Hôm nay,  

Chuyện Cu Bob

19/09/200700:00:00(Xem: 140041)

Bài số 2098-1961-666vb4190907

 *

Tác giả cho biết cô là cư dân Virginia, hiện hành nghề “dzũa nail.” Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của cô là "Một Ngày Như Mọi Ngày" đã phổ biến. Đây là bài thứ ba, vẫn với cách viết rất vui và sống động.

*

 "Nhân dịp xuân về, con xin kính chúc gia đình hai bác phước lộc dồi dào, an khang thịnh vượng, công việc làm ăn phát đạt và vạn sự như ý.

 Ký tên,

 Các cháu Bắc, Nam, Dung, Hạnh."

Nắn nót viết tới đây, Nam ngập ngừng. Có nên hay không đề tên Cu Bob vào cái thiệp chúc Tết chàng chuẩn bị gửi cho ông bác. Suy nghĩ một chốc Nam bèn sửa lại:

  "Ký tên,

 Các cháu Bắc, Nam, Dung Hạnh và Cu Bob."

 Xong xuôi Nam hài lòng bỏ tấm thiệp vào phong bì rồi le lưỡi dán lại. Chàng lững thững đi ra thùng thư trước nhà bỏ phong bì vào đấy, không quên dựng cây cờ nhỏ xíu cho nó đứng lên, dấu hiệu cho người đưa thư biết để lấy đem đi.

 Sang Mỹ rồi người Việt chúng ta cũng Mỹ hóa dần. Khi cần phải trao đổi bằng thư tín, người ta thường ký tên tất cả mọi thành viên trong gia đình cho thêm phần thân mật, nhất là tên người phụ nữ luôn luôn đứng trước tên người đàn ông để tỏ lòng tôn trọng phái yếu. Nam lúc nào cũng nhất nhất tuân theo cái qui luật bất thành văn đó.

Cu Bob là thành viên nhỏ nhất trong gia đình chàng. Nó vừa tròn hai tuổi. Nhớ ngày đầu mang nó về nhà cu cậu mới được bốn tháng. Nó run rẩy như chuột mắc nước, mắt dáo dác nhìn quanh, đầu nép sát vào ngực chàng như để tìm sự che chở. Chàng chọn nó vì nhà toàn đàn bà, vợ chàng và hai con gái, Nam muốn có thêm một thằng đực rựa để Nam khỏi bị "lép vế". Con gái chàng cũng thường ao ước có thêm em trai.

 Vừa thấy cu cậu là Dung và Hạnh sà tới làm quen. Chàng dặn con phải nhẹ nhàng cẩn thận vì em còn bé quá. Dung hỏi cha:

 -Mình đặt tên em là gì"

 Chàng lúng túng gãi đầu, ừ nhỉ, phải tìm cho cu cậu một cái tên. Chàng gọi vào nhà sau:

 -Bắc ơi, ra đây phụ anh tìm một cái tên.

 Chàng biết vợ chàng thích văn chương lại nhiều sáng kiến sẽ giúp được chàng.

 Bắc từ nhà bếp bước ra lên tiếng:

 -Tìm tên hả, tên gì cũng được nhưng anh phải cho nó một nửa cái tên Việt nhá.

 Nói xong nàng chìa tay ra ẵm nó vào lòng ngắm nghía vuốt ve. Bắc thì thầm: "ừ, cu ngoan, cu dễ thương, đẹp trai nhưng hơi nhỏ con, để mẹ lựa cho cu cái tên đàn ông một chút."

 Ngừng một lát nàng gợi ý với chồng:

 -Lấy tên Robert đi anh!

 Dung, Hạnh liền hưởng ứng ngay:

 -Yeah, tên Robert nghe được đó ba, mình kêu ngắn lại là Bob.

 Vậy là xong tên Mỹ chỉ còn tên Việt, chàng gõ gõ trán suy nghĩ tìm một cái tên độc đáo nào đó.

 Bỗng nhiên Bắc reo lên:

 -Em nghĩ ra rồi, chọn tên Cu, không cái tên nào rất là Việt Nam mà lại biểu hiện giới tính rõ ràng hơn thế, Cu Robert, à không, Cu Bob!

 Dung và Hạnh sinh đẻ ở Mỹ không hiểu rõ tiếng Việt cũng nhao nhao đồng tình:

 -Hay quá, tên hay quá, Cu Bob sound cool Mom, Dad!"

 Nam phản đối:

 -Em không nói giỡn chứ, cái tên gì kỳ cục thấy mồ.

 Vốn có máu tiếu lâm vợ chàng cười trêu:

 -Tại sao lại kỳ cục, đầu óc ai đen tối người đó ráng chịu. Em là đàn bà em không sợ thì tại sao anh ngại"

 Chàng chống chỏi yếu ớt:

 -Nhưng chữ Cu nghe thô tục quá.

 Bắc phân bua:

 -Gì mà thô tục, cái chữ nghe rất bình dân, nghe là biết Việt Nam ngay, không thể lẫn lộn với nước nào khác được.

 Biết mình yếu thế, Nam quay sang bảo hai con:

 -Ừ thì lấy tên mẹ chọn đi, Cu Bob.

 Bắc vã lã:

 -Vậy là anh phải vui lên chứ, có thêm thằng đực rựa trong nhà cho âm dương điều hòa.

 Từ đó, Cu Bob gia nhập gia đình Nam và đem đến nhiều sự thay đổi, từ lối sống cho đến nếp nghĩ mà chàng không nhận ra. Nam chỉ biết rằng người vui nhất nhà là hai cô công chúa của chàng, kế đó là Nam. Từ khi có Cu Bob chạy quanh quẩn dưới chân và thêm tiếng sủa của nó làm không khí trong nhà ấm cúng hẳn lên.

Đã lâu hai con gái chàng cứ ao ước được nuôi một con chó nhưng vợ chồng chàng ngần ngại sợ cực. Hai con năn nỉ mãi bèn ra điều kiện, nếu hai cô học giỏi điểm cao thì ba mẹ sẽ cho nuôi một con. Theo một thống kê mà Nam nghe được trên ti vi, có đến 85% dân Mỹ xem chó mèo của mình nuôi là con cái và tự xưng là cha mẹ của chúng. Gia đình chàng nghiễm nhiên xem Cu Bob là "thằng út" trong nhà.

 Khi quyết định nuôi thú trong nhà Nam đã thu thập tài liệu và tìm hiểu mọi chi tiết liên quan về cái giống "tri kỷ của loài người" để biết chắc chàng chọn được một con vừa ý. Chàng muốn nó phải là "toy dog" để dễ huấn luyện, không rụng lông, ít sủa, không nhai cắn bậy, không quá nặng ký và phải là&thằng cu.

 Cu Bob thuộc giống Yorkshier Terrier thuần chủng, xuất xứ từ nước Anh cổ kính. Nó vốn có gốc gác là loài chó săn cỡ nhỏ, theo chân những người thợ dệt từ nước Scotland di dân sang nước Anh. Sau nhiều đợt lai giống với các loài Terrier của Anh tạo thành giống mới Yorkshier, lấy tên của một quận cổ nước này. Nó rất lanh lợi và thông minh. Nó hội đủ những điều kiện chàng tìm kiếm.

Đem Cu Bob về nhà rồi Nam mới phát hiện ra mình cần phải hoàn tất một số thủ tục theo luật pháp đòi hỏi.

 Nam phải đưa Cu Bob đến bác sĩ thú y khám nghiệm để biết chắc nó không có bệnh vặt. Bác sĩ khám xong đưa chàng hai toa thuốc cho nó sử dụng mỗi tháng. Một loại để uống ngừa giun sán trong cơ thể, một loại để thoa lên da chống bọ chét. Nhìn ông bác sĩ đeo vào cổ nó sợi dây với miếng sắt vuông như cái mặt dây chuyền treo lủng lẳng, trên đó có ghi rõ số điện thoại nhà chàng và tên "Nguyễn Cu Bob". Nam bỗng phì cười, nghe như là chàng có thêm một cậu quý tử vậy.

 Chưa hết, chàng còn phải điền đơn rồi gửi kèm giấy chứng nhận của ông bác sĩ là cu cậu đã được chủng ngừa đầy đủ thì quận hạt mới cấp giấy phép được nuôi nó trong nhà, cũng là xác định chủ quyền của con chó mình nuôi. Mỗi năm phải làm đơn xin một lần mới hợp lệ. Thêm nữa, lâu lâu cần phải đi bác sĩ khám định kỳ, chích ngừa, làm sạch răng và lỗ tai, rồi còn cắt tóc tai và móng chân cho nó gọn ghẽ.

 Ngoài ra, mỗi sáng sớm dù mê ngủ cỡ nào Nam cũng phải dậy sớm dắt cho cu cậu đi ra ngoài tiểu tiện, xong phải nhặt lấy cất đi những gì nó thải ra, phải dắt nó đi bộ tập thể dục mỗi ngày cho cơ thể được khỏe mạnh. Không làm đủ những công việc này chàng có thể bị rắc rối với pháp luật, nếu chẳng may có người hàng xóm nào đó mách lẻo, đi tố cáo chàng hành hạ súc vật thì phiền to.

 Còn nữa, thức ăn thì phải mua đúng loại dành riêng cho giống chó thì mới đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng. Một lần chàng cãi lời bác sĩ cho Cu Bob ăn cơm thừa sau bữa ăn tối, kết quả cu cậu bị tào tháo rượt, làm chàng phải một phen khốn đốn vì tốn mất một ngày dọn dẹp nhà cửa và tắm rửa "tẩy trần" cho cu cậu sạch sẽ lại. Sau lần đó chàng chừa không dám làm trái lời ông bác sĩ.

 Vì sợ cu cậu chạy mất hoặc phá hư nhà, Nam ghi danh cho Cu Bob đi học một khóa huấn luyện để nó không tiểu tiện trong nhà và biết nghe theo những mệnh lệnh con người điều khiển. Nhờ vậy Nam mới biết rằng loài chó không có thị giác, nó chỉ nhìn thấy hai màu trắng hoặc đen. Bù lại nó có một thính giác tuyệt vời. Nó không hiểu tiếng loài người nên đừng tốn công dài dòng với nó vô ích. Nó chỉ hiểu vài tiếng ngắn gọn mà thôi, nhờ âm thanh hơn là nhờ ngôn ngữ .

 Vậy mà đã hết đâu, mỗi lần gia đình chàng đi chơi xa là phải tìm người gửi nó, nếu không thì phải cho vào "khách sạn" của loài chó. Trước khi có Cu Bob, mỗi khi đi chơi là cứ xách va li mà đi, bây giờ phải lo chuyện đem gửi nó rồi mới an tâm rời nhà. Khi tính toán chi phí cho chuyến đi còn phải thêm vào cái khoản tiền gửi cu cậu nữa. Khi rước nó về nuôi chàng đâu biết có những phiền toái này.

 Nam nhớ lại hồi còn ở Việt Nam chàng cũng có một con chó nhưng chàng đâu phải nhọc công đến thế. Con chó thời thơ ấu của Nam chỉ được ăn cơm thừa cá cặn và ngủ dưới đất, không bao giờ được đi bác sĩ mà nó vẫn khỏe mạnh. Đã vậy, đa số chó ở Việt Nam được nuôi một thời gian là bị đưa lên bàn ăn. Nghĩ mà tội nghiệp cho con chó Việt Nam.

  Cái tên của Cu Bob đã đem đến nhiều niềm vui và ngộ nhận vô tình. Cứ mỗi lần bạn bè tới chơi ai cũng bắt chàng phải giải thích cái tên của nó. Nam phải lặp đi lặp lại là chàng muốn giữ gìn nguồn gốc Việt Nam, rằng chàng chọn hai cái tên tượng trưng cho hai nền văn hóa. Chàng nhắc nhở bạn bè đừng đảo ngược cái tên của nó kẻo bị hiểu lầm. Những người Mỹ nghe tên Cu Bob đều cho là cái tên "unique" nên khen nức nở. Dung, Hanh một hôm nghe ba mình giải thích nghĩa đen của tên Cu Bob, chúng la ầm lên không chịu, đòi ba đổi lại tên khác. Trong lúc Nam đang bối rối tìm tên mới để thay thế thì Cu Bob phóng đến cạp cạp vào chân hai chị đòi giỡn. Hạnh bực mình la to:

 -Cu Bob, ngồi xuống!

 Cu cậu ngoan ngoãn thả bệt người xuống sàn nhà kêu cái "phịch", hai cô nhìn nhau ngầm hiểu rằng đã quá muộn để đổi tên cho cu cậu.

 Kể từ đó, hai cô luôn tranh nhau làm công việc giải thích cái nghĩa thứ nhì của tên Cu Bob và dặn dò khách đến nhà "don't reverse his name". Hai cô còn có vẻ hãnh diện vì con chó của mình có cái tên rất lạ, bảo đảm không ai trên thế giới này có. Vả lại mỗi lần kêu tên Cu Bob là tiếng cười lại nổi lên.

 Nam và vợ gặp nhau cũng vì cái tên. Chàng và nàng quen nhau ở đám cưới của người bạn. Khi nghe giới thiệu tên hai người, mọi người cùng bàn đùa: "Anh Nam chị Bắc gặp nhau bên Mỹ thì nên thống nhất đất nước đi cho Nam Bắc được một nhà". Bắc mắc cỡ giả bộ nhìn lên sân khấu, làm như đang chăm chú lắng nghe cô ca sĩ hát để khỏi phải trả lời.

 Quả thật, Nam và Bắc hợp thành một nhà thật, nhờ vậy mới có Dung, Hạnh và Cu Bob.

Nhờ có Cu Bob, mọi người xung quanh dường như thân thiện hơn với chàng. Kể cả cái bà hàng xóm người Mỹ khó tính, mặt mày lúc nào cũng khó đăm đăm có vẻ như kỳ thị. Từ khi có Cu Bob, bà bắt đầu mỉm cười chào mỗi khi chàng dắt nó đi bộ ngang qua.

 Một hôm vợ chàng dắt Cu Bob chạy bộ tập thể dục, bỗng có một anh chàng Mỹ cao lớn đẹp trai chạy song song bên kia đường cứ nhìn chằm chặp vào cặp đùi của nàng. Bắc thấy nhột nhạt nên nàng chạy nhanh lên thì hắn cũng chạy nhanh theo. Bắc tức mình dừng lại đi bộ thì hắn cũng dừng lại đi bộ. Cuối cùng hắn lên tiếng trước, mắt vẫn nhìn xuống phía đôi chân nàng:

 -How do you like this dog" Is he easy to take care of"

 Bắc chợt đỏ mặt, thì ra hắn nhìn Cu Bob chứ không phải cặp giò của nàng. Nghe vợ kể lại Nam cười bò lăn làm nàng giận dỗi bỏ đi, tay quất mạnh sợi dây cột chó vào người chàng đau điếng.

 Cũng nhờ có Cu Bob mà hai con gái chàng học thêm ý thức trách nhiệm. Trước khi ra khỏi nhà Dung và Hạnh tự động thay phiên nhau dắt Cu Bob ra ngoài tiểu tiện, luôn luôn châm nước và thức ăn đầy đủ cho cu cậu trước khi rời nhà, đi tiệc bao giờ cũng đòi về sớm sợ "em" ở nhà đói bụng hay cần đi ngoài. Dù bận rộn học hành, mỗi ngày hai cô đều dành thời gian chải lông, tắm rửa họăc chơi đùa với Cu Bob.

 Dung, Hạnh còn đem "em" vào ngủ cạnh giường với mình, điều này Bắc cực lực phản đối, nhưng gần gũi lâu ngày tình cảm nảy sinh, những cử chỉ trìu mến mà Cu Bob đối với mọi người không ai có thể phủ nhận. Dần dần, chính vợ chàng thỉnh thoảng cũng đem Cu Bob vào giường mình, dành một góc dưới cuối giường cho nó.

 Nhìn cách đối xử của vợ con đối với Cu Bob làm Nam chạnh lòng nhớ lại con chó của tuổi thơ. Chàng không thể không so sánh sự cách biệt giữa hai dân tộc trong cách đối xử với thú vật. Sống ở Mỹ nên Nam theo Mỹ, chàng đã cho Cu Bob những tiện nghi và ưu đãi mà rất nhiều con người ở Việt Nam không có.

 Suy nghĩ về Cu Bob, không hiểu sao chàng lại liên tưởng đến thân phận ngừơi Việt Nam. Cùng sinh ra ở đời, tại sao có những mảnh đời còn tệ hơn cả Cu Bob. Những mảnh đời đó đang bị đọa đày nơi quê hương xa xôi của chàng. Bỗng nhiên, cảm giác phạm lỗi chợt nổi lên làm chàng thấy khó chịu.

 Cu Bob bỗng từ đâu phóng tới, cọ cọ vào ống chân Nam rồi thả xuống trước mặt chàng một con chó nhồi bông, miệng kêu gừ gừ đòi Nam chơi với nó. Nam bực bội nhặt con chó đồ chơi ném ra xa. Cu Bob chỉ chờ có thế, nó phóng mình lao theo ngoạm lấy để mang về cho chàng. Nhưng Nam đã quay lưng đi vào nhà. Chàng lại bàn thờ đốt mấy cây nhang cắm vào lư hương, miệng lâm râm khấn vái:

"Năm mới Tết đến , con cầu xin Phật Trời phù hộ cho thiên hạ được thái bình, cho non nước Việt Nam của con sẽ có một ngày con người được sung sướng hơn con vật..."

Ý kiến bạn đọc
01/06/201800:46:21
Khách
tên cu Bob còn đẹp rồi đó ,thằng con tui nuôi 1 thằng tên cu Đen kia kìa
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Người viết định cư tại Mỹ năm 2000, hiện là cư dân Boston. Với bài "Đoá Hồng Bạch" tưởng niệm một nữ sĩ quan Mỹ gốc Việt hy sinh tại chiến trường Trung Đông, Nhất Chi Mai đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2012. Sau nhiều năm ngưng viết, mừng cô viết trở lại. Mong mạnh dạn tiếp tục.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, bài viết mới của ông là chuyện về một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là một du ký mới của bà.
Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết phăng phăng bằng giọng yêu đời và yêu người thuộc đủ loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida. Bài viết gần nhất của tác giả “Có Những Tấm Lòng” mới phổ biến tuần trước, ngày 24 tháng Bẩy. Vì bài mới nhất liên quan tới thời sự, nên xin đặc biệt phổ biến sớm.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2013 và hiện là thành viên Ban Tuyển Chọn Giải Thưởng Việt Báo và vẫn tiếp tục góp bài viết. Sau đây là bài mới của cô.
Tác giả một mình vượt biển giữa thập niên 80 khi còn tuổi học trò. Dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, cô nhận giải danh dự 2001. Bốn năm sau, nhận thêm giải vinh danh tác phẩm 2005. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau khi nhận giải Việt Bút Trùng Quang 2016, tác giả vẫn tiếp tục góp thêm bài viết về nước Mỹ.
Bài viết đầu tiên của Tố Nguyễn tới vào tháng Sáu, tháng cuối của Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX - 2017-18. Thư gửi kèm bài tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. Bài viết mới nhất của tác giả cho thấy bút pháp cho thấy tác giả đã tự vượt chính mình thêm một đoạn dài. Mong ông tiếp tục viết.
Nhạc sĩ Cung Tiến