Hôm nay,  

Mùa Hè Rực Rỡ

04/07/200800:00:00(Xem: 165755)
Tác giả: Huyền Thoại Thịnh Hương

Bài số 2342-16208418-vb6040708

Huyền Thoại Thịnh Hương là tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2006 (hình bên). Hàng năm, cô đều từ San Jose về dự lễ phát giải, và  có bài “nam du ký” vui vẻ tường thuật cuộc họp mặt. Sau đây là bài cho năm nay. Cám ơn Thịnh Hương và chờ thêm bài mới.

Hình bên: Vỹ cầm Búi Công Thành, dương cầm Tường Vân và tiếng hát Bạch Hạc cùng dàn nữ phụ họa, trong ca khúc Trăng Ban Chiều. (Ảnh Lê Phúc)

Năm nay, buổi lễ trao giải thưởng Viết Về Nước Mỹ được tổ chức vào ngày thứ bảy, 28/06/2008 tại Rose Garden Center, thành phố Westminster. Vậy là cầu được ước thấy! Năm ngoái, tôi "complain" với ông Từ Giữ Đền , "tại sao lại tổ chức vào chiều chúa nhật, bất tiện cho người ở xa phải về đi làm ngày thứ hai". Duy An cũng góp ý là tổ chức vào cuối tháng tám mọi người đang lo cho con cái tựu trường, sợ không đi tham dự được. Bỏ thì thương vương thì tôi, là vậy.

Trước ngày hội ngộ vài tuần, một số bạn bè của Việt Bút email cho nhau tíu tít. Nào là khách sạn chỗ nào thì gần rạp hát, ăn ở đâu cho ngon mà... rẻ. Bên miền Đông, Duy An mắc kẹt, năm nay hổng đi được. Trần Nguyên Đán vướng chân bên tháp chuông nhà thờ, gỡ không xong nên cũng xin kiếu. Miền Bắc California thì có tôi, Iris Đinh và Thụy Nhã (người được vào chung kết của giải VVNM năm nay). Iris và tôi rủ nhau đi Xe Đò Hoàng, vì năm ngoái bọn tôi cũng dùng phương tiện chuyên chở này. Mấy hôm sau Iris bảo, "Lúc đi mình đi xe chung với con gái em, vì nó lái xe xuống Nam Cali học ở UC Irvine. Lúc về hai chị em mình đi xe đò". Tôi gật đầu, nhận lời. Ai dè trước ngày hẹn mấy hôm, tôi có việc phải đi Quận Cam, đành phải gọi Iris để nàng đừng chờ. Tôi đi trước, mà về sau!

Cô thủ khoa của năm 2007 là Anne Khánh Vân, Trương Ngọc Bảo Xuân, Thuỵ Nhã và Phương Dung thường xuyên liên lạc với tôi qua email về ngày trao giải thưởng năm nay. Nhờ có Việt Báo và Viết Về Nước Mỹ mà tôi được quen biết thêm nhiều nhân vật đặc biệt. Đặc biệt vì chẳng những họ có tài viết văn, tuy chỉ là nghiệp dư, mà họ còn có những mảnh đời rất đáng khâm phục. Hầu như ai cũng đi qua những chông gai, gian nan vất vả để tạo cho mình được những chỗ đứng tốt đẹp ngày nay. Người Việt mình giỏi thiệt! Con rồng cháu tiên có khác, phải không các bạn"

Mấy năm trước về tham dự lễ trao giải thưởng tôi thường ở nhà chị tôi và đem chị theo làm khách mời. Năm nay chị mắc đi ăn đám cưới, nên tôi mời một cô bạn thân đi với tôi cho vui. Mời cô đi, cô bèn mời tôi trả lễ, là tôi phải đến cư ngụ nhà cô để còn có dịp tâm sự chuyện nhà chuyện... cửa. Bạn tôi là người đàn bà Việt Nam truyền thống. Trong mười năm qua, cô vừa đi làm full time, vừa chăm sóc bố mẹ chồng đau yếu trong lúc chồng cô cũng đương đầu với căn bệnh kidney, cứ ba ngày phải đi dialysis một lần. Bố mẹ chồng vừa chết được khoảng hơn một năm thì tới một đứa con cô chết bất đắc kỳ tử lúc chưa tròn ba mươi tuổi. Con cô chết trong lúc chồng cô nằm bệnh viện hấp hối. Bao nhiêu chuyện đau buồn liên tiếp trút xuống đầu cô, tôi nghĩ cô không chịu nổi, e rồi sẽ vướng bệnh tâm thầm tới nơi. Ai ngờ cô bình tĩnh đón nhận những bất hạnh và chu toàn ma chay tang lễ một cách đẹp đẽ không ai ngờ. Tôi hỏi cô, "mày kiếm ở đâu ra nhiêu nghị lực vậy"" Bạn trả lời, "Bằng lời cầu xin, bằng đức tin tuyệt đối".

Năm nay, hai người con mua tặng cô một chiếc xe Honda mới toanh vào ngày Mother Day. Lúc tôi muốn vô Mapquest để kiếm đường đi đến Rose Garden Theatre, thì cô bảo:

- Đâu cần! Xe của "moa" có navigator. Lại có cả camera, "hiện đại" lắm!

Vì được thông báo là buổi lễ sẽ khai mạc lúc 4giờ30 chiều, nên tụi tôi ra xe lúc 4 giờ, nhất định không tới trễ. Sau khi đề máy, cô bạn bắt đầu bấm địa chỉ, nhờ cái navigator chỉ đường tới rạp hát. Bấm tới, bấm lui, đảo ngược, đáo xuôi, cái navigator cứ chối đay đảy, bảo là không có data, không tìm được đường đi! Tức quá, tôi bảo:

- GPS cái con khỉ tiều! "Bà" vô nhà bà hỏi "thằng mapquest"!

Lúc đó đã 4giờ 15! Lẹ lên mapquest ơi , các bà trễ rồi! Thằng mapquest nó hỏi tôi:

- Không có địa chỉ đúng hệt như bà muốn, nhưng có cái địa chỉ khác gần đó, bà có muốn đi không"

Tôi click vào chữ OK, rồi bảo máy in đưa cho tôi một bản chỉ đường của thằng mapquest. Tôi và bà bạn đắc ý, cầm tờ chỉ dẫn trong tay, lầm thầm chửi cái thằng GPS vô dụng.

Bọn tôi nghe lời mapquest, lên freeway, xuống Exit, quẹo trái, quẹo phải, hai ba cái đèn traffic thì tới đường Bolsa Chica, xong, quẹo trái vào đường Baker để... lọt ngay vào một townhouse complex! Bà bạn tôi chau mày:

- Ủa, rạp hát nào mà nằm trong khu gia cư" Cái thằng mapquest này lại cũng bố láo luôn Hương à!

Tôi nghệt mặt nhìn chung quanh:

- Ờ, kỳ há!

Bạn phán:  Gọi mấy người bạn của bồ, nhờ họ chỉ cho, chứ bây giờ biết đi ngả nào đây"

Trong cell phone, tôi chỉ lưu giữ điện thoại của Anne Khánh Vân, Thuỵ Nhã, Iris Đinh và Ông Ma Họ Bồ (Bồ Tùng Ma). Ba nàng không phải người địa phương, đã từng phải cầu cứu Ông Ma chỉ chỗ ăn, chỗ ở, thì làm sao mà họ chỉ đường cho tôi! Vì thế cho nên tôi phải bấm số của ông Ma. Lúc đó là 5 giờ 05 phút! Sau mấy tiếng reng, ông Ma lên tiếng, " Hello!". Tôi ấp úng:

- Ông Ma, ý , anh Tân ơi, anh đã tới Rose Garden chưa vậy"

- Tui đang ở trong rạp. Ai kêu tui đó"

- Thịnh Hương nè. Tôi đi lạc nãy giờ, anh làm ơn chỉ đường cho tôi tới rạp với! Tôi bó tay rồi, kiếm không ra.

- Bạn đang ở đâu" Chà, trong này ồn quá, tôi nghe không rõ... Bạn đang ở đâu"

- Tôi đang ở trên đường Bolsa Chica, trong khu gia cư...

- Trở lại Westminster đi, khi nào thấy Tượng Đài Việt Mỹ, thì cái rạp hát nó nằm kế bên, xe cộ đậu lền khên bên ngoài là nó đó!

- Nhưng mà khúc nào trên Westminster" Con đường cắt ngang là đường gì" Tại sao GPS nó không biết mà mapquest nó cũng không rành là sao anh Ma"

- ...

Tôi nhìn lại cell phone. Té ra nãy giờ signal nó rớt, cho ông Ma biến mất để tôi nói chuyện mình ên! Tôi quay sang hỏi bạn:

- Toa có biết đường đến Tượng Đài Việt Mỹ không" Ổng nói cái rạp hát nó nằm kế bên.

- Chèng ơi, ai mà biết tượng đài nằm chỗ nào"

- Hả, toa sinh sống ở đây bao nhiêu năm mà sao toa hổng rành chi hết"

- Moa mắc ở nhà với cha với mẹ và chồng, có khi nào tiệc tùng đình đám gì đâu mà biết!

Tôi hối hận vì đã hỏi bạn một câu vô duyên. Tôi xoa tay bạn đang cầm lái:

- Xin lỗi toa nha. Moa tệ thì thôi. Nào, bây giờ mình ra kiếm đường trở ra Westminster.

Đi ngang một cửa tiệm có tên Việt Nam, tôi bảo bạn ghé vào cho tôi hỏi thăm. Tôi hỏi bà chủ đường đến tượng đài Việt Mỹ, thì bà bảo:

- Em không biết!

- Vậy chị có biết rạp hát Rose Garden Center ở đâu không"

- Cũng không biết luôn!

Cha chả, vậy thì bà chủ này cũng bị business nó cầm chân chắc quá, nên dù ở ngay Little Saigon mà bà cũng không biết hai cái địa danh này nó nằm ở đâu! Đang chán nản, thì tôi thấy một ông Mỹ trắng xồn xồn đi tới. Tôi chợt có một ý nghĩ , bèn giơ tay lên:

- Sir, I need help, please!

Tôi bước mấy bước đến gần ông, thì ông lấy tay ra hiệu cho tôi ngừng lại:

- Stay right there, I am coming.

Té ra ổng thấy tôi chòng chành trên đôi giầy cao gót, sợ tôi ngã. Ôi, sao mà có lắm người Mỹ tử tế như thế trong cuộc đời của tôi. Tôi hỏi ông:

- Rose Garden nó nằm ở đâu không, thưa ông"

Ông gật đầu:

- Tôi biết, tôi biết! Ừm, coi nào, để tôi coi làm cách nào mà chỉ cho bà tới đó một cách dễ dàng... Ừm... Từ con đường này, bà đi ra , quẹo trái, rồi lại quẹo trái để vào đường Beach. Từ Beach, bà quẹp phải vào Westminster. Đi khoảng hai, ba cái đèn, bà sẽ thấy con đường All American Way bên tay phải. Ngay đó, bà sẽ thấy các bảng chỉ đường mầu xanh với các mũi tên, chỉ hướng tới tòa thị chính, tòa án, ty cảnh sát, v.v... Rạp hát nằm phía bên kia , đối diện ty cảnh sát. Đừng vô parking cảnh sát đậu kẻo bị phạt. Qua Parking của toà án mà đậu, hôm nay cuối tuần, parking tự do. Ủa quên, cái rạp hát đó nó có cái tượng đài chiến sĩ nằm kế bên.

Tôi mừng quá xá, bèn bắt tay ông Mỹ lia lịa:

- Cám ơn ông nhiều nhiều, tôi phải đi ngay, tôi trễ lắm rồi.

Ông Mỹ trả lời:

- You're welcome. Have fun, ladies!

Tôi nhìn đồng hồ, lúc đó là 5giờ 20. Sau khi đậu xe, tôi và bạn đủng đỉnh đi về phía rạp hát. Đã trễ rồi mà cũng còn ráng đứng lại chụp mấy tấm hình với hai anh chiến sĩ đang ngước mặt nhìn trời, đâu cần biết hai đứa tôi đang chiêm ngưỡng vẻ oai hùng của hai anh.

Vào được trong rạp, chương trình... mới bắt đầu được ít phút, vì trục trặc chi chi đó, cho nên Ngài Chánh Chủ Khảo Nguyễn Xuân Nghĩa bèn thú thật là chúng ta phải đánh mau đánh mạnh mà cuốn chiếu, vì... giờ đã điểm! Điều khiển chương trình có MC Nam Lộc và cô cohost xinh đẹp Thuỵ Trinh. Như mọi năm, nữ tài tử Kiều Chinh cũng lên sân khấu để khai mạc chương trình trao giải thưởng cho những tác giả được tuyển chọn. Đầu tiên là phần gìới thiệu các nhà bảo trợ cho chương trình ngày hôm nay, như Wells Fargo Bank, Chợ Saigon City, Sàigon Radio/TV, và một vài cơ sở khác mà tôi không nhớ hết. Đặc biệt năm nay còn có thêm sự xuất hiện của nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.

Năm nay, xen giữa các giải thưởng Bé Viết Văn Vìệt và Viết Về Nước Mỹ là các màn vũ dân tộc của đoàn văn nghệ  Lạc Hồng, những bài hát do các em thiếu nhi đồng ca, song ca thật dễ thương. Trang trọng nhất là màn song tấu nhạc cổ điển do nhạc sĩ  Bùi Công Thành (vĩ cầm) và nữ nhạc sĩ Tường Vân (dương cầm). Nhạc sĩ, giáo sư tiến sĩ Bùi Công Thành là giáo sư danh dự của viện âm nhạc quốc tế Canetty, và là giám khảo nhiều cuộc thi violin quốc tế tại Nga, Ucraine, Austria, Greece, Italia... Tiếng vỹ cầm của ông thật tuyệt vời trong tác phẩm của các bậc thầy cổ điển như  Jules Massenet, Dinicu - Hayfets. và du dương bất ngờ  khi trình tấu một ca khúc Việt, chung với giọng ca Bạch Hạc. Lúc MC Nam Lộc cho biết ca khúc thơ mộng này là bản “Trăng Ban Chiều,”  của thi sĩ Trần Dạ Từ viết năm 1980 trong nhà tù, bà con vỗ tay tán thưởng quá.

Sang phần sinh hoạt phát giải thưởng, nhiều nhân vật nổi tiếng của địa phương, như Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Lou Corea, dân biếu Trần Thái Văn và Luật Sư Nguyễn Quốc Lân - Chủ tịch học khu Garden Grove,  đều lên tiếng ca ngợi giải thưởng Việt Báo Viết Về Nước Mỹ. Trao tặng giải thưởng trên sân khấu như năm nay mang lại một vẻ trang trọng và hoành tráng hơn mọi năm, khán giả nhìn rõ hơn, vỗ tay mạnh hơn... Con số máy thâu hình và chuyên viên thâu hình năm nay cùng nhiều hơn các năm trước, thì phải. Tôi và bạn may mắn được ngồi gần sân khấu nên khoái chí lắm, không càm ràm tại sao quên mang ống nhòm theo! Hy vọng các năm sau, Việt Báo của Mr. Không Có Sao và chị Nhã Ca cứ tiếp tục xử dụng cái rạp hát... khó tìm này. Nhưng mà sang năm thì nó sẽ không còn tìm khó nữa! Lúc ngồi chuyện trò bên ball room với chúng tôi, ông Nghĩa nói là nếu các bạn vô cái website của rạp hát, thì sẽ có chỉ dẫn. Có lẽ rạp còn mới, cho nên GPS và thằng mapquest nó chưa... bắt kịp.

Năm nay, giải quán quân được trao cho cô bé Thuỵ Nhã với bài “Chuyện Của Cây Vông.” Còn Thanh Mai và Phương Dung cùng nhận giải vinh danh tác phẩm. Nhân vật chính của bài "Đừng bắt con học hành quá sức" là Lộc, con của Thanh Mai, cũng đã có mặt để trình diễn một bản độc tấu dương cầm, rất được khán giả tán thưởng. Giải Việt Bút năm nay thuộc về ông Bồ Tùng Ma. Con trai của Tường Vi (TV, người nhận giải Việt Bút năm ngoái) cũng có mặt, và cũng nhận được một giải thưởng đặc biệt. Tôi và cháu có chụp một tấm hình. Tôi cứ tưởng tôi... cũng cao, ai dè mang giầy cao gót mà mới đứng tới vai của cháu.

Có một tác giả tôi rất mong được gặp mặt, là anh Nguyễn Thế Thăng, người nhận giải vinh danh tác giả với bài "Người Việt Gốc Mỹ". Qua bài "Trong Nỗi Khốn Cùng" mới được VB cho lên online, tôi rất khâm phục "người dũng sĩ" đã nhất quyết vào chiến khu để chiến đấu cho đến lúc bị bắt và bị tước hết vũ khí.

Sau phần trao giải thưởng bên rạp hát, ông Nguyễn Xuân Nghĩa mời mọi người cùng ổng "cuốn chiếu" sang ballroom để dự bữa cơm chiều. Tôi thấy anh Nguyễn Thế Thăng đang đứng ở cửa ballroom, có lẽ đang chờ thân nhân. Tôi đến chào và nói cho anh biết tôi rất thích bài viết mới đó của anh. Lưng chừng bữa tiệc, ông Nguyển Xuân Nghĩa lên sân khấu mời anh lên nói chuyện thì... anh đã đi rồi! Tôi và Phương Dung cứ tiếc mãi vì chưa kịp xin chữ ký của ảnh!

Trong bữa tiệc, bạn bè Việt Bút, kẻ mới người cũ chuyện trò như pháo rang, chụp hình tưng bừng, xin chữ ký của nhau ì xèo. Thường khi nhìn vẻ "ngài chánh chủ khảo" của ông Nghĩa, tôi cũng ngán, không dám vui đùa với ổng. Nhưng tối đó, thấy ổng vui vẻ bưng ly rượu đỏ tới bàn chúng tôi, tôi bèn thừa thắng xong lên, xin ổng một chữ ký vào cuốn VVNM năm nay. Tôi quơ được một cây viết dân gian, tính đặt vào tay ông, thì ông đã cầm sẵn trong tay một cây Mont Blanc đẹp hết chỗ chê. Tôi cám ơn ông, thì ông cám ơn tôi lại.

Trương Ngọc Bảo Xuân than với tôi năm nay chị bị... dư ký, nên chị hơi bị chán. Tôi nói, chị à, đâu phải có mình chị dư, Hương cũng dư đây nè. Thôi thì để Hương email cho chị một cái diet recipe, rồi Hương với chị chạy đua, coi ai... drop weight trước. Chị nói, ừ, nhớ đó nghen.

Vừa lúc đó anh Phạm Hoàng Chương bê một thùng sách đem tới, nói là của anh Trần Nguyên Đán gởi tặng các bạn Việt Bút. Đó là cuốn sách anh mới in xong, sắp ra mắt sách, tựa đề "Biển Rộng Hai Vai". Tôi đã email cám ơn anh, và hỏi anh làm cách nào để tôi có thể đóng góp chút đỉnh vào việc trùng tu ngôi thánh đường của anh.

Sau khi đã ăn uống no nê, bọn tôi lại kéo nhau ra sân lộ thiên, tiếp tục chụp hình, tiếp tục cười nói rôm rả. Tôi ra về trước các bạn, vì cô bạn của tôi muốn chở tôi đi thăm một người bạn khác, vì người bạn này ngày mai cũng phải đi làm.

Mấy hôm trước ngày trao giải thưởng, Quận Cam bị một đợt heat wave, có ngày nhiệt độ lên tới cả trăm. Hôm trao giải thưởng, trời mát lại. Nắng không còn chói chang gay gắt nữa, mà là những giải nắng rực rỡ, ấm áp rộn ràng. Rộn ràng như niềm vui hội ngộ của những người bạn thân sơ qua sợi dây ràng buộc êm ái của Việt Báo.

Tôi mong sang năm sẽ lại được làm khách mời của Việt Báo, của anh chị Từ Nhã như năm nay.

HUYỀN THOẠI THỊNH HƯƠNG

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,605,046
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất, tác giả viết cho mùa Vu Lan.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Bài mới là chuyện mừng đón cháu ngoại sinh đúng ngày bão lụt ở Houaton, Texas.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông là nhà hoạt động văn hóa cộng đồng, là thầy dạy võ, và không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Với sức viết mạnh mẽ, vừa có thêm tới 7 cuốn sách mới đang ra mắt khắp nơi. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới. Sau đây, là bài mới viết cho mùa lễ Vu Lan.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của tác giả cho mùa Vu Lan 2017 giống như bông hồng đỏ dành cho một bà mẹ vẫn tiếp tục sống vui sau cuộc bể dâu thời hậu chiến bi thảm.
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016) và năm thứ hai được giải “Á khôi” Vinh Danh Tác Giả (2017). Hiện ông đã về hưu và đang định cư ở Orange County.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bài được chuyển đến bằng điện thư. Mong Lanh Nguyễn tiếp tục viết và vui lòng bổ túc phần sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2014. Cô sinh năm 1962, tốt nghiệp Đại Học Mỹ Thuật năm 1988 khoa Đồ Họa tại Việt Nam, từng làm công việc thiết kế sáng tạo trong ngành quảng cáo. Cô đến Mỹ tháng 4 năm 2000, hiện là cư dân Waxahachie, Texas, trong một thành phố ít người Việt cư trú. Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Nhạc sĩ Cung Tiến