Hôm nay,  

Chim Hót Bên Trời

29/06/200800:00:00(Xem: 345076)

Tác giả: Lữ Thành Kiến

Bài số 2338-16208414-vb8290608

Tác giả là mục sư tại một giáo xứ Việt tại Maryland. Với nhiều bài viết giá trị ký bút hiệu Trần Nguyên Đán, ông từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2007. Báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008 có đăng một truyện ký rất xúc động của ông kể về Mẹ: “Biển Rộng Hai Vai.” Với tựa đề này,  một tuyển tập thơ văn của Lữ Thành Kiến vừa được ấn hành thành sách.  Sách đã in xong, với hình bìa như trên, sẽ được phát hành nay mai. Giải thưởng Việt Báo chúc mừng tác giả và trân trọng giới thiệu “Biển Rộng Hai Vai.” 

Sau đây là phần trích từ cuốn, gồm: 1) Lời tựa của vị mục sư chủ nhiệm chủ bút báo Hướng Đi viết về tác giả “Biển Rộng Hai Vai. Và 2)   Chuyện “Chim Hót Bên Trời” trích từ cuốn sách mới. 

 I. Mục sư Lữ Thành Kiến trong cái nhìn của tôi

 Mục sư Lữ Thành Kiến là một nhà văn Tin Lành mà tôi yêu thích. Ông không chỉ viết báo Đạo cho các đặc san Tin Lành nhưng cũng viết cho các tờ báo khác của đồng hương Việt Nam, chẳng hạn như ông đã từng nhận được giải thưởng Viết Về Nước Mỹ của nhật báo Việt Báo. Những giải thưởng nầy ít người biết đến đã nói lên tính kín đáo, khiêm tốn của bản thân ông. Ông đã viết nhiều thể loại và cách viết rất có duyên, thu hút người đọc từ đầu đến cuối. Những bài viết của ông về những hoàn cảnh có thật trong cuộc sống, những kỷ niệm, những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm hầu việc Chúa, kinh nghiệm chia sẻ đức tin, hy vọng, tình thương, đều nhẹ nhàng, gần gũi và rất dễ cảm thông.

Có lần một bạn đọc báo Hướng Đi gọi điện thoại cho tôi và chia sẻ tâm sự là bạn đã được khích lệ và nâng đỡ tâm hồn rất nhiều sau khi đọc những bài viết của Mục sư Lữ Thành Kiến đăng trên đặc san Hướng Đi. Rõ ràng Mục sư Kiến có ảnh huởng tinh thần rất tốt và sâu đậm trên những bạn đọc của mình. Không có niềm vui nào lớn cho người viết khi biết được sự đóng góp của mình đã trở thành món ăn tinh thần hữu ích cho bạn đọc của mình. Đó là niềm hạnh phúc.

Trong cương vị của một người hầu việc Chúa, Mục sư Lữ Thành Kiến đã tỏ ra đức trung tín và nhẫn nại vô cùng. Ông vẫn đứng vững trước những tấn công không ngừng của kẻ thù trong cuộc chiến thuộc linh và ông đã thắng nhờ đức tin và lẽ thật. Ông mang tấm lòng thương xót, kiên trì, khiêm nhường của Chúa Cứu Thế Giê xu. Tôi biết ông có đức tính nhịn nhục bền bỉ dù trải qua nhiều thử thách trong thân thể và trong chức vụ chăn bầy.

Ưu điểm văn chương của ông là sức tưởng tượng, trí nhớ và cách dùng từ rất cẩn thận. Ông có khả năng dùng từ chính xác, ông nắm rất vững luật chính tả trong tiếng Việt, vì thế dù là chủ bút một đặc san tôi khó tìm thấy lỗi nào hay sơ sót nào trong các bài viết của ông để mà edit cả. Tôi thích Mục sư Kiến trong đức tính tôn trọng độc giả của ông. Tôi rất cảm động khi ông cho biết ông muốn xuất bản tuyển tập thơ văn này để góp phần gây quỹ trang trải chi phí cho việc xây cất ngôi thánh đường mới mà ông đã dày công xây dựng trong nhiều năm qua ở Maryland. Lòng yêu thương của ông đối với Chúa, với Hội Thánh của Ngài thật đáng tuyên dương. Tôi hết lòng mong muốn quý bạn đọc nhớ cầu nguyện và ủng hộ không ngừng cho chức vụ của Mục sư Lữ Thành Kiến và sự nghiệp văn chương của ông.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ

 II. Chim Hót Bên Trời

  Gần bốn muơi năm trước, chàng còn trẻ rất trẻ. Trẻ thì đẹp, đẹp trai vừa phải, nhưng có lẽ những bài thơ đăng trên những tờ báo tuổi học trò nổi tiếng thời ấy, những tập san hàng năm đoạt giải nhất, những kỳ thi đơn ca trong các chương trình văn nghệ của trường làm cho chàng trông ... cute hơn dưới mắt những cô gái cùng thời, cùng trường, cùng lớp. Mười sáu, mười bảy, chàng vẫn còn rất hồn nhiên.

- Ê Vũ, Mây Hồng không" Lũ bạn trai réo.

- Hai giờ sau giờ gì vậy"

- Vạn Vật, học bộ xương người chán chết mày ơi.

- Thế thì dzọt cho lẹ.

Quán cà phê gần trường, nhỏ, gọn gàng, xinh xắn, quen thuộc. Cô chủ quán có nụ cười thông cảm với đám học trò mới lớn mà không nhố nhăng, chỉ thích tìm một góc hơi khuất, với các filtre cà phê nhỏ từng giọt đậm đặc xuống nền sữa trắng quyến rũ, tiếng nhạc Trịnh Công Sơn và giọng hát Khánh Ly. Những khuôn mặt búng ra sữa bày đặt mồi thuốc cho nhau, phì phà nhả khói. Bên ngoài không gian yên tĩnh. Ngôi trường trung học công lập duy nhất của tỉnh lỵ nằm trên triền một dãy đồi, trải dài xuống thung lũng mà mùa xuân những bông hoa dại vàng mọc khắp các lối đi, mùa hè đỏ rực phượng vỹ, ít tiếng xe cộ, nhiều tiếng chim hót. Tuổi thanh xuân thật êm đềm. Giờ tan trường các tà áo dài xanh của các cô nữ sinh, những chiếc áo sơ mi xanh, quần tây xanh của các nam sinh chen chúc nhau trước cổng trường mở rộng. Và nguời ta đôi khi thấy từng cặp tản mác đi riêng, dưới các hàng muồng xanh cao vút, trên con đường đất đỏ, hiền lành, dễ thương, như Phạm Duy viết em tan trường về anh theo Ngọ về. Rồi mùa hè đỏ lửa đến, đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe, không khí trong các lớp học cũng dường như căng thẳng hơn, trên vầng trán các chàng trai mới lớn đệ nhị đệ nhất cũng xếp nếp âu lo bởi vì rớt Tú Tài anh đi trung sĩ, em ở nhà....

Quán cà phê vắng khách bởi vì các chàng trai hồn nhiên bây giờ túi bụi ôn thi. Đứng trong sân trường đông nghẹt học trò dưới bóng những hàng phượng vỹ đỏ rực và tiếng ve sầu áo não mùa hè cùng với bạn bè hồi hộp chờ nghe đọc kết quả cuộc thi, chàng ngậm ngùi nghĩ rằng mùa hè này sẽ là mùa hè cuối cùng, từ giã cuộc đời học sinh hoa mộng, đậu hay rớt cũng sẽ phải ra đi, mỗi người mỗi hướng. Vũ đậu năm đó, rồi nộp đơn thi vào trường Sư Phạm, nơi duy nhất để ... trốn lính một cách hợp pháp nhất. Cũng đậu luôn. Dường như người cha nặng nợ binh đao đã gánh hết tất cả đao cung cho các con trai mình.

Vũ vào trường Sư Phạm, học hai năm ra trường vào lúc thời cuộc đang đi dần vào ngã rẽ sinh tử. Học tà tà, đậu tốt nghiệp không cao, không có đường chọn lựa, người ta chọn cho thành phố Pleiku nhỏ bé nơi đi dăm phút đã trở về chốn cũ. Không đầy một năm sau chàng chạy theo đoàn dân di tản rùng rùng rời khỏi thành phố ngùn ngụt lửa cháy, để lại sau lưng rất nhiều kỷ niệm, những bài thơ học trò chép trên giấy mỏng từng tập nâng niu rơi lại một góc rừng loạn lạc nào đó và mất dấu mãi mãi. Mất dấu mãi mãi.

2.

Sau năm 1975 cùng với gia đình trở về thành phố quê hương Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có những đêm nghe vọng lại ầm ầm tiếng sóng xa đưa. Lập gia đình khi tuổi vẫn còn rất trẻ, với người yêu học trò năm xưa vì bây giờ cả hai không có một sự chọn lựa nào khác, hoặc là có nhau, hoặc là sẽ mất nhau mãi mãi. Lập gia đình rồi, một cái đám cưới đơn giản với chú rể áo sơ mi trắng quần tây đen, cô dâu áo dài vàng, mặt cả hai còn non choẹt, nhưng tâm hồn thì già nua, khắc khoải như một thời cuộc nhiễu nhương, mệnh nước nổi trôi. Cưới nhau rồi thì đưa nhau lên núi, cất một cái chòi tranh vách đất bên cạnh một dòng sông nước xanh vắt còn dấu chân của thú rừng nguyên thủy.

Vũ làm nông dân. Buổi sáng dậy sớm khi sương mù còn bao phủ núi rừng tĩnh mịch, hì hục thổi lại bếp lửa tàn hôm qua, nấu vội vài củ khoai mì rồi vác cuốc ra đồng, cuốc từng trảng tranh, đế, khai hoang từng miếng đất rậm rịt hoang dại. Mùa trồng khoai trồng bắp, mùa trồng lúa trồng đậu. Chiều đi rẫy về quảy đôi thùng xuống sông gánh nước, bến sông sâu hai bờ tre trúc xào xạc gió ngàn. Được mùa thì có cơm ăn, với dăm con cá khô hình hài tan nát nấu với lá dang chua thay me và khế. Mất mùa thì ăn khoai ăn bắp, có khi không có gì ăn hết, phải đi hái những lá rau dền hoang mọc lẻ tẻ bên triền đồi, hái sạch những trái đu đủ còn rất non, có khi là cái bắp chuối xơ. Trong suốt những thời gian đó bạn bè xa mất dấu, xa khuất lấp, mỗi đứa mỗi phương trời, nghèo đến nỗi không có tiền mua tem gửi thư cho nhau, chắt chiu cả tháng mới đủ tiền mua một ly cà phê, mà cà phê ít xác cau nhiều, uống đắng nghét, hôi rình mà vẫn thấy ngon.

Đến khi rừng núi hoang dại bị những con người khốn khổ đào bới đến nỗi không thể nuôi sống mình và gia đình được nữa, ngậm ngùi từ giã mẹ và các chị em làm một chuyến Nam tiến để còn cơ hội sống sót. Đó là những ngày trôi nổi trên sóng nước Hậu Giang, bên những bờ kinh chằng chịt dừa nước và bình bát. Vũ đi làm thuê trong một nhà làm bún mà chủ lẫn thợ đều nghèo như nhau. Có những chiều chèo xuồng ba lá một mình trên sông Rạch Giá, không cả một cảm giác khi nhìn lục bình và điên điển trôi, lục bình bông tím điên điển bông vàng. Bây giờ làm cha, mới thấm thía tình cha con, công ơn cha mẹ, khi mỗi tuần lễ dẫn con trai hai tuổi đi buôn mỡ lên Sài gòn, dù chỉ là một vài lít mỡ dấu nơi này nơi kia, may rủi lúc được lúc không cũng tạm nuôi mình và vợ con qua ngày.

Những buổi chiều đi làm thuê về, dẫn con ra bờ kinh sát bên cái chòi tranh tạm trú. Hai cha con mỗi người xách một cái cần câu tự chế, móc mồi quăng ra mặt nước ngồi chờ cá ăn. Thằng bé giật mình khi cái cần câu nhỏ bé trong tay nó trĩu nặng, cha phải phụ giúp, để nghe tiếng con reo lên mừng rỡ:

- A, có một con cá rô nè. Nướng ăn ngon ỏhết xẩy.

Mẹ từ trong chòi lá nhìn ra, cười âu yếm.

Vũ sống sót qua những ngày tháng ấy, cho đến khi những thùng hàng từ bên kia đại dương bay về, thì dẫn vợ con trở về Nha Trang quê hương cũ.

3.

Rồi thì cuối cùng cũng đến Mỹ. Tuổi mới bốn mươi mà đầu đã lấm tấm bạc. Như Đặng Dung ngày xưa mài kiếm dưới trăng trả thù nhà. Thù trả chưa xong đầu đã bạc. California là vùng đất Mỹ đầu tiên đặt chân đến. Tại đây Vũ lại lần nữa cắp sách, à không, mang ba lô đến trường. Buổi sáng lấy một hai lớp ở trường Community College, chiều đi làm cây xăng, cây xăng là nghề đầu tiên tại Mỹ. Rồi ghi danh thêm vào Trường Thần Học như ý nguyện ngày xưa ở quê nhà. Vài người tín hữu có lòng gây dựng một nhà sách Tin Lành ngay trong khu shopping center của người Việt, mời Vũ cộng tác. Học hai trường, làm một job. Ngày tháng qua rất nhanh, một năm, hai năm, ba năm, vừa đi làm, vừa đi học, từ sáng sớm ra khỏi nhà tối mịt mới về đến nhà, tranh thủ lấy lại thời gian đã mất. Cuối cùng cũng tốt nghiệp trường Thần Học.

Ông Mục sư già gọi đến nhà, đãi ăn một bữa, rồi hỏi:

- Tôi muốn license cho thầy làm Mục sư Nhiệm Chức để hầu việc Chúa, ý thầy nghĩ thế nào"

- Dạ được.

Trong thời gian chờ đợi được license, một buổi sáng ở nhà sách Phúc Âm, nhận được lời mời qua thăm một Hội Thánh ở tiểu bang Maryland. Tháng 8 qua thăm, tháng 9 nhận được lời mời quản nhiệm Hội Thánh. Tháng 10 Vũ bay qua trước, chuẩn bị chỗ ở, chuẩn bị nhiều thứ. Tháng 12 vợ con qua. Lễ Giáng Sinh cũng là lễ Nhậm Chức. Đôi khi tình cờ tìm lại đâu đó những tấm hình chụp trong buổi lễ nhậm chức, Vũ hơi ngạc nhiên thấy khuôn mặt và dáng vẻ còn rất trẻ của mình dù mái tóc lấm tấm bạc. Nhiều năm sau các tín hữu có dịp nhắc lại kỷ niệm, nói đùa:

- Hồi đó coi Mục sư còn trẻ lắm, như thanh niên vậy, còn bây giờ, đã gần thành ông cụ rồi.

Mới có vài năm chứ bao nhiêu. Mà những phiến đá dưới chân cầu đã đóng rong rêu. Nhìn lại mình đời đã xanh rêu, ngày xưa khi còn đi học, đi dạy, Vũ yêu cái lời của bài Tình Xa này lắm. Bạn bè giờ cũng xa rồi, ai nấy yên phận gia đình, thỉnh thoảng nhận được cái thư, cái email, vài tấm hình, chỉ để nhớ lại, ngậm ngùi một thời không còn nữa.

Những ngày đầu tiên trong chức vụ quản nhiệm Hội Thánh, Vũ đến thăm nhà một người tín đồ đã xa cách Chúa lâu ngày. Một thanh niên, một đứa con trai khoảng 19, 20 tuổi, khuôn mặt còn rất trẻ thơ ra chào, giọng miền Nam đặc sệt: 

- Chào ông Mục sư.

- Chào con. Vũ chào lại, nhìn thằng bé, trong lòng tự nhiên gợn lên một cảm giác ngọt ngào, ấm áp, một cảm xúc rất lạ, mãi sau này mới biết.

Thằng bé, tạm gọi như thế, trở nên một người rất thân cận sau đó:

- Ông Mục sư đi đâu cho con đi theo, con muốn hầu việc Chúa.

Từ đó, Vũ có một “đệ tử”, không giống như các tiểu đồng ngày xưa đi theo chủ ôm sách ôm vở ôm bút viết nghiên mực, đệ tử này đi theo sư phụ để học đạo, để thực tập cách sống đạo và hành đạo. Đi gần cũng đi, đi xa cũng đi. Vũ kể cho thằng bé nghe chuyện ngày xưa của mình, khi mới tiếp nhận Chúa Jesus làm Chúa của đời mình, cũng đi theo một sư phụ giống như thế, và rồi đệ tử xuống núi, trở thành một sư phụ.

Một ngày, một lần, sư phụ nói với đệ tử:

- Mục sư muốn nhận con làm con, con có muốn không"

Đệ tử cười:
- Dạ muốn.

Làm một bữa ăn, mời cha mẹ ruột của thằng bé và Hội Thánh đến, như một cái lễ nhỏ để nhận con, đặt tên mới, đeo vào tay nó một chiếc nhẫn có khắc tên của dòng họ mới. Đệ tử trở thành con, tên mới là Hải Đăng, một ngọn đèn biển, với hy vọng đời sống nó sẽ trở nên một ngọn đèn biển chỉ đường cho tàu thuyền lạc lõng giữa trùng khơi.

4.

Dòng sông Potomac ở thủ đô Hoa Kỳ là một dòng sông đẹp. Vũ ngồi trên bờ sông Potomac, tưởng tượng mình đang ngồi bên dòng sông Seine ở Paris hay Danube ở Thụy Sĩ, dù mỗi dòng sông có một định mệnh và một vẻ đẹp khác nhau. Đẹp nhất là mùa Xuân. Cách đây vài chục năm, có lẽ trăm năm, người Nhật nhân muốn nối dài, mở rộng tình hữu nghị, tặng người Mỹ những cây hoa anh đào Nhật, có lẽ mọc từ trên núi Phú Sĩ. Người My, để bày tỏ thiện chí, cho trồng những cây anh đào ấy ngay giữa lòng thủ đô, bên cạnh bờ sông, và không biết có ai đã tưởng tượng ra được hết tất cả vẻ đẹp vừa dịu dàng vừa rực rỡ của anh đào khi nở rộ một loạt dọc theo hai bên bờ sông thơ mộng nhất của nuớc Mỹ hay không. Những cành anh đào vươn dài, rũ bóng xuống mặt nước, cái mầu hồng long lanh e lệ như đôi má của một thiếu nữ đang xuân. Tấm hình chụp bên cạnh cây anh đào đẹp nhất đang bừng nở ra tất cả vẻ đẹp của nó, nhưng Vũ, bây giờ, người đàn ông trung niên tóc pha muối nhiều hơn tiêu, nụ cười nhiều vết nhăn, không còn chút gì dấu vết của một chàng trai trẻ ba mươi năm về truớc. Gặp lại người quen xưa nếu chẳng quen lung đố nhìn ra được.

Bây giờ chàng đã trở thành một ông nội. Hai đứa con ruột vẫn còn độc thân, nhưng Hải Đăng lấy vợ, có con, và đứa bé gái ngay lập tức trở thành trung tâm điểm của gia đình. Cháu tên là Thiên Ân, ơn của Chúa, nhưng ông nội thi sĩ muốn gọi cháu bằng một cái tên thơ mộng hơn, lấy từ tên đệm của cha nó, tên một loài chim biển: Hải Âu. Có một lần lâu rồi trong một bữa ăn gia đình, vui miệng nói về tương lai, với các cháu nội, Vũ nói:

- Đứa nào có con thì dẫn đi đừng đem về nhà, ông nội không thích con nít. Đem về ông nội sẽ đánh và đuổi đi.

Bây giờ các con nhắc lại:

- Ủa, hồi đó ai nói ông nội không thích cháu, đòi đánh đòi đuổi, mà bây giờ cháu không đến thì buồn thì giận vậy"

Cháu 2 tuổi, đang cái tuổi dễ cưng nhất, đi nhà thờ, ông nội lên bục giảng, nó ngồi dưới hét lên “ông nhội ông nhội”, gặp thì lũn tũn chạy tới níu lấy chân, “ông nhội, ẵm con”, đang ngồi thì sà vào lòng, đưa hai bàn tay bé bỏng quàng lấy cổ, chơi trò trốn tìm với ông nội vòng quanh nhà, cười khanh khách. Mẹ nó phải đi làm internship một năm ở một tiểu bang rất xa, cả ba cha mẹ con sẽ dời đi, nghe báo tin ông nội không ngủ được mấy đêm liền. 

- Có còn "choice" nào không"

- Dạ không, chắc tụi con phải đi.

- Vậy sao" Vũ nhìn ra ngoài đường, tưởng tượng ngày nào đó mình sẽ ngồi đây nhìn ra sân, mong nhìn thấy chiếc xe Mustang màu bạc của cha nó, hay chiếc SUV Honda màu đen của mẹ nó chạy vào trong drive way, rồi hoặc là cha hoặc là mẹ một tay bồng con, một tay xách cái giỏ màu hồng đựng áo quần, sữa, tã, lật đật, hấp tấp chạy vào nhà. Không biết đến bao giờ mới nhìn thấy lại hình ảnh đó.

5. 

Hải Âu, bây giờ cháu đã đi rất xa ông nội rồi. Bây giờ mỗi khi nghe tiếng chim hót đâu đó ông nội sẽ nhớ cháu, nhớ tiếng cháu nói như tiếng chim hót líu lo, mà bây giờ, nhớ cháu, gọi điện thoại thăm, nghe tiếng líu lo trong điện thoại chứ không nhìn thấy mặt, thì cũng như là tiếng chim hót bên trời mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,336,502
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo