Hôm nay,  

Ông Già Và Con Chó Donny

17/05/200800:00:00(Xem: 166048)

Tác giả: LINH

Bài số 2302-16208279-vb7170508

Tác giả cho biết ông là cư dân Houston, nghề nghiệp: tài xế Taxi. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông được viết rất thứ tự, cẩn trọng. Mong ông tiếp tục góp thêm bài viết mới. 

1 -

Cả tuần lễ nay, bất cứ lúc nào, hay bất cứ ở đâu, khi nhớ đến con chó là ông lại lẩm bẩm gọi Donny ới! Donny ơi! Mi ở đâu, Đi đâu mà không thấy về" Ta tìm kiếm mi đã mấy tuần lễ nay. Vẫn bặt vô âm tín. Mi không nhớ ta sao! Mi không nhớ nhà sao" Con đường mỗi ngày ta dắt mi đi, nào có xa xôi gì, có khúc khuỷu gì cho cam, mà sao không biết đường về nhà hở con. Ta đồ rằng có kẻ xấu đã bắt cóc mi rồi, chứ đời nào mi lại bỏ ta. Donny ơi! Donny ơi!

Ông già vừa đi tìm Donny vừa kêu khóc thầm trong lòng. Thỉnh thoảng tiếng gọi Donny bật lên ai oán thoát ra bên ngoài. Ông chỉ sợ có ai đang đi bên đường nghe thấy, thì dị hợm lắm. Trời đêm qua trở lạnh, nhiệt độ xuống khoảng dưới 30 độ F, vừa đi vừa thở ra hơi khói. Trước mặt ông là một sân cỏ rộng mênh mông. Mới hôm qua còn xanh mơn như một tấm thảm, bây giờ đã đổi thành một màu trắng tuyền, sương đêm đã đóng thành đá đông lạnh phủ khắp trên đầu những ngọn cỏ, đang chờ mặt trời lên để hơi nóng làm tan đi băng giá. Ông lặng lẽ đi hết con đường này đến những con đường khác dẫn vào sân ga xe bus. Lòng thầm mong, may ra con Donny có bị ai bắt nhốt ở đâu kêu la, thì ông đến xin chuộc về. Ông cứ đi như vậy cả mấy tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sớm mai hay lúc chiều tối. Dưới con mắt bàng quang của người đi đường, hình tượng của ông giống như kẻ mất trí đang lang thang đi tìm về một bến bờ siêu nhiên nào, một chân lý nào không biết có thực . Trước đây con Donny còn ở với ông, ông cũng đã dẫn nó đi trong tiết trời đông giá như thế này, hay nhiều bữa cũng dẫn nó đi trong nắng hanh vàng rực rỡ. Lúc đó nhìn khu nhà ở đây đẹp tựa như những bức tranh của một họa sĩ vẽ tranh sơn dầu đang lúc yêu đời, yêu cuộc sống thể hiện. Lúc này ông chẳng thiết để ý gì đến cảnh vật chung quanh, mà chỉ chú ý nhìn hai bên vệ đường để nghe ngóng, xem có con chó nào qua lại, hay có tiếng chó kêu ở đâu phát ra để ông tìm đến .

Cách đây khoảng hai năm, con Donny cũng đã đi lạc, bị người ta bắt trộm. Ông cũng đã phải đi tìm kiếm mất mấy ngày. Tưởng rằng nó đã mất. Sang đến ngày thứ ba, lúc ông tình cờ đi dạo trong khu nhà kế cận gần chỗ ông ở. Bỗng ông nghe thấy tiếng của loại chó nhỏ kêu la. Đứng lại xem nó xủa ở hướng nào. Ông vội lần theo hướng có tiếng chó kêu. Tiếng chó xủa xuất phát từ ngôi nhà trước mặt chỗ ông đứng. Ông đi vòng ra phía sau nhà, hé nhìn vào khe hở hàng rào. Thấy có con chó màu trắng tuyền, trông giống như con chó Donny đang bị nhốt trong một cái lồng, giẫy giụa kêu la inh ỏi. Ông tới cửa nhà đó bấm chuông, trình bày lý do và xin được vào nhà nhận diện xem có phải con chó của ông bị lạc đến đây không. Đích thị là con Donny rồi! Vừa trông thấy ông, ôi chao là nó mừng rỡ, nó kêu ầm lên chẳng còn biết sợ hãi ai nữa. Cu cậu cứ nhẩy lồng lên, chạy lại phía ông cho đến khi được ông ôm chặt vào lòng, vỗ về ve vuốt. Lúc đó nó mới hết khiếp sợ. Thế là con Donny lại được trở về sống dưới mái nhà thân yêu của nó.

2 -

Ông già về hưu đã được vài năm nay. Cứ mỗi sáng sớm, chừng bốn năm giờ là ông đã thức dậy. Theo thói quen, đun ấm nứớc sôi pha càfê, trà. Ngồi nhâm nhi, uống một mình yên lặng trong buổi sớm tinh mơ thanh khiết, lúc mặt trời chưa ló rạng. Ông suy nghĩ vẩn vơ về cuộc đời thăng trầm, chìm nổi. Lúc khó khăn thiếu thốn, cũng nhiều lúc ấm no, vinh hiển. Thôi thì ngọt bùi đắng cay đủ cả. Hết thời này sang thời khác, từ thời Pháp còn đô hộ, cho đến thời Quốc gia rồi Cộng sản. Cái được cái mất. Cái đúng cái sai, đan xen nhau lẫn lộn, khó có thể phân biệt cho rõ ràng và lường hết được. Thấm thoát đã hơn sáu chục năm cuộc đời rồi còn gì. Mới đây còn sống ở Việt Nam lao khổ trên vùng kinh tế mới, thế mà bây giờ lại đang được sống ở Mỹ. Ngày ngày cũng đi "cày" như ai. Có khi ngày làm 10 đến 12 tiếng mệt lử cò bợ. Nay thì ông đã được nghỉ hưu, ngày ngày chăm sóc vườn tược, hoa lá, cây cảnh để an dưỡng tuổi già.

Uống đã hết ấm nước trà ngon - Đâu như trà Ô Long ai cho thì phải" - Ông thủng thỉnh ra mở cửa garage để dắt con Donny đi bộ, tập dưỡng sinh với ông. Donny là loại chó nhỏ, lông xù, hiền lành, nó thân thiện với hết mọi người. Đâu như là giống Parking noir hay Hunting noir gì đó, Kathy nói vậy. Ông nhớ không rõ, vì trí nhớ của ông lúc này thật là tồi tệ. Nó đã sống ở nhà ông được hơn bốn năm rồi còn gì. Hồi đó có một anh thanh niên, người Mỹ da trắng thường đến hớt tóc ở tiệm của đứa con gái của ông. Anh ta là khách quen, đến hớt tóc mỗi hai tuần một lần, nên rất là thân tình. Một hôm đến hớt tóc với một vẻ mặt buồn rầu, nghiêm trọng. Anh nói với người con gái của ông :

"Kathy à, tôi sắp phải đổi đi tiểu bang khác làm việc. Muốn nhờ cô giúp việc này, không rõ cô có chấp nhận hay không""

Người thợ hớt tóc có tên là Kathy, không hiểu anh chàng John này muốn nhờ mình giúp việc gì mà xem ra có vẻ quan trọng như vậy. Cứ coi thái độ của anh, Kathy nghĩ đó không phải là một việc tầm thường. Cô nói với anh :

“Anh cứ nói xem đó là việc gì. Nếu có thể giúp được, thì tôi sẽ cố gắng giúp anh ."

John Davenport, tên của anh chàng. Ngẫm nghĩ một lát rồi buồn rầu nói :

"Tôi phải đổi đi làm xa như đã nói, có một con chó tên là Donny mà không biết tin tưởng vào ai để gửi. Tôi muốn nhờ cô giữ con chó đó giùm tôi. Thay tôi chăm sóc nó. Được không""

Nghe giọng nói nghẹn ngào của John, giống như anh đang sắp phải từ giã một người thân nào để đi xa. Kathy cảm thấy ngậm ngùi. Nhìn vào đôi mắt xanh của John mầu rưng rưng đỏ. Cô nói : "Tưởng gì chứ nuôi giùm anh con chó ít bữa thì có gì là khó đâu, mà chấp nhận với không chấp nhận. Anh cứ mang nó đến đây để tôi nuôi giúp." 

John nói như có tiếng nấc, "Không phải gửi nó ít bữa đâu, mà tôi muốn tặng con Donny cho cô, vì tôi không có điều kiện để nuôi dưỡng nó. Tôi hy vọng cô sẽ chăm sóc nó chu đáo như bấy lâu nay tôi đã nuôi nấng nó. Con Donny khôn ngoan và dễ thương lắm."

Vừa nói xong John òa lên khóc. Có lẽ vì quá xúc động anh đã không cầm được nước mắt. John khóc rống lên như một đứa trẻ bị phạt vì một chuyện gì oan ức. Khiến những người khách đến ngồi chờ hớt tóc ngạc nhiên, họ không hiểu ở tiệm đang xảy ra chuyện gì. Lúc đó Kathy cũng nức nở theo.

Thế là John Davenport mang con chó đến giao cho Kathy. Con Donny được Kathy mang về nhà nuôi nấng. Kể từ bữa đó, người ta không còn thấy John trở lại tiệm để hớt tóc lần nào nữa.

3 -

Hồi Kathy mới mang về nhà. Con Donny kêu la inh ỏi, nhất là về đêm. Không biết có phải vì nó nhớ chủ cũ, hay vì nó lạ nhà" Chẳng ai rõ. Phải mất một thời gian dài, nó mới làm quen được với những người chủ mới. Lúc đó nó mới hết kêu la hằng đêm. Trong thời gian đó, để cho nó chóng làm quen, ông già ngày ngày đến ve vuốt vỗ về hết sức là thương yêu. Lúc đầu nó gầm gừ, không chịu cho ông đến gần. Chừng tuần lễ sau nó đã quen và thân thiết. Nhìn thấy ông từ xa là nó đã chồm lên sủa vang mừng rỡ. Này nhá. Tiếng sủa của nó không phải là lúc nào cũng giống nhau đâu. Đêm đêm nằm trong garage nghe thấy có người lạ thì nó sủa khác. Tiếng kêu gâu gâu hay gầm gừ của nó ra vẻ giận dữ. Nhưng khi nghe thấy tiếng người nhà, là nó lại sủa theo kiểu khác, giống như tiếng gọi. Nó sủa cho đến chừng nào mà người nhà đến vỗ về, mơn trớn, lúc đó nó mới lặng yên. Nó khôn ngoan phân biệt nhận ra được từng người khác nhau. Không phải cứ nhận ra người nhà là nó sủa người nào cũng giống như người nào. Nó phân biệt được ai là ai. Chẳng hạn như Kathy đi đâu về, khi nghe thấy tiếng xe của Kathy là nó sủa ong ỏng, từng chặp, liên tục. Nó vui mừng như đứa trẻ thấy mẹ đi chợ mới về. Còn khi nghe thấy giọng đằng hắng của ông già, thì nó không kêu lớn, mà chỉ ấm ứ kêu nho nhỏ như tiếng rên rồi vẫy đuôi vừa mừng vừa sợ .

Ở nhà, ai cũng phải đi làm. Công việc bận rộn chỉ trừ thứ bẩy hoặc chủ nhật Donny mới được tắm rửa, chăm sóc chải chuốt. Thường mỗi khi tắm xong, lúc đó lông lá thơm tho sạch sẽ, cu cậu được đưa lên phòng khách nhà trên chơi, không phải nhốt ở garage như thường ngày nữa. Cu cậu tha hồ mà đùa giỡn chạy nhảy. Nó có thói quen hay nhảy lên ghế sofa ngồi chổm chệ bên cạnh ông già, hình như nó biết lúc đó được ông cưng chiều hơn. Nó ngồi lè lưỡi ra, hai mắt nhìn chăm chú lên màn hình TV. Trông có vẻ tự hào, ra dáng lắm. Đôi lúc nó nằm rúc vào lòng, rồi liếm láp vào tay ông tỏ vẻ thân ái. Khi cu cậu động đực hứng tình, muốn được ông gãi dái, thì nó đến cắn nhè nhẹ vào mấy ngón chân của ông, rồi nằm ngửa ra. Nó cứ làm hiệu như vậy, cho đến khi ông già lấy ngón chân cái cà cà vào "hạ bộ" của nó một lúc. Khi đã cảm nhận được sảng khoái rồi. Lúc đó cu cậu mới hết quậy, mới chịu nằm yên. Bằng không thì cứ nhẩy cẫng lên. Lùng sục hết chỗ này đến chỗ khác.

Lệ thường cứ sáng sáng chừng 6, 7 giờ là ông hay dẫn con chó đi bách bộ, bữa ông dậy muộn hay còn ngồi nán lại uống càfé chưa thấy ông ra để dắt nó đi, là nó sủa gọi ầm ỹ, không ai ngủ được. Chờ cho đến khi ông cởi dây xích dắt đi, lúc đó nó mới hết to mồm, không sủa nữa. Ông thường dắt Donny đi vòng vòng trong khu nhà ở (subdivision), rồi tiến ra ga xe bus cách khu nhà chừng một cây số. Bên cạnh ga xe bus là một công viên rộng lớn đẹp đẽ, có nhiều cây cao bóng mát và vườn hoa. Nơi đó cũng là chỗ làm bãi đậu xe cho hành khách. Sáng họ thường đậu xe ở đó, rồi bắt xe bus để đi làm việc cho đỡ tốn xăng, chiều tan sở lại lên xe bus đến chỗ đậu buổi sáng, để lái xe về .

Mỗi ngày đi bộ, ông dắt Donny đi vài ba vòng trong công viên, sau đó ông cởi dây xích cho nó chạy nhảy tự do." Con người còn thích tự do, huống chi là mày, ra đây tha hồ cho mày tung tăng chạy nhảy". Vừa cởi dây xích ở cổ con chó, ông vừa lẩm bẩm với nó như nói với một con người. Vừa thoát khỏi sợi dây xích là nó phóng chạy như ngựa phi nước đại. Dù có ai gọi, nó cũng làm ngơ. Cứ thế chạy bạt mạng trên sân cỏ. Một lúc sau khi đùa giỡn đã thỏa mãn, đã nếm được mùi vị tự do no đủ, Donny chạy đến một gốc cây nào gần nhất, ghếch chân lên để tè. Coi nó có vẻ thong dong thoải mái, coi thiên hạ chung quanh chẳng ra cái đinh gì. Này nhá. Không phải cu cậu chỉ đái một lần, mà cứ chạy một quãng hễ thấy có gốc cây bên đường là lại ghếch chân lên để đái. Thành ra cởi dây xích cho nó được tự do, cũng là một thói quen của ông. Khi thấy con chó tung tăng chạy nhẩy rong chơi, ông cảm thấy lòng cũng vui vui, sung sướng. Ông vừa đi vừa suy nghĩ vẩn vơ hay gặp được ông bạn già nào đi bộ nói chuyện đời, lắm lúc lại quên bẵng đi" người bạn thân" của mình. Lúc sực nhớ đến. Nhìn trước trông sau không thấy nó đâu. Có bữa ông hớt hải tìm kiếm cả giờ, đi quanh khắp mọi con đường trong khu nhà cũng chẳng thấy. Cứ tưởng rằng nó đã đi lạc mất. Tìm kiếm chán ông lại quay về nhà. Đã thấy nó trong garage đang nầm le lưỡi để thở. Có lắm bữa ông điên tiết, sẵn sợi xích trên tay, ông quất cho một trận nên thân. Sau bữa đánh nó. Thấy ông là nó len lén lỉnh đi chỗ khác, gọi cũng không thèm lại. Dễ đến mấy ngày nó mới làm thân trở lại. 

Có lần ông dẫn nó sang nhà hàng xóm chơi. Chả là bên ấy cũng có một con chó, thỉnh thoảng được cởi xích cũng chạy sang nhà ông chạy nhảy, đùa giỡn với con Donny. Bữa đó ông cũng thả Donny ra cho nó thoải mái, rồi ông mới đi làm việc. Mải tỉa tót cho vài cây kiểng, lại quên bẵng chú chó vừa được ông thả ra. Bỗng ông nghe thấy tiếng kêu ăng ẳng của con Donny bên nhà hàng xóm. Ông vội vàng chạy sang để lôi cổ nó về. Lúc ra tới sân trước nhà, đã thấy nó nằm gục thiêm thiếp trong nhà garage  xe. Lay gọi sao nó cũng không thể dậy được. Chỉ nằm mở mắt kêu ấm ứ nhìn ông đau đớn. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho nó. Chỉ trong vòng một giờ trước đây thôi, nó còn khỏe mạnh chạy nhảy tung tăng. Sao bây giờ lại ra đến nông nỗi này" Hay nó bị con chó bên nhà hàng xóm cắn nó" Không có lý vì hai con chó thường chơi thân với nhau lắm cơ mà. Ông đến bên sờ nắn, xem nó bị đau ở đâu mà bệnh tình coi mòi trầm trọng như vậy. Luc vạch lông nó ra xem ở phía hông phải, thấy sưng u lên một cục như quả trứng vịt. Chỗ sưng đó tím bầm. Không phải là vết chó cắn. Đâu như nó bị ai cầm một thanh sắt hay vật cứng gì đập mạnh vào bả sườn, thấy trên sống lưng nó cũng có vết bầm tím. Ông vội lấy dầu nóng thoa bóp cho nó. Nó nằm mê man mất mấy ngày, phải đổ thuốc và đưa đi bác sĩ. Sau vài tuần lễ nó mới đi đứng ăn uống được. Sau bữa đó, nó không bao giờ héo lánh sang nhà hàng xóm nữa. Cu cậu cứ chạy đến gần nhà đó là như sực nhớ ra chuyện gì, liền vội quay ngoắt đầu chạy trở lại. Tay chủ nhà thâm hiểm, giả vờ như không biết chuyện, thỉnh thoảng còn làm bộ sang thăm hỏi. Nhưng ông già khinh bỉ không thèm tiếp chuyện và cắt đứt quan hệ lối xóm không hề qua lại. Bữa đó rõ ràng là ông thấy y loay hoay sửa xe ở trước cửa garage nhà y. Đích thị là hắn đã đánh dã man con chó, chứ không ai vào đấy. Nhiều lúc cảm thương con chó quá, ông đã toan cầm điện thoại gọi cảnh sát. Nhưng rồi nghĩ sao, ông lại thôi không gọi nữa. Ông chỉ lẩm bẩm nói thầm một mình.

"May cho mày gặp tao, chứ gặp chó của nhà Mỹ trắng mà đánh nó như vậy, thì mày đi tù con ạ."

4 -

Con Donny bị bắt trộm mất, nghĩ cũng là tại ông. Bữa đó giá mà ông cứ xích cổ nó lại đừng thả ra, thì nó đâu đến nỗi bị người ta bắt mất" . Thà cứ tròng sợi dây vào cổ nó, thì con chó lại còn!" Bà vợ ông đay nghiến và cằn nhằn ông như vậy. Sự đay nghiến của bà vợ làm ông nhớ lại. Ông bây giờ hay suy nghĩ vẩn vơ, chuyện mới lại nhớ ra chuyện cũ. Thời gian sau 30 - 4 - 75 ngày miền Nam Việt Nam bị mất. Đất nước thống nhất thu về một mối. Mà thu về một mối khi người dân được sống trong cảnh tự do no ấm, đất nước hòa bình không còn chiến tranh, thì hạnh phúc biết chừng nào. Đằng này khi đất nước được liền một giải, thống nhất Nam Bắc một nhà, nhưng chính quyền lại nằm trong tay cai trị độc đoán khắc nghiệt của một đảng Cộng sản duy nhất. Thì đó lại là điều bất hạnh cho dân tộc .

Hồi đó ông có người anh ruột đang làm Thứ trưởng một Bộ ở ngoài Hà Nội. Hôm ông anh vào công tác ở Sài Gòn, có tìm đến nhà ông để thăm chơi. Ông anh rất ngạc nhiên về đời sống vật chất đầy đủ và no ấm của người dân miền Nam và của gia đình người em ruột của ông hồi trước giải phóng. Nó khác xa với những lời tuyên truyền rỗng tuếch, láo khoét không đúng sự thật của báo đài ở miền Bắc. Rằng nhân dân miền Nam bị Mỹ ngụy kìm kẹp đói khổ lấm, ngày đêm họ chỉ cầu mong sao Cách mạng đem Bộ đội vào giải phóng miền Nam để đời sống của nhân dân được ấm no hạnh phúc!  Xe của ông đi qua sông Bến Hải rồi qua Quảng Trị, Thừa Thiên. Càng đi sâu vào các thành phố, càng thấy các tỉnh phía Nam. Hai bên đường nhà cửa khang trang, phố xá xây dựng sầm uất, đẹp đẽ. Dân chúng lại văn minh, lịch lãm giống như là các nước ở Đông Âu hay Liên Xô mà trước đây ông có dịp sang thăm. Đây là miền Nam đói nghèo bị kìm kẹp đó sao" Không thể tin được. Nó giống như một câu chuyện thần thoại không hề có thật. Xe chạy vào đến Quảng Nam Đà Nẵng, thì ông được đồng chí bảo vệ dẫn đường, đưa vào nhà khách của tỉnh ủy để ngơi nghỉ. Tối hôm đó ông đã xấu hổ lén lút như tên ăn trộm, mang bỏ ra ngoài thùng rác mấy cặp bánh chưng, thịt thà đã bị thiu rữa, một số bánh trái và quà cáp mà bà vợ ông đã mất công đóng gói, để ông đưa vào miền Nam làm quà cho người em của ông đang sống ở Sài Gòn. 

Trong thời gian ở chơi. Ông em có hỏi người anh mình, về nguyên nhân nào đã làm miền Nam Việt Nam bị mất. Thì được ông anh trả lời: "Miền Nam của các chú bị mất, vì dân chúng được tự do quá trớn, nên ngụy quyền không kiểm soát nổi, tạo nên tình hình chính trị hỗn loạn. Chú nên nhớ. Trình độ dân trí của nước ta còn thấp thì để cho nhân dân quá tự do là một điều sai lầm nguy hại! Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm miền Nam của các chú bị mất dễ dàng. Đây là theo đánh giá của các đồng chí lãnh đạo ở Bộ Chính trị là như vậy. Chứ không riêng gì là ý kiến của anh." À thì ra như vậy. Ông ngẫm nghĩ lời nói của ông anh cũng hữu lý. Muốn tự do dân chủ thì phải biết tôn trọng tự do dân chủ của người khác, thì sự tự do đó mới được khả thi, bền vững. Đằng này khi miền Nam Việt Nam được tự do, nhưng luật lệ lại thiếu nghiêm minh, lỏng lẻo. Vả lại người dân được tự do thoải mái nhưng lại thiếu ý thức về tự do dân chủ, nghĩa là sống trong tự do bừa bãi, không biết cảnh giác lúc đất nước đang có chiến tranh. Trong lúc đó Cộng quân lợi dụng sự tự do dân chủ để di chuyển vũ khí, súng đạn, họ tìm cách đưa vũ khí thâm nhập vào các nơi tôn nghiêm các tổ chức tôn giáo, chùa chiền, nhà thờ, để chờ thời cơ khủng bố, tấn công. Đó là sự thật. Cũng vì lẽ đó nên số cán bộ cộng sản nằm vùng đã lợi dụng sự tự do, để đưa biệt kích, tình báo phản gián xâm nhập vào hoạt động công khai, trà trộn trá hình từ trung ương xuống các địa phương các cơ quan chính quyền, quân đội, tôn giáo hay báo chí, trường học để phá hoại chế độ. Sau này toàn miền Nam đã lọt vào tay của họ. Cộng sản đã rút ra được bài học kinh nghiệm về cai trị. Do vậy họ không muốn để cho nhân dân Việt Nam được sống trong cảnh tự do dân chủ và no ấm. Trách gì hiện thời, tự do dân chủ của đất nước càng ngày càng bị siết chặt. Những nhà văn, nhà đấu tranh cho tự do dân chủ bị bắt bớ tù đày là như vậy.

5 -

Ông lại ngồi thừ người ra, nét mặt đau khổ và yên lặng, lòng bồi hồi nhớ thương con chó khôn nguôi. Có bữa đi kiếm nó, ông thất thểu buồn rầu như vừa mất đi một người thân yêu. Nhiều lúc đang đi, cảm thấy hai mắt cay cay, nhạt nhòa. Ông dừng lại gỡ kiếng cận ra lau. Thì ra hai mắt ông đã ướt đẫm! Ông buột miệng.  Quái lạ, không lẽ mình đang khóc. Nó là con chó chứ có là cái gì quí giá đâu mà tiếc, mà khóc cơ chứ. Ừ thì nó đã mất. Nó đã mất chứ sao. Lại khỏi phải tắm rửa, chăm sóc, cho ăn uống, dắt đi vệ sinh mỗi ngày. Bận rộn như là phải nuôi con mọn." Nghĩ như vậy nhưng nước mắt ông vẫn tuôn rơi, vẫn cứ chẩy đầm đìa. Giống như hồi đứa con trai thân yêu duy nhất của ông đã tắt thở trên tay ông mấy chục năm về trước. Hồi ông còn sống ở Việt Nam. Ông chắc rằng, cả nhà ông, vợ con ông cũng đều khóc cả, vì nhớ thương con Donny mà không ai nói ra, chứ không phải chỉ riêng một mình ông nhớ thương con chó mà khóc đâu .

Cứ nhớ lại bữa con chó bị mất, là ông lại ân hận và giận với chính mình với chính mình. Vì trước đó vài ngày, ông đã quất cho nó vài roi. Tội phóng uế bừa bãi. Sau hôm đó, cứ nhìn thấy ông là con chó lỉnh đi chỗ khác. Gọi cho thức ăn ngon cũng phớt lờ, không lại. Thế mà ông không cảnh giác, lúc dắt nó ra ngoài park chơi, lại thả nó ra để cho nó được tự do chạy nhảy. Lúc ông gọi nó lại để xích cổ dẫn về nhà, thì nó cong đuôi chạy thẳng. Không chịu nghe theo lệnh của ông. Ông nổi lên cơn giận dữ với nó, bỏ về nhà một mình, lòng cứ đinh ninh.

" Rồi nó cũng lại về nhà như lần trước đó thôi." 

Sau này ông được biết. Lúc đó có một người đàn bà, người Mỹ da màu, chạy xe đằng sau đã theo dõi ông và con chó từ lâu. Lúc ông đi khuất thì người đàn bà ấy chạy đuổi theo con chó và mở cửa xe, dụ dỗ nó lên. Thế là nó đã nhẩy lên xe của bà ta đi mất. Kể từ bữa đó. Chẳng bao giờ con Donny còn trở về nhà với ông nữa

./.

Ý kiến bạn đọc
19/10/201816:33:00
Khách
kết cục buồn quá , vừa thương vừa giận ông già , ai mà đễ con chó con chạy luôn rồi nghỉ nó sẽ trở về nhà , lở nó có chạy củng phãi chạy theo kêu nó hoặc nhờ mọi người xung quanh giúp bắt lại dùm chứ ..... buồn quá
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,601,534
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Nhạc sĩ Cung Tiến