Hôm nay,  

Ký Ức Thương Đau

30/06/200700:00:00(Xem: 438829)

Người viết: Phạm hoàng Chương

Bài số 2030-1893-597vb4270607

*

Tác giả đã góp bài viết về nước Mỹ từ năm đầu. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California., và vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị cho Viết Về Nước Mỹ. Bài viết mới của ông lần này là một chuyện tình thời loạn. Người kể là một tiểu thư Paris gốc Do Thái nạn nhân phát xít còn sống sót nay đã thành bà cụ, và người nghe là một phụ nữ Việt, nạn nhân Cộng sản cuối thế kỷ.

*

Từ ngày vào làm cho nursing home này ở ngoại ô New York,  Hà để ý thấy một cụ bà bệnh nhân người Âu châu khoảng trên dưới 85 tuổi,  tóc trắng bạc phơ, da dẻ nhăn nheo nhưng thân hình cao ráo và nét mặt rất đẹp. Tracy trước đây  săn sóc  bà,  giúp đỡ ăn uống, tắm rửa và thay áo quần. Thỉnh thoảng Hà cũng ghé tạt qua phòng bà chích cho mũi thuốc khỏe, vui vẻ thăm nom, và bà chào đáp lại với nụ cười buồn khó tả.

Được hai tháng thì Tracy đổi lên lầu ba làm, bà cụ được giao lại cho Hà  cùng với 12 bệnh nhân khác. Do đó Hà biết tên bà là Yvonne Brunner, từ Pháp qua định cư ở Mỹ được 30 năm nay.

Bà Brunner còn tự một mình đi lại được, tuy hơi chậm,  ít nói, khi ngồi đôi mắt   mơ màng nhìn ra quãng trống xa xôi như hồi tưởng lại những kỷ niệm thời trẻ trung niên thiếu. Bà có 2 người cháu nội, một trai, một gái,  trên dưới 30, thỉnh thoảng mang quà đến ghé thăm, ngồi một lát rồi về. Khi rảnh việc, Hà thường vào ngồi chơi với bà,  cười nói "Bonjour Madame, comment allez vous ce matin"",  xem bà có cần gì không,  bóp lưng cho bà, hay  tẩn mẫn ngắm chiếc mũi cao thanh tú và hai hàng lông mi dài của bà chớp chớp trên khuôn mặt đẹp nhăn nheo.. Một hôm, nhân chịu khó chạy đi tìm cái muỗng khác thay cho cái bà vô ý đánh rơi, Hà tự nhiên nghe bà  hỏi:

- Cô là người nước nào đến"

- Cháu người Việt nam.

- Cô nói được tiếng Pháp à" Trước kia  làm nghề gì" Chắc cô có chồng con chứ"

- Cháu trước là giáo sư dạy Pháp văn ở trung học đấy chứ. Chồng cháu chết đã lâu,  cháu và đứa con trai  đi vượt biên,  được định cư ở Mỹ 22 năm nay.

- Oh,  I am sorry...Chồng cô chết vì bệnh hay tai nạn"

- Chồng cháu ở tù cải tạo Cọng sản 6 năm, về nhà được ít lâu thì bệnh chết.

- Tội nghiệp, chiến tranh...tù đày...chết chóc..Ở Âu châu ngày xưa cũng vậy.Xin lỗi cô,  tôi hơi tò mò một chút, thế cô ở vậy hay lấy chồng khác rồi"  Con trai cô bây giờ làm gì"

- Cháu vẫn ở vậy từ đó đến nay. Con cháu làm kỹ sư, hai vợ chồng nó có mở tiệm dry cleaning gần đây.

Bà cụ trố đôi mắt phơn phớt xanh nhìn tôi ngạc nhiên:

- Thật vậy sao" Chúa ơi,  sao hoàn cảnh cô giống tôi thế"

- Sao lại giống cháu" Thế cụ làm sao mà bỏ Pháp qua đây" 

Bà cụ bỗng run run nắm lấy bàn tay Hà, xiết thật chặt:

- Tên thật tôi là Sara. Chuyện của tôi dài lắm... Lúc nào khỏe, tôi kể cô nghe.

*

"....Cô Hà à,  tôi gốc người Do thái. Ba má tôi và mấy anh em tôi,  ngày xưa, trước khi bọn Đức chiếm đóng nước Pháp,  sống ở ngoại ô Paris. Lúc đó tôi mới 18 tuổi. Ba tôi làm chủ một hãng buôn lớn,  rất đông người làm. Năm 1942,  Hitler ra lệnh gia tăng lùng bắt tập trung người Do thái vào những trại cưỡng bách lao động khổng lồ để thủ tiêu hàng loạt. Nhà cửa tài sản ba má tôi bị tịch thu,  chúng tôi được phát những miếng vải vàng hình ngôi sao đeo trước ngực áo mỗi khi ra đường để phân biệt vói các giống dân chủng tộc khác.  Một người  làm công cũ của ba tôi,  tên Mark,  dấu chúng tôi dưới hầm basement của một khu building cũ kỹ. Hắn là người Đức. Ba tôi tin tưởng hắn, lần hồi đưa hết vàng bạc cho hắn tiếp tế thức ăn và hối lộ bọn mật vụ Đức làm ngơ. Được mấy tháng thì một đêm có nhiều bước chân người đi xuống hầm nơi chúng tôi đang ngủ... Thường ngày chỉ có một mình Mark tới,  lần này có nhiều tiếng chân lạ đi theo làm tôi sinh nghi,  lẻn bò lên một hóc tối có lỗ hổng rào lưới thông ra mặt đường cái ngoài dường phố, ngồi quan sát. Tôi kinh hoàng thấy Mark dẫn ba bốn tên lính Đức xuống chỉa súng bắn xối xả vào ba má và anh em tôi, lục soát lấy hết tiền bạc rồi bỏ đi. Tôi run rẫy bò xuống sờ mũi mọi người thì ai nấy đều chết hết, máu me bắn tung tóe. Rạng sáng tôi lấy búa đập phá lỗ hổng , vừa đủ rộng chỗ  chun lọt ra  ngoài,  giựt đứt miếng vải ngôi sao vàng trước ngực rồi  khóc mếu máo đi về phía Paris như người mất hồn. Tôi có mấy người bạn quen ở Paris, nhưng chỉ nhớ có mỗi địa chỉ nhà của Jean là bạn trai rất tốt hồi thơ ấu ở gần nhà. Ba má Jean có một cửa tiệm giăt ủi lớn và Jean là con trai lớn ở đó phụ giúp ông bà . Jean đang mở cửa tiệm, thấy tôi ngạc nhiên chạy tới hỏi thăm. Tôi  ôm chầm lấy Jean  khóc nức nở.

- Tụi Đức giết chết hết gia đình em rồi. Em không biết phải đi đâu bây gìờ.

Jean ái ngại vỗ về  tôi một hồi rồi đưa tôi tới nương náu tạm ở căn gác  một người bạn thân trên lầu 3, tên Philippe.  Philippe lớn hơn Jean vài tuổi và có vẻ chin chắn từng trải hơn . Anh có mái tóc đen dày, đôi mắt đẹp và đôi lông mày rậm . Anh hỏi Jean người gác cổng có thấy Jean đưa tôi lên gác không. Anh nói phải cẩn thận, thời buổi này không nên tin ai cả. Anh ngần ngại không muốn chứa người lạ trong nhà, nhưng Jean trình bày hoàn cảnh tôi và đôi ba lần ép anh phải hứa lo lắng và săn sóc chu đáo cho tôi nên phải miễn cưỡng nhận. Anh  lấy miếng vải vàng hình ngôi sao của tôi châm quẹt đốt ngay ra tro để phi tang lý lịch rồi đưa tôi vào ở một phòng nhỏ .  Tôi chưa kịp nằm xuống nghỉ thì đã nghe tiếng 2 người đàn ông xì xồ xô đẩy ồn ào bên ngoài. Tôi hé cửa ra coi thì thấy Jean và Philippe đang xoắn xuýt ôm chặt lấy nhau hôn ở cuối hành lang. Thấy tôi sửng sốt nhìn, hai ngươi dừng tay,   ngượng ngùng buông  ra. Tôi đóng cửa lại, đờ người ra một lúc lâu vì sự khám phá bất ngờ và cảm thấy đau đớn . Lúc đó tôi chưa yêu ai hết ngoài Jean. Jean  đẹp trai,  thông minh,  tháo vát,  nhanh nhẩu,  thương người. Jean đã giúp đỡ tôi nhiều lần , và cũng là người thân duy nhứt còn lại trên đời của tôi. Có lẽ nào Jean  là "gay",  không thích tôi, mà lại thích Philippe. Tối hôm đó, Jean về nhà ba má ngủ,  Philippe tò mò hỏi thật tôi quen  Jean lâu chưa và có yêu Jean không. Tôi bẽn lẽn nói thật," anh ấy là bạn chí thân tôi lúc nhỏ và tôi thật sự yêu anh ta". Philippe chỉ ngồi yên lặng không nói gì. Qua hôm sau, Jean đến dặn dò tôi hôm nay ở nhà một mình, cố gắng ăn lấy sức để mà sống, vì Phil và  anh phải đạp xe về nhà quê mua thêm thức ăn tươi cho tuần tới. Tôi tủi thân nói,"sống để làm gì, em đâu còn ai trên đời này nữa". Jean nói, “Em còn  anh .Anh yêu em."Tôi hỏi, “Thế còn Philippe"". Jean nói, “Anh cũng yêu Phil,  nhưng yêu  cách khác."

Ở nhà một mình không có gì làm,  nhớ lại gia đình bị tên khốn kiếp Mark bắn chết, tôi  tức giận xuống bếp lục ngăn kéo kiếm con dao nhọn để đi tìm hắn trả thù. Con dao rớt,  tôi cúi xuống lượm thì phát giác ra một viên gạch không có trét xi măng nằm dưới chân bàn . Tôi gỡ viên gạch lên thì thấy một khẩu súng lục và mấy giấy tờ quan trọng có đóng dấu, chắc là của Phil. Tôi xách súng tới tòa nhà có basement nơi gia đình tôi bị bắn chết, nơi mà Mark hay đưa mấy người Do thái giàu có tới dấu để moi tiền,  thấy có một gia đình 4 người đang lui cui theo Mark chui vào trốn. Tôi nói tiếng Do thái kêu họ chạy đi gấp vì đang bị lừa,  rồi cầm súng chỉa thẳng vào ngực hắn,  nhưng lại không đủ can đảm nổ cò, chỉ nghẹn ngáo khóc. Hắn giả đò năn nỉ rồi thừa cơ tôivô ý,  hất mạnh khẩu súng làm viên đạn vụt bay xuyên qua đùi,   làm hắn té lăn ra đất kêu thét ầm ỹ. Tôi hốt hoảng bỏ chạy về nhà thì trời đã tối mịt, thấy Jean và Phil đang đi đi lại lại sốt ruột lo lắng. Tôi ôm mặt khóc nức nở, xấu hổ vì đã trả thù hụt, hai người đàn ông nhìn nhau,  chỉ biết lắc đầu. Phil dằn giọng nói:

- Thời buổi này đi ra ngoài không có giấy tờ rất là nguy hiểm. Cô bị giết đã đành,   chúng tôi cũng bị ở tù lây, cô biết không" 

Hai hôm sau anh mang về đưa tôi một gói nhỏ, vui vẻ nói:

- Có món quà này cho Sara. Căn cước thật đó nghe.Tên cô bây giờ là Yvonne Brunner. Yvonne, nhớ chưa"  Cô là người Pháp chính cống, sinh tại Lorraine..

Đó là thẻ ID mới của tôi, có chữ ký và con dấu của nhà chức trách quận 5 Paris đàng hoàng. Jean hỏi dồn ở đâu và quen ai mà Phil có được cái thẻ quí giá này ,  Phil chỉ lắc đầu, “biết nhiều không có lợi cho cậu". Sống với Phil một tuần, tôi thấy anh ít nói,  kín đáo, nhưng rất tốt bụng,  Ban ngày anh đi làm,  xế chiều mới về, thỉnh thoảng xầm xì bên ngoài với một hai người nào đó rất nhanh rồi quay vào đóng cửa lại. Jean cho biết Phil quen thân với ông phó quận người Pháp .  Ông này quen với mấy tay bên Ủy ban quân quản người Đức có quyền hạn lớn. Ông có tình cảm đặc biệt với Phil và Phil lợi dụng tình cảm này để xin giấy tờ mạo giả có chữ ký của ông. 

Có giấy tờ xong,  tôi được Jean đưa  về giới thiệu vói ba má anh,  ông bà Lavandier,  nhờ  sắp cho tôi 1 việc làm ở quầy tiệm giặt ủi. May mắn  2 ông bà chỉ gặp tôi có 1 đôi lần hồi nhỏ nên không nhận ra tôi .  Jean  dặn tôi tuyệt đối giữ bí mật, vì ba anh thân với người Đức, ghét người Do thái,  và chấp hành luật lệ nhà nước rất nghiêm để bảo vệ công việc làm ăn. Ban ngày tôi làm tròn phận sự người làm công, chiều tối tôi lại trở về ở với Philippe. Dần dà 3 người chúng tôi trở thành thân thiết như anh em ruột, đi đâu cũng có nhau. Tôi quen với cảnh 2 người đàn ông vồ vập ôm ấp hôn hít nhau trong nhà, chẳng hề thấy ghen hay buồn nữa. Hình như Phil và Jean quá tốt với tôi nên tôi không có lí do gì để  hờn trách 2 người. Tôi nghĩ bạn của Jean tức là bạn của tôi. Người mà Jean thương yêu,  tôi cảm thấy cũng có bổn phận phải thương yêu và che chở . Hơn nữa, Phil là đại ân nhân của tôi.Tôi quí Phil  ngang như Jean và chúng tôi nắm tay nhau tổ chức đi ra ngoài chơi thường xuyên. Tôi luôn luôn đi giữa Jean và Phil,  khi  coi xi nê, khi nghe hòa nhạc,  lúc lại ăn tối nhà hàng ngoài trời mát.  Cuộc sống tay ba rất ư là hạnh phúc, làm tôi dần dần nguôi ngoai cái buồn mất mát cha mẹ anh em rất nhiều.

Một hôm chúng tôi thuê 3 chiếc xe đạp tổ chức thi đua xe ra ngoại ô ,  ai thắng người dó có quyền quyết định tối hôm đó đi chơi ở đâu. Cảnh đồng quê ngoại ô Paris cây cối xanh tươi,  gió xuân mát mẻ,  3 đứa phơi phới tấm lòng vui vẻ vừa đạp vừa cười nói ca hát líu lo, tưởng như trên đời không còn gì  hạnh phúc hơn nữa. Nhưng Jean và Phil mãi cố thi đua đạp nhanh,  và vì khỏe hơn tôi nên bỏ tôi lại xa tít đằng sau, làm tôi tức giận,  nhứt định ở nhà tối hôm đó không thèm đi chơi. Nào ngờ đâu 2 người tới 1 "gay bar"khiêu vũ, ghen tương cãi lộn sao đó rồi Jean bỏ về sớm, chui vào phòng tôi,  ngồi ngả đầu vào ngực tôi. Tôi còn nhớ cảm giác sung sướng tuyệt vời lúc đó được 1 mình ngồi kề vai áp má với Jean trên giường, mùi thơm nước hoa thoang thoảng từ mái tóc vàng óng ả của Jean xen lẫn với mùi rượu whisky nồng nàn từ miệng Jean thốt ra làm tôi mê mẩn choáng váng.

- Có phải anh nhớ em nên bỏ về sớm không"

- Phải. Xin lỗi em ban chiều đã bỏ em tụt lại đàng sau. Em có buồn anh không"

- Jean, anh còn nhớ hồi nhỏ có lần anh tập xe chở em té ngã ở sau nhà thờ lớn, làm em sưng mặt ,  bị ba đánh một trận bầm đít không"

- Có. Nghĩ lại hồi đó thật vui ghê hả em. Anh còn giữ hết những lá thư tình em gửi cho anh nữa cơ.

Tôi không trả lời,  cúi xuống ôm chặt lấy mặt Jean đang ngước lên và hôn mạnh vào môi anh. Jean khẽ giựt mình, tránh môi ra phía khác làm tôi ngỡ ngàng tê tái.

- "Sao"  Tại em hả"", tôi ấp úng hỏi.

- Không,  tại anh...Xin lỗi em,  anh và Philippe đang yêu nhau mà.

- Thì đâu có sao. Em đâu có cần anh hoàn toàn là của em đâu. Em sẳn sàng chờ đợi... Chỉ cần anh nói YES, là em  sẵn sàng thuộc về anh.

Đôi mắt xanh của Jean ngước nhìn tôi thân ái,  bàn tay Jean nắm chặt lấy 2 tay tôi đặt trên vai anh, rồi chậm rãi nói:

- Sara,  nhưng nếu ban đêm anh mò sang giường ngủ với Phil thì em có đau lòng không"  Sara,  anh không xứng đáng với tình yêu của em. Em quá xinh đẹp, dịu dàng,  thông minh. Một người con gái như em thật là tuyệt vời trong thời buổi chiến tranh. Anh lẽ ra rất may mắn được em yêu mới phải. Anh xin lỗi... Anh biết phải làm sao đây"

Cô Hà, cô có biết không,  cái đêm Jean theo Phil tới "gay bar" , rồi  bỏ về nhà sớm tâm sự vói tôi hôm đó,  có ngờ đâu,  đã đưa cuộc sống hạnh phúc tay ba chúng tôi chuyển sang môt ngả rẽ định mệnh oái oăm chia lìa đớn đau tan nát mà  cho đến hơn 60 năm sau, giờ này ngồi đây kể lại với cô, tôi vẫn còn thấy thê lương cả một cõi lòng.

Jean có người em trai tên Jacques, lớn hơn tôi 2 tuổi. Jacques cũng khôi ngô, tóc nâu,  lực lưỡng khỏe mạnh, nhưng nóng nảy hung dữ và mưu mô thủ đoạn hơn Jean nhiều.Vì buôn bán mánh mung, trộm cắp, đánh bạc bất hợp pháp sao đó mà Jacques bị ở tù mấy tháng,  ba má Jean phải nói dối với khách hàng là hắn bị ho lao phải nằm nhà thương điều trị. Jean phải đi thăm nuôi tiếp tế hàng tuần. Ông già không ưa hạnh kiểm của Jacques, mà lại vô cùng tin tưởng và thương yêu Jean.  Ông để di chúc lại cho 1 mình Jean kế nghiệp tiệm giặt có toàn quyền quyết định mọi sự, coi Jacques chỉ như 1 người làm công thuần túy và tuyên bố thẳng điều đó trước mặt mọi người khi Jacques mãn hạn tù trở về nhà. Jean  cho Jacques biết tôi vốn là Sara,  có tên mới là Yvonne, và dặn em tuyệt đối giữ bí mật. Tôi để ý từ ngày về làm việc ở tiệm giặt, Jacques thường hay liếc trộm tôi và tế nhị dò la tình cảm liên hệ giữa tôi và Jean, điều này làm tôi lo sợ không biết phải tính ra sao. Tôi không biết có nên kể cho Jean nghe không. Hai anh em rất thương yêu nhau, thường đi "gym" tập thể thao và đánh boxing với nhau,  không hề dấu giếm nhau điều gì cho đến khi Jacques tình cờ phát giác ra anh mình là "gay" thì mọi sự bắt đầu rắc rối. Câu chuyện rất là dài dòng, cô có muốn nghe không cô Hà" Cô có thấy buồn chán không"

- Không,  cháu rất muốn nghe, cụ Brunner. Cụ làm ơn kể tiếp đi.

 

"....Có một hôm tôi rời tiệm về nhà, trời lất phất mưa, Jacques chạy theo với cây dù đen bung lên che mưa cho tôi và đòi đưa tôi về nhà. Tôi không chịu, hắn cứ nằn nì mãi, và móc ra một hộp nhỏ xíu tặng tôi làm kỉ niệm. Tôi mở ra thấy  một chiếc nhẫn hột xoàn mới toanh. Tôi từ chối, nói là không quen đeo nữ trang. Hắn vẫn cứ lẽo đẽo theo tôi về tận cầu thang căn gác của Phil. Ở đây,  tôi nói thẳng:

- Tôi ở nhờ nhà người anh họ, không tiện mời anh vào. Xin lỗi.

Vừa lúc đó thì Phil về tới. Tôi phải giới thiệu 2 người với nhau. Phil lịch sự mời Jacques lên lầu. Khi 2 người uống rượu vang, Jacques tò mò hỏi sao một anh thợ in tầm thường như Phil lại có bà con giàu có như gia đình tôi. Phil nhún vai:

- Thời buổi chiến tranh mà chú, mọi sự đều đảo ngược. Tiểu thư Sara kia hiện giờ cũng làm công cho ba chú đấy thôi.

Jacques giả vờ cười tán đồng, nhưng những ngày sau đó, hắn ngấm ngầm theo dõi 3 người chúng tôi trong những chuyến đi chơi bên ngoài và có lần lén núp sau một cây cột, bắt gặp Jean và Phil ôm nhau hôn nồng nàn trong một ngõ hẽm  vắng . Biết anh mình là "bóng",  và cả Jean lẫn Phil đều không  theo đuổi tôi, Jacques hết nghi ngờ ghen tương, nhưng tức giận đấm  Jean một trận sưng bầm  mặt và chửi anh như tát nước:

- À thì ra bây giờ tôi mới  biết anh là người con đạo đức gương mẫu của  ba tôi,  được ông già giao cho kế thừa cơ nghiệp, còn tôi là đứa du đãng bất  lương xấu xa đê tiện

của dòng họ này. ...Anh  liên hệ với Philippe lâu mau rồi"

Jean nhỏ nhẹ:

- Bốn năm.

Jacques cười gằn:

- Bốn năm"  Thì ra lâu nay tôi có mắt cũng như mù,  chắc anh và hắn đã từng cười sau lưng thằng em ngốc nghếch này.

-  Anh đâu có muốn dấu em đâu, một đứa em mà anh thương có khi còn hơn chính anh nữa. Nhưng chuyện này không liên quan gì đến cuộc sống của em. Anh có muốn sinh ra là "gay" đâu.

- Thì chính do anh thích, anh lựa chọn đó thôi.

- Lựa chọn được à"  Này Jacques, em có chọn sinh ra với màu mắt xanh không" Tại sao tóc anh vàng mà tóc em nâu""Gay"hay "straight" là cách chúng ta được sinh ra trước khi chúng ta có quyền  lựa chọn. Năm anh 12 tuổi, anh có hỏi cha Pierre về đồng tính luyến ái, cha lăng mạ những người mắc bệnh đó, cha nói họ nên xấu hổ mà tụ tử cho rồi. Anh đã cố gắng thay đổi,  chơi với bạn gái,  nhưng đã không bao giờ thay đổi được,  không bao giờ...Từ đó, anh không thèm tâm sự với ai về chuyện này nữa.

Jacques yên lặng không nói gì. Jean tiếp tục nài nỉ:

- Em  thông cảm cho anh chưa"  Nói đi, anh vẫn còn là anh của em chứ, phải không"

Jacques cúi mặt khe khẽ gật đầu và nắm chặt tay anh. Tôi đã chảy nước mắt nghe Jean thuật lại những chuyện đó. Jean thật là hiếm có, thật tốt,  thành thật với tất cả mọi người, không riêng gì ai. Khi ba anh treo bảng từ chối không tiếp khách hàng Do thái,  sợ bị liên lụy,  một bà khách quen Do thái đi trờ tới lấy đồ giặt đã sợ hãi bỏ đi luôn không dám bước vào,  nhưng Jean đã gọi lại,  mau mắn mang đồ ra giao và từ chối nhận tiền bà trả vì thương xót,  ái ngại. Có những quần áo đắt tiền bỏ giặt của khách hàng Do thái bị tụi Đức dẫn đi mất tích,  cả mấy tháng không hề trở lại lấy, người làm công xin,  Jean nhất định không cho, giữ để chờ chủ nhân trở lại  giao. Con người Jean phúc hậu, chính trực,  thương người,  hiền hòa như thế, ai mà không thương, không mến cho được. Nhưng có 1 lần,  nhân ngày sinh nhật thứ 24 của Jean, anh đã nổi nóng thẳng tay lôi cổ Jacques tống ra khỏi căn gác của Phil chỉ vì Jacques lớn tiếng chửi tôi,  nặng tay đánh tôi tàn nhẫn và xô té xuống đất khi tôi cự tuyệt không cho hắn tiếp tục làm ẩu hôn tôi lần thứ hai. Đêm đó hắn đãi toàn đồ ăn đắt tiền,  rượu sâm banh,  pa tê gan, xúc xích,  mở cho nghe 2 đĩa nhạc mỏi toanh, rồi làm bộ say hôn hít, sờ mó tôi toan làm ẩu. Tôi tát cho hắn một cái thật đau làm hắn lồng lộn gào lên.

- Bitch! Tao làm sao mà mày chê"  Lại đi mê mấy thằng "bóng" lại cái. Tại sao" Tại sao"

Bị Jean tống cổ ra khỏi cửa khóa lại, Jacques thấy mất mặt, lại thêm lâu nay vẫn ganh tỵ với sự thiên vị của ông già ưu đãi Jean hơn,  nên lẳng lặng tìm cách trả thù Jean. Hắn vốn giao dịch làm ăn lâu nay với lão chánh sở an ninh người Pháp, cung cấp danh sách địa chỉ những người Do thái bỏ nhà trống hai ba tuần trở lên để lão này cho lính tới hôi của,  chở bàn tủ giường ghế và các bức tranh đắt tiền mang đi bán ăn chia với nhau. Những chuyện này cả nhà chỉ được biết sau này khi Jacques đi ở tù đưa ra tòa án xử,  mọi bí mật được phơi bày, kể cả âm mưu hại chính anh ruột mình của Jacques. Jacques đã nông nỗi yêu cầu lão này bắt nhốt Jean 1 ngày với lí do có kẻ nặc danh tố cáo tình nghi làm chính trị vu vơ gì đó,  chờ cho Jacques tới can thiệp sau đó mới thả về,  mục đích để trả thù anh và lấy uy tín với ông bà già. Lão chánh sở  thấy vụ bắt lầm này đâu có mất xu nào, đồng ý ra lệnh cho đàn em thi hành ngay.

Jean bị bắt khuya hôm đó khi anh từ nhà Phil đạp xe về nhà bố mẹ ngủ. Chiều ngày hôm sau cũng chưa thấy anh về. Cả nhà hoảng kinh mà riêng Jacques thì sốt ruột đứng ngồi không yên, gọi phone tới Sở an ninh liên tục, sắc mặt tái mét. Tôi không biêt Jean vì sao bị bắt, chỉ có linh tính sắp có chuyện dữ xảy đến cho Jean, lo âu bấn loạn tâm thần.

Qua 2 ngày nữa  có 2 nhân viên Sở An ninh tới tiệm giặt,  báo cho ba má Jean hay anh hiện bị giam vì có liên hệ tình ái với một sĩ quan cao cấp người Đức có bệnh đồng tính, nội vụ đang được điều tra. Tôi và Jacques nhìn nhau choáng váng mặt mày, ông bà cụ Jean lảo đảo ngã lăn ra gần như bất tỉnh. Thời kỳ đó ở Âu châu,  đàn ông"gay" bị chánh quyền kết tội bỏ tù rất nặng,  nhất là bọn Đức,  bắt được họ,  chúng đày vô trại cưỡng bách lao động và đối xử tàn tệ y như tù binh Do thái.  Sau này tôi được biết Jacques đã đến năn nỉ,  thương lựợng cho lão chánh sở an ninh 30 cái địa chỉ nhà Do thái bỏ trống để cứu Jean ra nhưng không thành công. Phil cũng lén lút lấy hẹn với viên phó quận Pháp hỏi tin Jean bị nhốt ở đâu, nhờ tìm cách hối lộ để thả Jean ra bằng bất cứ gíá nào, nhưng chính người này bây giò cũng đang bị nghi ngờ và sắp bị cách chức nay mai . Túng quá,  Jacques bàn với tôi giả làm hôn thê của Jean  cùng đi với hắn tới đồn công an Pháp khai láo là có bầu 4 tháng,  còn hắn khai là có nhiều lần  đi chơi gái với anh để chứng minh anh mình không phải "gay". Trưởng đồn tưởng thật, gọi phone ra lệnh thả Jean, ai ngờ bên kia đầu giây cho hay Jean vừa có tên trong danh sách tội phạm,  sắp lên xe lửa chuyển đến một địa điểm khác do người Đức quản lý. Phil và tôi gần như hoàn toàn tuyệt vọng. Jacques bứt đầu bứt tóc khóc mếu máo. Ba người chúng tôi kéo nhau lên ga xe lửa, đứng ngoài rào nhìn Jean lần cuối xem tình hình ra sao. Tôi thấy Jean một con mắt bị tra tấn sưng vù bầm tím, dáng điệu thảm não lủi thủi đi trong hàng tội phạm bước lên toa xe, dưới cái nhìn gầm gầm của mấy tên lính Đức cầm súng. Tôi kêu thật to: "Jean". Jean quay lại nhìn tôi, Phil, và sau cùng là Jacques. Mặt anh có vẻ tức giận,  hai con mắt như tóe lửa khi thấy Jacques,  không hiểu tại sao. Rồi cánh cửa lạnh lùng đóng sập lại trong tiếng khóc ngất của tôi và hai con mắt to bất lực mở trừng trừng đớn đau tột độ của Phil.

Sự việc đau thương xảy ra nhanh chóng và quá đột ngột khiến tôi ngã bệnh một tuần lễ, bỏ ăn nằm liệt giường. Phil ngơ ngẩn như ngươi mất hồn, còn Jacques thì cau có đau khổ như ân hận đã làm một điều gì sai trái không thể cứu vãn được nữa. Sau này Phil mới tiết lộ cái đêm Phil dẫn Jean đến gay bar, Jean uống mấy ly rượu rồi bị ép khiêu vũ với một sĩ quan "gay" cao cấp Đức chưa hề quen biết và vô tình bị mật vụ Đức cài vô giả làm khách trong bar,  ghi chép tên họ Jean vào danh sách mấy người đồng tính để báo cáo cấp trên. Tôi hỏi:

- Tại sao Jean  bỏ về sớm đêm đó"

- Đêm đó tôi không nhảy,  tôi gặp ông phó quận, cái người giúp tôi làm giả căn cước cho cô đó, ông ta cho hay có 2 tay mật vụ Đức đang ngồi trong bar theo dõi  ghi  tên mấy người "gay" để báo cáo lên trên. Ông ta khuyên tôi phải đưa Jean về sớm, đừng bao giờ trở lại đây, vì tình hình bắt đầu rất nguy hiểm. Tụi Đức chẳng những tập trung tiêu diệt người Do thái mà săn lùng cả  giới đồng tính, bất kể là quốc tịch nào dưới quyền kiểm soát của chúng. Ngay cả chính bản thân ông ta cũng đang bị nghi ngờ theo dõi. Tôi nhìn theo ngón tay ông chỉ tên mật vụ đội nón nỉ thì thấy quả thật nó đang rút ra cuốn sổ nhỏ hí hoáy viết  cái gì trong đó. Tôi sợ quá, tới gần Jean đang nhảy,  đưa mắt lườm ra hiệu đi về. Jean tưởng lầm tôi ghen bóng gió với tên Đức,  nổi nóng to tiếng gây gỗ 1 trận ngoài cửa, mắng lại tôi sao ngồi hú hí với ông phó quận thì dược mà Jean thì không cho nhảy,  rồi vùng vằng bỏ về.

- Thì ra Jean bị tụi Đức bắt lên xe lửa đưa đi đày trại tâp trung là do có tên trong danh sách "gay"của tên mật vụ Đức kia. Nhưng lúc ban đầu,  chỉ là bị  tạm giam ở đồn cảnh sát Pháp địa phương. Vì tội vớ vẩn gì"  Và ai đã tố cáo Jean, anh có biết không"

- Tôi cũng không rõ. Jean đâu có thù oán gì với ai. Nhưng đêm ở gay bar về,  nằm ngủ với Jean, tôi đã giải thích cho Jean hiểu tại sao đã hối Jean đi về gấp. Tôi nói tôi  không muốn thấy Jean bị bắt đưa đi đày vô trại tập trung,  tôi sợ mất  Jean .  Jean đã ôm chặt tôi xin lỗi,  an ủi tôi đừng có buồn,  sẽ không có sao cả,  đừng quá lo, nhưng lúc đó tôi thực sự đang lo đến mất ngủ. Tôi sợ mất Jean. Lúc nào tôi cũng bị ám ảnh Jean bị bắt phải rời xa tôi. Tôi canh chừng cho Jean. Mà rồi chuyện đó  vẫn cứ xảy ra. Tên sĩ quan Đức nhảy với Jean đêm đó là người duy nhứt có thể làm chứng cho Jean vô tội, lại tự sát ngay đêm trước khi Jean bị bắt. Thế mới chết. Thế mới là xui tận mạng cho Jean. Lỗi tại tôi,  tại tôi đã đưa Jean đến cái bar khốn kiếp đó.

Tôi chưa bao giờ thấy anh khóc, thế mà hôm đó Phil úp mặt vào vai tôi khóc nức nở như đứa trẻ con. Tôi ôm lấy 2 vai anh vỗ về an ủi. Ông phó quận của anh đã bị cách chức, chỉ còn có tôi là bạn duy nhất còn lại của anh. Nhưng tôi cũng không giữ được anh lâu. Định mệnh đã an bài tất cả. Một chiều đi làm về, tôi bị lính Đức xét hỏi giấy tờ. Tôi đưa chúng coi cái thẻ Phil làm cho tôi, nhờ vậy mà chúng để yên tôi đi về tới nhà. Vừa đến cổng đã nghe tiếng giày bước rầm rập trên gác, tôi giựt mình nhìn lên thì thấy 2 tên lính cầm súng trường đang giải Phil xuống cầu thang. Tôi thất kinh nấp vào bóng tối, thấy Phil thình lình bỏ chạy ngược lên phòng, chưa kịp mở cửa vào thì đùng đùng tiếng súng nả đạn chói lói điếc tai. Phil té xấp xuống chết tại chỗ. Tôi chui vào núp sau cánh cửa cái phòng nhỏ xíu gắn công tơ điện, chỉ vừa kịp thấy cái xác Phil bị đá hất  từ trên lầu cao xuống đất cái bịch. Khi 2 tên lính đi rồi, tôi bước ra thấy Phil nằm co quắp bất động dưới đất,  đầu nghẻo một bên,  hai con mắt to mở trừng trừng nhìn lên phía tôi. Tôi kinh hoàng bỏ chạy thật nhanh, thật xa như người điên, hai mắt đầm đìa nước mắt,  răng đánh lập cập.

Tôi trở lại tiệm giặt, thất thanh kêu Jacques ỏi ới. Khi Jacques chạy xuống đưa tôi lên nhà, tôi như cái xác không hồn, mặt mày tái xanh,  thân mềm như bún,  lã người nằm xuống không nói nên lời. Tôi sẽ ăn nói với Jean sao đây sau này. Phil của anh ấy không còn nữa. Tại sao những người thương tôi và tôi thương lại lần lượt bỏ đi hết. Ba má,  anh em tôi,  Jean,  rồi nay tới Phil.

Từ đó, tôi ở lại luôn với ba má Jean,  lúc nào cũng âu sầu áo não. Tôi nhớ mãi con mắt bầm tím của Jean nhìn tôi và Phil ai oán lúc bước lên toa xe lửa. Tôi nhớ mãi đôi mắt mở trừng trừng nhìn tôi của Phil lúc chết.  Tôi nhớ mãi ngày 3 đứa  đua xe đạp, ca hát líu lo, cười nói liên tu bất tận trên đường quê gió mát. Có tên sĩ quan Đức một đôi lần tới, Jacques đưa hắn vào phòng kín trò chuyện và hối lộ tiền bạc. Tôi giận dỗi cự nự tại sao kết giao với quân thù hại anh ruột mình, Jacques giải thích giả đò như vậy chỉ là để dò la tin tức Jean và nhờ tìm cách cứu anh ấy ra. Tôi hiểu ra, cảm ơn hắn và thỉnh thoảng theo hắn đi ăn tối ở các nơi sang trọng.

Jacques trở nên ít nói,  trầm ngâm,  nghiêm chỉnh làm ăn,  quản lý business tiệm giặt rất giỏi, doanh thu tăng trội lên thấy rõ. Một hôm, hắn năn nỉ tôi nhận lời lấy hắn, đè tôi ra hôn. Tôi ngoảnh miệng qua  một bên. Con mắt bầm tím ai oán của Jean hiện ra trước mặt tôi. Jacques nói hắn thật sự yêu tôi. Hắn nói hắn không yêu ai khác ngoài tôi, nếu tôi không chịu thì hắn ở vậy suốt đời.

Tôi buồn lắm. Tôi suy nghĩ cả tháng trời. Tôi đang tứ cố vô thân,   nương nhờ ba má hắn, mà Jean thì không biết  còn sống hay đã chết rồi. Không lấy Jacques mà ỏ chung nhà thế này thì sớm muộn cũng không xong, mà ba má Jean lại cũng tán đồng chuyện ấy. Thôi thì nhắm mắt đưa chân, con gái sinh ra thời loạn đâu có quyền  chọn lựa. Thế là tôi nhắm mắt nhận lời. Ba má Jean mừng rỡ,  làm đám cưới, chính thức sang chủ quyền tiệm giặt lại cho Jacques và tôi.

Một hôm hai đứa tôi đang ngồi ăn ở một hộp đêm sang trọng đắt tiền thì tên Mark khốn kiếp xuất hiện trước bàn chúng tôi. Hắn bị què một chân, cái chân hồi đó tôi bắn trúng, nên đi đứng khập khiểng. Hắn khả ố nhìn tôi đang tái mét, cười hềnh hệch:

- À,  cậu Lavandier, lâu ngày mới gặp lại cậu chủ tiệm giặt, đi ăn với cô vợ người Do thái. Dạo này làm ăn có khá không"

- Cũng sống qua ngày thôi chú.

- Qua ngày gì! Ăn ở nhà hàng "xộp" này 1 đêm bằng người khác đi làm 1 tháng! Chỉ có dân triệu phú mới dám ăn nhà hàng này.

Tôi cúi mặt,  liếc thấy có ba tên sĩ quan Đức ngồi chung bàn với hắn đằng kia dương mắt cú vọ nhìn lại,   tháo vội sợi dây chuyền vàng nhận ngọc bích đeo cổ tay đẩy nhanh về phía hắn,  tính hối lộ cho hắn câm miệng. Hắn không thèm đụng đến,  nham nhở cười khẩy. Jacques nhanh trí bảo:

- Tôi có bạn bè ngồi gần đây làm to chuyện không hay,  để ngày mai tôi gặp chú ở cửa Viện Bảo tàng  lúc 5 giờ chiều,  mình sẽ nói chuyện nhiều hơn, O.K"

- Tốt lắm, tôi phục cậu em rất bình tĩnh và biết điều. Hẹn chiều mai.

Nói xong hắn quay về bàn với mấy tên sĩ quan. Tôi bị một phen sợ xanh mặt.

Chiều ngày hôm sau Jacques lạnh lung xách dao ra khỏi nhà đi gặp hắn,  rồi xẩm tối  trở ngay về nhà. Tôi đi theo vô nhà bếp đóng  cửa lại,  thấy Jacques cởi áo dính đầy máu tươi bỏ vô lò đốt. Tôi sợ hãi:

- Anh bị thương hả" Chảy máu có nhiều không"

- Máu của hắn đó. Anh không hề gì. Từ rày trở đi em không còn phải sợ ai nữa hết.

Tôi biết Mark què chân đi chậm chạp nên Jacques đã phục kích ở chỗ hẹn đâm chết hắn tại chỗ. Thật là ác giả ác báo. Què chân mà còn tham lam.

Rồi thì tôi có mang. Thời gian này Jacques có vẻ buồn rầu lộ rõ ra  mặt. Tôi gặng hỏi mãi,  thì ra Jean bị hành hạ,  làm nhục, nên bướng bỉnh cãi lại với bọn cai tù sao đó và bị đưa về trại Dachau,  là nơi không mong có ngày sống sót trở về. 

Ở trại tù đó,  bọn bác sĩ Đức coi tù nhân "gay" như súc vật dùng để thí nghiệm,  chúng tiêm thuốc độc vào óc não họ để thí nghiệm xem có thể chuyển đổi trở lại thành người đàn ông bình thường hay không. Tôi rùng mình ghê tởm sự độc ác dã man của tụi Đức khốn nạn chó má, chỉ biết đêm đêm cầu nguyện Ơn Trên cho Jean một ngày nào đó dược sống sót  trở về.

Qua năm 1944 tôi sinh cháu bé, đặt tên là Jean Jr. để tưởng nhớ đến Jean. Thằng bé bụ bẫm dễ thương, ông bà nội cưng lắm. Bấy giờ quân đội Đức sắp thua trận,  rút khỏi Pháp, tòa án Pháp truy tố những ai cộng tác với tụi lính Đức trước kia,  thế là Jacques bị bắt giam rồi đưa ra tòa xử. Hắn phân trần giả đò hợp tác với Đức là để nhờ giúp đỡ cứu người anh ruột khỏi trại lao động Do thái. Nhưng luật sư công tố viện đưa ra bằng chứng Jacques căn cứ trên tên những khách hàng Do thái không tới lấy đồ giặt mà cung cấp cho tên chánh sở an ninh các địa chỉ nhà bỏ trống để hôi của bán kiếm tiền chia chác nhau. Ông này lại dẫn vào một nhân chứng sống, chính là tên chánh Sở an ninh Pháp ngày trước. Lão ta nhận có làm ăn bất lương với Jacques và khai chính Jacques đã đến nhà nhờ lão nhốt giam Jean một ngày để trả thù anh mình. Sau đó, tên tuổi Jean dược đưa qua Sở mật vụ Đức điều tra mới lòi ra vụ danh sách "gay" rồi  bị đưa đi đày vô trại tù Do thái. Tôi và bà mẹ Jean ngồi ở hàng ghế đầu nghe mà sững sờ há hốc mồm. Jacques cứng miệng cúi gầm mặt, không cãi được một lời,  mặt mày trắng bệch. Ba ngày sau thì cảnh sát đến gõ cửa phòng tôi, cho hay hắn đã tự treo cổ chết trong tù vì hối hận và xấu hổ.

Tôi nghe tin,  lạnh lùng thản nhiên, tâm trạng rối bời,  không khóc được một tiếng. Trách ai bây giờ đây"  Tại Jacques hay tại Jean"  Hay tại chính trị, thành kiến khắc nghiệt" 

Tuy giận Jacques tiểu nhân,  tôi cũng ý thức rằng sớm muộn gì Jean cũng sẽ bị đi đày, hay bị bắn chết như Phil vì tội "gay". Gia đình tôi,  gia đình Jean,  hạnh phúc của 3 chúng tôi ở căn gác đó, chỉ trong vòng hai năm mà tan nát,  rã rời, tai ương chết chóc đưa đến dồn dập. Tôi trở thành trụ cột của gia đình Jean, của tiệm giặt ủi. Ông bà cụ Jean giờ đây,  mất hai đứa con, lẩn thẩn như người mất hồn, giao tôi toàn quyền quyết định mọi sự trong nhà.

Đầu tháng Tư 1945 có tin tất cả những tù bị Đức giam giữ trong các trại còn sống sót được giải phóng trở về đoàn tụ gia đình, tôi mừng rỡ hồi hộp ngày nào cũng ra ga xe lửa tìm đón Jean. Ngày nào tôi cũng đi bộ ra đó dáo dác ngó quanh quất giữa đám đông người bà con thân nhân, nhìn những tù nhân thân tàn ma dại hốc hác từ trên các toa khập khiểng bước xuống,  ngay cả những người què cụt sứt mẻ,  vẫn không thấy mái tóc vàng của Jean ở  đâu. Anh đã chết rồi, hay thay hình biến dạng đứng gần bên tôi mà có khi tôi cũng không nhận ra" 

Được 1 tuần thì có điện thoại hội Hồng thập tự gọi đến nhà cho hay Jean hiện còn sống đang nằm ở nhà thương Saint Paul.  Tôi cuống quit chạy lên,  vô phòng, thấy anh ấy nằm im trên giường,  gầy ốm xanh xao, đầu cạo trọc lóc, hình như không nhận ra tôi. Nước mắt tôi ràn rụa chảy. Tôi nắm tay anh kêu:

- Jean, anh khỏe không"  Anh nhận ra em không"  Sara đây. Sara.

Jean cứ nằm im lìm, hai mắt xanh đục nhìn lơ láo trước mặt, không trả lời gì cả. Viên bác sĩ chạy tới, nói nhỏ:

- Bà Lavandier, ông anh chồng bà khó có hy vọng qua khỏi.

- Tại sao"  Khổ cực đọa đày 2 năm trong trại Do thái  như thế mà anh ấy còn vượt qua được huống chi là bây giờ nằm đây được điều trị thuốc men đầy đủ .

- Ông ấy bị lobotomy. Bà có thấy trên đầu ông ấy hai vết xẹo to do cắt mổ không"  Tụi bác sĩ Đức tiêm thuốc độc vào não ông ấy để thí nghiệm chữa bệnh đồng tính luyến ái, kết quả làm hư bộ não. Ông ấy không còn nhớ gì nữa hay nhận ra ai cả. Chỉ còn sống vài ba tuần nữa thôi.

Tôi nghẹn ngào:

- Nếu vậy thì thà cho phép chúng tôi mang về nhà săn sóc để anh ấy  được gần gũi gia đình và chết được ấm cúng hơn là ở đây.

Thế là tôi đưa Jean về. Ông cụ lúc trước biết anh "gay",  giận không muốn nghe nhắc đến tên anh, mà bây giờ thấy anh về, thân tàn ma dại,  nước mắt ràn rụa khóc thút thít, ra vào quanh quẩn bên anh, đứa con duy nhất còn sót lại không biết còn sống đến khi nào. Tôi dìu anh bước vào phòng cũ của anh, chỉ tấm hình to của Phil treo trên tường nói:

- Mọi thứ trong phòng anh còn y nguyên như cũ, chỉ có thêm tấm hình của Phil. Anh có biết Phil đã chết rồi không"

Jean hình như không thấy, không biết, không nghe, không hiểu. Tôi mở bản nhạc khiêu vũ ngày xưa anh vẫn thích, anh cứ nằm trơ trơ trên giường, không nói,  không gật đầu, đôi mắt to xanh mở lờ đờ.

Sau đó 2 tuần thì Jean chết, chết với bàn tay nắm lấy tay tôi ngồi thổn thức bên cạnh, trong khi ba má anh đứng ôm nhau cúi mặt xụt xịt khóc gần đó.

Từ đó tôi ở vậy nuôi dưỡng cu Jean,  trông coi tiệm giặt,  và săn sóc cha mẹ chồng đến khi ông bà lần lượt qua đời.

Tôi gửi Jean Jr. qua Mỹ du học, thành tài, lấy vợ Mỹ. Một thân trơ trọi,  sống ám ảnh với kỉ niệm đau thương, tôi chịu không nỗi,  bán hết cơ nghiệp dọn qua ở với vợ chồng Jean, mở business làm ăn, nhập quốc tịch Mỹ. Chúng có được hai con, làm ăn cũng khá,  mua cây xăng,  mở tiệm giặt  dry clean,  mướn người coi.

Tôi thấy nhiều người "gay”  ở đây sinh hoạt, ăn ở với nhau,  tụ do ôm hôn công khai ngoài đường không ai nói. Tôi nhớ đến Jean và Phil mà thương đến chảy nước mắt.  Phải chi họ dược sinh ra và lớn lên ở đất nước tự do hùng mạnh này thì chúng tôi đã sống hạnh phúc biết bao...

Qua năm 60 tuổi,  tôi về hưu,  ở nhà giữ cháu. Sáu năm trước,  hai vợ chồng Jean bị tai nạn xe hơi chết, bỏ lại tôi với 2 đứa cháu nội. Năm ngoái tôi ra vườn cắt hoa nhân ngày giỗ Jacques, bị trượt ngã phải vào nhà thương nằm một tháng. Sau đó thì chúng nó gửi tôi vào đây ở luôn để được y tá săn sóc tốt hơn. Và tôi gặp cô, cô Hà.

    *

Bà cụ  Madame Lavandier, hay Sara,  nói tới đó thì có vẻ hơi mệt, nhắm mắt lại lim dim ngủ. Hà nhẹ nhàng đứng dậy đóng một nửa cánh cửa sổ, kéo tấm rèm khép lại cho bớt ánh sáng. Ngoài kia,  vườn cây xanh tươi lấp lánh trong ánh nắng vàng buổi trưa, mấy cánh hoa hồng rung rinh trong làn gió nhẹ.

Hà nghe chuyện bà cụ mà bùi ngùi nhớ đến mối tình thuở thanh xuân,  đến người chồng xấu số của mình chết mấy chục năm về trước ở Vietnam.

Những người thân yêu của bà cụ thì chết vì phát xít. Nghui7ời chồng thân yêu của Hà thì bị đầy đoạ đến chết bởi Cộng Sản. Bà cụ và Hà đều cùng lớn lên trong thời kỳ đất nước chiến tranh tang thương, chính trị khắc nghiệt, chịu nhiều thiệt thòi mất mát, lìa bỏ quê hương,  sống cô đơn nuôi con đến già rồi tình cờ gặp nhau ở đây. Nhưng chuyện của bà ly kỳ, éo le,  và hoàn cảnh của bà đáng thương hơn của Hà nhiều. Cuộc đời vốn là vậy,  sinh ly tử biệt, và thay đổi không ngừng. Có tiếng đằng hắng nhẹ sau lưng,  Hà quay lại thấy bà cụ đã mở mắt ra. Bà thì thầm  nói:

- Cô Hà,  làm ơn kéo rèm ra cho tôi được ngắm cây xanh ngoài trời một chút. Nhiều lúc tôi có cảm giác như mình sống đã quá lâu,  dĩ vãng lúc nào cũng như theo đuổi ám ảnh tôi. Tôi muốn chết để được gặp lại Jean và Phil. Mỗi lần nhìn cây cối xanh tươi phơi phới trong nắng vàng gió mát ngoài kia, tôi như thấy lại mồn một hình ảnh trẻ trung tràn đầy sức sống của 3 đứa chúng tôi  cùng nhau đạp xe líu lo ca hát vui vẻ trên con đường quê dài hun hút giữa hai cánh đồng lúa vàng thơm phức ngày nào ở ngoại ô Paris. Những giây phút đó, cô biết không,  đích thực là những giây phút mê ly,  hạnh phúc,  tuyệt vời nhất tôi còn được hưởng,  trong lúc tuổi già bóng xế,  gần đất xa trời một mình ở góc trời này...

Ý kiến bạn đọc
23/05/201921:49:36
Khách
cõi ta bà này chỉ toàn đau thương và nước mắt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,512
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ. Nhiều bài và hình ảnh của ông hiện được phổ biến trên mạng internet, một số đã thành sách "Xin Em Tấm Hình". Bài mới nhất của tác giả là một du ký về Prague, trước đây là thủ đô Tiệp Khắc, nay thuộc cộng hòa Czech. Đây là nơi có khu thương mại Việt lớn nhất Âu châu.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả là một du ký kể về chuyến du lịch Thụy Sĩ trên tuyến xe điện kỳ thú có tên Bernina Express.
Tác giả là một cây bút nữ, cư dân San Jose, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sang năm thứ 18 của giải thưởng, Lê Nguyễn Hằng nhận thêm giải Vinh Danh Tác Giả, với bài viết về “Ba Thế Hệ Tuổi Dậu” và bài “Từ Độ Mang Ơn”, kể chuyện tác giả bay đến thăm đôi bạn Mỹ bảo trợ tại vùng vịnh Tillamook, Oregon.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016, bài viết thứ tư của ông là chuyện tình của một người... trúng số.
Tác giả là một huynh trưởng Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001. Từ nhiều năm qua, ông là thành viên ban tuyển chọn chung kết. Sách đã xuất bản: Chuyện Miền Thôn Dã.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ tại Houston. Ông đã góp nhiều bài viết đặc biệt và nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2004. Sau nhiều năm ngưng viết, ông vừa trở lại với sức viết mạnh mẽ. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông tên thật Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1951 tại Quảng Trị, tốt nghiệp Đại Học Luật Khoa Huế năm 1974, vượt biển đến Mỹ năm 1980. Làm chủ nhà hàng từ 1983 đến 2004, hiện đang làm địa ốc và thông dịch bán thời gian và là cư dân West Chester, PA.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và đã nhận giải đặc biệt năm thứ mười tám. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, trước là nhà giáo tại Việt Nam, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO. Sau đây là bài viết mới của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Theo bài viết, tại Việt Nam cô học đại học tổng hợp ngoại ngữ. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và tác giả đang làm công việc thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Mong Quynh Gibney tiếp tục viết.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến