Hôm nay,  

Nhạt Nắng

19/04/200700:00:00(Xem: 169137)

Người viết: Karen N. Nguyen

Bài số 1244-1855-561vb4180407

Karen N. Nguyen, sinh năm 1962, trưởng nữ trong một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, làm việc và cư trú tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài đặc biệt cho giải thưởng viết về nước Mỹ: "Chuyện Cấm Đàn Ông;" "Viết Cho Em Trai Tôi..." và đã được trao tặng một trong 4 giải chính Viết Về Nước Mỹ 2004. Bài mới nhất của cô lần này là chuyện 15 năm sau của một gia đình H.O.

*

Đầu tiên là bé gái Út lấy chồng. Lấy chồng thì phải theo chồng, bé Út khăn gói theo chồng về Florida. Sau đó đến em Ty lấy vợ. Vợ chồng Ty dọn qua ở bên Virginia. Còn lại bố mẹ và Tú, cô chị lớn. Rồi bố mẹ xin được căn apartment trong khu nhà của người già bên Maryland và quyết định dọn ra đó. Tú lập gia đình và dọn qua Viginia. Cái gia đình gồm cha, mẹ và ba đứa con lúc mới qua Mỹ định cư ở Maryland sau hơn mười mấy năm trời ở Mỹ bây giờ chia ra ở tứ tán hết cả.

   Con cái mỗi đứa ở một nơi, bố mẹ bây giờ có dịp gặp được đứa này thì lại chẳng gặp đứa khác, thường thì bố mẹ gặp được gia đình Tú và gia đình của em Ty từ bên Virginia lái qua, còn gặp gia đình bé Út thì coi như mấy tháng, nửa năm trở lại mới có dịp. Đến khi có nhà riệng rồi, con cái đứa nào cũng muốn mời bố mẹ về ở chung, nhưng bố mẹ vẫn còn ngần ngại. Xin được cái apartment trong khu nhà của người già bên Marylan đâu phải một sớm một chiều xin là có ngay đâu chứ. Cái khu nhà đó lại nằm gần trạm xe bus, gần trạm metro, gần ku thương mại sầm uất, gần chợ và nhà thuốc tây, địa điểm thuận lợi quá xá cỡ. Khu nhà cho người già tuần 2 lần lại có xe minibus chở người ở đó đi chợ, chở đi rồi đợi để chở về đến tận cửa, còn muốn đi bác sĩ khám bệnh thì cũng có dịch vụ gọi xe Metroaccess đến chở đi với giá phải chăng, vậy là bố mẹ già không cần lái xe vẫn đi đấy đi đó được. Và đó cũng là một số trong vô số những lý do mà bố mẹ viện ra để không về ở luôn với gia đình đứa con nào hết. Đến thăm, ở chơi 1-2 tuần thì được, không muốn làm gánh nặng cho đứa con nào hết, bố mẹ nói vậy.

Bé gái Út có thai. Ngày xưa bé Út đi học ở University, thầy dạy môn xác suất thống kê sinh viên viết ra là mình nặng bao nhiêu pounds để lấy dữ kiện của cả lớp minh họa cho bài giảng, bé gái Út tình thật viết ra là mình nặng 92 pounds. Đến lúc thầy thu thập đủ dữ kiện, nói với lớp là trọng lượng sinh viên trong lớp dao động từ 92 pounds đến 270 pounds, tụi học trò trong lớp bắt đầu nhốn nháo. Sao có đứa nào mà nhỏ người đến thế vậy kìa, bàn dân thiên hạ thắt mắc. Lớp có đến mấy cô Châu Á người nhỏ nhỏ, thành ra khó biết ai đoạt giải "người nhẹ nhất lớp" hết. Gái Út của bố mẹ nhỏ người, nhưng là bé hạt tiêu, đi học đi làm không sợ ai hết. Nhưng bây giờ bé gái Út có thai, mẹ nghe bé gái Út bị morning sickness, bị mệt, ăn uống không ngon miệng, mẹ xót con gái Út của mẹ. Bố mẹ bàn nhau, rồi cuối cùng mẹ lặn lội xuống Frorida ở với vợ chồng gái Út. Để mẹ xuống lo cho em Út tụi con, em nó nhỏ nhất nhà, tạng người nó yếu đuối, mẹ xuống lo cơm nước cho nó, chăm sóc cho mẹ con nó mẹ tròn con vuông, mẹ nói với Tú và em Ty như vậy.

Mẹ xuống Florida lo cho gái Út ít lâu thì bố đáp máy bay xuống Florida. Bố chỉ ở vài tuần, rồi lại bay về Maryland, về lại căn apartment nhỏ trong khu người cao niên trên này ở vài tuần, rồi bay xuống Florida vài tuần... Bố nhớ mẹ, Tú và em Ty nói với nhau như vậy. Mười năm trời bố đi tù cải tạo, suốt thời gian đó số lần bố mẹ gặp nhau đếm được trên mấy đầu ngón tay, bây giờ đến lúc tưởng là chung sống trong lúc tuổi già xế bóng thì hóa ra lại chia ra mỗi người một nơi. Tạm thôi, bố mẹ nói vậy.

Gái Út sinh con gái, cô bé tóc đen có đôi mắt tròn to đen thui như hột nhãn nhìn giống y như gái Út hồi còn nhỏ. Cô cháu ngoại đầu tiên ngay từ lúc ra đời chỉ cần chớp chớp đôi mắt có hàng mi cong dài là đã chiếm trọn trái tim của bà ngoại. Em bé con gái Út còn nhỏ quá, để mẹ ở thêm một thời gian nữa dưới này lo cho mẹ con tụi nó được cứng cáp, khỏe mạnh, mẹ nói với Tú và em Ty. Nghe gái Út định sau mấy tháng nghỉ phép khi đi làm trở lại sẽ đem con đi gởi babysit, mẹ áy náy, thương cháu, con bé nhỏ chút xíu như vầy mà đem đi cho người lạ trông, mẹ xót... và mẹ tiếp tục ở lại Florida lo cho con, cho cháu, và vợ chồng gái Út tiếp tục có cái diễm phúc được ăn cơm với món thịt kho nước dừa tuyệt vời của mẹ đều đều.

Trên này, vợ chồng em Ty cũng có tin vui, kết quả sonogram cho thấy vợ Ty có mang con trai. Vậy là sẽ có một đấng nam nhi ra đời để nối dõi tông đường. Vậy là bố mẹ sẽ có cháu nội. Bố mẹ vợ em Ty ở xa, nhìn qua nhìn lại họ hàng ở gần chỉ có Tú và Bố. Bố dọn qua ở với vợ chồng em Ty để "phụ với tụi nó". Có thằng quân dở, cũng đỡ tay chân, Tú nhớ mẹ hay nói như vậy. Bố không biết đi chợ không sành nấu ăn như mẹ, nhưng bố biết thay tã, biết pha sữa, biết ẵm ru em bé, kết quả của bao chuyến xuống Florida thăm mẹ và gia đình gái Út.

Bé Bi, cháu đích tôn của ông bà nội, ra đời vào một ngày mùa đông. Trước đó hai ngày, ba bé Bi còng lưng xúc một núi tuyết dọn driveway cho sạch sau một trận bão tuyết khá lớn để chuẩn bị chở mẹ bé Bi vào nhà thương nếu mẹ bé Bi chuyển bụng. Driveway dọn sạch sẽ thì 24 tiếng sau quả thật điều vợ chồng Ty dự đoán trở thành sự thật. Ty nói với Tú là bé Bi cũng biết điều, lịch sự, không đòi ra sớm để được chơi với tuyết đầu mùa, cũng đỡ khổ cho ba má nó!

Năm 75, em Ty còn nhỏ xíu xiu. Mấy tuần đầu sau 30 tháng 4, bố ở nhà sáng sáng bố dắt em Ty đi ra trường mẫu giáo ở gần đó để em đi học. Học hè, cho nó quen, chỉ có vài tiếng một buổi. Những hôm đầu, bố ngồi ở cái băng đá trong sân trường đợi em Ty, em đi học nước mắt giọt ngắn giọt dài, rồi vào trong lớp nhìn ra sân phải thấy bóng bố ngồi đó em mới nín khóc. Câu đầu tiên em Ty hỏi bố mỗi sáng thức dậy là "Hôm nay là thứ Bảy phải không bố"". Thứ bảy, thì em Ty không phải đi học. Hầu như ngày nào em Ty đi mẫu giáo cũng khóc. Ngày 13 tháng 6 năm 75, bố đi trình diện rồi đi học tập cải tạo suốt mười mấy năm trời. Ngày bố đi, em Ty mới đi mẫu giáo, ngày bố về em Ty chuẩn bị thi tốt nghiệp lớp 12...

Ngày xưa bố đi tù, không có thời gian để lo cho tụi con, bây giờ đứa nào cần bố giúp thì bố hết lòng lo cho đứa đó, bố nói với Tú để giải thích chuyện bố dọn qua bên nhà vợ chồng em Ty lo cho bé Bi.

Hồi trước lúc bố còn khoác áo sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, sáng sớm bố đã lái xe jeep vào sân bay Tân Sơn Nhất, chiều mặt trời gần lặn bố mới về nhà, ngoài những ngày cuối tuần ra thì bố không có nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Mẹ gánh hết cái trọng trách đó. Đến bây giờ khi phụ vợ chồng em Ty lo cho bé Bi, bố mới thấm thía bao nỗi gian nan nhọc nhằn của mẹ ngày xưa. Thời đó làm gì có tả lót thay rồi bỏ như bây giờ, làm gì có máy giặt máy sấy, làm gì có... Trong cái tình thương của ông nội dành cho bé Bi, cháu đích tôn, còn có tình thương của bố dành cho em Ty, đứa con trai bố không có dịp ở gần trong cả mười mấy năm trời.

Mẹ ở dưới Florida lo cho bé Út nhỏ, "con gái Út" của mẹ, còn bố ở trên Virginia lo cho bé Bi, "con trai út" của bố. Hai vợ chồng già thu xếp ở chung với một đứa con thì cũng được, nhưng như vậy thì hơi phí, bố mẹ bàn với nhau, mình chia ra mỗi người một nơi thì hơi khó khăn cho hai vợ chồng già, nhưng lại giúp được cho gia đình của hai đứa con, lo được hai đức cháu. Lo cho con cho cháu, nhất là mấy đứa cháu, tụi nó vui, khỏe, là mình mãn nguyện, bố mẹ đồng ý với nhau như vậy.

Căn Apartment bên Maryland bây giờ khóa cửa để đó lâu lâu bố tạt về một hai hôm mà thôi. Ông nội đi lâu thì lại nhớ tiếng bi bô của bé Bi. Bé Út nhỏ bây giờ tối tối lại thích ngủ cạnh bà ngoại để nghe bà kể chuyện cổ tích.

Gái út đều đều, đều đều dụ khị vợ chồng em Ty dọn xuống Florida lập nghiệp để bố mẹ ở cùng 1 nơi, ông bà gặp đủ cháu nội cháu ngoại, và nhà gái Út và em Ty cùng được ăn thịt kho trứng vịt nước dừa tuyệt cú mèo của mẹ, món gỏi gà, cháo gà hết xảy của mẹ, món bún thịt nướng chả giò super de luxe của mẹ, mà hoài không có kết quả. Tú và Ty thì lại gạ vợ chồng gái Út dọn về Virginia, trên này có khu Eden shopping center cả trăm tiệm của người Việt, mua gì cũng có, trăm món ăn ngon Tú và Ty kể ra làm gái Út thèm muốn chết, nhưng dọn về Virginia là chuyện không tưởng đối với gái Út. Vợ chồng gái Út đã bám rễ ở Florida và đang ăn nên làm ra ở đó."Quân tại Tương Giang đầu

Thiếp tại Tương Giang vỹ

Đồng ẩm Tương Giang thủy"

Tạm dịch:

 "Chàng ở đầu sông Tương

Thiếp ở cuối sông Tương

 Nhớ nhau mà chẳng thấy

Cùng uống nước sông Tương"

Ngày xưa phương tiện liên lạc không có nhiều, người ta nhớ nhau như trong bài thơ Tàu xưa kia, nhớ nhau mà không thấy nhau đành đem nỗi nhớ của mình mà nhờ nước sông Tương chuyển hộ cho người mình nhớ, quả là khổ. Chức Nữ Ngưu Lang ngày xưa mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần qua chiếc cầu Ô Thước, gặp nhau thì khóc, nước mắt thành mưa ướt sũng cả trần gian. Bố mẹ bây giờ ở xa nhau, nhưng sáng sáng bố mẹ dùng cell phone gọi nói chuyện với nhau, chiều chiều tối tối bố mẹ gởi email cho nhau, cách vài tuần thì bố bay xuống Florida thăm mẹ vài bữa. Tụi em đâu có muốn giữ bố mẹ hoài hoài đâu, bé gái Út và em Ty nói với Tú như vậy. Mấy bận mẹ nói chuyện với Tú, bàn về chuyện bố mẹ về lại ở trên căn apartment bên Maryland, rồi lại không thấy gì cả. Bé Út nhỏ, con của vợ chồng gái Út, và bé Bi, con của vợ chồng em Ty, hai nhân vật nhí này coi vậy mà có sức mạnh vô cùng tận để giữ bà ngoại và ông nội. Email của bố gởi cho mẹ giờ chỉ còn mấy hàng chữ của bé Bi gõ ké, "Hi Grandma, how are you, I miss you". Điện thoại mẹ gọi cho bố giờ còn có kèm văn nghệ, ca nhạc và đàn piano bởi nữ nghệ sĩ Út nhỏ, gời cho ông ngoại.

 . . .

Bố trở bệnh bất thình lình. Bố bay xuống Florida thăm mẹ và gia đình gái Út, còn vài hôm nữa là sinh nhật mẹ thì bố ngã bệnh. Ở nhà đưa bố vào nhà thương. Nửa đêm gái Út gọi điện thoại cho Tú và Ty báo hung tin, vừa nói vừa khóc nức nở. Tú và Ty ở trên này nghe tin bố đau mà áy náy, bồn chồn, nhức nhối khôn tả, chỉ muốn bay xuống Florida ở bên cạnh bố, bên cạnh mẹ ngay lập tức. Muốn bay xuống đó nhưng công ăn việc làm ở trên này thu xếp để nghỉ không phải dễ, Tú và Ty thấy mình như có lỗi để vợ chồng gái Út và mẹ gánh hết mọi nỗi âu lo.

Sau bao cuộc xét nghiệm nhà thương, bao chẩn đoán của bác sĩ, sau mấy ngày nằm trong nhà thương, bố được xuất viện. Không phải heart attack, bác sĩ nói. Nhưng bệnh của bố thực sự là gì, không có lời chẩn đoán 100 phần trăm chính xác. Sinh nhật của mẹ, món quà quý nhất là bố xuất viện, bố đi đứng được, bố ăn uống được, nói năng được. Bố vẫn minh mẫn, sáng suốt. Mọi sinh hoạt của bố trở lại như bình thường, nhưng bố có yếu đi... Phúc đức ông bà để lại thành ra bố hồi phục được sau cơn bạo bệnh mẹ nói vậy.

Bố yếu đi, và bố đang hồi phục trở lại, chầm chậm. Bố có mẹ bên cạnh lo lắng cho bố từng miếng ăn giấc ngủ. Virginia, bố muốn về lại Virginia 1 chuyến. Về lại Virginia có nghĩa là bố sẽ đi máy bay, Tú, Ty và gái Út bàn nhau chắc phải có một đứa con bay từ Virginia xuống Florida để bay về với bố, chứ để bố đi máy bay một mình rủi bố bệnh trở lại thì làm sao.

Bàn tới bàn lui rốt cuộc không đứa nào dám đem sức khỏe mong manh của bố, một ông cụ trên bảy mươi tuổi vừa xuất viện được vài tuần, thử nghiệm cho 1 cuộc hành trình quá dài bay máy bay và xe hơi. Để bố ở lại Florida với mẹ, ba đứa con bàn tính, đó mới là thượng sách. Bố về lại căn nhà apartment của bố bên Marylan ở có một mình, rủi bố trở bệnh lại như hồi ở Florida, không có ai bên cạnh thì làm sao".

Bàn tới bàn lui, bàn xuôi bàn ngược, cuối cùng thì ba đứa con thuyết phục được bố mẹ ở luôn ở Florida với gia đình gái Út. Bé Bi lăn đùng ra khóc, khóc quá xá cỡ khi nghe bố Ty nói là ông nội sẽ ở luôn ở Florida, mãi đến khi nghe bố Ty hứa hẹn là ba má sẽ dẫn bé Bi xuống Florida thăm ông bà nội thì bé Bi mới nín.

Vợ chồng Ty và bé Bi xuống Florida thăm bố mẹ và gia đình gái Út. Bố viết lá thư gởi cho bà manager phụ trách khu nhà người già ở Maryland, đưa cho Ty, kèm với cái giấy bác sĩ chứng nhận là sức khỏe của bố không cho phép đi xa được. Tú và Ty, hai con ở bên đó lo dọn dẹp căn apartment của bố thu dọn đồ đạc, gởi giấy tờ xuống cho bố, rồi gởi trả chìa khóa nhà cho bà manager, bố dặn dò. Chỉ cần lấy cái valise lớn để trong closet, phòng ngủ, bỏ vào tất cả hồ sơ giấy tờ ở trên bàn viết và trong cái tủ gần đó, hình ảnh, album, bộ đồ vest của bố, vài bộ quần áo còn tốt của bố mẹ, vậy thôi, bố nói.

. . .

Tú với em Ty, hai chị em việc làm giờ giấc khác nhau, thu xếp mãi mới có một ngày hai đứa cùng nghỉ để đi qua căn apartment của bố mẹ bên Maryland. Trước đó, Tú đã chạy ra Costco, mua hai chục cái thùng giấy, kèm với cuộn băng keo. Mình qua nhà bên đó, Tú bàn với Ty, dọn đồ đạc của bố mẹ bỏ vào mấy cái thùng, rồi gởi bưu điện xuống Florida, bố mẹ soạn lại, giữ cái gì, bỏ cái gì tùy bố mẹ, và Ty đồng ý với Tú như vậy.

Tưởng dễ, chỉ dọn đồ từ chỗ này chỗ kia trong nhà vào mấy cái thùng, đóng nắp, dán băng keo, đề địa chỉ, khỏe re, nhưng hóa ra không phải đơn giản như vậy.

Tú với Ty đi dọn nhà vào một ngày thứ bảy. Khu nhà cho người già chỉ có ba chỗ đậu xe ở trước nhà, Ty không đậu xe ở đó được mà phải lái đi cái public garage bên kia đường để đậu xe. Hai chị em khệ nệ khiêng mấy cái hộp to đùng chứa thùng giấy vào bên trong, đến lúc đứng trước cửa thang máy thì Tú mới sực nhớ là mình quên mất căn apartment của bố mẹ ở tầng mấy! Lâu quá rồi cái lần cuối cùng vợ chồng Tú qua thăm bố mẹ, có cả bố cả mẹ ở nhà, lâu quá rồi... Tú hỏi em Ty, Ty cũng sửng người ra. Quên mất tiêu rồi, Ty nói với Tú. Mấy năm rồi từ ngày mẹ xuống Florida, em chở bố về lại bên nhà này. Bố xuống xe rồi vào nhà. em lái xe về lại Virginia, em đâu có lên nhà bố mẹ nữa đâu.

Tú lấy cell phone, gọi cho bố ở Florida. Gọi như vậy đỡ mất thời gian hơn là hai chị em đi từ tầng ngày qua tầng kia, nhìn xem coi căn apartment vào có tên của bố mẹ trên đó, nhưng quê quá xá, con cái gì mà không nhớ nhà bố mẹ ở số mấy, quê quá xá... Mà nhớ làm sao được kia chứ, khi lần nào đến thăm bố mẹ, trên đường lái xe gọi điện thoại đến cho bố mẹ, lái đến nơi thì bố mẹ đã ngồi chờ ở dưới tầng một, con cái cứ theo bố mẹ mà vào thang máy, lên lầu, vào nhà...

Trước cửa căn apartment của bố mẹ có theo một cái nơ nylon màu đỏ to thật là to. Không biết bố mua cái nơ ở đâu mà xấu quá vậy nè, Ty cười nói với Tú. Tú nhìn cái nơ đỏ, chắc bố treo cho Holiday Season, cho Chirstmas... Bố xuống Florida rồi ngã bệnh, mấy tháng trời bố không quay lại căn apartment trên này, Holiday Season đã qua lâu lắm rồi...

Tú thấy mắt mình ươn ướt. Lần cuối cùng cả nhà đoàn viên, sum họp bên cây thông giả mừng Christmas ở đất Mỹ này, lần đó là năm não năm nào xa lơ xa lắc rồi. Trời ơi, Tú muốn quay ngược kim đồng hồ lại để trở vể cái thời xa xưa nghèo khó ban đầu trên đất Mỹ có bố mẹ, Tú, em Ty và gái Út đón Christmas ăn bánh mì với bò kho mẹ nấu ngon quá xá cỡ.

Hai đứa đẩy cửa vào, gặp ngay một lô giấy tờ năm trên sàn nhà. Chắc office dưới nhà đẩy mấy cái thông báo này qua khe cửa, Tú nhủ thầm trong lúc nhìn đọc lướt qua mấy tờ giấy xem có gì quan trọng không. Thông báo về lịch sinh hoạt của khu người già trong tháng, hôm nào thì đi nghe hòa nhạc, hôm nào có tổ chức đi xem phim, hôm nào có lớp dạy yoga, thông báo về họp mặt của những người ở đây, social gathering, hôm nào là ice cream social, hôm nào là cheese and wine social ... Có một cái giấy in tên các cụ già trong khu nhà này mấy tháng trước và lời chúc mừng sinh nhật  các cụ, trong đó có tên bố...

Mình bắt đầu dọn phòng nào trước đây chị Tú, Ty hỏi. Chắc dọn từ nhà bếp dọn vào đi, Tú nói. Ty mở tủ lạnh, Tú nhìn vào. Còn nửa ổ bánh mì khô queo nằm ttrong tủ lạnh, một hộp trứng, mấy bình nước lọc, hai trái cam, một hộp chocolate. Ty mở nắp hộp chocolate, ăn thử một miếng. Cứng quá xá, ăn gãy răng mất thôi, Ty nói với Tú. Hai chị em lấy mấy cái bao rác ra, bỏ mấy thứ trong tủ lạnh vào đó.

Rồi Tú và Ty dọn đến mấy cái tủ và kệ trong nhà bếp. Soong nồi, chén đũa, nồi cơm điện, mọi thứ hai chị em chất hết vào mấy cái thùng giấy. Mấy thứ này còn dùng được, Tú noí với Ty, Ty đem về nhà Ty nha. Mấy lọ đường, muối, tiêu, chai nước mắm còn y nguyên chưa khui, mấy hộp cereal, mấy gói mì gói, mấy hộp cá mòi, thịt hộp lần lượt chui vào nằm trong thùng giấy luôn.

Dọn xong nhà bếp, hai đứa bắt đấu dọn mấy tủ quần áo trong phòng ngủ. Tú và Ty xếp quần áo của bố mẹ vào mấy cái thùng giấy, thùng nào đầy thì lấy băng keo dán lại chặt chẽ, rồi đề tên và địa chỉ của gái Út ở bên ngoài. Cái áo này dày quá, ở Florida nóng đâu ai mặc, mình có gởi xuống không chị Tú, Ty hỏi. Gởi hết, Tú nói, rồi để bố mẹ soạn lại. Cái áo Ty cầm lên vừa rồi, cái áo đó ngày mới qua Mỹ mấy chị em đi làm thêm gom tiền dành dụm lại mua cho mẹ mùa tuyết đầu tiên, mẹ mặc bao mua đông ở trên này...

  Tú mở một cái ngăn kéo. Một cáo lon guigoz méo mó cũ mèm, có quai buộc bằng dây kẽm nằm trong đó. Cái lon guigoz của bố đã theo chân bố suốt mười mấy năm trời trong trại cải tạo, đến lúc cả nhà được đi Mỹ thì theo bố qua Mỹ. Tú đưa  cái lon chop Ty xem. Ngày bố ra trại, bố đem cái lon guigoz về nhà. Quần áo tù ra trại của bố mẹ nói bố đốt đi, nhưng cái lon guigoz của bố thì bố giữ, giữ mãi. Tú bỏ cái lon guigoz vào một cái thùng giấy, chung với mấy cái áo của bố, để gởi xuống Florida. Cái lon guigoz không còn sáng bóng, mà đã hoen rỉ, móp méo, những vệt nâu nâu. Đen đen, xam xám trên cái lon có phải là dấu tích còn lại của mồ hôi và máu của bố trong những ngày lao tù đày ải ở Yên Bái, ở Hà Sơn Bình, ở Long Khánh hay không, lòng Tú nao nao lúc cầm cái lon trong tay.

Tú mở ngăn kéo khác. Giấy tờ của bố mẹ. Những cái hồ sơ nằm trong ngăn kéo, cái nào cũng có nét chữ của bố trên đó. Hồ sơ của gia đình lúc đi Mỹ, giấy khám sức khỏe của từng người trong nhà trước khi đi Mỹ, kết quả chụp phổi ... Giấy ra tù của bố, mảnh giấy ố vàng, khô khốc, nét mực đã nhạt, có mộc đỏ và chữ ký của trai trưởng thừa lệnh một cán bộ cộng sản cao cấp của bộ nội vụ. Giấy phục hồi quyền công dân của bố, khai sinh của bố mẹ, hôn thú của bố mẹ, bản sao khai sinh của mấy đứa con, giấy vào quốc tịch Mỹ của bố mẹ... Bố còn giữ cả cái chương trình ngày bố mẹ tuyên thệ vào quốc tịch Mỹ, có tên những người ngày hôm đó được trở thành công dân Mỹ. Tú bùi ngùi xếp mấy hồ sơ của bố vào thùng giấy. Một đời người với bao thăng trầm, vui buồn sướng khổ, mấy tờ giấy ố vàng kia là chứng nhân, một phần nào thôi, nhưng vẫn không tài nào diễn tả được.

Tú mở một ngăn kéo nữa. Lại hồ sơ, hồ sơ. Hồ sơ về hưu của bố sau mười mấy năm đi làm ở Mỹ, hồ sơ Medicare. Trong một cái phong bì dày dày có chữ bố đề ở bên ngoài: " đám cưới các con". Tú mở ra, trong đó có chương trình đám cưới của Tú, của em Ty, của gái Út. Danh sách khách mời, nghi thức buổi lễ, cách chỉ dẫn lái xe từ nhà trai tới nhà gái, đến nhà hàng, mọi thứ bố đều giữa lại cẩn thận, chi tiết. Chữ viết của bố trên mấy tờ giấy về lễ trước dâu, về bàn thờ gia tiên, về những nghi thức trong đám cưới, Tú vừa đọc vừa nhớ lại những lễ cưới, lễ hỏi trong gia đình, kỷ niệm ào ào trở về. Tú lặng đi trong nghĩ suy, quên là nắng chiều đã tắt... Dọn xong chưa chị Tú, Ty hỏi.

Tiếng Ty kéo Tú về thự c tại. Tú nhìn quanh, mười mấy cái thùng giấy nằm gọn ghẽ. Hôm nay như vậy  chắc là đủ, Tú nói với Ty, mình chỉ cần đến một hôm nữa là dọn xong thôi. Chị Tú chắc không đó, Ty chỉ vào cái sofa ở pòng khách, mấy cái giường trong phòng ngủ, rồi cái bàn viết, rồi cái bàn ở nhà bếp, rồi mấy cái ghế, mấy cái kệ, mấy cái đèn, cái TV... Chắc chứ, Tú  nói, nhưng trong lòng thì đang nghĩ không biết làm sao chỉ cần đến một ngày nữa mà dọn căn apartment sạch trơn để trả chìa khóa. Nhà Tú, nhà em Ty, đâu có nhà nào cần furniture đâu kia chứ. Chắc phải gọi số 1-800 nào đó để kêu họ tới đem đồ đạc trong apartment đi bỏ, chứ sức Tú với em Ty đâu khiêng nổi. Xe của em Ty cũng không đủ chỗ để chở mấy món đồ cồng kềnh đó nữa.

Chuyện dọn mấy đồ đó để từ từ hãy tính, Tú nói với Ty như vậy. Bây giờ Ty lấy xe ra, mình đem mây cái thùng ra bưu điện để gởi. Hơn 5 giờ chiều rồi, làm gì còn bưu điện nào mở cửa đâu chị Tú, Ty nói. Còn, Tú khẳng định, còn cái bưu điện ở đường X mở cửa tới tối lận. Sure không đó chị Tú, Ty vừa khiêng mấy cái thùng rat hang máy vừa hỏi. Chắc mà, không thì đem hết mấy cái thùng về nhà chị, gần nhà chị bên faifax có cái bưu điện mở cửa tới 9, 10 giờ đêm lận, Tú nói.

Hai chị em khệ nệ khiện mười mấy cái thùng ra thang máy. Chắc xe em còn chỗ, Ty nói, rồi chạy vào khiện tiếp cái microwave và mấy cái hộp giấy đựng thức ăn. Có mấy ông cụ bà cụ ở mâý căn apartment gần đó đi qua, nhìn Tú và Ty. My dad is moving out, Ty nói như giải thích.

Chất hết đồ lên xe, hai chị em chạy ra phía bưu điện. Chạy HOV lane đi Ty, Tú nói. HOV lane cũng không nhanh hơn được chút nào vì đã hơn 6 giờ tối, xe cộ như mắc cửi. Trời đổ mưa lâm râm. Đường xe nối đuôi nhau kẹt cứng. Cell phone của Ty reo, bé Bi bên đầu dây bên kia nhớ bố, mẹ bé Bi gọi cho bố bé Bi nói là bé Bi khăng khăng không chịu ăn cơm , đói bố vế ăn chung. Ty thở ra, có con mệt quá xá cỡ chị Tú ơi, thằng bé Bi nó đòi em về mới chịu ăn cơm vậy là cho nó đói meo luôn rồi. Ty nhìn Tứ, em cũng cố làm good daddy đó chớ, nhưng mà nhiều lúc em cũng không biết phải làm gì nữa, Ty nói.

Cuối cùng rồi hai chị em cũng lái được đến bưu điện. Thùng này nối tiếp thùng kia, Tú với Ty khiêng từ xe xuống rồi đẩy vào bên trong bưu điện. Xin cho gởi book rate, Tú nói với cô nhân viên bưu điện. Chừng một tuần thì đồ tới nơi, cô nhân viên bưu điện nói.

Khi xe Ty chạy về đến nhà Tú thì đã gần 9 giờ tối. Hồ sơ giấy tờ của bố, album hình của bố mẹ, những thứ mà Tú xem là quan trọng, Tú không gởi ở bưu điện hồi nãy. Mai chị đem ra bưu điện gần nhà, gởi priority, hai ba ngày là tới, Tú nói với Ty. Thật sự, Tú muốn giữ cuốn album chụp hình bố hồi còn trẻ lại vài hôm.

Lâu lắm rồi Tú mới có dịp ngồi xem lại ảnh chụp của bố hồi còn trẻ. Cái thanh kiếm nho nhỏ để trong vỏ bao màu đen có cái tua vàng bên ngoài để trong tủ của bố hồi học ở trường Salon bên Pháp những năm 50, giờ coi hình mới thấy lại là bố đeo nó ở bên người, phía bên trái. Thanh kiếm không chỉ được đeo khi bố chụp hình trong một studio ở Nice, mà còn theo bố và các bạn đồng khóa đi trong nhiều thành phố, Nice, Marseille, Touluose... Tú nhìn lại chụp bố với chiếc xe jeep trong căn cứ, hình chụp bố trong phòng truyền tin điện tử, hình chụp trước những chiếc máy bay trong phi trường, maý bay trực thăng, máy bay cánh quạt, đủ loại.

Những tấm hình gợi lại cho Tú đôi giày lính của bố mỗi ngày bố đánh cirage đen bóng, cái cảm giác khi sờ vào lớp vải kaki áo lính cưng cứng có cái huy hiệu con rồng và cờ vàng ba sọc đỏ gần túi áo bên trái của bố, cái nón kết quân sự có hoa văn chạy dài trên vành nón bố đội, sợi dây nịt màu đen có cái khóa màu bạc bố dùng...

Anh biết là em thích đàn ông mặc quân phục, ông xã Tú từng nhận xét khi thấy Tú thích Tú thích coi phim có diễn viên mặc đồ lính, Navy, Air Force, Army, coi mấy phim như TopGun, A Few Good Men,... và Tú lâu lâu nói với chồng là anh sẽ rất handsome nếu anh diện bộ quân phục này, bộ quân phục kia vào. Tiếc một cái anh chỉ là phó thường dân thôi, chồng Tú nói. Ấn tượng của Tú về những người đàn ông mặc quân phục, có lẽ bắt đầu từ những tấm hình của bố và đồng nghiệp trong áo lính. Người đàn ông mặc quân phục của quân lực Việt Nam Cộng Hòa trong con mắt Tú từ ngày Tú còn nhỏ là người cương nghị,  can đảm, dũng cảm, mạnh mẽ, trí óc trẻ thơ của Tú nghĩ như vậy.

Bao năm trời Tú vẫn nhìn tấm hình của bố treo trên tường ở nhà chụp hồi 1974, tấm hình chụp bố mặc quân phục với bao huân chương, huy chương, ở trước ngực, với cầu vai lấp lánh hoa mai, sau 30 tháng 4 mẹ lấy kéo cắt xén hết mọi huy chương và cầu vai, chỉ còn lại khuôn mặt bố và một phần cái áo, Huân chương, cầu vai hoa mai mất đi, còn lại khuôn mặt bố với mái tóc đen, vầng trán rộng và đôi mắt sáng nhìn chị em Tú mỗi ngày, năm này qua năm khác.

Tấm hình đó, treo trong căn apartment ở Maryland, vừa mới được Tú với Ty bỏ vào thùng, gởi xuống Florida.

. . .

Bẵng đi gần hai tuần, Tú gọi điện thoại cho Ty, hỏi xem hôm nào thu xếp được để hai chị em cùng đi dọn nhà lần nữa. Phải đi ngày thường để gặp bà manager ở đó để trả chìa khóa nhà, Tú nói với Ty. Rồi đồ đạc trong nhà mình chưa dọn ra hết thì làm sao, Ty hỏi. Để đó chị tính, Tú nói. Mấy hôm trước Tú lái xe đi làm về thì tình cờ gặp một chiếc xe truck bên hông có hàng chữ và số 1-800-FOR-JUNK. Tú nói với Ty, có gì thì chị gọi số đó, kêu họ tới dọn đồ đi là xong.

Hai chị em bàn tính, quyết định đi dọn nhà ngày thứ năm sau đó. Tối thứ ba Tú xem TV, nghe nói thứ năm sẽ có tuyết. Tú gọi cho Ty, tối thứ tư chị em mình xem TV xem dự báo thời tiết thế nào rồi tính, đàng nào chị em mình thứ năm hai đứa đều không đi làm, khó mà thu xếp hai đứa cùng nghỉ ngày thường, rủi không có tuyết mà không đi dọn nhà thì tức lắm, và Ty đồng ý. Tối thứ tư trời lạnh khủng khiếp, nhưng không có bông tuyết nào rơi hét. Tú đi làm về, thấy mấy xe cào tuyết của county chạy trên đường, lúc quẹo xe từ highway vào exit gần nhà Tú thấy có mấy chiếc xe cào tuyết đậu sẵn ở đó rồi. Tuyết rơi chừng nào kìa, Tú bắt đầu hơi lo lo. Ty gọi cho Tú, sáng mai mình coi TV xem thời tiết thế nào rồi tính nha chị Tú.

Thú năm ngày nghỉ, Tú không bật alam đồng hồ báo thức. Trời lạnh, Tú ngủ ngon lành. Tiếng điện thoại buổi sáng sớm đánh thức Tú dậy. Tiếng Ty ở đầu dây bên kia. Em check internet rồi, bật TV xoi và đọc báo rồi, chiều nay 2-3 giờ chiều mới bắt đầu đổ tuyết, mình đánh liều đi dọn nhà sáng nay nha chị Tú, chừng 1 tiếng nữa em lái xe tới đón chị.

Hai chị em len xe, lái qua Maryland. Đi sáng sơm kẹt xe không lâu, chừng 45 phút sau là hai chị em đến cái garage ở gần nhà bố mẹ. Móc hết tiền quarters ra, bỏ vào máy, được gần 3 giờ. Băng qua đường, gió thổi lạnh cóng, lạnh quá, lạnh quá...

Kỳ dọn đồ lần trước, hai chị em mới phát hiện là chiếc xe của Ty chở được khá nhiều đồ. Trong lúc Ty lên xem món đồ nào Tysẽ chở về kỳ này, Tú đi gặp bà manager của khu nhà. Tú đứ cái thư của bố, giấy chứng nhận của bác sĩ. Trả nhà, phải báo trước 30 ngày,bố đã nói với Tú và Ty là bố trả tiền nhà đến hết tháng, hôm đó là đầu tháng, coi như Tú vá Ty đi dọn nhà và trả tiền đúng hạn, bà manager nói trong lúc chuẩn bị giấy tờ trả nhà để Tú ký.

Tú bật cell phone, gọi điện thoại nhà gái Út ở Florida. Bố bắt phone. Tú nói với bố là hôm nay Tú trả nhà, bố nói mấy câu với bà manager của khu nhà đi. Xong cuộc nói chuyện, bà manager nói với Tú là bố mẹ Tú, ông cụ bà cụ ở đây là good tenants, dọn đi như vầy bà rất lấy làm tiếc.

Ký xong giấy tờ giao nhà, Tú nói với bà manager là trên căn apartment còn một số vật dụng, Tú và Ty không có nhu cầu dùng, bà cò thể giúp Tú giải quyết tìm dịch vụ kêu người để bỏ được không. Để lên trên đó xem có những gì, rồi tôi sẽ tìm cách giúp, bà nói.

Tú và bà manager gặp Ty ở thang máy.Ty vừa đem xuống một mớ đồ, cái kệ để TV, cái TV nhỏ, cái máy hút bụi, mấy cái ghế xếp, mấy hộp giấy đựng đồ làm bếp. Ty nghe Tú nói là bà manager hứa giúp giải quyết những đồ còn lại thì mừng lắm. Bỏ thì thương, vương thì không có chỗ để, Ty nói với Tú, đồ trên đó mình cũng có nhiều kỷ niệm với chúng, nhưng biết làm sao hơn được.

Nhiều kỷ niệm với đồ đạc trong căn apartment của bố mẹ đúng vậy. Tú bước vào cùng với bà manager, đi khắp các phòng. Xem nào, bộ giường ngủ và mấy tấm nệm còn mới quá, cái sofa cũng vậy, cô có muốn đăng bảng bán không, bà hỏi. À, còn bộ bàn ăn nữa, cái bàn viết, mấy cái tủ quần áo, và mấy cây đèn nữa, bà vừa đi vừa nhận xét.

Tú nhìn hai cây đèn. Cây đèn lớn ở phòng khách, cây đèn nhỏ trong phòng ngủ. Hai cây đèn đó, hồi mới qua Mỹ cả nhà chất hết lên cái xe Camry cũ, cái xe hơi đầu tiên của gia đình, kéo nhau đi, garage sale mua được. Hai cây đèn đó đã chứng kiến những đêm chị em Tú ngồi học bài, làm bài đến khuya lơ khuya lắc, chứng kiến cảnh chị em Tú ngồi nghe lại bài giảng của thầy cô thu bằng cái máy thu nhỏ xíu vì sợ không nghe kịp hết lời giảng ở lớp. Hai cây đèn đó đã theo nhà Tú dọn từ chỗ này qua chỗ khác suốt bao năm, cuối cùng thì được bố mẹ đem về căn apartment này. Kỷ niệm đong đầy với hai cây đèn, nhưng giữ chúng lại ư"

Rồi cái sofa nữa. Ngày đó mới qua Mỹ ở nhà được người quen cho cái sofa và loveseat cũ lúc dọn từ nhà người bảo trợ ra căn apartment đầu tiên, căn nhà đầu tiên của gia đình ở Mỹ. Sau gần hai năm trời vừa đi học vừa đi làm mấy chị em trả dứt tiền máy bay mới nghĩ đến chuyện mua bộ ghế mới. Tú, Ty và gái Út đọc báo xem chỗ bán furniture nào có sale, sale thật nhiều, rồi Ty lái xe chở Tú và gái Út đi mua. Chiếc xe Camry cũ, lái xe dựa trên bản đồ về đường đi ra mấy tờ giấy, cuối cùng chị em Tú đến được cái nhà kho thật lớn bán furniture giá rẻ, đi mỏi cả chân trong đó thì tìm được bộ ghế này. Đó là lần đầu tiên ở nhà mua furniture mới, có xe của company chở đến, có người khiêng lên đến tận nơi, đặt vào nơi mình muốn ở trong nhà.

Cái TV to thật to ở góc phòng kia, đó là kỷ niệm của chị em Tú. Ba chị em đi mua TV ở Costco, mua cái TV lớn thật lớn để em coi đá banh, Ty hào hứng bàn tính, cho bù lại những ngày còn ở Việt Nam chạy qua hà hàng xóm coi ké TV màu các trận đá banh Mundial ngày nào. Mua xong cái TV, đem ra cửa, mâý chị em mới phát hiện là không bỏ cái TV lọt được vào trong xe. Tháo hết hộp giấy bên ngoài cũng không lọt. Cuối cùng Ty phải đi mướn xe. Cái TV nặng khủng khiếp, mướn xe truck mấy chị em cũng không biết làm sao mà nâng nó lên xe cho được, nhưng thích cái màn hình lớn của Ty, không đứa nào muốn đổi cái nhỏ hơn. Cuối cùng Tú xúi Ty mướn cái xe Uhaul nhỏ, có cái thang kéo ra để đẩy cái TV vào trong xe. Xe Uhaul bít bùng, lái chỉ có thể dựa vào kiếng phía trước và hai kiếng hai bên, không thấy gì phía sau hết. Vậy mà Ty dũng cảm lái được với tốc độ rùa bò để vào đậu trước cửa của Costco. Đẩy cái TV vào trong xe đối với mấy chị em là một kỳ công, lái chiếc xe về tới khu nhà ở, đem TV xuống, khiêng vào nhà và khiêng để lên cái kệ gỗ ở nhà là bao kỳ công khác. Đứa nào cũng gần cụp cả sống lưng, nhưng sau đó xem TV và coi phim với cái màn hình TV bự thật bự thì quả là đáng đồng tiền bát gạo.

Bây giờ khoa học kỹ thuật hiện đại, TV màn hình lớn như vậy nhẹ hơn nhiều, mỏng hơn nhiều, nhiều cái cứ như là bức tranh lớn treo tường vậy, chứ không phải to đùng thô kệch như cái TV cũ ở góc phòng. TV ơi, phải chia tay với mi thôi, Tú nói nho nhỏ trong đầu.

Tú nói với bà manager là chị em Tú không cần đến những vật dụng còn lại ở trong nhà. Cô có muốn donate chúng không, bà manager nói, ở trong khu nhà này coi vậy chứ có nhiều người già không khá giả, họ có thể dùng được những vật dụng này. Tú nhìn Ty gật đầu, và Tú cũng gật đầu. Hay quá, bà manager nói, cái couch của phòng khách ở tầng trệt cũ rồi, chúng tôi có thể dùng cái sofa này, màu sắc và kích thước của nó hợp với phòng khách lắm, bà nói. Bà manager đưa Tú và Ty vào phòng, có cái couch và sofa không đồng bộ để trong đó. Đang có một buổi sinh hoạt, mười mấy bà cụ ngồi rải rác trên mấy cái sofa chăm chú nghe một cô gái trẻ thuyết trình về một đề tài gì đó. Bà manager nói với các thành viên trong phòng là bố mẹ Tú và Ty dọn ra khỏi khu nhà này, biếu lại một số vật dụng trong nhà. Bà chỉ vào cái couch cũ kỹ màu nâu sậm ở góc phòng, nói với Tú và Ty là sẽ thay thế nó bằng cái sofa trên lầu.

Hai chị em trao chìa khóa cho bà manager. Dọn nhà xong xuôi rồi. Trên đường ra garage, Ty nói với Tú là cái apartment này gần métro, bé Bi thích đi métro qua thăm ông nội lắm, cứ mơ đến mùa xuân này thì đi métro để đi qua thăm ông nội, rồi đi métro với ông nội vào xem sở thú ở trong DC, vậy mà bây giờ...

Hai chị em lái xe về lại Virginia. Trên đường bắt đầu có những bông tuyết bay lất phất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến