Hôm nay,  

Đưa Em Đi Hết Miền Texas

26/04/200800:00:00(Xem: 215152)

Tác giả: Nguyễn Thị Huế Xưa

Bài số 2283-16208260-vb7260408

Nguyễn Thị Huế Xưa đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2006. Cô hiện là cư dân Austin, Texas, y tá trưởng trong một bệnh viện thành phố. Bài viết của cô thường  đề cập tới những mảnh đời khác thường trong khung cảnh bệnh viện nơi cô  làm việc: Một nhân vật cựu biệt kích gốc Việt tàn tạ; Những nạn nhân chạy bão Katrina... Sau đây là câu chuyện “hậu 30 tháng Tư” của một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam.

Sáng chủ nhật trong góc bàn nhỏ của qúan Starbucks, người đàn ông ngồi che mặt sau tờ báo nhằng nhịt hình quảng cáo, trên bàn ly café đen nằm bất động vì chưa bao giờ thấy ông ta nhất ly lên uống. Có một cái gì hơi quen thuộc từ người đàn ông làm tôi thắc mắc, chỉ nghĩ vậy thôi rồi tôi lại tự cho mình là lẩm cẩm vì rằng chưa thấy mặt người đàn ông đó thì làm sao quen được. Khi đi ngang qua bàn của ông ta ngồi, cái xách tay đi tập gym của tôi vướng vào góc bàn làm ly café lung lay đổ. Tôi vội vàng đưa tay chụp lại, người đàn ông bỏ tờ báo xuống, tôi hoảng hốt nhìn ông ta rồi buột miệng:

- Hello "anh" Joe!

Người đàn ông cũng bỡ ngỡ chào:

- Hello "cưng."

Câu chào hỏi thân mật của người đàn ông người ngoại quốc làm tôi bật cười. Ông kéo ghế mời tôi ngồi và tôi hỏi ông:

- Cô Mailan lúc này ra sao hả anh Joe"

Joe nhìn tôi buồn bã:

- Mailan không được khoẻ cưng à. Có lẽ Mailan cần thật nhiều "A Di Đà" may ra mới thoát nạn.

Câu trả lời bằng Anh ngữ chen lẫn tiếng Việt Nam làm tôi quan tâm đến Mailan, người vợ của ông Joe. Tôi tình cờ gặp vợ chồng ông Joe cách đây hơn sáu tháng khi cô Mailan nằm trong bệnh viện nơi tôi làm việc. Tôi nhớ ngày đầu tịên khi gặp cô Mailan, nhìn người đàn bà có nước da màu nâu mượt mà và mái tóc nhuộm hung vàng, tôi cứ nghĩ cô ta người Hawaii. Sau khi chào hỏi qua loa, cô Mailan nhận ra bảng tên của tôi và la lên:

- Trời ơi cưng người Việt Nam hả" Cô ghiền nói tiếng Việt qúa xá, mà cưng có nói tiếng Việt được nhiều không, có ăn được nứơc mắm không"

Sự vồn vả của cô Mailan làm cho tôi thấy cảm mến cô ngay từ giây phút đầu,và lúc đó mới biết cô tên là Mai Lan nhưng cô ghép tên lại để tiện phát âm. Khi nghe tôi nói chuyện lưu loát, cô bắt tôi hứa là sẽ trở lại thăm cô khi rảnh. Cô Mailan giới thiệu với tôi ông Joe, người đàn ông có khuôn mặt và đôi mắt xanh của tài tử Paul Newman. Thật sự tôi chỉ nhìn thấy chỉ một con mắt xanh buồn của ông Joe thôi còn con mắt bên trái thì ông ta đeo một miếng vải tròn che lại. Ông Joe bắt chước vợ hồn nhiên gọi tôi là "cưng'và tôi vì phép lịch sự với cô Mailan cho nên cũng gọi ông Joe bằng "anh" tuy rằng chúng tôi đối thoại với nhau bằng Anh ngữ nhưng lại chêm vào những từ ngữ xưng hô cung cách của người Việt Nam.

Vài hôm sau khi tôi trở lại thì cô Mailan dường như hôn mê vì uống thuốc chống lại cơn đau từ xương tủy, ông Joe thì đang loay hoay mở băng nhạc CD, điệu nhạc Waltz rộn ràng trong lúc cô Mailan còn hôn mê khiến tôi nhìn ông thắc mắc.

When we dance together my world's in disguise

It's a fairyland tale that's come true

When you look at me girl with those stars in your eyes

I could waltz across Texas with you

Ông Joe giải thích là cô Mailan rất thích loại nhạc cao bồi và điệu nhảy miền quê của vùng Texas. Trong lúc cô hôn mê ông nghĩ là âm thanh quen thuộc của điệu nhạc sẽ làm cho cô Mailan mau tỉnh lại không chừng. Ông Joe nói xong rồi rươm rướm nước mắt và câu chuyện ông kể lại cho tôi nghe làm tôi xúc động.

Sự gắn bó của hai vợ chồng ông Joe bắt đầu bằng một chuyện tình tay ba. Ngày xưa ông Joe đi lính ở Việt Nam, khi đóng quân ở miền tây ông và một người bạn quân ngũ tên Jeremy cùng thương một cô gái ở quán cafe trong tỉnh đó là cô Mailan. Ông Joe và Jeremy là hai người bạn rất thân từ khi còn học trung học, cả hai cùng đi lính và hy hữu là được ở cùng một đơn vị khi đổi qua Việt Nam. Mặc dù thương cô Mailan nhưng cả ông Joe và Jeremy không hề nói cho nhau biết tình cảm của mình. Ngày quân lực mỹ vội vàng rút quân ra khỏi Việt Nam, Joe và Jeremy đều trở về Texas và sau đó được giải ngũ. Tình cảm dành cho cô Mailan tưởng như đã để lại sau lưng với sự điêu tàn của cuộc chiến, không ngờ chỉ vài tháng sau thì Jeremy ngã bệnh, một loại ung thư liên quan tới những hạch máu (lymphoma). Chính lúc này Jeremy thú nhận với ông Joe là cô Mailan đang mang thai và ông ta đang làm giấy tờ để đưa cô Mailan qua Mỹ. Ngày Jeremy hấp hối, ông ta yêu cầu ông Joe nhận trách nhiệm là sẽ lo cho cô Mailan vẹn toàn. Bênh cạnh giường bệnh của người bạn đồng hành,đồng chí hướng ông Joe bùi ngùi nhận lời hứa.

Sự thay đổi sau cuộc chiến tạo nên nhiều trắc trở trong việc liên lạc với cô Mailan, khó khăn hơn nửa là cô ta ở tận miền tây. Sau nhiều năm tìm kiếm và miệt mài lo giấy tờ với ý định đem cả cô Mailan và đứa con ra khỏi nước, cuối cùng côMailan ra đi một mình, đứa con nhỏ lúc đó saú tuổi không đi cùng vì lý do rất giản dị, khi sanh xong bà mẹ của Mailan vì sợ hàng xóm dị nghị nên nhận đứa cháu ngoại là con. Theo pháp lý cô Mailan và đứa bé không có gì ràng buộc ngoài trừ tình "chị em". Tôi còn nhớ ông Joe kể tới đây thì dường như có một cái gì khúc mắc nên ông lắc đầu nói như thầm thì với chính ông:

- Phải chi đứa be... suông sẻ thì hai mẹ con hủ hỉ với nhau. Có lẽ trời phật chưa phù trợ nên Mailan mới khổ sở như thế này.

Tôi bất chợt nghĩ là đứa bé đã mất nhưng ông Joe dường như đoán được ý nghĩ của tôi, ông nói tiếp:

- Chiến tranh tàn bạo lắm cưng à. Jeremy chết vì bệnh ung thư hạch máu, đứa con của Jeremy rất khôi ngô, thằng bé giống hệt như ba nó nhưng khi nó mười tuổi thì mới biết là thằng bé không có trí khôn của những đứa bé cùng lứa tuổi. Năm nay thì nó đã hơn ba mươi tuổi rồi và vẫn ngu ngơ sống với bà ngoại của nó ở Việt Nam.

Tôi thắc mắc:

- Nhưng sao lại dính líu tới chiến tranh"

Ông Joe từ tốn giải thích:

- Cưng phải biết, ngày trước tôi và Jeremy ở trong lực lượng hải quân Sông Ngòi, khi chiến dịch rải thuốc khai hoang dọc theo dòng sông miệt đó có lẽ chúng tôi đã hửi mùi thuốc qúa nhiều, đã ăn những sản phẩm nhiễm chất độc đó nên chi Jeremy mới bị ung thư hạch máu và bị ảnh hưởng đến thằng bé con mới bị chậm trí. Chắc lúc đó cưng còn nhỏ nên không để ý tới thời cuộc,nhưng gần đây tin tức tài liệu vể dữ kiện này được đăng khắp nơi.

Sau khi nghe ông Joe giải thích tôi nhớ ngay tới một cuộc phỏng vấn trên chương trình 20/20 với bà Barbara Walter cách đây khá lâu. Cuộc phỏng vấn về gia đình tướng Zumwalt, người đồ đốc hải quân đã ra lệnh rải thuốc khai hoang dọc theo những nhánh sông Cửu Long ,và dọc theo biên giới Cao Miên năm 1968 để phá đi những khu rừng rậm nơi cộng sản núp trốn và rình rập bắn tấn công những con thuyền đi tuần trên sông ngòi. Người con trai cả của đồ đốc Zumwalt, Elmo Zumwalt 3rd lúc đó cũng ở vào lực lượng hải quân ở Việt Nam, anh có nhiệm vụ đi tuần dọc theo những con sông nơi bị rải thuốc khai hoang. Sau khi trở về nước, một năm sau anh ta khám phá ra là bị ung thư của những hạch máu (lymphoma) và chứng bệnh rất độc của bạch huyết cầu (Hodgkin's disease). Đau đớn hơn nữa là đứa con của anh, Elmo Zumwalt 4th thì mắc phải chứng bệnh chậm trể thần kinh (Mental Retardation). Cũng trong thời gian này, báo chí đã nêu lên những dự kiện cấu kết từ thuốc khai hoang (Agent Orange) và những đứa con của những người cựu chiến binh từ Việt Nam, con của họ đã sinh ra với hình hài không được bình thường (birth defects).

- Khi nghe tôi đề cập tới câu chuyện của gia đình đồ đốc Zumwalt, ông Joe cay đắng:

- Tôi cảm thấy thương xót cho người con của ông ta, nhưng dù sao họ có thế lực, oai quyền nên họ có đủ điều kiện chửa trị trong khi những người như chúng tôi thì đành chịu chết hoặc đui mù thôi.

Tôi giật mình, nhìn lên khuôn mặt khả ái, đẹp trai của ông Joe với một con mắt với miếng vải che lại một bên. Tôi không dám hỏi nhưng ông Joe đã trả lời:

- Tôi nói với cưng rồi, chiến tranh dã man ghê lắm, chiến tranh và sự chết chóc qúa gần trong đời sống làm con người đâm ra ngông cuồng. Một thằng bạn đồng đội sau khi chứng kiến nhiều cái chết trước mắt trong một ngày nổi cơn điên hốt thuốc khai hoang và liệng tung khắp bầu trời, tôi đứng gần lảnh đủ, may là chỉ đui có một bên. Không biết những gì đã xảy ra trong cuộc đời của nó vì khi nổi cơn điên lên nó còn hăm dọa là sẽ uống luôn thuốc khai hoang để ..thử thách với đời.

Câu chuyện của ông Joe là trong những mẫu chuyện đớn đau cay đắng mà tôi đã từng nghe, từng chứng kiến khi có dịp tiếp xúc với những cựu chiến binh Hoa Kỳ. Sau cuộc chiến đời sống của họ bổng dưng bị đảo lộn, họ tiếp tục bị ám ảnh bởi những bom đạn, những cơn ác mộng dai dẳng và sự căm hận về cuộc chiến không lối thóat. Phần nhiều đời sống của họ không còn bình thường như trước. Họ trở về nước sống nhờ thuốc an thần mà những loại thuốc này không thể mang lại sự bình an cho họ,trái lại họ còn bị hổn loạn tinh thần hơn. Tôi đã từng thấy những cựu chiến binh sống bên lề đường xin ăn, đời sống càng ngày càng đi vào ngõ tối vì khi lảnh tiền trợ cấp hàng tháng ra họ chỉ biết dùng tiền mua rượu ,uống cho say sưa quên đời rồi sau đó quên đi sự nhục nhã ngửa tay xin từng đồng.

 Ông Joe kể cho tôi nghe về những tối nằm trên bong tàu nhìn những đóm hoả châu sáng ngập bầu trời, đợi chờ những biến cố bất thường xảy đến như sự pháo kích bất ngờ của cộng qụân, nếu bị bắn thì tất cả sẽ nhảy xuồng nước tránh nạn. Ông còn nói thêm tầng phía dưới của chiếc tàu là nơi dễ bị nhắm nhất vì đó rất vừa tầm tay súng của kẻ thù. Nghe ông kể tôi ngậm ngùi nhớ đến những người cựu chiến binh đã tình cờ đến trong cuộc đời tôi như ông Rọm, người cựu biệt kích dù, như một Kevin Ngô người thuơng phế binh ngoại quốc khi lập gia đình đổi theo họ của vợ. Tình cảm tôi dành cho những cựu chiến binh chất chứa trong lòng vì ba tôi cũng là từng là một chiến sĩ hiên ngang xông pha ngoài trận tuyến, khi đến nước Mỹ không lâu thì ông chết vì bệnh tim, tôi luôn luôn nghĩ ba tôi mất vì bệnh đau tim theo lẫn nghĩa đen và nghĩa bóng.

Ông Joe luôn túc trực bên cô Mailan, tiếng nhạc miền quê Texas tiếp tục điệu Waltz vui tươi. Mỗi ngày tôi đi ngang phòng cô Mailan thì tôi nhớ thêm được một khúc hát:

Waltz across Texas with you in my arms

Waltz across Texas with you

Like a storybook ending I'm lost in your charms

And I could waltz across Texas with you

Khi nghe tôi thầm thì hát theo điệu nhạc, ông Joe nói với tôi rằng rất tiếc tôi không gặp được cô Mailan khi cô khoẻ mạnh vì cô lúc nào cũng lạc quan, yêu đời. Ông cho biết tình ông đối với cô Mailan nặng lắm, khi cô Mailan đến đất Mỹ, hai vợ chồng ông rất nghèo. Ngày giã từ quân ngũ trở về ông không có bằng cấp địa vị, ông ăn tiền trợ cấp của cựu quân nhân và tài trợ cho người tàn tật vì ông bị mù một bên mắt. Cuộc đời của ông gắn bó với những bất hạnh, chỉ vài tháng sau khi cô Mailan đến thì ông bị đứt mạch máu não, và bị liệt một bên người. Cô Mailan mặc dù ngôn ngữ còn bất đồng nhưng một mình tháo vát lo cho ông rất chu đáo. Ông nhớ hoài sự tận tụy lo lắng của cô Mailan vào lúc ban ngàylo thuốc men và phụ ông tập thể dục (rehabilitation), rồi tối đến hình dáng nhẫn nhục của cô Mailan ngồi bên chiếc máy may may từng mảnh áo, thưở đó cô Mailan lảnh đồ về nhà may, mỗi cái áo có 25 xu thôi. Cô miệt mài may vá cho đến khuya và không bao giờ nghe cô than vản. Chính những đêm khuya đó cô Mailan buồn nên vặn radio nghe nhạc, những bài hát theo điệu quê (country music) rồi cô đâm ra thích loại nhạc này. Cô thích nhất là những bài hát của Willie Nelson và của Johnny Cash.

Nhờ sự kiên nhẫn của cô Mailan, một năm sau ông Joe đi đứng lại được mặc dù bên phía tay trái vẫn còn hơi yếu. Khi mạnh lại ông Joe đưa cô Mailan đi xem cao bồi cưỡi ngựa đấu bò (rodeo), cô Mailan tính tình mộc mạc hiền lành, đi xem vài lần xong đâm ra thích thú. Từ đó niềm giải trí của hai vợ chồng ông là đi xem rodeo mỗi tháng. Nguyện vọng của cô Mailan là một ngày nào đó cô sẽ được đi khắp vùng Texas, được xem tất cả những trận rodeo ngoạn mục.

Ông Joe trở lại trường đi học về nghành kỹ sư, bốn năm sau đời sống của hai vợ chồng ông khá giả hơn, ông và cô Mailan về lại Việt Nam thăm gia đình. Ông kể lại sự bồn chồn bất an của chính tinh thần ông trong chuyến trở về đó, ông nói với tôi chuyến đi buồn nhiều hơn vui vì đây là cơ hội cho ông chứng kiến thảm cảnh sau chiến cuộc.

- Người tàn tật khắp nơi cưng ơi! đời sống của dân chúng còn tệ hơn lúc còn chiến tranh. Xã hội đầy rẫy tham nhũng hối lộ. Cộng sản bóc lột dân chúng nên chi người nào theo chúng nó nịnh bợ thì giàu nứt đất nẻ đai, kè nghèo thì chết không có chiếu chôn. Chúng tôi trở về niềm an ủi duy nhất cho Mailan là gặp lại đứa con trai và bà mẹ. Khi trở lại Mỹ, Mailan như người không hồn và tôi cảm thấy bó tay, bất lực không giúp gì Mailan được.

Ông Joe nói thêm là có lần ông ngõ ý nhận thằng bé con của Jeremy làm con nuôi để đưa nó qua bên đây sống, nhưng sau khi suy đi nghĩ lại cả ông và cô Mailan quyết định không nên, vì theo cô Mailan, đứa con khờ khạo chậm trí của cô có qua đến bên Mỹ mặc dầu đời sống vật chất đầy đủ hơn nhưng mỗi ngày cô và ông Joe càng già sẽ lo không nổi cho nó, rồi nó cũng sẽ vào trong những viện đặc biệt dành cho những đứa bé cùng cảnh ngộ như nó. Cô Mailan nghĩ là để con ở lại Việt Nam dù sao bà ngoại và gia đình cô còn có tình thương lo cho nó và nó sẽ được sống trong sự hạnh phúc ngây ngô đó. Ông Joe cảm phục sự hy sinh của cô Mailan, từ đó mỗi tháng ông đều đặn gửi tiền về để gia đình cô Mailan lo cho con. Lần cuối ông và cô Mailan về xây một căn nhà khá khang trang ở Rạch Gía cho cả đại gia đình cô Mailan ở. Mỗi năm hai vợ chồng ông về thăm nhà một lần và mỗi lần ở tới ba tháng. Từ ngày cô Mailan bệnh vợ chồng ông không về được, ông không biết phải giải thích như thế nào với gia đình vì cô Mailan căn dặn là đừng cho gia đình hay sợ mọi người lo lắng.

Cô Mailan dần dần tỉnh lại và qủa thật như ông Joe đã nói, mặc dù còn yếu cô Mailan lúc nào cũng điềm tinh, vui vẻ. Khi tôi mang vào tặng cô chậu hoa tulips trắng thì cô bật khóc, trong khi tôi còn bỡ ngỡ thì ông Joe cho biết đây là loại hoa mà mỗi năm vào ngày ba mươi tháng tư, ngày giổ của Jeremy cô và ông đem ra ngôi mộ của Jeremy thăm viếng. Ông còn cho hay là mỗi năm vào ngày quốc hận cô Mailan và ông đều vào trường UT (University of Texas) để tham dự đêm không ngủ. Khi biết được tôi là cựu học sinh của trường UT, cô Mailan hỏi:

- Cưng có tham dự vào đêm không ngủ lần nào chưa" Cảm động lắm cưng ơi, sự mất mát đã đem tình người ngồi lại với nhau, đốt những ngọn nến để thấy còn nồng hơi thở của quê hương và biết thương yêu còn trong trái tim mọi người.

Tôi không ngờ cô Mailan mộc mạc mà có thể diễn tả tâm trạng một cách văn hoa mật ngọt như thế. Ngày cô Mailan xuất viện tôi đến từ giã, cô Mailan nhắn với tôi:

- Cưng hay đi chùa nhớ cầu xin Phật độ cho cô một cái chết được an lành. Cô chỉ tội cho anh Joe thôi, suốt cuộc đời anh ấy qúa tốt với cô, cưng nhớ cầu Phật mang đến cho anh ấy chút thanh thản trong đời.

Trong khối óc tưởng rằng giản dị của cô Mailan lại chất chứa một sự thông minh lạ thường.vì sau khi nói chuyện với ông bác sĩ về tình trạng của cô, tôi biết đời sống còn lại của cô rất mong manh. Cô bị ung thư máu đã mấy năm qua và sự đau đớn của thể xác khiến cô sẵn sàng buông xuôi.

Sáng hôm nay gặp lại anh Joe trong qúan café, tôi bùi ngùi nhắc lại những lời nói của cô Mailan. Ông Joe nhìn tôi dọ hỏi:

- Cưng có biết gì về kinh Dược Sư không" Nghe nói loại kinh này nghe xong tâm trí rất an hòa, có người nghe xong hết bệnh ngay.

Tôi biết ông Joe đang có một hy vọng rất mơ hồ về tình trạng của cô Mailan. Niềm tin đến vội vã trong khi tâm thần ông qúa bất an. Tôi nhìn kỹ khuôn mặt và con mắt của Paul Newman, trong con mắt xanh đượm buồn đó có một thiết tha cầu khẩn từ đấng linh thiêng ban phép nhiệm màu. Tôi nhìn ông và bắt đầu hát nho nhỏ:

My heartaches and troubles just are up and gones

The moment you come into view

With your hand in mine dear I cound dance and dance

And Waltz across Texas with you

 Tôi sẽ về đi ngay đến chùa xin chư phật phù hộ cho ông Joe được tâm an lạc và cho cô Mailan có thêm một chút sinh lực cuối cùng để cùng ông Joe đi dự xem những trận rodeo qua khắp miền Texas.

 I could Waltz across Texas with you

It's a fairyland tale that's come true

Nguyễn Thị Huế Xưa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,267,381
Tác giả dự viết về nước Mỹ ngay từ năm 2000, năm đầu tiên của giải thưởng. Sang năm 2012, cô nhận giải bán kết với bài “Check Point”.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon.
Thế Vận Hội năm 1984 tại Los Angeles, theo kết toán của Ban Tổ Chức, đạt số lời 250 triệu mỹ kim. Đây là chuyện hiếm có trong lịch sử thế vận.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Tác giả định cư tại Houston từ 1993, sau hơn 20 năm làm nghề bán bảo hiểm nhân thọ, hiện đã về hưu. Năm 2007-2008, ông đã góp ba bài Viết Về Nước Mỹ:
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp:
Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ trước năm 1975, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County. Ông bắt đầu tham dự VVNM năm 2015
Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2016 tại Ba Lan là nơi hẹn của hơn hai triệu người. Để tới được nơi hẹn, phái đoàn giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ đã đi qua 4 nước Âu châu,
Thư tác giả gửi Việt Báo: “Đây là bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của tôi. Tên VN của tôi là Nguyễn văn Tới (trong nhà kêu 6 Cam). Hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Sau đây là bài viêt mới của cô.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến