Hôm nay,  

Cha Con Mỹ Hóa

14/12/200700:00:00(Xem: 259424)

Tác giả:Trần Cẩm Tú

Bài số 2176-1968-743vb6141207

*

Tác giả là một bà mẹ, làm việc trong một công ty truyền thông tại Westminster. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là một chuyện vui gia đình  gốc Việt ở Mỹ.

*

Hình ảnh một ông Bố mặt mũi nghiêm nghị dậy dỗ con cái vào khuôn vào phép. Hình ảnh những đứa con sợ cha một phép gọi dạ bảo vâng. Hình ảnh một bà mẹ hiền lúc nào cũng dịu dàng vỗ về con cái, chống lưng cho con trước sự khe khắt của ông Bố... Có lẽ chẳng còn bao nhiêu trên xứ Mỹ này nữa, dù là ở một gia đình Việt Nam. Với những học thuyết nhân quyền, bình đẳng tư do...  thời nay không còn là thời xưa nữa.

Những gia đình VN khác trên xứ Mỹ, thay đổi như thế nào tôi không rõ lắm, còn cái tiểu gia đình của tôi thì đảo lộn xà ngầu. Mơ ước được làm một bà mẹ hiền - Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào - chỉ là một ước mơ không bao giờ đạt được của đời tôi. Tội lỗi là do ông Bố của các con tôi đã quên hết bổn phận làm cha, đã Mỹ hóa quá đáng, đưa con lên ngang hàng với mình - Buddy -. Hai đứa con gái của tôi rất sung sướng vì không phải sợ ông Bố. Còn tôi nghiễm nhiên trở thành bà mẹ La Sát vì bị lãnh bổn phận dậy dỗ con cái cho nên người.

Ông Bố rất dễ tính, xuề xòa sao cũng được, không bao giờ gắt gỏng la mắng con cái, nói với con giọng lúc nào cũng giỡn hớt như bạn bè. Nhà cửa bề bộn cũng không sao. Dọn rồi lại bừa ra, thôi khỏi dọn nữa cho khỏe. Con không phụ giúp Mẹ trong việc bếp núc thì khỏi ăn. Đói một chút bớt bệnh, bệnh qua cửa khẩu mà. Nhưng quá giờ ăn, chưa thấy cơm nước dọn ra thì ba bố con lân la ra gần tôi gạ gẫm

- Có gì ăn không Mẹ "

- Sắp ăn chưa Mẹ "

- Đói bụng rồi Mẹ nó.

Những hôm mệt mỏi trong người, làm hai Job, việc sở việc nhà không mệt sao được, lủi thủi nấu cơm ở trong bếp một mình, chẳng thấy bóng dáng ba cha con đâu, tôi bực bội gọi quý vị ra phụ một tay. Gọi hoài mà vẫn im hơi lặng tiếng tôi phải gào lên

- Trời ơi, chồng với con đâu rồi "

Lúc đó mới thấy quý vị lúp xúp chạy ra. Ông Bố cao giọng,

- Cái gì thế, bận ở trong nhà tắm, không nghe mà.

Tôi chưa kịp nói gì thì hai đứa đã tranh nhau tố khổ ông Bố,

- Bố xạo đó Mẹ, Bố ở nhà tắm ra lâu rồi

- Bố nói lờ Mẹ đi

Ông Bố củng đầu hai đứa,

- Nhiều chuyện đi, sao cứ gây chia rẽ Bố Mẹ vậy" Mà sao Mẹ gọi, hai đứa không chịu ra ngay, còn ở đó mà nói lung tung.

Thế là ba bố con cứ dậm chân tại chỗ cãi qua cãi lại...  để rồi chẳng làm gì phụ tôi cả.

Về việc học hành, ngay từ lúc hai cô nàng còn bé, tôi đã phải ra sức kèm hai cô nàng học vì ông Bố tan sở còn phải cắp sách đến trường để lấy bằng cấp cho bằng bạn bằng bè. Tôi đã phải la hét mỗi khi hai cô nàng chậm hiểu. Hai đứa vừa khóc vừa nói

- Mẹ dữ quá à

- Mẹ là bà chằng lửa.

Hai cô nàng bắt chước cách nói của ông Bố. Ông Bố hay gọi tôi là Bà Chằng Lửa Sửa Cầu Tiêu, mỗi khi tôi nổi cơn lục tặc với hai cô nàng.

Ông Bố chủ trương không ép, nhân sinh quan tùy mạng mỡ, không bạo động chỉ nói cho con hiểu rõ tầm quan trọng của việc học hành bằng một câu khủng bố,

- Bé không học, lớn lên đi bán Hambuger ở Mc Donald

Ông Bố tự sửa câu giáo huấn của Thầy dậy học mình - Bé không học lớn lên đi ăn mày - thành câu trên. Vì Ông Bố lý luận, theo báo cáo của các nhà tọc mạch bỏ công điều tra, ở nước Mỹ đứng nơi ngã tư đường làm ăn mày xin tiền giầu tiền lắm, ngày có thể kiếm hơn trăm bạc mà không phải đóng thuế.

Khi cô chị lên lớp mười hai, tôi giao nhiệm vụ cho ông Bố kèm môn Vật Lý cho cô nàng. Chẳng biết ông Bố dậy ra sao mà cô nàng gắt gỏng

- Bố dậy gì kỳ cục, con không hiểu gì cả.

Tôi tức cười quá, thầy không chê học trò dốt mà ngược lại trò la thầy dậy dở. Ông Bố thở dài thườn thượt. Cô nàng mếu máo,

- Bố cứ tưởng con thông minh lắm.

Ông Bố không thích việc nội trợ của đàn bà nên không để ý đến việc con gái phải tập nấu ăn. Lúc nào cũng bàn luận với các con về xe cộ máy móc thể thao tin tức thị trường chứng khoán...  những công việc của đàn ông. Ông Bố chỉ hai cô nàng cách thay bánh xe để lỡ có bị bể bánh xe dọc đường thì biết tự thay lấy. Nhìn thấy hai cô nàng khệ nệ bưng cái bánh xe to nặng nề, tôi phải gạt đi,

- Tụi nó đâu có sức mà làm, chỉ làm gì mất công. Nếu lỡ bị bể bánh xe, không có người giúp thì cứ chạy ra chỗ sửa xe hay về nhà. Hư bánh cũng phải chịu thôi.

Có một hôm, cô chị đi học về trễ, tôi đang trông ngóng chờ thì cô nàng bước vào nhà la lên

- Mẹ ơi , Bố chẳng chịu check xe cho con gì cả

- Sao vậy "

- Xe con bị cán đinh

Ông bố nhẩy nhổm cũng la làng luôn

- Sao cái gì cũng đổ thừa cho Bố hết vậy" Con với cái gì kỳ cục.

Cô nàng cười toe, chưa bao giờ cô nàng giận ông Bố vì không bao giờ cô nàng nghĩ ông Bố la thật cả.

Ông Bố cứ than thở về tình trạng Âm thịnh Dương suy trong gia đình, ba nữ ăn hiếp một nam. Nhưng vì Nam Tử Hán đại trượng phu ông Bố nói không chấp nhất mỗi khi bị yếu thế. Tuy vậy mỗi khi đưa con đi mua chó, ông Bố luôn luôn dụ khị hai cô nàng mua các chàng chó. Kết quả nhà tôi hai vợ chồng, hai cô con gái, môt nàng chó và ba chàng chó. Âm dương cân bằng rồi, nhưng khổ nỗi nàng chó nhờ cái mõm sủa hăng nên cũng nắm đầu ba chàng chó. Mấy cậu mợ chó cũng bắt chước hai cô chủ giỡn mặt tử thần với ông Bố. Mỗi khi tụi nó hư, tôi chỉ cần hừ một tiếng là cậu mợ chó cúp đuôi chạy đi trốn. Còn Ông Bố mà la, là cậu mợ chó gừ gừ ông Bố ngay lập tức. Ông Bố càng la tụi nó càng gừ gừ thêm, chạy về nép bên hai cô chủ rồi nhe răng nhìn ông Bố một cách dữ tợn, ra điều sẵn sàng ăn thua đủ. Hai cô con ôm bụng cười. Ông Bố tức giận nói

- Kiếp sau ta sẽ đầu thai làm người Nam Hàn.

Hai cô nàng trố mắt nhìn ông Bố,

- Tại sao lại là người Nam Hàn hả Bố "

- Tại sao không làm người Mỹ được... ăn nhiều, sướng hơn"

- Người Nam Hàn được...  ăn thịt chó thả dàn...  ha ha... cho tụi mày chết luôn...  ha ha...

Nghe câu tuyên bố rùng rợn của ông Bố, hai cô nàng há hốc miệng, mắt lạc thần như nhìn thấy người địa ngục mới ở dưới đất chui lên, hết cả cười. Các anh chị chó có lẽ cũng cảm nhận được sự nguy hiểm nên chỉ dám gừ gừ trong cuống họng. Tôi trông chờ một trận huyết chiến như Máu Nhuộm Bãi Thượng Hải. Nhưng Trời không chiều lòng tôi chút nào. Quanh đi quanh lại năm ba phút sau đã thấy ba bố con chễm trệ ngồi ỏ ghế salon nói cười rúc rích, các anh chị chó thì nằm ở dưới liếm chân quý vị rất ư là hòa bình.

Không hiểu sao ông Bố cứ âu yếm gọi tôi là Cục Nợ Đời. Có lẽ vì Hai Vai Gánh Nặng Sơn Hà, một cục nợ đời lớn và hai cục nợ đời nhỏ chăng" Thay vì ngâm Kiều tao nhã, ông Bố cứ bi quan ngâm ư ử

- Cuộc đời bốc... mà ăn...  ừ ứ ư

Cô em cũng ừ ứ ư... nhẩy vào ngâm tiếp sức

- Bốc nhiều ăn nhiều...  ừ ứ ư... bốc ít ăn ít... ừ ứ ư...

Mỗi lần ông Bố cảm mạo Đắt Kỷ Ho Gà, ông Bố luôn luôn rên ngâm ư ử

- Thôi nhé tôi sắp sửa ra đi...  ứ ừ ư... Vợ con tôi rồi sẽ thế nào... ừ ứ ư...  Sẽ bơ vơ không cửa không nhà...  ừ ứ ư...  Ôi thật là thảm sầu quá đi...  ừ ứ ư...

Và lần nào cũng vậy cô chị cười khành khạch... lên giọng...  ngâm trả lời

- Câu này...  đã nói lâu rồi...  ừ ứ ư...  Bây giờ...  vẫn ở nơi này ca ngâm...  ừ ứ ư...

Những ông Bố khác thì muốn con gái mình trau chuốt cho đẹp đẽ từ khuôn mặt đến dáng điệu cho ra vẻ con gái để dễ lấy chồng. Còn ông Bố này chẳng lưu tâm đến chuyện làm đẹp cho con mình. Con mua chiếc áo đẹp mặc vào, ông Bố chọc quê liền

- Bữa nay sao xí xọn vậy" Lắm chuyện quá đi.

Ông Bố lý luận

- Người đẹp không cần mặc quần áo đẹp. Người xấu lại càng không nên mặc quần áo đẹp... vì sẽ làm xấu hơn. Không mặc gì cả đỡ tốn tiền.

Hai cô nàng ào ào phản đối

- Vậy ở truồng hả Bố" Cảnh sát bắt ở tù đó.

- Bố này chỉ xúi dại, kỳ cục gì đâu

Có cơ hội chia rẽ tình cha con, trả thù ông Bố trốn trách nhiệm làm cha đẩy tôi thành bà mẹ dữ tợn, tôi thủng thẳng xuyên tạc

- Rõ ràng vậy mà tụi con không hiểu sao" Bố nói vậy để đỡ tốn tiền của Bố đó.

Lập tức hai cô nàng nhào tới thọc lét ông Bố để trừng phạt tội dám tiếc tiền với hai cô nàng. Ông Bố co rúm người lại vì nhột, miệng la như khóc - Đừng đừng - trong tiếng cười đắc chí của hai cô nàng.

Từ hồi nhỏ ông Bố đã cắt móng tay cho con, không cho con để móng tay dài làm điệu. Một hôm tôi thấy trên cánh tay của cô em có những vết bầm tím ngắt. Hỏi ra mới biết cô nàng bị một nhỏ bạn Ấn Độ cấu ngắt. Tôi hỏi cô nàng

- Sao con không cấu nó lại thật đau để nó chừa không cấu con nữa.

Cô nàng rơi nước mắt thổn thức

- Làm gì có móng để cấu, Bố cắt cụt lủn hết rồi.

Ông Bố lập tức dắt cô nàng đi học võ, cô nàng lấy được đai đen của con nít. Tuy không đủ sức tự vệ với mấy thằng Mỹ đen to con nhưng cũng đủ bình tĩnh... co giò chạy thật lẹ. Cho đến giờ này cô nàng đã lấy chồng rồi, vẫn đưa tay cho ông Bố cắt móng tay. Ông Bố rất sung sướng được làm nhiệm vụ này.

Những lúc ba mẹ con tâm tình, ông Bố cũng thích nhảy vào góp chuyện. Nhưng lại hay nhầm tên anh này vào anh khác, hỏi những câu lạc điệu, nói những câu không ăn nhập vào câu chuyện. Bị hai cô nàng phản đối, ông Bố cười hề hề

- Đứa nào kiếp trước giết người vô số kể nên mới dính vào tụi con đó ha ha...

Hai cô nàng thích có bồ đẹp trai cao ráo học giỏi, ông Bố khuyên

- Đẹp trai học giỏi làm gì hả con, cứ lùn lùn, làm business giỏi như ông Walmart là Bố thích nhất.

Việc la rầy con cái, ông Bố tử tế để dành cho tôi để được tiếng là cha hiền. Chỉ khi nào bực mình lắm mới càu nhàu sau lưng hai cô nàng. Tôi được dịp xúi ông Bố ra oai

- Anh la tụi nó đi anh. Không thể để tụi nó giỡn mặt hoài, phải làm dữ với tụi nó. Một câu anh la bằng mười câu của em đó.

Ông Bố ừ ừ, rồi lờ đi. Tôi tức quá, nhất định ép cho được, lúc đó ông Bố mới tạo vẻ mặt Nghiêm và Buồn, hắng giọng rồi cao giọng nói

- Tụi con hư quá đấy nhé. Mẹ xúi Bố ra la tụi con. Bố la thật đấy, không giỡn chơi đâu.

Hai cô nàng lại tưởng ông Bố có trò chơi mới nên vừa cười sằng sặc vừa nói

- Bố này hôm nay làm cái mặt hung dữ trông ngộ quá

- Bố muốn chơi trò la nhau hả, thôi chơi đánh nhau vui hơn.

Rồi hai đứa xông tới thọc lét ông Bố., ông Bố mặt mũi nhăn nhó co rúm người lại. Thật chán mớ đời, khổ cho cái thân tôi, muốn làm người Mẹ hiền cũng không xong.

Tại ông Bố như vậy nên hai cô nàng gần gũi với Bố hơn với Mẹ, đôi lúc tôi cũng tủi thân lắm.. Những ai có được ông chồng khó tánh bắt con cái vào khuôn vào phép thì nên mừng kiếp trước có đường tu cao nên kiếp này mới có cơ hội làm bà Mẹ hiền, đừng than thở đức ông chồng của mình nữa, kẻo lại bị quả báo như tôi.

Tôi mơ đêm mơ ngày, mơ thấy hai đứa nó mếu máo chạy đến ôm tôi

- Mẹ ơi cứu khổ cứu nạn, Bố la tụi con, bắt tụi con phải giúp Mẹ dọn nhà cửa, phụ Mẹ nấu cơm

- Bố la um xùm dữ lắm. Tụi con không thích Bố nữa, chỉ yêu Mẹ thôi, yêu nhiều lắm lắm

Mơ vào lúc ban đêm, tỉnh giấc tôi còn nằm im thích thú tưởng tượng tiếp cảnh hai đứa con âu yếm cất giọng vịt cồ hát tỏ tình với tôi

- Mẹ như bể rộng trời cao, ngọt dòng suối mát sáng sao chín tầng

- Mẹ là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời

Lòng tôi sung sướng và thoải mái vô cùng tận, cứ muốn nằm mãi trên giường để mà mơ.

Còn ban ngày lúc rảnh rỗi ngồi coi TV vừa ngủ gà ngủ gật vừa mơ, lúc tỉnh giấc mơ hoa nhìn quanh chỉ thấy có mình ta với ta, chẳng thấy tăm hơi ba bố con đâu, chỉ nghe thấy tiếng cười nói của ba bố con vọng ra từ phòng học.

Ba bố con hay hát bài ca Ngăn Cách với tôi vì sợ tôi... sai vặt. Tôi bực mình tra vấn

- Chuyện gì mà nói lắm thế, có phải nói xấu tôi không đó" Nói ít làm nhiều tốt hơn.

Ba cha con dẫy nẩy, tranh nhau nịnh.

- Làm gì có chuyện đó

- Ai cũng yêu quý Mẹ hết. Xin thề nói sự thực.

- Cầu Mẹ sống lâu trăm tuổi

- Không có Mẹ làm sao có cơm ăn

- Đi tiệm ăn... Bố kêu... tốn tiền lắm...

Tôi nản lòng quá, phải tự an ủi lấy mình, con gái bao giờ cũng gần gũi với Bố hơn với Mẹ vì như khoa học giải thích Âm Dương thu hút nhau, tổ tiên ta cũng có nhận xét - Con gái nhờ Đức của cha - mà.

Thời gian thấm thoát qua mau, tôi đã định cư ở nước Mỹ gần ba mươi năm rồi. Sau bao nhiêu năm tháng, làm lại từ đầu, vất vả nơi xứ người, đã trả xong nợ nhà, nợ xe, và nuôi con...  Các con tôi đã trưởng thành, yên bề gia thất. Đời cua cua máy, đời cáy cáy mang. Khi tôi lập gia đình nồi cơm không biết nấu vậy mà cũng tạo được một gia đình, cùng chồng nuôi con nên người. Rồi đời các con tôi cũng như tôi thôi. Cờ đến tay ai thì người ấy phất.

Ông Bố cứ khoe khoang nhờ ông Bố thả quả bom khủng bố Hamburger làm hai cô nàng sợ, phải chăm chỉ học hành nên đã trở thành hai cô bác sĩ. Điều tôi vui nhất là hai cô nàng có đủ khả năng làm thông dịch viên, tiếng Việt, khi bệnh viện có bệnh nhân VN không rành tiếng Anh. Mỗi khi có bệnh nhân Việt Nam hai cô nàng đều gọi Mẹ kể chuyện và khoe

- Các ông bà VN đó khen con nói tiếng Việt giỏi, không ngọng... hí hí

Chỉ tiếc là với chế độ CS hiện nay, các con tôi không có cơ hội phục vụ cho đất nước VN thân yêu của chúng ta.

Xin cám ơn nước Mỹ đã cho vợ chồng chúng tôi, các con tôi và tất cả những người VN tỵ nạn CS cơ hội sống đời tự do no ấm, hòa mình vào dòng sống của người dân Mỹ .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,300,065
Khi nói về biên giới, ai cũng nghĩ đến lằn ranh chia đôi giữa nước này với nước kia, mà ít ai nghĩ đến cái biên giới giữa cái sống và cái chết
Hàng năm, tuy không hẹn trước nhưng vợ chồng tôi cứ nhắm chừng con heo đất hơi nặng là lật đật đập ra mua vé lơn tơn về Việt Nam
Lâu nay tôi bị khó chịu ở cổ, rồi bị đau luôn cái chân bên phải. Mỗi lần muốn nhấc chân lên để bước đi, dù chỉ là một bước ngắn cũng đã là khó khăn lắm.
Chưa vào hè, Ontario, Đông CA có ngày nhiệt độ trên 100 độ F. Từ tiểu bang Texas trải dài qua vùng Trung Tây mưa lũ, nước ngập tràn sông Mississippi.
Năm đó, tôi theo bạn dự lễ ở nhà thờ, tình cờ ngồi bên cạnh một ông cụ trông ốm yếu, ho hen.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước My từ tháng 5/2019. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động. Sau đây là bài viết thứ hai.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết là nhà giáo về hưu, sống tại Canada. "Huế -Dallas" là bài viết đầu tiên kể về người chị và những kỷ niệm thời mới lớn của hai chị em tại Huế đã được phổ biến từ tháng Sáu 2019. Bài thứ hai, mới nhất, là một truyện tình khác thường, dữ dội như lời ca Phạm Duy, “Yêu người xong chết được ngày mai.” Nhân vật chính, một người nữ gốc Việt sinh tại Hoa Kỳ, và một chàng Argentina. Họ gặp nhau trong lễ hội hóa trang tại Venice. Chuyện được nàng và chàng trực tiếp kể bằng lời tự sự, cho thấy cách viết độc đáo của tác giả. Mong bà tiếp tục.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả đã nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Viết về nước Mỹ sang năm thứ 15, cô nhận thêm giải danh dự với tự truyện về bệnh lãng tai bẩm sinh. Bài viết mới là một du ký tháng Bẩy, bên cạnh nơi thăm viếng chính là Smokies Mountain, có nhiều ghi nhận thú vị và hữu ích về chặng đường ngàn dặm lái xe qua 4 tiểu bang của nước Mỹ.