai cũng chỉ có hình mấy gian hàng bán quần áo, lạc xoong, với người đi qua đi lại nên các ông bà thợ săn ảnh đâm chán, bảo nhau đi tìm những hình ảnh hấp dẫn hơn. Tình cờ đi đến gian hàng này, thấy mấy con khủng long bằng máy đang múa may quay cuồng, bên cạnh có những đứa bé đang thích thú nhìn ngắm, múa theo, thấy vui vui nên mấy ông bà thợ săn ảnh hân hoan giơ máy lên ... săn ảnh.

Đi một hồi nữa thì bỗng dưng tôi nhìn thấy cái bảng hiệu "PHỞ", phất phơ ở một góc lều của cái xe bán đồ ăn dã chiến, gần đó lại có một cô Mễ nhỏ, mũm mĩm, đang xếp mấy gọn ghẽ cái churros từ trong thùng carton vào trong tủ kính. Nhìn qua nhìn lại thì tôi chỉ thấy toàn là người bản xứ đang ngồi chiến đấu với hot dog, hamburger và burrito chứ đâu có thấy người nào ngồi ăn phở. Tưởng vì đi bộ mấy vòng nên bụng đói, mắt hoa, nên tôi lò mò chạy tới gần để xem cho kỹ, thì tôi thấy rõ ràng là chữ "PHỞ", có phụ đề Anh Ngữ - Beef Rice Noodle Soup -, và hình vẽ tô phở đang bốc khói ở ngay dưới hàng chữ phụ đề. Tôi ngần ngại hỏi cậu thanh niên có nét dáng Việt Nam đang đứng xếp mấy cái lon nước ngọt vào thùng đá để ướp lạnh:

- Ở đây có bán ... phở hả"

Cậu thanh niên không ngừng tay làm việc trả lời:

- Yép.

Tôi quay qua tìm Hươu Đảm Đang, nói anh chụp cái tấm bảng quảng cáo "PHỞ" bằng máy hình

Canon 40D của anh cho sắc nét. Chắc là tấm hình này bắt mắt lắm đây, đúng là hình phóng sự.

Tôi nói nhỏ với anh:

- Không biết phở này có ngon không, muốn thử không"

 Hươu vừa chụp hình vừa trả lời:

 - Phở chợ trời mà, em muốn ngon như ngòai Bolsa sao" Muốn thử thì cứ việc, nhưng không ngon thì đừng càm ràm.

Nghe Hươu nói tôi cũng thấy hơi nghi ngờ nên im lặng thông qua, và chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình.

Cái nhóm nhỏ của tôi đi theo con đường song song với con đường Golden West vòng qua gian hàng bán cỏ cây hoa lá. Vừa đến nơi thì chúng tôi đã bị thu hút bởi mấy cái chậu hoa lạ có những cái hoa hình dáng của những cái kèn ống loa treo lủng lẳng trên nhành, loại hoa được cô bán hàng hăng say quảng cáo là có một công dụng đặc biệt bắt muỗi, bắt ruồi. Vừa định xin phép để chụp hình cái chậu hoa lạ này thì tôi nghe cô bán hàng reo lên: - "À, anh Nam, đi đâu đây"" - Thì ra cô quen với một anh bạn trong nhóm nhỏ của tôi. Vậy là không cần phải xin  phép nữa, cả nhóm giơ máy ảnh lên chụp hình mấy chậu hoa lạ lia lịa trong khi anh Nam lăng xăng chụp hình người đẹp bán hàng với mấy chậu phong lan.

Bọn tôi đi thêm một vài vòng nữa là đã đến cuối góc của cái chợ trời, phía song song với con đường Edinger, nơi này chỉ có những gian hàng bán cây kiểng to lớn và chậu đất để trồng cây.

Nắng lúc này đã lên cao và rất gắt. Tôi cũng cảm thấy mỏi mệt nên bảo Hươu rủ mấy ông bà thợ săn ảnh chấm dứt buổi thực tập ở đây. Chừng chia tay ra về, ngoài máy ảnh đeo trên cổ, người nào trong nhóm tôi cũng nhịp nhàng tay xách, tay mang. Có người mua vài đôi vớ. Có ông sắm mấy cái mỏ lết, bù lon sửa xe. Có bà ôm theo chậu hoa bắt ruồi, cái lòai hoa lạ ở trong gian hàng hoa lúc nãy. Bà khác thì mua mấy pounds cà chua chín mà bà bảo là rẻ và tươi hơn ở siêu thị bên ngoài. Tôi cũng sắm cho mình một cái dụng cụ nặn mụn, cái kìm cắt móng tay. Ít có ai đi vô chợ trời mà đã chịu về tay không. Bọn tôi thong thả đi ra bãi đậu xe mà lòng khoan khoái. Đúng là một công đôi ba việc: vừa được đi bộ tập thể thao trong một ngày đẹp trời cuối tuần, vừa được đi mua sắm, và vui hơn nữa là hoàn tất được một buổi thực tập - săn ảnh phóng sự mùa thu.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,351,359
Tác giả lần đầu góp bài. Qua bài viết đầu tiên, đã thấy cách ông viết rất tinh tế, chu đáo, nhiều chi tiết sống động. Mong ông tiếp tục viết về nước Mỹ và vui lòng bổ túc sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Tác giả sinh tại Saigon năm 1962, hiện cư trú tại Tulsa, Oklahoma. Nghề nghiệp: kỹ sư cơ khí, làm cho hãng Boeing, OKC. Học vấn: cao học. Gia đình: vợ và ba con: hai gái, một trai. Góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, Lê Như Đức là một tác giả rất được quí trọng. Mừng ông tiếp tục viết.
Tiếp theo chuyện “Saigon 68” đây là một hồi ức Mậu Thân về khu Thành Nội Huế. Định cư tại vùng Bắc Cali từ 20 năm trước, Deborath Tường Vân là nhân viên Sở Xã Hội San Jose và từng chăm sóc Bà Trùng Quang -vị niên trưởng của giải thưởng Việt Báo- liên tục hơn 6 năm cuối đời. Cô đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Hồi ức Mậu Thân của Tường Vân là chuyện kể về khu Tây Lộc trong thành nội, nơi phải gánh chịu nhiều tang tóc nhất trong địa ngục Huế Tết Mậu Thân.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1944, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài viết mới của ông là một hồi ức về trận chiến năm Mậu Thân, khi Đại Đội TQLC do ông chỉ huy được biệt phái theo tướng Nguyễn Ngọc Loan trong trận chiến Mậu Thân tại Saigon 1968.
Tác giả là cư dân Garden Grove, California, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2018. Ông qua Mỹ trong một gia đình H.O. từ tháng Sáu năm 1994, vừa làm vừa học và tốt nghiệp kỹ sư điện tử. Sau đây là bài viết về nước Mỹ thứ ba của ông.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Nhân thời điểm 50 năm sau trận chiến Mậu Thân 1968 Viết Về Nước Mỹ 2018 sẽ có thêm giải thưởng đặc biệt về “Hồi Ức Mậu Thân”. Sau đây, xin mời đọc một bài viết cũ của tác giả Võ Trang, một kỹ sư điện làm việc cho Bộ Hải Quân Hoa Kỳ tại San Diego, kề từ hồi ức đau thương về người cha bị cộng sản chôn sống trong trận Tết Mậu Thân 1968 tại Gia Hội, Huế, khi tác giả còn là cậu bé 15 tuổi. Bài viết đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2009.
Tác giả sinh năm 1929 tại Quảng Trị, Cựu Trung Tá QLVNCH, cựu tù cải tạo. Định cư tại Sacramento, Cali. Năm 1991; Hội trưởng sáng lập Hội Thơ Tài Tử Việt Nam Hải Ngoại từ 1994; Sách đã xuất bản: Truyện ký "Người Trai Thời Chiến"; tập thơ "Chuyện Ngày Xưa"; Từng nhận “Certificate of Recogni-tion do The Sacramento International Poetry Hall of Fame tại Đại Hội Thi Ca Quốc Tế Sacramento 2006; Tác giả hiện là cư dân thành phố Garland, Texas và là Hội Trưởng Hội Người Việt Cao Niên Dallas nhiệm kỳ 2016-2017. Cho tới nay, với tuổi 89, ông cũng là vị tác giả cao niên nhất trong năm 2018 dự Viết Về Nước Mỹ. Kính chúc ông vui khỏe.
Nhạc sĩ Cung Tiến