Hôm nay,  

Đến Hẹn Anh Ta Lại Tới

14/02/200800:00:00(Xem: 210790)

Tác giả: Quân Nguyễn

Bài số 2222-2014-787vb5140208

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007)

*

Tác giả Quân Nguyễn, là cư dân Anaheim, California. Cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, từng làm counlelor tại nhà tù tiểu bang ở Chino, và hiện là state parole officer ở Santa Ana. Sau đây là bài viết của ông dành cho Viết Về Nước Mỹ 2007.

*

Tôi có khoảng năm mươi người tù tạm tha (parolees on parole), và mỗi tháng họ phải lên trình diện tôi vào những ngày giờ nhất định, hoặc bất cứ khi nào tôi muốn gặp họ, thường vì những lý do quan trọng, hay đôi khi chỉ tạo sự bất ngờ. Trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, như do hạnh kiểm tốt, thì có người mỗi đầu tháng chỉ cần gửi vô tờ báo cáo hàng tháng coi có gì thay đổi trong tháng vừa qua về địa chỉ số điện thoại hay công việc làm ăn hay không (giống như mấy ông bà ăn "welfare" gửi báo cáo lợi. tức hàng tháng vô cho "worker" xã hội của họ vậy), hay khi họ đang nằm nhà thương do ốm đau tai nạn, hoặc đang bị nhốt ngắn hạn ở "county jail" về những tội hình lặt vặt phạm phải trong khi đang "parole". Phần lớn những người ra tù khoảng sáu tháng trở lên, tội phạm không nghiêm trọng, hoặc nghiêm trọng nhưng biết sửa đổi, có chỗ ở công ăn việc làm ổn định, lai không xài ma túy, thì thường chỉ lên trình diện tôi tháng một lần vào một ngày giờ nhất định. Còn những người mới ra tù cần được theo dõi sâu sát hơn, hay do tội phạm dữ dằn nguy hiểm, chưa hoặc không có việc làm, không có chỗ ở ổn định, hay "homeless", lại có xài ma túy một vài bận, thì phải lên trình diện tuần một lần, cũng vào ngày giờ nhất định khác do tôi chỉ định. Nếu vì bất cứ lý do gì không thể trình diện đúng ngày giờ tôi muốn, thì họ phải có lý do chính đáng thật sự, như phải làm phụ trội, hoặc ốm đau bữa đó...  Dĩ nhiên tôi phải gọi chủ của họ hay coi giấy bác sĩ thì mới êm, còn không thì tùy theo tội phạm và hoàn cảnh cá nhân, họ có thể bị từ la rầy, cảnh cáo, đến bắt nhốt trở lại, mà tôi lại rất nghiêm khắc về vấn đề phải trình diện đúng hẹn này!

Những anh tù "loại tốt", như đã đề câp ở trên thì chỉ trình diện tháng một lần ở văn phòng tôi, không kể những lần được "thăm viếng" sau đó tại nhà có hẹn hoặc không hẹn, cũng do tôi quyết định ngày giờ. Còn "loại chưa tốt" thì trình diện tuần một lần coi có xài ma túy không, cho tới khi có được chỗ ở và việc làm ổn định thì tính sau.

Riêng các ông bà có công ăn việc làm từ sáng tới chiều thì được phép lên trình diện từ năm giờ chiều tới bảy giờ tối vào cái ngày phải trình diện. Những ông làm ca chiều tới mười một giờ đêm thì phải lên trình diện buổi xế trưa, trước khi đi làm...  Tính tôi rất cởi mở dễ dãi nhưng thẳng thắn với các tội phạm biết sửa đổi nghe lời và đúng hẹn, còn nếu làm ngược lại thì họ đã biết hậu quả ra sao rồi.

Trong số những anh tội phạm nghiêm trọng nhưng biết sửa đổi đó có một anh VN người Trung. Do ngày xưa phạm tội bắt cóc hai đứa trẻ con chủ tiệm vàng để đòi chuộc mười ký vàng, mà bị kết án chung thân (không có khổ sai đâu nha, ở bên Mỹ ở tù có khổ tâm thì có, chứ không ai...  sai ai hết!) Rồi nhờ hạnh kiểm tốt khi ở tù nên sau hai mươi hai năm anh ta được tạm tha ra (parole) nhưng phải đi trình diện "parole officer" mỗi tháng trong năm năm, vì là tù nhân chung thân may mà được "parole" (những tù nhân khác kể cả giết người cướp của, nếu không bị án chung thân, chỉ bị "parole" có ba năm thôi.)

Do ở tù quá lâu (từ năm hai mươi ba cho đến năm bốn mươi lăm tuổi) tính tình anh ta nay trở nên hiền lành như cục bột lại chăm chỉ làm ăn rất được chủ tin cậy quí mến. Tôi cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều ở anh ta, ngoài việc lên trình diện mỗi tháng ở Sở "Parole", tiếp đó là một cái hẹn khác cũng trong tháng tại nhà. Vậy mà thắm thoát mà đã bốn năm rồi từ ngày anh ta được tạm tha, chẳng sai phạm điều gì và tháng nào cũng lên trình diện tôi đúng ngày giờ qui định. Chỉ còn một năm nữa là mãn hạn "parole", muốn đi đâu thì đi, khỏi cần phép tắc, về VN cưới vợ còn được mà!

Anh ta "share" một căn phòng nhỏ tháng trả vài trăm (với đồng hương) ở Santa Ana, và hàng ngày chở thực phẩm rau trái thịt cá mua từ những mối lái đầu nậu ở Quận Cam cho một ông chủ chợ cũng người VN ở Quận San Bernardino, sáng lái chiếc xe van trắng bự đi từ sáu giờ, chiều về tới nhà khoảng bảy giờ.

Cũng như những người tù tốt khác của tôi, anh ta chỉ lên trình diện tháng một lần, vào ngày thứ ba đầu tiên của mỗi tháng (ngày giờ không hề thay đổi cho mấy chả dễ nhớ mà đi trình diện cho đúng). Và vì anh ta phải đi làm từ sáng tới chiều, nên tôi cho phép anh ta trình diện từ năm giờ chiều tới bảy giờ tối mỗi thứ ba đó. Tôi cũng gọi điện thoại cho chủ ảnh biết về ngày giờ trình diện này, và ông chủ nói rằng anh ta rất siêng năng cần mẫn đáng tin cậy nên lúc nào cần phải về sớm trình diện "parole officer" thì cứ việc về.

Từ đó, cứ mỗi thứ ba đầu tháng, anh ta luôn xin phép chủ lái xe về nhà từ năm giờ chiều, và thường trình diện tôi vào khoảng sáu giờ ba mươi, sáu giờ bốn mươi gì đó. Tuy nhiên, như những công sở khác, Sở "Parole" đóng cửa "lobby" lúc năm giờ chiều. Vì vậy, sau năm giờ chiều, tôi thường kê cái bàn giấy tạm thời với hai cái ghế ở ngay bên trong hai cánh cửa kiếng phía sau của "building" ngay lối ra về của nhân viên thẳng ra bãi đậu xe riêng của sở, để ngồi chờ những ông tù đi làm ra, ghé qua trình diện tôi cho tới bảy giờ tối.

Còn nhớ tháng trước anh ta lên trình diện tôi thứ ba đầu tiên của tháng mười một vào lúc sáu giờ ba lăm chiều. Hai ngày sau tôi đến thăm ảnh tại nhà vào lúc bảy giờ tối. Trước khi ra về tôi luôn hỏi lại (như từng làm với các tù nhân khác) là chừng nào lên trình diện lần tới, thì ảnh cũng trả lời như mọi lần, "Thứ ba đầu tiên của tháng mười hai!"

Rồi thì, hôm 29 tháng 11 vừa qua, có bà y tá ở Bệnh Viện St. Bernadine ở San Bernardino kêu điện thoại báo tin cho tôi hay vào lúc chín giờ sáng nay, anh tù của tôi bị đứng tim (cardiac arrest) tại chỗ làm, và được gấp rút chở vào cấp cứu, hiện còn đang nằm ở "ICU" và chưa hề hồi tỉnh! Bà ta cũng cho biết ông chủ rất tốt của anh ta túc trực suốt ngày bên giường bệnh.

Những ngày kế tiếp tôi liên tục điện thoại lại chợ xin nói chuyện với ông chủ để hỏi thăm tình trạng của anh tù, nhưng lần nào cũng được trả lời bởi người con trai rằng ba anh ta đang trong nhà thương, và ảnh không biết gì thêm về bệnh tình của chú kia. Người con có cho tôi số điện thoại di động của ba ảnh để liên lạc trực tiếp nhưng ông ta vì lý do gì đó chẳng bắt "phone", còn để lời nhắn cho ổng thì khi được khi không mà cũng không thấy ổng gọi lại!

Hôm 11 tháng 12 rồi, tôi sốt ruột gọi lại chợ lần nữa, định bụng nếu không xong thì sẽ đích thân vào nhà thương thăm ảnh coi sao, thì lần này ông chủ chợ lại bất ngờ bắt "phone" lên giọng buồn bã, "Nó chết sáng mồng 4 tháng 12 ở bênh viện rồi, mà chẳng bao giờ tỉnh dậy từ lúc đưa vô nhà thương!" Tôi sửng sốt hỏi lại, "Vậy chứ xác của nó đem về đâu"" "Thiêu rồi trên đường "Beach" hướng đi về phía biển đó. Bà dì của nó ở bên TX có qua, để tôi cho anh số 'phone' của bả... ", ông chủ dài dòng nói thêm. Tôi liền trách ồng không liên lạc với tôi sớm hơn, để tôi có thể đi dự đám tang của anh ta. Giờ thì mọi sự chẳng còn nghĩa lý gì nữa!

Như thường lệ, hôm thứ ba đầu tháng mười hai này, những người tù của tôi vẫn lên trình diện đều đặn đủ số từ xế trưa tới bảy giờ tối, dĩ nhiên là trừ anh ta vì còn đang ở nhà thương. Vào lúc sáu giờ ba mươi tối hôm ấy, tôi đang lui cui dò lại sổ sách coi còn mấy ông tù chưa tới, thì có tiếng gõ cửa bên ngoài hai cánh cửa kiếng. Nhìn lên chẳng thấy ai bên ngoài, ngoài cửa kiếng thì lại tối thui như mực, tôi nghĩ trời lúc này mau tối quá, cuối năm rồi còn gì! Tôi đứng bật dậy bước tới mở một bên cửa kiếng định bụng sẽ cho một anh tù bước vô, vậy mà chẳng có ai đứng bên ngoài hết, chỉ một luồng gió lạnh như cắt thổi hắt vào mặt làm tôi chợt rùng mình khựng lại. Nghĩ rằng có anh tù nào rắn mắt gõ cửa rồi chạy núp đâu đó sau những bụi cây kiểng chung quanh cái "building", tôi bực mình bước hẳn ra ngoài tìm kiếm, nhưng trên cái bãi đậu xe mênh mông tối thui chả thấy ma nào hết! "Chắc lại gió thôi, chứ có ai gõ cửa đâu" tôi thì thầm một mình mở cửa kiếng bước trở vào trong. Vừa mở hé cánh cửa thì lại một luồng gió lạnh như cắt thổi vào mặt, mà lần này là gió ở trong phòng thổi ra mới quái, làm tôi phải nhìn lên cái lỗ máy điều hòa không khí trên trần nhà lẩm bẩm, "Thời tiết như vầy mà còn "set" máy lạnh lạnh quá, mai phải kêu thư ký "set" lại mới được!"

Sau đó có thêm ba người tù nữa đến gõ cửa vào trình diện, thế là đủ số! Và tôi xách cặp ra xe vào lúc bảy giờ lẻ năm, ngoài trời vẫn tối đen như mực, chả có ngọn gió nào bên ngoài hết...

Cũng tối hôm 11 tháng 12, khi nằm kế bên bà xã, tôi buồn bã kể lại sáng nay ông chủ của anh tù báo tin ảnh chết hôm mồng 4 tháng 12 và đã đem về Quận Cam thiêu mấy ngày nay rồi.

Nằm khó ngủ trăn trở cả đêm tôi mới nhớ ra ảnh sinh năm 1959, tuổi con heo, nên năm nay là năm tuổi 49, hạn nặng quá, năm heo lại gặp tháng heo (tháng mười ta), có lẽ nhằm cung phúc đức xấu quá nên không qua khỏi...  con trăng này, thật tội!

Lại nằm nghĩ miên man tới gần sáng, tôi bỗng giật thót mình nhớ ra...  Chết bà! hôm chả qua đời là sáng thứ ba ngày 4 tháng 12, là ngày tất cả tù phải lên trình diện tôi, mặc dù chả được miễn vì đang nằm nhà thương bệnh gần chết! Vậy thì, ai gõ cửa kiếng kêu tôi mở cửa lúc sáu giờ ba mươi bữa đó vậy cà" Còn ai nữa! Tôi bỗng 'teo" quá ôm cứng lấy bà xã, nhằm lúc năm giờ mười lăm sáng. Bả la lên, "Đồ quỉ! Để người ta ngủ thêm chút nữa đi mà, sáng rồi tính... "

Cầu Trời phù hộ cho vong linh anh ta được mau mau siêu thoát thanh thản, mà đừng có lo chuyện trình diện trình diếc gì...  tôi nữa nghe. Cũng đừng quên là có hai mươi bốn tiếng đồng hồ để về trình diện "probation/parole officer" của "Dept. of Home Hell Security" dưới đó, không thì mấy chả lại viết lệnh truy nã, rồi lên kiếm tôi dò la tin tức, lại đòi dẫn đi ăn phở, uống cà phê "bong bóng" (airbag) ở "Bolsa" thì mất công mà tốn tiền lắm...  Tôi đã viết lệnh tha và đóng hồ sơ của anh lập tức rồi!

Mong anh yên nghỉ trong an lành, hẹn gặp lại sau nhé, anh bạn!  (nhưng nhớ là hổng phải ở Sở "Parole" đâu nghe)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến