Hôm nay,  

Hai Điều Ước

07/06/200800:00:00(Xem: 197024)

Tác giả: Anthony Hung Cao

Bài số 2319-16208296-vb7070608 

Anthony Hung Cao tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa, Orange County. Bài viết về nước Mỹ  đầu tiên của ông mang tựa đề “Con Búp Bê”,  cho thấy tấm lòng của tác giả: nhìn con trẻ hạnh phúc tại Mỹ, nhớ những tuổi thơ bất hạnh ở quê cũ. Sau đây là bài viết mới nhất Anthony Hung Cao, khi trở lại với nhân vật câu chuyện của “con búp bê” đúng vào lúc nhận tin ông là tác giả được bình chọn vào danh sách chung kết 2008.

Những ngày cuối tháng Năm ở Việt Nam trời thật oi bức. Những cơn mưa đầu mùa chợt đến, chợt đi, không làm giảm bớt chút nào cái nắng vào hè. Những vũng nước nho nhỏ trên sân trường do những cơn mưa để lại, mau chóng bốc hơi tan biến vào trong ánh nắng gay gắt đang đổ xuống.

Mới cách đây mấy hôm, tôi còn lái xe đưa hai đứa con đến trường trong cái nắng dìu dịu của trời Cali như đang luyến tiếc chia tay những ngày mùa xuân đã qua để bước vào mùa hè. Tôi lái xe chầm chậm qua những con đường nở đầy hoa tím mà cách đây hai mươi năm tôi không biết tên của loài hoa này là gì.

Mùa hè đầu tiên ở Mỹ vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi với những nỗi buồn man mác vì tôi vừa rời bỏ quê hương, trường lớp, thầy cô, bạn bè để ra đi mà không biết có ngày nào trở về. Rồi cũng chính những bông hoa tím này nở đầy trong khuôn viên trường mùa hè năm đó đã giúp tôi tạm quên những kỷ niệm gắn liền với màu hoa phượng đỏ. Cũng từ dạo đó tôi đặt cho nó cái tên thân thương là "hoa phượng tím" qua những vần thơ:

Phượng đỏ ngày xưa giờ ở đâu

Xa quê man mác nỗi u sầu

Nhặt hoa phượng tím, tìm bóng cũ

Ngày về phượng đỏ, chắc còn lâu

 ("Phượng Tím" - Anthony Hưng Cao - Hè 1988)

Những cánh hoa tim tím theo những cơn gió nhẹ rơi vương vãi trên kiếng xe khi tôi lái qua. Một cánh hoa vô tình rơi vào trong xe. Tôi nhặt lấy nó và trong khoảnh khắc cố nhìn thật kỹ xem cánh hoa có nét nào giống những hoa phượng đỏ ngày xưa ở Việt Nam không. Tuyệt nhiên không, chẳng qua tạo hóa đã xếp đặt cho nó nở rộ đúng vào mùa hè để làm nguôi ngoai phần nào "Nỗi Buồn Hoa Phượng" của những người Việt tha hương trong đó có tôi chăng"

Trong khi tâm trí tôi đang lan man theo những kỷ niệm của mùa hè với cánh hoa phượng tím đang còn cầm trong tay, tôi chợt giật mình vì giọng nói của bé Sandy từ phía băng sau vọng lên.

-Daddy! What's flower mà con thấy bố có vẻ "like" nó quá vậy"

- À. Đây là hoa phượng tím đó con.

Tôi để cánh hoa xuống băng ghế trống bên cạnh, rồi trả lời cho bé.

- Hoa phượng tím"

Bé Sandy giương đôi mắt tròn xoe lộ vẻ ngạc nhiên với cái tên mà có lẽ lần đầu tiên trong đời nó mới được nghe. Nó quay đầu qua hỏi Daniel, thằng anh nó đang ngồi bên cạnh.

- Hoa phượng tím" Have you heard that before"

Daniel tuy chỉ lớn hơn Sandy hai tuổi, nhưng lúc nào nó cũng làm ra vẻ "anh hai". Nó nhún vai rồi lắc đầu như muốn nói nó cũng chưa nghe qua cái tên kỳ lạ này bao giờ. Xe đã đến bãi đậu xe của trường, tôi không có thời gian để giải thích cho hai con về xuất xứ của cái tên này, tuy nhiên tôi thầm nghĩ chẳng bao lâu nữa rồi hai đứa cũng sẽ biết...

*

Hôm nay tôi đang đứng giữa hai hàng phượng vĩ nở đỏ chói trong sân trường mà ngày xưa tôi đã từng theo học năm cấp hai ở đây. Bé Sandy đang nắm tay mẹ chạy tung tăng nhặt những cánh hoa phượng rơi như những xác pháo vào những ngày đầu xuân. Daniel thì có vẻ điềm đạm hơn. Không biết học được của ai, thằng bé đang nhặt những cánh hoa phượng ép vào trong quyển sách nhỏ mang theo. Chắc nó đang "sưu tầm" để mang về trường khoe với mấy đứa bạn vào năm học tới.

Tôi không giàu như Bill Gates để lặn lội đưa cả gia đình bay hơn nửa vòng trái đất, chỉ để trả lời một thắc mắc của hai đứa con về cái tên "hoa phượng tím", chẳng qua chuyến đi về Việt Nam lần này cũng là một trong những chuyến đi thiện nguyện như lần trước. Đặc biệt lần này vợ chồng tôi đã có ý định mang theo hai con về để chúng được dịp hiểu rõ hơn về hoàn cảnh sống của những trẻ em ở Việt Nam, nhất là những em bé trong những cô nhi viện. Sáng hôm nay trên đường đến một trại mồ côi, xe tôi vô tình đi ngang qua ngôi trường cũ nên tôi nhờ anh tài xế xe taxi ghé lại một chút trước khi chúng tôi tiếp tục lên đường đến trại.

Thấm thoát đã gần ba năm kể từ lần cuối cùng tôi đến trại mồ côi hay còn gọi là "nhà tình thương" này. Mấy năm qua tôi cũng thường liên lạc với các sơ trong trại để phụ giúp phần nào tài chánh cho trường. Nhưng đến khi tận mắt nhìn lại khu nhà dành cho các em, tôi cảm thấy thật mủi lòng trước cảnh lụp xụp, vá víu hơn so với ba năm về trước. Đó cũng là lý do tôi thường hay quan tâm, giúp đỡ cho những trường trẻ em mồ côi ở những tỉnh xa vì tôi nghĩ những trường ở những thành phố lớn thường nhận được sự giúp đỡ khá hơn. Đặc biệt trong lần về thăm "nhà tình thương" này, tôi muốn tìm gặp lại bé Ly, cô bé mà tôi đã có dịp được gặp và viết về bé trong câu chuyện "Con Búp Bê" ngày nào. Đó là một trong những câu chuyện chỉ được viết vào những buổi tối khi hai bé Daniel và Sandy đã đi ngủ, trả lại cho tôi cái không gian yên lắng sau một ngày bận rộn ở phòng mạch và kèm cho hai đứa con chơi đàn dương cầm.

Bé Ly tính ra năm nay cũng gần 9 tuổi, bằng tuổi với bé Daniel của vợ chồng tôi. Tôi cố tình dành sự bất ngờ nên không báo trước chuyến viếng thăm của mình và cũng định bụng xem bé Ly có nhận ra tôi không sau hơn ba năm xa cách. Chúng tôi đến trong lúc các cháu đang dùng cơm trưa. Bữa ăn đạm bạc với ít rau muống xào, một chén canh và ít cá kho nhỏ. Thấy có khách đến thăm trường, các em tuy đang ăn cũng vội vã đứng dậy cúi đầu chào khách. Bỗng có tiếng đánh rơi của chiếc muỗng xuống sàn nhà và tôi cảm thấy một vòng tay nhỏ bé ôm thật chặt từ phía sau.

- Chú ơi! Cháu cứ tưởng chú không bao giờ trở lại thăm cháu nữa chứ. Cháu nhớ chú quá.

Tôi quay lại và thật xúc động khi gặp lại bé Ly. Con bé vẫn còn nhớ đến tôi dù đã gần ba năm trôi qua và khi đó nó mới lên sáu. Bé Ly nay đã cao hơn lúc trước tuy vẫn còn gầy với mái tóc đen để dài sau ót, và đôi mắt vẫn đọng những vẻ u buồn như lần đầu tiên tôi gặp. Đôi mắt u buồn lạc lõng ấy đã in đậm trong tâm trí tôi trong mấy năm qua. Và trong lúc này đây, những giọt nước mắt đang tuôn trào trong đôi mắt ấy.

- Nín đi cháu. Chú về đây rồi nè. Đừng buồn chứ. Lại đây ngồi xuống ăn hết chén cơm đi. Giỏi chú thương.

Tôi xoa đầu con bé, cố lấy giọng thật thản nhiên tuy trong lòng tôi đang nén xuống những cảm xúc nghẹn ngào.

- Cháu không ăn nữa đâu. Cháu chỉ muốn nói chuyện với chú thôi.

Bé Ly vẫn còn chưa hết khóc, nó cứ bám đôi tay bé bỏng vào chân tôi như sợ tôi bỏ đi đâu mất.

Daniel và Sandy từ nãy giờ đang giương đôi mắt tròn xoe nhìn những gì đang xảy ra trước mắt hai đứa. Hồi lâu bé Sandy ấp úng hỏi tôi:

- Daddy quen với "this girl" à"

Tôi gật đầu.

- Ừ, bố quen. Sandy có nhớ bé Ly mà có lần bố kể mẹ của Ly trước lúc mất đã mua cho Ly con búp bê không"

Sandy lắc đầu tỏ vẻ không nhớ. Daniel thì từ lúc nãy đến giờ, nó đang quan sát những đứa bé trạc tuổi hoặc nhỏ hơn nó đang ngồi ăn ngon lành những chén cơm mà thỉnh thoảng ở bên Mỹ nó còn vòi vĩnh đòi mẹ đút cho mới chịu ăn. Có một vài đứa ăn xong rồi còn nhìn quanh có vẻ như chưa no, chờ cho những đứa bé khác ăn dư thì trút bỏ vào chén của mình. Daniel lay tay mẹ, thì thầm:

- Ở đây tụi nó không có "hamburger"...

Sau giờ ăn, Sandy theo mẹ xuống nhà bếp để giúp các sơ thu dọn và rửa đống chén bát. Daniel thì nhập bọn với vài ba đứa trẻ cùng tuổi đi lang thang ra phía sau dãy nhà ăn, nơi có những cây khế, cây mận với những chùm trái non đu đưa trong gió mà bé chưa bao giờ trông thấy trước đây. Tôi xin phép một sơ đang đứng gần đó để ngồi nán lại phòng ăn trò chuyện với bé Ly. Con bé có vẻ đã qua cơn xúc động ban đầu, nó ngồi thỏ thẻ trò chuyện với tôi tuy tay nó vẫn nắm chặt lấy cánh tay tôi.

 - Cháu năm nay học lớp mấy rồi" Tôi gợi chuyện.

- Dạ cháu mới học xong lớp 3. Bé Ly ngước mắt nhìn tôi, rồi hỏi:

- Cô chú ở đây được bao lâu, chừng nào chú về"

Sợ bé Ly buồn, tôi tránh câu trả lời cho cháu và cố tình bắt sang chuyện khác.

- Buổi sáng học xong, rồi buổi chiều mấy cháu làm gì sau khi ăn trưa xong"

- Dạ mấy đứa con gái thì đan giỏ xách, còn mấy đứa con trai thì phụ đóng bàn ghế. Lát nữa cháu dẫn chú xuống chỗ cháu đan giỏ để cháu khoe với chú mấy cái giỏ cháu đan đẹp lắm. Nghe mấy sơ nói đem ra bán cũng được bốn, năm ngàn đồng một cái. Hồi mới ban đầu cháu chưa quen nên làm đến cả tuần mới xong một cái. Bây giờ khoảng hai ngày cháu đan xong một chiếc. Các sơ khen cháu nhiều lắm.

Bé Ly liến thoắng kể chuyện. Đến bây giờ tôi mới để ý đến hai bàn tay của bé. Những ngón tay nhỏ nhắn đầy những vết chai sần, có những vết cắt còn chưa lành hẳn. Chắc bé đã phải cố gắng hết mình để đan những chiếc giỏ mong giúp các sơ phần nào trang trải chi phí ăn ở nơi đây. Nhìn những vết chai trên đôi tay của bé, tim tôi như thắt lại. Những đôi tay này ở lứa tuổi của bé Ly đáng lẽ chỉ để cầm những cây bút, cái cọ để vẽ nên những bức tranh của tuổi thơ hồn nhiên, xinh xắn sau giờ học hơn là phải vất vả kiếm những đồng tiền nhỏ bé bằng chính công sức của mình. Tôi nhớ lại những buổi tiệc tiếp đãi linh đình trong giới bác sĩ, nha sĩ mà vợ chồng tôi đã từng tham dự. Gần đây nhất là lần dự tiệc sinh nhật một tuổi cho một cậu "hoàng tử" mà bố mẹ đã mở tiệc tiếp đãi gần cả ngàn người trong một khách sạn sang trọng. Ước gì đó chỉ là một buổi tiệc nhỏ ấm cúng trong không khí gia đình và bạn bè thân thuộc thì một số tiền lớn có thể dành để giúp cho những ttrẻ em mồ côi như bé Ly đây không phải làm việc vất vả đến cả năm trời mà chỉ phải lo việc học hành thôi. Biết đâu những cô "công chúa" hay những cậu "hoàng tử" này sẽ nhìn cha mẹ chúng với ánh mắt thán phục và ngưỡng mộ khi chúng lớn lên và hiểu ra những việc làm từ thiện của cha mẹ chúng. Ngay cả ở trong nước, đã có biết bao nhiêu kẻ có quyền thế ăn chơi, tiêu tiền hoang phí, và thờ ơ đến những mảnh đời khổ cực của những người đồng bào của họ. Bao nhiêu du học sinh "con ông cháu cha" khi đến nước Mỹ đã vun tiền của cha mẹ họ còn hơn cả những sinh viên ở đây" Có bao giờ họ tự hỏi thân phận họ ra sao nếu chẳng may họ làm kiếp mồ côi như bé Ly đây"

Bé Ly nói tiếp, giọng con bé bỗng tràn đầy xúc động:

- Mấy hôm trước cháu đọc tin động đất ở bên Trung Quốc. Cháu thấy thật tội nghiệp cho mấy em bé mất cha, mất mẹ giống hệt như cháu. Cháu định xin phép mấy sơ cho cháu đan thêm giỏ sau giờ làm bài tập buổi tối để nhờ các sơ mang đi bán góp tiền giúp mấy em này. Không biết mấy sơ có cho không, có gì chú xin phụ với mấy sơ cho cháu nhe."

Tôi thật cảm động trước ý nghĩ chân tình của con bé. Dù hoàn cảnh của bé Ly hiện giờ cũng không khá gì hơn những em bé mồ côi do trận động đất ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, nhưng em vẫn mở rộng lòng nhân từ của mình ra cho người khác. Tôi nhìn bé Ly rồi chợt hỏi:

- Cháu có ước muốn điều gì không, nói cho chú nghe.

Bé Ly cúi mặt xuống ra vẽ suy nghĩ, lát sau bé ngẩng lên nói.

- Cháu chỉ có hai điều ước. Điều thứ nhất, cháu muốn được đi thăm mộ của ba má cháu...

Nói đến đó, nước mắt bé Ly chợt lưng tròng. Vậy là đã gần ba năm nay bé không được ai dẫn đến thăm mộ của ba mẹ dù chỉ một lần. Ôi, thật là một ước mơ giản dị quá mà bé không dám nói cùng ai cho mãi đến hôm nay. Bé chớp chớp đôi mắt đỏ hoe nhìn tôi rồi nói tiếp:

- Đêm nào cháu cũng nằm mơ thấy má cháu về thăm. Cháu chỉ sợ nếu không đến thăm mộ của má thì má cháu sẽ giận mà không về thăm cháu nữa. Lúc đó cháu sẽ buồn lắm vì cháu sợ không còn nhớ mặt của má nữa. Cháu không có giữ một tấm hình nào của má cháu hết, chú à.

Tôi không dám nghe thêm những lời tâm sự của bé nữa vì tôi sợ tôi sẽ rơi nước mắt trước mặt con bé. Tôi vội hỏi:

- Còn điều ước thứ hai của cháu"

- Cháu muốn gặp lại con Thi. Tội nghiệp nó lắm chú ơi. Nó vô trường này sau cháu mấy tháng. Buổi tối nó nằm ngủ cạnh cháu mà đêm nào nó cũng khóc vì nhớ bố mẹ. Nó kể cho cháu nghe bố mẹ nó nghèo lắm, đi lượm ve chai. Một bữa nọ lượm được vỏ đạn cũ định cưa ra bán, mong có tiền mua sách cho nó đến trường, thì vỏ đạn nổ. Cả hai người chết một lúc. Lúc đó nó đang chơi bên nhà hàng xóm nên mới thoát chết. Tụi cháu chơi thân với nhau lắm.

- Bây giờ Thi đang ở đâu hả cháu" Tôi hỏi.

- Dạ, năm rồi có một cặp vợ chồng Mỹ đến đây tìm con nuôi. Lúc đầu họ chọn cháu đi với họ nhưng cháu khóc nhất quyết không chịu đi, sau đó họ mới bắt con Thi đi.

- Sao cháu không chịu đi" Tôi tò mò hỏi. Bé Ly ngây thơ đáp:

- Dạ, tại cháu không muốn xa má cháu. Cháu sợ nếu cháu bị đem đi chỗ khác, má cháu sẽ không biết cháu ở đâu để hàng đêm về thăm cháu. Cháu sợ phải mất má một lần nữa. Chú biết hông, cháu nghe kể má cháu sợ đi máy bay lắm. Cháu sợ nếu cháu qua Mỹ luôn, má cháu sẽ không đi máy bay được để qua thăm cháu.

Tôi nhìn bé Ly thật tội nghiệp nhưng không biết nói gì. Không biết giải thích sự thật cho bé hiểu hay để tâm hồn trong sáng thơ ngây của bé có được một sự an ủi bởi một niềm tin dại khờ, như những trẻ con ở Mỹ vẫn háo hức mỗi khi Giáng Sinh về, để hồi hộp chờ đợi ông già Santa Clause sẽ mang quà đến cho chúng. Thôi thì có lẽ một ngày nào đó bé sẽ hiểu ra...

- Ngày con Thi rời trại, nó khóc quá chừng chú ơi. Buổi tối hôm trước khi chia tay, hai đứa tụi cháu ôm nhau khóc suốt đêm không ngủ được. Nó nói nó sẽ ráng về thăm cháu nếu ba mẹ nuôi cho phép. Cháu cũng hứa với nó nếu có phép màu nhiệm nào đó, cháu sẽ đến thăm nó. Chú biết hông, cháu tặng con búp bê của cháu cho nó rồi. Cháu biết nó thích con búp bê này lắm vì mỗi khi cháu lấy con búp bê ra chải đầu cho nó, nó thường ngồi kế bên và ước gì mẹ nó cũng mua cho nó một con búp bê như vậy. Cháu thấy tội nghiệp nó quá nên cháu cho nó. Đêm nào cháu cũng nhớ đến con Thi, nhưng cháu cũng nhớ đến con búp bê của má cháu nữa...

Tôi nghe mắt mình cay xè. Phía sau dãy nhà có tiếng lao xao của đám trẻ đùa giỡn đang trèo lên hái những trái khế non. Tôi chợt giật mình vì có kiếng kẻng báo đã hết giờ nghỉ trưa và tụi nhỏ phải tập trung về phía bên dãy nhà làm việc. Bé Ly kéo tay tôi đứng dậy đi về phía đó. Lúc đi ngang qua dãy phòng ngủ tập thể nơi có kê chiếc giường nhỏ của bé Ly, bé Ly bảo tôi đứng đợi rồi chạy vội vào bên trong. Lúc bé trở ra, đôi mắt bé mở thật to chứa đựng một niềm vui khi bé đưa tay khoe tôi chiếc giỏ xinh xắn do bé đan.

- Chú biết hông. Cái giỏ này đẹp nhất trong mấy cái cháu đan đó. Cháu phải xin mãi mấy sơ mới cho cháu giữ lại. Cháu định khi nào có dịp đi thăm mộ của má, cháu sẽ mang theo để tặng cho má...

Buổi chiều hôm đó, tôi xin sơ phụ trách chỗ làm việc của các em cho phép chúng tôi dẫn bé Ly đi thăm mộ của ba mẹ cháu. Tôi muốn giúp bé thực hiện điều ước thứ nhất của bé.

Cũng vẫn con đường quốc lộ, những rừng cao su trồng thẳng tắp với những dòng nhựa trắng đã khô quánh vào buổi chiều. Đâu đó thấp thoáng những bóng trẻ con rình rập chờ cơ hội để trộm ít mủ  khô đã ngả sang màu đen lẫn với cát bụi ở dưới những gốc cây cao su, để mang đi bán. Chút mủ (cây cao su) đen dư thừa như tương lai đen tối của các em, dù phía trên cao kia là bạt ngàn một màu xanh của những tàn lá cao su, màu xanh của một tương lai tươi sáng hơn mà các em chắc không bao với tới.

Tôi không muốn viết lại nhiều về chi tiết cảnh bé Ly đến thăm mộ cha mẹ, vì tôi sợ tôi sẽ không cầm được nước mắt, nhưng cái hình ảnh ốm o của con bé ngồi bên cạnh hai nấm mộ, thủ thỉ những lời tâm sự của nó với người mẹ đã khuất và tỉ tê khoe với má của nó về chiếc giỏ đan, có lẽ sẽ mãi mãi theo tôi đến hết cuộc đời.

Trên đường trở về trại, chuông điện thoại của tôi chợt reo. Thằng bạn thân ở Cali báo cho tôi tin vui là bài viết "Con Búp Bê" đã được chọn vào trong 12 giải chung kết năm nay. Thật là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Tôi chợt nảy ra ý định sẽ dành số tiền thưởng để tặng cho trại mồ côi của bé Ly. Mong rằng món quà này sẽ giúp cho những đôi tay nhỏ bé như của bé Ly bớt đi những chai sần và những vết sước đau buốt.

Hôm nay tôi có một niềm vui nho nhỏ là đã thực hiện điều ước thứ nhất cho bé Ly. Còn điều ước thứ hai của bé, không biết đến khi nào tôi có thể thực hiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,300,995
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến