Hôm nay,  

Tiểu Thơ Ở Tù (Tiếp Theo)

03/07/200800:00:00(Xem: 381576)
Tác giả: Thanh Mai

Bài số 2341-16208417-vb5030708

Thanh Mai vừa nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài viết “Ép Con Học Hành Quá Sức.” Đây là một hồi ký kể về tấm lòng của người mẹ dành cho một đứa con bệnh tật. Nhân vật chính trong bài viết, em Lộc Trần, nhờ sự chăm sóc của cả gia đình và xã hội, sặc biệt là hệ thống y tế giáo dục tại Mỹ, từ một thiếu niên chậm phát triển và kém thị lực, đã trở thành một nhạc sĩ dương cầm. Nhân dịp theo bố mẹ từ Minnesota về Little Saigon họp mặt Viết Về Nước Mỹ,  em Lộc Trần đã có dịp lên sân khấu biểu diện nhạc phẩm "Turmoil 2" (hay Cơn Hỗn Loạn sồ 2) do chính em sáng tác và rất được tán thưởng.

  Sau đây là bài viết mới viết của Thanh Mai kể chuyện các tiểu thư vượt biên, đi tù và rồi gặp lại trên đất Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.

*

Khi cây lúa lên hơi cao chúng tôi phải đi nhổ cỏ lúa. Cả tuần mà chúng tôi vẫn không phân biệt được lúa và cỏ lúa, nhổ lung tung. Hai bà cán bộ ngồi trên bờ quát tháo om xòm. Sau này thì khỏi nói rồi, nhìn xa xa là biết, nhổ trúng chóc.

Lao động suốt ngày dưới ruộng, mấy tiểu thơ cô nào cũng bùn sình lem luốt từ đầu xuống chân. Hết giờ lao động, mỗi người đem theo một bộ đồ sạch để thay rồi cả đội nữ kéo nhau xuống suối tắm. Con suối này chạy dọc theo trại, bờ bên trại thoai thoải nhưng bờ bên kia thì cao. Mùa hè nước suối rất trong và mát. Hai bên bờ cây cối xanh tươi. Cảnh vật nhìn đẹp như tranh, có điều đằng sau bức tranh này là những cơ cực, những đày ải mà người tù phải chịu đựng qua nhiều năm tháng dài lê thê.

Một hôm sau khi tắm suối về, đến giờ điểm danh để khóa phòng giam, đội nữ bị thiếu một người, đó là Hàn Vân. Vân là người Hoa ở Chợ lớn, bị bắt tội vượt biên và bị chuyển đến trại A30 cùng một lúc với tôi. Nhiều người nhớ ra là hồi nãy ngoài suối có thấy Vân tắm chung, có khi nào Vân quên còn tắm dưới suối chăng" Cán bộ Cơ và vài người tổ trưởng chạy xuống suối tìm. Bên bờ suối vắng tanh chỉ còn sót lại bộ đồ và đôi dép của Vân. Chắc là Vân bị chết đuối dưới suối mà không ai biết. Trại cho một số người đi dọc theo suối tìm nhưng vẫn không kiếm ra xác. Chúng tôi ai cũng buồn khi nghĩ đến bạn mình còn trẻ thế mà đã sớm ra đi, lại chết trôi như vậy thì quá thương tâm.

Đến sáng hôm sau, cả đội vẫn dậy sớm và ra ruộng làm như thường lệ. Chiều về phòng lấy đồ đi tắm thì ô hay! Vân của chúng tôi đang ngồi lù lù ra đó, hai chân đang ở trong cùm. Mừng cho bạn còn sống, mà buồn vì bạn bị đày đọa, thấy thương Vân quá. Thì ra tối qua Vân bày kế giả bộ chết đuối rồi lẻn ra khu thăm nuôi núp. Chờ đến sáng, Vân che nón, lẫn theo những người đi thăm nuôi đi ra khỏi trại. Có điều xui là anh chàng công an gác cổng nhận ra Vân vì Vân xinh lắm, chận cô nàng lại hỏi:

- Có phải chị Vân đó không"

Vân rất nhanh trí, hình như nó đã chuẩn bị sẵn nên trả lời:

- Thưa anh! Anh hỏi ai"

Thường thì tù nhân phải gọi công an trại là "cán bộ". Gọi hoài nên quen miệng. Vậy mà Vân đâu có mắc bẫy, đủ thấy là cô nàng thông minh đã chuẩn bị sẵn các tình huống. Nhưng tên công an này chắc là để ý đến Vân lâu rồi nên hắn tóm ngay cô nàng:

- Chắc chắn chị là Vân rồi!

Vân vừa bị bắt, móc túi lấy ngay một vốc thuốc ngủ bỏ vào miệng nuốt ực tính tự tử. Cô nàng thật là gan! Họ đưa ngay Vân vào trạm xá trại, và chiều đến cũng trong ngày, khi Vân vừa hơi khỏe lại là cô nhỏ bị đưa về phòng giam nữ và bị cùm hai chân ngay. Vân bị cùm cả tháng mới được tha cùm và ở trại A30 gần năm rưỡi mới được tha. Quả đất thật tròn, mười lăm năm sau tôi gặp lại Vân ở Minnesota. Nói sao cho xuể nỗi vui mừng khi gặp lại nhau trên đất khách quê người.

Tắm xong, chúng tôi mới về nhận lãnh phần cơm chiều. Phần cơm này đã được người trực phòng xuống nhà bếp gánh về và chia sẵn. Đa số tù vượt biên có người nhà thăm nuôi nên không đến nỗi thiếu lắm, thêm nữa con gái cũng không ăn uống nhiều. Còn bên nam cũng lãnh khẩu phần ăn ngang với nữ tức là chỉ được một chén cơm thì làm sao đủ. Nhiều người phải cải thiện thêm bữa ăn bằng cách khi đi làm gặp con gì bắt con nấy bỏ bịch ny lông đem về làm thịt - con nhái, con cóc, con dế, con thằng lằng..v.v đều là hàng quí, không bỏ con nào.

Buổi tối tất cả đều bị nhốt hết trong phòng giam. Cửa buồng bị khóa chặt từ bên ngoài. Tôi nằm mà nhớ nhà, nhớ Má và các em, nhớ biển, nhớ bạn bè, nhớ đủ thứ. Tôi ước gì được nằm ôm Má và hít hà hơi ấm của người; rồi thèm được nằm dài xoãi hai tay hai chân trên cát biển, nghe tiếng sóng vỗ bờ, nhìn những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời; thèm được thở và hát vang trong bầu không khí tự do tươi mát. Những điều thật đơn giản nhưng sao xa vời quá!

Bên cạnh tôi, các cô tiểu thư khác người thì hí hoáy viết thơ cho người nhà, người thì cặm cụi đọc sách, nhưng đa số thì nói về chuyện... ăn! Nói tới nói lui cũng lại xoay về những món ăn ngon mà giờ đây quả thật quá xa vời. Nói cho đã thèm mà! Bởi vì "có thực mới vực được đạo".

Trong đám tù nữ chúng tôi người luôn luôn thấy đói là A Giang. Sức ăn của A Giang có lẽ còn hơn đàn ông nữa, đi lao động cần nhiều dinh dưỡng nên ăn thiếu chất như thế bao nhiêu cũng không đủ cho nó. Trại có cho phép tù viết thơ về gia đình để báo cáo "tình hình học tập lao động tốt", dĩ nhiên là phải bị kiểm duyệt rồi. Một hôm họp cả trại, bang trưởng của trại đọc lớn lá thư của A Giang gởi về gia đình:

- "Má ơi! Tao lao động tốt, mạnh phẻ lắm. Mày mau đi thăm tao và mua cho tao những thứ sau đây: Lạp xưởng mười kí; Thịt bò khô mười kí; Nấm đông cô mười kí.."..Tiếp theo là nhiều thứ khác, thứ nào cũng chục kí, một cái danh sách dài đến hai trang giấy A Giang dặn Má nó mua, nhiều đến nỗi có thể mở một gian hàng tạp hóa. Cả trại nghe mà cười ồ.

Tôi còn nhớ hoài lúc A Giang bị đau răng, nó nằm trên phảng gỗ vật mình vật mẫy rên xiết, cứ y như là con voi đang giận dữ phá rừng vậy. A Giang ở tù hơn một năm mới được tha. Nghe nói sau này cô nàng đi vượt biên bằng đường bộ. Không biết số phận nó thế nào rồi"

Đội nữ nói riêng cũng như trại tù nói chung giống như một xã hội thu nhỏ, đủ mọi thành phần, đủ mọi tính khí và đủ thứ xung đột. Sống chung đụng với nhau vào những lúc đói khổ, bần cùng, cơ cực mới biết được tính khí từng người. Những mặt trái của con người lúc này là lúc được phô bày một cách trần trụi, và tàn nhẫn. Bên trong những hình hài hoàn chỉnh là những ích kỷ, nhỏ nhen, ganh tị, quỵ lụy, hèn nhát, tham lam, bần tiện..đủ cả.

Tù vượt biên bị bắt ngày càng nhiều, người thả ra thì ít nên đội nữ càng lúc càng đông. Con Lý dạo này thay đổi tính tình thuần đi nhiều, và xinh đẹp hẳn ra. Nó được gần gũi với mấy cô nàng tù vượt biên nên được chỉ bảo cách ăn nói và ăn mặc. Rồi, đùng một cái, Lý có bầu. Bọn tụi tôi không ngạc nhiên chi mấy vì nhiều lần thấy nó thậm thà thậm thụt thủ thỉ thì thầm với một anh tù làm trật tự tên Kim. Anh chàng Kim này là bộ đội, làm nổ kho đạn nên bị tù mười tám năm. Cả hai đều bị cùm một thời gian vì tội quan hệ nam nữ trong tù.

Ngoài Lý, bà cán bộ Phẳng cũng có người yêu là một công an như bà ta. Đúng là mãnh lực của tình yêu rất phi thường, vì từ ngày có bồ, bà ta hiền dịu hẳn ra, tiếng nói không còn the thé và tia nhìn không còn ác độc nữa. Bà ấy cũng không còn đì mấy tiểu thơ chúng tôi nữa và đôi khi còn hỏi han nói chuyện rút kinh nghiệm của những người đã nếm qua mùi vị ái tình. Tụi tôi tha hồ bày vẽ, nhưng chủ yếu là làm sao cho bà ta nhu mì hiền lành để tù chúng tôi đỡ khổ chút nào hay chút nấy.

Trong trại, số lượng tù nam gấp trăm lần tù nữ nên dĩ nhiên mấy nàng đắt giá lắm. Ong bướm dập dìu, có điều chỉ có liếc mắt đưa tình và những cánh thư xanh được lén lút trao tay thôi.

*

Chị em tôi lao động cực khổ ngoài đồng được khoảng nửa năm thì bên ngoài có phong trào cho người Hoa kiều được xuất cảnh bán chính thức. Những cô tiểu thư gốc người Hoa trong tù được người nhà lo lót thả về để xuất cảnh chung với gia đình nên phòng giam nữ bớt đi một số. Nhất là đội văn nghệ của trại cũng hao hụt đi nhiều, còn có mấy mạng loe ngoe không đủ ca múa.

Thiếu người trầm trọng nên lần này bang trưởng trại quyết liệt bắt Thu Thủy, tôi và vài cô tiểu thư nữa vào đội văn nghệ. Lần này không thấy Ba tôi ban lịnh cấm nữa nên tụi tôi nhận lời. Theo quan điểm của ba tôi thì đội văn nghệ bị ông đánh giá không tốt là làm việc tuyên truyền cho đối phương. Còn theo tôi thì tất cả cũng là tù thôi, có điều mỗi người một hoàn cảnh, một thân phận khác nhau, cố gắng để giữ mạng mà qua khỏi kiếp tù. Không phải là tôi tự biện minh hoặc bênh vực cho các bạn trong đội văn nghệ, nhưng suốt thời gian ở trong đội và quen biết thêm với họ, tôi thấy ai cũng rất dễ thương, có tư cách và nhất là không bao giờ có hành vi bôi bác phản bội hàng ngũ cả. Ngược lại, họ còn lợi dụng sự ưu đãi được thoải mái trong sự đi lại để đóng vai liên lạc viên cho các đội khác, hoặc sẵn sàng giúp đỡ những ai cần họ giúp đỡ.

Thế là bắt đầu một thời kỳ mới, mấy đứa tôi ôm mùng mền và "giỏ lát" chuyển qua ở bên nhà riêng dành cho ban văn nghệ. Đây là một gian nhà nhỏ hai phòng ngăn bởi một tấm vách mỏng, một bên cho văn nghệ nam ở, một bên cho văn nghệ nữ. Mỗi phòng ở cỡ chục người. Buổi tối đến chín giờ tối mới tự khóa cửa không ai được phép ra ngoài phòng.

Vào đội văn nghệ, mấy tiểu thơ chúng tôi không còn phải xuống ruộng cấy lúa nữa mà thường là đi làm cỏ, phơi lúa, lột bắp, gọt khoai mì hoặc lặt đậu phộng. Nếu đi làm cỏ thì sáng sớm ra kho lãnh cuốc, xẻng rồi mỗi người một cái vác trên vai mà đi. Tôi nhớ là thường đi xa lắm, leo dốc rồi xuống dốc, rồi lại leo, hình như tổng cộng phải vượt qua cỡ ba cái đồi hay núi gì đó. Vác cái cuốc tới nơi rục cả người hết muốn làm. Đất thì khô cằn sỏi đá, trời thì nắng nóng muốn nổ đom đóm mắt, khổ hết sức. Cũng may cái ông công an coi đội văn nghệ cho tụi tôi cuốc cỡ vài ba tiếng thì rút quân về, để có thời gian 1, 2 tiếng tranh thủ tập múa hát.

Có hôm đi lột vỏ bắp, tôi bị bò cạp chui vào tay áo cắn 2 phát đau thấu trời xanh. Mấy bạn đem ngay tôi xuống trạm xá để xin thuốc trị độc. Thuốc thang chẳng ăn thua gì, cánh tay tôi bị sưng tấy sốt gần ba ngày. Trong tù thì rắn rít, bò cạp, chuột dán đầy rẫy, nhưng hình như chưa ai chết vì tụi nó. Nhiều khi đang ngủ mà rít bò lên mặt là thường. Có một lần tôi bị một con chuột hoảng loạn chui vô ống quần. Trời ơi là kinh! Tôi hết hồn nhảy tưng tưng, con chuột rớt ra chạy mất.

Hồi còn trong đội nữ tôi thấy có cô bị rắn lục cắn nhưng vẫn không sao. Nhưng tụi nó là tới số vì chị Phúc sẽ chụp cổ giết chết ngay và cô nào dạn sẽ được chia cho món cháo rắn. Chị Phúc nghe nói là nữ quân nhân, chỉ có tài bắt rắn rất giỏi. Nhiều ông thấy rắn là sợ nhưng chị Phúc coi rắn như pha. Chỉ dùng hai ngón tay chụp ngay đầu con rắn, quay nó vài vòng là con rắn bị dãn xương chết ngắc.

Trong tù tôi được nếm đủ loại thịt lạ như thịt rắn, thịt cóc, dế, kỳ đà, và chuột. Không biết có phải là chuột đồng không, chắc mấy anh nói vậy cho bọn con gái đỡ ghê nhưng phải công nhận là trong tù ăn thịt gì cũng thấy ngon. Đói quá mà.

Đội văn nghệ thường làm lao động mỗi ngày 5, 6 tiếng còn cuối ngày thì tập dợt văn nghệ. Chúng tôi thường lén đàn hát những bài nhạc vàng bị cấm cho đỡ nhớ. Dĩ nhiên có anh Triệu Dân đội trưởng đội văn nghệ và một vài người khác canh chừng, nếu thấy phe địch (tức các giám thị) tới là ra ám hiệu đổi qua đờn hát nhạc cách mạng ngay.

Văn nghệ trong tù chẳng có gì hào hứng, hấp dẫn. Cứ mấy bài ca cách mạng và mấy điệu múa nón, múa áo dài diễn đi diễn lại, nhưng có rất nhiều khán giả vì đây là dịp xổ lồng cho mọi người được ra khỏi phòng giam hít thở không khí trong lành dưới bầu trời đêm.

Tôi ở trong đội văn nghệ gần năm rưỡi, lần lần kiêm đủ mọi nghề ca hát, múa, kịch và cả làm MC giới thiệu chương trình. Thêm nhiều tiểu thơ mới bị bắt, vào đội rồi được thả. Nhưng ba đứa bị kẹt lại lâu là Thu Thủy, Mai Loan và tôi. Mai Loan cũng là bạn rất thân của tôi trong tù. Nó rất xinh, thông minh, vui vẻ và hoạt bát.

Bội Trà hơi cao nên bị ông bang trưởng bắt vô đội "Hát bộ" để đóng vai nữ tướng. Nó vào tập vài bữa, giả bộ tắt tiếng hát không được xin ra bán căng-tin. Con nhỏ ăn nói có duyên, làm việc này hợp lắm.

Thu Thủy, Mai Loan, Bội Trà và tôi ở tù hai năm thì được tha. Nay Trà ở Porland, trước là kỹ sư ngành hàng không, giờ ở nhà lông nhông quản lý gia đình. Thu Thủy thì ở Maryland nhưng hơn chục năm nay chúng tôi đã bị thất lạc.

Thời gian sống chung với nhau trong trại tù, cùng chịu hoạn nạn, cùng chia gian khổ, chúng tôi đã có một tình cảm dành cho nhau rất đặc biệt. Nhưng khi ra tù, do hoàn cảnh và điều kiện liên lạc, thường ít có cơ hội gặp nhau. Nhưng rất bất ngờ, vượt qua nửa vòng trái đất đôi khi lại tình cờ hội ngộ nơi đất khách quê người. Ngoài Hàn Thu Vân tình cờ gặp lại ở Minnesota, một hôm tôi đang đứng lựa đồ ở chợ Target thì có tiếng kêu lên mừng rỡ:

- Phải "Xì ke" không"

Trời, ai mà biết biệt danh của tôi vậy cà, tôi quay lại thì thấy Thu Hương. Thu Hương và Quốc Hùng cũng ở trong đội văn nghệ, yêu nhau từ trại tù A30. Ra tù hai người sinh sống ở quê anh Hùng là Đà lạt. Từ năm 1980 ra khỏi tù đến năm 1993 chúng tôi chưa bao giờ gặp lại.

Thu Hương ríu rít:

- Ta thấy ai mà có ngón tay út cong cong đặt biệt giống "xì ke" quá, ai ngờ lại là mi.

- Anh Quốc Hùng đâu"

Hương kéo tôi chạy đi tìm anh Hùng. Tả đâu cho xiết nỗi mừng rỡ gặp lại nhau. Thế là sau đó, chúng tôi đưa nhau về giới thiệu nhà cửa, gia đình và hàn huyên tâm sự hỏi han về cuộc sống trong những tháng ngày khi ra khỏi tù. Suốt mấy năm trời, chúng tôi đã rất thân tình dẫn dắt nhau tìm hiểu và thâm nhập vào đời sống ở vùng đất hứa này.

Qua anh Hùng và Thu Hương, tôi biết được có rất nhiều anh, chú, bác là sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng hòa, trong đó có một số anh trong đội văn nghệ đã qua được Mỹ theo diện HO, nhưng có vài anh đã bỏ mạng nơi quê nhà như anh Quang Hùng nhạc trưởng của đội văn nghệ đã mất vì lao lực quá độ và cuộc sống gian khổ; hoặc anh Thọ ở Đà lạt mất tích trên đường đi vượt biên.

Mới đây tôi liên lạc được với anh Triệu Dân đội trưởng đội văn nghệ, và qua anh Dân tôi liên lạc được thêm anh Trần Trung, anh Chế minh Tuyến, chú Du, anh Hương chị Ngọc... . Mấy anh em gọi phone nói chuyện suốt đêm và tôi rất vui mừng khi thấy tình anh em chúng tôi thật thắm thiết và trường cửu. Như anh Tuyến, đã từng bị tôi bắt đỉa nhát rượt chạy bán sống bán chết, vậy mà ảnh cứ gào lên qua điện thoại "Mai Thái Vân Thanh, em luôn ở trong trái tim của anh." làm tôi cảm động suýt mất ngủ luôn đó. Mong sẽ có dịp gặp lại các anh chị và sẽ liên lạc được thêm với những người anh, người chị và người bạn khác nữa.

Còn đám tiểu thơ ở tù cùng thời gian với tôi đa số cũng đã sinh sống rãi rác ở khắp nơi trên thế giới. Thu An sống ở Đức, Ánh Hồng, Hàn Thu Bích, Hằng, Đoàn, Thuận, Thăng, Minh Loan, Quách Đức Diễm... sống ở California, Quế ở Texas, Mùi ở Ohio. Đa số đều có một cuộc sống ổn định nơi đất khách quê người.

Còn tôi, một trong các tiểu thơ ở tù ngày nào, sau những gian truân, vất vả và thăng trầm của cuộc đời, nay cũng đã đến được bến bờ tự do và đang có được một cuộc sống tạm gọi là bình an và hạnh phúc. Đã vượt qua được những trải nghiệm gian khổ xa xưa nên nay tôi có được một sức mạnh và một ý chí bền bỉ để khắc phục và vượt qua những khó khăn trong đời sống, cũng như những bước đầu hội nhập với cuộc sống mới nơi đất nước Hiệp chủng quốc này - Và, tôi lúc nào cũng trân quý, biết ơn một đất nước đang cho tôi Sự Độc Lập- Tự Do Thật sự mà tôi đã từng bị cướp mất.

THANH MAI

Ý kiến bạn đọc
11/01/201618:03:55
Khách
Chào chi Thanh Mai,
Toi tên là Lê Như Quý, có ơ tù vợ'i em chi và em cũa Boi Trà.
Tôi dang ợ~ ben Pháp.
Tôi muon lien lac vợ'i chị và Bôi Trà.
Không biet có duoc không ? :)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến