Hôm nay,  

Ngủ Mơ Đi Mỹ Lãnh Giải Thưởng

21/08/200700:00:00(Xem: 201103)

Bài số 2069-1932-636vb3210807

Tác giả Chung Mốc đang sống tại Saigon, thường gửi “Thư Quê Nhà” dự Viết Về Nước Mỹ và đã được tặng một giải thưởng đặc biệt năm 2005.Mới đây, bài “Gả Con Cho Mỹ” của ông vào danh sách 10 bài được đọc nhiều nhất trên Việt Báo Online và Chung Mốc có tên trong danh sách các tác giả được trao tặng giải thưởng vào Chủ Nhật 26-8-2007. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

Cách đây vài năm, anh tôi đã làm hồ sơ bảo lãnh cho gia đình tôi đi Mỹ. Khi nghe anh nói: "Chừng trên dưới 10 năm nữa mày sẽ có mặt ở Mỹ" tôi đã nản chí, mà mới đây lại thấy có dự luật gì đó về di trú của Quốc hội Hoa Kỳ sẽ gây nhiều khó khăn cho người nhập cư hơn trước, ước mong được đi Mỹ của tôi càng trở nên xa vời vợi, ngồi buồn cứ tưởng tượng ra xứ Mỹ thế này thế nọ mà thôi!

Một hôm tôi thức dậy rất sớm, vừa nhâm nhi ly cà phê vừa mở email lên đọc, thấy một cái thư anh tôi thông báo năm nay Chung Mốc trúng giải Viết Về Nước Mỹ, thế có muốn đi Mỹ một chuyến chơi không (") Nên đi cho biết vì cũng đáng hãnh diện lắm đấy, "Một miếng giữa làng còn hơn một sàng xó bếp" mà.

Trước đây cũng có người nói nếu tôi muốn đi du lịch ở Mỹ thì họ có thể thu xếp cho, nhưng tôi còn do dự mãi, vì là con út đã ở với mẹ hơn 50 năm rồi, khó mà đi xa cho dù là chỉ một vài tuần. Vả lại mấy năm nay mẹ tôi yếu hẳn đi.

Bây giờ thì khác, chị Hai và anh Ba tôi đã nghỉ hưu ở bên Úc và Mỹ mới về chơi và hiện đang ở với mẹ, vậy tôi còn ngại ngùng gì nữa mà không đi chơi xứ Huê Kỳ cho biết với người ta.

Ở Việt Nam bây giờ họ đi du lịch hà rầm, nội địa cũng có, mà nước ngoài cũng nhiều, như các nước Âu Châu, Úc, Thái Lan, Singapor, Mã Lai, Hồng Kông .. v v... nhưng nếu ai đi Mỹ thì mới được coi là "xịn" chứ còn mấy nước kia, nhất là vùng Á Châu thì quá xoàng xĩnh, xưa rồi Diễm.

Từ ngày có Internet và qua lới kể của thân nhân bạn bè ở Mỹ về thăm nhà, tôi biết nước Mỹ có nhiều cái nhất thế giới lắm, nhưng tôi muốn được một lần: "Tận mục sở thị". Thứ nữa tôi là một người đàn ông mà tình cảm lê thê lắm, luôn luôn nhớ về quá khứ với hình bóng những cố nhân mà có người đã ba mươi năm không gặp lại.

Có bài hát rằng: "Mười năm không gặp tưởng tình đã phai.." nhưng với tôi thì thời gian càng lâu càng nhớ thương da diết, dịp này mà còn gặp lại nhau thì tôi mừng hết biết.
Tôi thông báo ngay với vợ sau khi anh em bạn bè đốc thúc, nàng chẳng khen ngợi về tài văn chương của tôi lấy một lời, mà lấy giấy bút ra liệt kê một danh sách hơn hai chục người, đó là những người khi về VN đã buột miệng hứa cho tôi vé máy bay nếu tôi đi Mỹ (có lẽ họ nghĩ Mẹ tôi đã già yếu thì tôi chẳng thể nào đi chơi xa). Sau khi rà soát mấy lần coi còn thiếu ai không, nàng tặc lưỡi:

-Lấy rẻ mỗi vé một ngàn đô thôi cho nó chẵn!
Tôi choáng váng vì sung sướng. Trời ơi số tiền đó lớn lắm, bằng mình canh tác ba mẫu ruộng trong 20 năm chứ ít oi gì. Nàng còn hứa hẹn sắm cho tôi một cái túi dết loại đeo vai mô-đen của tài tử Hàn Quốc nữa, sang kể gì.
-Em sẽ không mua loại có nắp đậy, cũng chẳng cần phẹc-ma-tuya, coi nó vừa kín đáo vừa lịch sự.

Tôi ngồi đực mặt ra cả tiếng đồng hồ mà cũng không ngộ ra được cái lý thuyết "không có nắp đậy mà vẫn kín đáo và lịch sự" được, cách tính toán vươn lên cho có thứ hạng là người giàu trên thế giới của vợ tôi xem ra còn nhanh nhạy hơn cả Bill Gate.
Tôi đứng dậy bước ra vườn cho đỡ ngộp thở trước tiền đồ huy hoàng mà vợ vừa vạch ra.

Gì thì gì trước tiên là phải lo làm ba cái giấy tờ thì mới đi được chứ.
Hồi cách đây năm bảy năm thì làm Hộ Chiếu kể như là vô giá, bởi vì còn tuỳ thuộc vào sự muốn lấy nhanh hay lấy chậm, có khi tốn cả bạc ngàn. Sau khi cải cách hành chánh đã thấy khá hơn, vì được làm cán bộ hành chánh Phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh đâu phải dễ, lơ tơ mơ là đã có người phục kích đá phăng đi ngay để ngồi vào cái ghế đó.

Biết vậy nên tôi tà tà đi mua mẫu đơn, chụp lấy sáu tấm hình thật đẹp trai, đưa ra phường xác nhận rồi đem nạp ở phòng Quản Lý Xuất Nhập Cảnh, lấy giấy hẹn và chỉ mấy tuần sau tới đóng hai trăm ngàn là có cái hộ chiếu mới toanh với mộc chìm mộc nổi, với quốc huy hẳn hòi.

Cái quan trọng nhất là quyết định cấp Visa của Toà Đại Sứ Mỹ. Tôi đã từng nhìn thấy khuôn mặt hồi hộp của rất nhiều người khi nghe ba chữ "Đi phỏng vấn", nhất là những dạng người đi diện hôn nhân, hoặc được bảo lãnh qua những dạng khác nhưng đã kỳ vọng quá cao về cuộc sống mà họ đang  bước tới. Đối với họ, việc được chấp thuận hay bác đơn là vấn đề sinh tử.

Với tôi lại thấy lòng nhẹ tênh khi bước vào cổng Toà Đại Sứ, như một thằng gặp chăng hay chớ, đi cũng được, mà không cho đi cũng chẳng sao.

Dòm ngó tới lui một hồi rồi tôi cũng lần mò được đến phòng tạm gọi là Phòng Xin Phỏng Vấn. Lúc này khoảng 3g chiều, vừa bước vào bên trong là mắt tôi để ý ngay đến cái restroom kiến trúc kiểu Mỹ, tính nhào vô dùng một lần cho biết với người ta, nhưng thấy có vài người đang đứng chờ ở cửa nên dạt ra. Họ thấy bộ dạng tôi lớ ngớ, đoán  biết là  tôi tới đây lần đầu nên chỉ về phía cái bàn tròn kê ở giữa phòng trên có một cái chuông nhỏ xíu. Tôi cầm lên lắc nhẹ thì thấy có người ra nhận cái thư mời rồi đi khuất vào bên trong. Tôi ngồi đợi một lát thì thấy hai người trước tôi đã bước ra với gương mặt giãn ra tươi tỉnh, tôi toét miệng cười tỏ vẻ chia vui với họ. Cùng cảnh ngộ nên dễ thân quen hơn.

 Tôi được hướng dẫn vào phòng trong. Một bà Mỹ khoảng trên bốn mươi tuổi, ốm nhách như người mẫu, da trắng có đầy tàn nhang đang ngồi nghiêm nghị như một cô giáo. Bà Mỹ này nói giọng Bắc rặt như dân ăn rau muống, một thứ tiếng Bắc rất chuẩn, bà hỏi:
-Lý do nào đã đưa ông đến đây"

Tôi liền kể lể khúc nhôi, rồi trưng ra những Bằng Tưởng Lệ của các giới chức bên California mà tôi đã được nhận từ buổi lễ phát giải năm ngoái. Bà hỏi thêm tôi về nghề nghiệp, gia cảnh ... coi bộ không ăn nhập gì lắm với cái chuyện xin đi của tôi, cuối cùng bà bảo:
-Chúng tôi sẽ trả lời ông bằng một mật thư.
Tôi ngạc nhiên:
-Thưa bà, việc này có gì quan trọng mà phải dùng mật thư"
Ánh mắt lấp lánh sau gọng kính vẫn nghiêm nghị:
-Mật thư có nghĩa là phong bì đã được dán kín.

Tôi ngượng đến chín cả người, mình mới bi bô khoe khoang về vụ đoạt giải thưởng viết văn, mà lại phải để cho một người nước ngoài giải nghĩa tiếng mẹ đẻ!
Cũng may da mặt tôi bị mốc, nên cho dù ngượng chín cả mặt, nhưng người ngoài ít ai biết được!
Năm ngày sau tôi nhận được "mật thư", báo rằng đã được chấp thuận vào Mỹ và mời đến nhận Visa.

Vợ tôi chuẩn bị hành trang cho chồng trẩy hội phương xa. Nàng cứ băn khoăn nên mua thức gì, quà cáp cho những ai (") Tôi lại chợt nhớ đến cân đậu phọng, ký bột sắn mà mấy đứa em họ ngoài Bắc đã trịnh trọng mang vào biếu tôi hồi sau 75, tôi đã cảm động đến ngậm ngùi vì những tình cảm và công mang xách của họ. Tuy ngày ấy chẳng giàu có gì, nhưng thật lòng tôi chẳng quí hoá gì những thứ ấy vì nó quá tầm thường so với ở đây.

Tôi đã nghe rằng tất cả những đồ dùng hay thực phẩm tinh tuý nhất đều có bán ở Mỹ, vậy tội gì phải chở củi về rừng" Nhưng thôi mặc kệ, bả sắm gì cũng được, đến lúc lên xe, tôi sẽ để lại hết cho con ăn, vợ xài cho bõ những lúc dè sẻn trước đây.
Cái lo ngại nhất là tôi phải ăn mặc ra sao cho ít người biết được là tôi ở VN mới qua, bây giờ nghĩ lại tôi ngượng thầm vì mình đã cười ngạo mấy anh em Bắc Kỳ ngày nào.
Rồi ngày lên đường cũng đã tới, con cháu gái làm ở đại lý vé máy bay bảo:
-Bác lấy vé của hãng Eva đi cho nó oai.
-Ừ, thì lấy cho bác một nàng Evà.

Lần đầu tiên được đi máy bay tôi cũng chẳng thấy gì lạ lẫm, vì đã từng đi thang máy mấy lần ở cao ốc Plaza SG, vậy mà người ta tưởng tôi nhà quê, hù doạ nghe phát sợ.
Tôi may mắn được ngồi bên cửa sổ, nhìn qua ô kính như cửa tò vò, thấy vòm ánh sáng thành phố mờ dần.

Nhớ lại cảnh vượt biên năm 80, tôi cũng rời cửa biển Rạch Giá vào ban đêm, cũng dõi mắt cho đến khi không còn thấy ánh đèn và nước mắt giàn giụa thương nhớ vô cùng, còn bây giờ không biết vợ tôi có khóc hết nước mắt hay chưa, hay "nó" (vì trên đường đi Mỹ nên tôi phải dùng nhân xưng đại danh từ cho thích hợp) lại mong tôi đi cho khuất mắt càng lâu càng tốt. Riêng tôi - một thằng chồng hiếu thảo - thì đã "nhớ ơi là nhớ... đến bất tận..."

Có tiếng nói ở loa phóng thanh, tôi quay vào thì thấy mấy cô chiêu đãi viên người Tàu cầm áo phao đang múa máy, chắc họ chỉ dẫn cứu sinh thoát hiểm. Đi máy bay nếu chết thì chết cả nút, chứ lưng chừng trời có nhìn thấy cóc gì đâu mà né, mà đỡ, vậy thì cần tìm hiểu làm chi cho mệt(") Tôi chỉ chú ý tới đường xẻ hơi dài ở những chiếc xường xám cứ hé ra những nõn nà qua mỗi bước đi!

Tôi chưa dám làm quen với người ngồi kế bên, thằng Tây này có vẻ chẳng muốn quấy rầy. Tôi cũng ráng chịu đựng khi thấy cảnh ồn ào của một nhóm hơn mười người, vừa bình dân vừa tục tĩu, mà lúc nãy có người thì thào bên tai tôi với vẻ khinh khỉnh: "Cô dâu Đài Loan" đấy!

Quá cảnh ở Tapei hơn hai tiếng đồng hồ, tôi lên máy bay đi một lèo tới Mỹ. Chà, nhà ga LA lớn thiệt, hèn gì ông cha xứ của tôi năm ngoái đi lạc mất gần một ngày ở phi trường này.

Anh em con cháu tôi đã đợi sẵn ở cổng ra, đã từng gặp hoài rồi nên cũng không có cảnh ôm chầm hay tay bắt mặt mừng gì cả. Vừa chui vào xe, tôi đề nghị:
-Mình đi kiếm cái gì bỏ bụng, chứ đồ ăn trên máy bay lạ quá, nuốt không vô.
Xe chui xuống dưới phi đạo rồi vòng lên xa lộ, anh tôi hỏi:
-Mày thấy xe bên này chạy nhanh không"
Vừa xuống máy bay, tai vẫn còn lùng bùng nên tôi bỗng nổi cáu:
-Nước Mỹ lập quốc được bao lâu"
-Hơn hai trăm năm.
-Còn VN đã hơn hai ngàn năm văn hiến rồi, không lẽ một ông già mà lại chạy nhanh ơn thanh niên"
-Nước Tàu lập quốc cả chục ngàn năm rồi, nhưng họ vẫn chạy nhanh hơn VN. Tóm lại, chạy đua với ông già và thanh niên, thì VN ta cũng chạy sau đuôi họ xa lắc.
Thấy anh em có mòi đụng chạm quan điểm nên đứa cháu gái giả lả:
-Thôi không ghé quán ăn làm gì cho mất công, ghé nhà cháu ăn tạm cơm tấm nghe.

Tưởng gì, chớ cơm tấm thì nhà tôi đã ở kế bên một tiệm cả chục năm nay, bây giờ chỉ ngửi mùi hành phi là đã ngán lên tận cổ rồi.

Hoá ra tôi đã nhầm, đứa cháu chỉ khiêm tốn vậy thôi, chứ khi về đến nhà đã thấy một bữa tiệc sắp sẵn trên bàn rất thịnh soạn, đặc biệt có món tôm hùm xào hành, con tôm lớn quá tôi chưa từng thấy và chưa từng được ăn. Nhớ lần ra Nha Trang chơi, tôi đi với một anh bạn Việt Kiều, đã khấp khởi mừng thầm khi anh hỏi giá tôm hùm trong một nhà hàng, tưởng rằng mình sẽ được đãi một chầu đặc sản, ai dè họ nói loại một ký hai con giá tám trăm ngàn, thì thằng bạn trùm sò của tôi lại mua loại tôm sú to bằng ngón tay út!

Vào bàn, vừa ăn cả nhà vừa phác hoạ chương trình cho tôi đi một vòng nước Mỹ. Bản tính tôi không thích những nơi ồn ào chợ búa lễ hội, chỉ muốn đến thăm những người thân và ngắm cảnh, nhưng thấy phe chủ nhà hăng hái quá, thì chỉ biết ậm ừ cho qua, chứ có biết gì đâu mà góp ý.

Chỉ nguyên vùng chung quanh Little SG, mà tôi tới thăm những nhà người quen thì đã mất khoảng một tuần, đến đâu tôi cũng được tiếp đón niềm nở, nhưng trong lòng tôi vẫn cảm thấy ẩn chứa đâu đó những ánh mắt nhìn tôi tội nghiệp.

Thật ra tôi vẫn đâu có sao, mà còn đang để ý đến những sinh hoạt của mọi người.
Gặp những người lớn tuổi thì họ thường than về nỗi cô đơn, bệnh hoạn của tuổi già ... nhưng cũng có những người phấn khởi yêu đời, như bà hàng xóm của tôi, năm nay bà cũng gần bảy mươi, mới qua Mỹ khoảng ba năm thôi, gặp tôi bà cười rất tươi:
-Chị bây giờ háp-bi lắm, ở đây mọi cái đã có chính phủ lo, muốn gì cũng có, đồ ăn dư thừa nhưng chị đang đai-ét, sáng nào chị cũng ách-sơ-xai hai tiếng nên rất khoẻ mạnh, chứ đâu có như mấy ông bà kia, ăn cho cố vào rồi tối ngày ngồi ru rú một chỗ như con gà công nghiệp nuôi trong chuồng, có mà về nước chúa sớm

Những người tầm tuổi tôi hoặc nhỏ hơn một chút, dù qua đây đã lâu nhưng không có phương tiện và ý chí đi học lại, thì cũng làm nghề chân tay là nhiều như cắt cỏ, tiệm nail....nhưng họ lại có khả năng giúp đỡ thân nhân bên nhà nhiều hơn là những người mang tiếng trí thức, hoặc làm bác sĩ kỹ sư.

Dù làm nghề gì, cách ăn mặc, xe cộ, nhà cửa họ không khác nhau là mấy, chắc phải kiểm soát nhà băng mới biết ai giàu hơn ai, còn ở VN thì biết liền: Ai giàu thì đi xe Lexus vì là đại gia; ai nghèo đi buôn ống lon thì chục cái lon bia không cũng cho là quí, vì có thể mua đồ ăn cho cả nhà trong một ngày!

Có những người không bon chon đua đòi nhà cao của rộng, góp nhóp gửi tiền về VN để mong cho cha mẹ, anh em ngửng cao đầu với thiên hạ.

Qua đây tôi mới biết một phần nổi của xã hội Mỹ vì chỉ là khách vãng lai, nhưng thú thực lòng mình là thấy ái ngại về mặt tình cảm gia đình, mọi liên hệ giữa vợ chồng, con cái đã khác đi nhiều lắm. Giả dụ có được ở lại tôi cũng rất lâu mới hoà nhập được, hay nói khác đi là chưa chịu đựng được như vậy. Cứ nghĩ nếu hồi đó tôi đi lọt và phải sống với vợ ngần ấy năm theo lối sống ở đây thì đã toát mồ hôi hột!
Một lần vào Disneyland tôi nói với người bạn:
-Cảnh vật nước Mỹ đẹp quá, như bồng lai tiên cảnh, nhất là cây cối và hoa, thật muôn mầu muôn vẻ.
Anh bạn tôi trở nên xa xăm:
-Hoa cũng như người, ở quê mình cây bông súng dại cũng toả hương thơm ngát, còn ở đây hầu hết hoa chỉ khoe sắc, thỉnh thoảng có loài có hương nhưng nó lại mang nhiều phấn chỉ tổ làm cho người ta dị ứng, nước mắt chảy ràn rụa mà thôi!
Ngậm ngùi vì lời anh bạn, tôi nói:
-Sao tôi thấy đàn ông bên này nể vợ quá, nể riết rồi biến thành sợ vợ hết, gặp phải tay ông thì ...

... bỗng có người đập mạnh vào vai:
-Cái ông này lẩm bẩm gì suốt cả đêm thế, chẳng ngủ nghê gì được. Bực ghê!
Tôi giật mình ngơ ngác, thì ra tôi đang nằm ngủ ở nhà chứ có Mỹ Miếc gì đâu!
Thật là:
Giấc Nam Kha khéo bất bình
Bừng con mắt dậy thấy mình tay không.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,741,955
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến