Hôm nay,  

Gia Đình, 12 Năm Ở Mỹ

09/11/200700:00:00(Xem: 134773)

Người viết: DTKN

Bài số 2143-1935-711vb5081107

*

DTKN là bút hiệu của một nữ sinh viên 25 tuổi, từng nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ khi mới 20 tuổi. Hơn 4 năm sau, hiện cô đang hoàn tất chương trình cao học. Bài viết mới là một trang nhật ký nhân dịp 12 năm định cư tại Mỹ.

*

Tuần trước khi lật tờ lịch sang tháng Chín, chợt nhận ra gia đình mình đến Mỹ cách đây đã được một con giáp. Đêm ấy cuối tháng Tám, gió bụi và khô khan. Sao đêm li ti đếm nhiều hơn tóc mấy anh chị em mình cộng lại. Không nhớ rõ tâm trạng của mình lúc bấy giờ. Sau này nhìn lại những tấm ảnh người bảo trợ chụp ở phi trường mới nhận ra bỡ ngỡ và mệt mỏi trong nụ cười.

Khi mình sắp sang tuổi mười hai thì gia đình nhận được giấy báo tin đi Mỹ. Một buổi tối cúp điện, TV không chạy, chúng mình xúm xít đòi nghe bố kể chuyện. Bất chợt chị lớn hỏi khẽ, "Khi nào mình đi Mỹ hở bố"" Bố nhìn chúng mình, châm rãi, "Tháng sau." Mình nhớ môi, mắt bố cười thật tươi, thật hiền khiến mình cũng cười theo, lòng hân hoan niềm vui. Niềm vui to tát như niềm vui của ngày đầu tiên mình biết tự đi xe đạp hay của lần người anh họ ghé thăm, chìa tặng mình một mảnh xin-gôm lép, vị bạc hà.

Trong gia đình mình, có lẽ như bao gia đình khác, mỗi người là một thế giới riêng. Đôi khi mình hỏi bản thân: nếu gia đình mình tiếp tục sống ở Việt Nam, liệu khoảng cách giữa những thế giới đó có thu ngắn chút nào chăng" Liệu giữa bố, mẹ và chúng mình có tồn tại những khác biệt, riêng tư mà dường như không bao giờ chia sẻ được với nhau" Câu trả lời thường thiên về không. Ở Việt Nam, ở Mỹ, ở đâu cũng thế, anh chị em mình rồi cũng sẽ lớn lên, sẽ hội nhập vào đời, sẽ trưởng thành không chỉ qua gia đình nữa mà qua xã hội, qua những con người vốn không máu mủ, ruột thịt. Đất nước Mỹ đã cho anh chị em mình nhiều cơ hội giá trị trong việc học tập cũng như trên đường nghề nghiệp, những gì mà có lẽ nếu còn ở Việt Nam mình đã không và sẽ không bao giờ có được. Tuy thế, bên cạnh mọi điều tốt đẹp ấy còn ngầm ngấm những thay đổi, có thể nói những mất mát, hy sinh mà một gia đình tị nạn, tồn tại giữa hai xã hội ít khi tránh khỏi. Những khi các thế giới trong gia đình mình không hiểu nhau, xa nhau, mình lại mong, lại ngẫm nghĩ, lại hỏi rằng phải chăng tất cả đã có thể diễn ra cách tốt đẹp hơn nếu nơi gia đình mình sinh sống không là Mỹ mà là Việt Nam.

Mười hai năm. Từ tháng Tám khô đó, bố chợt bớt kể chuyện và chị em mình cũng bớt vòi vĩnh được nghe - "Con Ngỗng Vàng", "A-la-đanh", "An Tiêm", và hàng bao nhiêu mẩu chuyện cổ tích, lịch sử khác từ từ nhập vào lãng quên.

Ở Mỹ, ngay cả trong khu cư xá bẹp xẹp gia đình mình tạm trú những năm đầu, nơi nào cũng có điện chạy suốt, TV chiếu quanh ngày. Mỗi chiều tan học về nhà mình lại tha hồ chọn lựa giữa Batman, Power Rangers, Spider Man, Step by Step và nhiều nữa. Cái TV màu lợi hại thôi miên cho anh chị em mình quên đi sự vắng bóng của bố, mẹ.

Mình biết bố, mẹ đi làm để kiếm tiền. Mình biết việc làm rất cực. Mình biết nhưng mình không chia sẻ được gì, nhất là khi chính mình vào thời điểm đó cũng đang trải qua một bước ngoặt lớn - bước ngoặt mà đã khiến mình muốn bật khóc bao lần khi không hiểu người xung quanh nói gì, muốn gì, khi mình cô đơn trong sân trường cấp II, không bạn bè, vì chẳng ai muốn chơi với một đứa như câm, lù khù trong bộ đồ lạc "mốt". Những niềm buồn đó mình nào biết chia sẻ với bố, mẹ.

Cũng như bố, mẹ không chia sẻ được với mình về những tháng ngày đứng bếp hơn 12 tiếng trong nhà hàng, xung quanh nhốn nháo những khuôn mặt, nụ cười, giọng nói lạ. Có lẽ những khi ấy, bố, mẹ đã như mình, tâm trí tìm về mảnh đất bên kia biển, nơi để lại những người quen, những đoạn đời dường như thân thương nhất.

Mười hai năm. Ở Mỹ càng lâu mình càng ít nhớ Việt Nam. Ít gởi thư cũng như mong thư. Ít cô đơn, lủi thủi vì nhờ chương trình học tiếng Anh ở trường, mình dần dà thôi không câm, điếc ngôn ngữ, thôi không mù tịt về cách sống ở Mỹ.

Học được tiếng Anh, bắt đầu thích tiếng Anh cũng là khi mình giảm bớt sử dụng tiếng Việt. Trong gia đình, anh, chị, em mình bắt đầu dùng tiếng Anh thường xuyên. Đôi khi chúng mình nhắc nhau chuyển qua tiếng Việt lúc bố, mẹ ở nhà. Nhưng đây là điều khó thực hiện vì đâu đâu chúng mình cũng sử dụng tiếng Anh và theo tự nhiên, càng dùng càng quen. Rốt cuộc các cuộc nói chuyện trong gia đình treo lơ lửng giữa hai ngôn ngữ, nạc không nạc hẳn, mỡ không mỡ trọn vẹn. Nhìn cách lạc quan, đây là một lối tốt để giúp những người trẻ duy trì tiếng Việt. Nhưng với mình, nó đánh dấu một mất mát. Khi tiếng Việt của mình bắt đầu lấm tấm lỗi chánh tả, và mình bắt đầu quên những hàng thơ, ca dao, tục ngữ bố từng đọc, thì mình hiểu nhận rằng mình đã phải đánh mất điều gì đó nơi tiếng mẹ đẻ để có thể tạo nặn được chỗ riêng và tình thương cho ngôn ngữ mới.

Mười hai năm. Gia đình mình vẫn đang "hòa nhập". Ở Việt Nam, bố mẹ có nghề nghiệp riêng. Cuộc sống kém sung sướng nhưng đầy đủ. Ở Mỹ, tuy bố mẹ cũng đi học tiếng Anh, đi làm, tự lái xe, nhưng tất cả dường như chỉ là một phần của cái hòa nhập chung. Khi chính mình và các anh chị em đôi lúc còn cảm thấy "ngoài lề" của xã hội này thì bố, mẹ chắc chắn cũng không tránh khỏi. Mình ví bố, mẹ như cậy cọ kiểng Ả Rập, đã bám rễ, tồn tại ở một nơi nhiều năm, rồi tự nhiên rễ bứng, chuyển sang một miền đất khác. Có lẽ rễ sẽ bám vào đất mới và cây sẽ tiếp tục sống, nhưng xanh tươi, nẩy nở thì gần như ngoài tầm với.

Nhiều lúc bố bảo, "Bố mẹ sang đây không giúp gì được cho các con nữa ngoài chuyện nuôi lớn các con học hành". Mình nghe xót xa vì nhận ra nỗi buồn nơi giọng bố. Mình muốn nói điều gì chia sẻ, cảm thông cùng bố nhưng những gì bố nói hoàn toàn không phải không đúng. Có nhiều chuyện, từ chuyện học, đến chuyện cặp kè trang lứa, đến chuyện bạn bè, chuyện học, chuyện đi làm mà chúng mình trải qua nhưng không biết chia sẻ với bố mẹ ra sao, bắt đầu thế nào. Nhiều lúc càng cố chia sẻ lại càng hiểu lầm, dẫn đến xa lạ, vì bố mẹ đã sanh trưởng trong một môi trường văn hóa khác nhiều với xã hội Tây phương. Những khác biệt của hai lối sống, hai lối suy nghĩ đắp nối thế nào" Mình chưa có câu trả lời. Mình chỉ có lạc quan và niềm tin rằng mọi người trong gia đình mình sẽ tiếp tục cố gắng, từng bước, cố gắng giữ cho những thế giới riêng đừng xa nhau, và nếu có thể, gần nhau hơn chút nữa .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,285,725
Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng là Cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 20 Chiến Tranh Chính Trị (Khoá 16 Thủ Đức)
Tên thật: Trịnh Thị Đông. Sanh quán: Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên cấp 2, môn Anh Văn. Hiện cư ngụ tại thành phố Fort Smith, tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ.
Trần Nguyên Đán là bút hiệu của Mục sư Lữ Thành Kiến, từng quản nhiệm Hội Thánh Maryland, miền Đông, rồi Fort Worth, Texas. Sau giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ năm 2007, ông nhận thêm giải Việt Bút 2009 và là thành viên Ban Tuyển Chọn Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2010. Ngoài Việt Báo Online, nhiều thơ và truyện của ông hiện có trên tạp chí văn chương trên mạng internet, như da mầu, tiền vệ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia.
Tác giả là một cựu chiến binh Mỹ từng đóng quân ở Biên Hoà và kết hôn với một phụ nữ Việt. Viết Về Nước Mỹ, ngày 18 -12-2012 phổ biến bài viết trực tiếp bằng tiếng Việt đầu tiên của ông, kể chuyện tình 40 năm trước giữa chàng thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ và một cô gái Việt. Với bài "Hành Trình Tiếng Việt của Một Người Mỹ", Sáu Steve Brown đã nhận Giải Việt Bút mang tên Bà Trùng Quang năm đầu tiên, 2013. Ông bà nay có 7 người con, hiện ở Ohio. Sau đây, thêm một bài mới của ông Sáu.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười chín, 2017-08. Sau đây là bài viết thứ 12 trong năm.
Tác giả Tâm Chánh là người con gái của Trung Tá Từ Tôn Khán, Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Huế, thời 1968. Ông bị Việt Cộng bắt và sát hại trong Tết Mậu Thân tại Huế. Hiện nay Tâm Chánh là Vice President of the Real Estate Entitlement Development Incorporation tại Southern California.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết thuộc nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Chủ Nhật tuần này là Father’s Day 2018 tại Hoa Kỳ. Mời đọc bài viết về thân phụ của một nhà giáo. Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt Bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến