Hôm nay,  

Đứa Con Hoang

12/09/200700:00:00(Xem: 203509)

Bài số 2091-1954-659vb4120907

*

Đây là chuyện về những đôi lứa học trò, sinh con khi còn tuổi vị thành niên. Tác giả Nguyễn Trần Phương Dung, 35 tuổi, cho biết cô viết câu chuyện này vì những thao thức về giới trẻ (teenagers) Việt Nam và ảnh hưởng của xã hội thời nay.

*

Mẹ nuôi con bấy lâu rồi

Nuôi con cho đến thành người mới đang

Miệng ru con mắt nhỏ hai hàng

Nuôi con càng lớn mẹ càng thêm lo...

(ca dao VN)

Tiếng trẻ con khóc và lời ru buồn như nước mắt ở phòng ngoài làm nó giật mình tỉnh giấc.  Nó giương cặp mắt cay xè nhìn đồng hồ trên bàn.  3:15 sáng.  Như vậy là nó chỉ mới chợp mắt được hơn 2 tiếng đồng hồ.  Nó lăn người nằm sấp xuống, vùi mặt vào gối, kéo mền trùm kín đầu.  Vô ích, tiếng khóc vẫn âm ỉ bên tai, mỗi lúc mỗi lớn hơn.  Tiếng khóc vang giữa đêm khuya nghe xốn xang khó chịu vô cùng.  Có tiếng thở hắt bực bội ở phòng bên cạnh.  Nó ngồi bật dậy, mặc vội cái quần dài đi ra ngoài. 

Người đàn bà trạc 40 đang đi qua đi lại nơi phòng gia đình, trên tay là một đứa bé con chừng 2 tháng tuổi.  Bà lắc lư đứa bé trên tay như đưa võng, miệng không ngớt à ơi.  Đứa bé đã bắt đầu bớt khóc và lim dim ngủ.  Trên khuôn mặt xinh xắn là đôi mắt nhắm tít và cái miệng bé xíu thỉnh thoảng vẫn nức lên như đang oan ức điều gì.

- Sao nó khóc hoài vậy mẹ"

- Ừ, con nít là vậy đó con.  Hai ba tiếng là dậy đòi ăn. Mẹ mới cho nó ăn và thay tã.  Nó đang gắt ngủ đó mà.  Mẹ ru một chút là nó ngủ mê lại bây giờ.

Nó đưa cặp mắt ái ngại nhìn mẹ.  Mới có mấy tuần mà trông bà như già đi mấy tuổi.  Chưa bao giờ nó thấy thương mẹ bằng lúc này.  Nó đưa tay đỡ đứa bé:

- Hay mẹ đi ngủ đi.  Để con ru nó cho.

Mẹ nó bật cười:

- Con biết gì mà ru. 

- Sao không biết"  Con nghe mẹ ru riết cũng thuộc chứ.

- Thôi đi ông tướng.  Khuya rồi, con để mặc mẹ lo cho em bé, con đi ngủ để mai còn có sức đi học.  Trông con kìa, xanh xao ốm yếu thế kia...

Mẹ nó bỗng im bặt.  Cánh cửa phòng ngủ vừa bật mở.   Nó nhìn theo ánh mắt lo ngại của bà.  Người đàn ông đứng nơi khung cửa, giọng đay nghiến bực bội:

- Có biết bây giờ là mấy giờ không"  Không ngủ cũng để người khác ngủ chứ.   Hết đứa nhỏ rồi đến đứa lớn.  Ồn ào như vậy ai chịu cho được!

Cánh cửa đóng lại cái rầm.  Đứa bé giật mình khóc ré lên.  Mẹ nó cuống quít:

- Đi, đi vô phòng đi con.  Không lại thêm chuyện bây giờ...

Nó mở miệng tính trả lời, nhưng nhìn thấy cặp mắt như van lơn của mẹ lại thôi.  Quay lưng lại, nó đi như chạy về phòng.  Thả mình xuống giường, nước mắt nó trào ra hai khóe.  Nó cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc...

Từ lúc biết chuyện, nó đã thấy mình khác với những đứa trẻ khác.  Những đứa bạn cùng lớp có ba, có mẹ, có ông bà cô bác.  Còn nó thì quanh năm thui thủi với một mình mẹ.  Nó đem thắc mắc hỏi thì mẹ cười buồn:

- Ông bà ngoại và gia đình bên mẹ còn bên Việt Nam.  Khi nào con lớn mẹ sẽ dẫn về thăm.  Còn bên nội thì...

Lần nào nói đến đó mẹ cũng quay đi, se sẽ thở dài.  Lớn lên một chút nó mới biết mẹ đi vượt biển với người dì và định cư ở một tiểu bang miền đông.  Khi xong trung học, mẹ xin vào một trường đại học ở miền Cali nắng ấm "để tập sống tự lập".  Mẹ gặp ba trong một lớp học.  Tình yêu của 2 sinh viên xa nhà tiến lẹ vô cùng nhưng ba dấu gia đình vì "ông bà nội con khó lắm, dọa đang đi học mà bồ bịch lăng nhăng thì ông bà từ".  Ba hẹn học xong sẽ giới thiệu mẹ với gia đình.  Không ngờ ngày ra trường chưa tới thì ba bị đụng xe chết.  Mẹ vật vã với mối tình đầu tan nát.  Đau đớn hơn, gần một tháng sau ngày đám tang ba, mẹ thấy mình có triệu chứng mang thai.  Đau khổ và lo sợ tột cùng, mẹ trở về thú thật với gia đình người dì.  Bà đã giận dữ:

- Đem qua Mỹ, nuôi cho ăn học để rồi hư thân mất nết như thế đó.  Mày chửa hoang như vậy tao ăn nói làm sao với bố mẹ mày ở Việt Nam"  Tao còn mày còn mặt mũi nào mà nhìn bà con họ hàng"  Cha nó chết rồi, mày vác cái bụng đi bắt đền ai đây"  Không mau mà bỏ nó đi để còn làm lại cuộc đời...   

Nhưng mẹ nó đã nhất định không chịu bỏ giọt máu hoang trong bụng.  Mẹ cũng không đủ can đảm đi gặp gia đình ba.  Mẹ nghỉ học về trọ phòng ở nhà một người quen, xin trợ cấp chính phủ cho những bà mẹ độc thân để nuôi nó.  Khi nó 3 tuổi, mẹ gởi nó vào nhà trẻ và đi học trở lại.  Mẹ vừa nuôi nó, vừa học vừa làm.  Cuộc sống tất bật vất vả nhưng cuối cùng mẹ cũng lấy được mãnh bằng đại học, có nghề nghiệp vững vàng và tậu được ngôi nhà xinh xắn cho 2 mẹ con.

Nó lớn lên với sự ngưỡng mộ cho những cố gắng phi thường và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ.  Nhưng tình thương bao la của mẹ vẫn không lấp được cái hố không cha trong lòng nó.  Nó thèm thuồng mỗi khi bất chợt thấy những đứa trẻ cùng lứa chơi banh hay đùa giỡn với ba chúng nó.  Nó giận dữ mỗi khi nhà trường tổ chức những sinh hoạt cần sự góp mặt của người cha.  Nó buồn tủi mỗi dịp lễ Father s Day về, nhìn bạn bè xôn xao làm quà cho cha trong khi nó chẳng có ai để tặng.  Mẹ biết nỗi lòng của nó, cũng muốn chấp nối với ai đó để có nơi nương tựa, để nó có father figure, nhưng lại ngại cảnh "con anh, con tôi" nên chần chừ mãi.

Năm nó 13 tuổi, mẹ dắt về một người đàn ông làm chung sở.  Hai người quen nhau đã lâu nhưng gặp cản trở dữ dội từ phía gia đình ông vì "trai tơ mà phải lòng mụ nạ dòng", dù mẹ chỉ mới ngoài 30 và còn đẹp lắm.  Họ phản đối kịch liệt hơn khi biết mẹ chưa từng lập gia đình, chỉ "chửa hoang".   Người đàn ông bất chấp gia đình tiếp tục yêu mẹ.  Và mẹ, một lần nữa, bất chấp thị phi, chung sống với người đàn ông, không danh không phận.  Mẹ như sống lại với tình yêu mới.  Người đàn ông đối xử tương đối tốt với nó.  Ông không vồn vã quá, cũng không tỏ vẻ hẹp hòi. 

Cuộc sống bình thản trôi đi cho tới ngày mẹ biết mình không thể sanh con nữa.  Sóng gió bắt đầu nổi lên:

- Tôi bất chấp gia đình để chung sống với cô, không ngờ lại bị tuyệt tự.  Có phải là trời trả báo không"

- Anh nói vậy mà nghe được hả" Em có muốn như vậy đâu.  Nếu anh thích con nít thì mình xin một đứa về nuôi.  Con nít mồ côi ở đây thiếu gì.

- Thôi cho tôi xin.  Tôi nuôi một đứa con người ta rồi chưa đủ sao, bây giờ lại bảo vác về đứa nữa" 

- Tôi không ngờ lòng anh hẹp hòi như vậy.  Anh nuôi con tôi hồi nào"  Bộ tôi không đi làm hay sao"...

Xung đột giữa mẹ và người đàn ông ngày càng xảy ra nhiều hơn.  Cái mặc cảm không con nơi người đàn ông và ray rứt vì lỗi về phần mình nơi người đàn bà làm ngòi cho bao cuộc cãi vã bắt đầu bằng những chuyện không đâu và kết thúc bằng không khí nặng nề trong gia đình.  Càng thương mẹ, nó càng bất mãn với người đàn ông.  Nó tránh đụng mặt ông và cả mẹ.  Nó có cảm tưởng sự hiện diện của nó nhắc nhở đến nỗi bất hòa giữa hai người.  Nó tham gia vào đội banh trong trường để có lý do không về nhà sau giờ học.  Mái nhà không còn là nơi êm ấm để nó tìm về nữa.

Nó tình cờ quen con Liz trong một dịp đội banh nó sang trường bên cạnh thi đấu.  Con Liz ở trong ban Cheerleaders của đội nhà.  Hôm đó nó sút vô được hai trái tuyệt đẹp làm khán giả la ó rầm trời.  Sau trận bóng, con Liz tìm đến xuýt xoa khen làm nó phổng mũi.  Hai đứa quen nhau từ đó.  Nó dẫn con Liz về nhà chơi.  Mẹ khen con Liz đẹp nhưng "sexy" quá.  Mẹ bảo tụi nó còn nhỏ, chỉ được làm "bạn" thôi.  Tới nhà chơi phải ở ngoài phòng khách hay bếp, không được đi vào phòng ngủ.

Một năm trôi qua.  Nó và con Liz ngày càng thân với nhau.  Hôm nào không có game hay practice sau giờ học, con Liz tới nhà nó làm bài chung.  Con Liz coi sexy vậy nhưng học giỏi lắm.  Nó phải nhờ con Liz chỉ bài luôn.  Rồi chuyện gì phải tới đã tới.  Con Liz bị trễ kinh mấy tuần.  Tụi nó mua test về thử thì quả nhiên con Liz có bầu.  Tụi nó nói cho ba má con Liz trước.  Có lẽ vì bản tính cởi mở của người ngoại quốc nên sau một thoáng kinh ngạc, ông bà ôn tồn nói:

- Hai đứa suy nghĩ cho kỹ đi.  Ba má sẽ support quyết định của tụi bây.  Nếu tụi bây giữ đứa bé, phải nhớ có trách nhiệm của tụi bây.  Con Liz phải dọn ra trước khi sanh.   Ba má không muốn nuôi thêm một đứa con nít ở tuổi này.  Ba má sẽ giúp đỡ những gì có thể được.

Mẹ nó thì phản ứng dữ dội.  Bắt đầu là sự giận dữ vì hai đứa đã lừa dối bà.  Nói là bạn mà lại làm chuyện bậy bạ với nhau.  Sau đó bà than khóc y như trong nhà có tang.  Sao tụi nó dại như vậy"  Tụi nó là con nít thì làm sao có con được"  Rồi còn tương lai"  Tụi nó đang học lớp 11.  Có con rồi có ra được trung học không chứ đừng nói tới lên đại học. 

Nó khổ sở:

- Tụi con quyết định giữ đứa bé, như mẹ đã quyết định giữ con ngày xưa.  Con Liz sẽ dọn ra ngoài share phòng.  Con sẽ đi làm part-time giúp nó trả tiền nhà.  Con chỉ mong mẹ thông cảm và support tụi con.

Trời ơi, con nít sắp đẻ con nít.  Lịch sử tái diễn nè trời.  Thằng con khờ khạo có mắt mà đi ngay vào bánh xe lăn cũ của bà.  Những năm tháng cực khổ vất vả khổ sở của bà vì có con không đúng lúc đã không dạy cho nó điều gì sao"

- Sao mẹ mâu thuẫn như vậy"  Không phải mẹ đã có mang con khi còn đi học sao"  Mẹ nuôi được con thì tụi con cũng nuôi được nó.  Mẹ không giúp thì thôi, con không cần!

Nó giận dỗi lôi con Liz ra khỏi nhà.  Từ đó nó ít về nhà, viện lý do phải săn sóc con Liz trong lúc nó mang thai.  Nó thường về nhà con Liz sau giờ học và có hôm ở luôn đêm.  Mẹ nó chỉ biết khóc.  Người đàn ông biết chuyện nhưng không nói gì.  Con không phải con ông, cháu không phải cháu ông, ông xen vào làm gì cho nhức đầu"

Đứa bé mang hai dòng máu sinh ra kháu khỉnh dễ thương vô cùng.   Nó hãnh diện gọi phone thông báo cho mẹ sau 2 ngày ở trong nhà thương với con Liz.  Mẹ nó vào thăm, thấy nó và con Liz toe toét cười y như vừa được món đồ chơi mới.  Đúng là con nít!  Rồi tụi bây sẽ biết khổ.  Bà vừa thương vừa giận ôm lấy đứa bé nức nở khóc. 

Đưa đứa bé về được 3 tuần thì nó hớt hải gọi kiếm mẹ:

- Mẹ ơi.  Đứa nhỏ khóc quá bà chủ nhà không muốn cho con Liz mướn phòng nữa.  Con Liz cũng mệt chịu hết nổi đòi đem con cho người khác.  Con không biết phải làm sao bây giờ...

- Con Liz mới sinh con mà không có ai giúp đỡ nên nó mệt mỏi nên quẫn trí thôi.  Ai mà nỡ lòng đem con mình cho người khác.  Thôi con đem đứa bé về đây mẹ trông tạm cho ít ngày.  Khi con Liz khỏe rồi bảo nó qua bế con về...

Con Liz khỏe lại nhưng nó không đến rước con về.  Nó nói nó không hối hận có con, nhưng nó đã nhận ra nó không thể lo cho đứa bé chu đáo.  Nó thương con nhưng nghĩ đứa nhỏ sẽ sung sướng hơn nếu ở với người có điều kiện hơn nó.  Nó vẫn muốn lên đại học và không thể làm được nếu vướng đứa con.  Nó đành cho con để cuộc sống của cả hai mẹ con đều tốt đẹp hơn...

Nó nhất định không cho con dù con Liz đã bỏ đi tiểu bang khác sống với ông bà nó "để nghỉ ngơi và tìm quên".  Nó năn nỉ mẹ giúp nó lo cho đứa bé vì "con không muốn nó lớn lên không cha như con."  Bà mủi lòng chấp nhận thay con nuôi cháu, một lần nữa thức khuya dậy sớm thay tã, xúc bình.  Người đàn ông phản đối kịch liệt quyết định này.  Những trận cãi nhau như bão táp giữa hai ông bà rồi cũng không đi đến đâu.  Ông không nhìn đến đứa bé và la hét giận dữ mỗi khi nó khóc.  Người đàn bà câm nín nhịn nhục nhưng vẫn tiếp tục nuôi cháu.  Con dại, cái mang.  Biết làm sao"  Chẳng lẽ đuổi 2 bố con ra đường"  Thằng nhỏ 17 tuổi, biết làm gì để sống"  Ít ra ngày xưa bà cũng đã 20 và hiểu biết nhiều hơn.  Bố mẹ bà ở xa không giúp được bà đã đành.  Bây giờ bà ngay bên cạnh con chẳng lẽ không giúp nó"

Đêm nay đứa nhỏ dậy khóc mấy lần.  Người đàn ông nhân dịp đem mẹ con nó ra chửi đổng. Nó tức lắm nhưng không muốn làm mẹ khổ tâm thêm. Trong đêm khuya thanh vắng, nó nằm nghe tiếng mẹ ầu ơ ru con nó ngủ. Thỉnh thoảng đứa bé nức lên vài tiếng trong cơn mơ.  Người đàn ông vẫn trăn trở bực bội ở phòng bên cạnh.  Nó nghe tim mình thổn thức.  Đời nó mang tiếng là con hoang, lớn lên trong sự chối bỏ của gia đình nội ngoại.  Bây giờ đến lượt con nó mới 2 tháng tuổi đã bị mẹ bỏ rơi.  Không biết rồi đời con nó sẽ ra sao"  Có khá hơn không hay lại lăn vào bánh xe cũ của nó và mẹ"  Ôi, tất cả chỉ vì sự bồng bột dại dột của tuổi trẻ trong tình yêu.  Yêu quá sớm, khi chưa nhận thức được tránh nhiệm của tình yêu, hậu quả là sự tự làm khổ mình và người khác.  Trái cây hái lúc còn xanh nghe đắng chát trên môi.  Nó nức lên...

Ngoài kia, đứa trẻ cũng vừa bật khóc...  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,205,974
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN. Sau 30.4.1075: giáo viênVật Lý - Q.10 -Tp HCM – VN. Theo chồng và 3 con gái đi Mỹ diện HO năm 1999, định cư tại Chicago-IL-USA. Sau đây là bài viết thứ hai. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và thêm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt từ năm 2000 cho tới nay.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước và mới nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2018. Bài đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà tới hơn 400 người tử vong- Hiện ông đang là cư dân Orlando, Florida, vùng đất rất quen với bão lụt. Loạt bài gần đây của ông là chuyện khởi nghiệp, rồi dựng ngiệp trên đất Mỹ. Sau đây là phần cuối khi gia đình tác giả di chuyển về Orlando đầu tư vào ngành địa ốc và sinh sống tại đây.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth Uni-versity. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả lại tiếp tục Viết về nước Mỹ từ 2016, với sức viết mạnh mẽ và thứ tự hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2012, với những bài viết linh hoạt về đời sống tại Mỹ kèm theo hình ảnh hoặc tài liệu do ông thực hiện hoặc sưu tập. Sống động, cũng chẳng ngại sống sượng, bài viết của ông thường gây nhiều chú ý và bàn cãi. Một số đã được in thành sách "Xin Em Tấm Hình" và tập truyện mới, "Bắc Kỳ". Sau đây, thêm một bài mới viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Bà cho biết: Tên thật là Ngô Phương Liên, học Trưng Vương thời trung học, vượt biển qua Mỹ năm 79. Đi học lại gần 6 năm mới ra trường với bằng BS engineer năm 85. Hiện là cư dân ở Lafayette, Louisiana, còn vài năm nữa sẽ ... ăn tiền gìa. Bút hiệu Pha Lê, theo chú giải vui của tác giả, không phải là trong veo như Pha Lê, mà là... Pha trò và Lê la! Sau đây là bài viết thứ tư của bà.
Nhạc sĩ Cung Tiến