Hôm nay,  

Giấc Mộng Con - Little American Dream

08/04/200700:00:00(Xem: 275243)

Người viết: Chúc Chân

Bài số 1236-1847-553vb7070407

*

Tác giả  tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt. Giải thưởng Việt Báo năm thứ ba, cùng lúc với giải danh dự, bà còn nhận thêm giải “Writing on America” cho bài viết bằng Anh ngư. Sau đây là bài viết mới nhất của bà dành cho tháng Tư năm nay, những hồi ức từ sau ngày Saigon xụp đổ,  vượt biển, định cư, American Dream...

*

Bãi Cát ở Mersing, nơi chúng tôi đặt chân lên bờ và dựng chiếc lều bằng thùng giấy và vải nhựa sống những ngày tị nạn đầu tiên. Hình nhỏ góc phải: Refugee Camp, Pulau Tengah, Malaysia (chúng tôi ở trại D vòng tròn)

Tôi và ông xã tôi chỉ ôm giấc mộng nhỏ thôi như những người di dân đã đặt chân lên xứ nầy hơn hai thế kỷ trước - Một bắt đầu mới cho hứa hẹn tương lai.

Sứ mạng của chúng tôi khi bước chân lên chiếc tàu đánh cá chồng chềnh trong vùng biển nước mặn đêm đó đương nhiên rất cao cả: Đi tìm tự do! Dĩ nhiên ở tuổi 20s, ý chí con người lúc nào cũng cang cường hơn và mang nhiều lý tưởng hơn ở tuổi 50s như chúng tôi bây giờ.

Tự do. Chúng tôi quyết định. Nhưng thật ra chúng tôi cũng rất lờ mờ không chắc nó là gì" Tự do ăn nói chăng" Thật ra tôi cũng chẳng ăn chi nhiều cho lắm, bất quá thứ hàng vặt như "bò bía", đá đậu ngang trường Gia Long trên đường Đoàn Thị Điểm gần chùa Xá Lợi, hay hàng bánh cuốn ở Ngã Sáu Sài Gòn, hoặc nghêu luộc ngồi chồm hổm bên lề đường Ngã Sáu Chợ Lớn. Còn nói, e chỉ cần thì thầm đủ cho người yêu nghe thôi.

Thế nhưng mình phải mang một sứ mạng chớ không lẽ ra đi không lý tưởng"

Thôi thì mình ra đi vì thế hệ kế tiếp vậy.

Gia đình ông xã tôi (chúng tôi lúc đó mới bồ thôi) thuộc thành phần "Tư bản mại sản", tuy không phản cách mạng hay có “mang nợ máu với nhân dân”, nhưng hai tiếng tư bản khó mà vươn lên trong xã hội chủ nghĩa "lấy lao động làm vinh quang" nầy. Thêm vào đó hai đời trước của ông xã tôi còn mang hai chữ "Địa chủ". Tuy không là cường hào và tuy đất ruộng đã được mua lại hết trong chương trình Người Cày Có Ruộng của tồng thống Thiệu, nhưng chắc đời sau của chúng tôi sẽ khá chông gai.

Thế là chúng tôi đành "hy sinh" đời mình đi vượt biên cho thế hệ sau vậy. Mặc dù khi đó chúng tôi chưa lấy nhau và chiếc lều lý tưởng đang dệt chỉ có hai mình thôi.

S.O.S. - Save Our Seoul - viết vội trên một miếng vải không biết tìm ở đâu ra trên chiếc tàu đánh cá chạy bằng máy "ba lốc (block) đầu bạc" được mấy anh dân đánh cá thứ thiệt và dân đánh cá trá hình đứng trước boong tàu đang phấn khởi trương lên. Chiếc tàu gỗ đánh cá của chúng tôi đang tiến vào cảng Trenganu, Mã Lai.

Công nhận chiếc la bàn và mớ bản đồ hải trình của anh tôi hồi thời học Phú Thọ rất tinh vi và tỉ mỉ. Chỉ tội chiếc ghe đánh cá cũ kỹ của chúng tôi không có đồng hồ vận tốc. Cho nên vận tốc được ước tính do kinh nghiệm tài công của ông anh tôi, tốt nghiệp cán sự hàng hải trường kỹ thuật Phú Thọ và là một cựu thiếu úy quân vận lái tàu kéo sà lan ở Cát Lái. Một anh ngư phủ thứ thiệt nhìn dòng nước cuộn trên biển: "Cỡ mười hai cây số giờ, ông thiếu úy."

Trên đường đi quốc tế đó, trong "phòng tham mưu hải hành" có hai người biết đọc la bàn và hải đồ là anh tôi và tôi. Tôi vốn biết vẽ phân độ. Scaling và chấm tọa độ là nghề của nàng. Trong đám mù tên chột làm vua, tôi đương nhiên là người chấm tọa độ và định hướng đi cho con tàu định mệnh hôm đó. Trên tàu lúc đó chỉ có hai người biết thế nào là sai một ly đi một dặm.

 Vậy mà chiếc tàu của chúng tôi đã đến mục tiêu tọa độ rất đúng giờ như lời tôi hoạch đoán và tuyên bố đêm hôm trước "Sáng thì mình tới Trenganu."

Hàng chữ S.O.S. tiếp tục bay phất phới trong gió.

Tới bờ tự do rồi bây ơi!

Đám đàn ông và thanh niên trên boong tàu hớn hở.

Đám đàn bà và con nít trong cabine hớn hở.

Kìa, chiếc ca-nô của cảnh sát Mã đang chạy lại tàu mình kìa! Đàn bà con nít ra đây, ra đây. Coi, bây đừng cười. Phải nhăn mặt, phải khổ sở chút coi. Tụi bây cười nhăn răng như đi du lịch sao được. Mình đi tị nạn mà.

"Turn around!"

"Turn around!"

Coi họ nói gì vậy bây"

"Ết Ô Ết"

"Ết Ô Ết"

"Seo vơ ao ơ sô"

"Seo vơ ao ơ sô"

"Turn around or we will shoot!"

Chuyện gì vậy bây" Coi sao mấy ông đó chĩa súng qua tàu mình"

Đứa nào biết tiếng Anh nói họ biết mình dân làm ăn bây giờ chạy tị nạn.

Sao vậy" Sao vậy" Sao họ không cho mình vô"

Hả" Đi chỗ khác hả" Trời ơi, biển cả mênh mông, biết đi đâu bây giờ"

Mình người đi tìm tự do mà. Bây nói cho họ biết mình đi tìm tự do!

Vài tiếng súng bắn chỉ thiên nổ lốp bốp.

Cha mẹ đất trời ơi! Thôi không cho vô thì mình đi chỗ khác. Bây ơi chạy ra, chạy ra.

Mà đi đâu bây giờ bây ơi" Nam mô Quan Thế Âm cứu khổ cứ nạn. Nam mô ....

Sau một ngày một đêm với chiếc la bàn tiếp tục chỉ hướng nam đông nam, chiếc tàu đánh cá nhỏ của chúng tôi tiếp tục ra đi. Nhưng bây giờ tôi không có tọa độ để chấm và không biết bao giờ mình sẽ tới bờ. Hay chẳng bao giờ đến bờ.

Hôm sau thêm một ngày lênh đênh không tọa độ.

 Ba đứa chúng tôi, anh tôi, ông xã tôi và tôi cùng bàn nhau. Chạng vạng hôm nay, khi trời bắt đầu tối mình nhìn vào bờ, hễ thấy chỗ nào có ánh đèn thì nhào vô. Mình không thề mạo hiểm trong vùng đá ngầm của Nam Dương được.

Một lần nữa tọa độ mới của chúng tôi chấm "Trúng ngay phóc!" Chẳng những chúng tôi nhào vô đúng cửa biển của làng đánh cá Mersing, mà chúng tôi còn đáp ngay trại tị nạn Mersing. Cắm sào trên bãi có trên trăm người tị nạn và một đoàn tàu đánh cá Việt Nam đang nằm trên cạn.

Như mũi Cà Mau của Việt Nam, Mersing nằm giáp phần chót cùng của Mã Lai,

Bây ơi! Bây ơi! Trời Phật độ!Trời Phật độ!

Chúng tôi đổ bộ lên Mersing. Dân chúng địa phương cho chúng tôi mớ thùng giấy cùng bao nhựa để cất lều ở tạm cùng một đống quần áo củ. Ở Mersing được vài ngày thì Cao Ủy Liên Hiệp Quốc dọn dân tị nạn ra đảo Pulau Tangah, một hòn đảo thơ mộng ở bò biển đông Mã Lai, biển xanh, cát trắng , hàng dừa cao. Trước đó đảo nầy dành cho du khách, nay Cao Ủy Liên Hiệp Quốc mướn dùng làm trại tị nạn cho chúng tôi.

Ngày chúng tôi rời Mersing để ra Pulau Tangah, dân đánh cá hiền hòa đã đổ vào những rổ, những thùng, những gì có thể dùng để chứa mà chúng tôi có thể tìm được, đầy mớ cá bạc má và những câu chúc lành tuy chúng tôi không hiểu họ nói gì.

Thế là cuộc hành trình tìm đất Tự Do của chúng tôi bắt đầu bằng một rổ cá bạc má.

Sáu tháng sau chúng tôi rời Pulau Tangah. Đáp qua Mersing chỉ kịp để tìm từ giã những ân nhân mới quen và chúng tôi lên đường qua Mỹ.

Anh Năm nói trong thơ khi nào mình qua tới đó ảnh cho anh chiếc xe hơi của ảnh để hai đứa mình đi học Anh văn rồi vô đại học lại. Chiếc Corolla đời 70 ảnh nói còn chạy ngon lắm. Ảnh nói mình ráng đi học vài năm thì ngon lành ngay.

American Dream của chúng bắt đầu từ đây.

Anh ơi thấy mấy đứa con anh Hai tội nghiệp quá. Con Huệ hồi ở Sài Gòn cưng như trứng mỏng, vậy mà bây giờ sau giờ học nó phải đi làm waitress. Nói anh Năm để chiếc xe ảnh chạy đi làm. Lương minimum wage đâu có bao nhiêu, mình làm sao lấy chiếc xe của ảnh được. Ảnh ráng chở mình đi tìm việc. Vài bữa có việc làm mình mua xe mấy hồi.

Anh nộp đơn xin bán tiệm tạp hóa Utotem ở đầu đường, đi bộ qua làm được.

Không xong rồi, nó cho anh thử lie detector test. Anh có biết gì đâu. Nó hỏi anh nhưng anh có biết nó hỏi gì" Hồi hộp thấy mồ. Tim anh đập loạn xạ ngậu. Cái máy detector cũng chạy loạn xạ ngậu lên. Nó nói anh rớt rồi tại anh không thành thật!

Ông xã tôi sau khi thi rớt lie detector test ở Utotem, xin vô làm hãng điện tử. Hãng điện tử không bắt thi lie detector. Có lẽ hãng đang cần thợ gấp, nên ông xã tôi được nhận vào dễ dàng. Với số lương tối thiểu hai đồng chín mươi cent một giờ chúng tôi thật sự bắt đầu dệt mộng trên đất Mỹ.

Chiếc xe đầu đời của chúng tôi là chiếc Volkswagen èo uột đời ngàn chín trăm sáu mấy. Sau khi đá chiếc bánh xe anh Hai bảo - Được liền lặn lắm. Cũng từ hôm đó, hơn phân nữa tấm pay check lương minimum wage của ông xã tôi phải đổ ra để đi sửa xe hàng tuần.

Một hôm cuối tuần anh Hai và ông xã tôi đang lui cui trên đầu máy xe, vừa vặn, vừa mở, vừa bàn nhau. Không biết cả hai làm thế nào mà chiếc xe đột nhiên bốc cháy, khói đen cuộn lên nghi ngút. Một nhân viên tiệm hardware gần chung cư nhanh chân chạy qua với bình chữa lửa đập tắt ngọn lửa kịp thời. May là chúng tôi có mua bảo hiểm xe.

Hai tháng sau tôi đi học lại và làm part time.

Em ơi có tin mừng! Chị Hoa (chị ruột ông xã tôi) qua được Pulau Bidong rồi. Chỉ đi được với ba đứa con thôi, anh Chắc còn kẹt.

Anh ơi mừng quá! Ba má và cả nhà em qua được Letung rồi. Letung ở đâu vậy" Ở In Đô.

Con Liễu, chồng nó với ba đứa con cũng tới Bidong rồi, sau chị Hoa một tháng.

Nghe đây, nghe đây! Chuyện khó tin nhưng có thật! Anh Chắc đưa ba má anh, ba má ảnh, cả dòng họ con cháu bên ảnh, bên anh, hơn năm chục mạng tới Kuangtang rồi.

Thằng Khánh con chị Cả với vợ và đứa con qua tới Pulau Tanga. Chung đảo với mình. Tụi nó nói bây giờ trên đảo cái gì cũng trả bằng vàng hết. Mớ sô xách nước, cái thùng phuy anh em thủy thủ hồi đó đi Úc để lại cho mình. Mớ nồi mớ xoong lỉnh khỉnh hồi Ức bốc bà con bỏ lại cho mình. Tụi mình đi chuyền cho bà con ở lại, bây giờ nó nói phải trả một chỉ (vàng) một cái. Thiệt hết nước nói.

Chi Hoa, anh Chắc với bảy đứa con phải mướn căn chung cư ba phòng. Nhà trả tiền mà phải bỏ không cả tháng uổng quá. Nhưng phải giữ chớ, sợ lúc chỉ qua mình kiếm không có.

Gia đình Liễu năm người qua ở với chúng tôi trong căn chung cư hai phòng được một tháng thì dọn qua chung cư Wilson . Chồng đi rửa chén đủ trả tiền mướn. Ba đứa nhỏ được lãnh AFDC trợ cấp nên cũng xong. Gia đình Liễu vừa dọn ra thì gia đình Khánh tới, dọn vào ở với chúng tôi vài tháng.

Ba má anh qua ở với mình. Ba má em và gia đình qua thì mình cũng phải mướn chớ tính sao bây giờ.

Chuyện định cư cho đại gia đình và gia đình tiếp nối là cả một công trình. Lúc đó với số lương khiêm nhường một job rưởi của chúng tôi, đồng bạc được căng đến mức tối đa.

Phải đi xin số SS chớ. Dắt mấy nhỏ đi chích ngừa tụi nó mới đi học được. Mỗi nhà mình dạy một đứa lái xe thôi, rồi nó dạy lại mấy đứa kia.

Bà Robinson gọi nói hãng Data General đang cần ngươi làm, không biết nói tiếng Anh cũng được. Em đưa giùm con Anh, chị Mai, thằng Thiệp với anh Tâm đi ngay bây giờ.

Anh ơi chiến thắng vẻ vang. Họ mướn hết cả bọn. Có đâu" Mấy người nghe như vịt nghe sắm nên họ cho em vô thông dịch lúc interview. Sẵn có em ở đó làm thông dịch, họ mướn cả bọn và cho em theo vô orientation luôn cho tiện.

Đó là người nhà. Họ sui gia và sui gia của sui gia mặc dù chúng tôi không có tài chánh để giúp, nhưng không giúp cũng không xong.

Hello cưng hả" Hôm nay có kẹt gì không" Một giờ em có lớp thi final. Hưm! Anh Tiêu gọi anh, ông già ảnh ở nhà thương hổm rày. Mổ sạn thận. Nhà thương cho ổng về bữa nay, nhưng anh Tiêu gọi không được ai đi chở giùm. Em gọi taxis cho ảnh được không" Được, nhưng anh Tiêu làm sao nói chuyện với taxis, rồi nhà thương. Thôi được bây giờ 11 giờ, anh biểu anh Tiêu chờ em ngoài đầu đường, em qua chở ảnh đi đón ông già về cho lẹ đặng còn kịp giờ đi thi.

Chị Tâm, chiều nay ba giờ chị chuẩn bị sẵn sàng nghe. Học ra tui chạy qua đưa chị lên nhà thương khám thai. Oh well, will see what I have here" How's far a long" Mấy tháng rồi chị Tâm" Chắc hơn bảy tháng. Around seven. Has she been examed before" Chị có đi khám thai lần nào chưa" Ở trại có ai đâu mà khám thai" No, not yet. Oh my God! Not at all" Nope! She just came out from a refugee camp. Tell her everything is fine, she is seven and a half months along. The baby is fine. Tell her she needs to come back every week for check up from now on. Bác sĩ nói không sao. Bây giờ tới ngày sanh, mỗi tuần chị phải lại đây cho ổng khám.

Thằng cu Hoan như trái dưa leo đèo em biết không" Nó sanh ở bên đảo cũng may họ đưa qua nhà thương kịp. Ruột nó bị quấn nên họ cắt nối ra bên hông. Mai anh xin nghỉ một ngày đưa nó lên nhà thương mổ. Bác sĩ sẽ nối khúc ruột xuống hậu môn lại cho nó như người bình thường.& Anh mới ghé nhà chị Thơm. Thằng cu Hoan hồn rày chịu sửa ú mu dễ thương quá.

Hello Chúc hả" Anh gọi cho em biết chị Tâm em sanh hồi hôm rồi. Con gái, bảy pound mấy. Mẹ tròn con vuông. Anh gọi qua cho em hay vậy thôi. Anh đặt tên nó Lily. Kệ qua Mỹ kiếm cái tên Mỹ cho nó. Cám ơn em nhiều lắm nghe, tuần nào cũng qua đưa bà xã anh đi khám thai. Bye em.

Hai mươi bốn năm sau .... Tình cờ đất khách mình già bên nhau!

Vợ chồng Liễu bây giờ làm chủ hãng thực phẩm cung cấp sĩ cho tất cả các siêu thị Á Châu ở toàn nước Mỹ.

Con gái của Khánh tốt nghiệp Yale Law được mấy năm rồi.

Anh chị Tâm làm chủ nhà hàng Chopstick bán buffet Chinese foods. Con Lily mới lấy chồng.

Anh Hiệp chồng chị Thơm làm chủ nhà hàng Hoa Việt. Thằng cu Hoan bây giờ làm manager tiếp khách ngon lành.

Còn chúng tôi, có với nhau hai đứa con, chủ ba chiếc xe và một căn nhà như quảng cáo trên địa ốc: Bốn phòng ngủ, ba phòng tắm, không lầu, bốn mặt gạch, trường học tốt, khu yên tĩnh, giá nhà lên mau.

Và cuộc đời cứ thanh thản qua đi, êm đềm như giấc mộng.

Cho đến khi tôi được lãnh số tiền servance package sa thải, và ký giấy hứa hẹn không kiện tụng công ty mình làm sau 24 năm trung thành "với tổ quốc". Khi tôi tìm được đất dụng võ mới, thì ông xã tôi lãnh một số tiền tương tự sau 25 năm trung thành "với tổ quốc".

Đó là giấc mơ về nước Mỹ hồi một của chúng tôi.

Bây giờ là giấc mơ về nước Mỹ hồi hai.

Sau khi trải qua kinh nghiệm "nhàn cư vi bất tiện" lúc tôi không có việc làm và chưa tìm được việc mới, tôi hối thúc ông xã tôi đi tìm việc làm lập tức. Mặc dầu lúc đó tôi đã đi cày trở lại và tình hình tài chánh của chúng tôi vẫn còn khả quan. Căn nhà của chúng tôi đã trả xong nợ nhờ hai cái check servance.

Anh đi làm ăn một mình, không đi làm cho ai hết. Được mình ăn, khó mình chịu.

Ừ thì cũng được. Nhưng làm ăn gì bây giờ"

Chú Ken, em anh Chắc bán bảo hiểm trên Houston nghe cũng ngon lắm.

Ừ anh bán cho bà con nhà mình không cũng đủ, cộng thêm sui gia hai họ vần lân, và đám bạn bè của mình chắc không đến đồi nào.

Anh muốn có cơ sở, mai mốt nếu thằng con mình lỡ trật vuột không có bằng cấp kiếm job ngon, mình còn đề lại cho nó làm.

Ừ vậy cũng được.

Thế là ông xã tôi, bắt đầu dệt mộng mới trên xứ Mỹ với mái tóc muối tiêu "tuổi ngoài năm mươi thôi". Chàng ôm mấy cuốn sách bảo hiểm học để thi lấy license, tụng hàng ngày như tụng Bát Nhã Tâm Kinh.

Ba tháng sau thì ông xã tôi được cho đi huấn luyện và đi tập sự. Với sự ủng hộ của anh, chị, em, bà con, cô bác, con cháu, bạn bè, sui gia của anh, sui gia của chị, rồi sui gia của sui gia, ông xã tôi bắt đầu viết policy bảo hiểm xe và bảo hiểm nhà.

Bảo hiểm nhân thọ cam go hơn. Người mình ít khi mua. Dại sao, mua trù mình chết thiệt sao" Thế thì vợ một life policy, con mỗi đứa một life policy. Anh bị bịnh đường mắc lắm mua không nổi đâu. Mấy đứa cháu, tụi bây mạnh như trâu cui, bảo hiểm rẻ rề, ra mua nhân thọ để chú/cậu/dượng/ông trả cho. Tao cần đếm đủ quota.

Sau cùng ông xã tôi cũng đếm đủ quota, được giấy phép mở văn phòng và chính thức ký hợp đồng với hãng bảo hiểm.  "Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt" xuống núi, thuận thiên hành đạo từ hôm ấy.

Gần một năm, từ ngày tụng thuần thục “Bảo Hiểm Tâm Kinh”, ông xã tôi mướn căn phòng trong văn phòng địa ốc của anh Long và lăng xăng lo dọn vô. Chàng phấn khởi treo bảng hiệu "Tran Agency" lên. Chỗ hơi khuất, nhưng tiền mướn rẽ. Vạn sự khởi đầu hơn nan chút mà em. Cho anh ba năm anh sẽ gặt về cho em đếm không xuể như chú Ken trên Houston cho coi.

Hôm cuối tuần đó chúng tôi đang chăng đèn Noel thì điện thoại nhà reo.

 This is Jack. May I talk to Chau, please"

Ông Xã! Điện thoại! Ai vậy" Ai biết"

This is Chau... Hey man! Long time no hear! What's up"...Wow, that's wonderful.  That's a great news. Let me talk over with her and I will call you back later. Thanks, man!

Jack xếp củ của anh. Ảnh nói ảnh có job opening muốn kéo anh về. Hưm! Job nầy down grade. Kệ không sao. Down pay luôn. Hưm! Lương nhẹ việc nhẹ, tiền nào của nấy em! Anh làm tà tà lãnh pay check đều đều thì cũng được. Còn Tran Agency anh tính sao" Chiều anh ra Tran Agency. Hả" Bỏ uổng em, anh xúc tép nuôi cò, bây giờ nó gần "giò" rồi đâu để cho nó bay đi được" Chịu cực chút anh đi làm hãng sáng sớm, chiều ra sớm qua văn phòng. Anh sẽ mướn con Jenni ra trực văn phòng buổi sáng. Ba năm thôi. Anh ráng, khi cò mình đủ lông đủ cánh, anh thôi việc hãng.

Có nhiều người cũng tội lắm em. Mới qua họ không biết tiếng Anh, không có credit tốt, xe thì củ, lương thì không nhiều, vậy mà phải trả tiền bảo hiểm nhiều hơn xe của tụi mình. Thấy vậy anh ráng lùng mấy policy rẻ chút nhưng bao nhiều cho họ. Thì giờ anh đồ ra cho mấy mối nầy tính lại lỗ công. Nhưng thôi kệ, thấy họ tội nghiệp, giống mình hồi đó nên anh ráng làm. Bán bảo hiểm cho cộng đồng cũng là cơ hội cho mình trả lại đôi chút.

Thế là dệt giấc mộng mới, ông xã tôi đi cày hai jobs!

Em ơi thằng Minh Tâm cất shopping mới. Vĩ đại lắm cả trăm ngàn square feet. Nội cái tiệm siêu thị không nấy chục ngàn square feet. Tối thiểu phải cắt 1,000 square feet. Nhưng chỗ quen biết, nó chịu cho anh sang 600 square feet thôi, tiền mướn nhẹ một chút.

Đâu mà có! Cái nầy shopping mới, có nốc với nền thôi, mình phải bỏ tiền túi vô cất văn phòng mình. Thầu ra giá hai chục ngàn. Kệ ráng bỏ ra. Chỗ đó địa điểm ngon lắm.

Khi shooping Minh Tâm ủi và tráng nhựa cái parking lot xong, thì ông xã tôi khởi công cất văn phòng bão hiểm. Sau ba tháng và vài vụ nhức đầu với nhà thầu (Ai biểu ham rẻ"), văn phòng của ông xã tôi hoàn tất. Họa đồ do vợ vẽ, cây nhà lá vườn.

Mình phải có thiên địa nhân hòa. Em muốn văn phòng anh có chút đất, chút nước, chút cây, chút lạnh, chút nóng. Mỹ cũng tin vậy! Cô dâu mới phải có chút old, chút new, chút borrow!

Em muốn người ta bước vào phòng reception trước tiên phải cảm thấy thân thiện. Tí Anh lựa màu nâu sơn vách hạp lắm. Khi người ta vô phòng anh ký giấy tờ, em muốn họ có tin tưởng. Ngọ Em chọn màu nước biến đậm hay lắm. Anh thấy trong White House không, văn phòng ô van của tổng thống sơn màu nước biển đậm đó. Còn hai phòng kia bây giờ anh chưa xài, em chọn màu xanh vỏ đậu cho có chút cây.

Mình phải có ngựa mới hên anh. Mã đáo thành công mà. Nhưng em không ưa mấy hình ngựa trong tranh Tàu. Trông Tàu quá. Anh thấy hình Horses in the Snow của David Stoecklein đẹp hông" Hình chụp. Mấy con ngựa hoang màu mâu sẫm chạy như bay trong tuyết trắng. Bộ em muốn anh chạy như ngựa hoang hả"

Phòng reception cần chút nước và chút nóng, em chọn cái poster Impression, Sunrise của Monet nè. Xóm chài với thuyền chài mờ ảo, chút mặt trời màu đỏ cam phản ánh xuống mặt biển xanh lam sao giống biển Mersing ghê.

OK, em với con "in charge", muốn làm gì thì làm! Nhớ giữ mấy cái rì xiếp để cuối năm anh trừ thuế.

Anh không coi ngày khai trương hả" Thứ sáu. Ngày đó tốt hả" Ừ.Tại anh xin nghỉ vacation từ tuần trước rồi, không tốt cũng đổi không được. ""

Chú Châu cuối tháng nầy cho con xin nghỉ. Jenni có chuyện gì vậy con" Con muốn đi lấy lisence địa ốc rồi đi bán nhà. Con đâu có nghỉ ngang vậy được. Dạ con biết nên con cho chú tới cuối tháng. ""

Loan (Ann) em muốn làm 8 giờ sáng tới ba giờ chiều nghỉ đi đón con cũng được. Xong em đem con về cho nó làm home work trong spare office, ba giờ rưởi anh tới thì em về. Một tháng phải trực văn phòng hai buồi sáng thứ bẩy. Bây giờ anh hết lỗ rồi, nhưng anh chỉ trả lương em được bây nhiêu. Còn anh làm công quả thôi. Trả tiền nhà, tiền chi phí, tiền lương em xong, anh còn vừa đủ tiền mua cà phê Star Buck uống mỗi ngày. Cuối năm nay khá hơn, tiền in come bảo hiểm của anh sẽ đủ bao thêm vợ con ăn phở. Nhưng sang năm anh sẽ có lương và anh sẽ lên lương em.

Có mấy người khách khó lắm chị Chúc. Thì Loan ráng trìu người ta. Em ráng lắm. Hôm kia có bác nọ muốn mua bảo hiểm xe cho con bác với bác. Ông lão bảy mươi nầy khó chịu ghê, hỏi đủ thứ hết. Hên cho em là có anh Châu tiếp chuyện với ổng. Anh Châu nói bác ơi văn phòng tôi chỉ làm được vậy thôi, nếu bác vui lòng thì mua, bằng không bác cứ tới nơi khác. Ảnh ngon vậy hả, rồi sau đó thì sao" Hôm sau ông cụ trở lại, ký giấy mua, xong còn cám ơn đàng hoàng. Loan ơi, khách lựa mình thì mình cũng phải lựa khách chớ.

Mỗi ngày ông xã tôi ra đi "khi trời vừa sáng" và mãi đến bảy tám giờ tối mới về đến nhà.

Hôm thứ Sáu tuần rồi vừa vào đến nhà ông xã tôi tuyên bố. Vợ con nghe đây, tháng sau anh đi đăng ký corporate. Có nghĩa là tháng sau anh được lên chức CEO của Tran Angency. Bây giờ anh được chín trăm mấy policy rồi. Với đà nầy đến cuối năm nay anh sẽ được ngàn mấy policy đạt chỉ tiêu. Sang năm cuộc đời anh sẽ sáng sủa ra, làm một job thôi.

Đó là giấc mộng của ông xã tôi.

Ôi, giấc mộng con của ông xã tôi!

Giấc mộng của tuổi năm mươi!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,851,684
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Từ hôm nay, Thứ Hai 1 tháng Bảy 2019, bắt đầu phổ biến các bài Viết Về Nước Mỹ năm thứ Hai Mươi Mốt (XXI). Xin mời đọc bài viết mới nhất của Lê Nguyễn Hằng, một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài đăng 2 kỳ.
Giải Viết Về Nước Mỹ hàng năm gồm các bài phổ biến từ ngày 1 tháng Bẩy năm trước tới 30 tháng Sáu năm sau. Hôm nay, Chủ Nhật 30 tháng Sáu 2019, ngày khóa sổ Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20, xin mời đọc bài viết vui của Ngọc Hạnh, vị tác giả niên trưởng trong năm. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng Hai 2019, khi tuổi đã kề ngưỡng cửu tuần (90. ) Với bài viết về Washington D,C. mùa lễ chiến sĩ trận vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh, trước 1975 đã là giáo sư trung học đệ nhị cấp tại Saigon. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, và hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Kính chúc Bà vui khỏe.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ sáu của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết mới của bà.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978 tại Nha Trang-Việt Nam; định cư tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là một viên chức hưu trí tại San Jose, đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2018. Tháng Năm 2019, trong bài “Tôi Làm Răng Implant” tác giả có viết lời cám ơn Bác sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn về sự tận tâm giảng giải và chăm sóc dành cho bà. Sau đây là bài viết mới nhất của bà, chuyện người thật việc thật. Tựa đề là một câu trong bài hát “Như Đã Dấu Yêu” của Nhạc Sĩ Đức Huy.
Tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ từ 2001 và liên tục góp bài. Sau nhiều năm tham gia ban tuyển chọn, từ 2018, Trương Ngọc Bảo Xuân là Trưởng Ban Tuyển Chọn Viết Về Nước Mỹ. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019.