Hôm nay,  

Ông 13

28/04/200800:00:00(Xem: 162236)

Tác giả: Nguyễn Duy An

Bài số 2285-16208262-vb2280408

Nguyễn Duy An  là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả nhận giải Chung Kết  Viết Về Nước Mỹ. Nhân vật trong bài viết sau đây là  một H.O. có 13 năm lính, 13 năm tù, thêm 13 năm đi cầy đi học trên đất Mỹ. Kỷ niệm 13 năm về “ông 13” từng khiến tác giả bâng khuâng, khi “mùa xuân đến, tháng Tư về”. 

Hải gọi điện thoại hẹn tôi chiều Thứ Sáu đến nhà hàng Hương Quê ở Eden tham dự "tiệc về hưu" của chú Đức do nhóm nhân viên người Việt ở TRW (bây giờ là Northrop Grumman) khoản đãi, và chú ấy "bắt" Hải mời tôi đến cho bằng được vì chính tôi đã "cho" chú ấy công việc ở TRW. Tôi "đánh trống lảng" rằng mình đã quên mất chuyện đó, và cũng không còn nhớ chú Đức mặt mũi ra sao nữa. Hải lên giọng:

- Bố khỉ! Cậu mà quên được "Ông 13" thì cũng lạ thật! Làm sao cậu lại quên được cái ông "13 năm lính, 13 năm tù" hồi đi phỏng vấn xin việc cứ đòi dẫn theo thông dịch viên đó.

- Dỡn cậu tý thôi chớ làm sao tớ quên được chú Đức.

- Thế chứ... Bây giờ bọn mình cộng thêm cho chú ấy một con số 13 nữa nên mới làm tiệc mời cậu.

- 13 gì nữa"

- Thì tính đến ngày về hưu vào cuối tháng 4 này chú ấy cũng làm việc ở đây được 13 năm; do đó, bọn mình gọi chú ấy là "Ông Ba 13". Thỉnh thoảng chú ấy vẫn hỏi thăm cậu và lúc nào cũng ghi nhớ công ơn của cậu đấy. Phổng mũi nhé.

- Mầu mè! Được rồi, tớ sẽ đến.

Sau khi nói chuyện điện thoại với Hải, hình ảnh "Ông 13" từ 13 năm trước lại hiện về trong trí tôi như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua...

Mùa xuân năm 1995, để chuẩn bị đối phó với vấn nạn Y2K (năm 2000) của máy điện toán, TRW đã giao cho nhóm của tôi mở thêm một phòng LAB ở vùng Fair Lake, Virginia làm việc 24/24 để thử nghiệm máy móc của sở cũng như của nhiều khách hàng là những cơ quan chính phủ và những hãng lớn nhỏ quanh vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Để bảo đảm an ninh cho phòng thử nghiệm, chúng tôi phải thuê thêm một số nhân viên thay nhau "canh gác" và "tuần phòng" suốt ngày đêm.

Vì công việc không đòi hỏi khả năng chuyên môn và cũng không cần phải giao tiếp nhiều với khách hàng nên nhóm anh chị em người Việt trong sở đã bàn nhau liên lạc với mấy hội ái hữu trong vùng Northern Virginia để giúp những cựu quân nhân mới đến định cư theo diện H.O. điền đơn xin việc và sắp xếp cho họ tới phỏng vấn xin làm nhân viên tạm thời để huấn luyện trong vòng 3 tháng trước khi chính thức nhận vào hãng.

Tôi không trực tiếp phỏng vấn những người này, nhưng một buổi sáng, người "supervisor" lo việc phỏng vấn và huấn luyện toán nhân viên anh ninh chạy vội vào phòng tôi xin ý kiến vì có một người cứ nằng nặc đòi gặp "boss" vì người đó không hiểu những câu hỏi bằng tiếng Anh, và anh ta cũng không hiểu người đó cần gì. Tôi chưa kịp hỏi xem đầu đuôi câu chuyện ra sao thì một người Việt Nam hình dáng gầy gò, nước da ngăm đen nhưng ăn mặc rất lịch sự đã xuất hiện ngay sau lưng anh ta, vừa khua tay vừa lên giọng:

- Sir... Me can shoot, fight, kick... no talk English. My friend... translator... outside. Sir, please...

Tôi ra dấu cho người "supervisor" ra ngoài, định lên tiếng mời ông ta ngồi, nhưng chưa kịp mở lời, ông ấy đã đứng thẳng theo "thế nghiêm", mắt đăm đăm nhìn thẳng vào mặt tôi rồi chậm rãi nói tiếng Anh đứt quãng:

- Sir... Mr. Boss. Me... work hard. Trust me. I want my friend... outside... translate.

Tôi mỉm cười lên tiếng:

- Mời chú ngồi. Chú cứ tự nhiên, cháu là người Việt, không cần thông dịch gì cả. Chú tên gì"

Tôi vừa nói vừa cầm tập hồ sơ người "supervisor" đã để sẵn trên bàn xem vội. Ông ta hớn hở nói lớn:

- Ông... Anh... người Việt hả" Tôi phải gọi bằng gì đây"

- Cháu tên Duy nhưng người Mỹ gọi là John. Cháu chỉ đáng tuổi con cháu của chú thôi, xin chú đừng khách sáo.

- Không được, phải trên dưới thứ tự phân minh chứ. Tôi tên Đức (không phải tên thật, theo yêu cầu của đương sự). Anh làm xếp ở đây, tôi cũng hãnh diện vì mình là người Việt... Anh cứ phỏng vấn tôi như bình thường đi. Tôi chỉ dốt tiếng Anh chứ còn lại "thượng vàng hạ cám" gì tôi cũng làm tất. Tôi mới sang Mỹ được 5 tháng theo diện H.O., đang đi học "ét-eo" (ESL: English As Second Language) và cũng sắp hết trợ cấp rồi nên phải tìm việc làm. Mình là trâu chậm nên uống nước đục! Nếu anh giúp cho được công việc này thì sướng quá... Đời tôi chẳng có gì đặc biệt... 13 năm lính, 13 năm tù... sang đây như câm như điếc chẳng biết làm việc gì. Tôi đi học "ét-eo" mấy tháng rồi mà cứ chữ thầy trả thầy, Mỹ nói Mỹ nghe, tôi nói tôi nghe. Buồn lắm "cậu em" ơi! À, xin lỗi "ông xếp" nhé. Tôi mừng quá nên lỡ lời.

- Chú cứ tự nhiên, không sao cả. Chú kể tiếp đi.

- Thế anh không phỏng vấn tôi à"

- Chú là cựu sĩ quan, dư sức làm "security guard" nên cháu đâu cần phải hỏi gì nữa. Cháu sẽ nói với anh trưởng toán thâu nhận chú với một điều kiện.

- Bao nhiêu điều kiện cũng được. Anh cứ cho biết, tôi sẽ "gồng" hết sức để "hoàn thành nhiệm vụ".

- Vâng. Cháu sẽ nói với anh trưởng toán sắp xếp cho chú làm từ 3 giờ chiều tới 11 giờ đêm để ban ngày chú tiếp tục đi học tiếng Anh, và sau này tiếp tục học thêm về "computer" ở Đại Học Cộng Đồng để...

- Sao anh lại bắt tôi đi học" Tiếng Anh tôi nhá không vô. Mụ vợ tôi càng học càng tiến còn tôi thì càng ngày càng lụn bại. Anh cứ cho tôi làm với một người Việt Nam, cần gì họ sai bảo tôi bằng tiếng Việt được rồi.

- Nếu chú không chấp nhận điều kiện thì...

Tôi chưa kịp nói hết câu, chú Đức đã đứng bật lên, khua tay phân trần:

- Được. Được. Tôi... tôi... đi học. Anh đừng đuổi tôi, tội nghiệp!

Rồi chú Đức cũng trở thành nhân viên chính thức của hãng TRW. Mới đi làm được mấy tuần, chú ấy đã nổi bật trong đám nhân viên vì gặp ai đi ngang chú ấy cũng đứng thẳng theo "thế nghiêm" để chào, và khi có ai nhờ cậy hay hỏi han việc gì, chú ấy cũng trả lời "yes sir" mặc dầu có những lúc chú ấy không hiểu người ta nói gì! Những người Mỹ trong sở đặt cho chú ấy một cái "nick name" là "Mr. Yes Sir"; còn những người Việt Nam trong sở lại gọi chú ấy là "Ông 13". Thật ra cái tên "Ông 13" là do tôi đặt cho chú ấy vì hôm đầu tiên chú Đức đi làm, tôi đưa chú ấy đi giới thiệu với anh chị em người Việt trong sở, và khi gặp ai chú ấy cũng lặp đi lặp lại một câu "tôi chỉ có 13 năm lính, 13 năm tù, tiếng Anh thì dốt, nhờ anh (chị) giúp thêm cho nhé!"

Mới đi làm được vài tuần, không biết chú ấy hỏi thăm ai đó nên xin được địa chỉ nhà tôi... và "đùng đùng" đến gõ cửa vào lúc 8 giờ sáng Thứ Bảy. Vợ chồng chú Đức lệ khệ mang 2 chai rượu XO, một hộp bánh và một thùng trái cây đến "tạ ơn" tôi đã giúp chú ấy có việc làm. Tôi "giận" lắm nên sau khi mời vợ chồng chú Đức vào nhà, tôi nghiêm mặt lên tiếng:

- Cháu rất kính phục chú. Trên sở ai ai cũng quý mến nhân cách và thái độ làm việc của chú, nhưng nếu chú không mang mấy thứ này về ngay, cháu sẽ nói với anh trưởng toán "security" cho chú nghỉ việc từ tuần tới.

- Xin lỗi, xin lỗi... Mình là người Việt với nhau mà "xếp"... Cái này là để bày tỏ tấm lòng biết ơn của vợ chồng tôi chứ không phải "hối lộ" gì đâu, xin "xếp" bớt giận.

- Cháu hiểu nhưng chú không thể làm như vậy. Chú thím ghé thăm là quý hóa lắm rồi, đừng mang quà cáp gì hết, bằng không cháu sẽ không bao giờ mở cửa.

- Được, được... Lần sau không dám nữa, nhưng xin "xếp" nhận cho lần đầu nhé.

- Nhất định là không được chú Đức à.

- "Xếp" làm tôi ngại quá, biết làm sao bây giờ"

Tôi phải nói mãi chú ấy mới chịu mang "quà" về!

Gần 2 năm sau tôi rời TRW về làm cho National Geographic nên không có dịp tiếp xúc nhiều với chú Đức nữa nhưng thỉnh thoảng bạn bè ở TRW vẫn kể cho tôi nghe những chuyện vui về chú ấy. Điều tôi vui nhất là chú ấy không những đã "tốt nghiệp ESL" mà còn tiếp tục học lấy bằng A.S. về Computer và trở thành một nhân viên xuất sắc lo việc bảo trì hệ thống máy điện toán ở sở cho tới tuổi về hưu.

* * *

Chiều Thứ Sáu... Kẹt xe... Trời nắng đẹp. Tôi chóa mắt khi bước vào nhà hàng dưới ánh đèn mờ mờ. Nhà hàng chật cứng người... Tôi nhớn nhác tìm kiếm chú Đức và đám bạn. Một bóng người vụt đến phía bên hông. Một vòng tay ôm tôi thật chặt. Một giọng nói nồng ấm bên tai:

- Mừng quá. Mừng quá. Cuối cùng rồi Duy cũng đến. Chú vui lắm. Chú không bao giờ quên được những chuyện ngày đó... Cám ơn, cám ơn Duy đã giúp đỡ và "làm khó" để chú phải đi học và có được việc làm tốt. Đến đây, đến đây. Cả đám chúng nó đang chờ Duy đàng kia kìa.

Chú Đức nắm tay kéo tôi đi ào ào đến một bàn dài trong góc trái nhà hàng. Cả đám nhao nhao bắt phạt vì tôi đến trễ... Chú Đức đã không ch0 khai mạc vì muốn chờ "xếp cũ" cho long trọng. Chú Đức kể với mọi người về những "cái ngố" của mình khi mới vào làm "security guard" ở TRW, vật lộn với mớ tiếng Anh "ăn đong", những hiểu lầm "tai hại" vì hai tiếng "yes, sir" và nhất là "cũng oai ra phết" khi "tậu được một mảnh bằng" để trở thành "ông tếch" thứ thiệt. Chú Đức cám ơn đám "bạn trẻ" đã giúp đỡ một "lão H.O." hết thời hội nhập vào xã hội tân tiến trên đất Mỹ...

"Tôi sẽ không bao giờ quên con số 13 cũng chính là cái tên các bạn vẫn gọi tôi cả chục năm nay. Nó là một con số mà người đời coi là xui xẻo, nhưng với tôi, nó là con số của định mệnh... may mắn. Xin cám ơn các bạn. Và giờ này tôi cũng muốn chia sẻ với các bạn một con số định mệnh khác nữa của đời tôi... Đúng 33 năm trước, khi tôi vừa tròn 33 tuổi thì nước mất nhà tan; và hôm nay, đúng 33 năm sau, tôi được về hưu với đầy đủ quyền lợi của một công dân Mỹ... Tôi là một cựu sĩ quan đã hết thời nhưng tôi tin tưởng nơi các bạn trẻ. Tôi hãnh diện vì các bạn. Tôi vui mừng cho dân tộc Việt Nam vẫn còn một thế hệ trẻ với đầy nhiệt huyết như các bạn..."

Những tâm tình tự đáy lòng của chú Đức đã để lại trong tôi thật nhiều trăn trở...

Lại một lần nữa mùa xuân đến, tháng Tư về... nhưng biết đến bao giờ con dân Nước Việt mới có được mùa xuân đích thực trên Quê Mẹ"!

Nguyễn Duy-An

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,789,279
Ngày 18 Tháng Tư 2017, Cựu Trung Tá Không Quân VNCH Nguyễn Thị Hạnh Nhân từ trần tại California, hưởng thọ 90 tuổi. Định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO 2 từ 1990, cho tới những ngày tháng cuối đời,
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2015. Cô sinh tại Sài Gòn, hiện là nhà giáo làm việc tại Viện Nghiên Cứu Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, Monterey, Calif.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. đến Mỹ năm 1994, theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012, hiện là cư dân hưu trí tại Westminster.
Tác giả định cư tại Pháp, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á Hậu.
Tác giả là một Kỹ sư về hưu, đang sinh sống ở Orange County và đã nhận được giải Danh Dự năm 2016. Trong những bài VVNM của ông, có nhiều bài viết lấy thú vật làm đề tài,
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/ Donna Nguyen. Cô đã từng đóng góp khoảng 16 bài Viết Về Nước Mỹ dưới ba bút danh trên. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, cô từng sống ở vài tiểu bang như Indiana,
Nhạc sĩ Cung Tiến