Hôm nay,  

Trước Thềm Lễ Hội…

22/12/200700:00:00(Xem: 884163)

Người viết: Phan

Bài số 2183-1975-750vb7221207

*

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục "Chuyện Vỉa Hè" trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài đặc biệt và nhận Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Bài viết gần đây của ông là chuyện... ma tại khu chăm sóc người già gần một bệnh viện Mỹ.  Hôm nay là chuyện ông “người Việt gốc lúa” trước mùa lễ hội Mỹ. Và ngày mai, là chuyện tâm tình mùa Giáng Sinh.

*

Mấy hôm nay gió mưa giầm dề ở Dallas, trời thì lạnh như Thượng đế cố tình trừng phạt đám vỉa hè chúng tôi. Nhưng theo dõi tin tức về thời tiết thì nhiều nơi còn khốn khổ hơn vì thời tiết như vùng Đông-Bắc Hoa Kỳ, tính ra chỉ tại mình ưa than.

Ngồi với mấy anh em ngoài ghế đá của khu thương mại này như mùa hè thì chịu không nổi lạnh, nhưng ngồi trong tiệm một mình thì buồn. Không khí lễ hội bừng lên từ những bóng đèn nhỏ xíu mà mang hứng khởi lớn lao đến mọi người, mọi nhà… trong niền vui chung đón Chúa sinh ra đời. Hình như người người quên đi những nhọc nhằn hiện tại; những khó khăn đang phải giáp mặt. Những nụ cười trong héo ngoài tươi với thương vụ xụt giảm vì kinh tế suy thoái ảnh hưởng tới toàn xã hội; mọi ngành nghề; mọi thương vụ… Những người đã có ăn có chịu với nước Mỹ thì thôi cứ vui đi để hy vọng sang năm sẽ khá hơn! Nhưng người mới tới Mỹ trong bối cảnh cuối mùa George W. Bush thì buồn vào hồn không tên với những khó khăn ban đầu trong bối cảnh xã hội không có gì sáng lạng như anh bạn mới của nhóm vỉa hè, mới từ Việt Nam sang theo diện đoàn tụ gia đình. Tuổi đời bốn mươi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nắng gió sông Tiền, sông Hậu làm anh già háp như người năm mươi mấy! Những ngày hè lên đến trăm độ F thì anh không làm sao mang nổi đôi giày tennis shoe trọn ngày, cứ một lát thì anh tìm chỗ ngồi, cởi giày cho hai bàn chân bớt nực, anh chỉ nghĩ ra được là không mang vớ cho bớt nóng, nhưng dè đâu đi giày không vớ thì mồ hôi chân nhớp nháp bên trong còn khó chịu hơn và hôi không chịu được. Anh khổ với hai bàn chân đất đã bốn mươi năm cuộc đời - nay phải đi giày.

Mùa lạnh đang về đón Giáng sinh thì anh hết làm việc vì bốn lớp áo mà người cứ run như cầy sấy thì làm ăn gì được" Cứ chốc chốc lại hỉ mũi ra máu vì heat trong nhà; trong xe… đâu cũng heat mà anh thì cứ lạnh; mũi cứ hỉ ra máu tươi như con cá; con chó bị đập đầu. Anh vừa buồn cá nhân; vừa lo bị đuổi việc thì kinh tế gia đình sẽ khó khăn… Anh đi tìm thông cảm mà cũng không biết đó là thứ hiếm hoi trong thời đại toàn cầu nên chỉ thấy những ánh mắt khinh khi, những nụ cười không thân thiện. Anh buồn hơn cái buồn bỏ lại ruộng vườn, chiếc xuồng tam bản… chút xíu! Buồn những ánh mắt thật là gớm giếc của đồng hương đã ở đây lâu, phần họ cũng đã quên nhiều về những ngày chính họ mới sang của mười, mười lăm, hai mươi năm về trước. Người trề môi nhiều nhất về anh chàng người Việt gốc cây lúa mới sang này đã quên hết những gì anh từng kể khi rượu vào lời ra… cũng trên vỉa hè này chứ đâu xa! Thử nhớ lại bên người Việt gốc cây lúa xem anh ta có bớt buồn được chút nào không, nên có người kể về ông chủ tiệm Nail Center (nghĩa là chỉ làm ngón giữa - không làm mấy ngón kia!) Người có ánh mắt miệt thị người Việt gốc cây lúa với cái tội mới sang, chân chưa quen đôi giày và chưa bỏ được tật ưa ngồi chồm hổm như ngồi cầu cá tra.

Nói cho anh nghe: Thằng cha Nail Center đó hả! Chính cái miệng tào lao của giả đã kể rằng: Được đi đoàn tụ năm 1990, bước chân xuống phi trường Dallas như bước vô mê hồn trận với đường hầm, thang cuốn, đường xe chạy gì mà hai ba tầng" Ơ Mỹ, giàu tới độ cất nhà lầu sáu bảy tầng để đậu xe hơi. (Hổng biết chỗ đậu xuồng thì làm sao cất mấy tầng để đậu xuồng") Giả kể hôm đầu tiên đến Mỹ như vầy! Hôm ấy cũng đang hè nhưng máy lạnh chạy u u trong phi trường làm giả phát lạnh run. Nỗi lo sợ ông anh rể với bà chị ruột mà không ra đón thì thật là không biết dắt vợ con đi đâu" Nội cái việc đi toilet trong phi trường đã nan giải, giả bang bang vô khung cửa mà giả nghĩ là nơi xả vì thấy ai từ trong đó ra cũng mặt mày hớn hở. Nhưng vừa bước chân vô thì bị bà Mỹ nghiêm mặt đuổi đi ra! Giả bị bệnh không hỏi - bệnh tự ái nên chịu trận tới hồi không chịu nổi mới nghe lời vợ là đi theo những người đàn ông. Lần này giả hên nên đến được nơi cần đến. Giải quyết được bầu tâm sự xong rồi thì chả thấy, chả biết cách nào mà dội nước"! Giả ra đi xuất ngoại - không mang theo quê hương mà chỉ mang theo cái khôn vặt, láu cá vườn của người Hồ chí Minh ven đô là nhìn trước, nhìn sau… không ai để ý mình thì… vọt! Mới quay lưng đi thì nước đâu tự động xả xuống bồn" Giả hoang mang dễ sợ! Không biết mình có bị phạt vì cái tội đi… không dội, bởi nghe nói ở Mỹ, đâu đâu cũng có máy quay phim (camera).fCon đường về nhà thăm thẳm giữa đêm đen, ông anh rể lái xe nghiêm nghị như ông Tổ trưởng Tổ dân phố đang chủ trì cuộc họp đóng góp ý kiến với Đảng. Ong anh rể bắt mọi người gài dây an toàn đến nghẹt thở, cấn bụng tới khó chịu… xe bon bon trên xa lộ 635 làm giả hoảng vì tốc độ quá nhanh. Giả há họng vì không ngờ ở Mỹ hiện đại đến người ta gắn triệu triệu cái đèn bé tí trên mặt đường, cứ chừng trăm cái đèn cam thì có một cái đèn xanh nước biển. Chẳng biết họ chạy dây điện cách nào dưới mặt đường xa lộ mênh mông" Tới đoạn giao lộ của 635 với xa lộ 35, rồi 75 thì hồn vía giả tiêu tan vì đường ba bốn tầng như vầy mà lạc một phát thì sang tới Kampuchia…

Về tới nhà ông anh bà chị đã nửa đêm, bà chị cho những tô bánh hủ tiếu lấy từ tủ lạnh ra lạnh ngắt, bỏ vô cái máy đen thui, bấm bấm… mấy nút như điện thoại, loáng một cái mà nó đã nóng bốc hơi! Chan nước lèo đang sôi trên mặt bếp - không có ba ông đầu rau mà nóng dễ tè - đặc biệt là bếp bên Mỹ không có khói!

An xong tô hủ tiếu nhiều thịt nhất mà trong đời giả mới được ăn lần đầu. Thịt của Mỹ thơm mùi… Mỹ, không dai nhách như thịt con mẹ bán hủ tiếu gánh ở đầu lộ nhà giả bên Việt Nam.

Bà chị hướng dẫn cho xài nước nóng, nước lạnh trong nhà tắm. Vậy mà vợ giả cũng bị phỏng như thường. Lên giường ngủ đêm đầu trên nước Mỹ như ngủ ghe vì tấm nệm nước trều qua trẹo lại, chòng chành làm không ngủ được. Giả len lén ra phòng khách, tính mở cửa ra ngoài hút điếu thuốc thì ngay cửa ra sân sau có cái điện thoại mà không có ống nói. Nó nhiều số như điện thoại đã đành! Lại có đèn xanh, đèn đỏ chớp chớp làm giả không dám mở cửa vì nghe bà chị nói đó là máy liên lạc tự động với cảnh sát! Khi đèn đỏ chớp mà ai mở cửa thì cảnh sát kể như trộm, tới bắt liền, nên giả không dám mở cửa ra sân để hút thuốc. Nhớ lúc ăn hủ tiếu, bà chị giải thích cái máy chạy như muỗi kêu trên đầu bếp là máy lọc mùi, lọc hơi khói, nên giả xuống bếp, tìm công-tắc mở máy đó lên và hút thuốc. Chưa tàn điếu thuốc thì toàn gia báo động, còi hụ như cháy nhà làm anh rể và chị hắn tung mền chạy ra hớt hãi, há họng, trơ mắt ếch!

Sáng hôm sau, anh chị đi làm, giả ngồi trong nhà nhìn lén qua màn cửa sổ, xe rác rô-bô tới lấy thùng rác bằng hai cánh tay sắt thiệt là dễ nể! Giả thèm thuốc quá nên nghĩ ra được cách mở cửa sổ để hút thuốc và nhả khói ra ngoài thì chắc không bị báo động giống đêm qua. Ai dè, mới mở cửa sổ, chưa mồi thuốc thì còi đã hụ, cái đèn đỏ trên trần nhà quay tít mù làm vợ chồng giả tông cửa chạy ra - vừa lúc cảnh sát đến… còng cái cụp! Hai vợ chồng được ngồi trong xe cảnh sát thì ông anh rể về đến nhà. Ong anh nói tiếng Mỹ lẹ như điện mà cảnh sát hiểu - giả nói từng tiếng: "tôi-là-em-bà-chủ-nhà-này" thì cảnh sát chẳng hiểu gì ráo! Họ hiểu ông anh rể nên mở còng cho vợ chồng giả vô nhà lại. Ong anh rể dặn dò: "Anh không set alarm nữa đâu, dượng có hút thuốc thì mở cửa patio ra sân sau, đừng ra đường…"

Sáng hôm sau nữa, con gái hắn mới 7 tuổi đầu nên thích nghi lẹ. Nó muốn uống sữa hiệu đầu bò cười trong tủ lạnh nhưng phải bỏ si-rô (syrup) màu hồng, thơm mùi dâu cho nó. Giả quyết định qua đường, sang chợ để mua si-rô cho con, con nhỏ 7 tuổi rồi mà ốm nhách tong teo, nó chịu uống sữa Mỹ làm vợ chồng hắn vui hơn được vàng. Hắn phải qua đường… cũng là tập đi chợ cho biết! Vợ giả đồng ý nên lấy ra 5 tờ hai chục đô-la mà bà chị chồng vừa cho tối hôm qua, đưa giả một tờ với cái Passport để thôi người ta không cho vô chợ. Giả từ giã vợ con… đi vào cuộc mông lung với cái Passport và hai chục đô-la.

Ra cửa nhà chỉ là con đường nhỏ mà cũng gắn đèn màu cam chút xíu dưới mặt đường. Giả nghĩ ỡ Việt Nam thì người ta sẽ cạy hết để đem về nhà xài, giả cạy thử một cái xem dễ hôn" Đang mày mò thì có ông Mỹ cao như cột đèn, đi tập thể dục ngang qua, ông ta ra dấu cho giả - không được cạy! Giả bỏ đi khỏi tầm mắt ông Mỹ rồi quan sát tiếp, không cạy được vì dán bằng keo Mỹ thì vô phương. (Sau khi trở về được nhà thì giả lấy con dao bự trong nhà bếp ra trước đường nhà, cạy thử một cái. Vỡ lẽ, nó không có dây điện gì hết! Chỉ là miếng nhựa màu cam phản chiếu, khi đèn xe chiếu vô nó thì nó phản chiếu cho người lái xe giữ lane mà chạy. Coi như giả hiểu biết về nước Mỹ - quá nhanh chóng! Kiến thức của giả đã sẵn sàng vô quốc tịch Mỹ vì giả biết hết rồi! Cái máy đen ngòm hâm thức ăn một phút - nóng phỏng tay là cái Microware; cái điện thoại có số - không dây ngay cửa ra vào không phải là điện thoại mà là cái… cái Alarm system để chống ăm trộm, muốn ra vô phải thuộc lòng và biết bấm bí mật mật mã mới được! Giả cũng hơi giận ông anh rể là không nói bí mật mật mã cho giả nghe vì chưa tin giả biết xài. Nhưng giả hết lo âu về việc bị phạt tội đi đái không dội trong phi trường vì ông anh rể đã giải thích là toilet trong phi trường xài sensor tự động, điều khiển dội nước tự động sau mỗi người xài. Mỹ ơi là Mỹ…

Thôi. Đi theo giả xem giả mua si-rô dâu cho con bằng cách nào" Giả đi hết đường nhỏ trước nhà, không cách nào đề băng qua đường lớn mà sang chợ. Thập thò xuống đường một chân thì rút lại liền vì xe hơi bên Mỹ chạy nhanh hơn máy bay! Cuối cùng giả liều qua nửa đường trước rồi tính cách qua nửa đường còn lại, sau. Giả qua được tới cột đèn giữa đường trong tiếng còi xe inh ỏi! Kệ cha tụi Mỹ không nhường người đi bộ. Ai nói Mỹ văn minh chỗ nào đâu" Ở Việt Nam mà lái xe kiểu này thì một ngày nó cán một ngàn người đi bộ. Giả tiếp tục canh me và liều mạng băng nửa đường còn lại để sang chợ, trong tiếng còi xe inh ỏi một sáng hè.

Giả trình Passport với tờ hai chục cho thằng Mỹ đen đứng sớ rớ ở cửa chợ. Nó gật đầu đồng ý cho giả vô chợ của nó. Giả đi giáp vòng chợ chỉ toàn là vật liệu xây dựng vì đó là chợ Home Depot. Thất vọng ra về thì hên, gặp được một người Việt Nam, chỉ giả băng qua một con đường lớn khác để vô chợ Albertsons - có bán si-rô dâu. Giả khôn ra được chút là chờ luồng xe bị chặn lại bởi đèn đỏ ở ngã tư thì ba giò bốn cẳng băng qua. Giả trình Passport với tờ hai chục để người đẩy xe chợ cho phép giả vô Albertsons. Đi lòng vòng xem người ta mua bán ra sao" Ơ Mỹ dễ thật! Ai muốn lấy gì lấy, không cần hỏi ai hết. Giả thấy phong Chocolate thơm nức mũi, giả mở ra ăn thử, nếu ngon thì mua cho vợ. Vậy mà bà Mỹ làm trong chợ không cho ăn thử! Mỹ lạc hậu tới vậy sao trời" Bán hàng ăn mà không cho thử! Giả không thèm mua Chocolate nữa, đi tìm cho ra si-rô dâu cho con gái - quan trọng hơn vợ.

Cuối cùng, giả trả tiền theo hàng người sắp hàng trả tiền thì dễ. Nhưng ra khỏi Albertsons thì mất phương hướng vì vô cửa này mà ra cửa kia! Giả khôn hơn đời là đi một vòng chợ để tìm lối mình vô ban nãy thì sẽ biết đường về. Nhưng cửa nào vô ban nãy thì giả không tìm được vì cửa nẻo giống nhau mới là… Mỹ. Đi lơn tơn ngoài bãi đậu xe… bị cảnh sát hỏi thăm sức khoẻ. Con nhỏ cảnh sát giỏi hơn tài xế taxi với xe ôm ở Việt Nam nhiều! Nó nhìn cái Passport với tấm bùa hộ mệnh của giả là địa chỉ nhà thì nó đã biết đường chở giả về tận cửa nhà. Chờ giả vô nhà, khóa cửa cẩn thận rồi nó mới đi.

"Con ơi! Ba mua được si-rô dâu cho con rồi nè!" Vợ giả phục tài ông chồng lanh lợi, tháo vát… mới qua Mỹ ba hôm đã biết đi chợ một mình. Thị đổ sữa trắng hiệu bò cười vô ba cái ly, cho si-rô dâu thơm nức mũi vào từng ly rồi quậy để cả nhà cùng uống sữa cho lên cân chứ ai nấy ốm quá! Nhưng cái chai si-rô giả mua bị cũ thì phải, vì càng quậy - ly sữa càng lên bọt! Con giả hớp một miếng rồi chê: ba mua si-rô không ngon. Vợ giả hớp một miếng rồi cũng thôi: Anh mua si-rô hết hạn hay sao mà khó uống! Giả tiếc một đồng hai mươi chín cent ($1.29) nên uống hết ba ly sữa. Sau đó đau bụng, ói mửa… vợ giả hết cách nên phải gọi bà chị về thì gọi được nhưng không gặp được bà chị vì người Mỹ bắt điện thoại bên đầu dây bên kia không hiểu vợ giả nói gì" Giả nằm chờ chết nhưng số giả lớn nên bà chị về tới nhà mà giả mới ngáp ngáp thôi! Chị giả phải tức tốc đưa giả vô bệnh viện xúc ruột vì giả đã mua và uống chai xà bông rửa chén mùi dâu.

Sau đó, giả cũng đi làm cu li ở  hãng xưởng, vợ đi học rồi làm nail, ra riêng ở aparterment. Vài năm ki kóp thì mua nhà, mua xe, sang tiệm… Bây giờ năm, mười ngàn đô-la là sang được tiệm Nail Center để chuyên trị ngón giữa được rồi! Tôi kể cho anh nghe để anh đừng nản về mình như hiện tại. Anh gặp nhiều khó khăn trong buổi đầu vì ngôn ngữ, phong tục, thời tiết... chưa quen rồi sẽ quen. Điều đáng nhớ là vài năm nữa anh đừng có chảnh như vợ chồng giả bây giờ! Vợ giả đã không còn chịu nổi mùi nước mắm, vô chợ Việt Nam thì nhức đầu, đi xe cũ thì chómng mặt… nên giả ăn hamburger muôn năm. Ăn riết cái thứ cao lương mỹ vị của Mỹ nên giả mất trí nhớ; quên hết tiếng Việt mà tiếng Mỹ thì chưa rành mới ú ớ không ra người; không ngợm là vậy!

Người Việt gốc cây lúa bán tín bán nghi nhưng vẻ thiểu não trên gương mặt ông Hai lúa đã tiêu tan. Anh ta suy tư để hỏi một câu mà theo anh ta là sẽ giải quyết được mọi vấn đề khó khăn trước mắt.

"Anh ở Mỹ lâu rồi nên chắc biết! Anh chỉ tui cách nào có thể mang đôi giày qủy này suốt ngày""

"Chuyện nhỏ thôi ông Hai, ông về nhà tối nay, lấy cái bùi nhùi rửa chén vô nhà tắm và chà rửa hai bàn chân ông cho thật sạch. Sáng mai, tắm trước khi đi làm cũng chà rửa cho thật sạch từng kẽ chân, gan bàn chân… mỗi ngày như vậy để tẩy hết chất phèn trên móng chân! Mỗi ngày thay một đôi vớ mới chứ đừng đi đôi vớ một tuần mới bỏ giặt. Nếu có tiền thì mua thêm vài đôi giày để mỗi ngày đi một đôi thì những đôi khác mới có thời giờ khô mồ hôi bên trong, không có tiền mua thêm giày thì ngày nghỉ ở nhà nhớ đem phơi đôi giày chiến ra nắng cho được khô ráo bên trong. Ong Hai sẽ cảm thấy thoải mái với hai bàn chân sạch sẽ trong đôi giày - rồi sẽ tới hôm bà Hai sai ra chợ mua bó hành, ông Hai cũng sỏ đôi giày rồi mới đi vì mang dép sẽ không lái xe được. Sẽ có ngày đi đôi dép thì ông Hai thiếu tự tin khi làm việc vì đi đứng không mạnh dạn như đi giày. Đó là ngày ông Hai ngồi nhìn hai bàn chân mình trắng nhách mà ngờ ngợ… có còn bước xuống ruộng được hôn ta"

Cái lạnh thì sẽ hết khi dưới da ông Hai tích lũy được ít mỡ. Nhưng tui cũng báo trước, lớp mỡ đó chính là thủ phạm xài hết tiền mà ông Hai chắt chiu được từ những ngày lạnh teo bây giờ! Ai không có thời giờ cho thể dục thể thao thì sẽ mất nhiều thời giờ và tiền bạc cho bệnh tật. Ráng đi ông Hai."

Ngoài kia tuyết giăng đầy, người Việt gốc cây lúa ngồi nhìn bầu trời xám xịt như tương lai một di dân kinh tế trong thời đại toàn cầu, nhưng khí hậu thì muôn năm trước tới ngàn năm sau không toàn cầu được. Quyền năng của Tạo hóa còn thử thách khoa học kỹ thuật - là những suy nghĩ trong tôi khi Giáng sinh đã thật gần.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,741,955
Captovan là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 1941, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013.
Tác giả Trần Đức Lợi, nguyên là Giảng viên Giải phẫu và Phân loại Động vật học tại Đại Học Khoa Học/Tổng Hợp Huế, Việt Nam; hiên là Thạc sĩ Tâm Lý Trị Liệu,
Từ 2 tháng Bẩy 2017, Giải thưởng Việt Báo bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Christina N. Cao lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, bằng một tự sự kể về "Ngày Việt Nam" và cuộc diễn hành quốc tế
Bác sĩ Võ Văn Tùng, chủ tịch Hội Thân Hữu Huế-Thừa Thiên tại hải ngoại vừ mãn phần ngày 20-6-2017 và tang lễ được cử hành ngày 03 tháng 7, 2017.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corporation;
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Bài viết đầu tiên của tác giả phổ biến vào tháng Bẩy 2016, thời điểm bắt đầu năm thứ 18 Viết Về Nước Mỹ. Tên họ tiếng Việt của bà là Trịnh Thị Đông, sanh năm 1951, nguyên là giáo viên cấp hai,
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Nhạc sĩ Cung Tiến