Hôm nay,  

Hàng Phố Bâng Khuâng

28/12/200700:00:00(Xem: 428637)

Tác giả: Duy Tâm

Bài số 2187-1979-754vb5271207

*

Tác giả 37 tuổi, cư dân Midway City, CA, công việc: Civil Engineer, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt, trong số này có "Rằng Xưa Có Gã Làm Nail," một trong những bài được đọc nhiều trên Online. Bài viết mới của Duy Tâm là một chuyện nhẹ nhàng của hai chàng tuổi trẻ  tại quận Cam, gặp nhau ở Việt Nam, chia sẻ những kỷ niệm của một thời bất hạnh.

*

Chiến tranh Iraq, con tin Nam Hàn ở Afganishtan, bão lụt Việt Nam...

 "Nhức đầu quá, không thể nào chịu nổi nữa"

Tuấn ném tờ báo xuống đất rồi đi ra ngoài. Tuấn đứng dựa vào gốc cây Palm trước nhà, lấy điếu thuốc, bật que diêm.

Hôm nay là ngày giữa hè, một mùa hè dài nhất từ hơn 25 năm mang nặng kiếp người. Tuấn cho là như vậy bởi vì những tháng hè oi bức đã đi kèm với biết bao nhiêu là hệ lụy trần gian. Công việc làm ở sở căng thẳng quá sức chịu đựng đã đưa đến quyết định nghỉ việc của Tuấn. Tuấn bất cần và bất chấp những chuyện gì sẽ xảy ra sau đó khi chàng đi thẳng vào phòng của ông xếp để nói một câu "I quit" cho hả giận.

Trời trở gió nhẹ chỉ đủ để một vài chiếc lá mapple rời khỏi cành. Tuấn đi ra xe rồi phóng đi thật nhanh chút xíu nữa là chàng đã cán lên con mèo tam thể nhà bên đang chạy băng qua đường. Tất cả mọi thứ chung quanh dường như không còn đáng kể trước mặt Tuấn: Phố xá Bolsa nằm oằn oại dưới cơn nắng gắt.

Khi ra đến Freeway 405 Tuấn đi về hướng Nam, đơn giản là vì nó không kẹt xe. Tuấn cảm thấy cõi lòng nhẹ đi ít nhiều bực dọc. Chàng giảm tốc độ, quay cửa kiếng xuống hít một hơi thở dài đón nhận một chút luồng gió biển từ bãi biển New Port Beach. Tuấn đỗi qua freeway 57, rồi Freeway 22 rồi đột ngột chàng rời khỏi freeway xuôi theo một con đường nhỏ đi vào một thành phố nhỏ. loanh quanh chỉ có mấy con đường, một vài tiệm ăn rồi cuối cùng chàng dừng lại ở một công viên bên cạnh một dải nhà khá sang trọng theo kiểu cỗ điển của Anh Quốc.

Công viên tuy nhỏ nhưng rất đẹp. Một vùng cỏ xanh non lấm tấm những chiếc lá úa màu vàng lợt, không nhiều nhưng cũng đủ để báo hiệu sự sắp trở lại của mùa thu. Công viên được bao bọc bởi những hàng cây Mapple và cây liễu dương xen lẫn nhau như thể những người đàn ông mạnh khỏe đang sánh vai với những cô gái "buồn áo gầy vai". Xa hơn nữa dưới một tàng cây lá hỗ hoàng trơ trọi một chiếc ghế đá phũ khá nhiều những chiếc lá khô. Toàn bộ công viên giống như một bức tranh vẽ cảnh mùa thu thu hẹp, gọn gàng đơn giản mà lãng mạn.

"Mình phải đến ngồi ở chiếc ghế đá đó, chắc là mặt đá phải mát lạnh lắm"

Nghỉ đến cái mát lạnh của chiếc ghế đá, Tuấn chợt rùng mình và mỉm cười với chính mình. Ngoài kia thế giới đang chìm đắm trong chảo nước sôi, thì ở đây, ít ra trong giờ phút này Tuấn đã tìm được một chút thoáng mát của tâm hồn.

Tiếng đàn guitar và một giọng hát trầm ấm vang lên từ một ngôi nhà gần bên đâu đó. Tuấn nhận ra ngay đó là bài nhạc Còn chút gì để nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy

"Phố núi cao, phố núi đầy sương

Phố xá mênh mang, trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em đời còn dễ thương"

Tuấn đảo mắt nhìn quanh. Kỳ thật những căn nhà gần bên hình như là nhà của người Mỹ trắng mà chắc chắn là phải rất giàu có mới lọt được vào khu này. ở đây trong căn phố quý tộc này tìm được một người Việt Nam là một chuyện hi hữu.

"Em Pleiku má đỏ môi hồng

Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Đông.."

Chao ôi tiếng hát hay quá và tiếng đàn hình như cũng thong thả trầm bổng du dương như người hát. Bây giờ thì chàng đã nhận ra nơi phát xuất những âm điệu tuyệt vời đó.

Trên một chiếc balcony của một tòa nhà 2 tầng, đằng sau giàn hoa giấy màu tím đỏ phủ kín mặt tường có một chàng thanh niên Việt đang ngồi vừa đàn vừa hát. Anh chàng mặc chiếc áo thun màu trắng gọn gàng trong chiếc quần Jean màu xanh. Có lẽ anh ta chỉ chừng 27, 28 là cùng, Tuấn đoán là như vậy bởi vì trong cặp kiếng cận trông anh chàng giống như những chàng sinh viên Việt Nam mình thường gặp khi còn học ở UC Irvine.

Hình như chung quanh đây chỉ có Tuấn và chàng trai đó. Chỉ có hai người và những rung đọng dạt dào của âm thanh. Tuấn cứ đăm đăm nhìn lên chiếc lầu với hi vọng được làm quen với chàng thanh niên đó.

Tiếng điện thoại di động vang lên. Chàng thanh niên ngưng đàn rồi đứng dậy cầm máy lên. Tuấn nghe thoang thoáng giọng nói "Hello, Ok I will be right there" của anh chàng. Rồi chàng ta đặt chiếc đàn xuống chiếc ghế đẩu màu trắng, đi vào nhà đóng cửa lại. Khoảng 10 phút sau có chiếc xe Honda Acura TL màu trắng từ garage phóng nhanh ra đường rồi mất dạng ở khúc quanh gần đó. Tuấn đưa mắt nhìn theo lòng bỗng dâng lên một nỗi luyến tiếc lạ lùng. Chàng lại đưa mắt nhìn lên giàn hoa tím đỏ mà cõi lòng còn ngơ ngẩn luyến tiếc những âm điệu trữ tình của "Còn chút gì để nhớ".

 *

"Cô ơi còn bao lâu nữa thì đến nơi"

"Mình đến ngã ba B-15 rồi con.. Từ đây nếu mướn xe Van đi vô trại thì chỉ chừng trên 1/2 tiếng nhưng mướn xe mắc lắm. Kỳ này tiền cứu trợ không nhiều thôi cô cháu mình chịu khó đi xe lam nha con."

"Đi xe lam làm sao mà chất mấy thùng đồ được cô"

"Được con, mấy tài xế xe lam ở đây quen cô mà.. Vả lại họ biết cô vác đồ lên cứu trợ thì họ sẽ dễ dãi cho mình đó con."

Cô giáo Hà là cô giáo dạy lớp 5 của Tuấn hồi Tuấn còn học ở trường tiểu học Lê Thị Riêng ở Hòa Hưng Sàigòn. Nhà cô ở cạnh nhà Tuấn nên ngoài tình thầy trò còn có tình hàng xóm. Sau khi gia đình Tuấn rời Việt Nam năm 1990, cô vẫn ở lại tiếp tục nghề dạy của cô. Nhưng vốn tính hay giúp người cô tự đặt lên mình một trách nhiệm khác là làm công tác từ thiện. Cô không xin xỏ ai hay hô hào gì hết, ai biết việc cô làm muốn cho thì cô nhận, bao nhiêu cô cũng nhận. Có lẽ vì biết cô thật thà và rất là sòng phẳng nên một số học trò củ và cả đồng nghiệp của cô nay ở nước ngoài đều hay gởi về để cùng cô làm công việc thiện nguyện.

"Sao cô chọn nơi hẻo lãnh thế này mà đi. Thiếu gì viện mồ côi, viện dưỡng lão ở gần thành phố sao cô không đi đến những nơi đó"

Cô Hà nhìn Tuấn rồi lấy tay kí đầu Tuấn như ngày nào cô đã làm khi Tuấn đọc không trôi bài ngữ vựng.

"Người nghèo khổ thì ai cũng khổ con. Nhưng ở đây hẻo lánh quá nên ít người đến. Nhất là Việt Kiều làm việc từ thiện cũng đâu có ai đến chỗ xa xôi như chỗ này".

Tuấn thấy tấm bảng ghi là "Ngã ba Đoàn kết" dựng ở ngay ngã ba đường nên buộc miệng hỏi cô Hà:

"Cô nói là ngã ba B-15 nhưng tấm bảng lại ghi là ngã ba Đoàn kết. Từ ngữ Cách Mạng phải không cô"

Cô Hà và Tuấn đang đứng chờ xe trước một tiệm tạp hóa. Cô kêu Tuấn mua 2 ly nước mía giá $3,000 một ly rồi hai cô cháu ngồi bẹp xuống đất vừa uống vừa nghe cô kể chuyện.

"Trước 1975 có một đồn lính Mỹ đóng ở đây gọi là đồn B-15 nên dân địa phương quen gọi là ngã ba B15. Sau 75 nhà nước cách mạng đổi tên là ngã ba Đoàn kết nhưng không ai gọi tên này mà cứ xài tên củ. Nãy giờ mình đi trên quốc lộ số 14 nối liền thị xã Pleiku và Kom Tum. Con nhớ nha nếu lần sau có dắt bạn bè lên đây cứu trợ thì nhớ đến ngã ba này thì quẹo phải nha con.

"Cô ơi tại sao họ lại đặt tên là ngã ba Đoàn Kết vậy cô".

Cô giáo Hà bưng ly nước mía lên kê miệng vào ống hút rồi hút một hơi hết cả ly. Tuấn thấy ngồ ngộ vì ly nước mía này quả thật nó cũng khiêm nhường như cái giá chỉ bằng 20 cents Mỹ.

"Ở cái ngã ba này phía bắc là thị xã Kom Tum, phía nam là Pleiku nơi có người Kinh ở và bên phía Đông là con đường dẫn đến những địa danh nhỏ như Đắc Đóa, Suối Đợi là nơi dân tộc thiểu số sống từ bao đời. Sau 1975 có rất nhiều gia đình từ miền Bắc vô đây lập nghiệp đa số họ ở hai thị xã Komtum và Pleiku trong những căn cư xá đổ nát và cũ kỹ. Vì đây là ngã ba nối liền ba thế giới nên chính quyền họ đặt là ngã ba Đoàn kết với mục đích hô hào tình đoàn kết Kinh-Thượng cũng như người miền Bắc và miền Nam."

Tuấn đưa mắt nhìn quanh cái thị trấn có cái tên Đoàn kết này nhưng chỉ thấy lèo tèo một dải phố nhỏ chừng mấy chục căn nhà. Trời đã quá trưa, nắng dọi lên từng mái nhà như thể nó biết rõ từng căn một. Thị trấn buồn trông giống như một buổi chợ chiều của một vùng ngoại ô Saigon. Tuấn chợt nhìn thấy bên kia đường có một căn nhà 2 tầng lầu, tuy trông ọp ẹp và cũ kỹ nhưng trước nhà cũng có một giàn hoa giấy màu đỏ nhạt làm Tuấn nhớ đến dải phố ở thành phố Orange chiều hôm ấy.

Xe lam đến làm bắn tung bụi đỏ trên đường lộ. Cô Hà đi ra đằng trước nói chuyện với tài xế rồi cô nhoẻn miệng cười ra dấu cho Tuấn chất đồ lên xe. Bác tài nhảy lên trên mui xe trong khi hai cô cháu người nắm đầu người bợ dưới đáy đưa mấy thùng đồ lên.

Một chiếc xe máy từ đâu trờ tới. Chàng thanh niên dừng xe bên đường lộ bước rồi bước đến gần chỗ cô Hà rồi nói với cô bằng cử chỉ hết sức thân thiện và nhã nhặn

"Cô để cháu giúp cô nha"

Rồi anh quay sang nói với Tuấn "Ok anh và tôi cả hai bợ từ dưới đáy lên thì dễ hơn. Ok 1,2, 3"

Tuấn ngước qua nhìn anh bỗng dưng Tuấn cảm thấy cả người mình giật bắn lên như điện giựt khi trước mắt Tuấn chính là chàng thanh niên mà Tuấn đã gặp ở công viên thành phố Orange 2 tháng trước.

"Chào cô, chào anh."

Anh ta chỉ nói vỏn vẹn vài câu rồi rồ máy phóng đi như bay để lại những vết bụi đỏ nhảy múa trên con đường lộ.

*

Từ ngã ba B15 xe lam rẻ phải xui theo con đường đất đỏ ngoằn ngoèo,Tuấn để ý thấy cái hoang dã của vùng đất cao nguyên. Đi khoảng 3 cây số thì thấy một cây cầu nhỏ, một nhà thờ và một ngôi chùa nằm trên những con đồi có nhiều hoa bằng lăng tím. Trong cái mênh mông hiu quạnh của một buổi chiều nơi miền sơn cước Tuấn chợt thấy một người đàn ông dân tộc thiểu số đang đi một mình trên đường. Ông ta mặc một chiếc áo vải màu nâu, vai đeo một túi lớn có lẽ là hàng hóa mua từ thị trấn ngã ba Đoàn Kết lúc nãy. Khi xe chạy ngang ông ta đưa tay chào đoàn người trong chiếc xe lam. Trời đổ mưa lất phất, những sợi mưa nhỏ nhưng cũng làm cho cây cỏ núi rừng miền sơn cước đã hiu quạnh lại càng hiu quạnh hơn.

Tuấn quay đầu lại nhìn người đàn ông, bóng dáng ông đã chìm khuất trong làn sương mỏng. Nhưng đâu đây có lẻ sẽ có một mái nhà sàn nào đó đang âm thầm thả những làn khói chiều để chờ bước chân ông ta về với sự ấm cúng của gia đình.

Và rồi Tuấn lại nhớ đến một người: Nhớ tiếng hát đã vang lên làm xôn xao góc phố và xôn xao tâm hồn Tuấn. Tình cờ gặp lại nhau giữa cái ngã ba cô độc đó, Tuấn chưa nói một lời người ấy đã đi rồi. Chàng trai đó như ẩn như hiện không biết là anh ta đã đi về hướng Bắc đến thị xã Kom Tum hay sẽ xui Nam về thị xã Pleiku.

Xe lại chạy qua một khúc quanh rồi qua một cái cầu lớn hơn chiếc cầu trước thì thấy tấm bảng "Khu điều trị bệnh phong Dakkia" hiện ra trước mặt.

*

Đây là một trại nhỏ dòm từ xa trông có vẻ đìu hiu nhưng khi bước vào trong mới thấy nó cũng ồn ào, náo nhiệt và phức tạp. Trại này có quy hoạch khá rõ ràng, phía trước là một ngôi giáo đường kiên cố mà cổ kính với bàn thờ chúa xây bằng đá xanh, Bên cạnh nhà thờ là bệnh viện chữa trị những bệnh nhân cùi đã phát bệnh nặng, bệnh viện khá lớn vì đây là nơi duy nhất điều trị bệnh phong cho toàn tỉnh Kom Tum và Pleiku. Bên trong là khoảng mấy chục căn nhà thấp lè tè nằm gọn gàng trên một mảnh đất vuông vắn ngó xuống sông Dak Bla uốn mình dưới chân thung lũng.

Cô Hà kể cho Tuấn biết là dân số trong trại là gần 500 người, ít nhất là 1/3 trong số đó là bệnh nhân. Trại cùi do một bà sơ người Pháp thuộc dòng nữ tu Bác Ái Vinh Sơn sáng lập hơn 60 năm trước, sau đó bà đã qua Thái Lan xây thêm một trại cùi nữa và đã chết bên đó.

Cô kể tiếp:

"Đa số người trong trại là người dân tộc theo đạo thiên chúa, họ đi lễ rất chăm và nhà thờ được họ giữ gìn rất sạch sẽ. Nhiều linh mục ở Saigon muốn xung phong lên đây cai quản nhà thờ nhưng chính quyền không cho vì sợ xúi giục người dân tộc chống lại chính quyền. Trại có 28 người kinh được nhà nước trả tiền để làm việc toàn thời gian nhưng thật ra nhân viên cũng là do nhà nước đề cử toàn là những người quen biết với họ. Cách làm việc quan liêu của nhân viên nhà nước thấy rõ qua thói quen làm việc của họ. Họ chỉ làm thứ hai đến thứ năm mà lại đi trễ về sớm. Hầu như buổi chiều sau 2 giờ là họ bay về thị xã nhậu nhẹt hoặc lo công việc làm ăn khác. Do đó chính người dân tộc phải tự phục vụ những bệnh nhân cùi. Cũng may nhà thờ có các sơ luôn giúp đỡ nhất là sơ Mary Loan, năm nay sơ đã trên 80 nhưng còn khỏe lắm. Sơ Loan đến trại từ thời con gái và đã ở lại đây gần 60 năm rồi. Sơ dạy người bị bệnh nghề may, dệt, và sơ cũng dạyho. cách tự săn sóc bản thân"

"Người dân tộc hiểu được tiếng của sơ sao""

"Họ biết tiếng của người Kinh nhưng sơ cũng biết nói tiếng Bara, Giarai, Sêddăng... sơ giỏi và chịu đựng biết bao nhiêu là cay đắng nhất là chính quyền họ làm khó làm dễ sơ đủ thứ. Nhưng sơ nhất định bám vào mảnh đất hiu quạnh này Bên cạnh sơ Loan còn có một bà sơ người dân tộc tên là Tá Phương. Sơ Phương là nữ hộ sinh thời còn trẻ bây giờ qua ở bên nhà thờ phụ giúp sơ Loan"

"Cô ơi nhưng rồi họ lấy gì mà sống" Con nhìn chung quanh đâu có thấy ruộng nương gì đâu, chỉ có những mảnh ruộng khoai mì nhỏ xíu mà thôi"

"Những người dân tộc không mắc bệnh thì họ làm rẫy, đi làm mướn và làm nghề dệt. Người bị bệnh thì được chính phủ trợ cấp mỗi tháng là 200,000 tiền Việt Nam"

"200,000 tức là chỉ có 12 đô la phải không cô""

"Đúng rồi con, chỉ có thế thôi. Cuộc sống ở đây thường xuyên thiếu gạo. Họ không bao giờ có đủ gạo để mà ăn"

Cô Hà hình như ai cô cũng quen. Từ 2 bà sơ trong nhà thờ cho đến những người dân sống trong trại cùi Dakkia thậm chí đến mấy đứa nhỏ người dân tộc mình mẩy đen như than, tóc tai bù xù cứt mũi chảy tùm lum cô cũng kêu tên từng đứa. Trông những đứa trẻ thấy lành lặn nhưng nhiều em đã có mang vi trùng cùi trong người Tuấn thấy thật thương tâm.

Vì đến trại Dakkia quá trễ nên các sơ đề nghị hoãn việc phân phối đồ cứu trợ đến ngày mai. Đêm nay hai cô cháu ngủ qua đêm ở phòng trọ dành cho khách phía sau nhà thờ. Cô Hà thì mải mê trò chuyện với các sơ, riêng Tuấn thì vừa đói bụng vừa muốn tắm một cái. Sơ Loan dường như hiểu ý Tuấn nên sơ chỉ cho Tuấn chỗ tắm

"Cậu muốn tắm suối thì đi theo con đường sau nhà thờ vài trăm thước là có suối. Còn không thì phòng tắm cũng ở phía sau nhà thờ. Đi tắm suối đi, thanh niên mà"

Trong lúc Tuấn loay hoay tìm kiếm cái khăn trong túi đồ của mình, chợt Tuấn nghe sơ Loan khoe với cô giáo Hà

"Mấy hôm trước có một cậu dược sĩ từ Mỹ về ghé thăm trại. Cậu ấy đem mấy thùng thuốc tây đến giúp thiệt là tốt. Cậu ấy ở đây 3,4 ngày mới rời khỏi trại sáng hôm nay. Thiệt là một thằng con trai dễ thương và nhân hậu hết sức"

Tuấn giậc nảy mình.  "Có lẽ nào, có lẽ nào""

Cả một ngày trời Tuấn cùng cô giáo Hà và các sơ bận rộn chia quà cáp cho các gia đình những người trong trại. Những phần quà nhỏ nhoi như gạo, nước tương, đường, bột ngọt, lạp xưởng, thịt chà bông, tôm khô. Gia đình nào có trên hai người bị bệnh hoặc có nhiều trẻ con thì được thêm năm gói mì gói và một bịt bánh gai..Tuấn tuy sức trai trẻ nhưng vẫn không sao qua được cô Hà và các sơ. Họ làm việc thật hăng say dưới cơn nắng gắt và khô, giữa những trận gió bụi kinh hồn và giữa những con người bệnh tật bất hạnh nghèo đói và dơ bẩn. Đã nhiều lần Tuấn muốn mửa trước mặt mọi người., gương mặt tái xanh và mồ hôi thấm ướt đôi bờ vai của chàng.

Xế chiều hôm đó khi mọi công việc phân phát tặng phẩm coi như đã xong. Các sơ bảo cô Hà, Tuấn đi tắm và nghỉ ngơi. Cô giáo Hà kêu Tuấn đến một góc sau nhà thờ rồi nói

"Cô biết con muốn xuống thị xã Kom Tum chơi. Nhưng con có thể nán lại thêm một chút để cô nhờ một chuyện."

"Con sẵn sàng"

Cô Hà chạy vào trong phòng của sơ Hồng lôi ra một bao lớn rồi cô lôi ra cả chục bịt kẹo chocolate. Tuấn lấy làm ngạc nhiên vì sao kẹo không chảy nhưng rồi Tuấn hiểu ra rằng cô đã để hết kẹo trong tủ lạnh từ chiều hôm qua.

"Con đem kẹo sô cô la này phát cho mấy đứa trẻ con ở đây. Nhớ là chỉ cho con nít dưới 10 tuổi thôi nha"

"Làm sao biết ai dưới ai trên 10 tuổi"

Lần này cô lại đưa tay kí đầu làm Tuấn cũng phá lên cười.

"Thì nói vậy thôi chớ không lẻ xét thẻ căn cước tụi nó. Con thấy mấy đứa nào lớn quá thì biểu tụi nó đi chỗ khác"

Bọn con nít một lũ ít nhất là bốn năm chục đứa bu lại quanh Tuấn.  Tuấn đề nghị ra đằng sau nhà thờ nơi đó khoảng khoát và mát mẻ hơn. Tụi nhỏ ngồi thành một vòng tròn xoay quanh Tuấn. Tất cả đều đã được phát cho một thỏi kẹo chocolate như nhau. Trẻ con Việt Nam hầu như đều thích kẹo chocolate tuy nhiên đối với lũ trẻ ở đây thì đó là những món ăn xa xí phẩm mà chúng không bao giờ mơ tưởng tới. Sự thèm thuồng bộc lộ rõ trên từng nét mặt khi tất cả đều hối hả tháo phong kẹo chocolate ra ăn. Chợt Tuấn thấy một đứa bé trai chừng 7,8 tuổi đang nâng niu phong kẹo mãi mà không dám lột giấy gói kẹo ra ăn Tuấn liền hỏi em

"Bé ơi sao không ăn kẹo như các bạn""

Thằng bé đưa mắt nhìn Tuấn rồi lại cúi xuống nhìn phong kẹo

"Con để dành cho em con đang bị bệnh.ở nhà"

Tuấn muốn ứa nước mắt trước câu trả lời của thằng bé. Chàng bước đến xoa đầu thằng bé rồi hỏi

"Con có thể ăn phân nửa rồi chừa phân nữa cho em của con"

Thằng bé cứ mãi cúi đầu không dám nhìn ai nhưng nó cũng trả lời một cách bẽn lẽn

"Dạ không được. Lần trước con cũng bẻ ra ăn nhưng vì kẹo ngon quá con ăn hết luôn con chừa không được"

Lần này thì Tuấn đã phải rơi nước mắt.

*

" bâng khuâng chiều trở gió chiều

 Cao nguyên phố nhỏ đìu hiu quán buồn

 Cao nguyên chiều trắng màu sương

Quanh đi quẩn lại chỉ còn mình ta"

Tuấn ghé lại quán café nằm ở một góc đường nhỏ trong một khu thương xá khá bề thế của thành phố Kom Tum. Cả ngày hôm nay làm việc không một phút ngừng nghỉ nhưng Tuấn cảm thấy vui vì đã làm được một việc có ích.. Bây giờ lang thang một mình trên đường phố đã bắt đầu vắng người, Tuấn lại thấy thèm một ly café nóng khi cái lành lạnh của buổi chiều cao nguyên đang chầm chậm thấm vào da thịt.

Thị Xã Kom Tum nhỏ xíu nhưng có nhiều nét lạ lùng không tả. Trước hết Tuấn thấy cũng khá nhiều dinh thự xây thời Pháp và những dẫy phố cao chen lẫn với những chung cư cũ kỹ. Theo lời cô giáo Hà kể thì những khu chung cư xập xệ này là nơi định cư của một số khá đông người miền Bắc di cư sau cuộc đổi đời1975. Toàn bộ thành phố Kom Tum nằm trên một bãi cát màu nâu đỏ trông giống như thành phố Las Vegas chợt hiện lên giữa bãi cát vàng của miền sa mạc hoang vu.

"Đã 4 giờ chiều rồi, như vậy là mình còn trên một tiếng nữa"

Tuấn vừa xem đồng hồ vừa nói chuyện với chính mình bởi vì trước khi đi cô giáo Hà đã căn dặn là đừng quên là chuyến xe lam cuối cùng chạy về Suối Đợi là 5 giờ rưỡi.

"Chị cho một ly café sửa nóng ít sửa nhiều café, cám ơn"

Cô hàng café này cũng là cô em Bắc Kỳ nho nhỏ nhưng Tuấn không thấy cô ta dễ thương tí nào.  Cô ta nói đặc sệt giọng Bắc trước 75 và có vẻ trìu khách bằng một nụ cười duyên.

Cô Bắc Kỳ nho nhỏ bưng Café tới. Lần này cô lại cười duyên và có vẻ đẩy đưa với Tuấn

"Anh từ xa đến chơi""

"Dạ ở Saigon lên."

"Trông anh không giống như dân mình. Chắc là Việt Kiều phải không""

Không phải là dân mình" Thế tôi không phải là người Việt Nam hay sao" Tuấn nghĩ và khuấy ly café đang còn ngun ngút khói rồi trả lời cô một cách ngượng ngập chỉ mong cô ta để cho Tuấn yên.

"Người Saigon thật mà"

Cô gái bĩu môi như thể cô biết Tuấn đang nói dối. Cử chỉ của cô như thể rằng cô không có khờ đâu đừng hòng qua mặt gái Bắc Kỳ.

"Vâng, vâng."

Rồi cô quay lưng đi nhưng còn nói thòng thêm một câu

"Việt Kiều thì Việt kiều, ba đồng một lũ Việt Kiều, Cho đi cải tạo nó kêu rầm trời. Hứ, có gì mà phải giấu."

Tuấn cười thầm rồi đưa mắt nhìn quanh quán. Chỉ có vài ba người khách mà hình như ai cũng đều đi một mình. Quán café cao nguyên vắng trong một buổi chiều mùa Đông lạnh giá thế này làm lòng Tuấn chùng xuống. Tuấn đưa mắt nhìn quanh phố xá, đúng là “ddi dăm phút lại về chốn cũ” bởi vì nơi đây chỉ có vài con đường. Chàng nhìn ngôi nhà trước mặt cũng có một giàn hoa giấy nhưng màu hoa đỏ nhạt hơn. Tuấn cố tìm hiểu trong ngôi nhà đó có cái gì, có những ai" Họ đang làm gì và có ai đang thơ thẩn như chàng chăng"

Tuấn đốt một điếu thuốc, thả nhẹ một hơi nhưng rồi tự nhiên chàng lại đổi ý vứt điếu thuốc xuống đất rồi đưa bàn chân giẫm nát nó đi. Cử chỉ chàng dứt khoác lạ thường.

Trong lúc tâm hồn Tuấn đang buồn vui lẫn lộn trong cái đìu hiu của buổi chiều nơi thành phố lạ, có một người đang ngồi ở đằng sau Tuấn chợt lên tiếng

"Sao mới hút có một hơi lại vứt đi" Phí quá vậy""

Tuấn quay đầu nhìn lại, anh chàng đặt tờ báo xuống nhìn Tuấn. Dưới ánh sáng của cây đèn úa trong góc quán, Tuấn bàng hoàng nhận ra chính anh chàng ở thành phố Orange và cũng là người đã giúp Tuấn khiêng mấy thùng đồ lên xe 2 hôm trước.

"Anh, chính là anh bạn hôm trước tại ngã ba B15. Đúng là anh rồi!"

Anh chàng nở một nụ cười.

"Lúc nãy tôi ngồi đây thấy anh bước vô tôi đã tự nhủ "A cái anh này mình đã gặp ở đâu rồi"

Tự nhiên Tuấn cảm thấy trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả. Nhưng cũng có một chút rụt rè bỡ ngỡ.

"Anh tên gì vậy""

"Tên là Hùng, còn anh""

"Mình tên là Tuấn. Thế anh có tên tiếng Mỹ không""

Hùng trố mắt nhìn Tuấn trong khi bàn tay anh cứ vuốt vuốt vầng trán của mình như đang nghĩ ngợi điều gì

"Làm sao anh biết tôi ở Mỹ"

Tuấn không thể chờ đợi lâu hơn nữa

"Một buổi chiều giữa hè, khoảng 2 tuần trước tình cờ tôi có đến một công viên ở Orange City, tôi đã nghe một chàng thanh niên cầm chiếc đàn guitar hát bài hát này đây"

Rồi Tuấn hát khẻ

"Phố núi cao, phố núi đầy sương

Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn

Anh khách lạ đi lên đi xuống

May mà có em, đời còn dễ thương"

Hùng càng trố mắt nhìn Tuấn như thôi miên. Tuấn tiếp tục:

"Căn nhà 2 tầng đối diện công viên, có một giàn hoa màu tím đỏ. Does it sound familiar""

"Oh my God, wow! Vậy là anh đã biết tôi từ trước."

"Chiều hôm đó tôi còn nhớ anh đang hát thì điện thoại reng và anh đã ngưng hát ngưng đàn, nói chuyện gì đó rồi phóng xe đi mất dạng"

Hùng lại đưa bàn tay vò vò vầng trán.

"Đó là điện thoại của bạn tôi bảo rằng anh ta đã sẵn sàng chở tôi ra phi trường. Tôi đã rời Hoa Kỳ để về Việt Nam ngay trong buổi chiều hôm đo."

"Anh về Việt Nam để làm công tác từ thiện""

"Không, Hùng về để làm những chuyện Hùng cần phải làm. Đó không phải là công tác từ thiện. "

"Anh đã đi đến những nơi nào trong 2 tháng qua""

"Hùng đã đến An Giang, Trà Vinh nơi có những trận lụt kinh hồn. Hùng đã ra ngoài Thanh Hóa, Nghệ Tỉnh để cứu trợ cho những người bị bão và mấy hôm qua Hùng đã đến... Trại cùi Dakkia"

"Đúng rồi. Chắc Tuấn đã nghe sơ Loan kể lại."

"Sơ có kể chuyện về một chàng dược sĩ trẻ mà Sơ nói dễ thương lắm đã đến trại cho mấy thùng thuốc tây và còn qua bệnh viện giúp bác sĩ chăm sóc một số bệnh nhân cùi."

Trước mắt Tuấn, chàng trai dưới giàn hoa giấy màu tím đỏ của một căn nhà sang trọng ở một thành phố sang trọng giờ đã hóa thân thành một chàng thanh niên Việt Nam giản dị mà đôn hậu. Anh mặc chiếc áo thun màu nâu tay dài và chiếc quần jean nhiều túi, tóc hớt cao để lộ vầng trán thông minh.

"Á mà sao biết lái xe máy hay vậy""

"Tập dễ thôi mà. Hùng có bằng lái Motor Bike quốc tế đó."

"Vậy anh rời trại trưa hôm qua""

"Đúng, lúc gặp Tuấn và cô ở ngã ba B15 là lúc Hùng từ trại đi về Kom Tum. Hùng muốn khám phá thành phố Kom Tum một ngày trước khi trở về Ban mê Thuột."

"Như vậy thì Hùng chính là anh khách lạ đi lên đi xuống trong ca khúc Còn Chút Gì Để Nhớ rồi"

Hùng nhoẻn miệng cười có vẻ tâm đắc lắm.

"Đúng như vậy, chiều hôm qua Hùng lang thang một mình ở đây, thành phố này cũng như Pleiku, đúng là đi dăm phút đã về chốn cũ. Tâm trạng lúc đó bồi hồi mà thi vị lắm, cứ ngỡ mình là lãng tử không bằng."

Tuấn cười:

"Vậy thì có tìm được em nào má đỏ môi hồng chưa""

Hùng cười để lộ hàm răng trắng đều:

"Chắc là không, mà cũng không muốn tìm."

Tuấn ngước mắt nhìn quanh con đường trước mặt. Một ngọn đèn vừa lóe lên như nhắc nhở cho Tuấn đã đến giờ về.

"Oh Tuấn phải về thôi. Chuyến xe lam cuối cùng sắp rời bến rồi."

Gương mặt Hùng thoáng hiện vẻ buồn tiếc cho cuộc nói chuyện.

"Chưa vui sum họp đã buồn chia ly"

Đột nhiên mắt Hùng rạng rỡ lên dường như anh chàng mới nghĩ ra một điều gì

"Tối nay Tuấn ở lại đây đi, tụi mình thử làm hai anh khách lạ đi lên đi xuống. Nè cô Hà có cell phone không, gọi cho cô đi. "

Tuấn gọi cho cô Hà, cô cũng vui khi biết Tuấn gặp người bạn tốt. Cô chỉ dặn dò là sáng mai cứ chờ cô ở ngã ba B-15 đúng 10 giờ sáng để đáp chuyến xe đò về lại Saigon.

"Bây giờ tụi mình đi vòng quanh phố một chút, kiếm cái gì ăn. Sáng mai nhớ dậy sớm Hùng muốn dẫn Tuấn tới một chỗ rất là đặc biệt trước khi tụi mình chia tay."

*

Buổi sáng hôm sau mới tờ mờ sáng Hùng đánh thức Tuấn dậy rồi chở Tuấn đến một nơi thật hẻo lánh cách thị xã Kom Tum chừng 15 phút lái xe. Hai chàng thanh niên leo lên một ngọn đồi khá cao, ngừng chân tại một nơi thoai thoải. Hùng ra dấu cho Tuấn cởi giầy ra để cùng giẫm đôi chân trần trên những thảm cỏ xanh còn ướt sũng sương đêm. Từng bước từng bước một, những vết chân  của hai chàng bạch diện thư sinh, những bước chân đã từng mang giầy Nike, Addidas đã từng giẫm lên những thảm cỏ xanh được cắt xén cẩn thận ở những công viên miền Nam Cali, giờ đây đang bước những bước chân trần trụi trên những mảng cỏ dại của một ngọn đồi không tên của cao nguyên miền Trung nước Việt. Tuấn thấy chới với trước cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, cả một vùng núi đồi xanh biếc phơi mình ra trước ánh bình minh.

Không mấy khó khăn cho Tuấn và Hùng để lên tới đỉnh đồi. Mặt trời đã hé lên từ sau một ngọn núi cao ở phía Đông đem những tia nắng đầu tiên làm tan những giọt sương đêm trên từng cành cây ngọn cỏ. Những tia nắng đầu tiên đẹp một cách lạ lùng như thể người ta có thể đưa tay mà hứng từng giọt một. Trên đỉnh đồi cả một rừng hoa dại chen lẫn với những đám cỏ dầy. Hoa bằng lăng tím, hoa cúc vàng và cả những nhánh mai rừng nữa.

"Tuấn hãy nhìn xuống thành phố Kom Tum bên trái của mình. Thấy không, thành phố nằm gọn gàng nhỏ nhắn như một cái bánh in với những ô vuông"

Tuấn cười:

"Chưa hề thấy ai so sánh thành phố như cái bánh in bao giờ."

"Còn bên phải là con sông Dakbla, con sông chánh của cao nguyên Gia Lai."

Tuấn đưa tay chỉ ngôi giáo đường nhỏ nằm ven bờ sông:

"Đó là nhà thờ và trại cùi Dakkia phải không""

"Đúng đó chính là trại cùi Dakkia."

Như không muốn nhớ mãi những chuyện không vui, Tuấn lảng sang chuyện khác.

"Hùng bắt Tuấn lên đây với mục đích gì ngoài việc chiêm ngưỡng nét đẹp thiên nhiên""

Hùng đưa tay sờ lên bờ vai Tuấn rồi nói rất chậm:

"Không biết tại sao Hùng lại quí mến Tuấn dù chỉ mới quen nhau. Hùng muốn tâm sự thật nhiều với Tuấn. Hùng muốn kể cho Tuấn nghe một câu chuyện."

"Hùng kể đi"

Hùng đưa tay chỉ xuống trại cùi rồi nói:

"Mẹ của Hùng lúc trước đã từng sống nơi đó và đã chết nơi đó."

Tuấn tìm được một nhánh cây khô và một cục đá lớn liền ra dấu cho Hùng ngồi xuống. Hùng kể tiếp.

"Ba Hùng là sĩ quan chế độ cũ, sau 1975 ba đi học tập 3 năm về thì ba mẹ đưa nhau lên quê nội ở Kom Tum. Tuấn ra đời ở thị xã Kom Tum này trong khi gia đình thiếu thốn trăm bề. Tuấn học đến lớp 5 trường tiểu học Kom Tum thì sóng gió nổi lên trong gia đình Tuấn."

"Sóng gió" Có phải ba của Hùng đã có vợ bé bỏ mẹ Hùng""

"Không, ngày đó gia đình Hùng nghèo lắm. Ba đi học tập về đâu có làm gì được ngoài việc lên rừng đốn củi, đi làm thuê. Mẹ thì thể chất yếu ớt chỉ có thể trồng ít khoai sắn và làm việc nhà. Lúc đó Hùng học rất giỏi toán và được trường gởi đi thi học sinh giỏi toán ở Saigon. Nhưng gia đình Hùng không có tiền cho Hùng đi. Lúc đó Hùng buồn lắm nhưng không dám hó hé sợ ba mẹ buồn tủi thêm. Nhưng ba mẹ Hùng biết chuyện mà cũng không muốn cho con trai mình bị chúng bạn chê cười cho nên mẹ đã đi vay nợ của một gia đình giàu có. Sau đó để trả nợ cho người ta, mẹ đi làm công trong trại cùi Dakkia."

Tuấn nhìn xuống phía trại cùi. Một làn khói trắng bay lên từ sau nóc nhà thờ. Một làn gió gờn gợn thổi qua làm Tuấn rợn tóc gáy.

"Mẹ ở luôn trong nhà thờ với sơ Loan, cuối tuần mẹ cũng không về vì mẹ sợ tốn tiền xe. Ba nói nếu trả không đúng hẹn thì tiền lãi sẽ chồng chất lên thì còn khổ hơn. Ba Hùng cũng đi làm thêm ở trên rừng, mình mẩy ba bị sưng và khô đét như một thỏi than. Cả mấy tháng Hùng mới gặp mẹ một lần. Rồi một hôm.."

"Một hôm làm sao""

"Sơ Loan cho người báo cho ba là mẹ bị té xỉu và đã chở vô nhà thương Kom Tum. Ba dẫn Hùng chạy đến bệnh viện thì bác sĩ bảo rằng mẹ bị đủ thứ bệnh từ xơ gan cho đến lao phổi, thiếu máu, suy nhược. Thuốc men thì mắc mỏ nên mẹ nhất định đòi về. Ba mẹ nhìn nhau mà khóc làm Hùng cũng khóc theo. Bác sĩ có cho mẹ một ít thuốc dùng đỡ nhưng chính nhà thương cũng không có thuốc. Muốn mua thuốc phải mua chợ đen mà cũng không biết thuốc thiệt hay giả."

Hùng cố nén nước mắt

"Trong lúc cấp bách, chính sơ Loan đã cho ba mẹ một số tiền để mua thuốc. Hùng còn nhớ Sơ đã đích thân đến tận nhà để đưa tiền cho mẹ vì Sơ biết nếu Sơ không ép thì mẹ sẽ không lấy. Nhờ số tiền của Sơ mà mẹ Hùng kéo dài cuộc sống được hơn 1 năm. Sơ còn cho phép được chôn mẹ sau nhà thơ."

"Vậy Hùng có đến thăm viếng mộ của mẹ Hùng không""

Hùng đứng dậy chỉ xuống nhà thờ rồi vừa khóc vừa nói

"Nghĩa trang đằng sau nhà thờ nơi đó có mộ của mẹ Hùng. Sơ Loan chỉ cho Hùng mộ của mẹ trông nhỏ bé tội nghiệp như cuộc đời của bà. Sơ cũng kể lại cho Hùng chuyện của mẹ khi còn sống, mẹ đã làm việc vất vả như thế nào."

Tuấn đặt bàn tay lên vai Hùng an ủi. Đột nhiên Hùng đứng dậy chỉ xuống dốc đồi:

"Ngày đó mẹ hay dẫn Hùng lên con đồi này. Hai mẹ con chỉ lên được nửa dốc thôi. Hùng nhớ mỗi lần lên đây là mẹ hát bài hát Cỏ Hồng của Phạm Duy. Mẹ hát hay lắm, du dương lắm. Hùng rất thích nghe mẹ hát bài đó và đó là bài hát đầu tiên Hùng thuộc lòng khi mới vừa 8, 9 tuổi.

"Vậy Hùng hát cho Tuấn nghe đi."

"Hùng hát nha."

Rồi Hùng đứng dậy hát say sưa. Giọng hát lúc trầm lúc bỗng lúc lên cao lúc xuống thấp nghe thật tuyệt vời.

"Rước em lên đồi

cỏ hoang ngập lối

Rước em lên đồi

hẹn với bình minh

Đôi chân xinh xinh

như tình thôi khép nép

Hãy vứt chiếc dép

bước đi ôm cỏ mềm"

... Mời em lên núi cao thanh bình

Cỏ non ôm sát đôi chân mình

Mời em rũ áo nơi đô thành

Cùng ta lên núi cao thanh thanh

Em ơi đây con đồi dài

Như bao nhiêu mộng đời

Nghiêng nghiêng

nghe mặt trời yêu đương... "

Tiếng hát của Hùng như đem ánh sáng bình minh tưới lên trên đồi núi bao la, thấm vào từng đóa hoa, cọng cỏ. Tuấn cảm thấy cuộc đời như bừng lên sức sống, một cuộc sống thánh thiện khi mình đã trải lòng ra với tha nhân, với thiên nhiên. Một tình bạn trong sáng đẹp đẽ đã nảy nở trong lòng Tuấn.

 *

 Đã hơn một tuần sau khi trở lại Hoa Kỳ, Tuấn vẫn cảm thấy như mình vừa tỉnh một cơn mơ. Một giấc mộng dài đã làm cho Tuấn thấy vẫn còn choáng váng. Nhưng nhớ nhất là Hùng, người bạn chỉ quen nhau trong một thoáng mà đã để lại cho Tuấn thật nhiều kỷ niệm.

Bên hàng xóm lại vang lên giọng hát Thanh Lam, vẫn với cuốn băng CD Trịnh côn Sơn, vẫn ca khúc “Một cõi đi về.” Nhưng lần này Tuấn không cảm thấy bực bội như lần trước. Một sự bình thản gần như là dửng dưng dâng lên trong lòng Tuấn. Tuấn nhớ 4 tuần trước, có lần Tuấn cảm thấy cuộc đời thật chán nản và tuyệt vọng. Trong cơn chán nản cùng cực đó Tuấn đã tìm đến một thành phố nhỏ và từ dải phố bâng khuâng đó cánh cửa sổ đã hé mở cho Tuấn quen biết với Hùng. Từ đó một tình bạn trong sáng đã phát sinh như một món quá vô giá mà thượng đế đã ban cho Tuấn.

Đêm qua ngồi chat với Hùng trên Yahoo, Hùng cho biết sẽ không về Cali kịp ăn tết trung thu vì Hùng bị kẹt lại ở An Giang. Bà ngoại của Hùng muốn Hùng ở lại với bà.  Hùng có nhờ Tuấn đến thăm ba của Hùng.

"Từ ngày mẹ mất, ba của Hùng như một con đại bàng gãy đi đôi cánh. Ba không than, không nói một tiếng nào nhưng Hùng biết ba tự trách bản thân mình vì đã bất lực trước nghịch cảnh mới đưa đến cái chết của vợ. Từ ngày qua Mỹ theo diện HO, tuy sức khỏe rất yếu, ba đã làm lụng vất vả để cho Hùng được đi học đến nơi đến chốn. Sau khi Hùng tốt nghiệp dược sĩ ba mới nghỉ việc và sống một cuộc sống khép kín."

Tuấn lái xe trở lại thành phố Orange, đến công viên có chiếc ghế đá ngó qua căn nhà có giàn hoa giấy. Tuấn đi bộ đến chiếc ghế đá rồi đưa mắt nhìn lên dẫy lầu quen thuộc.

Trên ban công đằng sau giàn hoa giấy đã trơ trụi vì những trận gió cuối hè, Tuấn thấy một người đàn ông Việt Nam đang tưới những chậu kiểng một cách chậm chạp. Ông già đeo kính lão, mặc chiếc áo lạnh màu xanh, đầu đội chiếc mũ cũng màu xanh. Tuấn đoán biết đó là ba của Hùng.

Tuấn không thấy cây đàn Guitar, cả chiếc ghế mây màu trắng cũng không còn.

Ông già lụm cụm tỉa từng chiếc lá một. Một hồi lâu ông mới đi vào trong nhà và vài phút sau đó Tuấn nghe có tiếng chuông niệm Phật vang lên.

Tuấn biết là chàng phải chờ đợi cho bác trai tụng kinh niệm Phật xong thì mới thăm bác được.

Trong giây phút này Tuấn chợt nhớ đến Hùng và ca khúc Cỏ Hồng mà Hùng đã hát tặng Tuấn trên ngọn đồi xanh mướt cỏ ngoại ô thị xã KomTum.

"Hãy vứt chiếc dép

bước đi ôm cỏ mềm..."

Tuấn tháo đôi giày Nike ra, cởi luôn vớ rồi bước đi trên thảm cỏ non. Những mảng cỏ xanh mát lạnh êm ái dưới bàn chân Tuấn. Tiếng chuông niệm Phật vẫn vang lên một cách thanh tao, tĩnh mịch dưới bầu trời đầu thu ấm áp.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,249,832
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến