Hôm nay,  

Như Nước Trong Nguồn

11/05/200800:00:00(Xem: 155674)

Tác giả: Phila To

Bài số 2295-16208272-vb8110508

Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh 1941, cựu sĩ quan, cựu tù cải tạo, định cư tại Mỹ theo diện HO.1, cư dân Westminster, hiện làm việc tại học khu Ocean View, Nam California. Ông đã góp nhiều bài viết và nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2006. Sau đây là bài viết của ông dành cho mùa lễ Mẹ.

*

Đã mấy lần tôi lôi cổ chúng ra khỏi túi hành trang mà tôi đã chuẩn bị để lên đường nhập trại thì bà cụ lại chờ lúc tôi không có mặt lén bỏ chúng vào. Ngày 15 tháng 6 năm 1975, ngày chót theo lệnh trình diện của ủy ban quân quản th.p "Hồ chí Minh" bắt các sĩ quan chế độ cũ vào trại giam. Tôi ra đi và xách cái túi lên thì lại thấy đôi dép râu và bộ bà-ba đen đã nằm lại trong đó từ lúc nào. Bực quá tôi lấy ra và quăng vào góc nhà rồi lững thững xách túi ra đi như người mất hồn, không buồn chào tữ giã Mẹ. Bà cụ không nói gì nhưng tôi biết cụ đang ngồi dưới đất, miệng móm mém nhai trầu, ngước mặt lên nhìn theo con, tay quẹt nước mắt, tôi nghe như có tiếng nấc nghẹn trong cổ họng của mẹ già.

Ngày xưa khi còn chiến tranh súng nổ đạn bay, mẹ tôi thường lo âu sợ hãi có ngày nào đó hậu cứ tiểu đoàn sẽ đến nhà báo tin Mẹ đi nhận xác con. Chuyện đó chưa xẩy ra thì nay "hòa bình" đến, con lại đành bỏ Mẹ để đi tu huyền tu.

Và Mẹ con tôi xa nhau từ đấy!

Những ngày "lao động là vinh quang" trên rừng núi miền Lào-Cai, Yên-Bái, Hoàng Liên Sơn vùng thượng du Bắc Việt, tôi mới thấy không có giầy dép nào chịu nổi với gai góc, đá ong, đá tai mèo, ngoại trừ đôi dép Mẹ tôi đã tiên liệu mua cho nhưng tôi lại vất đi! Những đôi dép được  phát minh ra từ vỏ bánh xe hơi mà những "anh bộ đội" miền Bắc gọi là dép-râu vượt Trường-Sơn hay phi hành gia Phạm Tuân hãnh diện gọi là:"Đôi dép lốp bay vào vũ trụ"!

 Còn cô gái miền Nam thì buồn rầu chán nản :

_ "Đôi dép lốp đạp  tan đời son trẻ

Nón tai bèo che khuất cả tương lai."

Ai nói gì thì nói nhưng vơí tôi thì những khi "vác tre đốn gỗ trên ngàn", kéo từng bó lứa từ trên núi xuống, ngồi rửa chân bên dòng suối, nhìn đôi giầy vải không còn là hình thù đôi giầy nữa, nó đã được khâu vá bằng đủ mọi vật liệu cũng không ngăn được những vết cắt nơi bàn chân, lúc đó tôi ước ao có đôi dép bằng vỏ xe ô-tô, đôi dép thích hợp và tiện dụng nơi rừng rú nhưng thật là "khó coi" trên đường phố, đó là lúc tôi nghĩ đến Mẹ nhiều nhất, thương thân thì ít, thương Mẹ thì nhiều:

"Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

Núi Thái Sơn ở đâu, cao bao nhiêu không ai biết, nhưng những ngọn núi quanh đây làm tôi sợ, làm tôi đổ mồ hôi, nhờ dòng suối như dòng sữa Mẹ, nhờ nước trong nguồn chảy ra đã cứu tôi khỏi chết khát, nước trong nguồn rửa sạch cái mặt bôi vôi, nước trong nguồn giúp tôi trở thành con người "sạch sẽ".

Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra không bao giờ cạn, đổ ra biển thành "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào". Cũng tương tự như thế, tình thương của Mẹ bao la, khi con nghịch dao đứt tay cũng khiến Mẹ lo lắng, khi cha cầm chổi lông gà thì Mẹ dùng thân mình để che chở cho con, đỡ cho con những roi đòn từ tay bố. Có lẽ vì vậy mà chúng ta chỉ nghe đến cái tên thân yêu là "Mẹ Việt Nam" chứ không nghe ai nói "Bố Việt Nam", mái trường Mẹ Võ-Bị chứ không có trường bố V.B.

 Tám năm sau, từ miền Bắc trở về trại giam Hàm Tân Z30D, tôi mong được Mẹ đến thăm để con có dịp nói lời xin lỗi vì đã làm Mẹ buồn khi cất bước ra đi nhưng Mẹ tôi đã không đến được!

Mỗi khi gia đình đến thăm nuôi, tôi luôn luôn hỏi tin tức về Mẹ, hỏi cụ có khỏe không thì hình như lúc nào tôi cũng được nghe câu trả lời có sẵn:

_ "Mẹ vẫn khỏe"!

Tôi mơ được Mẹ đến thăm nhưng cụ lại đến trong ác mộng, điều đó báo cho tôi  biết có thể Mẹ đã không còn. Đem kể lại chuyện này với gia đình thì lúc đó gia đình mới thú thật rằng sau khi lần lượt tiễn chân các con đi xa, Mẹ tôi đã khóc hết nước mắt khiến mắt cụ lòa, không còn thấy đường để đi thăm các con và cụ đã mất rồi!

Khi Mẹ tôi nhắm mắt lìa đời, điều an ủi là có đầy đủ con cháu, em và anh tôi đã được tha. Ông anh tôi lúc ấy  đang trong tình trạng "ruột để ngoài da" nói theo nghĩa đen. Ông đi tù, nhờ một tiếng nổ khiến anh đổ ruột, ruột đứt nhiều khúc nhưng vì lòng súng AK nhân đạo (!) ngắm chim trời "bắn nhầm" vào ch.. của người tù lầm than nên anh thoát chết và được tha về!

Không ngờ ngày tôi trình diện đi tù cũng là lần cuối Mẹ con ở bên nhau, nhưng con thì bực bội giận hờn, Mẹ thì thương con đau lòng nuốt nước mắt.

Nghe tin Mẹ chết, lòng tôi không còn chỗ chứa những nỗi buồn mà hối hận nhiều hơn. Nhớ lại khi có lệnh đi học tập cải tạo một tháng (!), thiên hạ đồn rằng măc bà-ba đen đi dép-lốp thì sớm được về! Thế là cụ tìm mua cho các con, 3 trai, 2 rể mỗi đứa một bộ với tất cả số tiền dành dụm bấy lâu. Thương mẹ nhưng tôi không thể xỏ chân vào đôi dép râu khi vừa mới cởi bỏ đôi giầy trận, tôi vất dép đi là vì vậy.

Con nào cũng có lúc lầm lỗi đối với Mẹ Cha, khi Cha Mẹ còn sống thì khó khăn mở miệng nói câu Xin Lỗi, khi các Người đã đi rồi thì hối hận, hối hận mãi mãi. Nhà tâm lý Vicky Ngô khi còn sinh tiền nói rằng nếu ai ở trong trường hợp đó hãy viết một lá thư  xin tha thứ và đem đốt trước phần mộ của các Người coi như một lời xin lỗi.

 Xin đa tạ lời hướng dẫn của nhà tâm lý, tôi viết "Như nước trong nguồn" nhân ngày của Mẹ, nhưng thực ra chỉ để tự an ủi mình, tự lừa dối cho mình an lòng, Mẹ tôi và tất cả các bà Mẹ Việt Nam khác, lúc nào cũng đã tha thứ cho các con rồi.

Mẹ luôn luôn thương con và hy sinh cho con, bất cứ dân tộc nào, kể cả các sinh vật khác, nhưng ngày nay người Việt sinh sống khắp 5 Châu nên chúng ta có dịp so sánh thì mới thấy "Mẹ Việt Nam" thật là tuyệt vời! Nhất là các bà Mẹ miền Nam lại kiêm nhiệm thêm vai trò "làm Cha" sau 30-4-1975, những bà Mẹ trẻ ở độ tuổi thanh xuân, cái tuổi mà ngày xưa quan tòa Hồ Xuân Hương đã cho phép có quyền bước thêm bước nữa:

"Hay cho con bé Thị Đào, nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai""

Thưa rằng đợi "bố cháu" chứ còn đợi ai nữa, thực tế đã chứng minh điều đó, từ bà Ba đến cô Tư, dì Năm, cô Hồng, Mai, Lan, Trúc, chị Phượng, chị Cúc v.v..  và cả "mai-hom" nữa. Giả sử rằng nhà nước "ta" bắt các bà đi "lao động là vinh quang" để các cha kiêm vai trò làm Mẹ thì chắc gì các con đã có cá mà ăn (xảy cha ăn cơm với cá, xảy Mẹ liếm lá đầu đường) nói chi tới chuyện tìm đường vượt biên để ngày nay sau khi đã được "công thành danh toại" thì các con lại ngại ngùng đến bên Mẹ an ủi khi buồn, bóp chân cho Mẹ khi đau!

Sự yêu thương và hy sinh của Mẹ thì không ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết, nhất là đối với các bà mẹ trẻ lại bị "làm cha" sau ngày mất nước, nhưng nếu không nêu một vài thí dụ cụ thể thì các "cậu cử, cô tú, bà luật, ông đốc v.v.." trưởng thành trên đất Mỹ này sẽ không thể hiểu nổi tại sao mình lại có được tương lai tươi sáng như ngày hôm nay.

Hãy tưởng tượng một phụ nữ ở độ tuổi 30 mà chồng bị chết bất ngờ, bị CS bắt đi cải tạo coi như chết, không có và không còn bất cứ thứ gì ngoài mấy đứa con còn nhỏ dại, các Mẹ trẻ này đã phải chống chọi với muôn vàn vất vả và khó khăn để bảo vệ con, hy sinh tất cả, thắt lưng buộc bụng và buộc.. chính mình để có thể đem được các con vượt trùng dương, đi vào cõi chêt để tìm cái sống trên bến bờ tự do.

 Khi các con được an toàn thì cũng là lúc các Mẹ trẻ đã bước vào tuổi 40, 50, cái tuổi quá trẻ để xin tiền già, mà quá già để đi học lại. Thôi thì tất cả vì con, đề cho con có điều kiện học hành, con đi trường học thì mẹ phải đi "trường đời", Mẹ đi học đại lấy cái văn bằng đại học "C.C MD" để sớm có việc làm, có tiền nuôi con ăn học trở thành những MD, DDS, Ph.D v.v..sau này.

Phục thay, phục thay, nhưng những nhà khoa bảng trí thức tuổi trẻ này có biết cái văn bằng "C.C M.D" nghĩa là gì không" 

Xin lỗi các bà Mẹ đã tốt nghiệp văn bằng "C.C M.D" này, mọi công việc đều đáng quý, tôi không có ý bôi bác, nhưng phải nói thật cho các nhà trí thức này biết cái VINH của các con có được là do cái không VUI mà các Mẹ phải chịu đựng ngày qua ngày.Vui làm sao được khi phải còng lưng với Trời, cúi mặt nhìn đất để cắt móng tay, dũa móng chân cho người! Chỉ vì mong cho con học hành có cái bằng MD mà Mẹ đành cong lưng " Chà Chân Mỹ Đen" (CCMD), mờ mắt cắt chỉ, mỏi gối đạp máy trong xưởng may để "Cắt Chỉ May Đồ" (CCMD)! Cả hai nghề vất vả này đều viết tắt là "C.C MD", là mẹ của những mảnh bằng đích thực MD.

Đừng quên ơn của Mẹ các con ơi, các nhà khoa bảng ơi!

 Với các ông thì.. tuy lúc nào cũng vỗ ngực tự xưng là phái mạnh, nhưng thực ra chúng ta yếu đuối hơn các bà nhiều, không chịu đựng được chay tịnh, vì thế dân gian mới có câu chế diễu rằng:

“Bà ơi, bà chết thì thiệt thân bà, ông tôi sắp sửa dọn nhà rước dâu"

Người phụ nữ Việt Nam vừa là Mẹ vừa là Cha khi ông bố ngao du sơn thủy, Mẹ là đầy tớ cho các con, nhưng đôi khi còn làm "mẹ chồng" nữa kìa.

Trong vở hài kịch của trung tâm âm nhạc nọ, Hồng Đ.. nói với QM:

"Em là vợ, kiêm vai  đầy tớ và còn làm Mẹ của  anh nữa kìa".

Khán giả nữ cười thích thú với câu nói này. Làm vợ để bảo tồn nòi giống là rõ ràng. Làm đầy tớ để "nấu nướng", đi làm, đi chợ, rửa chén, lau nhà, lo tất cả mọi việc trong gia đình cho chồng cho con thì khỏi bàn cãi, và ngày nay ở hải ngoại còn nổi bật vai trò bà nội, bà ngoại làm "bê-bi-sít", chạy theo cháu muốn hụt hơi, bế cháu cụp xương sống, nhưng làm "mẹ chồng", tức mẹ của chồng thì tôi chưa thấy.

Tưởng chuyện đùa cho vui nhưng lại có thật, tôi vừa chứng kiến tận mắt một hình ảnh cảm động, người vợ kiêm thêm vai trò làm người Mẹ của chồng:

Trong buổi gây quỹ giúp TPB của tập thể chiền sĩ vùng TN vào ngày 23-4-06, anh thương binh Võ tường Đông..một tay chống nạng một tay chùi nước mắt khi thấy bạn bè đơn vị cũ thì chị Đông quàng tay qua vai chồng vỗ nhè nhẹ như ru à-ơi:

"Thôi nín đi.. anh, thôi nín đi, đừng khóc nữa, khóc nữa mà làm gì!".

Một hình ảnh đẹp, không chỉ làm người thương binh Đông hạnh phúc mà những phái mạnh khác cũng thích được làm "Con" như thế thay vì bị làm cháu của bà " nội"!

Công ơn sinh dưỡng của người Mẹ dù bất cứ dân tộc nào cũng được nói đến nhiều rồi, 2000 năm trước các con đã ca tụng Mẹ, 2000 năm sau và mãi mãi Mẹ vẫn là tình thương nhưng điều quan trọng và cần thiết là con phải cư xử với Mẹ như thế nào để khỏi phải hối hận về sau.

Người Mỹ họ tính lương của một bà mẹ làm việc ở nhà là $134,121 một năm và những món quà thích nhận được trong ngày "Má" là nữ trang, hoa đủ thứ, đi ăn nhà hàng v.v..Nhưng có lẽ món quà mà các bà Mẹ Việt Nam thích và hạnh phúc vẫn là tiếng thủ thỉ của các con bên tai khi các bà đang lúi húi trong bếp lo bữa cho chồng con:

"Mẹ nấu món này ngon quá, để con phụ với mẹ một tay".

Nói thương Mẹ thì dễ, nhưng làm thế nào để bày tỏ tình thương đó" Hằng ngày trên TV Mỹ có chương trình giáo dục của ông Maury, ông hỏi những cô bé thích mang bầu ở độ tuổi 12, 13 rằng có thương yêu Mẹ không, thì cô nào cũng "Yép" nhưng vẫn nhất định đòi làm Mẹ khiến các bà Mẹ buồn muốn khóc!

Tuy các gia đình Việt Nam trên đất tạm dung chưa Mỹ hóa quá độ như thế nhưng việc thực hành lời nói "con thương yêu Mẹ" vẫn còn hạn chế và có chiều hướng suy giảm! Sợ đến một ngày nào đó lại phải nghe câu ca:

"Mẹ thương con như Trời như bể, con nuôi Mẹ con kể từng ngày!"

Ở Mỹ sẽ không phải kể từng ngày vì Mẹ già đã có SSI và nursing-home!

Sống trong xã hội "thì giờ là tiền bạc", tài sản để lại cho con là ngân hàng, nhà cửa xe cộ, nhưng lại thường quên đi tài sản quý báu là "tình gia đình". Theo các tài liệu nghiên cứu, nếu một em bé được bú mẹ thay vì bú bình trong 6 tháng đến một năm đầu thì sau này đa số các em sẽ mạnh khỏe, thông minh. Nếu được bố mẹ bế bồng, được ngồi ăn cơm chung, chuyện trò cùng gia đình mỗi buổi chiều thì đa số sẽ trở thành những đứa con biết thương yêu cha Mẹ.

Ai mà không biết điều đó, nhưng làm thế nào bây giờ" Mỗi cây một hoa, mỗi nhà một cảnh, lại còn phải tùy vào độ tuổi độ trưởng thành của con mà có sinh hoạt gia đình sao cho ấm cúng. Tôi không dám lạm bàn về chuyện dạy con sao cho lên người mà nhân ngày "Má-đây" xin nhắc tóm tắt những điều thực tế cụ thể mà các cô gái đã lập gia đình thì nên cư xử với Mẹ Việt Nam như thế nào cho Vừa Lòng Mẹ. Những điều này dựa trên lời giảng của các tôn giáo và ngay cả kinh nghiệm qua ba đời, ba thế hệ của từng gia đình "một Mẹ hai con, hai Mẹ một con", nói cho dễ hiểu là sống trong một gia đình gồm có Bà Ngoại, Mẹ và con gái.

Những ai còn Mẹ, còn được mang "bông hồng cài áo" thì thật là hạnh phúc, nhất là những con đã có gia đình, các cô các cậu đã sinh con lại còn được ở chung với Mẹ thì không còn gì hạnh phúc hơn. Các con đã có gia đình thì lại cần lưu ý đến vai trò  của những con dâu và con rể, chắc sẽ có những bất đồng giữa 2 thế hệ, nhưng hãy chứng tỏ mình là người trí thức, trí thức không phải là có bằng cấp cao mà là hiểu biết đạo làm người, đạo làm con. Vì thế dù cho là Mẹ chồng, Mẹ vợ hay Mẹ đẻ thì tất cả đều là Mẹ cả, đã là con thì phải nhớ công sinh công dưỡng.

Bởi vì: "Có nuôi con mới biết lòng cha Mẹ"

Bởi vì: Những ngày Mẹ ở với chúng ta không còn bao lâu nữa đâu!

Hãy làm những gì có thể làm được để Mẹ hài lòng và tránh những điều gì khiến Mẹ ứa nước mắt hầu sau này khi Mẹ đi rồi sẽ không bị hối hận.

- Ngày gần Mẹ là ngắn ngủi.

- Đừng xem Mẹ là gánh nặng, đừng trách Mẹ già là lẩm cẩm.

- Dạy con cái biết kính trọng và yêu thương Bà (nội-ngoại) chính là đầu tư tài sản quý giá cho các con về sau này.

- Đừng LA Mẹ khi Mẹ săn sóc "quý tử" của mình không đúng với tiêu chuẩn của Mỹ. Người Mỹ họ không "bú mớm" cho con như Mẹ Việt Nam đã từng bú mớm cho chính bản thân mình khi xưa. Có lẽ các cô cậu sẽ lắc đầu le lưỡi khi nghe nói một bà Mẹ Việt Nam "mút mũi" cho con, vì sợ chùi bằng khăn mũi con sẽ đau. Không có sữa guigoz, sữa vàng sữa bạc, không có chương trình bê-bi xyz như trên đất Mỹ, Mẹ Việt Nam đã ngồi nhai cơm cho nhiễn để mớm cho con, nuôi con cho khôn lớn và ngày nay con có mũ áo xe cộ nhà cửa xênh-xang thì lại chê Mẹ là nhà quê!

- Đừng chờ tới ngày "Má-đây" (mother day) mới ới Má một tiếng đi ra nhà hàng xì-phút (sea food) để Mẹ chờ xì khói trong 60 phút, hay đưa Mẹ tới nhà hàng "ôn-diu-khen-ít" (all you can eat) mà chẳng ít được cái chi.

- Đừng chờ "Má-đây" mới phôn cho tiệm bán hoa nhờ  một anh "xì" tới thăm  Mẹ với một bó bông và tấm thiệp in sẵn theo tiêu chuẩn "trả nợ quỷ thần".

 Ngày nay trên đất Mỹ tôi thường nghe các bà Mẹ hỏi con: "Hôm nay các con muốn ăn món gì mẹ NẤU cho".. Có nghĩa là mẹ chiều theo ý con, nhưng các con thì lúc nào cũng hỏi ngược lại mẹ:

"Mẹ muốn ăn gì không thì con MUA cho"!

 Đừng bao giờ hỏi một câu vô duyên nhất trong những cái vô duyên như vậy, Mẹ Việt Nam không bao giờ nói thích ăn cái này cái kia, lúc nào và luôn luôn từ chối với lý do rất "Mẹ Việt Nam":

"Thôi, Mẹ không ăn đâu, mua làm gì cho tốn tiền".

Ở với Mẹ mấy chục năm rồi mà không biết Mẹ hợp với khẩu vị gì sao" Một bát bún, tô miến gà, miến lươn tu-gô, một túi nhãn, trái mãng cầu v.v.. Hãy tự động mua về mang tới tận tay, bảo đảm các cụ sẽ cảm động ứa nước mắt, sẽ sống thêm 24 giờ vì tấm lòng của con chứ không vì cái món ăn  đựng trong gói giấy, các cụ không ăn thì con cháu hưởng lộc.

Hãy nói câu: "Để con phụ bếp với Mẹ". Nói xong rồi chạy đi chơi không phụ mẹ cũng được, Mẹ vẫn cười vui vì tiếng nói của con.

Thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe, ít nhất mỗi tuần một lần:

"Mẹ khỏe không" Cẩn thận nhé kẻo bị té, nhớ uống thuốc cho đều v.v.."

Tùy theo trình độ của từng người mà mua tặng Mẹ sách báo, những CD, DVD âm nhạc, cải lương, câu kinh tiếng kệ mà ngày xưa Mẹ yêu thích. Nếu có điều kiện, thỉnh thoảng nên đưa Mẹ đi vãn cảnh chùa chiền, thánh đường, tu viện, thiên nhiên.

Tuổi già sẽ trở lại có những nét dễ thương như hồi còn bé, nên đối với những bà Mẹ cao niên, các con lại cần lưu ý hơn. Nhớ lại khi xưa, mỗi khi lãnh lương xong tôi biếu Mẹ vài đồng để "ăn trầu", Mẹ nói Mẹ không lấy nhưng ánh mắt Mẹ rất vui, rồi cụ cất tiền thật kỹ vào túi áo trong, cài ba bốn cái kim băng. Và rồi ít lâu sau,  khi thấy con trai Mẹ nhăn nhó thiếu tiền mua thuốc hút, cụ gỡ kim gài túi áo lấy tiền mà khi xưa con biếu mẹ, cho lại con, miệng mỉm cười:

 "Tiền đây, cha bố anh".

Và những đồng tiền để dành này, sau ngày 30/4, Mẹ tôi đã đem mua dép-râu cho các con để các con bảo vệ đôi chân trong lao tù.

Ngày nay tại hải ngoại, tuy các bà Mẹ không túng thiếu nhưng hãy biếu Mẹ dăm ba đồng để Mẹ ăn trầu, Mẹ cúng dường, Mẹ đem chia sẻ niềm hạnh phúc với người khốn khó, đó là những viên gạch để xây nhà cho Mẹ trên Thiên Quốc. Đừng lơ là nhiệm vụ làm con khi Mẹ còn sống.

Người viết bài này không còn Mẹ để thăm viếng, không còn Mẹ để phụng dưỡng, chỉ còn có "Mẹ các cháu", nhưng không biết có quà gì giá trị để tặng cho Mẹ các cháu đây"

Thôi thì theo gương các niên trưởng và niên đệ xin tặng Mẹ cháu một món quà rẻ tiền nhưng có thể giúp bảo vệ đôi tay búp măng, đó là cái máy "rửa chén" biết nói và một Rô-bô biết nấu những món ăn vào cuối tuần, dù là phở bò, phở gà, bún thịt nướng, bún bò, bún riêu, bún thang, bún mộc, mì Quảng, cá nướng trui v.v... một mình rôbô này làm hết, còn ăn được hay không là tùy người đối diện./.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,321,068
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.