Hôm nay,  

Hát O "Một" Sang Mỹ

11/08/200700:00:00(Xem: 246414)

Bài số 2062-1925-629vb7110807 

Cựu sĩ quan VNCH, cựu tù cộng sản, định cư tại Hoa Kỳ từ 1990 thuộc diện H.O. 1, Chu Tất Tiến là một nhà giáo, nhà báo quen biết của sinh hoạt cộng đồng Việt tại Nam California. Sau đây là tự truyện Hát Ô Một của chính tác giả.   
 
Năm đó là năm 1982. Sau khi đi tù về, làm đủ thứ nghề "cu li cu leo", làm xe thồ, kéo đá, đập sắt... để sống qua ngày, tôi vẫn phải mua chuộc tay công an khu vực bằng những chầu "nhậu" hàng tuần, để cho khỏi bị xét hộ khẩu ban đêm. Mới về nhà được một tuần, hôm ấy đúng 11 giờ đêm, vừa leo lên giường là hắn đập cửa ầm ầm: "Xét hộ khẩu! Xét hộ khẩu!" Tôi phải ra mở cửa cho hắn vào, chờ cho hắn leo lên hết ba tầng lầu, nhìn ngó khắp gầm giường, rồi đi xuống, hầm hừ. Biết cái tật nát ruợu của hắn, đến lần thứ hai, vừa thấy cái mặt hắn xuất hiện, tôi nói liền:
-Thôi, dẹp đi! Có ai đâu mà xét hoài! Ngày mai, năm giờ, cậu đợi tôi ở quán bà Tư nghe!
Vừa nghe nói vậy, lập tức khuôn mặt hắn thay đổi liền, đang "anh anh, tôi tôi" bỗng biến thành "anh, em" ngọt xớt:
-Dạ, dạ! Ngày mai em đợi anh nhe!
Thế là từ đó, cứ khoảng vài tuần, là hắn lại đập cửa xét hộ khẩu! Lại đi nhậu cho đến khi hắn say không đi nổi nữa mới dìu hắn ra cửa. Nhưng như vậy, cũng chưa đủ số! Một buổi sáng, tôi bị triệu lên Phường. Con nhỏ ngày xưa mũi dãi lòng thòng hay chạy qua cửa sổ nhà tôi, "chú chú, cháu cháu" nhòm nhòm ngó ngó, cầm cục kẹo tôi cho chạy như bay như biến, nay là Phó Chủ Tịch Phường, phán một câu xanh rờn:
-"Anh" về chuẩn bị, tuần sau, đi lao động xã hội chủ nghĩa ba năm! (Gọi "anh" là còn khá, chứ mấy người về năm 78, bị gọi bằng "mày"!)
Tá hỏa tam tinh, tôi phải đi xin dậy học tại Trung Tâm Nghiên Cứu và Dịch Thuật Thành Phố. Ông Giám đốc, cũng là một tên cộng sản nằm vùng, nguyên Trung Tá, Dân Biểu, nguyên Chủ Tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện Đinh văn Đệ, cho tôi đi dậy thử tại trường trung học Phú Nhuận. Đến ngày dậy thử,  một băng Giám Đốc, Bí Thư, và các giáo sư gạo cội của trường, bước vào ngồi nghe tôi dậy thử. Sau hai tiết học, họ cho tôi dậy luôn lớp dành cho đa số là giáo viên Anh Văn của thành phố đi tu nghiệp. Cầm được cái giấy chứng nhận là Giáo Viên về trình diện với cô Phó Chủ Tịch Phường xong là thở phào. Cô "tha Tào" không phải đi lao động nữa. Tôi chỉ dậy đúng hai tháng là bỏ việc, chưa lãnh lương lần nào vì bực. Mỗi ngày thứ Hai, tên trưởng lớp, một tay cán bộ đi học mà xách cặp táp, chạy xe Honda, đi dép râu, khi tới giờ nghỉ, tiến lên bàn thầy giáo, lấy ngón tay gõ gõ lên mặt bàn, nói giọng mất dậy:
-Nè, ông Thầy! Tui đi lên giao ban đây! Thầy có gì muốn đệ đạt lên không"
Tôi nhăn mặt:
-Tôi chả có gì mà phải đệ với đạt! Anh cứ đi làm nhiệm vụ báo cáo của anh đi!
Học trò phách lối như thế, còn ông Giám Đốc còn tệ hơn. Tôi đã đụng nặng với tay Đinh Văn Đệ này. Cứ nhìn cái bản mặt câng câng của một tên nằm vùng "ăn cơm Quốc Gia, thờ ma Cộng Sản" đã bực, lại còn cứ nghe hắn lải nhải kể công những ngày nằm vùng, thấy hắn "ngu" quá, nên tôi "xì nẹc" cho một hồi rồi bỏ về nhà. Sở dĩ nói dài dòng vậy, chỉ để trình bầy một việc quan trọng liên can đến H.O. Như cái tên gọi, Trung Tâm Nghiên Cứu Dịch Thuật, ngoài nhiệm vụ dậy Sinh Ngữ, còn chuyên đọc và dịch các tài liệu, báo chí nước ngoài, nên có ưu tiên nhận báo tiếng Mỹ. Một hôm, tôi được đọc một bài báo Mỹ, không nhớ tên, viết rõ ràng là "một làng dành riêng cho những người đi tập trung cải tạo đang được thiết lập, với những con đường chạy tỏa ra theo hình tia nắng mặt trời. Có nhà thờ và bệnh xá. Những người đi tập trung cải tạo sẽ được đưa vào đây, làm lại cuộc đời. Sẽ được trả tiền bồi hoàn cho những năm tháng tù đầy..." Trời ơi! Đọc báo mà thấy lòng lâng lâng. Nhưng mãi sau này, khi sang đến Thái Lan rồi, mới biết đó là một đòn chính trị "dỏm", kích thích tinh thần người tù, chứ chẳng có cái làng nào như thế cả. Cũng từ đó, mà một số H.O sau này cứ thắc mắc mãi tiền bồi hoàn ở đâu mà chưa có" Nhiều cuộc cãi vã, gây gổ vô ích cũng chỉ vì bài báo có tính chất chiến tranh chính trị này.
Bỏ trường, tôi đi dậy tiếng Anh chui đến năm 1988, ông Nguyễn Xuân Phong, nguyên Trưởng Đoàn Hòa Đàm Paris, dẫn phái đoàn Thương Mại Pháp đến Sàigòn, nhằm đòi lại những cơ sở của Pháp đã bị nhà cầm quyền chiếm dụng, đồng thời xúc tiến việc trao đổi thương mại giũa hai quốc gia. Qua người bạn tôi là một ông Phụ Tá Bộ Trưởng cũ, ông Nguyễn Xuân Phong mời tôi giữ một trong ba chức vụ Giám Đốc cho phái đoàn: ông Phụ Tá Bộ Trưởng, một ông Giám đốc Bộ Tài Chánh, và tôi. Ba chúng tôi lo điều hành việc đòi lại những cơ sở cũ cùng tiến hành nghiên cứu những khả năng mà Pháp có thể buôn bán được với Việt Nam. Công việc xúc tiến một cách rất chậm chạp, vì bản chất của người Cộng Sản là luôn nghi ngờ, theo dõi, thà bắt lầm hơn bỏ sót, nên gây trở ngại rất nhiều cho phái đoàn, không thể kể hết được, lại còn ngu xuẩn bắt nhốt ông Phó Trưởng Đoàn vì tội.. đi mua những tấm thẻ bài của Mỹ bán tại các chỗ lạc xoong. Dĩ nhiên, phải thả ngay sau một ngày, và xin lỗi, nhưng phái đoàn bực mình, bỏ sang Thái Lan ở, chỉ bay sang Saigon làm việc ban ngày, chiều lại về Thái Lan!
Đúng lúc đó, được tin có chương trình H.O bắt đầu nhận đơn cho đi chính thức. Phái đoàn Pháp cũng biết tin này, qua ông bạn tôi, họ đề nghị tôi ở lại để giữ một chức vụ khá quan trọng ở Việt Nam. Không suy nghĩ nhiều, tôi từ chối ngay và cương quyết ra đi, dù cho có phải đứng đường mà xin tiền ở nước ngoài cũng hơn là làm lớn ở quê nhà, vì theo tôi, trước sau gì tôi sẽ bị bắt lại, một khi chương trình tôi điều hành phát triển lớn. Do đó, khi nghe lỏm tin là quận Phú Nhuận sẽ nhận đơn vào sáng hôm sau, tôi chuẩn bị giấy tờ, không ngủ, đợi đúng 3 giờ sáng là mò ra đồn công an Quận. Tới nơi, tôi đã thấy có những người bạn đến căng võng ngủ từ 11 giờ tối hôm trước! Tôi là người thứ 50! Khi vào phòng làm việc, người thẩm vấn hỏi tôi:
-Tại sao anh lại xin đi nuớc ngoài"
Tôi nói láo ngay:
-Tôi xin đi vì ở đây tôi không có việc làm. Không ai mướn tôi vì lý lịch, nên tôi phải đi.
Hắn bắt tôi phải viết giấy cam đoan không làm việc gì chống đối Cách Mạng. Tôi ký liền, không ngần ngại, vì trong lòng lúc đó, nghĩ rằng, ký thì ký, chống thì chống, chống ở nước ngoài, thì làm gì tôi" Tất cả anh em đi HO cũng đều nghĩ vậy, nên ai cũng ký. Sau đó, đến ngày làm thủ tục chính thức tại Phòng Xuất Cảnh và Người Nước Ngoài. Phải nộp tiền, không nhớ bao nhiêu, nhưng cũng khẳm. Rồi, chờ mãi, chờ mãi không có Passport, trong khi bạn bè lần lượt có, ai cũng vui vẻ đem khoe. Hầu như ngày nào tôi cũng lên phòng chờ đợi mà không thấy có tên mình. Sốt ruột, căng thẳng như dây đàn. Một hôm, tôi lên, nhưng thủ sẵn một bao thuốc lá Ba số 555. Vừa bước vào cửa, gặp ngay một anh công an đứng nhòm ngó, tôi rút luôn bao thuốc ra, dúi vào tay, nói nhỏ:
-Lên lầu tìm cho tôi hồ sơ của tôi, tên...
Anh công an này đi liền. Tôi tửng tửng bước vào, gặp tên Phó Phòng. Thấy tôi xưng tên, anh này hô lên liền:
-À, hồ sơ của anh bị thất lạc rồi. Tìm hoài không thấy! Thôi, tôi cho anh ưu tiên chọn lựa. Một là anh lấy tiền lại, hai là anh được ưu tiên nộp hồ sơ lại!
Tôi choáng người. Tai tôi ù ù, chân đứng không vững. Tự nhiên, tôi nổi cọc, nói lớn:
-Tôi không cần ưu tiên gì hết! Tôi cũng không cần tiền. Tôi chỉ cần đi Mỹ. Các anh làm mất hồ sơ của tôi, các anh phải làm lại và làm lại gấp.
Anh này cũng sừng sộ:
-Tôi cho anh ưu tiên là vì hồ sơ thất lạc, chứ không thì anh ra xếp hàng ngoài kia, chờ người cuối cùng xong thì anh mới được nộp đơn!
Đúng lúc tôi muốn nổi khùng lên, thì anh công an mà tôi dúi cho bao thuốc tàn tàn đi vô, tay chìa ra 5 tờ passport:
-Này, xuất cảnh của anh đây!
Anh chàng Phó phòng ngớ người ra, nhìn anh công an kia với vẻ mặt căm thù dữ dội. Chương trình hù dọa, dấu passport của hắn, nếu gặp nguời năn nỉ, bỏ nhỏ, ít nhất cũng một cây vàng! Số hắn xui! (Tội nghiệp cho anh công an kia, chắc thế nào cũng bị kỷ luật!)
Tôi cầm passport về, thơ thới hân hoan, không gây gổ nữa. Nhưng vì đã bị giam quá lâu, nên tờ passport hết hiệu lực, phải lên gia hạn. Ngày hôm sau, gặp tôi cầm passport xin đóng dấu gia hạn, anh chàng Phó phòng bực bội, chửi một tăng:
-À, ra lại anh nữa! Tay làm phách! Anh tưởng anh là cái thá gì" Mẹ kiếp, cỡ Tướng, Tá sang Mỹ chỉ đi bán xăng. Còn cỡ Trung Úy quèn như anh, chỉ đứng đường. Sang bên đó, thiếu giống thì thằng đứng đường, cầm lon....
Tôi chỉ cười hì hì, chẳng dại mà cãi cọ. Đợi cho hắn đóng dấu cái cộp xong là tôi rút lui ngay, kệ cho hắn lảm nhảm một mình.
Rồi ngày đi cũng tới. Chuyến bay của ngày thứ nhất là 5 tháng 1 năm 1990. Tôi bay chuyến thứ hai, lúc 10 giờ, nhưng dặn gia đình là len lén ra đi, nên 4 giờ sáng, đã lẳng lặng khăn gói kêu xích lô lên phi trường. Nếu tôi tàng tàng ở lại, là bỏ mạng! Vì theo lời cậu em ở lại coi nhà, khoảng 8 giờ sáng, hai tay phường đội đến nhà tôi, mang theo giấy gọi thằng con lớn tôi đi Nghĩa vụ Quân Sự! Khi biết cả nhà tôi đã dọt, tên nọ chửi tên kia:
-Má mày! Tao đã bảo mày đưa từ tối hôm qua, cứ lo nhậu nhậu!
Một chút xíu nữa thì tôi lại phải dúi cho mấy tên phường đội này ít nhất là một cây, nếu không muốn bị giữ lại, lỡ chuyến bay.
Đến phi trường, trong khi chờ đợi ra đi, tôi dặn người nhà không ai được khóc lúc chia tay, vì mắt đỏ, có thể bị giữ lại vì đau mắt cần phải chữa trước khi đi. Đang khi đó, thì David Jackson, xướng ngôn viên đài truyền hình số 9 tại Los Angeles, đến tìm một người nói tiếng Anh để phỏng vấn. Thấy anh ta tiến thẳng về phía mình, tay huơ huơ cái micrô, hỏi "Có ai biết tiếng Anh không"", tự nhiên tôi gật đầu. Mừng húm, David hỏi liền mấy câu. Thấy chung quanh là một băng công an, chăm chăm ngó ngó, tôi phải nói dè chừng với David:
-Nè, đừng có hỏi chuyện chính trị nghe, tôi sẽ bị kẹt!
David cười, gật lia lịa:
-Dĩ nhiên! Dĩ nhiên!
Thế là một cuộc phỏng vấn được thực hiện nhanh như chớp. Đèn pha, micrô um sùm. Mấy tay công an hầm hầm hừ hừ muốn ăn tươi nuốt sống tôi. Nhưng tôi tỉnh bơ trả lời, sau đó, David hộ tống tôi vào phòng cách ly luôn, cho chắc ăn tôi không bị giữ lại. Cũng liều! Lỡ ra có anh chàng công an nào nổi hứng kêu lại thì rồi đời một HO! (Sau đó, cũng David làm thêm một cuộc phỏng vấn dài nữa, khi tôi đến Los rồi về nhà, rồi một tháng sau, cùng với các tờ báo Orange Register, Los Angeles Times về những người HO đầu tiên, một sự kiện đặc biệt trong năm chứng tỏ chính phủ Mỹ biết trả nợ chế độ cũ.)


Về Quận Cam, những ngày đầu tiên là đi xin trợ cấp, và gặp các "cố vấn" đã qua từ 75. Mỗi người mỗi ý. Nguời thì bảo:
-Chú đi học sửa xe đi. Ở Mỹ, xe hơi trùng trùng điệp điệp! Ai cũng có xe hơi phải sửa! Học nghề này là ấm thân.
Người khác nói:
-Đừng vội quyết định! Cứ tàn tàn ăn "oeo phe" rồi đi học. Quyết định sớm là ân hận sau này.
Kẻ lại nói:
-Đi học địa ốc đi! Bán nhà, tiền không đó!
Không biết tính sao, bèn nghe lời cả ba. Đi học sửa xe, xin tiền "oeo phe", và đi học địa ốc! Nghĩ rằng học sửa xe không thì cũng uổng công, nên ghi tên học luôn chương trình Đại học, may ra có bằng Kỹ sư máy xe hơi thì cũng có thể bền, nên học mười mấy "dunít" một mùa. Cuối tuần đi học địa ốc. Vì tiền trợ cấp chỉ có mấy trăm, nên phải nhờ vào bà con, vay mượn lung tung, mới đủ xoay sở. Một thời gian, thấy lãnh trợ cấp bị gò bó quá, nên bỏ luôn, đi làm mấy dóp. Dóp đầu tiên là làm phụ tá Manager cho một nhà hàng trên đường Harbor, gần đường số 1, do một anh bạn Quốc Gia Hành Chánh giới thiệu. Chủ nhân là mấy vị bác sĩ. Nói là phụ tá cho nó oai, chứ thực ra là làm bồi bàn. Bà Manager, một phụ nữ  trung niên, nhỏ nhắn, hay mặc váy đen, mặt mũi trông không đến nỗi tệ. Ngày đầu tiên đến, ông bác sĩ chủ nhân đã dặn nhỏ:
-Ông cẩn thận. Người ta không ưa ông đâu. Liệu mà xử thế. Ông cứ tập sự đi, khi nào ông rành, tôi sẽ cho bả nghỉ! Bả gian lận qúa trời, hết vốn luôn!
Nghe lời căn dặn nên khi vô trình diện, tôi rất lịch sự cúi chào. Bả đón tôi bằng cặp mắt lạnh nhạt:
-Này, anh kia! Anh mặc thế làm sao mà bưng tô được. Bỏ mẹ cái áo vét đi, xắn tay áo lên mới làm được.
Tôi vâng lời, cởi áo vét ra (anh bác sĩ kia bảo tôi mặc áo vét đi làm mà!) xắn tay áo lên bưng tô như máy. Hết khách, tôi đứng rửa bát. Hết bưng tô, tôi lại đóng cái áo vét vào, tiếp khách đến đặt hàng.
Làm đuợc hai ngày, hôm ấy, cũng đang mặc vét, tiếp vài nguời khách đến đặt hàng, thì một ông thực khách thấy tôi mặc lịch sự, bèn gọi:
-Ông quản lý ơi! Lại tính tiền giùm tôi!
Bà chủ cự nự liền lớn tiếng:
-Quản lý cái gì! Người làm tôi đó!
Tôi lẳng lặng lại tính tiền. Chưa xong thì bà gọi lớn tiếng:
-Ông Tiến! Lại đây nhặt rác cho tôi!
Rồi bà đứng dạng chân ra, chỉ cho tôi thấy một miếng giấy trắng trắng bằng khoảng một đốt ngón tay ở giữa hai chân bà. Lúc đó, bà đang tiếp khoảng vài người đến đặt hàng đám cưới. Tôi đến, bà không di chuyển, cứ đứng dạng chân trên miếng giấy. Không thể làm khác hơn, tôi cúi xuống nhặt miếng giấy giữa hai chân bà, khi ngẩng đầu lên, tóc tôi chạm vào gấu váy của bà. Mấy nguời khách nhìn tôi, kinh dị. Tôi nghiến răng, bỏ miếng giấy vào túi, và vì cái mặt tôi nóng quá, như có lửa đốt, tôi lẳng lặng đi ra cửa cho gió thoáng vào mặt, kẻo nóng quá, tôi "đục" bà thì có chuyện, vợ con nheo nhóc. Bà thấy tôi đi ra cửa, gọi lớn theo:
-Này! đừng có mà vất rác ra cửa đấy! Cảnh sát nó phạt cho thì thấy mẹ!
Tôi ra cửa, ngửa mặt nhìn trời, mà nước mắt tuôn trào. Cổ họng nghẹn đắng. Trời hỡi! Việt Cộng không sợ mà sợ cái con mụ này! Tôi cố nuốt nước mắt, nghĩ đến vợ con đang mong chờ ở căn ápác dơ bẩn, và đi vào. Vừa bước vào, là bà chủ gào lên (tôi dùng chữ "gào" rất đúng sự thật):
-Này, lại đây "cờ lin" cái "bâng kơ" này cho tôi!
Tôi đi lấy cái giẻ, vẫn mặc áo vét, "cờ lin" theo lời bà chủ. Mới ngẩng mặt lên, chưa kịp thở, bà chủ lại the thé:
-Xong chưa" Xong thì đi lau lại mấy cái bàn cho tôi! Hôi qúa!
Tới đây, thì cơn nóng đã lên quá sức chịu đựng rồi! Tôi căm hờn nhìn mụ, vất cái khăn vào trước mặt mụ, nghiến răng lại, sấn tới. Mụ hoảng, de chân, rút lui. Thấy cái vẻ mặt sợ hãi "già d. non hột" của mụ, tôi thở dài, bước ra cửa. Về nhà, kể cho vợ con nghe "bố thất nghiệp rồi!", và khi thấy vợ con xụt xịt, tôi chịu không nổi, nằm vật ra salông, úp mặt xuống, khóc nức nở một mình.
Ngày hôm sau đi xin dóp khác. Cứ thấy nhà hàng là bước vào xin làm bồi bàn. Có lẽ thấy cái bản mặt mình không phải "típ" sai vặt được hay sao đó, mà nơi nào cũng nhìn mình một lúc rồi cho qua. Vào tiệm bánh mì, may sao lại được. Từ sáng sớm hôm sau, cứ  3 giờ sáng dậy, phóng tới lò bánh, nhận bánh xong là lái chiếc xe của hãng đi một lèo từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ trên các xa lộ. Tạt vào khách sạn này, bỏ bánh xong, là dọt qua nhà hàng khác, liên tu bất tận, mà cái xe chở bánh lại thuộc thế hệ Min nớp xăng đút nút, cái hộp số to chần vần như cái mả Đạm Tiên ở cạnh tay lái, cái cần số dài lêu khêu như cây tre, nóng ơi là nóng. Chỉ tới 8 giờ là mồ hôi chẩy ra như suối. Nhất là lái tới Moreno Valley và San Bernadino, trung bình 90, 100 vào giữa trưa, cộng với cái hơi nóng từ máy xe, ít nhất cũng 120 độ bên trong. Người cứ rít rịt. Làm được có hơn một tháng thì bỏ, vì quá mệt.
Tối đi học từ  6 giờ 45 đến 10 giờ, về nhà tắm rửa, ăn cơm, làm bài xong thì khoảng 1 giờ sáng lên giường, 3 giờ đã dậy, đi một lèo 10, 12 tiếng... Nhưng cũng chưa đau bằng hôm ấy, kẹt chỗ đậu xe, phải đậu ké sang nhà Tầu Hủ bên cạnh, khi về thấy mất xe, hỏi ra mới biết ông chủ Tầu Hủ kêu người "tâu" xe mình, mất 120 hồi đó! Đau quá! Thôi bỏ luôn. Lại nghe người bạn giới thiệu, đi giặt ủi ở Los. Sáng dậy 5 giờ, phóng xe tới tiệm là 6 rưỡi, bước vào tiệm là thấy một đống áo sơ mi lù lù trên bàn, nhào vô, lấy xà phòng và bàn chải, cắm cúi chà cổ áo, cổ tay như điên. Khoảng gần hai tiếng chà cọ muốn gẫy tay, thì một lô áo mới khô phóng ra. Chụp lấy áo, trải trên bàn ủi, một chân thì đạp mạnh xuống cái cần bên dưới cho có hơi hút cái áo vào bàn, tay trái căng áo ra, tay phải cầm cái bàn ủi nặng cỡ hai ba "pao" có dây điện, cứ thế mà ủi. Đứng liên tu bất tận. Đến giờ cơm, thì được ra ngồi chừng 5, 10 phút ăn cơm. Không dám ăn lâu, vì phải ủi hết mới được về lúc 6 giờ. Trễ nải là trễ lớp học ở Golden West bắt đầu từ 6 giờ 45. Phải chạy từ parking vào lớp, người mồ hôi đầy, nên chỉ kiếm chỗ cuối lớp, xa xa bạn học, kẻo mùi hôi xông ra thì kỳ cục. Cứ thế được ba tháng thì hết pin! Người lúc nào cũng lảo đảo, nói không ra hơi, hai tay lúc nào cũng rung rung, hai đầu gối nhức buốt vì đứng 12 tiếng mỗi ngày, lương chỉ có 800, không đủ tiền ăn phở, nên mắt mờ, tim đập chậm. Đi khám bác sĩ, ông phán:
-Anh phải nghỉ ngay cái dóp này đi thôi.  Thêm nữa thì không tới bến đâu, sẽ nằm liệt, lúc đó, thì ỉa đái tại chỗ. Không ai hầu được đâu!
May quá, chưa kịp nghỉ, thì tối đó, ông chủ gọi đến bảo:
-Thôi, ngày mai khỏi đi làm nhé! Mới làm có ba tháng đã nghỉ bệnh, thì còn làm ăn cái chó gì!
Nguời bị đuổi mừng húm, nói với vợ mua con gà, tạ ơn Tổ đãi.
Sau đó, lại đi xin việc làm "delivery Furniture", nghĩa là giao hàng fớ-ni-chơ  cùng với cậu con trai. Hai bố con cùng khiêng, cùng vác. Tuần làm 6 ngày, mỗi ngày 11 đến 12 tiếng. Lương được 1000. Khỏe hơn trước vì khuân vác phải xử dụng toàn bộ bắp thịt lưng, vai, đầu, tay, chân, để kê vai, hứng lưng, đội lên, bưng, nhấc. Ngày đầu tiên, tưởng chết! Đi giao một cái salông có kèm giường ngủ cho một căn hộ ở lầu hai, mà không có thang máy! Căn hộ này lại không có thang thường thẳng lên, mà thang cuốn tròn chung quanh một cái trụ sắt! Do đó, người giao hàng phải dựng đứng cái ghế nặng vài trăm "pao" lên, rồi cúi xuống, nhấc ở bên dưới, một hai ba, ùm! Nhích lên được một bậc. Một, hai, ba, ùm! Nhấc lên thêm một bậc nữa! Cứ thế mà như con sên, mãi cũng lên được đến lầu hai, lên tới nơi thì lăn ra, nằm vật ngay trên lối đi, tưởng chết vì tim muốn ngừng đập. Nằm một lúc, thây kệ ông đi qua bà đi lại, rồi mới tỉnh hồn, lật ghế lại, đẩy vào phòng, lấy tiền, về trình diện ông chủ, xin nghỉ, chịu không nổi. Ông chủ bảo:
-Không sao đâu! Xui là làm ngày đầu tiên bị cú đó, chứ không phải ngày nào cũng vậy đâu. Từ từ rồi quen.
Từ từ rồi quen thiệt! Làm tới 3 năm lận! Bắp thịt đô ra. Sau rồi có thể một tay nhấc nguyên cái ghế  "Lô vờ sít" lên vai đi tỉnh bơ. Mấy tên thanh niên trợn mắt:
-Chú còn mạnh dữ! Cháu chào thua!
Họ đâu biết H.O đã từng cuốc đất, phá rừng tơi bời hoa lá trong rừng sâu, núi thẳm, sợ cái quái gì mấy cái ghế bàn này!
Thật ra cũng đổi tới 3 ông chủ và cũng bị mắng rủa tơi bời. Một hôm, đang loay hoay xếp đồ gần bàn làm việc của ông chủ, thấy Phôn kêu réo mà ông chủ chưa ra, chụp đại, trả lời giùm. Ông chủ, một người nói tiếng Anh đặc giọng Nghệ An, vừa mới bị bà chủ làm cho một tăng ầm ĩ ngay trong tiệm, chạy tới giật lấy cái phôn, mắng liền:
-Hát Ô biết cái đếch gì mà nói điện với thoại!
"Lâu dần, đời người cũng qua..." Mấy năm trôi qua, học mãi cũng tốt nghiệp, làm thêm nhiều dóp khác, làm Tài Chánh, rồi làm Kiểm Tra Viên của Tiểu Bang, (State Examiner), mà với cái tính "nhịn là nhục, cự thì đục", cho nên được một năm cũng lại "quít". Rồi đi dậy học, nhưng chỉ dậy được có một mùa, lại bỏ, vì bà Hiệu Trưởng gốc Mễ kỳ thị ra mặt. May mắn, được hai cậu con trai, mười mấy năm trước cùng đi khiêng vác với bố, đã tốt nghiệp vẻ vang cùng với một lô con cái H.O khác, kẻ thì Bác sĩ, người thì Nha Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ Sư, Cử Nhân, Tiến Sĩ. Hiện giờ thì bản thân đã già, vừa đi làm vừa viết lách lăng nhăng. Nhớ lại những tháng ngày mới qua Mỹ mà bật cười. Nhớ từng lời nói, cách đối xử thô bạo với H.O mà muốn cám ơn họ, vì nếu không có những con người thô lỗ ấy, dễ gì học được bài học Kiên Nhẫn mà thành công!
Lần đầu mò mẫm đứng ra tổ chức Cây Mùa Xuân H.O năm 1991 và 1992 ở Westminster và hai lần Tù Ca tại Đêm Mầu Hồng năm 1993 và 1994, cũng bị chụp mũ "ăng ten cộng sản", đánh phá tơi bời. Nhưng những đòn đánh phá như thế, thật ra, chỉ làm cho ý chí H.O thêm mạnh. Mười lăm năm tù đầy trong nhà tù lớn, nhà tù nhỏ của cộng sản mà không sợ, huống gì miệng lưỡi của những kẻ vô ý thức.
Cuộc đời "như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao"... Biến cố gì rồi cũng qua, chỉ có danh xưng "Hát Ô" là tồn tại mãi mãi trong trang sử của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, như một thế hệ đặc biệt, chưa hề có trong lịch sử thế giới, và sẽ không bao giờ có nữa!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,643,071
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến