Hôm nay,  

Những Mùa Hoa Phượng Đỏ

28/07/200800:00:00(Xem: 137409)
Tác giả: Anthony Hung Cao

Bài số 2364-16208440-vb2280708

Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Ông là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008 với một bài viết giản dị cho thấy tấm lòng của người viết: nhìn con trẻ hạnh phúc tại Mỹ, nhớ những tuổi thơ bất hạnh ở quê cũ. Bài viết mùa hè này  của ông kể chuyện gặp lại cây phượng vỹ tại Florida và tại Bahamas, vùng Carribean (hình bên).

***

Có những thứ xung quanh chúng ta thường gặp hàng ngày nên chúng ta nghĩ rằng sự hiện diện của chúng là điều tự nhiên do tạo hóa ban phát cho. Đến một lúc nào đó, bổng nhận ra chúng không còn ở quanh ta, chúng ta mới bắt đầu cảm thấy nhớ, nuối tiếc và lưu luyến với những kỷ niệm về chúng. Điều đầu tiên tôi muốn nói đến là loài hoa phượng đỏ hay còn gọi là phượng vĩ của mùa hè.

 Trời cuối tháng sáu với cái nắng oi bức của mùa hè ở miền khí hậu nhiệt đới, vừa lái xe ra khỏi phi trường Ft. Lauderdale ở Florida, tôi đã bật lên tiếng reo vui khi nhìn thấy "nó". Tôi quay sang hỏi vợ tôi để chắc chắn tôi đã không nhìn lầm:

"Em nhìn kỹ xem có phải là hoa phượng vĩ giống như ở Việt nam của mình không""

Tôi lái xe thật chậm như muốn chiêm ngưỡng hết không bỏ sót một cây hoa phượng nào mặc cho những chiếc xe khác đang bấm còi inh ỏi phía sau. Trước đây tôi đã đến Florida một vài lần, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đến vào mùa hè. Có lẽ đã hơn hai mươi năm kể từ lần cuối cùng tôi được ngắm nhìn hoa phượng đỏ trên mảnh đất quê hương tôi. Lần đầu tiên cây hoa phượng ấy đã để lại trong tôi một kỷ niệm thật khó quên, hay nói đúng ra nhờ nhánh cây hoa phượng đã "cứu" tôi khỏi bị phạt trong những năm học cấp hai.

Số là không biết nhân lễ kỷ niệm gì dành cho các thầy cô giáo mà mỗi ngày trong lớp học phải có một bình hoa đặt trên bàn của thầy cô . Hôm ấy đến phiên tổ tôi được phân công để mang hoa đến cắm vào bình. Không biết có lẽ do mải lo chơi với đám bạn bên những con dế lửa hăng đá vừa mới bắt được qua những cơn mưa rào vào đầu mùa hạ hay không mà tôi quên mất nhiệm vụ "thiêng liêng" của mình. Sau khi ăn qua loa bữa cơm trưa, tôi ôm cặp vội vàng rảo bước đến trường, tuy mắt vẫn dáo dác nhìn quanh những dãy hàng rào phía trước những ngôi nhà xây dọc theo con đường đến trường. Thời buổi "kinh tế xã hội chủ nghĩa" còn đang "quá độ" nên nhiều nhà chỉ thấy toàn trồng khoai mì và những hàng bắp để bù cho bữa ăn thiếu cơm thay vì trồng những khóm hoa đầy hương sắc. Sắp đến trường mà tôi chẳng thấy một cành hoa nào thập thò ra khỏi những dây kẽm gai hàng rào để tôi ngắt trộm. Chẳng nhẽ bẻ hoa bắp chưng trên bàn cô giáo chủ nhiệm hôm nay thì kỳ quá. Đã thế hôm nay lại có thầy hiệu trưởng xuống lớp dự giờ. Kiểu này chỉ có nước chết. Chẳng nhẽ cái "thiên đàng chủ nghĩa xã hội" mà hàng ngày tôi được học ở trong lớp lại thiếu hoa đến như vậy sao. Ngày xưa lúc bà tôi còn sống, những buổi trưa hè nằm trên chiếc võng đu đưa, tôi thường được nghe bà kể những câu chuyện cổ tích, có những ông bà tiên cho những người làm việc thiện sau khi chết được lên thiên đàng. Trong trí óc non nớt của tôi lúc đó, thiên đàng là nơi có đầy hoa cỏ thật đẹp, với những đám mây trắng dật dờ trôi trong ánh nắng nhè nhẹ. Tôi luôn nguyện ước khi lớn lên, tôi sẽ làm thật nhiều công việc thiện cho đời để sau này cũng được lên cái thiên đàng ấy, tránh cái địa ngục mà ai cũng sợ phải bị đày xuống đó khi làm nhiều điều ác.

Vậy mà cái "thiên đàng" nơi tôi đang bước đi giờ này không có lấy một nhánh hoa ra hồn để tôi mang vào lớp học. Trời mùa hè với cái nóng hầm hập làm mặt đường như có những làn hơi nước tỏa lên, vậy mà lưng tôi đang toát ra những giọt mồ hôi lạnh ngắt. 

"Hay là giả bộ bệnh để bỏ về nhà"" Tôi vừa đi vừa thầm nghĩ. Nhưng chắc không được vì buổi sáng mới vừa chơi xong với mấy thằng bạn trong lớp ở cùng xóm. Thế nào tụi nó cũng mét lại với cô chủ nhiệm.

Đang miên man suy nghĩ, tôi đã bước đến cổng trường từ lúc nào. Tôi bước những bước nặng nề như kẻ phạm tội sắp bước lên đoạn đầu đài, khác hẳn với những bước chân còn đùa giỡn tinh nghịch với đám bạn lúc ban sáng. Tôi thầm trách "đứa nào" bày trò cắm hoa trong lớp học. Tôi cũng rủa thầm cái "thiên đàng" nghèo xơ xác nơi tôi sống.

"Bộp!"

Một cái gì đó chợt rơi trúng cái đầu với mái tóc cháy nắng của tôi. Tôi vốn ghét đội nón vì có lần má tôi nói tôi có mái tóc giống như tài tử nào đó ở Hollywood nên tôi áp dụng câu nói "tốt khoe, xấu che", đến nỗi mái tóc của tôi bị cháy nắng vì không đội nón giống như tóc "hilight" của mấy bà, mấy cô thường thấy ở bên Mỹ. Tôi đưa mắt nhìn quanh xem đứa bạn nào dám cả gan chọc phá tôi vào lúc này. Đến lúc đưa tay sờ lên đầu , tôi mới vỡ lẽ thì ra đó là một cánh hoa phượng vừa mới rơi xuống còn vướng lại trên mái tóc. Tôi chợt ngẩng đầu nhìn lên cây phượng đỏ trồng bên cổng trường mà bấy lâu nay tôi không mấy để ý đến, trừ những lúc cùng đám bạn ra cặm cụi quét dọn đám lá và những tàn hoa rụng đỏ cả một góc sân trường.

"Sao mình không bẻ đại một nhánh phượng mang vào lớp chưng""

Vừa suy nghĩ xong thì tôi đã trèo thoăn thoắt lên cây và cố với tay bẻ một nhánh cây có nhiều hoa nhất. Tiếng kẻng vào lớp chợt vang lên làm tôi quýnh quánh tuột xuống cây thật vội đến nỗi bị một nhánh cây khô đâm vào tay để lại một vết sẹo dài trên cánh tay còn in dấu cho đến bây giờ. Vậy mà hôm đó từ thầy hiệu trưởng đến cô giáo chủ nhiệm đều trầm trồ khen ngợi tôi có "sáng kiến" chưng hoa phượng trong lớp học là một việc làm hết sức... ý nghĩa như "mang cả một khung trời mùa hè vào lớp học". Tôi thì đang lo xuýt xoa với cánh tay đau nên nghe câu được câu mất. Dù sao kể từ hôm đó, tôi nhìn cây hoa phượng đỏ với ánh mắt nhiều thiện cảm hơn và ít bực dọc khi phải gò lưng với cây chổi trong tay để thanh toán đám hoa rơi.

Nếu nói thêm về những kỷ niệm sau đó với cây hoa phượng vĩ thì cũng không có bao nhiêu. Tôi vẫn nhớ mấy câu hát trong bài "Phượng hồng" của nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thơ của thi sĩ Đỗ Trung Quân với "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu. Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu...". Tuy nhiên tôi thầm "chê" ông thi sĩ này phải đợi đến năm mười tám tuổi mới dám mượn cánh hoa phượng để nói về một mối tình đầu thầm lặng. Tôi thì "tuổi trẻ tài cao" nên không phải chờ đến năm mười tám tuổi mới có mối tình đầu, mà cuối năm cấp hai (lớp 9) đã biết vương vấn một bóng hồng.

Đó là những tuần lễ học "bồi dưỡng" văn để chuẩn bị dự thi vòng toàn quốc vào năm đó (trong cái "thiên đàng xã hội chủ nghĩa", lúc nào người ta cũng nghĩ đến miếng ăn trước, nên thay vì gọi là trau dồi thêm kiến thức văn chương, người ta gọi là đi "bồi dưỡng").

Đó là dịp tôi được thoát ra cái ngôi trường nhỏ bé để làm quen với năm người bạn từ những trường khác đến, với hai cô giáo được tuyển chọn từ các trường trong tỉnh để thay phiên nhau dạy chúng tôi để chuẩn bị cho cuộc thi.

Đó là nơi đã ghi lại mối tình đầu với cánh hoa phượng đỏ tôi nhặt vội trong sân trường ở giờ nghĩ giải lao và để lại trên chiếc bàn học của cô bạn mới, như một lời tỏ tình thì thầm. Và cũng bởi vì cánh hoa không biết nói, nên "lời tỏ tình chẳng có người nghe" và cũng thoáng bay qua đời tôi như một cơn gió nhẹ cuốn trôi theo những cánh hoa rơi vương vãi trong sân trường...

Những năm học ở trung học thì trường không có một cây phượng vĩ nào nên không để lại một nét thơ mộng nào trong tôi cho tuổi học trò vào mùa hè với những quyển lưu bút chuyền tay nhau. Tuy nhiên ở cái lứa tổi 17, 18 đầy nhiệt huyết của người thanh niên mới lớn, tôi bắt đầu nhận thức nhiều hơn những trái ngang, bất công trong cuộc sống xung quanh và trên thế giới. Trong tôi luôn có một bầu máu nóng đầy nhiệt huyết do thừa hưởng tính oai hùng của người lính chiến Quốc gia mang nhiều lý tưởng mà chưa thực hiện được của ba tôi. Tôi không bao giờ muốn mang cái mặc cảm là "con của người lính nguỵ" để phải cúi đầu im lặng trước những điều trái tai gai mắt ở xung quanh. Xui cho tôi là cô giáo dạy văn năm lớp 12 cũng là bí thư đoàn của trường. Tôi còn nhớ những giờ văn trong lớp là lúc tôi và một thằng bạn khác tên K. thay phiên nhau đứng lên chất vấn cô này về những vấn đề chính trị đang diễn ra bên ngoài xã hội trái ngược với những gì chúng tôi được học ở trong trường. Đại khái những câu hỏi như "nếu cô nói xã hội chủ nghĩa là ưu việt, và xã hội tư bản có cảnh người bốc lột người, thế tại sao Trung Quốc theo chủ nghĩa xã hội mà lại mở cửa mời các nhà tư bản nước ngoài vô đầu tư kinh tế""

Tất nhiên là cô giáo mang tiếng bảo thủ này bị một phen lúng túng tìm câu trả lời còn đám bạn học thì xì sầm thích thú. Kết quả cho những lần chất vấn của tôi là bài luận văn đầu tiên cho đứa học trò hay "nổi loạn" trong lớp, tôi bị điểm 5 vì tôi dám "cả gan" viết thêm những điều bất công trong xã hội vốn bị coi là cấm kỵ lúc bấy giờ. Những năm học trước, tôi thường tự hào với những bài văn của mình thường được điểm cao và được đọc cho cả lớp nghe. Lần này với bài luận văn bị phê là "lạc đề", bài văn chỉ được đám bạn tò mò lén lút chuyền tay nhau coi. Vì quá bất mãn nên tôi không còn hứng thú với văn chương vào lúc đó, vì mỗi lần cầm bút tôi chỉ muốn viết với tất cả tâm tình của mình. Tiếc thay xã hội Việt Nam lúc đó và cho mãi đến bây giờ luôn cấm đoán và muốn bẻ cong ngòi viết của những người muốn viết lên sự thật. Nếu không có cơ hội đến được cái thiên đàng thật sự ở nước Mỹ này, tôi không biết tương lai của tôi sẽ đi về đâu với một kẻ hay chống lại những bất công, ngang trái trong xã hội như tôi.

Thế là hơn hai mươi năm sau, tôi được nhìn lại những hàng cây phượng vĩ khi tôi đưa gia đình đến Florida để chuẩn bị cho chuyến đi cruise ở Carribean. Không thể viết hết những nỗi bồi hồi, xúc động khi tôi chợt nhìn thấy hàng cây phượng vĩ lúc  lái xe rời khỏi phi trường Ft. Launderdale. Nếu ai đó vẫn còn đang sống ở Việt Nam hay ngay ở tiểu bang Florida này, hàng ngày được nhìn những hàng cây phượng vĩ chắc hẳn sẽ ngạc nhiên trước những cảm xúc chợt dâng trào trong tôi. Trong phút chốc, tôi nhìn lại vết sẹo trên cánh tay với kỷ niệm của ngày nào trèo lên cây để bẻ vội một nhánh hoa chưng trong lớp học. Một chút thoáng buồn khi tôi thấy màu hoa phượng vĩ không được đỏ chói như ở quê nhà mà nó có một màu cam đậm. Chắc loài hoa phượng vĩ khi đến đây cũng bị "Mỹ hoá" một phần nào như những người Việt tị nạn của chúng ta chăng"

Mãi đến vài ngày sau khi đã lênh đênh trên mặt biển và dừng lại ở một vài đảo nhỏ, tàu chúng tôi mới ghé lại Nassau, thủ phủ của Bahamas. Nơi đây tôi tìm lại được màu sắc nguyên thủy của loài hoa phượng đỏ. Vì chúng mà bà vợ tôi đã phải mệt nhoài với những tấm hình chụp ông chồng đủ kiểu đứng, ngồi, nằm bên những gốc cây phượng đỏ cho bù lại những tháng ngày xa nhớ.

Kỳ tới: Chuyện xứ Bahamas: Phượng đỏ, Da đen.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,813,524
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Ngay năm thứ hai của Viết Về Nước Mỹ, Việt Báo Online ngày 5 tháng Một, 2001, có phổ biến bài “Trái Tim của Đại Dương” của tác giả Minh Nguyệt.
Christina sinh năm 1975, chỉ 2 tháng trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Ba bị tù csvn 10 năm. Gia đình qua Mỹ theo diện HO năm 1991, khi Christina được 16 tuổi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tựa đề là dòng cuối của bài viết kể chuyện “Celine Dion hát ở Paris.” Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010.
Tác giả lần đầu dự Viết Về nước Mỹ. Như Nguyện định cư tại Mỹ 24 năm. Đã tốt nghiệp Đại học Tổng hợp. Hiện đang là cộng tác viên của Đài truyền hình Tuổi trẻ hải ngoại BYN 57.3 tại Houston,
Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tác giả là "Nhân Chứng Tai Nạn", phổ biến ngày 1 tháng Bẩy 2016, ngày bắt đầu năm thứ 18 của chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt.
Nhạc sĩ Cung Tiến