Hôm nay,  

Đời "Officer" Của Tôi

30/05/200700:00:00(Xem: 300869)

Người viết: Quân Nguyễn

Bài số 1273-1884-589vb3290507

*

Tác giả Quân Nguyễn đã góp nhiều bài viết đặc biệt.  Tại Việt Nam, trước 1975,  ông là học viên trường Cảnh Sát Quốc Gia. Cùng vợ con đến Mỹ năm 1987, ông trở lại trường học, tốt nghiệp cao học về Sociology tại CSUF, đệ tam đẳng huyền đai Tae Kwon Do, hiện làm state parole officer ở Santa Ana, và là cư dân Anaheim, CA. Bài viết mới nhất, Quân Nguyễn kể về “nghề của chàng”.

*

"Kính tặng người anh lớn của tôi, Đại tá Viện trưởng

Học Viện CSQG Thủ Đức"

Ngày còn niên thiếu, đang học lớp chín trường Lasan Hiền Vương ở Sài Gòn, tôi đã quyết sẽ đậu tú tài để vào võ bị mà ra sĩ quan BĐQ Biên phòng.  Cho đến bây giờ, nhiều lúc ngồi nghĩ lại đời mình, tôi vẫn ngạc nhiên sao ngày ấy mình lại có được cái giấc mơ hào hùng đó ở tuổi 14, 15"

Ông tôi, một nhà nho thích xem tử vi cho tất cả con cháu trong họ, có lần nghe được ước mơ của tôi, bèn cười xòa nói rằng, "Sách có nói  Sát Phá Liêm Tham phùng Vũ Khúc, Thiên Di tác cự Nhung  (Các sao Sát, Phá, Liêm, Tham, mà gặp sao Vũ Khúc ở cung Thiên Di thì người đó là võ quan tại biên thùy).  Nhưng cung Thiên Di của cháu lại có cả Vũ khúc lẫn Văn Khúc, thế thì hỏng! Tuy nhiên, nhờ Thân cư tại Thiên Di, cho nên được cách  Lưỡng Khúc trùng phùng  (Văn Khúc Vũ Khúc đồng cung), làm gì thì làm sau cũng chỉ là sĩ quan văn phòng mà thôi!"

Tôi đang tuổi hăng tiết vịt, mà nghe vậy thì có tức không!

Thế rồi, tôi cũng đậu tú tài, cũng nộp đơn vào võ bi, nhưng ngày lên danh sách nhập trường họ lại bỏ sót tên tôi.  Chú tôi, thiếu tá khóa 13 võ bị, gọị công điện lên Đà Lạt xin xỏ cho thằng cháu xui xẻo, nhưng viên thiếu tá bạn đồng khóa với ông, từ chối coi lại hồ sơ, với lý do tôi mới...18, còn được tới năm năm nữa để vào trường mà vội gì! Bố tôi bỗng đỏ mặt tía tai, bởi vì tôi còn hai thằng em nhỏ nữa ở nhà, mà ông thì thấy hết nuôi nổi tôi rồi! Hết đường "binh" (như binh xập xám), tôi đành vào Học Viên CSQG Thủ Đức.  Nhiều tối đi gác, ngồi mân mê khẩu M-16 trong bóng đêm, tôi đã thầm ước ao được đậu cao khi ra trường, để về làm đại đội phó Cảnh Sát Dã Chiến ở một tỉnh lỵ xa xôi nào đó, tha hồ mà đi lùng xục bọn du kích nằm vùng trong các làng quê xôi đậu...

Nhưng không! như một định mệnh đã an bài, tôi bỗng thiếp đi trong một giấc ngủ dài của 30 năm, kể từ ngày quê hương vàng son miền Nam của tôi mất vào tay bọn Cộng...(Phải chi đó là một giấc ngủ thật thì hay quá, khỏi phải lo âu cơm áo, tù tội gì hết!)

Giờ đây, khi bừng tỉnh giấc ngủ vùi, tôi biết mình nay đã già, đủ khôn, đủ cay đắng để hiểu rằng ở đời mọi sự chẳng phải muốn mà được.  Mình muốn mà Trời không muốn thì cũng chẳng xong, mà nếu cứ bướng bỉnh, liều lĩnh đâm đầu đâm đuôi thì chỉ uổng công vô ích, thêm vất vả mà thôi, có khi còn đưa tới tai ương, nghèo túng, tù tội...

Tôi còn nhớ ngày xưa có lần TT Thiệu đến dự lễ ra trường Khóa 9 SVSQ ở Học Viện.  Ngồi kế bên ông Đại tá Viện Trưởng của tôi, TT buột miệng hỏi:

"Nghe nói anh học ở Úc về, học gì mà làm cảnh sát""

"Thưa TT, tôi học kinh tế." 

"Học kinh tế sao làm cảnh sát""

"Thưa TT, tại thời thế..."

Tôi cũng nghe kể lại, năm 61, sau khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ông về nước thăm nhà, tính sẽ quay lại Úc để tiếp tục học lên cao học.  Lúc bấy giờ bọn Cộng khốn kiếp bắt đầu "quậy" sơ sơ khắp nơi, đủ để TT Diệm ra lệnh bãi bỏ du học mà gọi động viên thêm hàng chục ngàn sĩ quan cho quân lực VNCH.  Vào hoàn cảnh đó, đang còn trẻ tuổi và có lòng với quốc gia, ông bèn gia nhập binh chủng HQ.  Gia đình ông không hài lòng với quyết định đó của ông, thế là chú của ông ra tận trường sĩ quan HQ Nha Trang, xin hoàn trả hết tốn phí huấn luyện cho trường, mà lôi ông về.  Nhiều đường chọn lựa, nhưng ông lại chọn ngay nghề cảnh sát, rồi lên...quận trưởng tức thì!  Đến khi quốc gia cần đào tạo một loại sĩ quan cảnh sát mới, trẻ, đeo lon như quân đội, cho phù hợp với tình trạng đất nước và chiến tranh, Bộ Nội Vụ bèn đưa ông về làm viện trưởng học viện để thực hiện cho được mục đích này...

Đời tôi không được may mắn bằng người anh lớn đó, nhưng khi kể lại chuyện trên, tôi muốn tự an ủi mình rằng, ở đời cũng có thằng muốn vào BĐQ để ra "uýnh" VC, mà rồi cuối cùng nó cũng đi làm...cảnh sát, không phải chỉ có một lần, mà tới hai lần trong đời! Thằng đó chính là tôi, phải chăng cũng là...thời thế mà thôi!

Và đây là đời cảnh sát lẩn hai, hay đời "officer" ở Mỹ của tôi...

Tôi như bật dậy sau một giấc ngủ dài 30 năm, đầy những ác mộng kinh hoàng, để thấy mình đang ngồi trong một văn phòng ấm cúng tiện nghi, với bảng tên tôi gắn trên cửa phòng, ở sở "State Parole" của thành phố Santa Ana.

Tiểu bang gọi tôi "State Parole Agent" (hay State Parole Officer cũng vậy), một loại "peace officer của state" như CHP chẳng hạn, để phân biệt với "Sheriff" và "Probation Officer" hay "county peace officer", và "Police" hay "city peace officer", rồi phát cho tôi một chiếc xe lớn với bảng số ẩn tế, một khẩu súng ngắn, áo giáp, còng, dùi cui, điện thoại/ máy nói hai chiều, một tiền lương đủ xài hàng tháng để khỏi lo toan cơm áo (có xài gì đâu mà hổng đủ, vợ xài không hà!), và giao cho tôi coi sóc hơn 100 người tù hình sự nam nữ, được tạm tha (parolees), thả ra từ 33 nhà tù tiểu bang CA, mà một nửa số này đã bỏ trốn mất từ hồi nào rồi!

Tính tôi dễ dãi, ai muốn trốn thì cứ trốn, tôi chẳng mấy bận tâm về những kẻ đào tẩu này, vì mỗi ông đã mang sẵn một "lệnh truy nã" (warrant) trên đầu ngay từ ngày họ trốn trình diện (nhưng nếu biết họ trốn ở đâu thì tôi đi kiếm liền!)  Thường thì họ sẽ bị bắt lại không lâu, hầu hết ở CA, nhưng thỉnh thoảng cũng có ở các tiểu bang khác, những khi đi lạng quạng bị chặn hỏi giấy tờ bởi cảnh sát địa phương, hoặc khi phạm phải tội mới.  Còn thì, lâu lâu tôi mới dẫn theo cảnh sát địa phương bất ngờ đi lùng kiếm họ ban đêm tại nhà thân nhân hay người quen, hoặc mở một cuộc càn quét dưới các gầm cầu xa lộ, nơi họ thường hay sống lang thang lẫn lộn với những người không nhà...

Rồi những khi họ bị "tó" vì bất cứ lý do gì từ đào tẩu, trộm cắp, xài ma túy, đánh vợ...thì cảnh sát sẽ kêu tôi lập tức, ngày cũng như đêm ở nhà hay ở sở, để báo cáo sự việc, và xin tôi cái "lệnh giữ" (parole hold) để đem đi nhốt mà không cần trát tòa, mà lệnh này thì cũng cấm cho "bail" luôn.  Có ông tuy chẳng bị truy nã gì hết, mà nửa đêm tôi bị dựng dậy vì ổng đang tụ tập băng đảng đâu đó trong hẻm tối, hoặc đang "xỉn" hay "chích choác" sau một tiệm "liquor" nào đó, hoặc đang lái xe vòng vòng kiếm gái dù đã mất bằng lái từ lâu, vì nợ tiền nuôi con (child support) với vợ cũ...Thường thì tôi kêu nhốt luôn rồi tính sau, lỡ đêm đó băng đảng thanh toán nhau, bắn dở, lại trúng nhằm người vô tội, rồi sáng mai tên tôi...lên báo trang nhất thì phiền quá! Mà hở một chút đem nhốt thì cũng tốn kém lắm, 30 ngàn mỗi năm cho một ông từ cơm ăn, lính gác, tiền BS chữa bệnh, lại còn răng, mắt, tâm thần, tiền thuốc men nữa chứ, nghĩ như vậy, nên thường thì tôi chỉ nhốt vài ngày, la rầy, rồi thả ra cho...má nó nuôi, mà đỡ tốn kém tiền thuế của dân...

Còn tiến trình từ ở tù đến được tạm thả ra (parole) thì như sau...

Khoảng sáu tháng trước khi một người tù được tạm tha, counselor trong tù sẽ gởi cho tôi một tập hồ sơ cá nhân với đầy đủ chi tiết về lý lịch, đời tư, tội phạm, bệnh tật...để tôi xem xét và quyết định xem anh ta nên đươc xếp vào loại nào khi được thả ra.  Bọn cướp bóc, giết người, bắt cóc, hành hung, dùng vũ khí, băng đảng, hãm hiếp, hay bậy bạ với trẻ em...thì được xếp vô loại tù "dữ" cần được coi sóc nghiêm ngặt, và thường bị bắt nhốt trở lại lập tức mỗi khi phạm phải những lỗi lầm nhỏ như đến trình diện trễ, không nghe lời, hoặc hút ma túy...Những ông bị bệnh khùng khùng do xài ma túy quá độ chẳng hạn, không bị coi là tù "dữ", nhưng là tù "điên" và cũng phải được theo dõi nghiêm ngặt ngang như loại "dữ", còn nếu mà thấy "tửng" quá độ, coi sóc không nổi, thì tôi...gửi trả lại nhà tù cho xong! 

Còn những tên đi tù vì ăn cắp, trộm xe, xài ma túy, bán ma túy, uống rượu chạy xe...loại này thì chiếm đa số, có đến ¾ số tù của tôi, và không nguy hiểm mấy cho xã hội, thì tôi sắp họ vô loại tù "thường".  Coi sóc thì cũng như nhau nhưng thường thì họ được tôi...nương tay hơn, chỉ la rầy, dọa nạt là chính chứ ít khi nhốt lắm, trừ khi làm gì quá đáng hoặc tái phạm tội nhiều lần...

Đời tôi, khi còn trẻ, từng bị bọn sâu bọ làm người dí AK47 vô lưng, ấn CKC vô sườn, lôi đi xềnh xệch, nên khi nhìn thấy con chó con mèo nhốt trong chuồng ở sở nhốt súc vật, tôi cũng thấy mủi lòng, huống gì con người, còn có cha mẹ vợ con, và cái đầu biết suy nghĩ  khổ đau...cho nên, cực chẳng đã, tôi mới bắt nhốt người, mà phải suy nghĩ đắn đo dữ lắm, có khi nhốt rồi mà về ăn ngủ không yên, vài ngày sau tôi lại thả ra! Nhưng đó là cho những tội lặt vặt, chứ còn thứ cướp bóc băng đảng đánh người thì miễn bàn, vừa mới ra tù là tôi đã toan tính nhốt lại rồi, mà nếu đã nhốt thì nhốt lâu lắm...vì an toàn cho công cộng là mối quan tâm hàng đầu của cái nghề tôi!

Có lần, đang ngồi uống bia ở sân sau nhà với mấy người bạn, một anh tên T. hứng lên xem "tướng" tôi, rồi thật thà hỏi:

"Tướng anh ốm yếu như vầy, mấy thằng tù Mỹ đen bự con, hay Mễ băng đảng có sợ anh không""

Tôi cũng thành thật trả lời, không đắn đo:

"Thằng tù nào  có vẻ  không sợ tôi, thì tôi nhốt liền! parole officer của nó mà nó còn không sợ, thì nó còn sợ ai nữa, vậy thì công chúng nó coi ra quái gì... "

Nhân đó, tôi kể cho đám bạn nhậu nghe, có lần đang ngồi chờ vợ đi chợ trước cửa Kmart, một anh da trắng râu ria bậm trợn kê đầu sát cửa kính xe tôi nói nhỏ, giọng đe dọa:

"Tôi ở tù ra đang  on parole, có tiền lẻ không""

"Parole officer của anh là ai"" tôi hỏi vặn lại ngay lập tức.

"Tại sao (hỏi vậy)"" anh ta ngạc nhiên gằn giọng.

"Vì tôi cũng là parole officer, còn anh sao không đi làm kiếm ăn mà lại đi xin xỏ công chúng kiểu (dọa nạt) này"" Tôi vừa nói vừa dơ ID của tôi cho anh ta xem trong khi tay kia đẩy cửa xe dợm bước xuống. 

Cái bãi đậu xe trước Kmart rộng như vậy, mà chỉ trong có 10 giây thôi, tôi nhẩy xuống xe nhìn quanh quất mà không tài nào tìm thấy anh ta đâu nữa, đúng là bọn lưu manh nhanh thiệt, không nhanh như vậy thì nó bị "tó" rồi!

Trở lại chuyện tù "dữ" hay tù "thường", sau khi phân loại xong tôi báo cho nhà tù biết và chỉ thị bằng lệnh viết cho anh tù "dữ"  phải trình diện đúng ngày giờ tôi chọn, thường là trong vòng 24 tiếng từ lúc được thả ra, bất kể đó là ngày thường hay cuối tuần.  Còn nếu họ không trình diện đúng ngày giờ qui định thì sao" Theo tôi, parole officer nói mà nó còn không sợ không nghe , thì nó còn coi công chúng ra gì nữa! tôi chỉ chờ đên cuối ngày là viết  lệnh truy nã  ngay, chứ lỡ vừa ra tù xong nó lại đi ăn cướp hay bắt cóc trẻ con làm chuyện tầm bậy thì khổ lắm!

Nói vậy chứ 10 người được thả ra thì hết 9 đến trình diện lập tức, bất kể tù loại nào, rồi về sau vì lý do này nọ  như vi phạm "Những điều luật phải tuân theo khi được tạm tha" (Conditions of parole), và sợ bị bắt lại (Violations of parole conditions) thì họ mới bỏ trốn, hay do xài ma túy, giết người, hoặc hành hung đe dọa vợ/bồ cũ rồi bị "mét" với parole officer...

Gì chứ cái vụ "mét" này xảy ra rất thường, nhiều bà muốn vòi tiền, vòi tình của mấy anh tù trẻ không xong (như không trả tiền "child support" mà đòi thăm con, mới ra tù lại có bồ mới...) thế là nàng gọi ngay điện thoại vô khóc lóc với ông parole officer rồi "phịa" ra đủ chuyện trên đời như bị đánh, bị hăm dọa, bị ghen bậy...cốt để trả thù anh tù vô tội, có khi còn tự cào cấu rồi gọi cảnh sát lại làm biên bản cho chắc!  Trò này xảy ra hoài, nhưng vì an toàn công cộng, bằng mọi cách tôi phải tìm bắt nhốt anh tù tạm tha lập tức, rồi tới thẩm vấn ngay xem thực hư ra sao, xem "bả" có bị "đục" thiệt không, có nhân chứng không, và nguyên nhân đưa tới cớ sự, tôi cũng đọc biên bản cảnh sát, hỏi ý kiến viên cảnh sát viết biên bản xem ổng nghĩ sao, bị "uýnh" thiệt hay giả, rồi vô tù thẩm vấn anh tù, cũng coi qua quá trình hình sự tù tội của ảnh xem hồi trước giờ có "uýnh" ai chưa hay chỉ trộm cắp và hút ma túy.  Nếu không có đủ bằng chứng, và thương tích rõ ràng, vài bữa là tôi thả ra, bắt anh tù ký thêm một điều luật mới nữa cấm tuyệt liên lạc với nàng bằng mọi cách từ ở chung, thăm viếng, liên lạc điện thoại...cho tới khi mãn hạn "parole", và bắt anh ta ra tòa xin một án lệnh, cấm nàng lại gần (restraining order) để khỏi bị quấy rầy hay "chụp mũ" lần nữa. Nếu cần, tôi cũng dọa truy tố nàng về tội "chụp mũ/nói dối" vì thông thường thì nàng cũng thuộc loại thỉnh thoảng vô tù vì ăn cắp vặt và xài ma túy chứ chẳng tử tế gì! Còn ông nào thật sự doa nạt, đánh đập vợ con thiệt thì miễn bàn, tôi yêu cầu nhốt đủ một năm không thiếu ngày nào! (mỗi lần bị nhốt lại, tối đa là một năm).

Thông thường thời hạn "parole" là 3 năm.  Tuy nhiên có ông bị xử chung thân, ở mới có...22 năm, hên được cho tạm tha, thì phải bị "parole" 5 năm.  Rồi mỗi năm, tới ngày "kỷ niệm" ra tù của mấy ổng, thì tôi phải xem xét lại quá trình tạm tha của toàn năm vừa qua xem tốt hay xấu.  Nếu trong năm đó chỗ ở ổn định, đi làm kiếm ăn, trình diện đúng ngày giờ, không bị bắt bớ, không xài ma túy, và trong lý lịch tội phạm không có khoản giết người, đánh người, hãm hiếp, cướp bóc, súng ống, băng đảng...thì tôi đề nghị cho được mãn hạn "parole", còn chỉ nếu dính một trong những thứ kể trên thì khỏi, chờ sang năm tới tôi sẽ xét lại lần nữa!

Có anh đi tù về tội ăn cắp xe, ra tù làm ăn chăm chỉ lại tuân thủ mọi điều luật của "parole" đặt ra, nên chỉ một năm là mãn hạn, trường hợp này hiếm.  Còn có ông ra tù từ năm 2000, nhưng hễ ra tù là xài ma túy và trốn liền, bị tôi bắt lại thả ra cả chục lần, giờ 2007, vẫn còn đang "parole"!

Nói về "Điều luật phải tuân theo khi được tạm tha", thì nó cũng tương tự như "Điều luật phải tuân theo khi bị tù treo" (on probation).  Mà ông nào cũng vậy, trước khi bị tuyên án tù ở tại nhà tù tiểu bang (án trên một năm mới đi nhà tù tiểu bang) thì đã bị "probation" lai rai trước đó hoặc đã vô "county jail" chơi vài lần rồi, nên ít nhiều cũng có biết về tù tội và điều luật phải theo khi được tạm tha này.  Luật này bắt người được tam tha phải báo cáo lập tức mọi thay đổi về địa chỉ, việc làm, mỗi khi thay đổi.  Phải xin phép mỗi khi muốn đi đâu ra ngoài quận (county) hoặc tiểu bang đang cư ngụ, phải báo cáo mỗi khị bi chặn xét, bắt bớ, cho giấy phạt bởi cảnh sát địa phương.  Luật này cũng cấm mang, xử dụng, tàng trữ, tiếp cận đủ loại vũ khí kể cả dao, súng, đạn, cung tên, súng hơi, súng giả và...gậy baseball!  Đã vậy, phải chịu bị xét người, khám xe bất cứ lúc nào bị chận hỏi bởi cảnh sát, còn nhà ở cũng có thể bị lục xoát bất kể ngày đêm bởi cảnh sát mà không cần trát tòa, miễn parole officer gật đầu là họ vô liền.  Ngoài ra, mỗi parole officer lại tùy tiện áp đặt thêm những điều luật riêng cho thích ứng với từng trường hợp, thí dụ đi tù về tội ăn cắp xe, hay có thành tích đụng xe rồi bỏ chạy thì bị cấm lái xe,  "uýnh" vợ con thì bị cấm ở chung, thăm viếng liên lạc, bậy bạ với trẻ con thì bị cấm ở chung với con cháu, cấm tiếp xúc với bất cứ trẻ con, cấm lại gần công viên trường học, cấm vô Disneyland và nhà ở phải cách xa những nơi này ít nhất ¼ dặm...Nếu không đồng ý ký nhận những điều luật này thì bị nhốt lại liền! 

Thường thì khi được thả ra mấy ông còn trẻ tuổi hay về ở với...má vì chưa có vợ, kế đến là mấy ông về ở với vợ/bạn gái và con cái, có ông cặp ngay một em lớn hơn mình con cái lu bu cả bầy, chỉ để có chỗ ăn ở.  Mấy bà thì cũng vậy, thường thì ở với cha mẹ, chồng con, nhưng mấy cô còn trẻ thì dễ kiếm bồ, kiếm việc hơn, và cũng ít phạm sai trái hơn, trừ cái khoản chích choác thì nam nữ đại loại! 

Cũng có các ông vô gia cư, thì tôi phải lo kiếm chỗ cho ở, trả tiền phòng cho mấy tuần đầu trong khi bắt đi kiếm việc làm để tự túc lấy thân, vì tôi không thể trả tiền phòng cho họ mãi mãi, ngoại trừ cái khoản "phiếu thực phẩm" và "thẻ đi xe buýt" thì không giới hạn.  Sở "parole" có nhân viên giúp tìm việc làm, nhưng muốn đi làm hay để má, bồ nuôi là do họ, chẳng bắt buộc được vì muốn đi làm hay được mướn thì khó chứ muốn ở không hay bị đuổi thì dễ ợt, vậy thì phải chịu "parole" đủ 3 năm!  Mặc dù có nhiều chương trình (program) của chính phủ và tôn giáo nhằm giúp đỡ cho họ ăn ở miễn phí từ 6 tháng đến một năm, miễn là phải tuân theo nội qui và không được hút xách hay bia rượu, có nhiều ông vẫn thích ca câu, "Anh yêu kiếp lãng du, rong chơi đây đó vui cùng...rượu, ma túy" nên thích sống "homeless".  Không sao hết, cứ mỗi tuần lên trình diện tôi một lần đúng ngày giờ qui định và thử nước tiểu coi có chích choác gì không.  Đã vô gia cư, vô nghề nghiệp, làm biếng, mà còn chích choác, và trình diện...trật ngày giờ nữa, thì còn "parole" nỗi gì!  Đi Chino cho rồi!

Chino thuộc Quận San Bernardino là vùng nuôi bò lớn nhất nước Mỹ, với các trại nuôi bò khổng lồ nằm rải rác đây đó.  Nằm giữa những trại bò này có hai nhà tù tiểu bang, CIM cho đờn ông, và CIW cho dan bà (nhiều năm trước đây, có ông tù ở CIM xổng ra, trốn vào nhà dân rồi giết sạch một gia đình!)  Hai nhà tù này lúc nào cũng chứa cả ngàn ông bà tù tạm tha nhưng bị parole officer của họ...thương hết nổi nên gửi trả lại.  Thường thì họ bị gởi trả lại đó để ở tù tiếp từ 3 tháng tới một năm, tùy theo vi phạm nặng nhẹ những "Điều luật của parole".  Tuy nhiên, cũng có ông bị một cổ hai tròng.  Đang là tù tạm tha thì bị cảnh sát bắt về tội ăn cắp vặt trong Home Depot, ra tòa bị xử 6 tháng tù ở "county jail" cho cái tội mới này.  Nhắm chừng, cái tội "vặt" này, cũng không nguy hiểm mấy cho công cộng, có gửi trả lại nhà tù Chino thì cũng ở 6 tháng mà thôi, mà lại tốn hết mười mấy ngàn đồng thuế của dân để nuôi ổng, tôi tha cho rồi, coi như nhờ "county jail" nhốt dùm vậy!  Cũng có khi gặp ông Biện lý ( DA) khó tánh, cứ lờ đi cho tôi nhốt lại 6 tháng, rồi chờ tới ngày thả, ông cho "Sherrif" đến nhà tù đón về "county jail", đưa ra tòa xử cũng tội đó, lại ở thêm 6 tháng "county jail".  Nếu xui, gặp phải ông tòa khó tánh la lên, "Sao mà cứ đi ăn cắp hoài vậy nè!" rồi tuyên án 16 tháng tù ở nhà tù tiểu bang cho kỳ này.  Thế là, ổng lại đi tù khoảng 10 tháng, rồi lại ra "parole" 3 năm, rõ là cái vòng "parole" lẩn quẩn, vậy mà có ông làm tới năm sáu lần hổng chán!

Chỉ phiền, là mỗi khi bị bắt vô "county jail" về các tội vặt mới, như hút xách, tàng trữ ma túy... thì mấy ông bà luật sư cãi chùa lại kêu réo tôi tới nơi để năn nỉ xin tha cho họ, vì nếu tôi đồng ý tha, thì luật sư của họ sẽ có lý do nói với ông tòa rằng tôi coi đó là chuyện nhỏ nên tha rồi, thì xin tòa cũng nương tay hoặc cho họ được đi điều trị ma túy, thay vì bị tuyên án mới.  Còn nếu tôi lắc đầu, nhất định gửi trả lại nhà tù tiểu bang, thì thường tòa cũng...lắc theo!

Nói vậy, không có nghĩa là tôi có quyền nhốt người tù phạm luật lại bao lâu tôi muốn, tôi chỉ đề nghị mà thôi, còn nhốt bao lâu là do một "ông tòa parole" (Parole Commissioner) của cái gọi là Ủy ban cứu xét tạm tha (Parole Board) quyết định, ông này do Thống Đốc bổ nhiệm, và thường lắng nghe ý kiến của tôi bởi vì chỉ có tôi mới biết người tù của tôi thế nào, vả lại phần nhiều các "ông tòa parole" này, trước kia là parole officer.  Tuy nhiên, có ông tù bị tôi đề nghị đi nghỉ mát 6 tháng về tội trộm thì bất bình, bèn xin yêu cầu được ra một cuộc xét xử (Parole Hearing) bởi một "ông tòa parole". 

Cuộc xử này có luật sư cãi chùa ngồi biện hộ, còn tôi thì đại diện tiểu bang mà kết tội.  Tính tôi công bình, có sao nói vậy, nhưng thường nghĩ lại, nếu không đáng nhốt thì tôi tha, còn nếu vì an ninh công cộng, mà phải nhốt thì tôi viết bản cáo trạng trói buộc khỏi gỡ.  Đám luật sư cãi chùa, phần nhiều là luật sư tập sự, cỡ học trò của con rể tôi (con rể tôi dạy trường luật Chapman) thường cãi chày cãi cối, nhiều khi làm tôi bực lên phải chỉ ngay mặt mà chỉnh cho ngay ngắn lại!  Như có lần, có người kêu cảnh sát báo cáo rằng nhà hàng xóm của mình đi chơi xa, mà sao có ai đó lục đục trong nhà.  Cảnh sát đến nơi lôi ra một anh tù tạm tha của tôi cho là ăn trộm. Khi ra xét xử bởi "ông tòa parole", anh luật sư cãi chùa lôi ra một mớ tài liệu thời tiết của đêm hôm đó, nói rằng, đêm đó thời tiết lạnh 49 độ, nên thân chủ của ảnh, tù của tôi, chỉ có ý vào nhà nạn nhân để tạm trú qua đêm cho đỡ lạnh, chứ chẳng phải đi ăn trộm gì hết! "Ông tòa parole" bật cười kêu lên, "Nice try!" (Hay nhỉ!) rồi cho anh tù tôi đi nghỉ hè 9 tháng!

Mối quan tâm hàng đầu của tôi là tù băng đảng và tù hiếp dâm (phụ nữ hay trẻ con).  Đám băng đảng thường trẻ tuổi, chẳng sợ ai (trừ cảnh sát), lại nông nổi bất kể hậu quả và thường dùng vũ khí, rất nguy hiểm cho công cộng và thường dân vô tội, nên hở chút là tôi nhốt liền cho chắc ăn. 

Đám thứ hai thì chỉ nguy hiểm cho phụ nữ và nhất là trẻ con.  Đám này khi ra tù phải bị đăng ký lập tức với sở cảnh sát địa phương trong 5 ngày, mỗi lần đổi địa chỉ phải đăng ký lại, mỗi năm tới ngày sinh nhật cũng phải đăng ký lại.  Nếu quên hay trễ hạn, tôi chưa kịp nhốt thì Biện lý cũng bắt đem ra tòa xử án mới về tội "phạm nhân tình dục không chịu đăng ký".  Những tên này thường có đầu óc rất bệnh hoạn, và bắt buộc phải được điều trị bởi BS tâm thần của Sở Parole, như một trong những "Điều luật bắt buộc phải tuân theo khi được tạm tha".  Những tên này cũng thường có tiền bệnh SSI và hầu hết bị parole officer bắt buộc sống trong các nhà trọ (motel) xa trường học, công viên, và tuyệt đối cấm tiếp xúc với trẻ con, những vi phạm như xài ma túy, quên hẹn với BS tâm thần, bỏ uống thuốc... là bị bắt nhốt lại liền!

Ai hổng sợ nhốt, nhiều ông tù tạm tha phạm phải những lỗi lầm nhỏ chỉ đáng la rầy thôi nhưng cũng bỏ trốn luôn vì sợ bị bắt lại.  Đôi khi tôi nhắn má ảnh nếu ảnh ra trình diện thì tôi tha, có ông cũng ra trình diện, bị la rầy dọa dẫm chút chút rồi được tha về, còn những ông khác dù là Mỹ, Mễ thứ thiệt, vậy mà hổng biết sao cũng nghe phong phanh đâu được "chính sách khoan hồng lừa bịp của nhà nước VC", sợ ra "trình diện và thành thật khai báo" thì đi luôn một lèo, nên trả lời má nó, "Ngu sao ra!"

Vậy chứ, gần đây cũng có ông than với tôi, bị thân nhân ruồng bỏ do hút xách, tính khí lại "dở hơi" bất thường nên đi làm bị đuổi hoài, rồi nào phải lo tiền phòng, tiền ăn vất vả quá, nên ổng bèn xin tôi cho trở lại nhà tù vì so sánh thấy dù sao ở đó vẫn "dễ thở" hơn ở ngoài! Tôi hiện chưa biết tính sao, đâu phải muốn vô tù lại là vô như đi chợ, phải “chịu khó” phạm tội gì chứ, rõ khổ!

Có ông, tới ngày ra tù thì xe van của INS đã chờ sẵn trước cửa nhà tù tiểu bang để chở đi Arizona đem nhốt vô nhà tù INS.  Nghĩ tội nghiệp cho má nó, tôi liền viết thư cho INS xin thả nó ra để tôi coi cho, thấy có người "bảo kê" đỡ tốn tiền nuôi, họ thả ra liền.  Tưởng sao, về nhà vài bữa nó xài ma túy rồi trốn mất tiêu!

Cũng có ông "mát dây" nặng, đáng được hưởng tiền bệnh mà không biết xin, cứ sống lang thang.  Ở tù ra bị tước mất thẻ xanh, tôi phải dẫn ra INS xin lại "giấy phép đi làm" (Work Permit) (cho được hợp lệ, chứ khùng khùng ai mướn), lại cho tiền trả lệ phí INS hết mấy trăm, rồi dẫn đi xin số an ninh xã hội. Có mấy giấy tờ này rồi, mới dẫn ra phòng điều trị tâm thần của Quận cho BS khám và chứng nhận, rồi từ đó năn nỉ họ xin dùm tiền bệnh. Có tiền bệnh rồi, lại phải đem gửi ảnh ở nhà "săn sóc người bệnh và tàn tật" (Board and Care), rồi mỗi tuần ghé lại thăm chừng, hăm he đủ thứ, sợ ảnh bỏ đi lang thang nữa là mất công toi...Theo tôi, nếu điên mà đem đi nhốt cho rảnh nợ thì cũng không đúng, nghĩ vậy thành ra phải lo lắng cho tù còn hơn con mình! Đúng là cái nghiệp của tôi chứ... thời thế quái gì!

Mỗi tối, trước khi lên giường tôi luôn thắp nén nhang, cầu xin Trời Phật cất đi, xoa dịu đi, tất cả những tội lỗi, khổ đau, bệnh tật, nghèo đói, của mọi người trên thế gian, nhất là ở Châu Phi, Châu Á... Tôi cũng không quên cầu xin cho chế độ Cộng Sản sớm lụi tàn trên quê hương tôi để dân tộc tôi được thoát cảnh bất công, nghèo khổ cơ cực!

Và rồi, trong những cơn mơ về sáng, tôi thường mơ thấy quê hương tôi với những con sông dài mênh mông sóng nước, chảy êm đềm bất tận qua những thôn xóm làng quê thanh bình bên lũy tre xanh, những cánh đồng lúa chín thơm ngát chạy xa tít tận chân trời, nơi đó quanh năm có mây trời xanh ngắt, chim hót bốn mùa...

Tôi cũng mơ thấy những tiền đồn BĐQ Biên phòng trải dài từ Ải Nam Quan chạy dọc theo biên giới Lào Mên đến tận Cà Mau, được chỉ huy bởi những sĩ quan trẻ tuổi được đào tạo ra để sống vì nước chết vì dân như Trần Bình Trọng, mà thề rằng, "Thà chết vinh hơn sống nhục, sống hàng!"

Còn bọn công an cảnh sát ngu dốt dối trá, dã tâm tàn nhẫn, chỉ biết tham nhũng hối lộ, đánh người nhốt người, hà hiếp ông già bà cả phụ nữ trẻ con, tra tấn sư sãi, bóp miệng cha cố...bỗng biến đi đâu hết cả, nhưng thay vào đó là một thế hệ mới nam nữ nhân viên công lực trẻ trung đầy nhiệt huyết, những người chưa từng có lần nghe nói đến "Bác Đảng láo lếu" bao giờ, mà chỉ biết có một điều duy nhất là luật pháp thì trên cả TT, rồi hành xử nhiệm vụ bằng sự công minh liêm khiết tận tụy với dân lành, lại sáng suốt gan dạ bất khuất trước hiểm nguy, và, "Thà chết chứ không làm điều sai trái với dân với nước!"

Có tiếng chuông điện thoại vang lên liên tục làm náo động đêm khuya thanh vắng, khiến tôi choàng tỉnh giấc mơ xưa, mà ngồi bật dậy.  Sợ đánh thức vợ đang ngáy "pho pho", tôi lật đật chụp cái điện thoại cầm tay để bấm chữ "talk" cho nó đừng kêu nữa và nói nhanh cho đầu dây bên kia chờ, "Agent Nguyen, hold on!" (Officer Nguyễn đây, xin chờ chút!), trong khi tay kia mở cửa phòng ngủ chạy vội ra nhà bếp. 

Bên kia đầu giây, giọng viên cảnh sát nghiêm trọng báo cáo một anh tù 20 tuổi băng đảng của tôi vừa bắn chết người hàng xóm rồi trốn mất, và họ cần tôi cho một "lệnh truy nã " ngay tức khắc, hy vọng rằng thủ phạm sẽ bị bắt lại trước khi có đủ thời gian chạy sang Mễ...

"God help us..." (Trời thương chúng tôi...), tôi thầm nói một mình trong bóng đêm. 

Đời "officer" của tôi như thế đó, phần số hay...thời thế" Ai biết!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,206,895
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ đầu năm 2018. Ông tên thật là Chu Văn Huy, hiện là cư dân San Jose, cựu tù, vượt biển, đã nghỉ hưu sau 37 năm làm việc cho các hãng điện tử tại Silicon Valley - Thung lũng Hoa Vàng, California. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bài đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Với bài đầu tiên “Hôm nay tôi Đi Xe Đạp”, tác giả được trao giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông hiện sống và làm contractor (hợp đồng) ngành hàng không ở Vail, Arizona cho quân đội Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.
Thụy Nhã, sinh năm 1980, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu tiên, khi vừa học vừa làm “full time job” tại trạm kiểm soát hành khách trong phi trường Salt Lake City. Năm 2001, khủng bố cướp phi cơ tấn công nước Mỹ, cô viết “Check Point, Những Ngày Ta Mất Nhau” và nhận giải bán kết Vinh Danh Tác Phẩm. Bẩy năm sau, cô nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008, với bài “Chuyện của Cây Vông”. Tác giả tốt nghiêp cử nhân ngành tâm lý học và đã hoàn tất chương trình thạc sĩ (master) ngành điều dưỡng, chuyên về AGNP, hiện làm việc tại một bệnh viện và là cư dân Nam California. Bài sau đây, chuyện từ một dòng suối trên cao nguyên miền Nam tới Bolsa Chica, trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất.
Mai Hồng Thu là tên Việt của tác giả Donna Nguyễn/Donna Nguyen. Với ba bút danh này, cô đã từng góp nhiều bài Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Sanh tại Sài Gòn, sang Mỹ năm 1985, hiện là cư dân San Jose, California, tác giả đã dịch thuật và xuất bản 3 tập truyện ngụ ngôn dành cho thiếu nhi của Thornton W. Burgess dưới bút danh Nguyễn Nhã Đan Na (Nguyễn Donna). Sau đây là bài viết mới nhất của cô.
Capvanto là một bút hiệu khác của Philato, có lẽ do lối viết cách điệu từ Tô Văn Cấp, tên thật tác giả. Ông sinh năm 194, từng là một đại đội trưởng thuộc TĐ2/TQLC, đơn vị có biệt danh Trâu Điên. Với nhiều bài viết giá trị, ông đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây thêm một bài viết mới.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego. Bài trước đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang. Sau đây là bài tiếp.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài mới viết mới, về chương trình Hospice cung cấp cho người bệnh trong tình trạng chờ mãn phần, không phân biệt tuổi tác, tình trạng gia đình hay lợi tức.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông tiếp tục làm thơ và góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến