Hôm nay,  

Món Quà Giáng Sinh

11/12/200700:00:00(Xem: 211515)

Tác giả: Anthony Hưng Cao

Bài số 2172-1964-739vb2101207

*

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa, Nam California. Bài đầu tiên của Anthony Hung Cao viết về nước Mỹ là "Con Búp Bê", một câu chuyện cho thấy tấm lòng của người viết: nhìn con trẻ hạnh phúc tại Mỹ, nhớ những tuổi thơ bất hạnh ở quê cũ.  Bài viết thứ ba của ông dành cho mùa Giáng Sinh đang tới vẫn với tinh thần ấy.

*

Chỉ còn lại một mình Long ngồi trên bãi cỏ gần lối pick-up nơi phụ huynh thường dừng xe đón con sau giờ tan học.

Sân trường Bolsa Grande vài phút trước đây còn vang tiếng cười đùa lẫn với những tiếng "bye" hay "see you later"của đám học sinh trung học trước khi chui vội vào những chiếc xe hơi đang đậu sẵn hoặc rảo bước đi bộ về nhà nếu nhà chúng không quá xa trường. Long theo học ở trường này cũng gần được một năm kể từ lúc Long theo bố mẹ qua Mỹ theo diện H.O. Dù nhà ở xa trường, Long đã nhiều lần xin mẹ được đi bộ về nhà để khỏi làm phiền đến má, nhưng má Long vẫn chưa cho vì sợ không an toàn. Ba Long thì làm assembly ở hãng điện tử trên Los Angeles đến tối mịt mới về. Má Long tuy làm gần hơn nhưng lại chưa có bằng lái xe nên hàng ngày má phải nhờ cô bạn làm chung ở shop may tiện lúc lái xe đi mua cơm "chỉ" để dành cho buổi ăn chiều, ghé ngang trường đón Long luôn thể. Hôm nay chắc cũng như mấy lần trước, má của Long và cô bạn chắc phải ở lại trễ để may hết đống quần áo cho chủ shop đem đi giao. Giáng Sinh sắp đến nên hàng về nhiều và bận rộn hơn.

Nhìn món quà đang cầm ở trên tay, Long nhớ lại buổi tiệc Giáng Sinh nho nhỏ do thầy Johnson vừa tổ chức cho lớp của nó. Cách đây một tháng, thầy thông báo về buổi tiệc Giáng Sinh với phần "gift exchange" mà lúc mới nghe Long còn bỡ ngỡ không biết là cái gì. Long nhớ hồi còn ở Việt Nam không có cái tiết mục "rút tên đổi quà" này. Ở Mỹ có cái trò này cũng hay vì nó tiết kiệm tiền cho những đứa học trò nghèo, chỉ phải lo mua quà cho một đứa nào đó được rút trúng tên mà thôi. Thầy Johnson ra qui định là mỗi phần quà không quá 20 đô la, và mỗi đứa viết vào mảnh giấy 3 món quà mà mình thích để người tặng có thể chọn ra một trong ba. Không ai được tiết lộ mình bắt trúng tên của người nào để cho tăng thêm phần hồi hộp và bất ngờ lúc đổi quà.

Kể từ lúc rút trúng tên của Bill, Long phân vân không biết nên chọn món quà gì để mua cho nó. Long không thân với Bill lắm mặc dù Bill cũng là người Việt Nam, nhưng nó nói tiếng Việt không rành. Bill thường hay tụ tập với vài đứa Việt nam khác trong lớp để làm thành một băng quậy phá nhất trong trường. Không tháng nào mà Long không thấy một trong mấy đứa tụi nó phải lên "trình diện" ở phòng hiệu trưởng. "Kỷ niệm" đầu tiên của Long với Bill là ngày đầu tiên mới nhập học, Bill đã khệnh khạng đi tới giả bộ bắt tay để chào Long.

- Hey, chào ông..."Dài".

Cả đám Việt Nam được dịp cười ngặt nghẽo chỉ trừ mấy đứa Mỹ không hiểu gì cho đến khi tụi nó được giải thích chữ "Long" dịch qua tiếng Việt có nghĩa là "Dài". Kể từ đó Long có một biệt hiệu là "Long Dài", với đủ thứ cách phát âm lơ lớ chữ "Dài" của tụi bạn một cách vô tình hay ác ý. Biết mình mang thân phận của "ma mới" không thể tránh khỏi cảnh bắt nạt của tụi "ma cũ", nên Long phải cố nhịn, nếu không, nó sẽ chọc lại thằng Bill là "Bill Hoá Đơn" cho bỏ ghét. Tuy nhiên, chỉ gần một năm với thành tích học tập xuất sắc của Long đã làm cho đám "ma cũ" phải nhìn nó bằng con mắt nể sợ lẫn khâm phục.

Lần này trời xui đất khiến, Long rút trúng mảnh giấy của Bill với chỉ một hàng chữ vỏn vẹn "You know what I want!". Làm sao Long biết nó muốn gì, chẳng nhẽ hỏi nó thì kỳ.

Thay vì xin má cho tiền để mua quà, Long năn nỉ má để phụ cắt chỉ đống quần áo mang về từ shop may để dành tiền mua quà. Gần đến ngày "gift exchange", Long cũng để dành được hơn 20 đô la để mua quà. Năm nay Cali có vẻ lạnh nên Long nghĩ không có món quà nào ý nghĩa hơn là mua một cái áo ấm sweater cho Bill. Long nghĩ chắc Bill sẽ rất vui khi nhận được một món quà đầy ý nghĩa được mua bằng chính những đồng tiền dành dụm được từ những đêm Long thức thật khuya để ngồi cắt chỉ đống quần áo. Trong buổi tiệc mừng Giáng Sinh hôm nay ở cuối giờ học, cả đám học trò ồn ào, hồi hộp mở món quà của mình ra và để xem ai là người cho quà. Long để ý xem phản ứng của Bill ra sao khi nhận được quà của mình. Long chỉ thấy Bill hững hờ nhét chiếc áo sweater vào cặp, miệng lẩm bẩm với mấy đứa bạn đứng cạnh:

-Not cool! I thought everyone knew I like games.

Bill đang bực mình vì nó tưởng nó sẽ nhận được một cái game chip mới.  Long cảm thấy như có một cái gì dâng lên trong lòng làm cổ họng nó đắng chát. Long không buồn mở món quà Giáng Sinh ai đó tặng cho mình. Long chợt nghĩ đến món quà Noel mà ngày xưa nó tặng cho Tân, với bao nhiêu kỷ niệm  khi còn ở Việt nam chợt hiện về...

*

Những buổi trưa hè ở Việt nam thường hay nóng bức. Thỉnh thoảng những cơn gió thổi qua làm cuốn theo những đám bụi mịt mù. Long lấy tay quẹt bụi bay vào mắt. Thằng Tân đi bên cạnh nó cứ bước xăm xăm như chẳng coi mấy đám bụi ra gì. Long quen Tân từ hồi còn học ở lớp 3 trường Chánh Hiệp B. Thắm thoát mà đã mấy năm trôi qua kể từ lúc thằng Tân với nước da ngăm đen vì sạm nắng, nhoẽn cái miệng cười lộ hàm răng súng hết hai cái răng cửa của nó, đến làm quen với Long để mượn cái bình mực. Rồi hai thằng quen với nhau lúc nào cũng không hay.

Nhà Long ở giữa con dốc Nhị Tì đỗ dài đến tận Suối Giữa, còn nhà thằng Tân ở đầu dốc, giữa cái xóm mà người ta quen miệng gọi là xóm "Cạy Dăm". Tiếng là xóm nhưng thật ra chỉ khoảng chừng vài chục căn nhà được dựng tạm bên con đường quốc lộ số 13. Tân không nhớ từ lúc nào ở ngay Mũi Tàu có một trạm "kiểm lâm" được dựng ra để kiểm tra gỗ chở lậu ngang qua đây. Trạm nằm giữa con đường quốc lộ nơi bắt đầu chia ra hai nhánh, một chạy thẳng ra chợ Bình Dương rồi nối tiếp lên Chợ Búng, Cầu Ngang, còn phía bên kia mà người ta quen gọi là đường "xa lộ" chạy về hướng Sài Gòn.

 Từ lúc có trạm kiểm lâm, xóm "Cạy Dăm" cũng dần dần được hình thành. Dân từ những nơi khác đến cũng có, mà dân ở quanh đây cũng có, tập hợp lại thành cái xóm này. Nguồn sinh sống chủ yếu của họ là tranh thủ cạy những vỏ cây mà người ta gọi là "dăm" từ những chiếc xe chở gỗ, hay còn gọi là xe "be", từ những vùng núi xa xôi chở những cây gỗ về, để bán làm củi thay cho than hay gỗ. Những chiếc xe be này phải dừng lại ở trạm kiểm lâm để kiểm tra xem có chở quá số gỗ quy định hay không trước khi được cho phép lăn bánh tiếp về thành phố hoặc những xưởng chế biến gỗ. Không ai biết được có bao nhiêu vụ hối lộ cho nhân viên kiểm lâm đã xãy ra ở đây. Có nhiều khi những chiếc xe này do không đủ giấy tờ hợp lệ phải đậu lại vài ngày đến cả đoàn mấy chục xe đổ dài từ Mũi Tàu đến con Suối Giữa. Mỗi khi có những chiếc xe chở gỗ dừng lại là xóm của Tân chộn rộn hẳn lên. Long từng chứng kiến cảnh hàng chục người với chiếc "xà beng" trên tay đổ ra từ khu xóm để chạy theo những chiếc xe trước khi chúng dừng hẳn lại. Có người đứng dưới đất, có người leo lên những chiếc thang tre để cạy những lớp vỏ cây quăng xuống đất. Tiếng cãi vả, tranh giành từng khúc cây một để cạy lấy vỏ, tạo nên một khung cảnh rất ồn ào, hổn độn, diễn ra hàng ngày trước mắt bọn trẻ như Long và Tân. Xóm "Cạy Dăm" đã ra đời như thế đó.

Tuy cách nhau chỉ vài trăm mét nhưng Long và Tân như sống trong hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Khu xóm bên Long ở có nhiều nhà tường với mái ngói đỏ. Còn Tân ở với má nó trong khu xóm dựng tạm với những vách nhà đóng bằng vỏ cây và những mái tranh. Ba Tân mất khi nó còn bé. Có một lần trong lúc đi bộ đến trường, Tân kể cho Long nghe về ba nó:

- Má tao nói ba tao ổng đi lính quốc gia, rồi bị bắn chết. Hồi tao còn nhỏ, má tao nói ổng thương tao lắm. Mỗi lần được về phép là ổng thường mua kẹo cho tao. Ước gì ổng còn sống...

Tân bỏ ngang câu chuyện. Mắt nó nhìn đâu đó thật xa xăm. Không biết có phải tại những bụi dăm bay vào mắt nó không mà Long thấy mắt thằng Tân long lanh. Long biết Tân lì lắm. Nó không thấy thằng Tân khóc bao giờ. Nhà có hai mẹ con, những lúc xe be không về, nhà không có vỏ cây để bán, nó phải nhịn đói khi đi học.

Long có đông anh em, nhưng nó thương thằng Tân như anh em ruột của nó. Tân cũng vậy. Nó biết Long vốn ốm yếu nên nó không để đứa nào bắt nạt Long. Có lần đám anh em con Nga ở xóm Mũi Tàu định ỷ đông bắt nạt Long, Tân nhảy vào can thiệp liền. Thằng Sơn, anh con Nga, học trên mấy lớp, ỷ lớn con hơn đòi dọa đánh Long. Tân biết Long cầm chắc cái... thua trong tay nên nó nói :"Để tao đánh thế cho, Long". Tan học, cả đám kéo ra vườn cao su phía sau trường để làm bãi đấu. Long ôm cặp dùm Tân để cho nó được rảnh tay rảnh chân. Cả đám học trò quây thành vòng tròn để Tân và thằng Sơn tỉ thí. Thằng Sơn cao hơn Tân cả một cái đầu làm Long lo cho thằng bạn nó quá. Nhưng có lẻ thằng Sơn con nhà giàu ít có vận động tay chân nhiều nên chỉ sau ít phút quơ tay múa chân nó đã nằm bẹp dí trên đống lá cao su khô, bị thằng Tân xiết cổ giơ tay xin thua. Long mừng quá đãi bạn luôn một ly cối nước mía. Nó không uống liền mà chỉ xin cô Ba bán nước mía đổ vô bịch cho nó. Sau này Long mới biết nó đem về cho má nó uống.

Hết cấp I lên cấp II, mấy lần hàng phượng vĩ bên hông trường nở đỏ rực là hai đứa thật nôn nao đợi đến mùa bế giảng. Đến lượt Long trổ tài dẫn thằng Tân đi bắt dế. Phải năn nỉ dữ lắm ba má Long mới cho đi. Đợi cho qua hết mấy cơn mưa đầu mùa hạ, cỏ xanh bắt đầu mọc lún phún là Long lội bộ lên xóm của thằng Tân rủ nó đi bắt dế về đá. Lội qua gò mã Nhị Tì, băng qua mấy đám ruộng mới đến khu gò mã Ông Lân. Long nghe đồn ở đây dế lửa đá "bách chiến, bách thắng" nên mới dẫn thằng Tân qua tuốt đến bên này. Cái thằng coi "chì" vậy mà sợ ma. Long núp sau mấy đám bông sứ mới nở trắng thật thơm sau mấy cơn mưa đầu mùa, giả làm tiếng ma hú làm thằng Tân bỏ chạy vắt giò lên cổ. Long phải rượt theo sợ nó bỏ chạy mất. Bắt xong mấy con dế bỏ vào lon sữa bò, sau khi đã đục thủng mấy cái lỗ cho dế thở, hai đứa ngồi bệt trên thành mã ngó về hai khu xóm của hai đứa.

Nắng chiều đang dần buông, những làn khói bếp đang tỏa nhẹ trên những mái nhà đang mờ nhạt dần trong làn sương ẩn hiện trông như trong một bức tranh vẽ. Khu xóm của Long có nhiều nhà đã mở đèn điện. Xa hơn một chút nữa là khu xóm của thằng Tân loe lét một vài ngọn đèn dầu. Có ai biết trong một trong những ngôi nhà ấy, có má của Tân đang vét những hạt gạo cuối cùng cố nấu cho nó được một chén cháo. Mấy ngày hôm trước má nó đã phải ăn khoai mì đào được ở xung quanh nhà. Tiếng mấy con dế trong lon gáy te te làm hai đứa giật mình cười vang cả khu mộ. Những nụ cười thơ ngây, hồn nhiên như khỏa lấp những mảnh đời cơ cực đang ẩn hiện quanh đây. Tân đưa tay chỉ một ngôi mộ hoang ở gần đó, nó bảo Long:

-Tao chỉ mong sau này tao chết không phải nằm đơn độc một mình như vầy.

Long lấy tay bụm miệng Tân lại, rồi la nó:

- Mày nói bậy không à. Ở đây linh lắm, đừng nói giỡn...

Một luồn gió lạnh đâu đó thổi tới làm hai đứa chợt rùn mình. Long kéo tay thằng Tân ra về.

Rồi hết mùa phượng nở, những cánh bông phượng đỏ thắm ngày nào giờ đây đã biến mất để thay cho những trái điệp dài treo lủng lẳng trên cây. Giã từ những buổi trưa hè, lội suối bắt cá, những buổi chiều đi bắt dế, những buổi sáng sớm lội qua những bờ ruộng bẻ trộm những trái ổi, trái chôm chôm của hàng xóm, Tân và Long lại rảo bước trên con đường quốc lộ số 13 quen thuộc để đến lớp.

Một ngày trôi qua là thêm một ngày bình thường nữa lại sắp đến đối với Long, nhưng nó đâu để ý thấy Tân ngày càng trở nên đăm chiêu hơn. Những cơn gió bớt bay bụi dăm vào mắt Long vì những chuyến xe be ít về hơn trước. Người ta đã đốn hết những cây gỗ to nên những chuyến xe về thưa thớt sau này thường chở theo những cây gỗ nhỏ hơn. Xóm cạy dăm thưa dần. Người người bỏ xóm quá giang theo những chiếc xe be để lên những khu rừng xa với hy vọng cạy được nhiều vỏ cây hơn để bán. Thằng Tân ngày càng ốm đi.

Cũng như phần lớn những người dân trong khu xóm, Tân vẫn thường theo má nó đến ngôi nhà thờ trắng bên kia xóm đạo vào những ngày Chủ nhật. Hằng năm cứ đến dịp lễ Giáng Sinh, khi chiếc lồng đèn ngôi sao thật lớn được thắp sáng trên nóc nhà thờ bên cây thánh giá là cả xóm thay những bộ đồ mới nhất để chuẩn bị đi lễ. Tân thường rủ Long đi cùng dù biết rằng Long không có đạo. Mùa Noel năm rồi, Tân rũ Long:

-Mày đi với tao tới nhà thờ cho vui.

Thấy nó năn nĩ quá Long cũng muốn đi với nó một lần cho biết. Long để ý thấy Tân nấn ná chờ mọi người đi hết rồi nó mới đi. Long tò mò hỏi sao nó không đi một lượt với mọi người cho vui. Tân buồn buồn một lúc, rồi nói tại nó không có quần áo đẹp để mặc như mọi người. Đến lúc này Long mới để ý thấy Tân vẫn thường hay mặc mỗi một chiếc áo sơ mi carô đã phai màu. Nó nói nó thích đến mùa Giáng Sinh để cầu nguyện có một bộ quần áo mới để mặc đón Tết luôn. Vậy mà ông già Noel chưa mang đến cho nó được một bộ đồ nào. "Ôi ước mơ của nó thật bình thường quá", Long xúc động nghĩ. Long vội quay mặt đi để thằng Tân không thấy mắt nó đỏ hoe. Long giả bộ nói bụi bay vô mắt rồi khoác vai thằng bạn đến nhà thờ.

Năm đó hai đứa lên lớp tám. Cô Chung dạy môn thể dục nổi tiếng "dữ" nhất trường, phụ trách lớp tụi nó. Đến giờ thể dục là cả một cực hình đối với lớp của Tân và Long. Thay vì được ra sân, cô Chung bắt cả lớp ngồi lại trong lớp trong khi cô lúi húi ghi chép gì đó ở trên bàn. Cô rất ghét tiếng ồn nên cô bắt đứa nào nói chuyện trong lớp là phải lên đứng trước lớp thục dầu 50 cái.

"Nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò"! Một tiếng đồng hồ ngồi im lặng không được nói chuyện làm sao cả đám học trò chịu nổi. Long quay sang thì thào vài câu với thằng Tân, định rủ nó giờ chơi ra phá ông bán kẹo kéo ở trước trường, một thằng giả bộ nói chuyện với ổng, còn một thằng nhân lúc ổng không để ý nhấc yên sau xe đạp ổng cho cao lên vì ổng hay có tật kéo kẹo kéo dài từ thùng kẹo tới đất. Cô Chung bỗng ngừng viết và ngẩng đầu lên. Cả lớp cảm thấy như có một luồn gió lạnh vừa thổi qua.

-Em nào mới nói chuyện đó"

Ánh mắt cô nhìn xoáy vào mặt Long. Long thường ngày có tiếng là mặt trắng trẻo, môi đỏ như con gái mà Tân thấy bây giờ chỉ còn lại một... màu xanh như tàu lá chuối má nó trồng ở sau hè. "Nó mà bị bắt thục dầu chắc có nước chết". Tân nghĩ thầm trong bụng. Tân bỗng đứng dậy trước con mắt ngạc nhiên của Long.

-Dạ thưa cô, em...

-Lên đây!

Cô Chung quát lên. Thằng Tân líu ríu bước lên trước lớp. Long thấy thương nó quá, trông nó ốm yếu hơn bao giờ hết. Nó muốn nói gì đó với Tân, với cô Chung, nhưng cái sợ làm cho nó không mở miệng được. Long chỉ còn nghe lờ mờ tiếng cô Chung đếm cho thằng Tân thục dầu. Đến tiếng thứ 30, thằng Tân có vẻ mệt nhọc, lảo đảo. Thục dầu thêm được 5 cái nữa, nó bỗng té nằm xuống sàn xi măng của lớp. Cả lớp nhốn nháo. Cô Chung hoảng hốt kêu lớp trưởng chạy báo thấy hiệu trưởng. Rồi thì dầu xanh, dầu cù là được mang đến tới tấp. Long chỉ ngồi lặng người nhìn thằng bạn nằm bất động với nước mắt lưng tròng. Có đứa nào đó nói nhỏ bên tai của nó:

-Thằng Tân nhịn đói đi học mà còn bị thục dầu nên nó mới bị xỉu.

Long nói thầm trong nước mắt:

-Tao có lỗi với mày quá, Tân ơi.

Một lúc sau thằng Tân mới tỉnh hẳn, có đứa nào đó chạy về báo cho má nó biết. Má Tân vội vã chạy đến trường để dẫn nó về. Trước khi về nó còn ngó Long cười một cái như không có chuyện gì xảy ra.

Đám bạn học thật ác miệng. Chẳng bao lâu sau, Tân có thêm biệt hiệu là Tân "xỉu". Long cảm thấy thật có lỗi với Tân trong chuyện này nên nó ra sức can ngăn đám bạn đừng trêu chọc Tân nữa, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Tân có vẻ mắc cỡ và tủi hổ với cái tên mới này.

Mấy tháng trôi qua, bữa hôm đó Long đến rủ thằng Tân đi học như thường lệ, nhưng không có ai ở nhà. Nhìn qua tấm ván gổ đóng hờ nay đã rớt xuống, Long thật mũi lòng khi thấy hoàn cảnh nhà của Long tiêu điều quá mà bấy lâu nay nó không để ý đến. Long định bụng sẽ thưa với ba má cho Long dành tất cả số tiền mà bấy lâu nay nó để dành trong con heo đất để mua cho Tân một bộ quần áo mới, để Tân khỏi tủi hổ với bạn bè và chòm xóm. Nghĩ đến Giáng Sinh năm nay thằng bạn nó sẽ thật vui khi nhận món quà Noel, và hai đứa cùng nhau đi dự lễ trong đêm Noel trong bộ quần áo mới làm Long cũng vui lây với ý nghĩ đó. Long miên man suy nghĩ mà chân bước đến trường lúc nào cũng không hay. Long tưởng Tân đã đến trường rồi vì đôi khi thằng bạn nó nghịch ngợm đu theo xe be đến trường trước. Vậy mà cả buổi học chẳng thấy bóng dáng thằng Tân đâu. Long bồn chồn mong cho mau hết giờ học để chạy về coi có chuyện gì xảy ra cho thằng bạn của nó không. Má của Tân đang ngồi phơi lại đống vỏ cây bị ướt sau cơn mưa đêm qua khi nó chạy tới ngõ nhà Tân.

-Tân có nhà không, thưa bác"

Long hỏi trong hơi thở hổn hển. Má Tân lắc đầu buồn bã nói:

-Tân nó theo xe be lên rừng rồi cháu. Bác không cho, mà nó cứ nhất quyết muốn nghỉ học một thời gian để lên trên đó kiếm mớ dăm đem về bán để phụ bác ăn Tết. Nó nhờ bác đưa cái này lại cho cháu.

Má của Tân vào trong nhà rồi trở ra với cuốn tập. Long cầm cuốn tập trắng trong tay mà nước mắt nó cứ chực dâng trào. Nó biết thằng Tân quý cuốn tập này lắm. Có lần nó khoe với Long là nó để dành cuốn tập đến cuối năm nay để làm quyển lưu bút. Nó sẽ cho Long là đứa đầu tiên được viết trong quyển lưu bút này. Vậy mà Tân bỏ lớp, bỏ cả Long để lên tận nơi đâu. Long biết trên đó "rừng thiêng, nước độc" dễ bị sốt rét lắm.

Từ sau bữa đó, Long như cái bóng mỗi ngày lũi thũi đến trường rồi lội bộ về nhà một mình. Ngày nào có thằng Tân đi bên cạnh líu lo đủ mọi chuyện chẳng mấy chốc đã đến nhà. Giờ đây con đường từ nhà đến trường đối với Long sao mà dài quá chừng. Còn thằng Tân thì đi đến mấy tháng cũng chưa thấy về, nó chỉ nhờ người quen quá giang xe be đem số vỏ cây mà nó cạy được ở trên rừng mang về cho má nó bán.

Còn mấy ngày nữa đến Giáng Sinh, Long đập bể con heo đất đếm được mấy trăm ngàn đồng. Long đón xe ngựa ra tới chợ Bình Dương để mua cho Tân một bộ quần áo mới. Ngắm tới ngắm lui một hồi cho đến khi cô bán hàng nhìn nó với ánh mắt xoi mói xen lẫn nghi ngờ, nó mới chọn được một cái áo carô màu xanh và cái quần tây cho thằng Tân. Đến lúc này cô bán hàng mới nhoẻn miệng cười duyên với nó.

-Cháu mua cho ai mà lựa kỹ vậy"

Nó lắc đầu không nói. Đếm lại số tiền không đủ để đi xe ngựa về, nên Long đành lội bộ về nhà. Hai bên phố chợ nhà nào cũng nô nức chuẩn bị đón Noel với những chiếc lồng đèn ngôi sao thật đẹp được treo ở phía trước nhà. Đi bộ hết cái dốc Cầu Ông Đành, Long đã bắt đầu thấy mệt. Nó thấy tội nghiệp cho mấy con ngựa đang kéo xe chạy ngang qua mặt nó, phải ì ạch kéo xe lên dốc, lại còn bị mấy bác tài quất roi lia lịa.

Sắp đến nhà Tân, Long linh cảm như có một chuyện gì chẳng lành vừa xảy ra. Trước nhà thằng Tân, một số người đang đứng lố nhố. Mấy đứa nhỏ hàng xóm hiếu kỳ đang đứng nhón chân dòm qua cửa sổ. Má thằng Tân đang ngồi trên chiếc tấm ván duy nhất kê trong góc nhà nơi thằng Tân thường hay ngủ, thút thít khóc. Một anh thanh niên từng ở trong xóm "Cạy Dăm" trước đây, nhìn thấy Long đang đứng sững sờ, anh kéo nó ra phía sau nhà Tân. Giọng còn chưa hết xúc động, anh kể lại:

- Tân nó làm việc chăm chỉ lắm, còn nhỏ mà cạy được một đống vỏ cây định quá giang xe be mang về bán và thăm má nó trong dịp Giáng Sinh nầy. Nhìn bên ngoài thấy nó "chì" như vậy, nhưng thỉnh thoảng nhiều đêm nằm cạnh anh ở những cái lán dựng tạm trong rừng, anh thấy nó khóc thổn thức. Nó nói nó nhớ má, nhớ trường, nhớ bạn bè...Nó hay nhắc đến em, nó sợ không có nó bên cạnh, mấy đứa khác sẽ ăn hiếp em... Mấy đêm trước trời mưa nên tối nó ngủ lại dưới gầm xe be để trú mưa. Chắc thằng Tân mệt quá ngủ quên nên đêm khuya xe be lăn bánh mà không biết có nó ở bên dưới nên cán qua người nó. Mấy chủ xe be khác thấy xác nó vào buổi sáng nên vội mang đi chôn ở chổ nào đó trong rừng để phi tang. May nhờ một anh lơ xe be tốt bụng kể lại cho anh biết. Anh mới theo xe về báo tin cho má thằng Tân hay...

Long nghe như sét đánh ngang tai. Gói quà Giáng Sinh nó mua cho thằng Tân ở trên tay rớt xuống đất lúc nào cũng không hay. Long nói thầm trong nước mắt:

-Vậy là mày bỏ tao đi thật rồi hả Tân" Ai biểu ngày xưa ở khu mã Ông Lân mày ăn nói bậy bạ làm chi mà bây giờ phải gởi thân xác nơi nấm mộ hoang nào" Làm sao mày mặc được bộ đồ mới bây giờ hả Tân"

*

Mấy đêm sau ngày đổi quà  giáng sinh tạ trường Bolsa Grande, Long nằm mơ. Trong giấc mơ nó thấy thằng Tân chui lên từ nấm mộ hoang trong khu Mả Ông Lân. Thằng Tân mặc bộ đồ mới của Long mua trông thật bảnh trai. Nó không chịu ở lại mà cứ đòi trở về ngôi "nhà" dưới đất của nó mặc cho Long cố gọi tên nó.

Long giật mình tỉnh giấc giữa đêm khuya. Ngoài kia tiếng chuông nhà thờ đang đổ những hồi dài báo sắp đến giờ Chúa sinh ra đời.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,025,019
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2019 và đã nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho bài viết góp phần phát triển văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012.
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải VVNM 2019. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, 2018, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.”
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu. Sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Nhạc sĩ Cung Tiến