Hôm nay,  

Bao Giờ Mẹ Hiểu Cho Con

13/05/200800:00:00(Xem: 845905)

Tác giả: Phan

Bài số 2297-16208274-vb3130508

Tác giả là một nhà báo, người phụ trách một cột mục trên tạp chí Ca Dao tại Dallas, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Sau đây là bài viết mới nhất của ông nhân mùa lễ Mẹ.

Ông Hoài, năm mươi tám tuồi rồi! Nhờ trời, tóc hãy còn đen, chỉ bộ ria chớm bạc như chuẩn bị sẵn để ngồi sui, khi con gái lớn của ông chịu dừng bước giang hồ. Con nhỏ mang tính khí của bố, tính tình như con trai-ngang ngược, cứng đầu nên bị mẹ rầy suốt mà bố bênh vực cho cũng không được mấy. Ong thương thầm nó bằng cách thuyết phục với vợ là mua cho nó cái xe mới, mình trả off để khỏi chịu tiền lời. Bắt nó payment cho mình nha em. Thế là con nhỏ có xe mới, trả góp cho mẹ được vài tháng thì từ đó về sau…bố trả. Ngược hẳn với con em, mang tính tình của mẹ, hiền thục kiểu con gái miền Nam, nặng tình nghĩa gia đình. Với con này thì ông thương nó bằng cách tự chỉnh sửa mình bớt bia, bớt thuốc lá là nó vui thật sự. Thật là làm bố chúng nó ba mươi năm trời nhưng rõ ra ông chẳng dạy được gì cho đứa lớn-ngang bướng, càng không dạy được gì cho đứa nhỏ vì nó đúng đắn từ khi mới sinh ra. Nhìn quanh bạn bè từ ngày sang đây, hai đứa con ông học hành đàng hoàng, ra trường cửa trước, có Hội Đoàn người Việt chúc mừng về thành tích của các cháu. Ong Hoài hài lòng với việc bỏ nước ra đi.

Năm mươi tám tuổi đời của ông Hoài, nếu ngồi bấm đốt ngón tay thì số năm ông sống ở nước ngoài đã nhiều hơn số tuổi lúc bái biệt quê hương. Ong đi được sớm vì là lính Hải quân. Lúc Sài gòn tan hàng, ông lo lắng cách về nhà không được vì tàu đang ngoài biển, không ngờ lại là may mắn hơn anh em. Trong cái rủi có cái may, là vậy.

Tàu ông lại hết dầu, hư máy giữa biển khơi, giữa cấp bách của cuộc tháo chạy ê chề. Ong được tàu bạn vớt ngoài khơi là con tàu Hải quân rời bến Bạch Đằng ra đi với biết bao đồng bào trên đó. Biết bao hốt hoảng trong ánh mắt người dân biệt xứ từ đây. Ong đã gặp một nửa của mình để chia chung âu lo nơi xứ lạ, xây nên tổ ấm gia đình hôm nay. Nhìn lên chi cho mỏi cổ; nhìn xuống chi cho đau lòng. Nhìn về chi cho xót xa nhưng không nhìn sao được với người thân, gia đình ông còn ở Việt nam.

Ngày cô con gái lớn đã chịu quay về nhà sau nhiều năm đi làm-bất kể nơi đâu! Thành phần ngang ngược mà tình yêu cũng biến nó thành thỏ thẻ, ngỏ lời xin phép cha mẹ cho con lập gia đình nên ông mới có khái niệm thời gian chứ thời gian chẳng có nghĩa lý gì với một người mạnh khoẻ từ thể chất tới tinh thần, một người yêu biển thiết tha. Chuyện ông thường kể lể với anh em, bạn bè trên bàn bia là ông retire sớm vì đi làm liên tục ba mươi năm ở hãng có Công Đoàn thì họ can thiệp cho mình được nghỉ hưu-không cần biết bao nhiêu tuổi. Dự tính tuổi già của ông cũng thật đơn giản! "Tôi tính mua cái tàu đi câu biển, chứ mỗi lần rủ rê anh em, bạn bè xuống New York mướn tàu đi câu thì anh em lại đứa có tiền, đứa không. Làm mất vui đi. Tôi sẽ mua để đứa nào muốn đi câu thì cứ đi với tôi…" Giấc mơ không hề quá lớn so với thu nhập của ông. Phần thì con cái càng lớn, ông càng ít hao tiền bạc vì chúng đã làm ra được. Bà Hoài lại giỏi làm ăn nên gia đình ông khấm khá, con ngoan, vợ hiền… những yếu tố khách quan đã làm cho ông lâu già, không đau vặt như mấy ông bạn từ thời đi lính; thời qua đây tới giờ.

Nhưng vài năm trở lại đây, râu ông đốm bạc làm bà Hoài lo không ít. Lo cho sức khoẻ của ông đã tới lúc bà phải đặc biệt quan tâm vì những người chẳng bao giờ đau bệnh như ông mà khi họ đau thì không nhẹ. Còn một chút kiêu ngầm phụ nữ trong lòng bà nữa là niềm tự hào với các bà bạn về ông xã mình trẻ mãi không già, tư cách đàng hoàng, đứng đắn có hạng trong cộng đồng. Dù ông chỉ lui tới với bạn lính của ông thường xuyên hơn cộng đồng. Dạo này, bà xui ông cạo râu cho trẻ trung. Bà không nói ra nhưng hơi sợ màu bạc trên gương mặt người bạn đời vốn rất ung dung. Ong Hoài không cạo mớ râu chớm bạc mà lại thường vuốt cho nó thêm bạc, hay thở dài sườn sượt mà những người vợ bình thường có bị đánh chết cũng sinh nghi ông nhà...! Thế là bà ghét cái tật ngồi một mình thở dài, vuốt râu. Dù mới đây thôi. Ghét rồi thương vì bà hiểu ông rối trí về việc gia đình bên ông chứ việc nhà thì một tay bà đã dư lo liệu. Việc léng phéng thì ông không có. Ba mươi ba năm vợ chồng-bà rành tính nết và tin ông chuyện ấy! Chỉ gia đình chồng của bà-thuộc loại hiếm có trên đời. Toàn những người yêu quê hương thiết tha nên từ chối đi xuất cảnh theo Hồ sơ bào lãnh gia đình mà ông Hoài đã làm từ năm '77. Bà chỉ biết chia sẻ với ông Hoài những khoản tiền lớn để giúp đỡ gia đình bên ông từ nhiều năm nay. Y nghĩ về anh em chồng, dại gì sang Mỹ để đi cày miệt mài như ông cho cực thân. Cứ ăn chơi ở Sài gòn bằng tiền ông gởi về, có hơn không! Sự thông minh của bà hơn đời nhưng thua tình nghĩa vợ chồng từ những ngày tay trắng, xa xứ bơ vơ. Bà để bụng mình cho chồng được vui.

Từ năm ông Hoài về thăm gia đình lần đầu đến nay đã ngót hai mươi năm. Tết nào cũng cuộn theo bó tiền thật lớn với ý nghĩ giúp anh em một lần cho có vốn làm ăn để không phải giúp nữa. Nhưng khi ông trở về Mỹ chừng nửa năm thì tin tức như bươm bướm bay sang-toàn tin không lành, không may! Ong Hoài lại chắt chiu cho kỳ Tết tới mang về. Cái ý nghĩ giúp anh em vốn lớn một lần để làm ăn đã thành chuyện hàng năm thì tiền đâu chịu nổi. Sự kiên nhẫn của ai cũng có hạn thôi và riêng bà Hoài thì đã ngoài sức chịu đựng. Nhưng bà vẫn nhẫn nhịn và mong ông hiểu, mới là hy hữu trên đời. Thi thoảng bà cũng về Việt Nam với ông để thăm gia đình. Những người anh em đã không còn nghèo khổ như hai mươi năm trước nhưng bòn rút ông Hoài thì tinh vi hơn theo đà văn minh hội nhập. Bà nghĩ bao dung như tấm lòng Nam bộ của bà là tiền đi để có tình cảm thoả mãn trong lòng chồng bà cũng được. Nhưng rồi lại nhưng, từ mẹ chồng xuống tới cháu chắt bên ông chỉ coi vợ chồng bà là nguồn cung cấp tài chánh. Không được kể lể vì ông Hoài có lỗi với gia đình là bỏ nhà đi Mỹ. Bà nản lòng với đay nghiến, cay cú của mẹ chồng nhưng vì chồng mà nuốt giận làm vui cho trọn đạo vợ chồng trong tình nghĩa của bà. Riêng ông Hoài cũng đã nản lòng chiến sĩ với gia đình mình từ mấy năm nay-là tự ông nhìn ra vấn đề nằm ở chỗ nào" Lòng dạ anh em ruột đối với ông tới đâu" Nhưng tiếng ác bao giờ cũng gieo lên thân bà. May là ông Hoài đã qua cơn mê nên thôi trách vợ hẹp hòi-dù chưa bao giờ bà hẹp hòi với bên chồng. Dạo này, ông ưa ngồi vuốt râu, thở dài một mình thay vì đã đủ sức đi sắm chiếc tàu câu biển khi con cái đã trưởng thành, không cần cha mẹ lo cho gì nữa. Bà thương ông hơi khác thuở ban đầu là người bạn đời đã cùng bà chia sẻ những thăng trầm, gia đình của cuộc sống tha phương. Tình thương bạn già đã chia ngọt sẻ bùi hơn nửa đời người. Mong ông hiểu cho một đời tận tụy, hết thảy vì chồng con của người vợ miền Nam. Mong ông bớt thở dài để giữ gìn sức khoẻ.

Sau chuyến đi Việt nam ăn tết trở về. Bà Hoài không muốn sang năm lại về vì càng về càng thất vọng hơn. Anh em bên chồng bây giờ tinh vi mà cũng trơ trẽn hơn trong chuyện moi móc ông Hoài. Biết ông và cũng thương ông là người đàn ông nặng tình gia đình, thương mẹ thương em từ những ngày ông còn chưa đi lính-những ngày ông bà chưa biết mặt nhau. Biết nói ra lời nào về bên chồng-từ mẹ tới em cũng chỉ làm đau lòng chồng mình mà không giải quyết được gì đâu nên bà im lặng lo cho đứa con lớn lập gia đình. Ông Hoài giường như giao hết cho bà tiếp xúc với nhà trai để cùng lo liệu cho bọn nhỏ. Ong đi làm miệt mài ngày 12 tới 16 tiếng. Như người ta thì đã rảnh tay với con cái để nhàn nhã vợ chồng chuẩn bị lên sui.

Lại nghĩ đến ước mơ của chồng. Chiếu tàu câu biển của ông cũng vẫn chỉ là giấc mơ thôi! Tiền bạc tiêu tan cho gia đình mà chỉ đem về nhà mình-bên Mỹ được những muộn phiền. Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu-lại là mẹ ông. Bà cụ cương quyết từ chối việc ông đưa bà cụ sang Mỹ để vợ chồng ông lo cho mẹ tuổi già. Cụ viện lý do Số tử vi của cụ mà rời bỏ quê hương là chết liền trên đất lạ. Thật ra, cụ thương thằng út còn bé bỏng, dại khờ. Bốn mươi lăm tuổi đầu-một vợ hai con. Nhưng buông gấu quần mẹ ra thì nó ăn đất. Tội nó, lớn lên sau "giải phóng" nên văn thì dốt võ thì rát, chỉ được cái mồm lếu láo như cán bộ. Những anh em còn lại đã rủng rỉnh tiền đô trong nhà băng ở Việt nam, nhưng cứ một lòng ép ông không được bỏ gia đình, anh em. Đừng nghe lời vợ dèm pha giúp đỡ gia đình. Ba mươi ba năm hết mình với gia đình bên chồng. Bà Hoài còn lại gì ngoài những những giọt nước mắt thầm lặng trong đêm.

Lần này trở về Mỹ, ông bà Hoài mang theo đổ vỡ gia đình. Hôm cả nhà tụ họp chia chác những đồng tiền cuối cùng trong túi ông Hoài trước khi ông chào mẹ con đi. Ong tuyên bố với các em ông thẳng thừng: "Từ nay, tụi bay tự lo liệu lấy gia đình mỗi đứa. Tao chỉ có trách nhiệm với mẹ thôi. Không giúp tụi bay nữa vì đứa nào cũng đã có của ăn của để. Phải hiểu cho tao, tao còn đi làm được bao lăm nữa mà accout trong băng của tao chỉ có tên tao thôi. Không được như bay đâu!" Thế là bà Hoài mang tiếng chì, tiếng bấc với gia đình chồng. Mẹ chồng gọi bà bằng cô, gọi con trai bà bằng cậu chứ không gọi "các con" như trước nữa rồi!

Ba mươi ba năm-một cảnh hai quê. Ba mươi ba năm chia ngọt sẽ bùi với gia đình để vợ chồng lên máy bay về Mỹ mà lòng cũng không muốn ở lại làm chi khi đồng đô la rớt giá thảm hại từ trong nhà ra trường Quốc tế. Cũng may là quan hệ với Việt Nam là quan hệ một chiều mà còn ra nông nỗi thế! Năm nào về cũng cho tiền bạc, quà cáp từ trên xuống dưới. Có chừa lại chút tiền đi sắm quà Việt Nam để đem đi Mỹ biếu bạn bè thì lại mang tiếng hoang phí. Bà Hoài thèm được ai đó trong gia đình chồng tặng bà một món quà-không cần giá trị mà chỉ để cho vui cũng không có. Nói tóm lại là ba mươi ba năm giải phóng; ba mươi ba năm giúp đỡ gia đình không có lời cảm ơn. Bà tự an ủi mình là Trời cao có mắt! Cho bà hai đứa con ngoan, thành đạt hơn người.

Nhưng ông Hoài thì không! Từ hôm vợ chồng đi Việt Nam về. Ong cáu bẳn hơn trước do thái độ gia đình, đặc biệt là mẹ ông đã phủi công ông với gia đình tới trắng tay. Bà Hoài hiểu ông thương mẹ đẻ tới giám hy sinh tới tính mạng cho mẹ thì sá gì tiền của ông gửi về. Nhưng Chùa chiền với bày em, nhất là thằng em út đã không còn tính người. Mượn hình ảnh bà cụ mà moi móc cho riêng mình mới thất đức. Ong Hoài giận nhất từ hôm giữa năm ngoái. Ong đi làm về đã mệt, mới nằm nghỉ chưa lâu thì điện thoại bên nhà gọi sang. Thằng em út ông Hoài cho hay mẹ đi bệnh viện. Tính sơ cũng hết hai ngàn đô la, anh coi gởi về để trang trải cho mẹ. Ong Hoài nghe tới mẹ đau là xót ruột. Nói liền với thằng em: "Hôm tết tao về rồi đi, có để lại vài ngàn để lo cho mẹ khi bất trắc mà tao không gởi tiền về kịp. Bây giờ lấy khoản ấy lo cho mẹ trước đi, rồi tao gởi về sau".  Thằng em cho hay: "Khoản anh để lại đã hết lâu rồi! Sài gòn bây giờ mắc mỏ chứ đâu như trước." Thế là ông mau mau thu xếp gởi về. Tới hôm tết rồi ông về thì tiền để lại từ năm trước, tiền ông gởi lúc hay tin mẹ đau phải đi bệnh viện, tiền tiền tiền… lên đến bao nhiêu cũng chẳng còn đồng nào trong khi mẹ đi bệnh viện mất có vài trăm đô la. Anh em tán tận đến không chừa cho ông chút mặt mũi sống với vợ con. Đó là điều ông đau lòng nhất. Tết rồi vì giận mà ông đã to tiếng với anh em, làm mẹ ông buồn nên về Mỹ ông trầm ngâm hơn xưa. Bà Hoài biết thời nay đốt đuốc đi giáp vòng thiên địa cũng không dễ gì còn thấy ai hiếu thảo, thương mẹ như chồng bà. Nhưng cầm lòng sao đặng khi chồng tôi năm mươi tám tuổi rồi… còn tay trắng. Còn đi làm 12 tới 16 tiếng ngày thay vì đã được nghỉ hưu để có tiền chu cấp cho mẹ già phung phí với qủy quyệt thành tinh ở quê nhà.

Làm sao bà chịu nổi cảnh nửa đêm không thấy ông nằm bên mình. Bà có ra nhà bếp thì lại thấy trên bàn đầy chai bia. Ong ngồi bóp trán, nói nhảm một mình trong vắng lặng đêm khuya… "Bao giờ mẹ hiểu cho con". Bà Hoài nhìn lên cuốn lịch trên tường, ngày Mother's Day lại đến. Các con bà đang âm thầm chuẩn bị cho mẹ món quà gì đây mà chị em nó xù xì dữ vì nhà năm nay có thêm thằng rể. Ong Hoài vẫn ngồi bóp trán giữa đêm đen. Bà Hoài bỗng kêu thầm: "Mẹ ơi! Bao giờ mẹ hiểu cho chồng của con""

phan

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,315,554
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến