Hôm nay,  

Đi Đám Cưới Xa

19/05/200800:00:00(Xem: 210307)

Tác giả: Khanh Vũ

Bài số 2303-16208280-vb8180508

Tác giả là cư dân quận Cam California. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể chuyện bay sang tận Virginia, để dự một đám cưới đặc biệt giữa một chàng trai trẻ Việt Nam lấy một cô gái Ấn Độ đồng trang lứa. Mong tác giả sẽ tiếp tục viê1t thêm và vui lòng bổ túc địa chỉ liên lạc và sơ lược tiểu sử.

Ở tuổi ngoài bảy mươi mà nhận được thiệp mời dự đám cưới con cháu của bạn thân chắc hẳn đa số chúng ta đều vui vẻ đi tham dự. Vì đây là dịp gặp lại bạn ta và gia đình, chung vui cùng với họ cũng như có những giây phút hoan hỉ, hạnh phúc lây cái vui, cái hạnh phúc của gia đình bạn.

Có những giờ phút tạm quên mọi việc thường ngày, thường là nhàm chán, để thay bằng cảm giác thoải mái lúc tuổi cao dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi vài ba tiếng đồng hồ. Tất nhiên thiệp mời đến phải vào lúc chúng ta còn sức khỏe tương đối khá và nơi tổ chức tiệc cưới không xa lắm. Lớn tuổi mà phải rong ruổi đường xa, phải lái xe hoặc ngồi xe cả chục tiếng hoặc phải bay 5, 7 tiếng chắc ít lão gia nào dám đi ăn cưới!

Tôi ở Quận Cam Cali đã hơn 15 năm, dự cũng khá nhiều đám cưới của bà con và bạn bè mời nhưng xa nhất cũng chỉ quanh quẩn ở trong tiểu bang Cali, thường chỉ đến San Diego hay San Jose là cùng. Thế nhưng nếu nhận được thiệp hồng của bạn thân từ tiểu bang xa thì sao" Thông thường những thiệp này không đến bất ngờ mà trước đó đã có sự liên lạc giữa hai bên và đã có sự thoả thuận của bên nhận. Tôi vừa nhận được một thiệp hồng trong trường hợp như thế, thiệp mời vợ chồng tôi đi dự đám cưới ở Virginia, do anh Ch, người bạn cố tri ở tiểu bang này gởi đến sau khi gọi điện thoại trao đổi với tôi trước đó vài tháng cho biết đây là đám cưới của cậu con trai út với một cô gái người Ấn độ và tôi đã vui vẻ hứa sẽ đến tham dự.

Để đến được nơi đám cưới, tôi sẽ phải bay từ miền Tây sang miền Đông nước Mỹ, đi về gần năm ngàn miles, ngồi trên phi cơ hơn chục giờ bay ngoài thời gian chờ đợi ở các phi trường, tính cả ngày đi ngày về trong đó có 3 ngày dự lễ nghi và tiệc tùng phải mất tổng cộng 5 ngày. Tôi nhận đươc thiệp khoảng hơn tháng trước ngày hôn lễ sẽ cử hành như ghi trong thiệp mời. Sau khi xem tấm thiệp đỏ khá đặc biệt, có kèm bản hướng dẫn các nơi sẽ diễn ra hôn lễ và tiệc tùng ở hai nơi chính là Washington DC và Virginia cùng một số chi tiết liên hệ, tự nhiên tôi thấy nôn nao trông mau đến ngày đi, để được dự một đám cưới khá đặc biệt giữa một chàng trai trẻ Việt Nam lấy một cô gái Ấn Độ đồng trang lứa, hứa hẹn sẽ biết được nhiều điều mới lạ, đặc biệt là lễ nghi truyền thống trong đám cưới đa chủng này. Nhưng nôn nao trông đi không hẳn chỉ do tính hiêú kỳ thúc đẩy mà thật ra còn nhiều lý do khác nữa khiến tôi vui vẻ nhận lời mời và mong muốn sớm đến ngày qua Virginia.

Anh Ch và tôi quen biết và thân thiết nhau từ hơn năm mươi năm qua. Không kể khi còn ở VN chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau mà cả khi sang đất Mỹ, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau dù kẻ ở Đông, người ở Tây của đất nước Mỹ rộng lớn này; điều khiến tôi nhớ mãi là sau 30-4-1975 lúc bạn đã sang được Mỹ còn tôi kẹt trong lao tù cộng sản ở miền Bắc VN, bạn là người duy nhất còn nhớ đến tôi và gởi quà thăm hỏi. Thứ nữa đây là đám cưới cậu con trai út và cũng là người con trai độc nhất trong gia đình anh. Anh chị Ch có cả thẩy 4 người con, ba cháu lớn là con gái và đều đã lập gia đình. Cháu út lấy một cô gái người Ấn cùng là luật sư làm chung tổ hợp, cả hai quen biết và làm việc gần nhau đã khá lâu.

Có thể nói cho đến nay đây là đám cưới giữa người Việt Nam và Ấn Độ lần đầu tiên trong đời tôi được mời tham dự. Ngoài ra đây cũng là dịp hiếm có để tôi được gặp lại những người thân quen của gia đình bạn Ch mà đa số tôi đều biết ít nhiều trước đây. Tôi cũng sẽ cơ hội thấy lại thành phố thủ đô Washington DC mà tôi đã có những ngày thăm viếng rất thích thú khi du học tu nghiệp vào những năm 1969-70.

Đến miền Đông vào mấy ngày cuối tuần của những ngày cuối tháng Mười, trời cuối thu chắc hẳn cây lá còn đẹp với lắm mầu sắc, không khí se lạnh của thời gian sắp chuyển mùa, lòng lại hân hoan dự một đám cưới kết quả của mối tình rất đẹp, tôi hi vọng sẽ có được nhiều kỷ niệm vui vẻ và thân thương nhớ đời.

Dựa theo bản hướng dẫn kèm thiệp mời, tôi vào địa chỉ trên mạng www... của cô dâu chú rể (có ghi trên bản này) để biết chi tiết chương trình và ngày giờ của ba ngày đám cưới. Do việc gia đình nên hai vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định chỉ có thể đến dự hai ngày sau là hai ngày có những lễ nghi quan trọng (thứ bảy và chủ nhật). Sau đó tôi vào mạng internet tìm phi trường và khách sạn gần nhà bạn Ch. nhất.

Trước ngày đi hơn tháng, tôi mua vé máy bay trên mạng, chọn vé khứ hồi và bay thẳng từ phi trường Los Angeles đến phi trường Washington DC/Ronald Reagan và điện thoại đặt phòng khách sạn. Tôi e-mail cũng như điên thoại báo cho Ch. biết những thông tin này. Ch. bảo tôi chỉ lo vé máy bay đi còn chỗ ở bạn sẽ lo liệu. Trong khi chờ đợi ngày đi, tôi nhận được e-mail của anh chị Ch. cho biết chương trình chi tiết trong ngày lễ chính như ngày giờ đến nhà thờ cử hành lễ theo Ấn giáo, giờ phút rước dâu về nhà làm lễ theo nghi thức truyền thống VN, ăn trưa .v.v. Anh chị cũng qua e-mail chuyển tiếp thư của cô dâu xin chào mừng tất cả khách đến tham dự và xin mời xem thư để biết trước qua về nghi thức Ấn giáo liên quan đến hôn lễ sẽ cử hành trong buổi sáng ở nhà thờ.

Chúng tôi đến phi trường Ronald Reagan vào khoảng 9 giờ tối thứ sáu, được anh chị Ch. ra đón đúng giờ nhưng do điện thoại cầm tay của tôi trục trặc, không liên lạc được với Ch. cho đến mãi gần 10 giờ mới gặp được nhau giữa lúc ngoài trời đang mưa lất phất. Cơn mưa thu cuối mùa dây dưa không biết khi nào mới dứt, tiết trời thì sắp chuyển mùa nên hơi lạnh đủ để phải mặc thêm áo ấm. Chúng tôi cảm thấy thật ái ngại trong lòng đã để anh chị Ch phải ngồi trong xe chờ đợi lâu trong thời tiết như thế. Anh chị đón thêm một người cháu nữa và sau đó đưa tất cả chúng tôi về. Trên đường đi anh chị đề nghị vì trời đã khuya nên ta ghé một tiệm mì của người Trung hoa ăn nhẹ trước khi về nhà.

Sau khi ăn xong anh chị chở người cháu về khách sạn còn chúng tôi về nhà với anh chị. Nhà anh chị ở thuộc thành phố Dumfries nằm về phía Nam của tiểu bang Virginia và cách thủ đô Washington và phi trường Ronald Reagan cũng về phía Nam độ 25 miles. Đây là một thành phố nhỏ ít người, rất yên tĩnh thích hợp cho người cao niên về hưu như anh chị. Anh chị từ thành phố Springfield (cùng thuộc Virginia) dời về đây khi khu nhà khoảng 100 căn biệt lập này mới hoàn thành trên một khu đất khá lớn, địa thế lại rất đẹp. Xe vào khu này, phải chạy ngang qua một cổng sắt thấp, bên phải có bảng xi măng sơn trắng có hàng chữ "Four seasons" (Bốn mùa) giản dị nhưng gợi cảm khiến khách lạ mới vào lần đầu dễ nghĩ đến một sự êm ả thanh tịnh quanh năm của khu cư xá.

Chúng tôi về đến nhà lúc đó đã quá nửa đêm, ai nấy đều thấm mệt, nên tạm chia tay về phòng nghỉ để chuẩn bị cho hôm sau có các lễ nghi quan trọng nhất của ngày đám cưới. Chúng tôi đến tối thứ sáu nên rất tiếc đã không dự được buổi họp mặt gia đình và thân hữu (nhóm họ) của anh chị Ch. được tổ chức từ lúc 5 giờ chiêù cùng ngày. Được biết buổi họp mặt rất vui vẻ ấm cúng vì toàn người nhà và thân hữu đến từ quanh vùng cũng như các tiểu bang xa và từ các nước như Anh quốc, Canada, tổng cộng vào khoảng 50 người, hầu hết đều là những người thân quen tôi đã biết ít nhiều từ trước 1975. Cùng trong ngày bên gái cũng có buổi họp mặt gia đình và thân hữu tương tự, trong số có khá nhiều thân nhân đến từ Ấn độ.

Trước buổi họp, chú rể và cô dâu đã có tổ chức vui chơi thể thao thân hữu với các bạn bè tại câu lạc bộ. Tôi cũng được biết qua lời kể lại cũng như các khúc phim được xem về đám hỏi được tổ chức trước đây vài tháng, rất trang trọng theo nghi thức cổ truyền của VN và Ấn Độ. Nhà gái ở tiểu bang Philadelphia và đám hỏi được cử hành tại đây. Gia đình và thân nhân anh chị Ch đến nhà gái với đầy đủ lễ vật của một đám hỏi truyền thống Việt nam, trong đó nổi bật là các mâm quả phủ khăn điều. Gia đình nhà gái tiếp đón rất lịch sự từ lối vào trước sân khuôn viên một ngôi nhà biệt lập khá rộng lớn. Trong không khí thật hân hoan vui vẻ, mỗi bên lần lượt giới thiệu thành viên gia đình. Cô dâu xinh đẹp rạng rỡ được một thân nhân đi theo từ trên lầu bước xuống được giới thiệu trong tiếng vỗ tay hân hoan vang dội của hai gia đình, được chú rể tặng hoa ... Sau đó buổi lễ được bên gái tiến hành theo tập quán Ấn Độ dưới sự điều hành của một vị giáo sĩ người Ấn. Kết thúc đám hỏi là một tiệc trưa do nhà gái khoản đãi rất trọng thể tại nhà.

Sáng hôm sau là thứ bảy tất cả thành viên gia đình và thân hữu tập họp tại nhà anh chị Ch để chuẩn bị cùng đến nhà thờ Hindu Temple ở Fairfax Station, Virginia. Chú rể nổi bật với vóc dáng trẻ trung cao lớn, nét mặt hân hoan tươi vui, mặc y phục truyền thống Ấn độ với áo khoác ngoài dài mầu kem có choàng cổ khăn đan mầu tím thật dài, trông mới điển trai làm sao! Tôi thầm nghĩ đến một tài tử điện ảnh Á châu nhập vai hoàng tử Ấn độ sắp diễn xuất trong một phim tình cảm thật hay nào đó... 

Sau khi dùng điểm tâm với các thức ăn, nước uống ngon miệng mà gia chủ đã chuẩn bị chu đáo sẵn sàng, tất cả mọi người ra xe lên đường đi đến nhà thờ Hindu Temple. Trời sáng nay đẹp không còn mưa phùn như tối hôm qua hay những ngày trước đó mà mát dịu, lãng đãng chút sương thu trên cao, đường xá khô ráo, lý tưởng cho hành trình ngày trọng đại của hôn lễ. Tôi có cảm tưởng dường như tạo hóa chiều lòng người, thương cô dâu chú rể, cho những người trẻ ngày đẹp trời như ước muốn.

Bên trai đến nhà thờ đúng theo chương trình ngày giờ hai bên đã trao đổi. Bên gái đã chờ sẵn trong nhà thờ và sẵn sàng đón tiếp từ cửa. Chú rể trong quốc phục Ấn dẫn đầu họ đàng trai, chậm rãi từ chỗ đậu xe đi về hướng cửa nhà thờ, đến ngưỡng cửa thì dừng lại trong vài giây để được một số phụ nữ (các bà và cô) bên gái ghi ấn dấu tròn đỏ trên trán, như một biểu hiện chấp nhận người này vào gia tộc của họ, trước khi bước tiếp vào trong, theo sau là các thành viên gia đình và thân hữu. Tất cả quan khách hai bên ngồi vào những hàng ghế kê sẵn trong nhà thờ; hướng về phía trước là một bục khán đài thấp có bốn cột mầu bạc bốn góc được trang trí trang nhã với những vòng giây hoa tươi đỏ quấn chung quanh. Phía sát vách trong là những vòng giây hoa trắng xen lẫn hoa đỏ buông thả sát bên nhau trông như một bức màn hoa rất đẹp, hai ghế mầu bạc được để trước bức màn hoa này. Trước và cách hai ghế một khoảng cách cô dâu chú rể có thể đi qua là một tháp vuông nhỏ 3 tầng có chân thấp mầu bạc với hoa văn vàng xung quanh, cao độ 4 tấc và tầng thấp nhất và cũng lớn nhất của tháp có mỗi cạnh độ 5 tấc. Nghi lễ cưới hỏi của người Ấn độ, một nghi lễ đã có từ hơn 5000 năm được dựa trên truyền thuyết Vedic xuất phát từ Kinh Vệ đà (Rig Veda) là sách kinh tiếng Phạm (Sanskrist) cổ nhất trong bốn cuốn kinh đã hình thành căn bản của Ấn Độ giáo.

Buổi lễ được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức cổ truyền dưới sự điều khiển của vị giáo sĩ trong bầu không khí ấm cúng và rất trang nghiêm. Khách tham dự chăm chú theo dõi với sự trân trọng đặc biệt. Trong sãnh đường (phòng chính của nhà thờ) nhiều lúc chỉ nghe tiếng tụng kinh đều đều của vị giáo sĩ. Mọi người khác như bất động ngoại trừ tiếng bước chân di chuyển nhẹ nhàng của các người chụp hình đang cố tìm những góc cạnh thích hợp để có những tấm hình kỷ niệm đắc ý nhất.

Khoảng một giờ sau thì buổi lễ chấm dứt, tất cả mọi người được đại diện bên gái mời qua một phòng bên cạnh để dự một tiệc nhỏ đặc biệt với một số thức ăn nhẹ Ấn Độ. Không khí bữa ăn xen lẫn với sự trao đổi chuyện trò giữa thực khách hai bên nhà trai, nhà gái rất cởi mở vui vẻ.

Không lâu sau gia đình nhà trai cùng tất cả thân hữu ra về trước để chuẩn bị cho lễ rước dâu và họ nhà gái sẽ đến sau đó. Khi họ nhà gái đến cùng với cô dâu chú rể trong trang phục đám cưới truyền thống VN dẫn đầu, thì được đại diện nhà trai trân trọng chào đón từ trước cửa nhà. Tất cả gia đình và thân hữu hai họ nhà gái và nhà trai đã ổn định chỗ đứng trong nhà xong, đại diện nhà trai giới thiệu thành viên gia đình và thân hữu với bên nhà gái, và đại diện nhà gái cũng giới thiệu các thành viên gia đình họ hàng với bên nhà trai. Tiếp đó là nghi thức hôn lễ tại nhà trai, được tiến hành theo truyền thống văn hóa Việt Nam bao gồm sự cúng lạy trước bàn thờ Đức Phật và cúng lạy Tổ Tiên Ông Bà. Cô dâu chú rể lúc này nổi bật với trang phục ngày cưới, chú rể mặc áo thụng xanh, đầu đội khăn đóng cùng mầu, cô dâu vóc dáng nhỏ nhắn như phần đông các cô gái VN, khuôn mặt xinh xắn, mặc áo dài mầu hồng có khoác áo choàng ngoài mỏng trắng, đầu đội khăn đóng (vương miện cô dâu) cùng mầu hồng. Một người uy tín nhất bên nhà trai làm chủ lễ điều hành chương trình buổi lễ gồm đầy đủ các nghi thứ thường thấy trong các đám cưới VN.

Trong khi các nghi thức này diễn ra thỉnh thoảng có kèm theo những tràng pháo tay hân hoan vang lên, chuyên viên nhiếp ảnh nhanh chóng thu vào ống kính những hoạt cảnh tiêu biểu, các thân nhân "chuyên viên nhiếp ảnh tài tử" cũng không quên chụp lấy những hình ảnh ưa thích nhất. Chuyên viên nhiếp ảnh cũng sắp xếp chụp chung các thành viên từng gia đình với cô dâu chú rể đứng giữa, trước bàn thờ của gia đình. Cũng có vài thân nhân quay video diễn tiến buổi lễ hay những lúc có những hoạt cảnh quan trọng. Nhìn chung buổi lễ tại nhà trai rất trang trọng và thân mật vui vẻ. Đặc biệt các thành viên bên nhà gái nghiêm chỉnh nhưng không kém phần thích thú theo dõi các nghi thức buổi lễ như thể lần đầu được tham dự.(Đối với gia đình cô dâu thì quả thật là lần đầu chứng kiến một nghi lễ như vậy vì đây là dịp gả chồng cho cô gái út, một trong hai cô gái của gia đình).

Sau phần nghi lễ, gia chủ trân trọng mời tất cả họ hàng, thân hữu hai bên vào bàn dự tiệc trưa, thức ăn thì có cả thức ăn Ấn Độ lẫn thức ăn Việt Nam. Nhà anh chị Ch tuy không lớn nhưng hôm đó đã được sắp xếp đủ chỗ cho khoảng 60 đến 70 người tham dự và được trang trí trang nhã lịch sự; đây đó nhiều nơi trong nhà được trưng bày hoa lan tươi nhiều mầu sắc, thuộc nhiều chủng loại khác nhau trông rất đẹp mắt.

Lúc đó đã vào trưa, một buổi trưa với tiết trời mát dịu, thật thích hợp cho những nhóm họp đông người như bữa tiệc cưới hôm nay. Thực khách ngồi phần deck sau nhà có thể thoải mái vừa thưởng thức các món ăn vừa đàm đạo hoặc có thể nhìn ra ngoài trời ngắm cảnh. Một ngày cuối thu khá đẹp không gian như bao la êm ả với nắng hanh vàng, dưới đất là thảm cỏ xanh mượt trải dài một khoảng khá rộng giữa dẫy nhà này với dẫy nhà kia. Bữa tiệc diễn ra trong bầu không khí thân mật ấm cúng, râm ran tiếng cười nói chan hoà vui vẻ. Sau khi tiệc kết thúc, họ nhà gái ra về, cũng là lúc các thành viên nhà trai chuẩn bị cho việc tham dự các nghi lễ và bữa tiệc chính giữa hai họ vào buổi chiều cùng ngày tại thủ đô Washington DC.

Anh chị Ch ở thành phố Dumfries cách thủ đô Washington DC khoảng một giờ lái xe. Khi đi chúng tôi được ngồi chung xe với anh chị Ch và anh chị H chủ xe; anh chị H là thân nhân của gia đình anh chị Ch và cũng là những người đến từ Cali nhưng đến Virginia trước tôi vài ngày. Anh chủ xe rất tử tế đã không quản ngại lái đưa chúng tôi đi đây đó trong mấy ngày dự đám cưới.

Chúng tôi khởi hành lúc chiều trời vẫn còn mát mẻ, dọc đường đi qua những đoạn xa lộ mà hai bên đường còn những hàng cây rực rỡ lá đủ mầu vàng, đỏ, nâu, cam tự nhiên tôi mới chợt nhớ ra mình đang đi giữa thành phố Virginia nổi tiếng với những thắng cảnh lá vàng mùa thu, những cảnh đẹp mà từ lâu tôi chỉ biết qua sách báo hay lời kể lại của bạn bè chứ chưa bao giờ có dịp được chiêm ngưỡng tận mắt. Cũng theo những thông tin vừa kể Virginia có cảnh thu vàng đẹp nhất là Skyline Drive dài hàng trăm dậm đường chạy dọc theo đỉnh Blue Ridge trong vùng đồi núi Shenandoah. Tôi nghĩ đến cảnh thu vàng ở đây đó đẹp và quyến rũ thế nào mà biết bao thi nhân nghệ sĩ đã cảm hứng sáng tác ra biết bao nhiêu những vần thơ, bài nhạc, họa phẩm bất hủ để đời.

Ngồi trên xe chúng tôi trao đổi chuyện trò cho qua thời giờ. Trong nhiều mẫu chuyện, tôi còn nhớ chị Ch nói tuần trước anh chị có được mời tham dự một cuộc họp mặt tại ngay thủ đô Washington DC do các cựu nữ sinh Trưng Vương tổ chức (Chị Ch nguyên là giáo sư Trưng Vương trước 1975)

Đây là ngày đại hội "Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu" theo chữ nghiã của nghệ sĩ nổi danh N. L là người cũng hiện diện trong buổi hội cùng với rất đông các quan khách khác, ước lượng có đến trên 700 người. Buổi hội rất vui vẻ hào hứng giúp tăng thêm tình thân ái giữa các bạn học cũ cùng trường cũng như giữa các cựu giáo sư với các học trò ngày nào. Hôm sau có tổ chức đi du thuyền trên sông Potomac và đi thưởng ngoạn cảnh mùa thu lá vàng tại Shenandoah Valley nhưng anh chị Ch không thể tham dự do bận việc tổ chức đám cưới cho cậu trai út.

Mãi hàn huyên chuyện trò xe đến trung tâm thành phố thủ đô lúc nào tôi cũng chẳng hay, thành phố với đường xá nhỏ xe phải chạy chậm hẳn lại và quanh co tìm địa chỉ một lúc thì ngừng tại chỗ đậu xe của nơi muốn đến là Colombus Club, Union Station, một kiến trúc rất lớn của thành phố và là nơi tổ chức nghi lễ và bữa tiệc cưới chính tối nay.

Chúng tôi vào tòa nhà và lên cầu thang vào phòng hội dự lễ, lúc này đã có rất đông quan khách ngồi gần đầy hết các hàng ghế dù là phòng hội khá lớn. Đây là một buổi lễ lớn trọng thể nhất của đám cưới với sự tham dự của gia đình và thân hữu hai bên nhà trai và nhà gái còn sự tham dự của tất cả khách mời của hai gia đình, đặc biệt số khách mời người nước ngoài của bên gái chiếm đa số.

Sau khi khách an vị, chương trình buổi lễ mở đầu với lời giới thiệu của đại diện bên nhà gái. Vị chủ lễ (officiant) chiều nay là một nhân vật rất quan trọng đối với cô dâu và chú rể. Ông là một cựu viên chức tranh đấu cho nhân quyền đáng kính, một lãnh đạo trong cộng đồng và nhà thờ và cũng là người cố vấn giầu kinh nghiệm của cô dâu và chú rể; cả hai người đều có thời gian làm việc với ông và rất kính trọng ông nên đã rất hân hạnh khi mời được ông làm chủ lễ hôn phối cho hai người hôm nay. Chương trình buổi lễ gồm các phần chính như sau:

- Chiếu phim (slide show) trên màn ảnh lớn trình bày một số hình ảnh sinh hoạt của cô dâu chú rể từ ngày còn nhỏ cho đến khi gặp gỡ nên duyên với nhau.

- Cô dâu và chú rể choàng vòng hoa cho nhau.

- Vị chủ lễ nói những suy nghĩ của mình và ngỏ lời chúc phước lành đến cô dâu, chú rể.- Vài người bạn của cô dâu chú rể đọc mỗi người một trích đoạn trong sách thay lời chúc mừng.

- Cô dâu và chú rể lần lượt ngỏ lời thề nguyện thắm thiết với nhau và trao cho nhau nhẫn cưới.

- Vị chủ lễ tuyên bố kết hợp hai người.

Sau khi buổi lễ chấm dứt mọi người xuống lầu vào phòng dự tiệc cocktail, khách có thể vừa nhâm nhi rượu hoặc các thức uống khác vừa thưởng thức món ăn nhẹ do những người phục vụ đem đến tận nơi trong lúc đứng hoặc ngồi tại bàn cùng với thân nhân hay bạn bè hàn huyên.

Đây là dịp khách có thể gặp lại người thân quen mà từ lâu vắng hay bặt tin nhau. Trong dịp này tôi đã may mắn gặp lại một số người quen đã vắng tin từ sau 1975 cũng như đã thoáng thấy lại một người đã bặt tin có đến trên 50 năm. Sau một thời gian dài xa vắng cả trên dưới nửa đời người nay gặp lại thật là mừng rỡ, trò chuyện vui vẻ biết mấy. Lúc bình tĩnh nhìn rõ lại nhau mới thấy con người thân quen của ta ngày nào nay đã thay đổi nhiều, những thay đổi hiển hiện rõ trên gương mặt, mái tóc, dáng đi mà thời gian và thăng trầm trong đời sống là những nguyên nhân chính! Tiếc là có người rất tình cờ gặp lại tôi muốn thăm hỏi đôi ba câu nhưng chưa kịp lên tiếng thì đã phải theo phản ứng nhập vào dòng người vào khu vực phòng bên để dự bữa tiệc chính.

Bữa tiệc cưới ở đây gần như hoàn toàn khác xa mẫu mực những đám cưới VN mà tôi đã tham dự trước đây. Không có cảnh chú rể với cô dâu ôm bó hoa đứng trước cửa phòng tiệc để chào mừng quan khách đến. Không có cảnh từng người khách tuần tự ký tên vào sổ lưu niệm rồi chờ chụp hình với cô dâu chú rể trước khi vào bàn tiệc. Ở đây khách sau khi ở phòng dự cocktail thì đi thẳng qua khu dạ tiệc theo số bàn đã tự lấy ở phòng này.

Tất cả bàn đều là bàn tròn được sắp xếp theo nhà trai ngồi với nhà trai kể cả thân phụ mẫu chú rể, bên nhà gái cũng được sắp xếp tương tự với thân phụ mẫu cô dâu ngồi chung phía bên nhà gái. (Điều này cũng khác hẳn với các tiệc cưới VN theo đó phải có bàn dành riêng cho cô dâu chú rể, phù dâu và phù rể; thông thường đây là bàn dài chứ không dạng bàn tròn như của khách mời và đặc biệt được đặt ở một vị trí đẹp nhất cùng như được trang trí rất lộng lẫy. Và thân phụ mẫu hai bên ngồi chung một bàn ở một vị trí được cho là danh dự nhất).

Sau khi khách đã an vị, xướng ngôn viên giới thiệu thân phụ mẫu cô dâu từ một phòng bên bước vào trong tiếng vỗ tay hoan hỉ vang dội của các thực khách. Hai vị này tiến thẳng đến bàn đã biết trước và ngồi chung với các thân nhân. Tiếp theo xướng ngôn viên giới thiệu thân phụ mẫu chú rể bước vào cũng trong tiếng vỗ tay chào mừng hoan hỉ vang lên của thực khách, và hai vị này cũng tiến đến ngồi chung bàn đã biết số trước với bà con thân nhân bên nhà trai. Đặc biệt cô dâu và chú rể liền sau khi được giới thiệu thì tay trong tay, nét mặt tươi cười, từ cửa bước vào vừa khiêu vũ theo một điệu nhạc trẻ vui tươi vang lên từ dàn âm thanh trên sàn diễn, các quan khách thích thú nhìn theo vừa vỗ tay vang dội. Màn trình diễn xuất hiện của đôi uyên ương này ngoạn mục, gây ngạc nhiên và hoàn toàn mới lạ đối với khách mời dự đám cưới VN, bởi không có cảnh phù dâu, phù rể bước vào trước rồi mới đến cô dâu chú rể nắm tay nhau vào sau. Sau đó một đại diện nhà trai làm người điều hành chương trình mời thân phụ chú rể lên trước máy vi âm phát biểu đôi lời, đầu tiên vị này ngỏ lời bằng tiếng Việt vui vẻ và thân mật pha chút cảm xúc, chào mừng và cám ơn tất cả bà con, thân hữu và quan khách xa gần từ nhiều nơi trên thế giới cũng như từ nhiều tiểu bang trên nước Mỹ đã về đầy tham dự, sau đó vị này nói bằng tiếng Anh cũng cùng nội dung tương tự. Khi vị này về lại bàn, một đại diện nhà gái trân trọng mời thân phụ cô dâu lên trước máy vi âm. Vị này đã làm quan khách vỗ tay vang dội khi ông, một người Mỹ gốc Ấn, mở đầu bằng cách đọc mấy câu tiếng Việt phát âm không dấu để chào mừng và cám ơn quan khách. Mọi người chăm chú theo dõi, tôi không biết có bao nhiêu phần trăm người nghe hiểu lời phát biểu của vị này nhưng tất cả đều vỗ tay hoan nghinh vang dội. (Có thể đây là cách gây chú ý cũng như tạo cảm tình với bên nhà trai và quan khách người Việt, gây một ấn tượng khá đặc biệt). Khi tiếng vỗ tay ngưng, ông nói tiếp những lời chào mừng và cám ơn tất cả quan khách bằng tiếng Anh chuẩn mực với giọng điệu lịch lãm và đằm thắm thu hút mọi người.

Tiếp theo là phần phát biểu lần lượt của hai người bạn thân của chú rể và cô dâu. Trong lúc khách tiếp tục thưởng thức thức ăn, có tiếng nhạc vui với âm thanh vừa đủ nghe hoà cùng không khí ấm cúng lan toả khắp phòng ăn.

Trước các dẫy bàn của thực khách và "sân khấu" nơi có dàn máy nhạc và máy vi âm là một khoảng trống khá rộng dành làm nơi khiêu vũ. Bỗng tiếng nhạc chợt ngưng, mọi người nhìn lên phía sân khấu. Chú rể đi về phía vách nhà sát sân khấu cầm lên một cây ghi-ta thùng (tây ban cầm) và bước trở lại ngồi vào một ghế trước máy vi âm trong tư thế sẵn sàng "gieo tiếng tơ". Cùng lúc cô dâu cũng ngồi vào một ghế đối diện và cách máy vi âm và chú rể độ 3,4 thước như sẵn sàng nhìn và nghe "chàng của mình" sắp biểu diễn. Không khí phòng ăn trở nên khá yên lắng, mọi người chăm chú nhìn về phía có máy vi âm. Chú rể ôm đàn, nét mặt vui tươi nhưng không dấu được vẻ xúc động, nhỏ nhẹ mấy lời giới thiệu bản nhạc anh sắp trình bày. Với phong cách như một ca sĩ chuyên nghiệp, chú rể vừa đệm đàn vừa cất tiếng hát, giọng thật trầm ấm ngọt ngào, bản tình ca tiếng Anh "Closer" (tạm dịch là Gần hơn nữa):

So leave your taxi waiting
And turn and close my door
And sit back down where you were sitting
A little closer than before

When you look that serious
It just makes me want you more
And I've been needing to tell you
The closer you get, the better I feel
The closer you are, the more I see
Why everyone says that I look happier
When you're around
The closer you get, the better I feel... ...

Chú rể, "ca sĩ tài tử" hát thế nào mà không khí cả phòng ăn như lắng đọng hẳn lại như cố để nghe cho rõ từng âm thanh tiếng đàn lời hát cho đến khi bản nhạc vừa chấm dứt mọi người đồng loạt vỗ tay tán thưởng vang dội. Tôi ngồi bàn gần chỗ cô dâu ngồi thấy nét mặt cô rạng rỡ vui tươi và khi thấy "chàng của mình" vừa hát xong thì vội vàng bước nhanh đến choàng vòng ôm cổ chàng, vừa như cám ơn (xem như chàng hát tặng riêng mình ") vừa như ca ngợi tài năng tuyệt vời của chàng. Màn trình diễn đã gây xúc cảm mạnh trong tôi. Phải thú thật đây là lần đầu đi dự tiệc cưới mà tôi được thưởng thức một hoạt cảnh đặc sắc như vậy. Lần đầu tôi được chứng kiến cảnh chú rể, một ca sĩ tài tử, hát và đàn một cách chuyên nghiệp gây xúc động và thu hút lòng người đến như thế. Cảnh cô dâu ngồi lắng nghe "người tình trăm năm" đang buông tiếng tơ thả tiếng lòng' như cho riêng mình. Bản tình ca với lời lẽ thật lãng mạng nồng nàn yêu người đặc biệt là câu "The closer you get, the better I feel" được lập đi lập lại nhiều lần, như một lời tâm tình. một ước muốn riêng tư tha thiết muốn thỏ thẻ mãi với người mình yêu. Câu ca này cứ lảng vảng trong tôi, âm vang nhẹ nhàng mà ray rứt khó quên. Chưa bao giờ một hoạt cảnh bất ngờ trong đám cưới nào lại tạo trong tôi một ấn tượng sâu đậm như lần dự tiệc cưới này. Liền sau khi những tràng pháo tay vừa dứt, dàn nhạc máy bắt đầu trổi lên thì cô dâu và chú rể ra sàn nhảy mở đầu phần khiêu vũ. Thực khách từ các bàn tiệc cũng từng cặp bước ra sàn nhảy nhịp nhàng diù nhau đưa đẩy theo các điệu nhạc thời trang, nét mặt người nào cũng vui tươi rạng rỡ. Càng lúc càng đông người ra sàn nhảy, tiếng nhạc nhiều khi sôi nổi với những khúc nhạc trẻ kích động.

Nhiều vị khách lớn tuổi không ra sàn nhảy thoải mái ngồi xem cảnh khiêu vũ sinh động, đẹp mắt trong không khí trẻ trung vui vẻ vây quanh. Đến một lúc sau các vị khách này lần lượt chào nhau ra về trước. Sàn khiêu vũ vẫn đầy người, âm thanh dàn nhạc mỗi lúc nghe như lớn hơn, các "ông già bà lão" trong đó có chúng tôi bắt đầu cảm thấy cần rời bàn tiệc rủ nhau ra ngồi ngoài khu sân trống trước cửa, tiếp tục hàn huyên.

Khi trời đã về khuya chúng tôi rủ nhau ra về hẹn nhau gặp lại vào ngày mai trong buổi tiệc brunch. Trên đường về, tôi nghĩ đến tiệc cưới vừa tham dự với những điểm khác biệt nổi bật thường so với các tiệc cưới VN. Từ đầu không có cảnh chụp ảnh khách (từng cặp vợ chồng hoặc từng nguời nếu đi một mình) vừa bước vào cửa với cô dâu chú rể, cảnh tặng quà bỏ vào một hộp hay thùng đặc biệt được để trên bàn sát cửa vào phòng tiệc hay suốt trong bữa tiệc đã không có một lúc nào đó dàn nhạc ngưng để cô dâu chú rể dưới sự hướng dẫn của thân phụ mẫu hoặc người đại diện, đến từng bàn để chào, cám ơn quan khách và nhận lời chúc tụng cũng như nhận quà tặng của những người này qua một vị khách trong bàn đứng lên làm đại diện.

Về điểm quà tặng này, tôi nhớ lại trong thiệp mời dự đám cưới có kèm bản hướng dẫn và trong đó có nêu lên sự hiện diện của khách đến dự hôn lễ là điều quí gía nhất cũng như khách không cần tặng quà. Nếu vị nào vẫn muốn cho quà thì xin gởi về một trong ba tổ chức từ thiện liệt kê ở phần cuối của bản hướng dẫn này và xin cho cô dâu hay chú rể biết để tỏ lòng cám ơn. Đây là ba tổ chức từ thiện mà cô dâu và chú rể hiểu biết nhiều và rất ngưỡng mộ về những hoạt động giầu lòng vị tha bác ái cũng như đã từng có thời gian làm việc hoặc cộng tác với những thành viên xuất sắc của các tổ chức này. Cũng chính tại một trong các tổ chức này mà họ đã gặp gỡ và lần đầu tiên trở nên đôi bạn cùng chí hướng truớc khi tiến đến hôn lễ ngày hôm nay.

Ngày hôm sau là chủ nhật, chúng tôi đến dự bữa tiệc brunch tại nhà hàng buffet Rasika ở trung tâm Washington DC, dự trù từ 10:30 sáng đến 2 giờ chiều. Buổi tiệc nhằm khoản đãi tất cả các khách của cả hai gia đình nhà trai và nhà gái đã từ các nơi xa về đây dự hôn lễ. Khách có thể đến bất cứ giờ nào trong khoảng thời gian dự trù trên. Đây là một dịp cho cô dâu và chú rể gặp gỡ và cám ơn một lần nữa những vị khách quí đã đến dự hôn lễ. Cũng là thêm một dịp cho những người thân quen nhau đã lâu ngày mà do hoàn cảnh phải cách xa nhau, có dịp gặp gỡ ngồi lại ăn chung với nhau vừa hàn huyên hay trao đổi những chuyện xưa chuyện nay rất vui vẻ tưởng chừng như vô tận.

Đến quá trưa thì chúng tôi mới chào từ giã nhau. Anh chị H đưa anh chị Ch và chúng tôi chạy quanh một số khu phố, cho chúng tôi thấy qua một số nơi nổi tiếng của thủ đô Washington DC. Do không còn nhiều thời gian ở thành phố, nên chúng tôi không nghĩ đến việc đi tham quan những danh lam thắng cảnh ở nơi đây. Đối với riêng tôi thì chuyến trở lại Washington lần này là để dự đám cưới và chỉ với mục đích này thôi nên đã không dự trù thêm thời gian đi thăm viếng nhiều nơi. Tuy vậy tôi cũng thấy vui vui vì ít ra cũng đã được dịp thấy lại vài cảnh cũ dù có thay đổi ít nhiều và chỉ trong chốc lát nhưng cũng gợi cho tôi một ít kỷ niệm êm đẹp của một thời du học xa xưa...
Buổi chiều chúng tôi dùng cơm gia đình tại nhà anh chị Ch . Chúng tôi có dịp trao đổi truyện trò thân mật khá lâu với một số em của anh chị, trong số này có một cặp đến từ Anh quốc đã kể lại một ít mẫu chuyện và sinh hoạt khá đặc biệt ở nước này mà những người ở Mỹ như chúng tôi chưa có dịp sống ở đó khi nghe rất lấy làm thích thú. Tối đến đã lâu sau mới vãn câu chuyện, chúng tôi xin về phòng nghỉ để chuẩn bị cho sáng ngày mai phải ra phi trường sớm trở lại Cali.

Đêm cuối ở Virginia cho tôi cảm nhận một lần nữa ngày vui nào rồi cũng qua mau nhưng lần này có pha lẫn chút luyến tiếc vì mấy ngày qua đã cho chúng tôi nhiều cảm xúc quá vui với những kỷ niệm thật êm đẹp. Sáng sớm hôm sau, chú rể đem đến phòng tặng chúng tôi một túi sách nhỏ gọi là chút quà đi đường và thêm một lần nữa ngỏ lời cám ơn chúng tôi đã không quản ngại đường xá xa xôi đến dự hôn lễ, chia vui cùng gia đình. Lúc ăn sáng ở nhà trước khi anh Ch. chủ nhà và anh H chủ xe đưa chúng tôi ra phi trường, tôi được biết tất cả khách từ xa đến dù ở nhà hay khách sạn đều được tặng một túi quà sách tay tương tự trong đó có vài trái cây, ít bao nhỏ đựng các loại hột, đậu, bánh ngọt có kèm một thiệp in nhỏ với lời lẽ cám ơn chân tình. Thật là một cử chỉ nhỏ nhưng rất dễ thương và đáng quí, chứng tỏ một sự quan tâm chu đáo đến khách mời.

Ngồi trên máy bay trở về Cali, tôi miên man nghĩ đến mấy ngày cuối tháng mười 2007 vừa qua, một khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng đã để lại trong tôi khá nhiều kỷ niệm êm đẹp mãi mãi đáng ghi nhớ. Đi dự một đám cưới xa, có bỏ ra một ít thời giờ chuẩn bị và chờ đợi nhưng không thế nào so được với những hiểu biết, những niềm vui, những gặp gỡ mà chúng tôi đã trải nghiệm và đặc biệt là những cảm tình thân thương mà anh chị Ch đã dành cho chúng tôi từ những giây phút đầu mới đến Virginia cho đến khi giã từ thành phố này.

Qua các nghi thức hôn lễ tham dự chúng tôi được biết một số nét đẹp tiêu biểu về văn hóa lâu đời của nước Ấn, có dịp thấy lại một số tập quán cổ truyền của VN, chứng kiến sự kết hợp hài hoà của hai nền văn hóa Ấn, Việt và nhất là đã rất vui thích trước nhiều điều bất ngờ thú vị trong buổi tiệc cưới, những bất ngờ tạo ấn tượng sâu đậm trong ký ức tôi. Đã có dịp gặp lại bao nhiêu người thân quen kể cả người mà có lúc tưởng chừng không bao giờ có cơ may gặp lại, thấy lại thủ đô Washington DC gợi nhớ một thời xa vắng, biết được tiểu bang Virginia vào những ngày cuối thu đầy gợi cảm. Có thể nói chúng tôi đã cảm nhận được một niềm vui đặc biệt và hơn hẳn bất cứ đám cưới nào gần nhà mà chúng tôi đã tham dự trước đây.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,170,398
Tác giả tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Iris Đinh là tác giả đã nhận giải Chung Kết 2017, với hai bài "Chuyện Góc Bếp," và “Con Bé Nổi Loạn,” hai tự sự về mẹ và con gái trong một gia đình đổ vỡ. Sau 13 năm trở lại trường học và thực tập, mẹ trở thành một thạc sĩ về y tế tâm thần. Cô con gái từng nổi loạn thì trở thành Tiến sĩ Anne Q. Phan tại đại học UC Irvine và UC San Diego, người xác định được gene gây đột biến giúp sinh vật mọc thêm tay chân, mà báo O.C. Register đã đăng tin ngày 5 tháng Tư 2013. Sau đây là bài mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất, đang phát hành khắp nơi.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014 và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, là bài viết bài viết mới của tác giả, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự VVNM từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016, thêm giải danh dự VVNM năm 2017. Sau đây là bài mới của tác giả, về trận cháy rừng dữ dội nhất ở Nam Cali, có tên là “Thomas Fire Ventura”.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Tới Mỹ theo diện Hát Ô Một từ 1990. Suốt 27 năm qua, ông không ngừng viết văn viết báo tiếng Việt, tiếng Anh. Trong năm qua, có tới 7 cuốn sách mới. Góp sức với Viết Về Nước Mỹ, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ những năm đầu, và vẫn tiếp tục góp bài mới.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose. Cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tai Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, tiểu bang California, USA. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh tại chỗ do chính ông chụp. Nhiều bài và hình ảnh của ông chụp hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện "Bắc Kỳ". Sau đây là bài và hình mới.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến