Hôm nay,  

Chiều Trên Chesapeak Bay

04/05/200800:00:00(Xem: 146189)

Tác giả: Lữ Thành Kiến
Bài số 2289-16208266-vb7030508

Lữ Thành Kiến là tên thật của tác giả Trần Nguyên Đán,  người từng góp nhiều bài đặc biệt và đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2007. Ông hiện là mục sư phụ trách một giáo xứ gồm nhiều tín hữu gốc Việt tại Maryland, nơi vừa làm lễ cung hiến một giáo đường mới xây cất. Trong số những bài viết đã được phổ biến với bút hiệu Trần Nguyên Đán, có chuyện kể về tấm lòng người mẹ, mang tựa đề “Biển Rộng Hai Vai.” Tựa đề này là tên một tuyển tập của Lữ Thành Kiến, sẽ được phát hành vàò tháng Bẩy sắp tới. Bài viết sau đây, một truyện tình yêu của nhà truyền giáo, được trích từ tuyển tập kể trên.

1.
Hai chàng tuổi trẻ độc thân, sống xa gia đình, buổi chiều lễ Memorial lái xe đi Chesapeak Bay chơi. Khê lái, Viễn nhìn qua kiếng xe bằng một cái ống nhòm. Chiều đã xuống trong vịnh, hoàng hôn dát từng mảnh vàng lấp lánh trên biển giống như những mảnh trăng vỡ. Bridge và tunnel nối nhau, xe đang chạy trên mặt biển thỉnh thoảng chui tọt xuống nước, rồi lại trồi lên. Trong cái ống nhòm của Viễn hiện lên hình ảnh những con hải âu đứng chênh vênh trên những cọc rào gỗ đen đủi, lặng lẽ, cô đơn giữa bầu trời và biển rộng.

- Vào trong rest area kia đi, tao muốn chụp hình ảnh những con chim hải âu giữa trời biển bao la này, chắc chắn sẽ là những tấm ảnh tuyệt vời. Viễn nói.
- Chiều quá rồi chắc có lẽ chụp không đẹp đâu. Tao cũng buồn ngủ quá rồi, mà từ đây về đến nhà ít gì cũng 4 tiếng. Khê nói, há to miệng ngáp không cần lấy tay che.
- Chút xíu thôi mà, rồi tao sẽ lái cho mày ngủ.
Khê cho xe chạy vào rest area, trong một khúc quành của cây cầu. Trong parking lot rộng chỉ có một chiếc xe đậu lẻ loi, Khê đậu xe sát bên cạnh chiếc xe ấy, tắt máy, quay lại lấy cái áo jacket để phía sau, và nghe Viễn cười:
- Giờ này còn có em nào yêu biển đến độ đứng trên bãi nhìn ra khơi thế kia, còn yêu biển hơn cả tao.
Khê quay lại nheo mắt nhìn:
- Đề nghị mày chụp cảnh này, coi còn hay hơn cảnh mấy con chim hải âu ...
Viễn đưa máy chụp hình lên, nhưng bóng người trên bãi biển di động làm anh phải di chuyển ống kính theo. Viễn chợt kêu lên:
- Khê, something wrong with ...
Anh nhảy tới ba bốn bước, Khê chưa kịp hiểu gì cũng lao người theo. Từ chỗ đậu xe đến bãi biển lởm chởm đá phải băng qua một cái kè đá cao chắn sóng. Những con hải âu chớn chác bay tán loạn lên. Vượt qua kè đá, bây giờ Khê đã thấy rõ hơn, bóng người trên bãi cát đã đi vào trong biển.
Bằng đôi chân dài, Khê phóng tới trước Viễn.

2.
Tôi là Đông Hải, đứa con gái có cái tên gần giống như con trai, nhưng bản chất yếu đuối hơn cả đứa con gái vốn có. Cha mẹ tôi có ba người con, vì là sĩ quan Hải Quân, yêu biển, ông chọn tên Hải để đặt cho những đứa con của ông, Trung, Nam và Đông Hải, không có kịp đứa nữa để thêm một chữ Bắc, vả lại, ông nói, bố cũng không thích chữ Bắc, nên ba đứa thế cũng là đủ. Ngoài hai anh Nam và Trung của tôi, chỉ có mình tôi là con gái, nên bố mẹ yêu nhiều lắm. Cũng có lẽ vì được yêu chìu nhiều quá, hay là bởi thể chất mảnh mai gầy ốm, tôi yếu đuối từ nhỏ đến lớn. Gia đình sang Mỹ khi tôi mới lên tám, mười hai năm sau khi học năm thứ hai Đại Học, xa nhà, tôi yêu một người bạn trai học cùng trường, hơn tôi hai tuổi. Tôi yêu anh bằng tất cả trái tim của tôi, và chờ ngày ra trường sẽ làm lễ cuới, nếu như không có buổi chiều hôm ấy.

Buổi chiều hôm ấy tôi chợt nảy ra ý định đến phòng anh trong dorm rủ anh đi mua sắm một vài món đồ. Tôi có chìa khóa phòng anh, và vẫn thường đến bất ngờ, không báo trước. Tôi mở cửa bước vào và nhìn thấy ngay hai người đang nằm ôm nhau trên giường, một người chính là anh, và người kia là ... tôi không kịp nhìn mặt người ấy, như có một cơn sóng thần úp chụp lên người tôi, tôi chới với, thảng thốt quay đầu ra cửa và bỏ chạy. Tôi nghe tiếng gọi tên tôi phía sau và tiếng chân phía sau, nhưng tôi chạy băng qua hết mấy dãy ký túc xá, xuống mấy thang lầu, lao vào xe, như trong một cơn ác mộng, tôi phóng xe đi, không biết mình đi đâu cho đến khi nhận ra mình đang lái qua cầu Chesapeak, nơi chúng tôi vẫn thường đến. Tôi cũng yêu biển giống như cha tôi vậy. Chúng tôi thường đứng bên nhau hàng giờ trên bãi biển, nói cho nhau nghe những dự tính, những ước vọng, tất cả đẹp như mầu biển xanh và bầu trời xanh, gợn những con sóng trắng lăn tăn vỗ vào ghềnh đá.

Nhưng biển chiều hôm ấy với tôi là một hình ảnh khủng khiếp, trái tim tôi đang tan vỡ, và tâm hồn yếu đuối của tôi dường như không thể chấp nhận điều vừa nhìn thấy. Tôi đứng trước biển, nhìn ra khơi xa, gió thổi tóc tôi bay rối tung trên mặt, những con sóng bạc đầu chấp chới và tiếng hải âu kêu áo não trên kè đá. Nước mắt tôi cứ tiếp tục trào ra ướt cả áo. Và bước chân tôi đi vô định vào những con sóng.
. . .
3.
Những ngày rất lâu sau đó, Viễn thường tránh mặt Khê. Anh cũng không đi nhà thờ chung với Khê nữa, anh tìm một nhà thờ khác, khá xa chỗ cũ để đi. Có một lần, gọi hoài không được, Khê muợn một chiếc xe khác lái đến nhà bạn, đậu ở ngoài đường bật ghế ngã ra phía sau, nằm đó chờ đợi. Tám giờ tối Viễn về, lái xe vào drive way, vừa mở cửa ra, Khê đứng trước mặt:
- Viễn, đừng tránh mặt nữa, tao muốn nói chuyện với mày.
- Vào nhà đi, Viễn uể oải nói.
Hai người bạn ngồi đối diện nhau qua cái bàn vuông:
- Không có lý do nào để mày phải làm vậy. Mình chơi với nhau cả mười năm nay rồi, hiểu nhau quá rồi, có gì cứ nói. Khê nói.
- Nói đi, tao cũng muốn nói hôm nay.
- Tại sao mày tránh mặt tao, tao có làm gì sai với mày"
- Mày không có làm gì sai cả. Tao sai ...
- ... cái gì"
- Tao yêu Đông Hải, mà Đông Hải yêu mày. Tao không chịu đựng được điều đó ..., tao phải đi.
Viễn đứng dậy, Khê cũng đứng dậy:
- Mày đi đâu, mày không phải đi đâu cả. Thật buồn cười, chỉ có vậy thôi sao"
Khê gằn giọng:
- Mày sai quá sai. Tao đã nói với mày là tao không yêu Đông Hải.
- Nhưng cô ấy yêu mày. Bản chất của Đông Hải vốn yếu đuối, một lần suýt chết trên bãi biển Chesapeak cũng vì tình yêu. Đông Hải đáng thương, hãy cho cô ấy một cơ hội.
Khê cười khẽ:
- Không ai có thể bắt buộc trái tim của mình yêu điều mà nó không thể yêu.
- Mày có thật sự không yêu Đông Hải không" Viễn nhìn Khê bằng đôi mắt dò xét.
Khê nhún vai:
- Mày yêu rồi mày tưởng ai cũng yêu giống mày hay sao. Tao đã nói là không. Thật ra...
Khê đi một vòng qua bên kia bàn. Viễn im lặng chờ đợi:
- Tao nghĩ rằng Đông Hải cũng không yêu gì tao. Cô ấy chỉ muốn nắm lấy tao như một cái phao để quên đi nỗi đau vừa qua.
Khê đứng trước mặt bạn, hai tay nắm hai vai bạn:
- Tao khuyên mày hãy bình tĩnh chờ đợi. Khi cơn sốc đầu đời đã qua, tao tin là Đông Hải sẽ lấy lại thăng bằng và sẽ nhận ra điều gì để làm.
- Về phần tao, đừng lo tao sẽ là một chướng ngại cho mày. Tao không phải là chướng ngại của mày. Tin tao đi. Khê nói và quay mặt đi.

4.
Một buổi chiều nữa trên Chesapeak Bay.
Viễn và Đông Hải.

Những con sóng bạc đầu đánh vào vách đá. Những con chim hải âu đứng chênh vênh trên những cọc gỗ nhọn ngước mắt nhìn bầu trời xám và chuẩn bị bay. Bay đi đâu những cánh chim biển hiền lành"
Đông Hải đứng nép sát người vào Viễn:
- Em lạnh hả. Viễn hỏi.
- Không, em chỉ chợt nhớ lại ...
- Đừng nhớ lại hình ảnh cũ nữa em ạ. Cái gì đã qua thì hãy để cho nó qua. Hãy sống với những cái gì trước mặt và nghĩ về tương lai.
- Chỉ còn nửa tháng nữa. Đông Hải nói.
- Phải, chỉ còn nửa tháng nữa, mọi sự đã sẵn sàng hết rồi. Anh chỉ hơi lo ...
Đông Hải đưa đôi mắt tròn nhìn Viễn dò hỏi:
- Không biết là Khê nó có trở về kịp đám cưới của chúng mình hay không. Ngày hôm kia nó điện thoại cho anh và bảo rằng hãy còn một vài công tác chưa hoàn tất, dù vậy nó sẽ hết sức cố gắng.
- Namibia là cái xứ sở nào vậy anh, có xa xôi quá không"
- Anh cũng chỉ nhìn thấy nó trên bản đồ thôi chứ chưa bao giờ đến, đó là một quốc gia Phi Châu nghèo rất cần sự giúp đỡ, nhất là nhu cầu truyền giáo, có lẽ vì vậy mà Khê đã tình nguyện ra đi.

Viễn chợt ngưng lại ở đó. Có đúng như vậy không, có phải đó là lý do chính mà mày tình nguyện ra đi sau khi ra trường không Khê. Tao mơ hồ là không phải, dù rằng ngày ra đi mày đã đứng trên bục giảng từ giã Hội Thánh với nụ cười và hy vọng ngày về. Tao muốn hỏi mày kỹ hơn nhưng ngay sau đó mày đã hòa lẫn vào đám đông và biến mất. Vả lại, nói cho cùng, có lẽ cũng là bởi vì tao còn đang bận rộn quá với Đông Hải bên cạnh lúc đó. Mày ra đi, và trong một vài năm, chỉ trao đổi với nhau những cái email thông báo tin tức, tránh né tất cả những câu hỏi riêng tư đến cuộc đời nhau. Tao mơ hồ biết rằng có một cái gì đó ...

Bên cạnh Viễn, Đông Hải đang cúi mặt nhìn những dấu chân trên cát. Dù bảo rằng nên quên, nhưng cô không thể quên. Khi Khê và Viễn đồng loạt lao xuống biển để vớt cô lên buổi chiều hôm ấy, chính Khê đã ôm chặt cô trong vòng tay anh, bước từ lòng biển lên bờ, từ bờ đặt vào chiếc xe của anh, và khi cô tỉnh lại trong bệnh viện, khuôn mặt đầu tiên cúi xuống bên cạnh giường với vẻ ân cần hỏi han đó chính là Khê, khuôn mặt mà ngay trong lúc ấy đã gây một ấn tượng và một xúc cảm mạnh mẽ cho một cô gái mỏng manh yếu đuối chưa kịp ra khỏi nỗi thất vọng đau đớn của một câu chuyện tình yêu vừa bị đánh dập vùi tàn nhẫn.

5.
Tiếng chuông điện thoại reng khi Đông Hải đang bận tay trong bếp, cô lau tay vào tạp dề trước bụng bước lại nhấc điện thoại:
- Anh ..
Tiếng Viễn vui vẻ trong máy:
- Anh có chuyện cần nhờ em ...
- Chuyện gì vậy anh"


- Hôm nay Khê về đến phi trường lúc 12 giờ, anh có hẹn đón nó, nhưng phút cuối bị kẹt việc ở sở rồi. Em có thể ra phi trường đón giúp Khê được không"
Ngần ngại một chút, dường như trái tim hơi bị trở ngại một chút:
- Em ...., cũng được, nhưng mà anh không thể nào thu xếp được sao"
- Kẹt thật em ạ. Sau 2 giờ chiều mới xong, em đón Khê về thả đằng chỗ anh, 2 giờ anh về gặp nó.
Đông Hải khẽ cười:
- Bây giờ người ta đã là một ông giáo sĩ rồi mà anh vẫn cứ nó với mày với tao hoài ...
Viễn cười to trong máy:
- Nó có là cái ông gì thì nó vẫn là thằng bạn thân của anh mà, có khác gì đâu.

Đặt điện thoại xuống, Đông Hải nhìn đồng hồ, gần 11 giờ. Phải nhanh lên chứ, hôm nay Khê về, đúng lời hẹn, thu xếp cho bằng được công tác bề bộn ở Namibia về dự đám cưới của Đông Hải và Viễn. Nhiều năm nay từ khi ra đi Khê chỉ liên lạc với Viễn và hỏi thăm Đông Hải qua Viễn, mà không hề viết cho Đông Hải một lời riêng tư nào. Nhiều khi Đông Hải thầm trách anh, nhiều khi trái tim của cô chùng xuống khi nghe tin tức khó khăn từ vùng đất truyền giáo ấy, nhiều khi ánh mắt cô không dấu nổi niềm vui khi nghe Viễn kể về những chuyến truyền giáo thành công của Khê.

Nhiều khi, Đông Hải có cảm giác là Khê chạy trốn. Nhiều khi, cô muốn gặp anh một lần để hỏi một lần. Nhiều khi cô muốn nhìn lại khuôn mặt chữ điền cương nghị và nụ cười nửa miệng rất dễ thương của Khê, nhiều khi ao ước nắm bàn tay Khê một lần, nhìn sâu vào đôi mắt đen thăm thẳm của anh, nhiều khi ... Lắc đầu lắc đầu, lý trí cô kêu gọi: mình không được quyền suy nghĩ gì nữa, mình sắp lấy chồng, anh Viễn yêu mình, và nhất là Chúa, Chúa không chấp nhận việc ấy. Hãy quên đi hết, hãy xem anh là bạn, một người bạn thân yêu nhất. Hãy quên ...

Đông Hải thấy mình bước hụt một nhịp khi bước lên các bậc thang, cô thấy bàn tay mình run rẩy khi cầm vội những món đồ trang điểm, kẻ vội lại đôi mắt, tô vội lại vành môi, chải vội lại mái tóc, ướm vội thử một vài cái áo. Nhanh lên, trái tim cô thầm nói.

6.
Khê mở cửa xe, chiếc xe truck cũ kỹ bụi đời mà Hội Truyền Giáo cung cấp cho anh, vói tay lấy cái giá vẽ rất ít khi dùng đến từ khi di chuyển đến đây, cái túi đựng bút và bột màu, nheo mắt nhìn dòng sông hẹp đang trải mình dưới nắng. Một ngày đẹp, một ngày rảnh rỗi, một ngày cho hội họa, cho niềm đam mê đã nằm yên, rất yên lặng, trong tâm hồn từ rất lâu, cơ hồ rong rêu đã bám lấy, phủ kín, bỗng một hôm rũ mình thức dậy thoát ra khỏi lớp rêu dày kín, lấy tay che miệng ngáp, và ngạc nhiên nhìn ra ngoài trời, thấy thế giới vẫn rất đẹp và kỳ diệu. Phải làm một cái gì, Khê háo hức choàng dậy, lái xe đến dòng sông này, biết được nhân một buổi retreat với các Mục sư bản xứ. Dòng sông dường như không chảy, trôi lờ đờ như một mảnh lụa trắng ai lười biếng vắt ngang mặt đất, hai bờ sông đặc kịt những lau lách và hoa dại, thứ hoa mầu xanh thẫm đặc biệt của quốc gia Phi Châu bé nhỏ này, thường ngày ít thấy ai lui tới, vì nó nằm khuất trong một khu rừng thưa.

Khê dựng giá vẽ và bắt đầu vẽ. Khởi đầu là dòng sông, cỏ cây, rồi mầu trời, và thỉnh thoảng một vài cánh chim bay lên từ trong đám lau sậy. Khi dòng sông bắt đầu chảy lượn lờ dưới bàn tay, trí óc Khê đi xa hơn, và dường như có một vài con sóng nhẩy lên, trắng bạc đầu trong trí nhớ anh, những cánh chim nhỏ chợt hóa thành những cánh chim hải âu trên những cọc gỗ nhọn. A, nó đây rồi, cái hình ảnh mà Khê đã cố tình vùi nó thật sâu dưới những ngăn tủ của ký ức, bỗng trỗi dậy một cách nồng nàn, thơm tho, mềm mại như chưa bao giờ quên, và rồi cây cọ nguệch ngoạc vài nét chấm phá mới, không chỉ là cảnh vật nữa, mà là người, một cô gái, mảnh mai như một cành liễu, mái tóc dài như một thảm cỏ xanh, mong manh dễ gẫy truớc mặt biển xanh cồn sóng. Bàn tay anh vẽ theo ký ức anh dẫn dắt, trên khung vải bây giờ hiện lên hình ảnh một góc biển chiều hoang vắng, chính là Chesapeak Bay, buổi chiều định mệnh đó ... Khê nhớ lại đôi mắt cô gái khi mở ra sau cơn mê trong bệnh viện, ánh nhìn hoang vắng của cô, như nhìn vào một cõi xa vời nào đó. Đôi mắt đã theo anh suốt những ngày tháng sau đó, và rồi trở nên nồng nàn, tha thiết trong những lần gặp gỡ, dần dần trở nên quen thuộc, gần gũi, thương yêu. Đôi mắt hiện ra trên nền vải, như đang mỉm cười, và Khê chợt thấy đau nhói trong trái tim, như có một cái gì đó bóp thắt lại.

Khê buông cây cọ xuống cỏ. Trí óc anh trở về với hiện tại. Ngày mốt anh sẽ đáp máy bay về lại Mỹ để dự đám cưới của Viễn và Đông Hải. Phải mất nhiều ngày cầu nguyện và suy nghĩ để đi đến quyết định đó. Mình không thể chạy trốn mãi. Phải đối diện một lần, thà như vậy mà rồi dễ nguôi ngoai hơn, thà như vậy, thà như vậy...

7.
Nhà truyền giáo trẻ tuổi dừng lại phía trên thang máy nhìn xuống đám đông lố nhố chờ đợi phía dưới, trái tim anh rung động nhẹ nhàng. Mình đã trở về, vùng đất thân quen nơi đã nuôi anh những ngày vui tuổi trẻ, những ngày vui hầu việc Chúa với Hội Thánh nhà nhỏ bé, tình bạn thân thiết với Viễn, và một ... mối tình vẫn còn tìm cách để lãng quên.   

Bước xuống phía dưới anh sẽ lại gặp Viễn, vui biết bao, sẽ tạm quên đi những công tác khó khăn đã và sẽ còn tiếp tục làm, sẽ có một vài ngày thong thả với bạn, đi đây đó chụp hình, ăn uống, chuyện trò tâm sự cho bõ những ngày tháng xa cách, trước khi Viễn từ giã đời sống độc thân. Trong một email gần đây nhất, Viễn viết: tao nói cái này hơi sớm, nhưng nhân tiện nói luôn, nếu sau này tụi tao có con, đứa con trai đầu lòng sẽ xin phép đặt tên mày, Khê, với rất nhiều lý do. Nghĩ sao trả lời cho tao biết. Khê không trả lời, định gặp bạn sẽ nói luôn.

Chợt ánh mắt Khê dừng lại nơi một cô gái đang đứng ngay dưới chân cầu thang. Ánh mắt anh tối lại, chính là Đông Hải, Viễn đâu, tại sao lại là Đông Hải" Anh nhìn ra xa hơn, nhìn hết một vòng. Không có Viễn. Cô gái cũng nhìn lên, và hai ánh mắt chạm nhau. Đây là đoạn khó đóng nhất, vì người ta không đóng bằng lời nói và những động tác, mà chỉ bằng đôi mắt. Những giây phút như ngừng lại.

Đông Hải quýnh quíu bước tới sát bên thang máy, cô quên mất đó là cái thang máy để xuống chứ không phải để lên. Cô đã tự nhủ là phải bình tĩnh, nhưng cô không thể bình tĩnh. Hai tay cô dang rộng như để ôm ngay vào lòng một hình bóng yêu thương nhiều năm xa cách. Có nên không" Đông Hải bước tới, rồi thấy lộ liễu quá, cô lùi lại, như để trốn, nấp, hãy đứng yên chờ anh ấy bước xuống. Không, mình phải bước lên, để cho anh ấy biết rằng mình đã mong đợi cái giây phút gặp lại này bao nhiêu, dù chẳng để làm gì cả. Dù chỉ một lần, rồi ai lại đi con đường của người nấy.

Khê đưa mắt nhìn ra xa hơn. Anh cố gắng làm cho cận cảnh nhòa đi, hình ảnh Đông Hải phía trước nhòa đi, để nhìn thấy Viễn, cái dáng khòm lại nhẫn nhục của bạn khi Viễn bước vào nhà lần đối thoại nghiêm trọng sau cùng. Lần đó Khê đã tự nhủ rằng: nếu một trong hai thằng có một đứa phải ra đi, thì đó là tao, chứ không phải mày, Viễn ơi, tao sẽ là người ra đi, mà mày sẽ không bao giờ biết gì cả, mày vẫn tin rằng tao không hề yêu Đông Hải. Và mày sẽ hạnh phúc với tình yêu đó.

Nhưng cái cận cảnh một lần nữa hiện ra, là rõ ràng, là sự thật, không phải là giấc mơ cố gắng chối từ trong nhiều năm. Cô gái mảnh như một chiếc lá, như một cọng lan rừng mỏng manh, cô hấp tấp bước tới không tự chủ được mình, rồi cô bẽn lẽn lùi lại, hai tay đưa ra, rồi buông xuống, đôi mắt lóe lên tia sáng mừng rỡ không thể che giấu. Cái dáng hình ấy, đôi mắt ấy, nụ cười ấy ..., mà Khê biết rằng mình không thể nào bước xuống, cười xã giao, nói vài câu thăm hỏi. Không, Khê biết rằng nếu bước xuống ngay lúc đó anh sẽ làm một cái gì đó khác hơn, thân thiết hơn, ngọt ngào hơn. Một vòng tay ôm, một nụ hôn trên tóc. Có nên không" Trái tim bảo chạy xuống. Khối óc bảo đứng lại. Không, không và không. Làm sao" Ai có thể ngăn được một con sóng lớn khi nó đang tràn qua bãi với một tốc độ kinh hồn. Nhà truyền giáo cũng là một con người. Đây là giây phút kết thúc. Nếu ... Nhà truyền giáo đứng bất động trên thang máy.

Cả hai không hề biết rằng có một ánh mắt thứ ba đã theo dõi rất sát từng chi tiết cảnh tượng trước mắt. Viễn đứng lẫn vào bên trong những quán ăn trước khu vực chờ đợi, đến sớm hơn hết, nấp rất kỹ. Anh không biết mình làm thế để làm gì. Không nghi ngờ người vợ tương lai, không nghi ngờ bạn. Anh chỉ cảm thấy rằng mình cần biết một điều, để làm gì anh cũng không biết, anh chỉ làm theo bản năng thôi thúc. Anh muốn nhìn thấy một vẻ đẹp, dù có là một vẻ đẹp đầy thương tích và có thể làm thương tổn sâu sắc trái tim.

Viễn nhìn thấy Đông Hải bước tới, và lùi lại, Viễn nhìn thấy Khê đứng bất động trên thang máy. Nhưng Viễn không thể nhìn thấy ánh mắt của cả hai.
Vở kịch không có một lời nào cả. Vở kịch câm.

8.
Có những điều người ta không thể chỉ nhìn thấy bên ngoài. Người ta phải nhìn thấy một cái gì đó bên trong. Đúng hay sai không cần thiết. Cuộc sống không phải chỉ có đúng và sai, nó còn là một cái gì khác nữa.

Đôi khi hãy nhìn bằng đôi mắt cảm thông, dù không thể hiểu. Đôi khi, có những điều mà mình không thể hiểu được, nhất là những vẻ đẹp.
Cũng không cần hiểu. Không phải tất cả mọi sự trên đời này đều phải hiểu rõ. Nhiều khi hiểu rồi thì nó lại không còn đẹp nữa.

Và nhiều năm sau đó, khi đã tay bồng tay bế, khi có một lần nào trở lại Chesapeak Bay, đứng trước biển chiều, chỉ để bâng khuâng nhớ lại một giấc mộng đẹp đã thật sự qua rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,229,771
Nhạc sĩ Cung Tiến