Hôm nay,  

Mother’s Day: Nước Mắt Mợ Tôi

13/05/200700:00:00(Xem: 170847)

Người viết: Nguyễn Duy-An

Bài số 1263-1874-579vb8130507

*

Nguyễn Duy An  là người Á châu đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Senior Vice President của National Geographic. Năm 2006, ông là tác giả được trao tặng giải Chung Kết  Viết Về Nước Mỹ. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông dành cho ngày Lễ Mẹ năm nay.

*

Thời mới lớn, lúc còn học trung học ở Bình Giả, tôi nhìn tương đối cũng đẹp trai, học giỏi, chỉ phải cái tội con nhà nghèo! Ngược lại, mấy cô gái đẹp trong lớp chúng tôi toàn là con nhà giàu, học không khá nhưng lại rất kiêu kỳ, chẳng bao giờ thèm để mắt tới đám con trai cùng lớp chúng tôi vì lúc nào cũng có nhiều anh lớp lớn "trồng cây si" trước cổng trường và sẵn sàng đưa đón các nàng đi ăn chè hay ngoạn cảnh bằng xe Honda.

Năm học lớp 10, trong dịp sinh hoạt ăn tất niên trước tết, tôi "mời mọc" đám con trai "xóm nhà lá" tổ chức thi hoa hậu để bình bầu thứ tự những người đẹp trong lớp, và kết quả là Thiên-Hương, một cô nàng "be bé xinh xinh với mái tóc thề buông nửa bờ vai" được chọn làm hoa khôi của lớp.

Có lẽ vì cảm kích việc tôi đã tổ chức thi hoa hậu nên cả 5 cô đẹp nhất lớp bắt đầu chuyện trò thân mật với tôi từ sau tết năm đó, hoặc cũng có thể các nàng chỉ lợi dụng để xin quay cóp bài vở. Tuy nhiên, tôi chẳng quan tâm tìm hiểu xem lý do thực sự là gì, chỉ cần được trò chuyện với các hoa khôi mỗi ngày là tôi cũng mãn nguyện lắm rồi. Lúc bây giờ, mặc dầu đã lớn nhưng tôi chưa biết "ga lăng" như những anh chàng "hào hoa phong nhã" vẫn "trồng cây si" trước cổng trường nên lúc nào cũng gọi mấy người đẹp này theo kiểu "mày tao tôi tớ loạn xà ngầu" như vẫn gọi đám bạn trai cùng lớp.

Sự việc các khoa khôi chuyện trò thường xuyên với tôi đã khiến một vài đứa bạn trai trong lớp khó chịu, và tình hình càng ngày càng rắc rối hơn khi tôi bị mấy "cây si" chặn đường đòi đánh. Khổ nhất là trong đám "cây si" đó lại có Tuấn, ông cậu họ của tôi nữa mới chết chứ! Ông ấy mang tiếng là cậu nhưng chỉ hơn tôi vài tuổi, người gầy gầy, da đen như củ súng, có thể nói là không đẹp trai và học hành cũng chỉ lằng nhằng đại khái vậy thôi. Tôi nghe đồn cậu Tuấn mê Thiên-Hương nhưng cũng chỉ dám đứng xa xa nhìn trộm chứ chưa được xơ múi gì. Phần vì sợ ông cậu về nhà mách mẹ, phần thì sợ "bị đòn hội chợ" nên cực chẳng đã tôi phải ép mình tránh xa những người đẹp trong lớp cho tới hết năm học.

Mùa hè năm đó, một vị linh mục là bạn học cũ của bố tôi ghé thăm gia đình và nhận tôi làm con tinh thần. Ngài ngỏ ý muốn nuôi tôi ăn học để "chia bớt cảnh nghèo" với người bạn cũ. Không cần hỏi ý kiến của tôi và cũng chẳng cần thời gian để suy nghĩ, bố mẹ tôi đã đồng ý ngay lập tức vì "cho nó đi với cha, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc!" Tôi đành âm thầm "ngậm đắng nuốt cay" giã từ trường xưa bạn cũ, theo ông cha đi ở trọ nhà thờ. Tôi vào trường mới, lớp mới, và quen thêm nhiều bạn mới nên dần dà cũng vơi bớt nỗi buồn xa quê.

Vì đường sá xa xôi cách trở nên gần hai năm sau tôi mới về quê ăn tết với gia đình. Mấy ngày tết, bố mẹ sai tôi dẫn đứa em út đi "mừng tuổi" ông bà và anh em họ hàng vì tôi là con trưởng ở xa mới về. Lúc vào nhà ông Quân (em bà ngoại), tôi nhìn thấy Thiên-Hương đang nằm trên võng nên buột miệng hỏi:

- Mi làm chi đây"

Ông Quân ngồi bật dậy trên đi văng, quát lớn:

- Cái thằng ni. Vô phép vô tắc. Mới đi xa vài năm đã quên hết tông ti họ hàng rồi à" Mợ mi đó.

Tôi vòng tay lễ phép chào ông rồi quay sang nhìn Thiên-Hương đang uể oải níu giây võng đứng lên, sượng sùng đỏ mặt nhìn tôi mỉm cười nhưng hai bên khóe mắt hình như long lanh một vài giọt lệ. Tôi chỉ cúi đầu chào lại chứ không dám lên tiếng vì chưa biết phải xưng hô làm sao! Mợ cháu thì cả hai cùng ngượng nghịu, mi tau như thời còn học chung lớp thì ông lại nổi giận! Lợi dụng lúc ông Quân đang "lì xì" và hỏi chuyện đứa em gái, tôi liếc mắt trộm nhìn Thiên-Hương đang lệt bệt đi xuống bếp... Hình như nàng đang có bầu. Tôi hơi thất vọng vì hoa khôi của lớp tôi bây giờ chắc sẽ "dưới điểm trung bình" nếu phải thi lại!

Mấy năm sau tôi trở về Bình Giả "hưởng thú điền viên" vì lý lịch không tốt nên thi mấy lần cũng không được nhận vào đại học và cũng chẳng kiếm được việc làm trên thành phố. Thỉnh thoảng tôi gặp mợ Hương trên đường và chúng tôi vẫn gọi nhau bằng tên hoặc có khi cũng "mi tau" như hồi còn học chung lớp.

Rồi tôi xuống tầu vượt biển, tiếp tục học đại học, ra trường, đi làm và gầy dựng một gia đình mới nơi xứ lạ quê người. Đầu năm 1992 tôi nhận được tin gia đình cậu Tuấn mới qua định cư ở Denver, Colorado nhờ có ông anh vợ đi Mỹ từ năm 1975 bảo lãnh. Mặc dầu tôi và cậu Tuấn không mấy thân nhau, nhưng vì sống xa quê hương, anh em bà con chẳng được mấy người nên tôi vội vàng gọi điện thoại sang hỏi thăm và chúc mừng gia đình cậu mợ.

Ông cậu tôi thuộc típ người "sáng, trưa, chiều, tối" mỗi buổi chỉ nói một hai câu nếu có ai hỏi chuyện, bằng không, ông ấy cứ "im như hến", trừ khi đang ngồi trong bàn nhậu với anh em bạn bè. Do đó, vừa nghe tôi chào trong điện thoại, cậu Tuấn đã vội vàng bán cái: "Duy nói chuyện với mợ Hương nha. Cậu đang dở tay."

Đúng là ông cậu cù lần không biết điều! Thiên-Hương và tôi là bạn học cùng lớp từ nhỏ, và từ ngày "cậu mợ" nên vợ thành chồng, tôi rất ngượng ngùng khi phải nói chuyện với nàng vì không biết xưng hô làm sao! Cũng may là chúng tôi ở xa nhau, chỉ nói chuyện qua điện thoại nên lại "mi tau" như thời còn học chung lớp. Sau khi kể chuyện anh em bà con bên nhà, ai còn ai mất, mợ tôi than vắn thở dài và sụt sùi khóc trong điện thoại vì cậu mợ phải bỏ bê 3 đứa nhỏ tự lo cho nhau, nhất là thằng út mới được 6 tuổi, để tìm kế mưu sinh, ban ngày theo người bà con đi cắt cỏ, chiều tối phụ việc trong nhà hàng.

Sau lần đó tôi ít có dịp nói chuyện trực tiếp với cậu mợ Tuấn - Hương vì hầu như lần nào gọi điện thoại tôi cũng chỉ gặp mấy đứa nhỏ, kể cả ngày Chúa Nhật. Mấy đứa em họ càng ngày càng quên dần tiếng Việt và chúng nó cũng chẳng nhớ ra tôi là ai nên tôi càng thêm lơ là việc gọi điện thoại thăm hỏi. Rồi cậu mợ tôi dọn nhà, đổi số điện thoại...

Cuối tháng 3 năm 2001, tôi nhận được điện thoại từ Việt Nam gọi qua báo tin đứa con trai đầu lòng của cậu Tuấn mới chết trong một tai nạn xe hơi chỉ vài tháng trước khi nó tốt nghiệp đại học. Tôi xin số điện thoại mới của cậu mợ để gọi qua chia buồn. Cậu Tuấn chỉ nói "cậu mợ buồn lắm Duy ơi" rồi sụt sùi trao điện thoại cho vợ. Khi nghe tiếng khóc nức nở của Thiên-Hương trên đường giây điện thoại, tôi đã phải cắn răng cắn lưỡi cố đè nén tiếng nấc, thỏ thẻ:

- Mợ... Cháu xin lỗi!

Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thực tâm gọi Thiên-Hương bằng "mợ" với tất cả tấm lòng và ân tình của một đứa cháu.

Hơn một tiếng đồng hồ tôi lắng tai nghe mợ Hương dãi bày nỗi khổ tâm của một người mẹ khi mất đi đứa con trai đầu lòng. Tôi cảm nhận được thế nào là nỗi đau "đoạn trường" khi nghe mợ Hương than khóc, tiếc thương, và kể lể... Tôi nghe như lành lạnh ở vành tai vì bao nhiêu nước mắt của mợ Hương, lúc nức nở nghẹn nghào, lúc ào ạt tuôn trào, lúc dầm dề khắc khoải và hài hòa vào giọng nói đứt quãng của mợ vì nỗi đau khổ và tuyệt vọng khi mất đi "sợi giây nối kết tình yêu" của hai vợ chồng từ hơn 20 năm về trước.

Từ đó, nhờ có điện thoại di động nên tôi có thể liên lạc với cậu mợ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, ông cậu tôi vẫn như ngày trước, chỉ nói một hai câu rồi bảo "Duy gọi nói chuyện với mợ Hương đi. Mợ vẫn nhắc mi hoài đó..." Thỉnh thoảng tôi cũng gọi điện thoại cho mợ Hương nhưng không nói chuyện được lâu vì mợ ấy vẫn đi làm tối ngày sáng đêm, mỗi tuần bảy ngày vì mới khai trương tiệm phở. Thêm vào đó, lần nào mợ Hương cũng "than vắn thở dài" vì thằng lớn đã chết, hai đứa kia còn đi học; cậu mợ vẫn phải "đầu tắt mặt tối" vì công ăn việc làm, rồi lại sụt sùi vì "nuôi con khôn lớn, học sắp thành tài thì nó lại bỏ cha mẹ mà đi!" Mười lần như một, cú điện thoại nào cũng kết thúc bằng nước mắt của mợ nên tôi nản quá, càng ngày càng ít liên lạc.

Gần cuối năm 2005, lúc qua Denver dự đám cưới một người quen, tôi đã đến ở nhà một người bạn thân chứ không ngủ nhà cậu mợ. Cậu tôi vẫn hành nghề cắt cỏ và lúc nào hết việc lại ra tiệm phở giúp vợ. Một buổi sáng, cậu Tuấn tới đón tôi về chơi "cho biết nhà cậu mợ". Thật đúng là chỉ tới cho biết nhà vì mợ Hương đang ở ngoài tiệm phở, hai đứa em họ cũng không có nhà nên hai cậu cháu chúng tôi chỉ ngồi nhìn quanh phòng khách một lúc rồi ra tiệm phở chứ không biết nói chuyện gì. Lúc gặp nhau ở tiệm phở, Thiên-Hương vui vẻ khoe với mọi người rằng phải mất hơn 20 năm tôi mới gọi nàng bằng mợ xưng cháu một cách tự nhiên. Mợ Hương vui vẻ hạnh phúc hơn tôi tưởng, nhưng nét mặt của mợ vẫn làm sao ấy, hình như có một vài giọt lệ cứ "thập thò" hai bên khóe mắt và có thể trào ra bất cứ lúc nào.

Vì công ăn việc làm tôi thường phải đi công tác xa nhà nên cũng không giữ liên lạc thường xuyên với cậu mợ. Đùng một cái, tôi nhận được hung tin đứa con trai út của cậu mợ chết vì băng đảng bắn nhau gì đó vào ngày 13 tháng 6 năm 2006. Tôi "tá hỏa tam tinh", vội vàng gọi điện thoại cho cậu mợ. Mợ Hương khóc lóc năn nỉ tôi tìm cách trở về Denver cho kịp đám tang nhưng tôi không làm sao sắp xếp được chuyến bay vì đang đi công tác ở xa, và lúc tôi nhận được tin thì chỉ còn mười mấy tiếng đồng hồ nữa là tới giờ lễ an táng. Tôi biết cậu mợ tôi đau khổ nhiều lắm vì cả hai đứa con trai đều mất khi chúng nó mới chập chững bước vào đời!

Cậu Tuấn càng ngày càng trở nên lầm lì ít nói. Mỗi khi tôi gọi điện thoại hỏi thăm, mợ Hương thường khóc nhiều hơn nói chuyện! Nhưng cũng có một lần mợ ấy bảo tôi: "Hồi mới sang Mỹ, mợ không tài nào hiểu được tại sao vợ cháu đang có công ăn việc làm ổn định lại bỏ ngang để ở nhà trông con, nhưng bây giờ thì mợ hiểu. Mợ thán phục sự can đảm của vợ cháu đã dám hy sinh ở nhà lo cho con cái; không như mợ, một người mẹ không nhận ra được điều con cái cần nhất là tình yêu thương và những giây phút gần gũi bên mẹ nên đã bỏ bê chúng nó. Mợ khổ tâm nhiều lắm Duy ơi!"

Rồi từ đó, thỉnh thoảng mợ Hương gọi điện thoại chia sẻ với tôi những tâm tình, những uẩn khúc trong lòng của một người mẹ đau khổ.  Mợ còn bảo tôi có thể viết lại chuyện cuộc đời của mợ để những người làm mẹ có thêm nghị lực mà hy sinh cho con cái trước khi mọi sự đã quá muộn màng! Mợ Hương muốn tôi dãi bày tất cả những tâm tình, những nỗi niềm uẩn khúc, những giờ phút lòng rối như tơ vò, đầu óc bưng bưng tưởng chừng như sắp vỡ tung ra từng mảnh, hay tim nhói lên từng hồi đau buốt và đêm từng đêm phải cắn răng nuốt từng tiếng nấc nhưng không làm sao ngăn chận được dòng lệ khóc thương vì đã không chu toàn bổn phận làm mẹ với hai người con trai đã mất như một lời thống hối ăn năn.

Tháng Năm về, ngày lễ "Mother s Day" sắp đến... Tôi tự nhủ bằng bất cứ giá nào cũng phải hoàn tất bài viết này để khỏi phụ lòng mợ Hương. Tôi đã cố gắng viết một vài lần, nhưng lần nào tôi cũng phải bỏ cuộc nửa chừng vì quá thương cảm cho hoàn cảnh của một người mẹ đã mất đi cả hai đứa con trai nơi xứ lạ quê người. Thêm vào đó, tôi không biết phải viết làm sao để diễn tả được hình ảnh một người mẹ đêm từng đêm vẫn nghe được những tiếng "gào thét trong câm nín" của đứa con trai vì người mẹ đã đang tâm từ chối không cho nó được một lần đưa mẹ đi mừng lễ "Mother s Day", và mấy tuần sau nó đã bị bắn chết vì giao du với bạn bè không tốt! Làm sao tôi lột tả được hình ảnh của một người mẹ giật mình tỉnh giấc trong đêm tối vì ác mộng, thức giấc mà toát mồ hôi lạnh! Tôi biết chắc chắn rằng ngày lễ "Mother s Day" năm nay mợ Hương sẽ khóc nhiều lắm!

Dịp lễ "Mother s Day" năm 2006, mợ Hương đã ngạc nhiên thật nhiều khi lần đầu tiên đứa con trai út của mợ đã mua hoa, viết thiệp mang lên tiệm phở chúc mừng mẹ và ngỏ ý muốn đưa mẹ đi ăn mừng... Nhưng mợ Hương đã thẳng thừng từ chối vì hôm đó tiệm phở rất đông khách nên mợ ấy bận tối tăm mặt mày. Mợ đã gắt gỏng và rất khó chịu vì đứa con út, mặc dầu đã hơn 20 tuổi, cứ lò dò theo hỏi những câu vô nghĩa như một đứa trẻ mới tập nói, gặp chuyện gì cũng hỏi. Đứa con trai cứ lẩm bẩm xin mẹ đừng làm việc nhiều quá, phải tìm giờ nghỉ ngơi, đừng ăn nhiều đồ mỡ không tốt cho sức khỏe, và nhất là phải đi nhà thờ vào ngày Chúa Nhật... Mợ Hương nghe tai này bỏ qua tai kia, chỉ chú tâm lo công việc. Đứa con trai ôm "hug" mẹ rồi lủi thủi ra về! "Duy ơi, giờ này mợ mới thực sự cảm nhận được tâm trạng cô đơn và buồn tủi của nó lúc bỏ đi, nhưng tất cả đã quá muộn màng! Có người mẹ nào lại đang tâm từ chối tấm lòng hiếu thảo của con trai mình vào ngày lễ "Mother s Day" như mợ không Duy" Mợ chỉ biết lo cho công việc mà không biết dành thì giờ cho các con. Bây giờ mợ hối hận nhiều lắm Duy ạ!"

Tuần trước, khi nói chuyện điện thoại, mợ Hương đã tâm sự với tôi:

- Ngày từ giã làng quê yêu dấu Bình Giả để sang Mỹ, mợ đã vui thật nhiều vì mợ tin rằng tương lai con cái sẽ tốt đẹp chứ không phải lớn lên trong nghèo khổ ở miền quê như thời chúng mình. Ngày ra đi, thằng út mới được 6 tuổi, lứa tuổi mới bắt đầu cắp sách đến trường; nhưng rồi vì "lạ nước, lạ cái" ở xứ người, cậu mợ đã lao mình vào công việc để mưu sinh, bỏ mặc chúng nó tự lo cho nhau nên em nó đã gặp phải nhiều bạn bè xấu. Rồi ngày tháng qua nhanh, nó trưởng thành lúc nào mợ cũng không biết, nó chơi với ai mợ cũng không hay. Ôi! Chính sự vô tâm của mợ đã đưa con cái tới chỗ chết. Giờ đây, khi mắt mợ đầy nước mắt hối hận thì con không còn nữa!Mợ còn kể thêm:

- Duy có biết không, khi chuẩn bị sinh thằng út, mặc dầu nghèo khổ, mợ cũng đã tằn tiện để tự tay mua sắm tã lót cũng như chiếc áo trắng tinh tuyền cho ngày nó được Rửa Tội ở Nhà Thờ. Rồi cũng chính mợ, hơn 20 năm sau đã tự mình chọn mua áo trắng để tẩm liệm xác con vô quan tài. Lòng mợ quặn đau như đứt từng khúc ruột Duy ơi! Mợ đã vô tình đến nỗi không dám hy sinh công việc một vài tiếng đồng hồ để cho con được một lần đưa mẹ đi nhà hàng mừng ngày lễ "Mother s Day" năm 2006. Mợ có biết đâu rằng đó là lần cuối cùng mợ để vuột mất món quà quý hóa nhất trong đời của một người mẹ: Mợ đã đánh mất chính đứa con trai của mình! Duy ơi, mợ thú thật là ngoài chín tháng cưu mang trong dạ, không biết mợ đã dành riêng cho đứa con út được mấy ngày trọn vẹn tình mẹ con...

Mợ đã buồn khổ, đã khóc than hối hận nhiều đêm vì đã không dành thì giờ cho con cái. Giờ đây, khi mợ cảm nhận được ý nghĩa đích thực của vai trò làm mẹ thì hai đứa con trai đều không còn nữa! Mợ không dám biện hộ cho lầm lỗi của mình, nhưng chỉ muốn chia sẻ tất cả nỗi lòng của mợ để Duy hiểu và thay mợ gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh, cho dù chỉ là một người mẹ dám hy sinh thì giờ để gần gũi con mình, mợ cũng mãn nguyện lắm rồi!*

Tôi vừa viết vừa nguyện ước cho các bà mẹ khi đọc những tâm tình này sẽ cảm nhận được rằng nhà cao cửa rộng, xe cộ hay tiền bạc cũng không thể sánh bằng những giây phút các con được gần bên mẹ. Mợ Hương của tôi muốn dùng chính cái chết của hai đứa con trai và những giọt nước mắt khóc thương suốt đêm ngày để gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người làm mẹ biết hy sinh thì giờ gần gũi với con cái để sau này không phải từng đêm than khóc như mợ ấy bây giờ!

Xin mợ đừng khóc nữa.

Mother s Day 2007

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,009,966
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến