Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương
Bài số 2227-1620804-vb3190208
*
Diệu Hương là tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose. Sau đây là bài viết mới của cô dành cho năm thứ 9 của giải thưởng.
*
Không cần phải ước ao nhiều như trong câu hát "Ước gì nhà mình chung vách", hồi đó nhà chúng tôi ở cùng vách, nhưng không có chuyện tình cảm nào xảy ra vì năm tôi sắp vào lớp hai thì anh Tiên bay đi du học ở Nhật.
Ở căn nhà duplex trong cư xá thời đó, nhà tôi ở bên mặt, nhà anh ở bên trái, mỗi lần xuống bếp, có một khoảng trống nhỏ, ở trên đỉnh bức tường ngăn đôi hai nhà, chỉ cần hét lên, chúng tôi có thể "nói chuyện" với nhau dù không thấy mặt nhau. Cư xá nhỏ nhưng có đủ mọi thứ cây cỏ từng hiện diện trong thơ văn Việt Nam: cây tre, cây sung, cây lêkima, cây trứng cá, hoa giấy, hoa quỳnh, hoa tigôn, hoa dạ lý, hoa tóc tiên, hoa trinh nữ& Tôi mê nhất là cây sung trước cửa nhà anh. Ai đó đã làm một cái đu nhỏ máng lên thân cây rất to, tôi hay chạy qua sân nhà anh, nhảy lên tấm ván được treo lên một cành cây lớn của cây sung bằng hai sợi dây thừng to hơn ngón tay cái của người lớn. Nhiều lần trèo lên không tới, vì đu cao quá, mà tôi thì chỉ khoảng năm, sáu tuổi, anh Tiên nhấc tôi lên, đặt vào chiếc đu gỗ, và ân cần dặn dò, sau khi đã đẩy cho tôi một vòng đu khởi động:
-Cẩn thận không thôi bị té.
Đó là ấn tượng lớn nhất anh Tiên để lại trong tôi, một người lớn luôn "ra tay nghĩa hiệp" nhấc tôi đặt lên cái đu treo tòn ten trên cây sung to lớn trước cửa nhà anh.
Em gái út của anh, chị An, hơn tôi khoảng năm sáu tuổi, rất thân với tôi, vì chúng tôi thuộc loại nhỏ nhất trong cư xá. Anh thương chị An nhất trong bầy em của mình vì chị là em út, hay cho chị kẹo bánh, và bao giờ tôi cũng có phần. Ký ức của tôi về anh Tiên chỉ có vậy, nên mùa hè đỏ lửa năm 1972, việc anh đi du học ở Nhật cũng không gợi sự chú ý nhiều ở tôi. Nhà hàng xóm vắng anh, nhưng chị An vẫn còn đó, thế giới trẻ thơ hạn hẹp của tôi vẫn không có gì thay đổi. Lúc đó, tôi lớn hơn, chân dài thêm, đủ để tự mình leo lên chiếc đu gỗ treo trên cây sung trước cửa nhà anh, nên cũng không nhận ra sự thiếu vắng của một người hàng xóm.
Mùa hè đỏ lửa 1972 được báo chí nhắc đến nhiều, và có cả một chổ đứng trong văn học Việt Nam không những chỉ ở những ngày cuối cuộc chiến mà mãi cho đến bây giờ. Nhưng mùa hè năm 1975 mới thật sự là mùa hè đầy tai biến, không một người Việt Nam nào có thể quên được. Từ năm đó, cái cư xá nhỏ bình yên hoàn toàn đổi chủ, ngay từ tuần lễ thứ hai của tháng năm, chính quyền mới đến từng nhà trong xóm đọc "lệnh đuổi nhà", tất cả mọi người phải dọn ra khỏi nhà trong vòng một tuần để trả lại nhà cho "nhân dân". Thế giới tuổi thơ bình yên của tôi bị phá vỡ, và tôi bước thẳng từ tuổi thơ vào tuổi trưởng thành mà không hề có thời mới lớn thơ mộng quý giá nhất đời người như anh Tiên, chị An, và các anh chị đang học những năm cuối trung học. Từ đó, tôi không còn biết gì về những người hàng xóm, kể cả gia đình chị An, người bạn lớn thời thơ dại của tôi. Năm đó, tôi chưa bước khỏi tuổi thơ, vẫn còn mang cái mặt "búng ra sữa" mặc dù đã không còn có sữa để được uống, nhưng vẫn đủ trí khôn để nhận ra điều thiện, điều ác, và đủ để ghi lại ký ức tuổi thơ ngọt ngào của mình. Những người dàn ông trong cư xá nếu không di tản thì cũng vướng vào cảnh tù tội ở các trại tập trung cải tạo. Những người đàn bà, trong đó có Mẹ, đã trở thành người chủ gia đình kể từ tháng 5 năm 1975, trở thành những bà Tú Xương của thời đại, phải "lặn lội thân cò" nuôi chồng nuôi con, nhưng còn bất hạnh hơn bà Tú Xương ở chổ không hề biết ngày về của chồng.
Mẹ đưa chúng tôi rời cư xá, về sống ở Nha Trang với sự cưu mang của ông bà ngoại. Từ đó, chúng tôi không còn được tin tức của những người hàng xóm cũ.
Tưởng vậy là xong, một đoạn đời đã đóng lại cùng vận nước. Anh chị em chúng tôi lớn lên, không được hồn nhiên và đầy đủ như các anh chị lớn trong khu cư xá ngày xưa, nhưng có lẽ nhờ vậy chúng tôi khôn ra, và trưởng thành hơn tuổi thật của mình rất nhiều.
Vậy mà hơn hai mươi năm sau, chúng tôi được gặp lại gia đình người hàng xóm cũ ở quê hương mới. Tình cờ, làm chung chổ với một vài ngươi bạn Việt Nam, một trong số họ ở thành phố thời thơ dại của tôi và là bạn học ngày xưa của anh Tiên. Từ đó, tôi liên lạc dược với anh, với chị An, và cả gia đình của người hàng xóm ngày xưa.
Cũng bị cuốn bởi "cơn lốc của tháng Tư oan nghiệt" với gần hai mươi triệu người dân Nam Việt, gia đình Bác Thanh, ba mẹ anh Tiên, chị An nổi trôi theo vận nước cho đến ngày họ định cư ở San Jose, miền Bắc California vào đầu thập niên 80.
Tháng Tư năm 1975, đang học năm cuối về khoa điện ở một trường đại học ở Nhật, nước mất, anh Tiên và rất nhiều sinh viên Việt Nam đang du học mất luôn đuờng về với quê nhà, với những người thân yêu khi miền Nam đổi chủ.
Một trong những điều ân hận của Quốc Hội Mỹ lúc đó sau khi bỏ phiếu cắt viện trợ cho miền Nam là hình ảnh những sinh viên Việt Nam mắt sáng môi tươi ở tuổi hai mươi, bị cắt đứt lối về, bơ vơ ở đất khách quê người, nên họ đồng ý cấp "free pass" cho tất cả du học sinh Việt Nam ở khắp thế giới được vào Mỹ. Thế là anh Tiên được vào Mỹ, đoàn tụ với chị Hân, em gái của anh đang du học ở Mỹ. Không còn có gia đình, không còn có quê hương, nhưng dù sao cũng có hai anh em, vẫn hạnh phúc hơn những người không có người thân yêu nào bên cạnh.
Vui buồn cứ tuần tự đi đến, đan vào nhau trong đời sống của anh Tiên. Vừa ổn định ở Michigan với chị Hân, vừa tìm được một công việc đầu tiên hợp với chuyên môn của mình, nỗi buồn mất nước vẫn canh cánh trong lòng, nỗi vui anh em đoàn tụ chưa phai, tin buồn lại đến từ bên nhà, lần này là tin buồn "tử biệt sinh ly": Bác Thanh trai bị vào trại tù tập trung như mọi Sĩ quan, Công chức cao cấp của chính quyền miền Nam; nhưng buồn hơn nũa là anh Duy, em trai út của anh Tiên, một thiếu úy trẻ của QLVNCH tử trận đúng ngày 30 tháng 4 ở ven rừng Long Khánh. Anh Duy cùng cả tiểu đội của anh bị một xe tăng của những người về từ miền Bắc bắn vào một trong những đồn phòng thủ cuối cùng của Quân lực VNCH. Bên cạnh nỗi đau vì mất một người em, anh Tiên còn nỗi ân hận là nhiều người cùng tuổi, cùng thời của anh đã vào quân trường, ra chiến trường để anh và những sinh viên may mắn khác được bay đi du học ở ngoại quốc. Từ đó, đã ít nói, anh còn trầm ngâm hơn. Hình như với anh, tận đáy lòng của những sinh viên đi du học vào cuối cuộc chiến có món nợ ân tình với những người lính trẻ đã nằm xuống, hay đã góp một phần thân thể của mình cho tự do của miền Nam.
Rồi thời gian cứ tuần tự trôi, bác Thanh gái và những người em còn lại của anh được qua đoàn tụ nhân đạo với anh Tiên và chị An. Gia đình bác hàng xóm ngày xưa của chúng tôi đã gặp lại nhau, sống một thời gian ngắn tại Michigan, rồi định cư ở California, được bổ sung thêm nhiều thành viên "Family-In-Law" khác, nhưng anh Duy thì mãi mãi nằm lại ở một góc rừng cao su Long Khánh, ở tuổi hai mươi mốt đầy sức sống cùng với mười một đồng đội khác cũng trẻ như anh. Nghe nói cả một tiểu đội lính trẻ nằm xuống ở góc rừng vào cái ngày rất buồn của miền Nam lúc đó đều không nhắm mắt khi vĩnh viễn bỏ lại đời sống. Điều đó đã để lại một nỗi đau hận trong lòng anh Tiên. Do vậy, khi chính quyền VN đương thời bắt đầu "mở cửa, đổi mới" để đi theo chiều hướng cạnh tranh của tư bản vào đầu thập niên 90, các công ty lớn nhất của Nhật là một trong những nhà đầu tư ngoại quốc đầu tiên mở văn phòng ở Sàigòn. Văn phòng của những Công ty Nhật này đang đặt ở Mỹ để mắt ngay đến anh Tiên, một kỷ sư nhiều kinh nghiệm, thông thạo cả ba thứ tiếng Mỹ, Việt và Nhật, một trong những "ứng cử viên sáng giá" nhất có thể đại diện cho Sony, hay Fujitsu ở Việt Nam.
Đang làm cho một công ty của Nhật rất lớn có văn phòng ở Mỹ, anh Tiên được mời lên văn phòng nhân lực, với một đề nghị được tăng lương, được nhiều quyên lợi hơn nếu anh chịu về làm cho văn phòng của Sony ở Sàigòn trong 3 năm. Lương tăng gần gấp đôi, nhiều quyền lợi hơn, địa vị cũng cao hơn, nhưng các đồng nghiệp của anh đã rất ngạc nhiên khi anh từ chối không muốn về làm ở Sàigòn. Thuyết phục anh cả tuần không được, công ty đặt anh trước lựa chọn: hoặc về làm cho văn phòng của công ty ở Sàigòn hoặc nghỉ việc. Rất dứt khoát, anh Tiên về lại văn phòng của mình, thu xếp mọi thứ, bỏ việc vì anh không muốn về lại Việt Nam trong lúc này, và không giải thích gì thêm mặc dù đã được ân cần thăm hỏi. Từ tận đáy lòng, anh vẫn chưa quên hình ảnh anh Duy với khuôn mặt baby face sạm nắng quân truờng, rồi chiến trường, nhưng vẫn còn phảng phất nét trẻ thơ đã vĩnh viễn rời bỏ cuộc đời ở tuổi hai mươi đầy sức sống. Anh cũng chưa quên món nợ ân tình với những ngưới bạn cùng thời đã lăn lội ở chiến trường gian khổ cầm súng bảo vệ tự do để anh và một thiểu số người may mắn được thênh thang trong giảng đường đại học ở một dất nước bình an, giàu có. Và khi đầu óc chưa thanh thản thì anh không thể làm đươc điều gì, kể cả những vấn đề kỹ thuật trong chuyên ngành của anh.
Đồng nghiệp của anh ngạc nhiên, những người Mỹ ngạc nhiên, nhưng gia đình và những người bạn thân của anh hiểu rõ anh rất nhiều, không ai ngỡ ngàng trước quyết định của anh.
Mãi về sau này, có dịp gặp lại anh qua một người bạn làm chung trong giờ ăn trưa vội vã ở một quán ăn Việt Nam ở gần San Jose, được nghe kể lại câu chuyện, tôi không ngạc nhiên chút nào, vì nhìn vào mắt anh, mãi cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy thấp thoáng hình ảnh anh Duy nằm xuống ở một góc rừng Long Khánh , mắt vẫn mở nhìn bầu trời trắng xám vào một buổi trưa trời âm u không có nắng cuối tháng 4 năm 1975.
Có những điều dù chưa bao giờ được nói ra thành lời, nhưng không có nghĩa là đã chìm vào quên lãng, đó là một trong những nổi niềm mang theo mà chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới đọc được từ "cửa sổ của tâm hồn".
Nguyễn Trần Diệu Hương
(Kính tặng bác Thanh, anh T., các chị; Và để tưởng nhớ anh NAD.)