Hôm nay,  

Một Cảnh Đời Lưu Vong

15/05/200800:00:00(Xem: 168989)

Tác giả: Hồ Phi
Bài số 2300-16208277-vb5150508

Tác giả là một vị cư dân cao niên của Fountain Valley City, Nam California, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ từ năm đầu tiên. Mọi đề tài ông viết thường cho thấy sự cẩn trọng đặc biệt trong từng chi tiết nhỏ. Sau đây là bài viết mới nhất.

Chuyện xảy ra đã hơn vài thập niên, khi mà chương trình ODP mới bắt đầu có hiệu lực, bà con bên quê nhà lai rai theo diện nầy đáp máy bay qua Mỹ đoàn tụ gia đình. Đây là một chuyện thật được kể lại như một phần nhỏ trong bi sử của người Việt mất nước lưu vong.

Bà Trần trước 1975, làm việc cho phòng kế toán, chuyên phát chi phiếu cho các nhà thầu khi họ hoàn tất công tác đã lãnh được ở Cục Mãi Dịch Quân Đội Mỹ tại Saigon. Chồng bà là Trung Tá Trần làm viêc tại Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành Saigon. Hai ông bà đều gốc Bắc Di cư, có nhà ở đường Công Lý, có một nếp sống trung lưu thoải mái ấm êm. Tuy là sĩ quan cảnh sát nhưng ông hiền lành, đạo đức, xuề xòa vui vẻ, không bợ cấp trên, chẳng đè cấp dưới. ƠỊ sở, ông là người thi hành lệnh trên một cách nghiêm chỉnh, chu đáo. Còn ở nhà, thì ông thi hành những yêu cầu của bà một cách tuyệt đối, không hề nói điều gì trái ý bà, vì bà là người quyết đoán năng nổ hơn ông. Nên gia đình ông bà rất là êm ấm, vợ chồng con cái có nếp sống mẫu mực. Hằng năm bà hay rủ bạn bè đến nhà tiệc tùng thân mật, nên mọi người đều có cảm tình tốt đẹp, chẳng ai ganh tị nói điều gì linh tinh. Nhờ địa vị và lương bổng của công việc, vào thời buổi chiến tranh việc xuất ngoại du học của nam sinh rất khó, nhưng ông bà, tuy cấp bậc chưa lớn mấy, cũng đã đủ thế lực và tiền bạc để gởi cậu con trai sang Mỹ du học được ba bốn năm trước khi biến cố 30/4/75 xảy đến.

Sau 30/4, hai ông bà đều bị bắt đi tù cải tạo, nhà cửa bị chiếm đọat. Mấy đứa nhỏ thì lang thang hay ở với bà con rồi rồi cũng tự trưởng thành, tự mưu sinh đâu đó, cha mẹ con cái không còn sum họp. Sau vài năm thì bà được thả ra, còn ông thì vẫn mãi trong tù suốt hơn bảy năm ròng rã. Bà ra ngoài tù thì nhà cửa không còn, bị buộc đi kinh tế mới. Vốn nhà khá giả, ăn học, sống cảnh thành thị, chưa từng quen kham khổ nơi rừng rẩy, nay lên vùng kinh tế mới, gió lộng, nắng mưa, lều trại tối tăm, làm ăn không được, bà trở về Saigon lây lất nơi nầy nơi khác, chạy vạy thỉnh thoảng lo tiếp tế thăm nuôi, mong ngày chồng mãn hạn tù.

Khi ông được thả về, thân tàn ma dại, như một ông lão yếu đuối bệnh hoạn tuy chưa đến tuổi 60. Ông bà sống trong cảnh khó khăn về mọi mặt, không có chỗ ở ổn định. May lúc đó Mỹ cũng đã cho ra chương trình ODP đoàn tụ gia đình. Ông bà liên lạc được với cậu con trai bên Mỹ và tiến hành thủ tục xin qua đoàn tụ với con. Bà vốn là nhân viên cũ lâu năm của chính phủ Mỹ, nên hồ sơ được cứu xét nhanh chóng và phỏng vấn của phái đoàn Mỹ được thông qua dễ dàng. Hai ông bà trở thành hai trong những người được sang Mỹ theo diện đoàn tụ nầy, trong các đợt đầu tiên. Không hiểu sao chỉ mỗi có hai ông bà được đi, còn vài người con cũng trưởng thành kia đã phải ở lại.

Thoát khỏi cái cảnh người gọi là thiên đường, mà đó là thiên đường thật sự của một số người, vì ở nơi nầy, họ tự do tha hồ chiếm đoạt những cái gì tốt đẹp nhất, tự do bóc lột, tự do xoay xở, làm giàu hết cỡ xưa nay trên nỗi khổ nhục của cả nước. Nhưng cũng là cái cảnh mà đa số cho là địa ngục trần gian, vì nơi đó nhiều người vô tội bị tù đày hành hạ đến chết, người thì đói khổ, thương tật, lầm than, bị lường gạt bóc lột thậm tệ, phải bán tất cả những gì có thể bán được để có cuộc sống lây lất, khốn cùng. Ông bà Trần vui mừng thoát khỏi cảnh thiên đường địa ngục lẫn lộn nầy để bay sang Mỹ đoàn tụ với người con trai yêu dấu sau bao năm xa cách.

Người con trai đã tốt nghiệp cao học, có công việc làm lương cao, có vợ người Mỹ, có vài đứa con lai, có nhà cửa xe cộ khang trang, ông bà mừng lắm. Tuy ông bà Trần trước kia cũng đã từng khá giả mà nay thấy nhà cửa xe cộ, trang trí trong nhà con mình, cũng phải nể sự sang trọng, nên rụt rè, ké né. Nhà trên một khu đồi cao, với từng đơn vị gia cư cách nhau, đất đai rộng rãi, xa nơi phố chợ, đi lại toàn bằng xe hơi đẹp đẽ. Chẳng hề có xe bus, vì khu nầy chẳng ai phải dùng đến xe bus.

Ở chung chưa được bao lâu. Tính ông bà Trần thích ôm cháu theo lối của các bà mẹ, bà nội, bà ngoại Vietnam bên xứ mình. Cô dâu Mỹ thấy thế rất khó chịu, vì thấy bà già cả sợ lây bịnh cho con, nên không bằng lòng, tỏ vẻ bất bình và nói riêng với chồng, phản đối việc đó, khiến ông bà ốt dột buồn bã. Thấy ông ốm yếu, cô dâu sợ ở chung nhà lây bịnh, và lại thêm mất tự do, nên bảo chồng đưa ông bà đi nơi khác. Vì ông bà đi theo diện ODP bảo lãnh, nên không biết gì đến những cơ quan giúp người tỵ nạn. Phải chi ông bà được chấp nhận cho vào Mỹ theo diện tỵ nạn thì được các hội nhà thờ bảo lãnh, đón đưa, hướng dẫn, giúp đỡ, và được chính phủ Mỹ cho lãnh trợ cấp xã hội cùng tiêu chuẩn với dân Mỹ nghèo xứ nầy thì không đến nỗi nào khổ sở, lo âu.

Đằng nầy ông bà Trần được con khá giả bảo lãnh theo diện ODP, đón từ phi trường về, nào có cơ hội để biết đến sự giúp đỡ của xã hội Mỹ, và cũng không có chương trình nào để giúp đỡ các trường hợp ODP nầy. Bà lối giờ không biết lái xe, thời trước đi xe do ông lái, hay tài xế cảnh sát lái. Cả hai mới qua đâu biết xe cộ, đường sá gì, lại ở tiểu bang xa vắng người VN, chưa có dịp tiếp xúc với người đồng cảnh mà trao đổi tin tức hay chỉ dẫn, bày biểu, khuyên giúp cho nhau. Cậu con trai của ông bà du học từ thời trước 1975 đang sống hòa mình trong xã hội Mỹ, nên không có quen ai VN và cũng không sống trong cộng đồng người Việt như chúng ta đang sống ở Little Saigon. Nên ông bà Trần xem như sống cô lập trong môi trường Mỹ xa lạ chỉ biết có gia đình con mình, cũng lại Mỹ nốt.

Ông bà vốn là người Bắc trọng nề nếp và chịu giáo dục của các cụ xưa, mang nặng tư duy phong kiến và suy nghĩ cũ, nên không thay đổi kịp để thích ứng với hoàn cảnh mới. Không biết gặp thời thế nào, thì phải biến đổi tâm tư của mình theo thời thế đó, nên cảm thấy rất chua xót và đau khổ. Trái lại, trong khi mấy ông bà bạn cùng sở cũ với bà khi xưa, khi thấy con nó không thích cho sờ đến cháu, thì lại tỉnh bơ vui vẻ, và biết tránh xa không đụng tới, nên quen dần, rồi mất luôn bản năng thiên phú thích ôm bế con cháu nầy, và cảm thấy rảnh rỗi tự do hơn. Cái gì cũng có điều hay, điều dở bù trừ cho nhau cả. Chính vì bị vây kín trong thành kiến, mà ông bà mới cảm thấy nhiều đau khổ.

Chẳng bao lâu tiếp đó thì người con trai mướn apartment một phòng ngủ cho ông bà sống riêng. Rồi hầu như muốn bỏ quên luôn ông bà Trần tại khu apartment nầy. Ông bà buồn quá, tiền bạc chẳng có, chẳng biết đi đâu, chẳng biết làm gì, suốt ngày ở trong apartment ngó bốn bức tường, buồn bã nhìn nhau than thở, quên cả cơm nước. Ông bà lội bộ ra vùng chung quanh muốn tìm việc gì làm. Khi nhìn thấy ông bà đã già, mà ốm yếu, chủ nhân cũng không biết thuê dùng vào việc gì cho thích hợp nên đều từ chối.
Sau mươi lần lội bộ tìm việc không thành như thế, ông bà bỏ cuộc và chẳng buồn đi đâu nữa, cũng chẳng buồn nói chuyện với ai, ngay cả qua phone với con trai mình. Nghĩ chuyện trở về lại VN thì ông quá kinh tởm, tính ở lại thì cũng khó khăn buồn phiền. Do bao năm vất vả ở VN, ông bà Trần thân xác đã rã rời, trí tuệ đã quẩn quanh, tinh thần đã trở nên bạc nhược, không còn ý chí phấn đấu.

Rồi một hôm, người Mỹ ở căn kế bên, bất chợt thấy rằng căn apartment ông bà Trần ở, sao lại im lìm đã sáu bảy ngày không nghe tiếng động, không hề thấy ông bà Trần mở cửa ra vào, lại thấy có mùi gì hơi bất thường, nên phone báo cho manager. Manager sinh nghi gọi cảnh sát. Khi người ta mở cửa ra, thì một mùi hôi thối khó chịu tuôn tràn làm ngạt thở, đó là mùi gas và mùi xác chết hòa lẫn. Ông bà Trần đã nằm bên nhau chết sình cả tuần rồi.

Sau khi pháp y khám nghiệm nguyên do cái chết đã kết luận: Ông bà Trần đã chết vì ngạt thở và ngộ độc bởi hơi gas. Không ai rõ khi ông bà, vì bất cẩn hay cố ý, đã đóng kín mọi cửa, để cho hơi gas từ bếp không cháy mà tràn ngập căn apartment. Hơi gas làm ông bà từ từ bất tỉnh, đi vào giấc ngủ mê man, rồi từ đó nhẹ nhàng rời khỏi thế gian.

Thế là ông bà Trần đã ra đi an vui miền lạc cảnh vĩnh hằng. Khi được tin nầy, bạn bè gần xa đều rơi lệ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,060,116
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến