Hôm nay,  

Đổi Đời

12/08/200700:00:00(Xem: 145270)

Bài số 2063-1926-630vb8120807

Tác giả là cư dân Orange, California, tự sơ lược tiểu sử: Kỹ sư Canh nông (Cao đẳng Canh nông Sài- gòn  1968-72);  Kỹ sư Điện tử (UCLA, Los Angles 1979-1983.) Hiện là "Sr. Application Developer" cho Los Angeles County.
Tuy đây là bài viết về nước Mỹ đầu tiên, nhưng từ lâu, Trần Văn Giang đã là cây bút thường xuyên của các báo Hồn Việt, Phụ nữ Gia đình [Orange county,]... và trong ban biên tập của một số điện báo trên mạng internet.

Trên đất Mỹ, ngoại trừ các sinh viên Việt Nam đã đi du học, còn lại đại đa số chúng ta đều là dân đi tị nạn chính trị. Không ít thì nhiều, trong những ngày đầu tiên mới hội nhập vào xã hội văn mình nầy, chúng ta cũng gặp phải những khó khăn trong cuộc sống gọi là "nhập gia tùy tục."  Mọi người đều trải qua hoặc ít nhất cũng chứng kiến những hoàn cảnh đổi đời rất éo le, ngoài sức tưởng tượng.

Trường hợp của tôi, ngay từ khi chân ướt chân ráo, "khố rách áo ôm," tập tễnh bước lên đất Phi Luật Tân vào đầu tháng 5 năm 1975 lúc đã 26 tuổi đời.  Tôi có thể được phân loại là thành phần "tứ cố vô thân, tứ bề nhão nhéc:" chỉ có thân một mình và một thằng em trai 16 tuổi đi theo, "trên răng dưới dép" không có đến một bộ quần aó thứ hai để thay đổi, và trong túi không có "25 Cents" để cạo gió khi ốm đau. Nhiều lúc tôi đã phải dở khóc dở cười; thứ nhất vì hoàn cảnh chia cách gia đình ở Việt Nam, thứ hai là điều kiện kinh tế của hiện tại và tương lai đen thui thủi trong khi khả năng về Anh ngữ của tôi rất khiêm nhường - nói chuyện với Mỹ phải ra dấu rất mỏi tay; thêm vào đó, sự ngỡ ngàng, lo âu và bàng hoàng về thân phận lưu vong trên đất khách quê người. Về vấn đề sinh hoạt, chung đụng xã hội [socialized] với dân tị nạn cùng hoàn cảnh với nhau cũng không làm tôi phấn khởi thêm chút nào cả. Thật ra còn làm tôi ưu tư hơn là đằng khác!

Bỗng nhiên, ở trong trại tị nạn, người ngồi bên cạnh tôi trong nhà ăn tập thể, hoặc lớp học Anh ngữ sinh tồn vào buổi tối, hoặc đứng trong hàng làm thủ tục giấy tờ đi định cư; người mà tôi phải tiếp xúc và nói chuyện hàng ngày không phải là người thân bằng quyến thuộc trong gia đình, không phải là bạn bè, không phải là đồng nghiệp mà có thể là một cựu Đại tá Chỉ huy trưởng Hải quân, đầy oai quyền, hoặc một anh ăn mày, chẳng có gì cả, thường cầm cái "lon" tới ăn xin tại cái bàn mà tôi vẫn ngồi ở tiệm hủ tíu Thanh Xuân Sài Gòn ngày trước [ở gần nước mía và khô bò đu đủ Viễn Đông Sài Gòn cũ.]

Ngạc nhiên lớn nhất của tôi ở Phi Luật Tân là tôi gặp lại tên du đãng khét tiếng nhất trong xóm tôi. Tên hắn là Thành [không phải tên thật,] hắn là em của một người bạn thời niên thiếu của tôi, lúc còn cởi truồng tắm mưa ở quê nhà. Trước năm 1975, hắn đi đủ các thứ lính rồi đào ngũ: từ lính Nhảy Dù, đến Biệt động quân, đến TQLC... và chuyên nghiệp sống bằng nghề buôn bán "xì ke,"  "quái xế [ăn trộm xe Honda,]" cướp cạn và ăn hàng không trả tiền.

Vào tết nguyên đán năm 1972, tên Thành vào một tiệm tạp hoá trong xóm mua một chai "cognac" (và dĩ nhiên hắn không trả tiền!)  Vì giá tiền chai rượu tây rất cao cho nên chủ tiệm và thằng con trai lớn [tên này cũng là một tay du đảng lọai cắc ké] giằng co, gây gỗ với hắn. Chuyện khó có tưởng tưuợng là hắn mở chốt và tung một trái lựu đạn vào trong tiệm.  Kết quả là chủ tiệm, vợ và 2 đứa con tổng công 4 người chết ngay trong tiệm.  Hắn bị bắt và đi tù ở khám Chí Hòa. Trời đất thiên địa ơi! Tôi gặp và nhận ra hắn khi hắn đang thất thểu lang thang như chó mất chủ ở trại tị nạn Phi Luật Tận: đầu cạo trọc, ghẻ lở đầy mình, mắt lừ đừ như cá ươn vì đang lên cơn ghiền mà không có thuốc! Thành có hai người bạn đồng hành xâm mình xâm mẩy xanh lè và dung nhan cũng giống "sát nhân" như hắn. Tôi gỉa vờ thân mật, dùng cái giọng đàn anh [vì tôi là bạn chơi với anh hắn ngày trước] hỏi rằng:

- Ủa, anh tưởng chú đang nằm bóc mấy chục cuốn lịch ở khám Chí Hòa"
Hắn lễ phép trả lời:
- Thưa anh, ngày 30 tháng tư, "người ta" mở cửa "thành La Mã" [tên mà dân anh chị gọi khám Chí Hòa] cho mạnh ai nấy đi. Em và hai thằng bạn chạy thẳng ra bến Bạch Đằng, nhảy lên tàu buôn và chạy qua đây (Phi Luật Tân.)

Hắn còn tiết lộ với tôi một cái bí mật thật động trời:
- Trên tàu chạy qua đây, em "chôm" được 3 lạng vàng.
Tôi vờ vĩnh như thể chuyện đó có gì là quan trọng đâu!  Nói nửa đùa nửa thật:
- Thôi chú bán bớt một hai lạng đi, lấy tiền mua cho "đàn anh" một bộ quần áo để khi ra khỏi trại anh có quần áo mà mặc cho nó đỡ tủi.
Sự trả lời của hắn tương tự như là một mẩu đối thoại mà tôi đã đọc trong chuyện "Bố Già" đã được dịch từ cuốn "Godfather" và đã phát hành ở Sài Gòn trước ngày 30 tháng 4 năm 1975:
- Không được anh ạ!  Vàng này em đem qua Mỹ mới bán để lấy tiền mua "đồ chơi (nói nôm na là mua súng đạn!)
Rồi thay vì bán vàng giúp đỡ "đàn anh" một bộ quần áo, Thành tự xin cống hiến cho tôi một cái "bảo vệ an ninh cá nhân" miễn phí:
- Ở trại này, nếu anh ghét đứa nào thì nói cho em biết. Tối em sẽ "lụi" nó.
Bố bảo tôi cũng không dám nhận sự giúp đỡ "thành thật và quí hoá" này!!!
Rồi thời gian và cuộc đời trôi qua thật nhanh chóng như cuốn băng nhựa "video" được quay tới cho nhanh. Tôi được chuyển từ Phi Luật Tận sang trại tị nạn ở "Guam," sau đó tới trại tị nạn "Camp Pendleton" ở California. Tôi nghe người quen nói là Thành cũng qua Mỹ và đi định cư ở Tiểu Bang Florida gì đó không rõ. Tôi không có lý do gì cần phải quan tâm và liên lạc với hắn.

Vào tháng 9 năm 1975, tôi và thằng em trai được "sì pông so (sponsored)" và đi định cư tại tiểu bang New Mexico. Vì sinh kế, quá khổ cực mà vẫn không đủ sống qua các công việc lao động tay chân như đào mương, rửa chén, dọn bàn, bán săng, tôi và thằng em trai tiếp tục lưu lạc qua thêm vài tiểu bang nữa, và cuối cùng định cư tại San Diego California vào giữa năm 1976.

Khoảng năm 1978 tình cờ (sau 1975, cuộc đời đầy rẫy các sự tình cờ!) tôi gặp lại Thành ở San Diego trong một bãi đậu xe.  Đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác. Bây giờ đây, tôi thấy Thành với dáng dấp trắng trẻo bảnh bao.  Đầu tóc chải tươm tất. Áo trắng bỏ trong quần đen ủi gọn ghẽ thẳng hàng.  Thành trông thong thả như cậu ấm con nhà giàu. Ăn nói thì nhỏ nhẹ nhã nhặn.  Sau khi chào hỏi qua loa, Thành nói với tôi là:

- Em đang học năm thứ 3 tại trường "California State University at Long Beach" với chuyên khoa Điện tử!
Thay vì nói chuyện về mua súng, cướp bóc..v.v.. Thành cho biết trong hơn một năm nữa hắn sẽ là "Electronic Engineer" chuyên về "Electronic Circuit
Designing."  Trong thời gian đó (1978) tôi mang tiếng là đã tốt nghiệp Kỹ Sư ở Việt Nam mà vẫn còn là một người rửa chén đĩa tòan thời gian ở nhà hàng ("fulltime Dishwasher"). 

Kể từ ngày đặt chân lên đất Mỹ từ tháng 9 năm 1975 đến hết năm 1978 tôi hoàn toàn chưa có đi học một ngày, một giờ nào trong trường học cả.  Cứ lúi húi rửa chén kiếm sống và để dành dụm chút tiền còm gởi về Việt Nam (qua ngả Pháp lúc bấy giờ) cho mẹ gìa và một bầy em thơ tạm sống vất vưởng cho qua ngày tháng!

Nghe Thành nói, tôi cảm thấy mí mắt tôi có cái gì ướt ướt; không biết đó là nước mắt của chính mình đã ứa ra từ hồi nào mà không biết;  hay chỉ là nước đái của mấy con chim hải âu đang bay là đà kiếm thức ăn ở phía trên mấy cây cột đèn ở bãi đậu xe.
Không bao lâu sau đó, trong một dịp đi ghé qua San Jose, tôi gặp lại vợ chồng một ông thầy cũ hồi tôi con đi học ở Saigon mà tôi rất quí mến. Hồi đó, tôi kính nể thầy hết chỗ nói vì ngoài cái kiến thức chuyên môn giảng dạy của thầy, thầy ăn nói hoạt bát tiếu lâm không chịu được. Tôi đã rất nhiều lần ước ao được trở thành một công dân giống như thầy khi tôi trưởng thành. Thầy trò tay bắt mặt mừng. Sau màn hỏi thăm rối rít về cuộc hành trình của mỗi người từ ngày rời Việt Nam cho đến lúc gặp nhau ở San Jose này, thầy hỏi tôi:
- Thể bây giờ em đang làm gì để sống"
Thú thật lâu lắm rồi tôi mới có dip được trình bầy cái "resume" vừa mới cập nhật của tôi:
- Thưa thầy em đang rửa chén "fulltime" cho 2 nhà hàng: một Tầu một Mỹ.
Thầy tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao em lại phải rửa chén tới 2 nhà hàng"
Tôi trả lời chua chát:
- Thưa thầy, vì em "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm chủ nhật" làm một chỗ với lương tối thiểu sống không nổi cho nên em phải làm 2 chỗ, "fulltime" 80 tiếng một tuần, làm cả thứ bẩy và chủ nhật. Thế còn thầy và cô hiện đang làm gì"
Vẫn cái máu tiếu lâm ngày nào, ông thầy trả lời:
- Hai vợ chồng thầy đều làm nghề điện tử cả. Thầy là Tách [technician] còn Cô là Ly [assembly.]  Sống cũng tạm được.
Thật nản, ông thầy giỏi đáng kính, nay phải làm nghề "Tách với Ly."  Đời đã thay đổi bao nhiêu rồi"

Có lần tôi đi làm và ghé lại ăn trưa tại một tiệm Phở ở phố Tầu (Chinatown), Los Angeles. Lúc đó đã quá trưa nên tiệm rất vắng khách. Tôi kiếm chuyện hỏi thăm chuyện một bác dọn bàn đầu đã ngả mầu muối tiêu và có dáng dấp rút rè cho qua giờ.
Sau khi qua vài hằng tâm sự, tôi mới được biết bác mới đến Mỹ qua diện "HO" và trước năm 1975 bác là một sĩ quan cấp Tá thuộc Lực Lượng Biệt Kích Dù (Liên Đoàn 81   Delta.)  Tôi không cầm được nước mắt khi nhìn một chiến sĩ từng vào sinh ra tử, đã đóng góp mồ hôi, xương máu của chính mình cho đại nghĩa, cho màu cờ sắc áo trong những ngày binh lửa. Bây giờ đây, phần thưởng của ở cuối cuộc đời là công việc dọn chén dĩa và lau bàn cho những người khách hàng ngạo mạn nhìn người đồng hương làm việc tầm thường với con mắt nhỏ bé!

*
Hôm nay là ngày 4th July. Tôi ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ về sự đổi thay của cuộc đời sau gần 32 năm qua. Vị cựu Đại Tá Chỉ Huy Trưởng Căn Cứ Hải Quân ngày nào, bây giờ có thể là đã về hưu sau bao năm làm thợ cắt cỏ cho vườn nhà của bạn, hoặc là một thợ điện tử mà người "xếp" [supervisor] là một anh cựu Hạ sĩ.  Thành bây giờ có thể là một xếp lớn ở trong một Công ty điện tử nào đó hay có thể hắn đang là chủ nhân ông của một công nghiệp nào đó. Không chừng hắn đã có con tốt nghiệp Bác Sĩ hay Dược Sĩ rồi"

Khi nghĩ đến Thành, tôi không thể không nghĩ đến anh chàng ăn mày tại tiệm hủ tíu Thanh Xuân Sài gòn ngày xưa mà tôi đã gặp ở trại trị nạn ở Phi Luật Tân. Biết đâu anh ăn mày ấy bây giờ đang là một Bác Sĩ  hay Dược Sĩ nào đó trên đất Mỹ"  Cũng có thể anh ăn mày đó hiện là một chuyên gia kinh tế đang chỉ dẫn dân Việt và Mỹ cách làm giàu, cách trở thành triệu phú mau chóng"  Có thể anh ăn mày đó là một loại như anh chàng "Tom Vu" của các chương trình "infocommercial" đã chỉ dẫn khán thính giả TV cách mua bán địa ốc để trở thành Triệu Phú chỉ trong một thời gian ngắn"

Tôi có ông anh hiện còn đang sống ở Việt Nam. Trước 30 tháng 4 năm 1975 ông  làm nghề thầy giáo dạy trung học. Sau năm 1975 ông làm đủ các nghề lặt vặt từ khuân vác, đến lãnh "bia" đi giao các quán cóc và cũng vài lần cố gắng tìm cơ hội để trở lại công việc dạy học. Nhưng với nghề dạy học, anh kiếm không đủ tiền để nuôi vợ con. Nhận xét và thắc mắc của anh về người Việt tị nạn ở Mỹ về thăm quê nhà là:
- Tại sao những người Việt về thăm quê nhà từ Mỹ đều toàn là Bác Sĩ, Dược Sĩ và Kỹ Sư không vây" Không có ai làm thợ hay cu li sao" Bộ Mỹ nó ngu làm hả"
Câu trả lời của tôi là:
- Chắc chắn là người Mỹ không ngu rồi. Nếu ngu, thì làm sao xứ Mỹ giầu có như vậy.
Nếu họ ngu thì làm sao họ lên mặt trăng được. Dân Việt tại Mỹ có nhiều Bác Sĩ, Dược Sĩ và Kỹ Sư nhưng không phải mọi người đều là Bác Sĩ, Dược Sĩ và Kỹ Sư. Ở Mỹ cũng có rất nhiều người Việt làm thợ và làm cu li. Nhưng họ không tiện nói sự thật vì các lý do cá nhân riêng của họ. Ngoài ra anh phải để ý các danh xưng. Ở Mỹ người công nhân thay dầu cho các máy chiên gà tại các tiệm bán gà quay (KFC  Kentucky Fried Chicken) hoặc công nhân đổ rác cho thành phố đôi khi cũng được gọi là Kỹ Sư (engineer, sanitation engineer") Thường thường thì người nào về Việt nam mà ở lâu hơn 2 tuần lễ thì đó là cư sĩ [thất nghiệp ở nhà  ("unemployed") chứ không phải là Kỹ Sư.

Ông anh tôi đầu đã bạc, răng đã rụng gần hết mà vẫn gởi thơ xin trợ giúp tiền để anh mua một chiếc xe xích lô đạp. Đạp xích lô mà sống thong thả hơn là làm nghề thầy giáo ở Việt Nam. Thật chua xót! Thay đổi, cách mạng  gì mà mà kỳ cục vậy!
Để an ủi mọi người thân quen đã và đang là nạn nhân của sự đổi đời cay nghiệt, tôi thường nói là "mọi người đều có số cả."  Còn số mạng của bạn sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ra sao"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,178,679
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến