Hôm nay,  

Mưa Saigon, Mưa Cali

29/10/200700:00:00(Xem: 167663)

Bài số 2133-1925-701vb8281007

*

Tác giả tự sơ lược tiểu sử: 38 tuổi, cư dân Nam California, công việc: nha sĩ, đang hành nghề tại Costa Mesa. Bài đầu tiên của Anthony Hung Cao viết về nước Mỹ là "Con Búp Bê", một câu chuyện cho thấy tấm lòng của người viết: nhìn con trẻ hạnh phúc tại Mỹ, nhớ những tuổi thơ bất hạnh ở quê cũ. Sau đây là bài viết thứ hai của ông. <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

*

 

California.

 

- Bố nhớ để hình con trong túi áo. Mẹ nói ở Việt nam bây giờ nhiều cô "teenagers" hay "dụ" mấy ông già ở Mỹ về lắm. Cô nào đến nói chuyện với bố, bố giả bộ mang hình con ra, rồi khoe với họ "Con Tina của tôi đó, đẹp hông"", cho mấy cô đó đi chỗ khác khỏi "dụ" bố nữa nhe!

 

 

 

Tina ngồi vào lòng bố, như con bé vẫn thường hay làm từ lúc còn bé và lúc nào cũng hãnh diện là "Daddy's girl". Khoa cười thầm. Con bé mới mười một tuổi đầu, tiếng Việt nói pha ngọng với tiếng Mỹ mà cũng biết đến thủ thỉ tâm sự với anh. Khoa nghi chắc có bàn tay "đạo diễn" của Nhung, vợ anh trong mẫu đối thoại nầy.

 

Từ hôm chị Tuyết, người chị duy nhất của Khoa, gọi điện sang Cali báo tin "Má bệnh nặng quá em ơi. Kỳ này không biết có qua khỏi không. Em là đứa con trai duy nhất trong gia đình, ráng thu xếp về thăm má nhe." Khoa bàn với Nhung lấy phép để đưa gia đình về thăm mẹ ở Việt nam.

 

- Mấy tháng trước mình mới đi vacation ở Châu Âu. Không biết ông xếp của em có cho đi không nữa"

 

Nhung lo lắng nói với chồng. Khi biết chắc là không thể lấy phép về Việt nam kỳ này với chồng, Khoa thấy Nhung lo lắng ra mặt. Mấy cụm hoa hồng trồng bên hàng rào trước sân nhà ngày nào cũng được Nhung chăm tỉa, mấy hôm nay trơ ra những cuống hoa còn xót lại đu đua trước những cơn gió Santa Ana thổi về. Mấy giò lan treo lủng lẳng ở patio phía sau nhà nay cũng cùng chung số phận. Những cành lan với những rễ bám trên những vỏ cây đang khô héo vì thiếu những lon nước chăm chút khi xưa. Nhung hễ đi làm thì thôi, khi về nhà nàng cứ đứng ngồi không yên. Thằng Kevin bây giờ tha hồ dán mắt coi baseball games trên Tivi. Ngày xưa không bao giờ nó được yên với nàng vì Nhung hay bắt nó tắt Tivi đi làm homework. Kevin năm nay đang học năm cuối của trung học. Thằng bé có vẻ muốn theo nghề của bố nên lúc nào cũng tuyên bố:

 

- Lớn lên con sẽ làm computer consultant như bố. Muốn đi làm lúc nào, nghĩ lúc nào cũng được. Khỏi phải bấm giờ mà được nhiều tiền.

 

Những lúc đó Khoa chỉ mỉm cười, cái thằng chưa gì đã nghĩ đến tiền và muốn ... hưởng thụ.

 

Khoa cũng rất thông cảm với Nhung. Ở bên Mỹ nầy nghe không biết bao nhiêu chuyện những ông Việt kiều từ thanh niên đến ... sồn sồn kéo nhau về Việt nam để hưởng thụ. Đối với vợ chồng Khoa, đây không phải là lần đầu về nước. Mấy năm trước, Khoa cũng đưa Nhung và các con về Việt nam ra mắt gia đình. Khoa vượt biên đến Mỹ một mình khi mới xong chương trình trung học ở Việt nam. Cuộc sống ban đầu nơi xứ người cũng như bao nhiêu người Việt mới đến cũng trải qua muôn giàn khó khăn. Nhớ những ngày đầu tiên ở Mỹ, những buổi sáng từ lúc 3-4 giờ, Khoa phải lặn lội trong những cơn mưa mùa Đông để ôm những chồng báo đi giao để kiếm tiền đi học. Có những ngày mệt quá đi giao thiếu một nhà thôi, cũng bị chủ nhà gọi đến complain. Rồi thằng xếp lấy lý do đó để quịt tiền không trả tiền giao báo đến cả tuần. Những ngày cuối tuần, Khoa còn tranh thủ chạy ra chợ trời ở Costa Mesa để tranh thủ giúp người ta dựng lều, bán hàng để kiếm thêm tiền mua sách vở. Cuộc sống vất vả ban đầu rồi cũng qua với mảnh bằng kỹ sư và một mái ấm gia đình bên người vợ hiền và hai đứa con ngoan. Nhìn thấy Nhung lo lắng cho chuyến về Việt nam một mình của mình, có lúc Khoa định bụng sẽ hủy chuyến đi. Nhưng hình ảnh người mẹ già với cánh tay gầy gò tiễn anh ra bến đợi ngày nào trên đường vượt biển làm lòng anh quặn đau. Bố anh mất trong trại "cải tạo" sau năm 75. Mẹ anh đã dành tất cả tình thương cho hai chị em của Khoa. Bà đã phải bán hết tất cả của cải cho chuyến đi của anh.

 

Rồi không biết nghe lời khuyên nào của "chị em" cùng sở, Nhung mua về một đống CD "Việt Kiều" của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rồi thủ thỉ với chồng:

 

- Anh nghe mấy cái CD nầy đi. Hay lắm. Mấy nhỏ bạn em nói mấy ông đàn ông trước khi về Việt nam nên nghe qua cho biết.

 

Thế là thay vì mỗi đêm được nằm nghe những khúc nhạc classic êm dịu mà Khoa thích, 2 vợ chồng cùng nằm ... thưởng thức giọng đọc của MC - nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn. Thỉnh thoảng Nhung còn chen vô bình phẩm:

 

- Thấy chưa, em biết trước mà. Ai biểu cái ông Thành già này còn ham gái tơ để con nhỏ Hương lừa một cú tán gia bại sản cho đáng đời.

 

Khoa phì cười cho cái trò trẻ con của Nhung. Anh biết rằng Nhung nói thế cũng có ý để ...răng đe mình. Khoa xoay người ôm vai vợ thủ thỉ:

 

- Em đừng lo quá có hại cho sức khỏe. Anh đã gần 50 tuổi đầu chứ đâu phải trẻ trung gì nữa. Anh đâu còn "trẻ tơ" gì để mấy cô xỏ mũi, cũng đâu "già mà ham" như cái ông Thành trong truyện nầy.

 

 Khoa đùa với Nhung, nhưng khi nghe tiếng thở dài của vợ, cùng những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của nàng, Khoa nghiêm trang nói tiếp:

 

- Vợ chồng mình đã trải qua bao nhiêu ngọt bùi, cay đắng, cực khổ mới có được ngày hôm nay. Anh không để vì một phút yếu mềm mà đánh mất những gì mình có đâu em.

 

Trong đêm khuya yên tĩnh của mùa thu Cali đang mang theo cái lạnh nhè nhẹ luồn qua khe cửa, Khoa nghe tiếng con Tina còn nói ú ớ trong giấc ngủ:

 

- Bố ơi, nhớ để hình con trong túi nhe ...

 

Sài Gòn.

 

- Bỏ cái nhẫn cưới vô túi đi cha nội. Về Việt nam một mình mà còn muốn khoe với thiên hạ mình có một vợ hai con ở Mỹ hả" Quẹo phải góc đường nầy là tới rồi!

 

 Tân lái xe luồn lách qua những dòng xe đan nhau như mắc cưỡi lúc nào cũng không ngớt ở đường phố Sài gòn. Khoa ngồi ở yên sau như muốn ngợp với dòng người và những đoàn xe cộ nối đuôi nhau với những tiếng còi inh ỏi. Tân là bạn học của Khoa từ nhỏ đến trung học. Cái thằng lúc nào cũng phát ngôn với những câu nói bất cần đời. Đêm nay sau mấy ngày ở bên cạnh người mẹ già đang nằm liệt ở trên giường, Khoa nhận lời của Tân đi ra ngoài cho khuây khỏa trong lòng.

 

- Vợ tao dặn không được vào những quán gội đầu, karaoke hay bia ôm, cà phê.

 

Nghe Khoa nói, Tân cười phá lên đến suýt nữa nó đâm phải chiếc xe phía trước.

 

- Bởi vậy đàn ông tụi bây ở Mỹ mới bị xếp hạng sau cả con nít và mấy con chó. Đàn ông gì mà lúc nào cũng sợ vợ. Nghe tao đi. "Nhập gia tùy tục" chứ. Mầy đang ở Việt nam mà. Như tao đây ...

 

Tân còn nói huyên thuyên gì nữa nhưng tai Khoa đã ù lại với những tiếng động cơ, tiếng còi xe qua lại trên đường. Gió thổi bay chiếc áo sơ mi ướt đẫm mồ hôi vì chưa quen với thời tiết vùng nhiệt đới của Khoa dính sát vào người. Anh cảm thấy có cái gì cồm cộm nơi túi áo. Khoa buông tay vịn yên xe ra để cho tay vào túi. Hình con Tina được để cẩn thận trong túi áo.

 

- Chắc con bé đang thay mẹ làm trinh thám bố đây.

 

Khoa mỉm cười. Mới xa vợ con mấy ngày mà anh cảm thấy như lâu lắm. Quán "Dương Cầm" quả không sai như lời đồn của Tân. Nằm lọt thỏm trong một góc đường, quán như cách biệt với cái không khí ồn ào ở bên ngoài. Một không gian thật trữ tình. Quán trang hoàng không có vẻ cầu kỳ như phần lớn những quán cà phê khác. Những ngọn đèn nhỏ được giăng trên những cây xung quanh tạo khung cảnh thêm phần nên thơ và lãng mạn. Lẫn trong tiếng nhạc, có tiếng nước róc rách từ một con suối nhân tạo, mà chủ nhân có lẽ đã thuê những người thợ khéo tay làm chiếc cầu nho nhỏ bắc qua trông thật nên thơ. Cô tiếp tân dẫn Khoa và Tân đến một chiếc bàn nhỏ kê sát một gốc cây cạnh con suối.

 

- Hai anh dùng gì ạ "

 

Một giọng nói thật nhỏ nhẹ cất lên từ một cô bé đến bên bàn lấy order. Giọng nói không dấu được vẻ mộc mạc, chân chất của những cô gái miền quê. Khoa ngước lên, anh hơi bối rối trước đôi mắt của cô bé đang đứng nhìn anh để lấy order. Có một cái gì trong đôi mắt đó mà anh như vừa bắt gặp lại.

 

- Cho 2 ly cà phê sữa đá đi em!

 

Tân gọi, giọng sành sỏi. Chờ cho cô gái đi khuất, Tân quay qua nói nhỏ với Khoa ." Thấy chưa. Ở Sài gòn tuổi nào cũng được gọi là "anh" hết. Ở bên Mỹ của mày chắc sẽ bị gọi " Dạ mấy "bác" dùng gì " Phải không "" Khoa không buồn đáp lại. Anh đang moi trí óc đang chuẩn bị bước vào tuổi " retired" của mình xem thử anh đã bắt gặp ánh mắt nầy lúc nào. Phải rồi. Những kỷ niệm chợt ùa về. Những mảnh vỡ của tình yêu thưở ban đầu như đang được hàn gắn lại. Cũng đôi mắt đó, đôi mắt đã theo anh trong những ấp ủ yêu đương của mối tình tuổi học trò với cô bạn cùng lớp. Một mối tình chỉ biết viết qua những trang giấy học trò mà chưa bao giờ dám trao tay. Cũng đôi mắt ấy .... Có lẽ nào.... Nhưng sao giống quá.

 

- Làm gì mà ngồi thừ người vậy mậy. Uống đi rồi còn vô bên trong thưởng thức giọng ca karaokê của tao để coi có "ôkê" để ra CD bán không.

 

Giọng Tân kéo Khoa ra khỏi giấc mơ dĩ vãng. Tiếng đàn dương cầm đâu đó du dương đưa tới. Đâu đó có những tiếng hát lạc giọng đang cố thoát ra từ những căn phòng cách âm được xây ở sâu phía bên trong. Tiếng chuông điện thoại chợt vang lên.

 

- Vợ tao từ bên Mỹ gọi qua, chờ chút nhe.

 

Khoa bước vội ra gần chỗ tính tiền vì không muốn cho Tân nghe cuộc điện đàm giữa 2 vợ chồng anh, bỏ lại Tân ngồi một mình nhìn theo lắc đầu ngán ngẩm, miệng lẩm bẩm: " Đàn ông xứ Mỹ thiệt chán!". Bên kia điện thoại là tiếng nói của Nhung với những lời thăm hỏi ân cần. Khoa đọc được những mối lo vẩn vơ xen lẫn trong những câu nói của nàng. Có tiếng con Tina phía sau đang bảo mẹ :

 

- Nhắn với bố gởi lời thăm bà nội, rồi mau mau về với con.

 

Khoa bỗng nghe tiếng la mắng từ phía sau quầy tính tiền.

 

- Chị đã nói với em ngay từ lúc đầu mới nhận việc là phải làm như vậy. Nếu không chị mất hết khách làm sao. Ngồi hát với mấy ông khách đó có mất mát gì đâu. Bưng cà phê không làm sao đủ tiền để trả em " Sinh viên nghèo thì phải ráng để kiếm tiền chứ. Không làm được thì nghỉ hay đi lấy chồng Đài Loan cho xong, học hành làm gì.

 

Có tiếng khóc thút thít. Khoa vô tình nhìn lại. Lòng anh như chùn xuống khi bắt gặp lại đôi mắt ban nãy với những giọt nước mắt đang chảy dài. Cô bé bỏ chạy ra khỏi quán trong khi trời bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa Sài Gòn đổ xuống thật nhanh mà không có một dấu hiệu báo trước. Linh tính cho biết một điều gì không hay sẽ xảy ra cho cô bé nếu để cho cô đi bộ một mình trong đêm mưa, Khoa vội đuổi theo với hy vọng sẽ thuyết phục cô lên một chiếc taxi nào đó mà anh sẽ trả tiền để mang cô về nhà. Nhưng cô bé vẫn vừa đi vừa khóc nức nở trong mưa với giọng nói nghẹn ngào:

 

- Thôi, anh trở lại với bạn của anh đi. Em đi về một mình được mà .

 

- Nè cháu. Đừng gọi "chú" là "anh" chứ. Chú thật tình muốn giúp đỡ cháu mà. Nhà cháu đâu " Để chú đón taxi cho cháu về. Đi bộ như vậy bịnh làm sao đi học"

 

- Anh đừng lo, em đi bộ quen rồi.

 

Con bé cứ gọi Khoa bằng "anh" và xưng "em". Khoa thầm nghĩ tới bài thơ vui " Đừng gọi "anh" bằng "chú" ". Không ngờ gặp hoàn cảnh như thế này, Khoa phải thay chữ "anh" bằng "chú " để cho con bé yên tâm. Nhưng có lẽ cô bé được dạy phải gọi bằng "anh" khi tiếp xúc với khách hàng nên cô quen miệng .Cô bé cứ luôn miệng từ chối. Khoa thì cứ đi theo năn nỉ. Người qua đường chắc nghĩ hai bố con đang cãi nhau. Mưa chợt tạnh. Những cơn mưa Sài Gòn chợt đến, chợt đi. Chỉ để lại Khoa và cô bé một bộ đồ ướt sũng nước.

 

_- Cháu tên gì"

 

- Dạ em tên Vi.

 

- Để chú đưa cháu về nhà nhe. Đi một mình như vầy nguy hiểm lắm.

 

- Dạ ... .

 

Vi ngước mắt nhìn Khoa. Lần đầu tiên con bé mới hết vẻ rụt rè và nhìn thẳng vào mắt anh. Nhờ ánh đèn đường, Khoa mới thấy rõ hơn đôi mắt của Vi. Vi có đôi mắt giống hệt người anh thầm yêu mấy chục năm về trước. Trên quãng đường còn lại, Khoa tranh thủ hỏi thăm về hoàn cảnh gia đình của Vi. Vẫn với một giọng nhỏ nhẹ xen lẫn một chút bẽn lẽn, Vi kể cho Khoa nghe về cuộc đời của em. Từ một cô bé quê ở cần Thơ lên Sài Gòn để học nghành mỹ thuật . " Bao nhiêu cô bạn của em học xong trung học rồi theo ngành kinh tế trong thời buổi kinh tế thị trường nầy. Em thì mê vẽ từ nhỏ nên thường hay bị mẹ la là sau khi ra trường chắc sẽ bị thất nghiệp dài dài.". Vi đang theo học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật. Bố mất sớm, mẹ ở dưới quê nghèo không có tiền giúp đỡ trong công việc ăn học nên Vi phải kiếm thêm việc làm ngoài giờ học. Quán " Dương Cầm" là nơi Vi đã đến làm được hai đêm đến khi bị đuổi việc và gặp Khoa đêm nay. Vi đang ở trọ trong một cư xá dành cho dân lao động. Sắp rẽ vào khu cư xá, Vi quay qua bảo Khoa :

 

- Thôi anh về đi. Cám ơn anh đã đưa em về. Em không muốn cho mấy nhỏ bạn trọ chung phòng nhìn thấy. Sợ tụi nó chọc quê em.

 

- Sợ tụi nó chọc em có bạn trai già quá hả"

 

Khoa buông miệng đùa và lòng anh chợt lâng lâng một thứ tình cảm thật khó tả khi anh bắt gặp đôi mắt to đen của Vi nhìn anh thật nhanh rồi cúi xuống thẹn thùng. Khoa móc bóp đưa Vi một xấp tiền mà anh không để ý là bao nhiêu, với lời chân thành mong Vi nhận để giúp đỡ cô bé trong việc học. Vi lắc đầu nhất quyết không nhận. Cô bé quay đầu bỏ chạy vào trong con hẻm tối để lại Khoa một mình giữa bóng đêm Sài Gòn đang dần buông như cố ru ngủ bao mảnh đời khổ nhọc sau một ngày vất vả mưu sinh với cuộc sống hàng ngày.

 

 

 

Những ngày còn lại ở Việt Nam như trôi qua thật nhanh đối với Khoa. Anh đã có một niềm vui mới. Khoa cố dối lòng mình khi tự nhủ lòng rằng mỗi ngày anh tìm đến nơi cư xá của Vi, cũng như theo bước chân nàng đến trường, rồi đứng bên cổng trường đón Vi vào những giờ tan học, chỉ là một cố gắng để quen biết Vi nhiều hơn để mong cô bé chấp nhận sự giúp đỡ của anh chứ không phải là một tình yêu. "Mình không thể làm kẻ phản bội ", Khoa tự nhủ.

 

- Mình già rồi. Vi chỉ đáng tuổi con cháu, vậy mà mình đứng ở đây đón cô bé như một gã si tình.

 

Những lúc đứng chờ Vi trước cổng trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, có lúc Khoa cũng lẩm bẩm một mình. Nhưng anh không thể lừa dối trái tim anh đang rung động, một thứ tình cảm gì đó mà đã hơn hai mươi mấy năm chung sống với Nhung, anh vừa tìm lại được...

 

- Nhung ơi, mẹ có vẻ bệnh nặng hơn. Chắc anh ở lại thêm một tuần nữa để coi có bác sĩ nào giỏi để đưa mẹ tới. Tội nghiệp bà quá .

 

Khoa cố lấy giọng thật xúc động khi gọi cho Nhung. Khoa nghe tiếng con Tina đang nằm ngủ chung giường với mẹ từ khi anh đi về Việt Nam, la thật to: "Bố gọi... sắp về hả mẹ"". Khoa cúp máy điện thoại thật nhanh để khỏi phải nghe nữa. Từ bên trong sân trường, Vi đang đẩy chiếc xe đạp bước ra, đưa tay vẩy chào anh, với đôi mắt lộ vẻ tội nghiệp cho anh..

 

- Anh đứng chờ Vi lâu chưa"

 

Khoa lắc đầu cười hiền từ .

 

- Anh đứng chờ Vi đến cả ngày cũng không sao.

 

Không biết từ bao giờ Khoa đã xưng "anh" với Vi một cách thật tự nhiên. Hôm nay Vi mặc một chiếc áo dài trắng thật đẹp . Bây giờ đang là mùa thu. Khoa ước gì lúc này là mùa hè để anh được nhặt một cánh hoa phượng rơi trên lối đi để ép vào trang sách của Vi một cách vụng về như ngày xưa của tuổi học trò đang mới lớn.

 

- Em nghỉ lễ được mấy ngày, em muốn mời anh về chơi ở quê em cho biết. Ở đó có những cánh đồng thật đẹp, không có đầy những cao ốc như ở trên Sài Gòn nầy. Em sẽ vẽ tặng anh một tấm tranh thật đẹp.

 

Vi nói một hơi thật hồn nhiên. Cô bé dường như không cần biết Khoa từ đâu đến, hoàn cảnh gia đình thế nào. Còn Khoa thì tất nhiên giấu kín chuyện ... một vợ và hai con. Chiếc nhẫn cưới cũng đã ... "cuốn theo chiều gió", lột ra cất kỹ từ sau cái đêm gặp Vi. Thằng Tân bây giờ mà gặp Khoa chắc phải "sững sờ" trước một Khoa đã lột xác với bộ dáng chải chuốt mới, mái tóc "muối nhiều hơn tiêu" hôm mới về, bây giờ chỉ còn lại "tiêu" sau mấy lần chải nhuộm. Chỉ còn những nếp nhăn chắc phải chờ về đến Mỹ để chích "Botox" cho chắc ăn. Nhưng Vi có vẻ không để ý đến dáng vẻ bề ngoài thay đổi của Khoa. Lắm lúc Khoa cảm thấy Vi đối xử với mình như một ân nhân gặp ở bên đường.

 

Hai ngày bên Vi ở miền quê Cần Thơ như một chuyến du ngoạn tuyệt vời mà Khoa cảm thấy như anh chưa bao giờ được tận hưởng. Những cơn gió làm những bông lúa vàng nặng trĩu hạt lao xao lay động như bất tận, nối đuôi nhau đuổi bắt đến tận chân trời. Chiều về khi hoàng hôn vừa buông xuống, những cột khói bốc lên sau bếp những mái nhà và những con trâu đồng thỉnh thoảng còn bắt gặp đâu đó với những chú bé cưỡi trên lưng tưởng như chỉ còn gặp lại trong những chuyện tiểu thuyết về đồng quê ngày xưa, tạo nên một bức tranh thật đẹp của miền quê. Và ở trong đó, Vi như một cô bé thiên thần trong một bức tranh mà Khoa muốn giữ mãi trong tâm trí anh.

 

- Anh Khoa có vẻ mê mấy con trâu ở đây quá há. Chắc ở Cali ít thấy những con trâu nầy"

 

Vi cười trêu chọc Khoa khi thấy anh mải mê chụp ảnh mấy con trâu đang gặm cỏ .

 

- Anh ngồi xuống bên bãi cỏ, cạnh mấy con trâu đó đi. Em sẽ vẽ cho anh một bức tranh.

 

Dù hồi hộp và thỉnh thoảng phải liếc chừng cặp sừng nhọn hoắt của mấy con trâu, Khoa cũng vui vẻ ngồi xuống bãi cỏ. Vi lấy cọ và pha màu. Cô bé húy hoáy, chăm chú đặt hết tâm trí vào bức tranh. Gần một tiếng sau, khi xương chậu Khoa bắt đầu bị "ê" vì ngồi bệt hơi lâu, Vi đưa mảnh giấy vẽ cho Khoa .

 

- Tặng anh nè. Hy vọng anh không chê em vẽ mấy con trâu đẹp hơn anh!

 

Vi cười khúc khích. Lần đầu tiên Khoa thấy ánh mắt Vi lóe lên một cái nhìn tinh nghịch .

 

- Anh sẽ giữ tấm tranh nầy trọn đời, Vi à.

 

Khoa vừa nói vừa cầm lấy tấm tranh từ tay Vi. Không biết vô tình hay cố ý, tay Khoa nắm lấy bàn tay của Vi. Vi vội rút bàn tay ra. Cô bé chỉ cúi đầu không nói gì nữa đến hết đoạn đường về nhà.

 

Tất nhiên để cho những kỷ niệm của chuyến đi thêm thơ mộng, Khoa không muốn nhớ đến ánh mắt soi mói, khó chịu của mẹ Vi lần đầu tiên khi Vi giới thiệu Khoa với bà. Lúc đó Khoa lúng túng không biết gọi bà là "bác" hay là "chị".

 

Mấy hôm sau trong lúc xếp hành lý lên đường trở về Mỹ, trong lúc gấp lại mấy chiếc áo sơ mi, Khoa vô tình trông thấy tấm ảnh của bé Tina rơi ra. Tấm ảnh bị nhàu nát sau khi chiếc áo được giặt xong. Khoa cầm tấm ảnh lên rồi hững hờ bỏ nó bên cạnh chồng báo cũ ở trên bàn .

 

California

 

- John, mầy cho tao mượn địa chỉ của mầy một thời gian thôi. Đâu có mất mát gì.

 

 Khoa năn nỉ John "Bụi Đời", thằng bạn có một thời làm chung sở với anh. Từ ngày trở về Cali, Khoa như người mất hồn. Để che dấu tâm trạng của mình, Khoa nói dối với Nhung là anh đang lo cho sức khỏe mẹ anh ở Việt Nam. Những lúc nhớ nhung cô bé Vi ở Việt Nam, Khoa trốn vào sở làm để gọi những cú điện thoại về Việt nam và Khoa phải mượn địa chỉ của John để bill điện thoại không gởi về nhà anh. Cũng may trước khi về Mỹ, Vi chịu nhận chiếc điện thoại cầm tay được Khoa mua thuê bao trước. Nhung bắt đầu để ý những sự thay đổi của chồng. Nàng ngờ ngợ như có chuyện gì đã xảy ra cho Khoa từ giác quan của người vợ bao nhiêu năm đầu ấp tay gối. Chỉ có con bé Tina là lên tiếng phản đối nhiều nhất .

 

- Sao bố không cho con ngồi vào lòng bố nữa " Con là Daddy's girl mà!

 

Con bé Tina đâu biết Khoa đang thân xác ở Cali mà trái tim chàng đã bỏ quên ở cổng trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, hay xa hơn nữa, đến mảnh đất Cần Thơ. Cho đến một hôm, Nhung nhận được một bao thư dày cộm gởi đến nhà nàng. Nàng thấy trời đất như quay cuồng khi nàng mở bao thư và trông thấy một bill điện thoại viễn liên dài dằng dặc. Thì ra thằng John "Bụi Đời" lại đổi chỗ ở mới. Bưu điện " tài hay" thấy tên Khoa nên cố gởi đến địa chỉ gốc của chàng.

 

Tối hôm đó trời Cali đổ cơn mưa thật lớn. Một cơn mưa thật hiếm hoi ở miền nắng ấm Cali nầy cũng như một trận chiến ít khi xảy ra trong mái ấm của gia đình của Khoa. Khi Khoa vất một số đồ đạc của anh lên xe và lui xe ra khỏi garage, trong cơn mưa và những tiếng sấm chớp bên ngoài cửa kiếng xe, Khoa còn nghe bên tai tiếng con Tina khóc nức nở chạy theo:

 

- Daddy! Bố đi đâu vậy" Bố đừng bỏ con nhe. Con là "Daddy's girl " mà.

 

Đã hơn 2 tuần kể từ ngày Khoa rời xa ngôi nhà nơi đã từng là tổ ấm của vợ chồng Khoa và hai đứa con, Khoa dọn vào ở share phòng với gia đình một anh bạn làm cùng hãng. Những buổi tối ngồi một mình trong căn phòng vắng, trong khi ngoài kia tiếng cười nói của đôi vợ chồng người bạn và ba đứa con trong bữa cơm tối làm Khoa đôi lúc cảm thấy thật hối hận và nuối tiếc với những gì mình đã đánh mất. Khoa thèm được ôm con Tina vào lòng những lúc nó muốn được bố vỗ về chiều chuộng, hay ngồi trên ghế sofa cạnh thằng Kevin để bố con cùng xem những trận đấu baseball. Đối với Nhung, anh không bao giờ quên được cái nhìn của nàng, đầy trách móc lẫn sững sờ khi nàng biết được con người mà nàng đã từng đặt hết tình thương và sự tin tưởng lại có thể phản bội nàng. Khoa hiểu rất rõ tính của Nhung và biết rằng nàng sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho anh.

 

Đôi lúc Khoa tự hỏi mình có để cho tình yêu làm cho mù quáng hay không, khi anh sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì mình đã dầy công gây dựng cho một tình yêu thật bồng bột, trẻ con với một cô bé vừa mới lớn. Đối với Vi, đó là một tình yêu thầm kín mà Khoa chưa một lần nào chính thức tỏ tình, ngoại trừ vài lần Khoa xa gần nói đến tình cảm của mình. Những lần gọi điện thoại về Việt Nam thường là những câu chuyện vẩn vơ, phần lớn Khoa hỏi Vi về công việc học, những sinh hoạt hàng ngày. Khoa ít khi kể về cuộc sống của riêng anh hay về gia đình của anh ở Cali . Có lẽ Vi cũng nhận ra được điều đó nên cô bé thường tế nhị không khi nào đề cập đến.

 

Những lúc cô đơn một mình trong căn phòng vắng, Khoa thường ngồi hàng giờ ngắm bức tranh Vi đã vẽ cho anh bên cạnh những con trâu ở mảnh đất Cần Thơ mà anh đã cẩn thận dán lên bức tường bên cạnh cửa sổ đối diện với chiếc giường ngủ nhỏ. Những lúc gọi điện thoại nói chuyện với Vi là nhữnh khoảnh khắc Khoa cảm thấy lòng mình như được sưởi ấm lại. Vi thì lúc nào cũng vậy, với những mẫu đối thoại đầy hồn nhiên của cô bé vừa mới bước qua ngưỡng tuổi 18, Vi say sưa kể về những buổi đi học, những lần cùng bạn bè đi dã ngoại và những tác phẩm nghệ thuật mới mà cô vừa hoàn thành. Có lần Khoa đùa :

 

- Khi nào Vi ra trường, anh sẽ về giúp xây cho em một xưởng vẽ để mẹ em khỏi lo cho em bị thất nghiệp khi ra trường. Nếu tranh nào không bán được, anh mua hết cho.

 

Rồi sợ Vi buồn, hiểu lầm mình chê cô bé không vẽ đẹp, Khoa nói thêm :

 

- Nhưng vẽ đẹp như em làm gì sợ bán không được. Người ta sẽ xếp hàng dài dài để giành nhau mua tranh của em cho mà xem.

 

Vi mỉm cười nghĩ rằng Khoa chỉ nói đùa để động viên cho việc học hành của mình.

 

Lần này với sự rạn nứt dường như không thể hàn gắn được với Nhung, Khoa quyết định gọi điện thoại về Việt Nam báo cho Vi biết ý định của anh. Anh sẽ bỏ lại tất cả công ăn việc làm, bạn bè, người thân ở Cali để về sống ở Việt Nam một thời gian để anh và Vi có dịp gần gũi hiểu biết nhau nhiều hơn và dự tính cùng nhau xây đắp cho mộng đẹp tương lai. Sau khi nghe Khoa lần đầu tiên tâm sự về những ý định ấp ủ lâu nay của anh, ở đầu dây bên kia, Khoa nghe Vi cất giọng run run :

 

- Em xin lỗi anh ... Em lúc nào cũng kính trọng anh như người anh lớn, người cha của mình. Bố em mất sớm nên em không có dịp được gần gũi, tâm sự với người nào về những dự định, hoài bão của em cho đến khi em gặp được anh. Qua anh, em tìm được một thứ tình cảm bảo bộc mà em tưởng đã đánh mất. Em có tình cờ gặp anh Tân, bạn anh, ở chỗ làm mới của em. Anh ấy có kể cho em nghe về cuộc sống của anh, chị và các cháu ở Cali. Em tôn trọng những riêng tư cá nhân của anh nên trước đây em không dám hỏi tới. Em chỉ định mời anh về làm chủ hôn cho đám cưới của em vào năm tới. Gia đình em và anh Duy đã quen nhau từ khi tụi em còn bé ở Cần Thơ ...

 

Vi còn nói gì nhiều nữa, nhưng Khoa đã thẫn thờ buông rơi chiếc điện thoại. Anh tự trách sao mình có thể dại khờ đến thế để bây giờ bị rơi vào hoàn cảnh éo le như thế nầy. Lúc nào Khoa cũng tự nghĩ Vi là của riêng mình. Anh không bao giờ buồn để ý đến tình cảm riêng tư của cô bé. Khoa đã quá chủ quan trong tình yêu như phần lớn những người đàn ông Việt kiều thường đối xử với những cô gái ở quê nhà. Họ luôn nghĩ mình sẽ là người chiến thắng duy nhất trong tình yêu với tiền bạc trong tay và cái "mác" Việt kiều ...

 

Một cơn gió chợt ùa vào qua khung cửa sổ để quên không đóng làm rơi bức tranh mà Vi đã vẽ cho Khoa dán ở trên tường, cuốn nó nằm lăn lóc bên cạnh những tờ báo cũ vứt ngổn ngang ở một góc phòng.

 

Bên ngoài trời lại bắt đầu mưa...

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,975,034
Tác giả đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Việt Về Nước Mỹ. Ông sinh năm 1951, du học Nhật trước 1975. Đến Mỹ năm 1981. Hiện là cư dân Irvine, Nam California. Công việc: Kỹ Sư Điện tại một hãng trong cùng thành phố. Đây là bài viết mới nhất
Bà cho biết tên thật Jeanne Bùi, sinh năm 1945. Từ trước 1975, dạy học ở Saigon. Sang Pháp từ 1982, đi học lại rồi làm việc cho Mairie de Paris (Tòa Thị Chính), hiện đã nghỉ hưu.
Tác giả là một nhà giáo tại Việt Nam. Sang Mỹ, bà có 10 năm làm việc trong ngành du lịch, hiện là cư dân Little Saigon. Với sức viết mạnh mẽ, Phùng Annie Kim đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2016.
Tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Năm 2019, Tác giả nhận thêm giải Chung Kết Vinh Danh Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ hay còn gọi là giải Hoa Hậu. Tốt nghiệp Y Khoa Huế, thời chiến tranh Bác sĩ Vĩnh Chánh đã là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù.
Tác giả là cư dân Huntington Beach. Những Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là “Chuyện Vui Sầu” ký bút hiệu Khánh Doãn đã được phổ biến từ tháng Tư 2011.
Nguyễn Cao Thăng là tên thật của tác giả, 52 tuổi, dân gốc Kinh 5 Rạch Giá, một cựu thuyền nhân, hiện là kỹ sư cơ khí của hãng máy bay Beechcraft tại Wichita, Kansas.
Tác giả hiện sống ở thành phố Victorville California, đã từng tham gia VVNM năm 2018
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University.
Nhạc sĩ Cung Tiến