Hôm nay,  

Levina

20/04/200800:00:00(Xem: 19385)

Người viết: Nguyễn Thị Yến
Bài số 2279-16208256-vb7190408

Levina là tên một cô gái có mẹ Việt bố Mỹ gốc Phi Châu. Tháng Tư 1975, người bố Mỹ bị bắn chết tại phi trường Tân Sơn Nhất. Bà mẹ Việt mang bầu di tản sang Mỹ, sinh con gái đặt tên Levina. Ông bố Mỹ khi chết được chôn tại Việt Nam. Bà mẹ Việt khi chết được chôn ở Mỹ. Và người con 2 dòng máu mang tên Levina đi học tiếng mẹ đẻ để sẽ về Việt Nam tìm mộ bố. Đó là nội dung bài viết về về nước Mỹ đầu tiên của  Nguyễn Thị Yến. Tác giả là một nhà giáo, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế  năm 1972, đã dạy học ở Đà Nẵng và Huế 18 năm. Đến Mỹ năm 1990, bà đi học lại, và  tiếp tục làm nghề dạy học. Hiện là cư dân Sacramento và đang dạy Việt ngữ tại 2 trường California State University, Sacramento và Cosumnes River College, Sacramento, tiểu bang California. Bài viết sau đây được tác giả ghi là “Viết cho ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng, Sacramento, California - April 11, 2008.” 

"Em thích xem tuyết té trong mùa đông." Tôi mỉm cười. Lâu lâu trong xấp bài nặng trĩu những chữ sai, những câu viết phải sửa và những đoạn bài làm phải cân nhắc thật kỹ để cho điểm, tôi lại nhặt được nụ cười trìu mến. Không lạ gì, nhìn nét chữ nắn nót quen thuộc tôi biết đây là bài của Levina.

"Tuyết té" tôi lại cười một mình, cảm giác vui vui như ngày xưa, khi một mình thả bộ dọc theo con đường mòn bên bờ sông Hương, ngắt đưọc một hoa cỏ tim tím, thấy lòng lâng lâng. Levina viết khá, lại thích viết những câu có vẻ văn chương. Khổ một nỗi là cô chỉ mới học đến lớp thứ hai của năm đầu tiếng Việt, cho nên thỉnh thoảng cô lại viết những câu ngồ ngộ. Cái khó của tôi khi dạy các em là làm sao để các em ghi nhớ trường hợp nào nên chọn nghĩa nào của một động từ, như động từ "to fall". Tôi đã giảng rất kỹ, "to fall" có nghĩa là rơi, rớt, té, ngã, rụng... vân vân... Tôi đã nhắc các em phải nhớ chọn từ cho thích hợp khi viết. Ví dụ, "hoa rơi", "lá rơi" hay "lá rụng", nhưng không được viết là "hoa ngã" hay "lá ngã", "thằng bé té xuống đất" hay "thằng bé ngã", "cây viết chì rớt xuống sàn nhà", nhưng không thể nói "cây viết chì 'rụng' xuống sàn nhà"...

Mà khó thật, ngay cả các sinh viên người Việt chính gốc (native speakers), nói được một ít tiếng Việt cũng không tránh đưọc những khó khăn như thế. Jenny Trần, sinh ở Mỹ, đang sống với cha mẹ trong gia đình Việt Nam. Trong bài quiz tuần trước, cô ấy viết "Em thường 'rửa' áo quần vào cuối tuần." Minh Phương thì viết "Mẹ em thường 'mặc' bông tai khi đi ăn đám cưới."

Sau buổi học, tôi dành thời gian riêng để ôn lại cho Minh Phương cách dùng động từ "to wear" khác nhau trong tiếng Việt. Tôi nói "Mặc áo", "đeo bông tai", "đội nón", "mang xách", "đeo gương mát", "để râu"... đều dùng "to wear" nhưng khi chuyển sang tiếng Việt mỗi trường hợp dùng một từ Việt khác nhau. Phương bất ngờ hỏi tôi: "Cô, tại sao viết 'mặc bông tai' thì sai, trong lúc, người Việt lại nói là 'go to eat wedding' ("đi ăn đám cưới")", "Người Mỹ đâu có ăn 'wedding' được! Làm sao người Việt ăn 'wedding' được cô"" Tôi cười trả lời Phương: "It's language!" Tôi giải thích cho em hiểu, ngôn ngữ của một dân tộc là tiếng nói và chữ viết riêng của dân tộc ấy, được sáng tạo rồi quen dùng từ đời này sang đời khác và tự nhiên đi vào qui tắc của ngôn ngữ ấy.

Trường hợp dùng nhầm lẫn những từ Việt khác nhau nhưng có cùng nghĩa với một từ tiếng Anh là vì các em chưa đủ vốn từ ngữ và kinh nghiệm dùng tiếng Việt. Các em đã tra từ điển Anh Việt, lấy ngay "từ" Việt ra từ trong từ điển và viết thành câu. Khi chưa đủ khả năng nhận biết trong việc dùng ngôn ngữ thì không làm sao các em tránh khỏi những trường hợp sai tương tự.

Đối với Levina, cảm nghĩ của tôi không dừng lại nơi câu viết dùng từ sai một cách ngộ nghĩnh, mà ở cô còn có cái gì là lạ có khi đã làm tôi nao lòng trong buổi dạy.

*
Ngày đầu mùa học thường là ngày bận rộn. Lớp Viet 401 có hơn 40 sinh viên. Tôi bối rối vì không biết trước là phòng học này chỉ có khoảng hơn 30 chỗ ngồi. Dẫu đã nhường luôn cái ghế của mình, vẫn còn nhiều em phải đứng. Lại còn một số sinh viên chưa có tên trong danh sách muốn xin ghi danh thêm.

Sau khi ổn định và có cái nhìn tổng quát về lớp, tôi đếm thầm có khoảng 15 em là sinh viên ngoại (non-native speakers). Con số này chính xác với danh sách giảng viên đã có sẵn từ online trước khi bắt đầu khóa học. Thời khóa biểu tôi đã làm thích hợp với tình trạng lớp học. Khi trong lớp số sinh viên ngoại càng nhiều, chương trình dạy càng phải đi chậm hơn, dễ hơn, chú trọng nhiều về phát âm, đối thoại, chính tả, từ ngữ, và văn hóa Việt. Trong lớp này, giảng viên dùng nhiều tiếng Anh hơn để giảng bài so với lớp có nhiều sinh viên gốc Việt. Nếu trong lớp có nhiều sinh viên Việt trẻ tuổi, giảng viên cần nói nhiều tiếng Việt, chương trình chú trọng hơn về đọc hiểu, viết, và văn hóa Việt.

Tôi bắt đầu lớp học bằng việc chào hỏi, giới thiệu bản thân nhanh gọn và làm quen với cả lớp. Liền sau đó là thảo luận về chương trình học (syllabus) gồm mục đích, nội dung chương trình, các điều kiện, yêu cầu của lớp học, và cuối cùng buổi dạy đầu tiên là trao đổi về thời khóa biểu. Đó là yêu cầu chung về thủ tục bắt buộc của phân khoa và bộ môn cho mỗi khóa học. Trong buổi họp với giảng viên đầu mỗi khóa học, ông khoa trưởng thường nhấn mạnh là tất cả mọi yêu cầu, nội quy của lớp học đều phải có trong syllabus, chương trình dạy phải ghi rõ trong thời khóa biểu để bất cứ khi nào sinh viên có thắc mắc điều gì cứ giở syllabus ra mà nói chuyện.

Cuối buổi học, các em muốn ghi danh thêm ở lại để nhận số cho phép ghi danh vào lớp. Levina là người cuối cùng xin tôi số ghi danh và chữ ký. Cô sinh viên da đen có ánh mắt hiền và nụ cười nhẹ nhàng, lễ phép cảm ơn tôi rồi ra khỏi lớp.

*
Những năm gần đây, tại Cosumnes River College, khi các lớp tiếng Việt trung cấp bị cắt, sĩ số sinh viên ghi danh vào các lớp sơ cấp ngày càng đông rõ rệt. Ngoài các em sinh viên người Việt đang học tại trường, số sinh viên ngoại tăng nhanh. Mùa hè có nhiều sinh viên từ các trường đại học liên bang trong tiểu bang California (UC) về ghi danh học. Hiện taị, số sinh viên là các học sinh trung học ghi danh học rất nhiều, chiếm khoảng hơn một phần ba sĩ số.

Các em học sinh trung học có đủ tiêu chuẩn về tuổi và điểm trung bình GPA 2.5 trở lên là có thể vào học college. Lấy một lớp ngoại ngữ như tiếng Việt các em được tính chỉ số 4 units, và học lớp tiếng Việt ở college các em được tính tương đương với học một lớp Advanced (AP), còn gọi là lớp cao cấp, ở trung học. Học lớp cao cấp, ví dụ, nếu các em đạt được điểm A của lớp tiếng Việt, sẽ được tính 5 điểm thay vì 4 điểm như khi các em đạt được điểm trong một lớp học bình thường (regular course) ở trung học. Nhờ thế, điểm trung bình cuối cấp trung học của các em có thể lên đến trên 4.0, từ 4.1 cho đến 4.9. Nhiều phụ huynh Việt Nam hiểu được điều này đã khuyến khích con hay cháu lấy lớp tiếng Việt ở college, vừa có lợi cho điểm trung bình vừa học được tiếng mẹ đẻ. Dẫu khó hay dễ, các em chỉ cần học chăm và đi học chuyên cần là các em có thể đạt đưọc điểm A dễ dàng, nhờ sự chỉ dạy gần gũi của giảng viên, sự giúp đỡ của phụ giáo, và đặc biệt nhờ phương pháp học đôi, hay học nhóm trong lớp và trong "phòng thực hành" (language lab).

Thật vậy, cho đến tuổi trung học, nếu các em Việt Nam chưa có dịp học tiếng Việt, có thể khi vào đại học, vì nhu cầu của chương trình học với nhiều bài vở gay go các em có thể không còn cơ hội để học tiếng Việt nữa.

Trong lớp dạy tiếng Việt ở đại học có nhiều điểm khác biệt so với các lớp dạy các bộ môn khác trong cùng trường hay khác trường. Phương pháp dạy ngoại ngữ ở Mỹ cũng khác với phương pháp dạy ngoại ngữ ở Việt Nam ngày trước. Mỗi khoá học, các em phải hoàn tất hai phần: phần học trong lớp (lecture) với giảng viên và phần thực hành trong phòng thực hành với giảng viên và phụ giáo. Trong phòng thực hành, mỗi sinh viên có một computer riêng dùng để nghe bài, tập đọc, và làm bài tập. Nghe, đọc, viết, nói và thực hành những bài đàm thoại là những yêu cầu bắt buộc các em phải làm xong cho mỗi bài học về phần thực hành. Trong lớp học, các em nghe giảng, ghi chép bài học, làm bài tập, thảo luận và thực hành cá nhân (individual work), hai người (pair work) hoặc nhóm (group work).

Bảng viết bằng mực, màn hình lớn, máy chiếu phim, máy truyền hình, computer là những phương tiện sẵn sàng để dùng cho việc dạy và học. Các bài tập trong lớp, các bài đọc thêm luôn luôn sẳn sàng cho sinh viên trong mỗi buổi học. Trung tâm in bài làm việc rất nhanh và đắc lực hỗ trợ tối đa cho việc dạy và học. Các kỹ thuật viên từ trung tâm truyền thông và kỹ thuật của trường luôn luôn sẵn sàng bắt điện thoại để kịp đến ngay giúp giảng viên trong lúc dạy taị lớp, bất cứ khi nào có những trở ngại về máy móc. Nói chung, phương tiện tối tân ở Mỹ giúp cho không khí trong lớp học ngoại ngữ sinh động và có hiệu quả thực tiễn. Đó là một thành tố thuận lợi cho việc dạy và học tiếng Việt tại đại học.

*
Levina Hogans, Luciania Lê, và Vinh Hồng Wong là bộ ba. Levina người gốc Phi châu, Vinh Hồng người Hoa và Luciana, người Việt sinh ở Việt Nam. Luciana khá tiếng Việt, em đã học đến lớp ba ở Việt Nam trước khi đến Mỹ. Luciana có vẻ là một trưởng nhóm vui tính, nhanh nhẹn, và tỏ ra luôn sẵn sàng giúp bạn. Cả ba đều chăm học và rất thân với nhau.

Cả ba đều chăm học và rất thân với nhau.
Có lần trong lớp vào giờ giảng bài, Levina giơ tay xin nói:
- Cô, em có câu hỏi.
Tôi chú ý lắng nghe.
- Chữ 'à' trong câu 'Em là người Việt à"' có nghĩa là gì hả cô"
Levina nói tiếng Anh, và đọc chậm câu tiếng Việt muốn hỏi. Đây là câu hỏi ngoài bài, nhưng nội dung câu hỏi liên quan đến bài học cũ. Tôi dành thời gian trả lời chung cho cả lớp. Bằng tiếng Anh, tôi giải thích:
"À" trong câu "Em là người Việt à"" (Are you a Vietnamese, right") là một 'tiểu từ' dùng để hỏi (interrogative particle). Nó đóng vai phụ trong câu, nên còn được gọi là 'phụ từ'. Khi 'phụ từ' không có mặt trong câu, 'ý chính' của câu vẫn không thay đổi và câu văn vẫn đúng ngữ pháp. Câu ấy cũng có thể nói "Em là người Việt"" với ngữ điệu lên giọng ở cuối câu.


Tôi giảng tiếp:
Chữ 'à' trong câu này có ý nghĩa: người hỏi có chút ngạc nhiên về điều vừa biết và tin gần như chắc chắn là người nghe sẽ đồng ý với người hỏi. Câu hỏi có thêm chữ 'à' có tác dụng mạnh hơn so với câu tương tự 'Em là người Việt, phải không"' (Are you a Vietnamese, aren't you"). Hai chữ 'phải không' (interrogative expression) được dùng giống như "phần đuôi" (English question tag) đặt ở cuối câu tiếng Anh trong "câu hỏi đuôi" (tag question) khi người hỏi chưa rõ điều muốn biết và mong chờ người nghe xác định.


Tôi kết thúc phần giảng:
- Như vậy khi một người hỏi em câu hỏi "Em là người Việt à"" là khi người ấy đã nghĩ rằng em là "người Việt" chỉ muốn nghe em khẳng định em là người Việt. Còn nếu có người hỏi em "Em là người Việt, phải không"" thì em nên hiểu rằng người hỏi chưa biết hoặc chỉ đoán rằng có thể em là người Việt; và người hỏi đang muốn biết có phải em là người Việt không.
Cả lớp im lặng chăm chú theo dõi phần giảng. Tôi chuyển mạch nhìn thẳng vào đôi mắt Levina đang mở lớn nhìn tôi, hỏi "Levina, em là người Việt, phải không"" Levina bỗng thay đổi nét mặt rồi cúi xuống không trả lời. Bên cạnh, Luciana và Vinh Hồng cũng tránh nhìn tôi khi nghe câu hỏi. Tôi biết là không thể để vấn đề nhạy cảm xảy ra, nên quay lại chùi bảng và bắt đầu ngay vào phần học tiếp của lớp.

*
Cuối khóa học lớp Viet 401, Levina được điểm A. Vẻ tự tin biểu lộ ở cô đã rõ nét. Levina nói với tôi nhiều hơn bằng tiếng Việt. Ngày cuối, trước khi lớp học chấm dứt, cả lớp gặp nhau trong một buổi liên hoan với nhiều món ăn Việt đủ loại. Rồi cả lớp vui vẻ chia tay. Khi chỉ còn nhóm bộ ba của Levina ở lại dọn dẹp, tôi có dịp nói chuyện với các em:
- Levina học giỏi, em tiến bộ rất nhanh. Khóa học tới, học thêm một lớp nữa em sẽ vững vàng hơn. Sau một buổi học ở trưòng, em thường dành bao nhiêu tiếng để học tiếng Việt"
- Dạ, hai tiếng mỗi buổi tối.
- Học tiếng Việt đối với em có khó không"
- Dạ khó, but I like it, so I try every day. (Dạ khó, nhưng em thích nó, nên em cố gắng mỗi ngày.)
Kiểu nói tiếng Việt của tuổi trẻ Việt Nam hay các sinh viên đang học tiếng Việt ở đây là khi không kịp tìm ra từ để tiếp tục câu nói thì bắt ngay qua tiếng Anh. Lối nói "xôi đậu" này cũng đã trở thành thói quen đối với nhiều người lớn. Họ là những người cùng một lúc làm việc với hai môi trường ngôn ngữ khác nhau.
Tôi nói chậm:
- Levina có tập đọc thêm ở nhà không"
- Dạ có, em đọc nhưng không hiểu nhiều.
- Em đọc sách nào"
- Em đọc bài trong Lab Booklet màu xanh và đọc bài reading tiếng Việt trong sách của cô Minh Đỗ.
- Em giỏi lắm. Trong khoá học hoặc khi có thời gian rảnh, em có thể đến trường vào lab tập đọc với computer, về nhà đọc lại mỗi tối thì em sẽ giỏi.
Levina gật đầu cười, tỏ ý hiểu câu tiếng Việt của tôi. Cô xoay qua, sắp lại mấy chiếc ghế trong khi Luciana và Vinh Hồng chào tôi ra về trước.
Khi chỉ còn tôi và Levina, cô đến gần có vẻ ngập ngừng, rồi nói:
- Cô. Em có câu hỏi.
- Levina có chuyện gì cần cô giúp phải không"
Levina quỳ xuống sát bên ghế ngồi của tôi. Kiểu Mỹ, khi một người cao muốn nói một vấn đề gì đặc biệt với một người đang ngồi, thường quỳ xuống bên cạnh tự nhiên vui vẻ để nói chuyện. Tôi thong thả chỉ chiếc ghế nói Levina ngồi. Levina kéo ghế ngồi.
- Cô, em có câu hỏi.
Tôi xoay qua, tỏ dấu hiệu sẵn sàng nghe.
- Cô, tại sao ở Việt Nam người đàn bà không được lấy chồng Mỹ"
Câu hỏi bất ngờ. Thay vì trả lời trực tiếp, tôi nhìn sâu vào đôi mắt thoáng buồn của em, rồi hỏi lại:
- Tại sao em có câu hỏi này với cô"
Levina bối rối. Tôi tiếp:
- Levina, Em là người Việt, phải không"
Cô im lặng. Tôi hỏi tiếp:
- Levina, Em là người Việt à"
Im lặng chừng nửa phút, cô nói.
- Dạ em half. (Dạ em một nửa.)
- Vậy em là con lai"
Vẻ mặt Levina bỗng thay đổi. Tôi nhạy cảm nghĩ rằng cô hiểu hai chữ 'con lai' với nghĩa bóng của nó, nên vội giải thích:
- Levina, cô dùng chữ 'con lai' với nghĩa tự nhiên, có nghĩa là em 'hafl Vietnamese hafl American'.
Levina nhấn giọng:
- African American.  Mỹ đen.
Cô nói luôn cả hai thứ tiếng Anh và Việt như tỏ ý cho tôi tôi biết là cô hiểu rõ thân phận của cô.
- Nhưng tại sao em hỏi cô câu hỏi ấy.
- Cô có thể trả lời em không"
Levina thông minh, cô ép tôi phải trả lời. Bằng tiếng Anh, tôi nói:
- Không phải ở Việt Nam người đàn bà không được lấy chồng Mỹ. Thực tế nói chung, ngày xưa, các gia đình Việt Nam không muốn có con gái lấy chồng khác chủng tộc. Hiện tại thì tình trạng đã thay đổi, nhiều người phụ nữ Việt Nam lấy chồng người nước ngoài.

*
Chiều thứ bảy cuối tuần ấy, tôi hẹn gặp Levina ở Andy Nguyễn Restaurant. Đây là một tiệm ăn do người Việt làm chủ, chuyên bán các thức ăn chay nằm trên đường Broadway gần trung tâm phố Sacramento. Tiệm ăn nhỏ, nằm ngay sát đường nhưng bên trong không khí tĩnh lặng, cách trang trí có âm hưởng tôn giáo tạo cho thực khách cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu. Những món ăn chay ở đây ngon, trình bày nghệ thuật và tinh khiết. Ở đây có nhiều khách người bản xứ hơn người Việt. Tôi nghĩ trong không khí lắng dịu của nơi gặp gỡ này, Levina và tôi có thể chia sẻ với nhau một vài tâm sự.
Tôi và Levina cùng đến đúng giờ hẹn. Chúng tôi chọn ngồi ở góc trong cùng, chỗ chíếc bàn chỉ dành cho 2 người. Trong khi chờ món ăn đã gọi, tôi bắt đầu câu chuyện:
- Em học ngành gì, Levina"
- Journalism.
- Ồ, em học báo chí. Đúng rồi, khi chấm bài của em cô nghĩ em là người thích viết văn. Em vừa đi học vừa đi làm, hay chỉ đi học"
- Em đang làm việc bán thời gian cho tờ nhật báo Sacramento Bee và đi học toàn thời gian.
- Bao lâu nữa em sẽ ra trường"
- Mùa Fall năm tới em sẽ tốt nghiệp cử nhân ở đại học UCDavis.
- Chúc mừng em.  Levina à! Tại sao em thích tiếng Việt.
Ánh mắt Levina chùng xuống. Cô nói:
- Mẹ em người Việt. Em thương mẹ em, em muốn học giỏi tiếng Việt.
- Em đang ở với mẹ em phải không"
- Không, mẹ em đã mất cách đây năm năm. Mẹ em bệnh nhiều vì mẹ em khổ nhiều. Mẹ nói mẹ khổ từ tuổi nhỏ, khi còn ở Việt Nam. Mẹ em kể bà ngoại em khổ lắm, hai dì em cũng khổ. Mẹ em nói làm người đàn bà Việt Nam ai cũng khổ.

Tôi lặng nhìn Levina. Khi người phục vụ nhà hàng đem thức ăn ra, tôi giới thiệu các món chay trên hai dĩa thức ăn, hướng dẫn cách ăn cho Levina để tạo chút không khí tự nhiên. Levina có vẻ muốn chia sẻ:
- Cô à, mẹ em kể, mẹ đặt tên em Levina có nghĩa là "Lệ Việt Nam"!
- Trời ơi, có thật không em" Levina, "Lệ Việt Nam"! Mẹ em đặt cái tên như thế cho em"
Tôi ngạc nhiên xúc động thành lời như thế.
- Lệ Việt Nam! Levina, em có hiểu "Lệ Việt Nam" là gì không"
- Tears of Vietnam! (Nước mắt Việt Nam)
Levina nhìn chăm chú vào đôi mắt tôi. Rồi cô khóc. Cô tiếp tục:
- Mẹ kể, ngày xưa mẹ em được sinh ra ở countryside of central Vietnam (vùng nông thôn miền trung Việt Nam). Mẹ em được đi học, nhưng phải nghỉ khi chưa xong cấp tiểu học bởi vì ở đó có chiến tranh. Ông ngoại em bị "Tây bắn". Enemy (kẻ thù) là người Pháp đã giết ông ngoại em. Khi mẹ em lớn lên, cũng có chiến tranh. Mẹ nói mẹ khổ lắm, mẹ đã thấy tận mắt anh và chị của mẹ bị giết trong chiến tranh. Mẹ khổ nhất là thấy người Việt giết người Việt!
Levina kể tiếp bằng tiếng Anh:
- Khi có chiến tranh nhiều ở chỗ nông thôn ấy, bà ngoại phải đem dì, cậu và mẹ của em lên thành phố ở. Bà ngoại em đi làm người giúp việc cho người giàu để sống. Lâu lắm bà ngoại mới về thăm các con và cho một chút tiền. Sau đó, mẹ em cũng đi làm giúp việc cho người giàu. Rồi mẹ được làm ở chỗ tốt hơn, có nhiều tiền hơn với người Mỹ.
Tôi lắng nghe. Thấy cả hai dĩa thức ăn vẫn chưa dùng tới, tôi mời Levina. Chúng tôi ăn trong im lặng.
- Cô à, mẹ em yêu một người Mỹ da đen ở nơi làm việc của mẹ. Ông ấy là người rất tốt. Ông ấy yêu mẹ và cho mẹ nhiều tiền, nhưng mẹ em bị bà ngoại em cấm không được yêu người Mỹ da đen. Mẹ em đã bị bà ngoại em đánh đập nhiều lần. Cô à, tại sao ở Việt Nam người đàn bà không được lấy chồng Mỹ"
- Cô nghĩ Levina đã hiểu rồi.
- Cô à. Ông ấy chỉ khác mẹ em ở màu da, nhưng ông cũng là một người tốt như những người tốt khác. Tại sao, người da sẫm màu lại không bằng người da màu khác"
- Chỉ là vấn đề chủng tộc thôi em.
- Cô à, tháng 3 năm 1975, ông ấy đã đem mẹ em trốn vào Sài Gòn để tìm cách đem mẹ em đi Mỹ, lúc đó có chiến tranh lớn lắm. Chính lúc ấy, mẹ vừa có em ở trong bụng.
Nói đến đây Levina khóc nức nở. Tôi bối rối, cũng không cầm được nước mắt khi nghe cô vừa khóc tức tưởi vừa nói:
- Nhưng ông ấy, cha của em, đã bị bắn chết vào tháng 4 năm 1975, tại phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn!
Levina ôm mặt khóc. Tôi lấy ra miếng giấy mềm cho Levina lau nước mắt. Cô kể tiếp:
- Sau đó, mẹ em chạy theo nhiều người, ra khỏi Việt Nam bằng tàu thủy. Mẹ em cũng suýt chết vì đói trên biển. Mẹ em nói mẹ không ngờ em còn sống trong bụng mẹ cho đến ngày được sinh ra ở Mỹ. Mẹ đặt cho em cái tên "Levina" với ý nghĩa là "Lệ Việt Nam"! Mẹ nói tên em khi gọi có cái âm như thế. Cô à, cha em người Mỹ chết đã được mẹ em chôn ở Việt Nam, còn mẹ em người Việt chết lại chôn ở Mỹ!
Khi đã dịu cơn khóc, Levina  nói thêm:
- Em sẽ về Việt Nam, cô à, em sẽ về Việt Nam tìm thăm mộ cha em. Em phải nói giỏi tiếng mẹ đẻ của em, cô à. Đó là mong ước cuối đời của mẹ em. Đó cũng là mong ước của em!
Đó cũng là mong ước của em!

*
Sau khi học xong lớp Viet 402, Levina đã nói rất khá tiếng Việt. Cũng như nhiều người sinh viên ngoại đã học tiếng Việt với tôi tại Cosumnes River College, Levina được giới thiệu đến học thêm tiếng Việt tại Trung Tâm Việt Ngữ Lạc Hồng. Ở đây Levina không những được học tiếng Việt vào mỗi sáng thứ bảy, cô còn có dịp tiếp xúc với người Việt để dùng tiếng Việt và gần gũi hơn với văn hóa Việt...
Lâu lắm về sau có lần gặp lại Luciana trong khu phố Việt Nam trên đường Stockton, tôi được biết Levina đang làm việc toàn thời gian cho nhật báo Sacramento Bee. Luciana có kể cho tôi nghe rằng Levina đang gặp một chuyện rất đau buồn. Vị hôn phu người Việt của Levina vừa chia tay với cô. Lý do, gia đình của cậu ấy không chấp nhận cho cậu cưới Levina làm vợ.
Tôi vẫn nhớ hoài câu hỏi của Levina "Tại sao người đàn bà Việt Nam không được lấy chồng Mỹ"" Bây giờ có ai hỏi: tại sao người đàn bà Mỹ không lấy được chồng Việt Nam"
Levina. "Lệ Việt Nam!" Em ơi...

NGUYỄN THỊ YẾN
Sacramento, 10 tháng 3, 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,261,291
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến