Hôm nay,  

Thăm Trại Tù San Quentin

04/02/200800:00:00(Xem: 296828)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 2213-2005-778vb8030208

(Bài Viết Về Nước Mỹ năm 2007, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tý 2008, đang phát hành khắp nơi)

 

Tác giả sinh năm 1972. Rời Việt Nam năm 10 tuổi. Định cư tại Mỹ. Tốt nghiệp Management Information System. Hiện là cư dân Florida. Công việc: Program Manager, phụ trách về "Đào Tạo Tài Năng" (Talent Development) cho công ty Cisco. Trong năm 2007, Nguyễn Trần Phương Dung đã góp nhiều bài viết đặc biệt.

 

Một hôm đang làm việc thì nhận được điện thư của Sơ Nguyễn Thuý Liễu - dòng Mến Thánh Giá Qui-Nhơn. Lá thư gửi chung cho cả nhóm có đoạn:

"Các em còn nhớ anh B ở San Quentin không"  Anh B đang xin parole nhưng không có tiền lo luật sư và giấy tờ.  Các sơ và anh Triệu đang vận động giúp cho B. Em nào có khả năng và nhã ý, có thể gửi chi phiếu về để giúp cho anh…"

Cả buổi chiều hôm đó tôi bâng khuâng xúc động. 

Email của sơ đưa tôi ngược dòng thời gian về thời tôi còn là cô bé sinh viên nhạy cảm nhiều lý tưởng, hăng say làm việc thiện nguyện và tin tưởng những hành động nhỏ của mình có thể góp phần giúp đở cho người, làm đẹp cuộc đời, xây dựng xã hội, thay đổi thế giới.

Ôi, những giấc mơ đội đá vá trời của tuổi trẻ.

Rồi tôi lớn dần theo năm tháng, toan tính mưu sinh chiếm trọn hết ngày giờ. Bổn phận trách nhiệm với gia đình ngày thêm chồng chất. Sức lực đâu nữa mà lo cho tha nhân" Còn chăng là những kỷ niệm thỉnh thoảng trở về trong ký ức. Để chỉ biết thinh lặng nghĩ đến đời, cầu nguyện cho người và ước mong mình có thể làm được nhiều hơn. 

Như lúc này, những kỷ niệm xưa lại ồ ạt quay về. Những xúc cảm tưởng đã phai của những lần đi thăm tù Việt Nam trên đất Mỹ bừng sống dậy mạnh mẽ hơn bao giờ.

Một buổi sáng đầu xuân năm 1992, vừa qua Tết Nguyên Đán độ vài tuần, tôi cùng các bạn trong nhóm giới trẻ Đường Hy Vọng theo các Sơ dòng Mến Thánh Giá vào thăm một số người Việt Nam đang bị giam ở San Quentin, trại tù cổ và nổi tiếng nhất của tiểu bang California và đáng giá nhất của nước Mỹ.   

Trời hôm ấy trong xanh lác đác vài áng mây. Những tia nắng ấm áp đầu ngày quyện với cái lạnh nhè nhẹ của khí trời vừa sang xuân thật dễ chịu. Đường vào trại tù San Quentin rợp bóng mát với hai hàng cây cao vút và những ngôi nhà nhỏ cũ kỹ nằm ven sườn đồi. Trại tù hiện ra từ đàng xa, bề thế trên thửa đất rộng 432 mẫu nằm sát vịnh San Francisco thơ mộng. 

Tôi đã đứng thật lâu nơi sân parking trại tù, dõi mắt ra biển nhìn về phía chân cầu San Rafael, nơi những cánh buồm đang lờ lững trôi theo chiều gió. Mọi người ai ai cũng trầm trồ khen ngợi cảnh đẹp và ganh tỵ sao những người tù lại được ưu đãi ở trên thửa đất vàng trị giá cả trăm triệu. Tiếng cười nói vang vang át đi cả tiếng sóng.

Cha Oneil', vị linh mục đã phục vụ trong trại tù San Quentin nhiều năm, gặp chúng tôi ngoài cổng trại dặn dò:

- Cha đã đưa số bằng lái xe, an sinh xã hội và ngày tháng năm sinh của mọi người cho security mấy tuần trước. Họ đã duyệt xét lý lịch và lên danh sách tất cả những người đi thăm tù hôm nay. Các con chuẩn bị trình thẻ căn cước khi đi qua các cổng. Nhớ giữ yên lặng trật tự. Mình sẽ gặp tù nhân Việt Nam ở nhà nguyện. Không có gì phải sợ nhưng tốt hơn hết vào trong ấy rồi đừng đi đâu quanh quẩn một mình, nhất là đám con gái. Cần đi nhà vệ sinh thì gọi nhau đi chung. Ai đưa gì đừng lấy. Đừng cho họ biết những thông tin riêng tư của minh…

Chúng tôi gật gật dạ dạ, mặt mày đứa nào đứa nấy bắt đầu tái mét. Hồi nãy hồ hởi bao nhiêu thì bây giờ quíu quáo bấy nhiêu. Lần đầu tiên đi vô nhà tù Mỹ, lại là nhà tù giam "những thành phần nguy hiểm có án nặng như chung thân tử hình, chúng tôi không khỏi lạnh cẳng. May mà đi chung tất cả 16 người, có các Sơ lại thêm Cha Oneil' hộ tống, nên cũng cảm thấy an tâm phần nào.

Trình ID, điểm danh đủ số, khám xét xong chúng tôi được qua lần cửa sắt thứ nhất. Lần cửa thứ hai, những người mặc quần jean được security "cho muợn" một cái quần màu khác để khỏi trùng với đồng phục của tù nhân. Lần cửa thứ ba, trình ID, khám xét và đóng mộc vào tay. Lần cửa thứ tư, trình ID, khám xét tiếp. Đến lần cửa thứ năm, security chỉ nhìn trừng trừng từng người rồi cho qua.

Cả bọn toát mồ hôi thở phào. Coi như thoát vì không ai bị trục trặc giấy tờ phải trở ra ngoài. Nhưng không đứa nào còn cười nổi. Biết căng thẳng hồi hộp thế này chẳng năn nỉ xin đi. Sau này nói chuyện lại mới biết lúc đi qua các cổng khám xét, có mấy chị, trong đó có tôi, sợ quá tính xin Cha xin Sơ cho về nhưng không dám nói. Đã lỡ leo lên lưng cọp thì phải cưỡi chứ sao. Đi thăm tù mà chưa nhìn thấy mặt ai đã ra về thì thế nào cũng bị chọc quê có nước độn thổ.

Ló đầu ra cánh cửa thứ 5, khi thật sự đặt chân vào "đất tù", cả bọn tự động chùn bước. Nếu lúc bị cai tù khám xét cảm thấy sợ sệt thì bây giờ phải nói là kinh hoàng.  Trước mặt chúng tôi là một sân chơi rộng lớn. Chúng tôi phải đi ngang qua một quãng sân để vào nhà nguyện. Bấy giờ là sáng Chủ Nhật, giờ những người tù được ra ngoài chơi. Một "rừng nguời", đủ mọi màu da, trong đồng phục tù áo sơ mi xanh da trời và quần jean xanh đậm, đang tụ 5 tụ 7, đứng ngồi lố nhố khắp nơi. Nhiều người quay lại nhìn chúng tôi tò mò. Vài tiếng huýt sáo chọc ghẹo. Đám con gái theo phản xạ tự nhiên túm vào nhau đi sát gót Cha Oneil' và các Sơ.

Vào nhà nguyện thì thấy khoảng 30 người tù Việt Nam đang chờ sẳn. Họ đón chúng tôi bằng một tràng pháo tay trong khi con mắt thì dán chặt vào chúng tôi như dò hỏi, như đo lường. Dù cảm thấy đở sợ hơn lúc ở ngoài sân, tôi vẫn run rẩy riu ríu theo mấy chị lớn đi một lèo đến hàng ghế đầu để khỏi phải ngồi cạnh họ. 

Thánh lễ bắt đầu với một bài hát, lòng tôi từ từ lắng xuống. Bài phúc âm hôm đó nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa như người cha bao dung luôn dang tay chờ đón người con đi hoang trở về. 

Cuối lễ một người tù lên chào mừng và cám ơn chúng tôi đã đến thăm họ.

Anh B nhìn trên dưới 40. Anh bị án chung thân với hy vọng kháng án mong manh. Vì khá lớn tuổi và kỳ cựu với hơn 10 năm tuổi tù, anh được cử làm "đại diện" cho tù nhân Việt Nam và Á Đông trong này. 

Bằng giọng ngậm ngùi, anh B đã nói những lời mà mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên:

- Vào thời gian trước vì tuổi trẻ và thiếu suy nghĩ, tôi đã làm rất nhiều điều không đúng với lương tâm con người. Tôi đã sa vũng lầy và hiện phải trả với một giá thật đắt. Tôi mơ ước được trở thành một người tự do như các bạn. Tôi sẽ trao bất cứ những gì để đổi lại cái tự do mà các bạn đang có.

Tôi chớp mắt thật mau, một chút gì chua xót khẽ len vào hồn. Đồng hương tôi đó, những người cùng một sắc tộc, cùng một màu da, cùng trải qua trăm đắng ngàn cay để đến được bến bờ tự do. Để rồi vì một phút bồng bột của tuổi trẻ, vì một chút tư lợi, vì lòng ghen tương hận thù, họ đã bán rẻ lương tâm để giờ đây còn lại gì ngoài những tháng ngày dài buồn chán trong ngục tù"  Với những bản án đè trên cổ, họ bị xã hội ruồng bỏ, vợ chối anh em từ, bạn bè khinh chê. Ôi, cái giá cho những tháng ngày sống ngoài vòng pháp luật và lương tri!

Sơ Nguyễn Thuý Liễu, bề trên dòng Mến Thánh Giá Qui-Nhơn, lên gởi lời chúc Tết muộn đến các anh em tù và bày tỏ sự cảm thông, tình thương mến giữa con người với con người. Giọng Sơ run run cảm động làm mọi người rưng rưng nước mắt. 

Anh Phạm Triệu, người anh cả của nhóm Đường Hy Vọng, cũng đại diện cho giới trẻ chúng tôi nói lời cám ơn chân thành đến họ. Qua họ, chúng tôi thật sự hiểu được giá trị của sự tự do mà chúng tôi đang được hưởng.

Sau phần chào hỏi và giới thiệu qua loa, chúng tôi dọn ra một ít bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, kẹo mứt, trái cây mà các Sơ đã mang theo để mời các anh em tù. Dù rất thèm đồ ăn Việt Nam, có người đã mười mấy năm không được thăm nuôi, các anh đều ăn rất ít. Họ nói họ cảm động và vui mừng nên không muốn ăn. Những dịp Tết nhứt lễ lạc như vầy là lúc họ cảm thấy cô đơn và tủi thân hơn bao giờ. Họ thường tụ tập nhau đón xuân bằng cây đàn guitar và những bài hát vọng cổ hoài hương. Họ làm gì có được lát bánh chưng, khoanh bánh tét, nói gì tới được cả một nhóm người đồng hương vào thăm.

Mặc dù đã bàn trước là lúc vào trong nhà tù, chúng tôi sẽ xé lẻ ra, chia nhau nói chuyện với những người tù, tôi vẫn không dám bắt chuyện với ai, dù đứng cách họ có mấy bước. Bình thường tôi có tiếng là "mau miệng" mà hôm đó không nghĩ ra được câu gì để nói với họ. Biết nói gì bây giờ" Nói về mình thì không muốn. Nói về họ thì bắt đầu từ đâu" Quá khứ đã qua nhắc lại làm gì. Hiện tại trước mắt thì "chẳng có chút gì sung suớng" như lời anh B. Còn tương lai" Tôi không có can đảm hỏi họ về điều này. 

Tôi cứ đứng xớ rớ ở bàn để đồ ăn, sắp đi sắp lại mấy trái quít và đĩa kẹo đậu phọng, thầm mong sao cho mau đến giờ ra về. Có lẻ nỗi bất an trong lòng tôi hiện lên mặt nên có một anh tù đến bên hỏi:

- Em vào đây gặp những người như tụi anh lần đầu chắc sợ lắm" 

- Dạ. 

Tôi lí nhí trong cổ họng. Anh hỏi tiếp:

- Em học lớp mấy rồi"

- Dạ năm thứ hai đại học.

- Giỏi quá hả. Ừ, ráng học rồi làm nở mày nở mặt người Việt Nam. Đừng như tụi anh, con sâu làm rầu nồi canh…

Anh bỏ lửng câu nói thở dài. Tôi cũng im lặng không biết phải nói gì để an ủi anh.

Nói chuyện chưa được bao lâu thì đến giờ các anh em tù phải trở vào để điểm danh và trở về phòng giam. Cha Oneil' chụp cho tất cả mấy tấm hình kỷ niệm vì chúng tôi không được phép mang máy ảnh vào nhà tù. Chúng tôi xiết chặt tay nhau, hát một bài thay cho lời giả từ.

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.

Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa,

để con đem yêu thương vào nơi oán thù

đem thứ tha vào nơi lăng nhục

đem an hoà vào nơi tranh chấp

đem chân lý vào chốn lỗi lầm.…

(Kinh Hoà Bình - nguyên tác Thánh Phanxicô, lời Việt Kim Long)

Tiếng hát vang lên xen kẽ với tiếng sụt sùi. Một chị trong nhóm hôm đó "bị đứng lọt thỏn giữa hai anh to lớn", sau đó kể lại "khi hát tay họ run lên, lạnh ngắt; đôi mắt đỏ lên, nước mắt chảy dài trên má; đôi môi mím chặt không dám hát lớn sợ bật khóc". Những người tù coi to con, nhìn bặm trợn nhưng cũng có trái tim yếu mềm như tất cả mọi người. Họ đã sai nhưng họ cũng biết ân hận. Họ phải trả giá cho việc đã làm nhưng họ cũng cần sự tha thứ và ủi an. 

Tôi nhắm nghiền mắt để lòng bớt giao động. Người Việt Nam thành công đầy dẫy trên đất Mỹ. Mở tờ báo nào ra cũng thấy bao nhiêu bác sĩ, dược sĩ, doanh nhân thành đạt. Nhưng có mấy ai nghĩ đến mặt trái của cuộc sống, nhớ đến những mảnh đời lầm lạc tan tác đang thổn thức cô đơn nơi này"

Sau khi bóng những người tù đã khuất sau cánh cửa sắt, cha Oneil' dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng nhà tù và không quên giải thích cặn kẽ về lịch sử cũng như luật lệ của nhà tù.

San Quentin được xây từ năm 1852 bởi chính những người tù thời đó. Ban ngày họ xây nhà tù, ban đêm bị giam trên tàu "prison ship" tên Waban trong suốt thời gian xây cất. San Quentin giam cả nam lẫn nữ tù nhân cho đến năm 1934 khi nhà tù nữ ở Tehachapi mở cửa. Từ đó San Quentin chỉ giam nam tù nhân mà thôi.

San Quentin có tử tội trên "death row" chờ ngày bị hành quyết cũng như phòng hơi ngạt "gas chamber" duy nhất ở tiểu bang California. Tuy nhiên những năm gần đây phòng hơi ngạt chỉ được dùng để chích thuốc độc "lethal injections" cho những tử tội.

Mặc dù nhà tù thiết kế để chứa 3317 người, thời gian này San Quentin có gần 5500 tù nhân. Trại tù chia thành 4 khu, giam tù nhân theo từng khu tuỳ theo án nặng nhẹ:

- Level I: giam tù nhân với những án nhẹ như vi phạm lời hứa sau khi đã được tha (parole violators) với an ninh thấp nhất (minimum custody)

- Level II: giam tù nhân chung chung (general population) với an ninh trung bình (medium custody)

- Reception Center:  giam những tù nhân mới vào (new commitments) với an ninh trung bình (medium custody)

- Conđemne: đây là lầu 4 nổi tiếng với an ninh chặt chẽ gắt gao nhất (maximum security level) của San Quentin, nơi giam những người tù với án tử hình

Phần đông các tù nhân học lực rất thấp. Trình độ toán, văn của họ chỉ bằng trẻ em lớp 3 lớp 4. Nhà tù có nhiều lớp dạy nghề và dạy chữ cho họ. Có 4 chương trình chính:

- Prison Industry Authority: Làm bàn ghế và nệm giường

- Vocational: Giặt ủi, Điện, Phác Hoạ và In Hình, Xây Dựng Vườn Hoa Công Viên, Máy Móc, Sửa Ống Nước, Tiện

- Academic: Chương Trình Căn Bản cho Người Lớn, Trung HócBặng General Education Diploma, Tiền-Phóng Thích, Anh Văn, Chương Trình Đọc Viết

- Other: Những chương trình đặc biệt về Các Nhóm Công Tác Xã Hội, Trò Tiêu Khiển cho Thanh Thiếu Niên, Đạo, Nghệ Thuật Sửa Đổi, Nhận Thức Nạn Nhân, Điều TríTrạnh Thuốc Phiện, Liên Doanh, Máy Vi Tính cho các Trường Học, Tái Chế Mắt Kính, Sửa Xe Đạp

Ngoài những chương trình của tiểu bang kể trên, tù nhân còn có thể xin học những chương trình do liên bang hoặc tư nhân tài trợ. Điển hình là Prison University Project với những chương trình như:

- The College Preparatory Program: Để có thể ghi danh vào các lớp tính điểm Đại Học, học sinh phải có bằng Trung Học hoặc tương đương. Tuy nhiên, có rất nhiều người chưa chuẩn bị cho những lớp trình độ Đại Học khi bắt đầu chương trình  cho nên họ phải bắt đầu với chương trình "Chuẩn bị cho Đại Học" này với những môn toán và Anh ngữ.

- The Associate of Arts Degree Program: Đây là một chương trình mở rộng của trường Đại Học tư Patten University của thành phố Oakland. Khi hoàn tất chương trình, học sinh được cấp bằng 2 năm Khoa Học Xã Hội Nhân Văn.

- Transfer Eligibility Curriculum: Ngoài những lớp cần thiết cho chương trình Associate of Arts, chương trình này có những lớp như toán, sinh ngữ Tây Ban Nha, khoa học mà điểm có thể chuyển qua các chương trình Đại Học 4 năm University of California hay California State school systems.

- After Prison Advising: Chương trình này cố vấn cho học sinh có ý định học cao lên sau khi được phóng thích. Dịch vụ bao gồm giúp đỡ kiếm catalogue lớp học, đơn xin nhập trường, tin tức xin giúp đỡ tài chánh financial aid. Họ cũng giúp kiếm nhà ở, việc làm, điều trị bịnh ghiền xì ke ma tuý và những dịch vụ liên quan đến luật pháp.

Những tù nhân nhẹ tội trong San Quentin cũng có thể đi làm trong tù. Họ được trả lương rẻ mạt, khoảng 30 xu một giờ, và được lãnh chi phiếu vào ngày mãn hạn tù. 

Luật sư được vào gặp các thân chủ tù nhân vào những ngày thường. Từ thứ năm đến chủ nhật, thân nhân có thể vào thăm tuỳ theo giờ quy định cho mỗi loại tù nhân. Cuối tuần tù nhân cũng có thể gọi điện thoại cho gia đình nhưng chỉ được gọi local hay collect call. 

Họ được ăn ngày 3 bữa đầy đủ dinh dưỡng. Những món ăn hợp chủng Mỹ là chính, xen kẽ với thức ăn Mễ, Ý, Tây Ban Nha. Thỉnh thoảng có vài món Tây Tàu. Đồ ăn Việt Nam với mắm muối đậm đà thì tuyệt nhiên không có vì tù nhân Việt Nam chỉ khoảng 50 người, chưa tới 1 phần trăm tổng số tù nhân.

Nhà tù có nhiều giải trí lành mạnh cho tù nhân. Có phòng xem TV, sân chơi, phòng tập thể dục. Nhiều người tù trông lực lưỡng khoẻ mạnh không thua các lực sĩ.

Báo cáo năm tài chính (fiscal year) 1991-1992 cho thấy chính phủ tiểu bang tốn khoảng $20 ngàn một năm cho những chi phí của mỗi tù nhân ở San Quentin.

Đi sâu vào nhà tù, càng khâm phục sự bố cục an ninh chặt chẽ của người Mỹ tôi càng xót xa cho những kẻ bị tù đày. Bất cứ ở đâu, dù phòng ăn, phòng giam hay sân điểm danh đều có cảnh sát viên đứng trên cao với những khẩu súng trên tay, sẳn sàng nổ đạn nếu có sự lộn xộn ẩu đả xảy ra. 

Ở trong tù có rất nhiều băng đảng, năm này tháng nọ sống chung với nhau không tránh khỏi những ẩu đả xô xát với những người khác màu da và văn hoá. Người Á Đông dĩ nhiên là thiểu số, làm gì cũng phải dè dặt nể nang những sắc dân khác để được sống thoải mái. Họ sống đùm bộc và coi nhau như anh em một nhà. Khi một người trong nhóm bị ăn hiếp, tất cả mọi người đều phải bênh vực nhau cho đến cùng. Họ bắt buộc phải đoàn kết để sinh tồn.

Thảm nhất là những phòng giam. Mỗi phòng rộng chừng 11 x 45. feet, vừa đủ chổ cho 1 cái giường twin 2 tầng, 1 cái chậu rửa mặt, 1 cái cầu tiêu và một lối đi chật hẹp. Vậy mà 2 người bị nhốt vào một phòng nhỏ như vậy. Tôi thầm nghĩ làm sao họ có đủ không khí để thở!

Ra khỏi cổng tù, quay lại nhìn cánh cửa ngăn cách thế giới bên ngoài và những người tù thêm một lần nữa, tôi giang hai tay ngữa mặt lên trời hít một hơi đầy lồng phổi, để thấy trân quí cái không khí của tự do! 

Trời đã về chiều. Mặt trời đang lặn sau rặng núi. Xa xa những tia nắng tàn vẫn ra sức đùa giởn nhảy múa trên những đợt sóng nhấp nhô. Hoàng hôn trên biển đúng là một kỳ công tuyệt vời của tạo hoá. Cả bọn đứng ngắm một lúc trong thinh lặng. Có tiếng ai đó khẽ thở dài. Ừ. Cảnh đẹp thật. Biển đẹp thật. Nhưng sung sướng gì khi phải ngắm nhìn nó trong cô đơn tủi nhục từ sau những song sắt, mỗi ngày, trong 5 năm, 10 năm, 20 mươi năm hay suốt cả cuộc đời còn lại như trường hợp của những người tù chúng tôi vừa quen"

Chuyến thăm tù đầu tiên ấy để lại trong lòng tôi nhiều cảm xúc khó phai.

Chuyến thăm tù lần thứ 2 đông hơn. Có thêm Cha Đồng Minh Quang - linh mục thuộc địa phận Oakland, và các anh chị đi hụt chuyến đầu. Lần này đi vào ban chiều. Thánh lễ xong thì màn đêm đã buông xuống. Cha Quang làm nghi thức "sám hối". Đèn đóm trong nhà nguyện được tắt hết, chỉ để lại vài ngọn nến lung linh nơi bàn thờ. 

Chúng tôi ngồi vòng tròn, nhắm mắt nghe Cha đọc bài phúc âm về người con hoang đàng đòi cha chia gia tài, lấy tiền bỏ nhà ra đi ăn chơi phung phí để rồi khi bước vào đường cùng nghèo khổ đói khát, phải tha tấm thân tàn trở về. Người cha chẳng những không giận mà còn chạy ra giang hai tay ôm lấy con, vì "con ta tưởng đã chết nay còn sống, tưởng đã mất nay tìm lại đuợc".

Cha ơi nay con đã về

tội đầy cùng trời với cha

bao nhiêu tháng năm hoang đàng

một lần ghi dấu ăn năn …

(Cha Ơi Con Đã Về - Nguyễn Quang Hiển)

Tiếng hát vang lên cùng với vài tiếng khóc trong căn nhà nguyện tối. Giọng đàn ông ráng kiềm hãm tiếng khóc nghe uất nghẹn trong cổ họng. Thế mới biết có những lúc tha thứ cho người khác dễ dàng hơn tha thứ cho chính mình rất nhiều.

Chuyến thăm tù lần thứ 3, lần thứ 4, lần thứ 5…  lần thứ 10…  nhẹ nhàng hơn. Chúng tôi quen dần với thủ tục nhà tù và những người security gác cổng. Các anh em tù Việt Nam trông cũng đở đáng sợ hơn. 

Quen biết với họ lâu ngày, tôi thấy họ cũng giống mọi người. Có người hoạt bát vui vẻ, nói với chúng tôi đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Có người tư lự trầm ngâm, lần nào chúng tôi vào cũng thấy có mặt trong nhà nguyện (không phải người Việt Nam nào cũng muốn ra gặp chúng tôi) nhưng chỉ ngồi xa xa nhìn chứ không đến nói chuyện. Cũng có người nhìn chúng tôi, nhất là đám con gái, với ánh mắt hơi "lạ", làm chúng tôi "nhột nhạt" và "suy nghĩ", tự hỏi lòng có nên tiếp tục vào đây nữa hay không"

Một điểm chung mà tôi cảm thấy và nghe được từ những người tù Việt Nam là "sự đau khổ tận cùng của nỗi cô đơn, niềm cô quạnh và lòng khao khát được chút lòng cảm thông và an ủi của những người ở thế giới bên ngoài". Đối với họ đây là một món quà tinh thần vô giá để họ còn giữ được niềm tin vào tình người hiếm hoi.

Những lần vào thăm, chúng tôi tế nhị không hỏi họ về quá khứ. Những điều tôi không nên biết và cũng không muốn biết. Nhưng nhiều người cũng tự động kể cho tôi nghe. Đời sống họ cũng đủ hỉ nộ ái ố như ai. Chỉ khác là họ đã có lúc không tự kiềm chế, đi làm những chuyện phi pháp mà không một xã hội hay con người ngay thẳng nào có thể chấp nhận.

Có ân hận thì đã muộn. Tôi thấy tội nghiệp cho họ. Người Mỹ hay nói "Everyone have a skeleton in our closet". Ai cũng có một bộ xương giấu trong tủ áo. Ai cũng có quá khứ. Riêng họ thì không còn tương lai.

Chớp mắt đó mà đã 15 năm qua kể từ ngày chúng tôi đến thăm trại tù San Quentin lần đầu tiên. 

Cuộc sống bao đổi thay. 

Đám trẻ lớn lên, lập gia đình và bận rộn với đời sống riêng. Lý tưởng dấn thân phục vụ lu mờ theo năm tháng. Chúng tôi thưa dần những công tác thiện nguyện như đi thăm tù.

Riêng tôi thì đã mấy năm không bước chân vào San Quentin. 

Chỉ còn các Sơ vẫn đều đặn mỗi Chủ Nhật đầu tháng vào thăm các anh em tù Việt Nam.

San Quentin cũng đã thay đổi nhiều. 

Cha Oneil' già đáng kính đã về hưu không còn làm tuyên uý cho tù nhân nữa.

Vật giá leo thang, chính phủ Mỹ phải tốn nhiều hơn để trang trải cho các chi phí nhà tù. Năm tài chính (fiscal year) 2006-2007, với 1718 nhân viên (1033 cai tù và 685 người phục vụ), họ tốn một ngân khoảng hoạt động khổng lồ là $210 triệu. Với tổng cộng 5222 tù nhân, phí tổn đổ đồng cho mỗi đầu người là $40 ngàn tiền đóng thuế. Gấp đôi số tiền của 15 năm về trước.

Luật lệ nhà tù cũng gắt gao hơn.

Họ duyệt xét lý lịch của từng người đi thăm chứ không như xưa lên danh sách cả nhóm một lần rồi được vô hoài. Những ai muốn đi thăm tù phải điền đơn Visitor Questionaire (CDCR Form 106) và gửi cho Sĩ Quan lo về Thăm Viếng (Visiting Sergeant) qua đường bưu điện. Văn Phòng Thăm Viếng duyệt xét và chấp thuận đơn trước khi được vào thăm. Quá trình duyệt đơn tốn khoảng 30 ngày.

Thể lệ cách ăn mặc khi đi thăm tù và danh sách những gì được và không được mang vào nhà tù bây giờ dài lê thê. 

Quần áo mặc càng kín đáo càng tốt. Nếu ăn mặc không thích hợp có thể bị từ chối vào cổng. Một khi đã vào nhà tù mà thay đổi y phục thì sẽ bị đuổi ra. 

Những y phục bị cấm là:

- Màu sắc hay loại vải denim và chambray xanh giống của tù nhân

- Những bộ đồ giống nhân viên công lực hay lính

- Nón, tóc giả (trừ khi được chấp thuận trước)

- Áo quần hở hang hay mỏng manh

- Áo đầm, váy hay quần đùi ngắn hơn 2 inches trên đầu gối

- Quần áo hay trang sức có hình hay chữ khiêu dâm, tục tĩu hay xúc phạm đến người khác

- Những thứ nữ trang, áo lót có dây kẽm hay bất cứ gì có khả năng bị phát hiện khi đi qua máy dò metal detector

Những thứ cấm không được mang vào tù là:

- Tất cả các loại thuốc lá

- Thức ăn

- Kẹo cao su

- Ví

- Máy ánh quay phim

- Điện thoại di động

- Máy liên lạc pager

- Vật dụng để viết hoặc sách vở (trừ khi được chấp thuận trước)

Những thứ được đem vào bao gồm:

- 1 thẻ căn cước

- 1 ví đựng tiền lẻ trong (clear change purse)

- $30 cho người lớn, $10 đồng cho trẻ em bằng tiền cắc và tiền 1 đồng (trong tù có museum, gift shop và máy bán thức ăn, nước uống)

- 10 tấm hình

- 1 khăn mùi xoa handkerchief

- 1 bịch giấy kleenex chưa mở

- 1 cái lượt chải tóc

- 2 chìa khoá treo trong key ring, không được treo thêm gì khác

- 1 bịch đựng thuốc uống (phải được duyệt xét và chấp thuận)

- Những vật dụng cần thiết cho trẻ em nếu có em bé vào thăm như 6 cái tã, giấy chùi đã được niêm phong bởi hãng chế tạo, 2 bình sữa hay nước juice, 2 món đồ chơi nhỏ, 1 giỏ đựng tã trong, 1 bộ quần áo để thay, 1 cái chăn em bé, 3 hộp đồ ăn em bé đã được niêm phong và 1 muỗng nhựa nhỏ…

Vì nhà tù cũng không cho đem đồ ăn vào cho tù nhân nữa, các Sơ hết đem bánh mì thịt nguội và các món ăn Việt Nam vào cho họ. Mỗi lần đi thăm, các Sơ chuẩn bị một bịch đồ ăn trưa nhỏ cho mỗi người với lý do không muốn mua từ các máy bán đồ ăn trong tù, rồi không ăn mà lén lút nhường cho những người tù. 

Bây giờ có thêm Cha Nguyễn Quốc Hưng - linh mục trẻ thuộc dòng Phanxicô, và nhiều hội đoàn khác thay phiên nhau vào thăm tù nhân Việt Nam. Tôi đỡ cảm thấy xốn xang vì đã lãng quên họ.

Lá điện thư của Sơ Liễu hôm nay gợi cho tôi những xúc cảm tưởng đã quên của những lần đi thăm tù thời trẻ dại. Thấy thương cho người Việt Nam liều chết bỏ quê cha đất tổ ra đi tìm "tự do". Thương giới trẻ lưu lạc trên đất khách, đánh mất định hướng để rồi không tìm được lối về. Thương những thân phận đằng sau song cửa sắt, sống trên đất nước "tự do nhất thế giới" nhưng lại "không có tự do". Thương cho kiếp người sống không có ngày mai…

Tôi đi lại kệ sách lục lọi. Đây rồi. Vài tấm thiệp vẽ bằng tay họ gửi qua các Sơ vào những dịp lễ lạc. Mấy lá thư tâm tình đã đăng trong đặc san "Khung Trời Hy Vong". của nhóm. Trong đó có một lá thư của anh B khuyên chúng tôi giữ vững niềm tin nơi Thiên Chúa. Anh nói mỗi lần lâm vào trường hợp gian nguy trong tù, "tôi đều cầu xin Chúa che chở thì tự nhiên anh em chúng tôi đều được thoát nan". Và anh thêm,  "Mình mong các bạn lấy đó làm gương, hãy né tránh những gì vi phạm đến pháp luật, vì các bạn trẻ không muốn trở thành một người tù nhân như tôi…".

Càng nghĩ đến trường hợp anh B tôi càng nao nao buồn. Anh bị án chung thân, đã kháng án (appeal) và xin parole (phóng thích với điều kiện) mấy lần trong mười mấy năm tôi biết anh. Lần nào chúng tôi cũng viết thỉnh nguyện thư gởi cho thống đốc tiểu bang và quan toà xin giảm án cho anh nhưng chẳng có kết quả gì. Lần này không biết có khá hơn không"

Tôi ký tên vào thỉnh nguyện thư, kèm theo một ngân phiếu gửi cho Sơ.

Cầu mong cho anh dù kết cuộc thế nào cũng tìm được sự thanh thản bình an trong tâm hồn. 

Bài viết dự định ngừng lại ở đây thì được tin anh B đã được tha về. Anh đã kiếm được việc làm và cuộc sống mới tương đối ổn định. Tôi mừng cho anh. Con sâu năm xưa đã được vớt ra khỏi nồi canh và sống sót. Tôi thầm nghĩ sau khi đã vùng lên từ vực thẳm của khổ đau tuyệt vọng, biết đâu một ngày nào đó nó chẳng hoá kiếp và trở thành bướm"

Có một số người tôi gặp trong San Quentin mãn hạn tù, ra ngoài một thời gian lại bị bắt vô trở lại. Tôi không biết vì "ngựa quen đường cũ" hay vì cuộc đời không dung tha cho họ. Với một quá khứ như vậy, dù đã trả giá cho những việc đã làm, họ cũng không thể bắt đầu lại dễ dàng. Không có tiền, không có khả năng và nghề nghiệp chuyên môn, họ làm sao có thể hội nhập lại với đời sống bình thường" Họ làm gì để sống" Ai dám mướn những người có tiền án khủng khiếp như họ" Ai dám cho họ ở nhờ" Ai dám làm hàng xóm với họ"

Tháng 9 năm 2007 vừa qua, nhóm Việt Second Chance Family tổ chức tiệc gây quỹ ở San Jose. Họ là "tổ chức vô vị lợi nhằm mục đích giúp đở các thân chủ có tiền án làm lại cuộc đời để sống lành mạnh cho bản thân, làm tròn bổn phận với gia đình và xã hội".  Họ dự định "thành lập một nhà chuyển tiếp để những người có tiền án tạm trú, đồng thời hướng dẫn họ tìm những dịch vụ cộng đồng và giúp họ tìm việc, học nghề, học chữ".

Tôi đọc thiệp mời mà nghĩ đến những anh em đã được thả ra từ San Quentin. Họ đã trả giá lỗi lầm bằng chính tuổi trẻ của mình. Như anh B, ở trong tù 25 năm, dài bằng 1/3 cuộc đời. Nếu luật pháp đã tha, tôi mong xã hội cũng thôi lên án và nương tay để họ làm lại cuộc đời. Họ còn thiếu lại gì thì kiếp sau đã có Thượng Đế phán xét. Kiếp này cho họ một cơ hội thứ 2 để "phục hồi nhân phẩm con người".

Tôi hâm mộ mục đích và tấm lòng của những tổ chức như Việt Second Chance Family và nhiều tổ chức Công Giáo từ nhiều xứ đạo, đoàn thể. 

Cầu chúc cho các anh đã ra khỏi San Quentin nhiều may mắn. 

Cầu mong cho những anh còn ở lại tìm được sự bình an trong tâm hồn.

Gửi cho nhau "Kinh Hoà Bình" mà nhóm Đường Hy Vọng chúng tôi vẫn hát với các anh trong trại tù San Quentin nhiều kỷ niệm.

Lạy Chúa xin hãy dạy con

tìm an ủi người hơn được người ủi an

tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết

tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì,

chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh

chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân

chính khi thứ tha là khi được tha thứ

chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Ôi,

Thần Linh thánh ái

xin mở rộng lòng con

xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí

Ơn An Bình.

Nguyễn Trần Phương Dung

Ghi Chú: Tin tức về nhà tù San Quentin được tác giả trích dịch từ thông tin mạng: www google.com

Luật lệ thăm viếng lấy từ thông tin của tiểu bang:  www.cdcr.ca.gov

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,332,715
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.