Hôm nay,  

Cám Ơn Người

13/07/200800:00:00(Xem: 259085)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 2350-16208426-vb8130708

Tác giả sinh năm 1972; Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Tốt nghiệp Management Information System. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Với “Cám Ơn Em, Cám Ơn Peace Corps” và nhiều bài viết đặc biệt khác Phương Dung vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, và là một trong 10 tác giả được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online. Sau đây là bài viết mới nhất của Phương Dung, kể về cuộc hành trình từ Florida về California dự họp mặt Viết Về Nước Mỹ. Hình do Thy chụp  trước trụ sở Việt Báo chiều thứ Sáu 27-6. Từ trái: Anne Khánh Vân, Thụy Nhã (ngồi), Sapy Đi Đi, Nhã Ca,  Ng.T. Phương Dung và Nguyễn Văn Hưởng.

* Tháng năm

Sắp đến hè. Khí hậu Florida bắt đầu oi bức. Mới đó mà mau thật. Giờ này năm trước còn ở Cali, còn co ro với cái áo len mỏng mỗi buổi chiều khi ra ngoài vườn ngắm hồ cá koi. Vậy mà cũng gần một năm rồi. Vẫn chưa quen được Florida. Vẫn nhớ nắng, nhớ gió, nhớ trời Cali...

Mùa hè. Mùa của tiệc tùng hội họp. Tôi ngắm nghía mấy cái thiệp ở trên bàn. Năm nay hai đứa cháu ra trường Trung Học. Ba cái đám cưới của cô em họ và các bạn trong Ca Đoàn và Nhóm Giới Trẻ . Buổi lễ phát thưởng Viết Về Nước Mỹ của hệ thống Việt Báo.

Phải về Cali một chuyến thôi. Dù sao cũng phải thò mặt vào sở, ba tháng rồi chưa về còn gì. Lũ nhóc đã một năm chưa gặp ông ngoại, các chú bác và anh chị em họ. Làm sao có thể vắng mặt trong ngày trọng đại của những người bạn cũ" Còn những người bạn mới chưa một lần gặp mặt nữa"

Phải về thôi. Về dự các buổi họp cuối năm tài khóa của sở, thăm gia đình bạn bè, dự những buổi hội ngộ và luôn tiện làm một chuyến viễn du lên miền tây bắc. Vé máy bay cho cả nhà vào thời buổi xăng gạo đắt đỏ là một phí tổn không nhỏ. Nhà cửa đi cả tháng không ai chăm sóc thế nào cũng bị HOA (Home-Owner-Association) gửi giấy cảnh cáo và biên phạt. Hai con chó nhỏ không biết gửi ai" Hơi khó đây. Phải tính lại xem.

Mấy ngày sau, khi đã nghiên cứu kỹ lịch trình của những buổi hội họp, chuyến bay cùng giá cả, tôi lên thời khóa biểu cho hai mươi bốn ngày ở miền tây. Chàng nhăn mặt, "Chương trình gì mà nghe không cũng đủ ná thở, sức đâu nữa mà chơi"" Tôi nói, "Chịu thôi. Chỉ có hơn ba tuần mà bao nhiêu việc để làm, chỗ để đi, người để gặp. Đi chơi không biết mệt đâu. Cứ tính sơ sơ như vậy đi, cần thì uyển chuyển sau."

Vậy là sắp xếp chi tiết, thông báo với mọi người rồi chờ đợi. Nôn nao nhất là buổi hội ngộ với nhóm Việt Bút. Tôi đến với nhóm này thật vô tình. Ông xã là đọc giả nhiều năm của Việt Báo. Tôi thì phần bận rộn, phần quen đọc báo Mỹ nên không biết nhiều đến những tờ báo Việt. Thỉnh thoảng thấy chàng vừa nghiền ngẫm bài trên mạng vừa phì cười, hỏi ra mới biết đang đọc mục Viết Về Nước Mỹ. Biết tôi thích thơ văn, chàng khuyến khích viết. Tôi trả lời tiếng Việt em nói còn chưa chuẩn, thi thố gì với ai.

Tôi rời Việt Nam lúc mới vừa học xong lớp bốn. Bố tôi nói học hành với "xã hội chủ nghĩa" biết đọc biết viết là may rồi. Qua Mỹ lớp học tôi chỉ có bốn đứa gốc Việt, mà ba cô nhỏ kia qua Mỹ đã lâu, chỉ toàn nói tiếng Anh. Mẹ sợ tôi quên tiếng Việt, thấy nhà thờ có lớp dạy Giáo Lý và Việt ngữ cuối tuần, ghi danh bắt đi học ngay. Thời gian này cộng đồng Việt còn ít người, những thầy cô thiện nguyện không có sách vở và chương trình dạy kỹ lưỡng và cấu trúc như bây giờ. Tôi nhớ lớp học chỉ có cái bảng đen. Thầy mấy cục phấn, trò vài tờ giấy trắng. Thầy nhớ gì dạy đó. Trò thắc mắc gì hỏi thêm. Có những buổi học thầy trò bàn cãi chí chóe những câu văn câu thơ trong trí nhớ, chẳng có được cuốn sách để kiểm duyệt ai đúng ai sai.

Mấy năm sau, vào cái tuổi mười ba mười bốn, tối ngày tôi giam mình trong phòng đọc sách. Toàn là truyện Mỹ mượn ở thư viện. Một lần vô tình đi ngang qua kệ sách ngoại quốc, thấy vài cuốn tiếng Việt, tôi tò mò mượn về đọc. Còn nhớ trong số đó có cuốn "Mưa Trên Cây Sầu Đông" và "Sấm Sét Thái Bình Dương." Tôi đọc liên tù tì hai ngày trời. Sau đó tôi đi xục xạo những thư viện công cộng trong vùng, mượn về tất cả những cuốn sách tiếng Việt có thể tìm được. Tôi đọc đủ thể loại, từ thơ, tiểu thuyết, kiếm hiệp đến chính trị, hồi ký. Càng đọc càng thấy gần gũi với cái đất nước mà tôi ra đi lúc còn quá nhỏ để nhớ. Trí óc tôi mở ra hình ảnh của những con kênh, ruộng lúa, dòng sông mà tôi chưa từng thấy. Tôi tưởng tượng đến những cuộc tình lãng mạng thời bảo thủ. Tôi hiểu thêm về lịch sử của dân tộc và thông cảm hơn về cuộc chiến mà cha ông đã trải qua. Và tôi thấy không một ngôn ngữ nào phong phú và đẹp bằng tiếng Việt (kể cả tiếng Pháp mà tôi đang học và từ trước đến bấy giờ vẫn được cho là ngôn ngữ tình tứ nhất thế giới.)

Tôi bắt đầu tập viết văn Việt vào những năm Trung Học. Những câu chuyện vớ vẩn của lứa tuổi học trò đăng trong tờ báo của Hội Học Sinh Việt. Nhớ nhất là lần nhỏ bạn thương thầm anh chàng nọ, mà anh chàng lại phải lòng cô chị, buồn tình nhờ tôi làm thơ tả oán. Lúc đó tôi nào biết thơ...  thẩn là cái gì, vậy mà cũng gồng mình làm dùm một bài lục bát. Cô em khoái chí cho đăng với lời đề tặng anh chàng đào hoa kia. Khi tờ báo ra đời, tôi sính vính vì cô chị lồng lộn đi tìm "con nào dám tán tỉnh thằng bồ tao!"

Cũng những năm Trung Học, tôi viết truyện ngắn gửi về những tờ báo trong vùng. Viết thì nhiều nhưng được đăng chẳng bao nhiêu. Còn nhớ lần đầu bài được đăng, cầm tờ báo với $5 tiền nhuận bút trong tay mà rưng rưng nước mắt. Tôi cất kỹ tờ báo để làm kỷ niệm, cất kỹ đến độ sau này không thể nào tìm ra. Giờ nghĩ lại không còn nhớ được một câu đã viết.

Lớn thêm chút nữa, vào sinh hoạt với những đoàn thể trong giáo xứ. Các Cha các Sơ thường giao cho việc giới thiệu chương trình cho các buổi tĩnh tâm, văn nghệ hay viết bài chia sẻ cho những lần đi làm công tác thiện nguyện. Có một bài sau này được bổ túc và viết lại thành "Thăm Trại Tù San Quentin" cho Việt Báo.

Sau khi ông xã nói cho tôi nghe về mục Viết Về Nước Mỹ, mấy năm trời tôi theo dõi bài trên mạng nhưng không hề có ý định gửi bài dự thi. Tôi biết viết tiếng Việt là nhờ năng đọc sách báo chứ không phải được học từ trường lớp. Không có căn bản, lại phát âm không chuẩn, tôi viết sai lỗi chính tả luôn và những câu văn nghe không suông sẻ mạch lạc. Tôi viết như một lối giải trí. Mấy lần tính góp vài bài cho vui nhưng nghĩ đến khả năng mình lại thôi. Cho đến hai năm trước, gia đình tôi dồn dập nhiều chuyện buồn. Mẹ qua đời. Rồi bà nội qua đời. Tôi viết bài "Nhớ Mẹ" chia sẻ với gia đình bạn bè. Các anh chị trong nhóm "Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình" đọc và khuyến khích tôi tiếp tục viết. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập nhóm, tôi viết "Đi hoang" và "Đàn Ông...  Are They From Mars"" cho cuốn đặc san của họ.

Khi cuốn đặc san ra đời, bài "Đi hoang" được đón nhận tích cực. Có lẽ vì đề tài gia đình và con cái luôn là mối bận tâm cho nhiều người. Tôi suy nghĩ hay là gửi bài này về cho Việt Báo để chia sẻ những suy tư của tôi về một "vấn nạn" của thời đại" Và tôi quyết định lén ông xã gửi bài đi. Chị Quyên hồi âm cùng ngày, "Bài viết của em cảm động lắm. Sẽ đăng. Chờ nhe."

Vậy là hồi hộp chờ đợi. Ngày ngày vào trang nhà xem bài đã được đăng chưa. Xem. Chưa thấy. Thất vọng chút xíu. Xem. Vẫn chưa thấy. Thất vọng thêm chút nữa. Sang tuần thứ ba thì thấy bài được đăng. Lời giới thiệu rộng lượng, "Bài đầu tiên của bà cho thấy phong cách và bút pháp vững vàng." Sao lại là "bà" nhỉ" Nhưng không sao, được đăng là vui lắm rồi. Chiều chàng đi làm về nhìn tôi cười cười, "Chúc mừng nhé."

Tôi phấn khởi viết thêm bài "Đứa Con Hoang" gửi đi. Sau ba tuần không thấy hồi âm, tôi gọi cho chị Quyên. Giọng miền nam nhỏ nhẹ trên phone: "Chị đã gửi bài của em qua chú Từ. Chú nói câu chuyện cảm động nhưng có thể xẩy ra bất cứ ở đâu. Hay là em sửa lại một chút cho hợp với chủ đề." Tôi ngớ ra. Ừ nhỉ. Mục này là Viêt Về Nước Mỹ mà. Ham viết bài mà không nhớ chủ đề. Rõ đoảng! Mà "chú Từ" là ai" Phải là người kêu tôi là "bà" không" Tôi vào trang liên lạc, dưới phần "Ban Biên Tập" thấy đề Trần Dạ Từ, Nhã Ca...  Trời ơi, thì ra là họ!

Tôi liên lạc với chú Từ hỏi thăm về chủ đề và thể lệ. Có lẽ chú tội nghiệp con bé ngố nên sau đó cho đăng bài "Đứa Con Hoang" dù bị lạc đề. Hứng chí tôi gửi thêm mấy bài nữa, vừa cũ vừa mới. Bài nào cũng được chú hồi âm và khen cho vài câu. Sau đó thì tôi mê mệt viết mỗi khi có thể. Vì ban ngày bận công việc sở và con cái nên tôi thường viết từ mười, mười một giờ đêm đến một, hai giờ sáng. Ông xã, người ban đầu đã khuyến khích tôi gửi bài, lắc đầu than: "Mê vừa thôi em. Coi chừng như nhân vật "Dựng Bàn Viết Lữ Thứ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn." Tôi phì cười, "Người ta viết văn nổi tiếng, mê danh vọng, mới bỏ chồng bỏ con. Cỡ như em mấy người đọc mà anh lo."

Gần cuối năm thì chú Từ cho biết hai bài "Thăm Trại Tù San Quentin" và "Cám Ơn Em, Cám Ơn Peace Corps" sẽ được đăng trong Việt Báo Giai Phẩm Xuân Mậu Tý. Nghe tin này tôi mừng lắm. Bên cạnh những thành công của người Việt trên đất Mỹ, còn có những mảnh đời rất đáng thương đang bị bỏ quên. Trong cái tất bật của cuộc sống ganh đua bon chen hằng ngày, còn có những tấm lòng vị tha đang làm đẹp cho cuộc đời. Tôi tin tưởng vào sự tử tế của con người đối với nhau và mơ ước cùng bạn đọc thỉnh thoảng nghĩ đến những người xấu số bất hạnh, và nếu có thể được, làm một cái gì đó cụ thể để giúp đỡ cho họ. Tết là một trong những dịp họ cần sự nâng đỡ của mọi người, dù chỉ là sự tưởng nhớ hay lời cầu nguyện.

Qua năm mới, tôi bận bù đầu với công việc và không gửi thêm được bài nào về Việt Báo. Mấy bài mới viết không vừa ý, bản dịch bài "Peace Corps" qua Anh ngữ cũng dở dang. Tôi trốn luôn cho đến khi nhận được thông báo bài của tôi lọt vào "ba giải chính của cuộc thi Viết Về Nước Mỹ 2008."

Thú thật là tôi rất ngạc nhiên và thích thú. Ngạc nhiên là vì tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ được thắng giải, bất luận là giải gì. Viết là một đam mê, một cái thú đối với tôi. Bài được đăng đã là một hạnh phúc vì tôi biết mỗi ngày tòa soạn nhận được rất nhiều bài. Thắng giải thì tôi không dám nghĩ tới vì có quá nhiều cây viết xuất sắc. Vậy mà tôi may mắn lọt vào danh sách chung kết. Tôi thích thú nghĩ đến giải thưởng và những cơ quan từ thiện mà tôi có dịp tham gia...

* Tháng sáu

Diễn đàn Việt Bút sôi nổi với những trao đổi cho một cuộc hội ngộ nhiều hứa hẹn. Nào ở cùng khách sạn, nào ăn nhậu, nào hát hò. Ôi thôi thì xôn xao đủ thứ chuyện. Tôi nôn nao chờ đợi ngày được gặp những tác giả mà tôi hằng ái mộ.

Theo dự tính thì trưa thứ năm ngày 26 tháng 6 tôi và ông xã đã có mặt ở nam Cali. Nhưng vì chúng tôi ham vui ở lại Vancouver thêm một ngày nên phải đổi chuyến bay xuống miền nam sang thứ sáu. Vừa ra khỏi phi trường thì nhận được message của Thụy Nhã. "Em đang ở tòa soạn. Chị đến ngay nhe." Cô bé tác giả của "Chuyện Của Cây Vông." Tôi hẹn với Thụy Nhã và Khánh Vân, tác giả thắng giải chung kết 2007, ở cùng một khách sạn để chị em có giờ "quậy" với nhau.

Vậy là tòa soạn thẳng tiến. Đến nơi chị Hòa Bình đi ra tay bắt mặt mừng. "Thụy Nhã đến rồi. Cô chú Nguyễn Văn Hưởng đến rồi. Vào đây." Văn phòng cô Nhã Ca bày biện theo lối Á Đông đơn giản và trang nhã. Thấy chúng tôi vào, cô đi vòng qua bàn ôm tôi. Cô ngoài đời y hệt như tôi đã tưởng tượng: hình ảnh của một từ mẫu, vui vẻ, dịu hiền. Cô chú Hưởng điềm đạm từ tốn. Nói chuyện một lúc thì lòi ra cô chú từng ở chung trại tị nạn và quen biết với bố chồng tôi. Trái đất quả thật rất tròn. Thụy Nhã hoạt bát dễ mến. Chị Thùy Dương tốt bụng tuy bận rộn với phòng mạch nhưng cũng ráng chạy qua tòa soạn để gặp mọi người.

Cả bọn kéo đến quán Hợp ăn trưa. Lát sau thì Khánh Vân, chú Nguyễn Xuân Nghĩa và chú Trần Dạ Từ tới. Cô "hoa hậu Việt Báo" với chiếc răng khểnh hay cười. "Ngài chủ khảo" với tia nhìn sắc bén và cách nói chuyện cũng bén không kém. "À, ba cô đã làm tôi nhức đầu mấy tháng nay." "Ơ hay. Đây là lần đầu cháu gặp chú mà." "Nhưng bài của cô làm cho tôi nhức đầu khi phải chấm điểm." Tôi cười trừ. "Ông từ giữ chùa" với "giọng bắc kỳ dấm dẳng" (lời cô Nhã trong cuốn Hồi Ký) và nụ cười hiền hòa. Tôi trêu chú Từ mấy câu gì đó, chú quay sang cô Nhã: "Anh đã nói với em mà. Cô này dữ lắm. Đọc văn là biết rồi. Thích nhảy cao nói lớn." Eo ơi, mới gặp mà ấn tượng đã không tốt. Tôi tằng hắng, ngồi thẳng lên, làm bộ nghiêm trang. Chú Nghĩa nhìn, cười. Tôi cũng phì cười và cúi xuống ăn. Thức ăn Huế ngon tuyệt. Chị Hòa Bình cho "ăn chơi" nào bánh nậm, bánh bèo, gỏi, bò bía làm tôi không còn bụng để "ăn thiệt" tô bún bò. Vậy là ông xã được dịp ăn dùm sau khi đã thủ tiêu sạch tô phở filet mignon. Chàng ăn khỏe như vậy mà còn phải chào thua nhỏ Thụy Nhã. "Gầy thầy cơm" có khác! Chỉ tội nghiệp cho chị Thùy Dương gọi tô hủ tíu mà chờ hoài không thấy ra. Chị lại phải về sớm vì có hẹn với bịnh nhân, trước khi về còn trả tiền cho bữa ăn. Cám ơn chị nhiều thật nhiều.

Ăn xong kéo nhau về tòa soạn. Thấy mấy cây trúc đen trước cửa đẹp quá, tụi tôi chụp ít tấm hình lưu niệm. Vào trong mua cuốn "Giải Khăn Sô Cho Huế" mới tái bản, được cô Nhã ký tặng, Khánh Vân và tôi lợi dụng đứng sau lưng cô chụp hình tiếp. Thấy mọi người trong tòa soạn bận rộn, đám tụi tôi xin phép kiếu. Khánh Vân, Thụy Nhã và vợ chồng tôi hẹn cô chú Hưởng đi ăn tối, rồi ghé "Vua Khô Bò" mua một bịch to trước khi đi đến khách sạn.

Thụy Nhã lanh lợi thuê được phòng ở một khách sạn đẹp với giá cả phải chăng. Hai phòng có cánh cửa ăn thông. Trong khi ông xã làm một giấc bên phòng kia thì bên này mấy chị em vừa tán dóc vừa ủi quần áo chuẩn bị cho ngày đại hội hôm sau.

Năm giờ chiều mấy chị em đòi đi shopping. Sau khi chạy lòng vòng hơn nửa tiếng tìm đường, chàng bỏ chúng tôi trước cửa tiệm Nordstrom Rack hẹn bốn mươi lăm phút sau trở lại đón. Ba chị em đi vô lựa được vài món đồ nhưng cái hàng trả tiền dài quá nên đành gửi lại, dự định sáng hôm sau trở lại mua. Đi ra ngoài thấy chàng đã đậu xe chờ gần đó. Hỏi nãy giờ anh làm gì, chàng trả lời đi mua nước để tối nay về khách sạn ba cô có mà uống. Thụy Nhã và Khánh Vân khen ông anh rối rít làm chàng phổng mũi.

Bảy giờ chiều, vừa đến điểm hẹn, thì Thụy Nhã nhận được text của chú Bồ Tùng Ma: "Welcome to quán Cây Dừa." Cả đám le lưỡi: "Chú Ma này đúng là...  ma. Không có mặt mà biết tụi mình vừa tới cửa. Ghê quá!" Thụy Nhã gọi điện thoại, ba đứa thay phiên nhau nói chuyện. Chú chúc mọi người bữa ăn ngon và vui vẻ. Chú thật dễ thương! Ít phút sau cô chú Hưởng đến. Vào tiệm gọi món mắm và rau, lẫu mắm và chả cá thăng long. Thức ăn lạ miệng nhưng chờ hơi lâu vì cả tiệm chỉ có cô chủ vừa lấy order, vừa bưng thức ăn, vừa dọn bàn. Vợ chồng gia đình bạn ông xã đến nhập cuộc hơi trễ vì kẹt xe. Mọi người vừa ăn vừa trò chuyện cho đến giờ đóng cửa.

Từ giã với cô chú Hưởng xong, vợ chồng người bạn lại mời về nhà họ chơi. Cả đám nhìn nhau: "Thôi thì ghé một tí. " Vậy mà phải hơn một tiếng sau mới ra về. Lúc đó đã hơn 11 giờ khuya, Thụy Nhã lại năn nỉ: "Ghé lại nhà chị Ti một chút nhe. Các anh chị đang hát hò đằng đó vui lắm.“ Ti đây là Vành Khuyên, con gái cưng của chú cô Từ-Nhã. "Thôi được, nhưng nửa tiếng thôi nhe. Tội nghiệp Khánh Vân thức từ bốn giờ sáng (để bay qua Cali từ miền đông) đến giờ."

Đến được tới nơi thì nghe nói chị Hòa Bình vừa về. Một số người khác đang lục đục kéo nhau ra cửa. Chúng tôi gặp anh chị Dung-Sớm Mai, Bảo-Vành Khuyên, chị Sông Văn là các con gái và rể của cô chú Từ Nhã, và Băng và Bé là bạn của họ. Anh Dung và Bảo kéo ông xã tôi ra sân sau uống bia. Ở trong nhà tám bà ăn thì ít mà cười thì nhiều. Toàn là những chuyện vớ vẩn "cấm đàn ông" mà cười bò lăn bò càng. Sau thấy mắt Khánh Vân mở không nổi nữa tôi mới giục đi về.

Kỳ tới: Ngày họp mặt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến