Hôm nay,  

Lo

29/03/200700:00:00(Xem: 279454)

Tác giả: Thanh Mai

Bài số 1228-1839-545vb5290307

*

Tác giả cho biết bà qua Mỹ từ năm 1993. Hiện là Electronic Technician của Honeywell. Lần đầu gửi bài dự Viết Về Nước Mỹ, Thanh Mai viết “Tôi thấy nhiều người viết dễ dàng mà hay quá, nên cũng muốn viết.” Bài viết đầu của bà là một chuyện vui gia đình. Mong bà sẽ tiếp tục.

*

"Trời ơi! Bà dám để ổng về Việt nam một mình hở""

Đó là câu hỏi ngạc nhiên của mấy người quen khi nghe tin chồng tôi sẽ về Việt nam ăn Tết năm nay mà không có tôi tháp tùng. Trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại,   biết bao gia đình đang hạnh phúc phải tan nhà nát cửa vì mấy ông chồng về Việt nam ham của lạ. Nghe nói ở Việt nam giờ có câu vè: "Nhất muối tiêu, nhì Việt kiều. Mà chồng tôi thì hội đủ cả hai, thế thì mới nguy.

Tôi cũng liều cú này nên lo lắm đấy chứ. Lâu nay tôi chủ trương là "canh kỹ, không để địch thủ có cơ hội" nên hai kỳ rồi tôi đã “theo chàng về dinh.”

Gia đình tôi thì qua hết bên Mỹ, còn phía chàng thì còn kẹt lại cả bên Việt nam. Về quê nhằm mùa hè, trời Cam ranh nắng đổ lửa, mỗi lần ra đường nắng nóng muốn nổ đom đóm mắt nên tôi toàn rút trong nhà đọc báo, đọc truyện. Chán ơi là chán. Cho nên tôi quyết định là ra sao thì ra, không về nữa.

Mà mình không về lại không cho ảnh về thì tội quá. Giờ Ba mẹ ảnh còn sống, khỏe mạnh thì nên để ảnh về gặp gia đình mới vui chứ. Thằng con út của tôi cũng rất thích về quê Nội. Về đó, có các cô chú và các em bà con xúm lại đùa giỡn rất vui. Hơn nữa nó chưa biết thế nào là Tết trên quê hương nên thôi, cắn răng tôi “cấp visa” cho hai cha con về Việt nam kỳ này.

Chàng của tôi thì hồi giờ cũng có hạnh kiểm tốt, ảnh hiền và đàng hoàng. Nhưng ai mà dám bảo đảm! Chỉ là chưa có cơ hội đó thôi. Lỡ may mà về đó, xui xẻo gặp nhằm con yêu nhền nhện thì chết là cái chắc. Yêu nhện phun tơ chưa kịp hút tới thì chắc là ảnh đã tự động phóng tới hiến thân rồi. Tôi có hai cô bạn đẹp ơi là đẹp, vậy mà mấy ông chồng đều bị yêu nhền nhện ở Việt nam ăn tươi nuốt sống. Ngày xưa hai ổng cũng hiền và đàng hoàng như chồng tôi vậy đó.

Thấy tôi ngồi thừ ra suy nghĩ, anh chàng Tom làm chung trong hãng hỏi:

- Chồng you về Việt nam chưa"

- Chưa.

Hắn lại hỏi:

- You không về với chồng thì có kế hoạch gì không"

- Đi làm, về nhà nghỉ ngơi, nghe nhạc, coi phim. Khỏi phải bận rộn nấu ăn là sướng rồi.

Hắn gạ gẫm:

- You có thích ăn gì không tôi tới nhà nấu cho you ăn. You thích ăn hải sản phải không"

Trời ơi. Cái tên này! Tính thừa cơ đột nhập đây. Tôi lạnh lùng:

- Không! Cám ơn. Tôi đang diet.

Về nhà tôi kể cho chàng nghe và hăm:

- Nè, Ba mà về Việt nam ăn hàng bậy bạ là ở đây Má ăn hải sản Mỹ đó nghe.

Ảnh cười:

- Kiểu này chắc không chết chàng trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương quá. Thôi chờ anh đem hải sản Việt nam về ăn nghe.

- Sứa khô Việt nam hở"

Hai đứa bật cười. Quả thật là tôi có dặn ảnh về mua sứa khô qua đây làm gỏi. Vợ chồng ở với nhau lâu hình như đầu óc hay méo mó nghĩ tục.

*

Rồi lụi hụi cũng tới ngày hai cha con lên đường. Lòng tôi lo lắng không yên. Giờ thì lo sợ nhỡ máy bay bị tai nạn. Trời ơi, lỡ bị gì thì kinh khủng quá. Cha con mà chết đi chắc mình phải làm overtime suốt vì ở nhà thì buồn chết. Tôi thầm cầu mong cho cuộc hành trình được an toàn, đi tới nơi về tới chốn. An toàn là đủ rồi, có bị yêu nhền nhện ăn thịt cũng không sao. Thật là mâu thuẩn.

Theo lịch trình bay thì từ Minnesota tới phi trường Nhật chờ hai tiếng rồi bay thẳng về phi trường Tân sơn nhất. Khoảng 7 giờ tối thì có phone của chàng gọi từ Nhật qua:

- Ba và con đang ở khách sạn tại Nhật. Máy bay tới trễ một tiếng nên trễ chuyến bay về Việt nam, phải chờ tại Nhật mười hai tiếng. Họ cho ở khách sạn miễn phí để chờ chuyến bay kế. Hai cha con vừa mới tắm rửa thay đồ xong.

- Cu Lộc nó có khỏe không" Cho nó uống thuốc và nhỏ mắt chưa"

- Rồi. Nó hơi mệt nên đang nằm lim dim ngủ. À, làm sao nhắn về mấy đứa nhỏ đi đón cho tụi nó biết chuyến bay đến trễ gần một ngày, để tụi nó kiếm chỗ nghỉ chứ không chờ suốt đêm ở phi trường tội.

Tội nghiệp mấy người đi đón. Nghe nói hai ba gia đình em ảnh bao xe vào Sài gòn đón anh Hai. Tôi gọi điện thoại về Cam ranh. Cũng may là cô em gái ở lại trực nhà cho biết là trong đám đi đón có đem theo điện thoại di động, sẽ liên lạc báo cho mấy người trong đó biết ngay, và có nhà của người quen để phái đoàn tạm trú qua đêm.

Tôi thở phào cất đi được gánh nặng, thôi gọi qua Nhật báo cho ảnh biết để yên tâm. Ủa, mà làm sao có số phone của ảnh ở Nhật mà gọi. Ảnh để điện thoại di động lại nhà mà. Suy nghĩ một tí tôi nhớ ra là ảnh gọi về điện thoại cầm tay của mình, phải có số phôn lưu lại chứ. Tự khen mình cũng thông minh thiệt! Tôi bấm phôn gọi ngược lại số đó, hóa ra là số phôn phòng tiếp tân của khách sạn. Cũng may là họ nói được tiếng Anh nên giúp tôi nối dây lên phòng ảnh. Anh chàng bắt phôn lên giọng ngạc nhiên thấy rõ:

- Ủa, sao gọi được vậy"

Tôi gáy:

- Má mà! Thấy thông minh không!

Tôi cho ảnh biết về việc mới liên lạc được bên nhà cho ảnh yên tâm. Hai đứa cà kê tán dóc một lúc rồi mới cúp phôn để ảnh đi ngủ. Anh hẹn trước khi lên máy bay về Việt nam sẽ mua thẻ gọi cho tôi biết nữa.

Khoảng tám tiếng sau, phôn reng, giọng của ảnh nghe là lạ:

- Hello. Ba và con đang chờ lên máy bay. Có chuyện buồn Má ơi.

Tôi hết hồn, nghĩ ngay đến thằng con vì sức khỏe nó không được tốt lắm.

- Chuyện gì vậy" Cu Lộc bị bịnh hở" Nó ngủ không được hở"

- Không phải. Ba làm mất máy quay phim và máy chụp hình rồi.

Tôi tưởng ảnh giỡn:

- Xạo đi. Mỗi người mang cái cặp nhỏ xíu mà sao mất được.

Giọng ảnh buồn hiu:

- Thiệt đó. Mất rồi. Hôm qua ở phi trường Nhật bị trễ máy bay nên hai cha con phải chạy tới chạy lui làm thủ tục. Không hiểu sao cái cặp bị tuột dây kéo, cái máy quay phim và máy chụp hình rớt hồi nào không biết nữa. Sáng nay dậy soạn đồ vô cặp mới biết mất.

Tôi chưng hửng! Ông xã của mình thật là hết nước nói. Tôi lo là "ổng" đi đường lạc mất thằng con nên tất cả hành lý đều đóng thùng gởi theo máy bay, chỉ để "ổng" mang theo cái cặp nhỏ đựng hai bộ đồ của hai cha con để thay dọc đường; cộng thêm ít thuốc thang của thằng nhỏ và hai cái máy quay phim với máy chụp hình. Hai cái máy này đem theo bên mình cho chắc chứ gởi hành lý có thể bị mất. Vậy mà! Máy quay phim mới mua cáo cạnh bill chưa kịp về, còn cái máy chụp hình xịn thằng con lớn tặng hôm lễ Giáng sinh. Tất cả hơn ngàn đô thế là đi đong. Tối ở khách sạn lấy đồ đi tắm mà "ổng" cũng không biết là thiếu mất hai cái máy thì hết nước nói. Đoảng quá đi thôi. Nghĩ lại hồi giờ cũng tại mình ra đường cứ lo coi chừng hành lý nên ổng ỷ y. Phải rút kinh nghiệm từ nay. Tôi tiếc của và bực mình hết sức nhưng thôi cuối cùng cũng phải an ủi chàng và tự an ủi mình:

- Thôi. Của đi thay người. Tài mất thì khỏi tai.

Tôi canh giờ hai cha con đến phi trường Việt nam, cộng thêm giờ làm thủ tục và lấy hành lý rồi gọi về phôn di động của đứa em đi đón. Trúng chóc. Phái đoàn đang trên đường về Cam ranh. Thế là đỡ lo bớt một chặng đường. Chuyến bay từ Minnesota đến Nhật xa và dài - lo! Chuyến bay từ Nhật về Việt nam, bay bằng hàng không Việt nam, dạo này hay gặp sự cố - lo! Giờ đến chặng đường xe đò từ Sài gòn về Cam ranh- cũng lo vì ở Việt nam tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa ai cũng biết. Xe chạy ẩu cứ lo tranh đường đón khách, không coi sinh mạng con người ra gì cả. Tôi hỏi thăm sức khỏe hai cha con chút xíu rồi cúp phôn để anh em nhà nẫu tha hồ đấu hót. Chắc chắn là vui lắm.

Hôm sau phôn từ Việt nam gọi qua. Ảnh vui vẻ:

- Má nó ơi! Cha con tới nơi bình yên. Bên đó má đừng có lo. Mấy đứa em gái và em dâu bên này canh anh Hai nó kỹ lắm.

Nghe ảnh kể là ảnh mời đại gia đình đi ăn tiệm. Tiệm ăn gần nhà nên ai ăn xong trước về trước. Mấy cô em gái và em dâu nhất định không chịu về trước, ngồi chờ anh Hai ăn xong tụi nó mới cùng về. Tụi nó bảo tụi em phải canh chừng anh Hai cho chị Hai. Nghe nói tôi cũng thấy mát lòng và đỡ lo được chút xíu.

Mấy ngày gần Tết anh tha hồ mà đi ăn tiệc. Mấy đứa em đứa thì cúng tổ thợ may, đứa thì cúng tổ đồng hồ. Rồi thi nhau nhà nhà cúng tất niên, hết em út rồi đến bạn bè. Tôi lại lo:

- Nè. Ba nó nhớ đừng uống nhiều xay xỉn nhen. Mà lỡ có say thì nhớ đừng có lái xe. Ba mà có chuyện gì thì Má chết trước đó. Và nhớ là cấm nhậu vịt trời để bị "yếu sinh lý" đó nghe.

Dặn thì dặn cho yên tâm vậy thôi chứ ở Việt nam thiên hạ hay ép uống lắm. Say rồi thì còn biết gì nữa. Được cái theo tôi biết thì mấy đứa em và bạn già của anh cũng hơi hiền hiền chắc không sao đâu. Còn từ "yếu sinh lý" bắt nguồn từ câu chuyện của hai người bạn. Hai cô này đều có chồng bị yếu sinh lý. Hai nàng lo thuốc thang bồi dưỡng cho hai đấng phu quân dữ lắm, nào thuốc tây, thuốc ta, rồi sâm nhung hảo hạng, rồi rượu rắn, lung tung lang tang mà hai chàng yếu vẫn hoàn yếu. Đùng một cái cả hai nàng đều phát giác ra là lâu nay ông chồng yêu quí của mình vác súng đi bắn vịt trời nên bịnh mới chữa hoài không khỏi. Thế mới hỡi ơi.

Cũng tội, ngày nào anh cũng gọi phôn về. Anh cho biết mua thẻ gọi rẻ lắm. Anh thường mua hai thẻ, anh gọi vợ, thằng con mười lăm tuổi gọi cho cô bạn thân. Hai tuần đầu tiên nó lỏn lẻn nói với mẹ là nhớ bạn nhiều, nhớ Mẹ ít. Đến tuần thứ ba thì cu cậu nhớ nhà nhớ Mẹ nhiều rồi, đòi sau này có về Việt nam thì phải về chung cả nhà. Còn chàng của tôi cũng than:

- Nhớ Má nó quá!

Tôi cũng giả bộ nhõng nhẽo:

- Mấy bữa nay trời lạnh quá mà thiếu người úm nè.

Mùa đông năm nay Minnesota bị mấy tuần lạnh quá cỡ, mà lại nhằm lúc chàng xa nhà nữa chứ. Có đêm rất lạnh đến nỗi máy sưởi bị hư đột ngột, tôi đang ngủ phải giật mình thức dậy, trùm găng tay, mũ len, tấc, mấy cái mền mà vẫn lạnh run. Nhiệt độ trong nhà càng lúc càng thấp. Tôi không thể nào ngủ lại được, lúc đó mới thấy ông xã mình quan trọng. Bữa đó mới bốn giờ sáng phải lái xe chạy vô hãng trốn lạnh. Tôi than với anh:

- Heat bị hư mà không có Ba ở nhà để sửa. Nhớ cái "heat tự động" của Má quá đi. (Thật ra có anh ở nhà cũng đâu có biết sửa, nói thế để cho anh chàng lên hương chút thôi).

Anh chàng nghe cảm động lắm. Già rồi chứ trẻ trung gì nữa, nhưng hai đứa tôi cứ hay đùa giỡn nhột nhạt như thế đấy. Tình càng già càng nồng mà. Chỉ có điều đừng để con nó nghe kẻo nó ganh tị, hoặc nó thấy Ba Mẹ nó quái chiêu chẳng giống ai.

Chắc là anh cũng nhớ mình thiệt. Có khi anh nói đang uống cà phê với bạn nhớ đến vợ và sợ vợ trông nên trốn ra gọi phôn một tí. Còn tôi thì thỉnh thoảng kiếm cớ đột xuất gọi về nhà anh khoảng chín hoặc mười giờ tối. Nhân tiện là để kiểm tra đó mà. Cũng may cho anh chàng (hay là may cho tôi), lúc nào cũng có ảnh ở nhà. Lần lần nỗi lo về mấy con yêu nhền nhện biến mất, chỉ còn nỗi lo về an toàn giao thông thôi. Kể cho cô bạn thân nghe về tình hình này, nó bảo:

- Coi chừng đây là chiêu độc của chàng để lấy điểm.

Con nhỏ này thật đa nghi như Tào Tháo, còn hơn cả tôi nữa.

Đến mùng ba Tết, còn hai hôm nữa là ngày chàng về, tôi nhắc:

- Ba mua hết đồ Má dặn chưa"

- Rồi, đóng thùng sẵn hết rồi.

- Còn cái đó đó. Ba mua chưa"

Anh chàng chưa nghĩ ra "cái đó đó" là cái gì. Tôi có dặn riêng chàng chứ không ghi trong giấy sợ lỡ mấy đứa em tình cờ đọc được thì kỳ chết. "Áo mưa" đó mà, ở Việt nam bán rẻ hơn bên Mỹ nhiều. Tôi sợ nhắc chàng mua sớm, nhân tiện lấy xài thì nguy nên phải để đến gần ngày về mới nhắc.

Anh chàng của tôi cười nhỏ nhỏ khi biết ra:

- Chưa mua được. Hôm bữa chạy vô mấy tiệm thuốc tây nào ngờ mấy người trong đó biết mình chào hỏi nên sợ quê quá không dám mua. Cam Ranh vậy mà nhỏ xíu, đi đâu cũng gặp người quen.

Rồi anh thêm:

- Má yên tâm chưa. Tai mắt nhân dân đầy rẫy, anh đâu dám léng phéng.

Mồng năm Tết, mấy đứa em lại theo xe bao tiễn đưa anh Hai và cháu vào Sài gòn để về lại Mỹ. Tôi lại lo âu về cuộc hành trình trở về, tim tôi hồi hộp không yên, nhưng đúng ra lần này ít lo hơn chuyến về Việt nam vì dầu gì cũng qua được nửa đường rồi. Đêm đó, tôi nằm mơ thấy Tivi thông báo có chuyến bay từ Nhật qua Mỹ bị mất tích và trên biển tàu vớt được mấy người. Sợ quá tôi tỉnh giấc và không ngủ lại được. Mới có ba giờ sáng thôi chạy xuống bếp nấu nồi cháo gà cho chàng. Đi đường mệt mỏi mà húp tô cháo gà thì tuyệt. Đáng lý nấu cháo vịt vì đã dặn: "Chàng ơi đừng đớp vịt trời, về nhà có sẵn vịt nhà for free" nhưng mà trong tủ lạnh không có vịt nên tạm thịt gà vậy. Thơ tôi vừa mới xuất khẩu đó, nghe cũng vui tai. Còn thằng con thì không khoái cháo nên tôi luộc bún nấu cho nó nồi canh thịt bò, có cà chua và xã. Nghĩ đến lúc sắp gặp lại hai cha con, lòng tôi thật rộn ràng và vui hẳn lên.

Chuyến bay của chàng về phi trường Minnepolis đúng giờ. Hai cha con trông khỏe, chỉ hơi đen hơn một chút thôi. Trở về an toàn rồi, mừng quá. Tôi ôm thằng con thật chặt, nó cũng ôm chặt Mẹ. Thương quá, nhớ quá! Rồi đến lượt ôm và xiết "thằng cha". Mọi nỗi lo toan tan biến.

Người ơi! Bây giờ thì có thể quẳng gánh lo đi và vui sống!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,563,730
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký như: “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ” hiện có bán tại các nhà sách trong vùng Little Saigon. Bài viết mới của tác giả kỳ nầy nói về một đề tài khác là những niềm vui khi “chơi” facebook.
Đây là tự sự của một thành viên tham gia chương trình VVNM. Tác giả bắt đầu tập viết ở tuổi 70 (2015), trong thời gian hai năm đã vượt qua mọi khó khăn và đã đoạt được giải Danh Dự (2016) và giải Vinh Danh Tác Phẩm (2017). Tác Giả quê quán ở Bến tre, sang Mỹ năm 1973, môt chuyên viên kỹ thuật về hưu, đang định cư tại Orange County. Hiện ông vẫn tiếp tục viết với sức sáng tác mạnh mẽ.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Joje từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Bài đầu tiên của bà, “Cả Đời Tôi Làm Thư Ký Sở Mỹ. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết. Bà hiện làm việc bán thời gian cho National-Interstate Council of State Board of Cosmetology (NIC) và là cư dân Westminster. Bài mới nhất là chuyện mấy bà mấy cô đi chụp quang tuyến để khám ung thư ngực.
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và bài mới là chuyện về một số người thành công, một đề tài mà ông đã được mời nói chuyện tại Đại Học Buffalo.
Anthony Hưng Cao là một Bác sĩ nha khoa, hiện hành nghề tại Costa Mesa, Nam Cali, từng nhận giải Tác Giả Xuất Sắc 2010,với hồi ký "My Life" chia sẻ kinh nghiệm học tập của ông. Ngoài nghiệp y khoa, ông còn là người viết văn, soạn nhạc và luôn tận tụy với sinh hoạt nghệ thuật, văn hóa, giáo dục. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Bài viết mới của bà kể về nghề lái taxi tại Huế và người khách đặc biệt là một nhạc sĩ gốc Việt danh tiếng ở Mỹ.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017 và đây là bài viết thứ ba của ông. Ông tên thật Trần Thanh Hiền, sinh năm 1955 tại Thạch Hãn, Quảng Trị, định cư tại Tulsa, Oklahoma từ 1977. Sau 35 năm làm Engineering Designer trong ngành Safety Technology – Fire Protection (Kỹ Thuật An Toàn – Phòng Chống Lửa), đã về hưu năm 2015, khi vừa tròn lục tuần, hiện là thông dịch viên hữu thệ tiếng Việt cho Tulsa County District Court và làm thiện nguyện tại Tulsa Catholic Charities.
Nhạc sĩ Cung Tiến